Một số sinh viên ở Fullerton phát hành tập san ghi lại nhiều điều về chuyến đi Việt Nam, có việc chính phủ làm khó tình nguyện viên nước ngoài.
Một số sinh viên báo chí trường Cal State Fullerton vừa phát hành tập san đặc biệt ghi lại những điều nghe, thấy được trong chuyến đi đến Việt Nam do giáo sư Jeffrey Brody dẫn đầu. Phim, hình ảnh, bài báo từ tập san này vừa được triển lãm tại trường vào Thứ Ba, 23 Tháng Tư.
Một số sinh viên ở Fullerton phát hành tập san ghi lại nhiều điều về chuyến đi Việt Nam, có việc chính phủ làm khó tình nguyện viên nước ngoài. (Hình: Thiên An/NV)
Chuyến đi của các sinh viên trên thuộc chương trình Vietnam Project, do giáo sư Jeffrey Brody mở ra nhằm giúp các em tập làm quen với môi trường thực tế bên ngoài nước Mỹ, cụ thể là các vùng đất nghèo ở Việt Nam. Sinh viên theo chân nhóm tình nguyện viên Project Vietnam của Bác sĩ Quỳnh Kiều đến các trạm y tế, hoặc len lỏi trong các con hẻm Sài Gòn để lấy tin.
Tập san Vietnam Special Report 2013 ghi lại rõ nét việc chính phủ Việt Nam làm khó nhóm y tế tình nguyện Project Vietnam, không để họ tự do dù là làm việc thiện nguyện. Bản thân các sinh viên cũng bị chính quyền địa phương làm áp lực phải ngưng quay phim, phần tin này sẽ được đăng tải trên trang mạng riêng của nhóm trong thời gian sắp tới.
Trở lại với cuốn tập san, dù là dưới dạng bút ký trong bài “A First-hand Experience” hay một bài tường thuật như “Bracing for the Pain,” các em đều đề cập đến tâm trạng của các tình nguyện viên trong nhóm Project Vietnam, cũng là của chính các em, khi phải đối diện với sự khó dễ của nhà cầm quyền tại Việt Nam. Với nhiều em, lần đầu tiên thấy cách chính phủ Việt Nam xử lý với các hội đoàn nước ngoài, nói là “bị sốc”, “không hiểu nổi họ.”
“Mọi người bắt đầu mất bình tĩnh. Tôi có thể thấy sự hoài nghi trong mắt họ,” Vanessa Martinez ghi lại từng chi tiết mình trải qua vào ngày Thứ Ba của tuần đầu tiên theo chân Project Vietnam, trong bài A First-hand Experience (Kinh nghiệm lần đầu). Cô Vanessa viết:
“Sáng sớm Thứ Ba, các tình nguyện viên, trong đồng phục áo thun polo xanh da trời, lại tụ tập ở phòng ăn của khách sạn.
Bà Kiều, và ông Tom Trần, một thành viên quản trị, đứng đầu nhóm nha sĩ, thông báo rằng họ và một số người nữa sẽ gặp mặt chính quyền địa phương để hoàn tất thủ tục.
***
Hai giờ sau, vẫn chưa thấy bà Kiều, ông Trần, hay bất kỳ ai về. Mọi người bắt đầu mất bình tĩnh…
***
Tới giờ trưa, bà Kiều và ông Trần xuất hiện trước nhóm tình nguyện viên. Tôi nhìn quanh và thấy nhiều tình nguyện viên không mặc áo đồng phục nữa.
Tin cuối cùng cũng được xác nhận: nhóm không làm việc vào hôm nay.
Bằng một giọng nói căng thẳng, ông Trần nói với tình nguyện viên là chính quyền địa phương từ chối đơn của nhóm xin được làm y tế thiện nguyện ở Nha Trang.
Im lặng bao trùm. Mọi cặp mắt hướng về hai con người kia.
Bà Kiều và ông Trần đưa ra ‘phương án B.’ Phương án này là mọi người sẽ làm thiện nguyện tại các chùa, mỗi nhóm một vài người, đi riêng lẻ từng nhóm một.
Hai người nói xong, đám đông còn lại bắt đầu thì thào với nhau, ồn dần khắp căn phòng.
