Audio phỏng vấn bà Dương Thị Tân
Hôm
nay 20/07/2013 sau khi lặn lội đến trại giam ở Nghệ An và chờ đợi suốt
một ngày từ sáng sớm đến cuối buổi chiều, bà Dương Thị Tân vẫn không
được cho tiếp xúc với chồng là ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày,
đã tuyệt thực đến hôm nay là ngày thứ 28.
Chỉ có con trai bà Dương Thị Tân là
Nguyễn Trí Dũng được gặp cha trong vòng 5 phút. Điếu Cày sức khỏe rất
suy kiệt, cho biết ông tuyệt thực để phản đối lệnh biệt giam ba tháng vì
ông không chịu ký vào bản nhận tội, và sẽ tiếp tục tuyệt thực để đòi
công lý cho dù có phải chết.
Vừa từ trại giam số 6, xã Hạnh Lâm,
huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An về được hai phút, bà Dương Thị Tân cho
RFI Việt ngữ biết như sau:
Tôi lặn lội gần hai ngàn cây số để đến
được đất Thanh Chương, Nghệ An, mà ngày 16 họ cũng đành đoạn để mẹ con
tôi chờ hơn bốn tiếng đồng hồ ở ngoài cổng, sau đó họ đuổi về. Đến ngày
hôm nay tôi chờ từ 9 giờ sáng cho đến tận 4 giờ chiều. Họ cũng giả vờ
cho tôi qua cái cổng đấy. Mọi hôm thì họ để tôi đứng ở ngoài, nhưng hôm
nay trời mưa rất là to. Tôi nghĩ là họ cho hai mẹ con tôi vào, nhưng tôi
đâu biết là vào trong có một cái phòng làm việc, họ giam lỏng tôi ở
đấy. Họ giải thích vòng vo việc này việc nọ, xong họ đi ra ngoài.
Chỉ có
một mình cháu Dũng, tức con trai tôi được vào thăm bố, mà thời gian thì
cũng không lâu. Tôi nghĩ là tối đa được 5 phút, vì tôi ngồi đấy với hai
người kia được khoảng 15 phút thì tôi đã thấy con tôi ra rồi, mà từ cái
chỗ cháu vào gặp bố cháu là đi khoảng một cây số.
Từ hôm 16 đến giờ thì họ giở ra rất
nhiều trò để bưng bít những thông tin về việc ông Hải tuyệt thực. Cho
nên khi vào gặp thì bố cháu nói ngay là, cuộc gặp này sẽ rất ngắn, nên
con lắng nghe bố đây – mặc dù sức khỏe rất yếu, ông nói với giọng nói
thều thào thôi. Chắc cô biết là khi một người tuyệt thực tới gần ba chục
ngày thì đâu còn sức lực nữa.
Anh nói là, bố tuyệt thực vì một cái
quyết định biệt giam ba tháng. Lý do là không ký vào bản nhận tội mà họ
đưa cho. Tôi xin nhắc lại là việc nhận tội hay không nhận tội thì tòa án
đã kết tội ông Hải, và tất cả những việc đó là của tòa án chứ không
phải của công an trại giam. Bây giờ ông Hải là người đi thi hành án thì
không có nghĩa là bắt ông một lần nữa lại nhận tội, khi vụ việc đã được
xét xử công khai – theo như người ta nói. Thế nhưng đến giờ này họ vẫn
ép buộc ông Hải ký vào cái bản nhận tội, mục đích là như thế nào thì tôi
nghĩ công luận thừa sức để phán xét.
Ông Hải không ký thì họ ra một quyết
định biệt giam ba tháng. Trong khi quy định của Bộ Công an thì không có
biệt giam nào tới ba tháng. Mỗi một lần bị kỷ luật phải biệt giam thì
không quá mười ngày, và những trường hợp bị biệt giam hoặc là có bệnh
truyền nhiễm, hoặc là vi phạm kỷ luật nhiều lần, lặp đi lặp lại, và một
lý do gì đó nữa mà tôi không thể nhớ để viện dẫn ra đây.
Nhưng ông Hải mới về trại giam này có
hơn hai tháng, từ 26/4 cho đến hôm nay – gần ba tháng – thì làm sao có
thể vi phạm tái đi tái lại nhiều lần ? Mà ông cũng không có bệnh truyền
nhiễm để người ta có thể biệt giam ông. Lệnh biệt giam ba tháng cũng
hoàn toàn trái với luật pháp, trái với quy định, mà luật pháp và những
quy định do họ đề ra là của họ chứ chúng tôi cũng không tự vẽ ra được.