Một số tình nguyện viên biểu lộ sự thất vọng và giận dữ với chính quyền. Một số khác, những người Việt Nam lớn tuổi hơn, có vẻ bị tổn thương. Tôi thấy nước mắt họ chảy ra.
Một số khác nữa, trong đó có tôi, không nói gì cả. Tôi chỉ biết ngồi ra đó. Tôi thấy sốc.
Nguyên ngày hôm đó, tôi ngồi dọc hành lang với bạn bè và các tình nguyện viên. Ai cũng buồn vì cái tin kia. Không ai nói, cười, hay đùa giỡn. Mọi người lặng im.
Ông Trần nói sự can thiệp của chính quyền trong chuyến đi này là tệ nhất trong tám năm ông đi tình nguyện theo bà Kiều.
‘Đã chuẩn bị mọi thứ, vậy mà đến phút cuối họ đổi ý.’ Ông nói.
Dù mọi người trở nên bi quan, bà Kiều vẫn giữ nụ cười. Bà chưa bỏ cuộc. Bà nói đây không phải lần đầu tiên Project Vietnam bị chính quyền đẩy đi…”- trích A First-hand Experience.
Đó là một đoạn trong phần bút ký Vanessa ghi lại vào Thứ Ba, hai ngày sau khi nhóm Project Vietnam xin phép tiến hành công việc thiện nguyện, nhưng bất thành.
Một trong những bài báo nói về việc chính phủ làm khó tình nguyện viên nước ngoài. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Andrea Ayala, tác giả một bài báo khác có tên Bracing for the Pain, viết về tâm trạng của nhóm nha sĩ của Project Vietnam khi chờ đợi sự chấp thuận của chính quyền địa phương cho hoạt động của họ: “Sự căng thẳng bao trùm hành lang khách sạn. Chiến dịch thiện nguyện bị hủy bỏ hôm qua. Nếu bị hủy nữa thì là một tin thật xấu. Các thành viên ngồi trên các băng ghế dọc hành lang, vặn vẹo ngón tay, tự hỏi có nên lạc quan một lần nữa không…”- trích Bracing for the Pain.
Vào hôm sau, Thứ Tư, Project Vietnam cuối cùng “được cho phép” hoạt động ở trạm xá Cẩm Lai. Từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều hôm đó, khoảng 500 người được khám và phát thuốc. “Khi chúng tôi đến bệnh viện vào hôm sau (Thứ Năm), một hàng dài với 500 người đã đợi sẵn. Có người chờ từ 7 giờ sáng.” Vanessa viết. “Họ cười, vẫy tay, chào chúng tôi, bằng tiếng Việt nên tôi không thể đáp lại.”
Giáo sư Jeffrey Brody, người sáng lập chương trình thực tập Vietnam Project, cho biết: “Sinh viên chúng tôi học được nhiều bài học trong chuyến đi. Bài học lớn nhất là sự khác biệt giữa đời sống trong xã hội dân chủ và đời sống dưới chính quyền độc tài. Dù Việt Nam cố gắng tự do hóa nền kinh tế, nó vẫn là một xứ công an trị.”
Các sinh viên – phóng viên ảnh David Le, Madeleine Skains, và Sima Sarraf cũng gặp phải sự trở ngại lớn khi muốn thu hình, chụp ảnh về đời sống của một người dân thường.
Theo lời Giáo sư Jeffrey Broody kể trong lá thư chủ nhiệm, các em này muốn ghi lại hình ảnh đời thường của một gia đình nghèo ở Sài Gòn. Các em làm quen với một bà ngoại bán hàng rong. Bà sống chung với các cháu trong một con hẻm nhỏ, nhiều cháu phải ngủ ở ngoài cửa vì nhà quá nhỏ. Khi các em bắt đầu lôi đạo cụ để chụp, quay hình, công an lập tức đến đòi xem tên tuổi, giấy tờ. Không muốn bị bắt và tịch thu tác phẩm, các em cố làm thật nhanh rồi rời đi.
“Bài học lớn nhất cho các sinh viên từ chuyến đi này là sự quan trọng của tự do, tự do báo chí, tự do xã hội.” Ông Jeffrey Broody kết luận.
Theo Người Việt