Khi ông Hải nói đến đấy thì họ cắt, họ ồn ào nói là « Ông Hải không tuyệt thực, Ông Hải không tuyệt thực ! ». Nhưng ông Hải vẫn kiên quyết nói là « Bố tuyệt thực »
– mặc dù giọng nói yếu ớt nhưng cực kỳ kiên quyết. Ông nói là đơn ông
đã gởi lên Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An ngày 24/6, tức là cách
nay đã gần một tháng rồi, nhưng không thấy phản hồi. Ông chỉ còn cách
phản kháng duy nhất là tuyệt thực.
Và trước khi đứng lên ông nói rõ với
con ông là bố sẽ vẫn thực hiện việc tuyệt thực này cho đến khi có phản
hồi chính thức từ Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An. Nếu họ không đáp ứng, bố
sẵn sàng chết chứ không thay đổi quyết định.
Mặc dù cháu rất là đau xót khi thấy cái
tình cảnh của bố cháu như thế, cháu nói là bố phải nghĩ đến sức khỏe
của mình. Nhưng ông Hải thì tôi nghĩ là chắc tất cả bạn bè cũng như
người Việt gần xa đều biết tính cách của con người đó. Ông vô cùng cương
trực và sẵn sàng thực hiện ý định của mình, khi biết việc này là đúng
đắn.
Câu nói cuối cùng của ông Hải là, con
nói với mọi người, với mẹ con, bố sẽ vẫn tiếp tục việc tuyệt thực nếu
không có phản hồi của Viện Kiểm sát Nghệ An. Có thể là bố sẽ phải chết,
nhưng bố sẽ không từ bỏ quyết định này. Đấy là toàn bộ những gì cháu
thuật lại, và trong vòng năm phút ấy thì chỉ có bố cháu nói thôi.
Cháu cố gắng lắng nghe, nhưng khi ông
Hải nói, tiếng nói thì rất yếu ớt nhưng xung quanh ông bốn người công an
liên tục la hét, thậm chí nói lớn để át đi cho cháu khỏi nghe, cháu
phải áp tai vào. Và bên cạnh ông Hải có hai tù nhân khác luôn luôn trừng
mắt để hăm dọa con trai tôi.
Tôi không hiểu quy định nào cho phép tù
nhân canh giữ tù nhân. Việc canh giữ, giám sát thăm gặp là của cán bộ
quản giáo chứ không phải của tù nhân. Lại một lần nữa họ vi phạm quy
định của chính ngành công an của họ.
Xin nói một điều nữa là sức khỏe của
ông Hải đang gần cạn kiệt. Ông ngồi không thể thẳng người lên được, hai
tay ông phải chống để đỡ lấy cái đầu. Con trai tôi khi đi ra, câu đầu
tiên nói với tôi là : « Con không nhận ra bố con, mẹ ơi ! ». Hai hàng nước mắt cháu rưng rưng. Ông hoàn toàn khác hẳn sau 28 ngày tuyệt thực – ngày hôm nay là đúng 28 ngày.
Tính mạng ông Hải đã nguy hiểm. Nguy
hiểm đến mức con tôi lúc bấy giờ ra cũng không thể nói được. Tôi vừa
dừng chân khoảng hai phút thôi thì cô gọi đó.
Tôi mong mỏi mọi người hãy cùng gia
đình tôi lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ mạng sống của ông Hải. Tù nhân
lương tâm Nguyễn Văn Hải luôn luôn bị phân biệt đối xử, hành hạ rất dã
man về thể chất cũng như tinh thần. Đây là trại giam thứ mười mà ông Hải
phải đi đến, và ở trại giam nào cũng luôn luôn có bộ phận riêng biệt
đàn áp ông Hải.
Nguồn: RFI – Việt ngữ
Detroit là thành phố lớn nhất nước Mỹ từng xin phá sản, với số nợ ít nhất 15 tỷ đôla.
Thành phố một thời là biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Hoa Kỳ nay đang làm thủ tục xin được bảo hộ trước các chủ nợ, bao gồm cả nhân viên chính quyền và các quỹ hưu trí.
Ngành công nghiệp nặng đã trải qua nhiều thập niên đi xuống.
Phóng viên BBC Jonny Dymond tại Washington nói các dịch vụ công cộng đang trong tình trạng sắp sập và khoảng 70.000 bất động sản bị bỏ hoang.
Tuy nhiên, Thị trưởng Dave Bing đã cam kết tiếp tục duy trì các dịch vụ công cộng và trả lương cho nhân viên.
Hôm thứ Năm 18/7, ông Kevyn Orr, người được bang Michigan bổ nhiệm để giải quyết tình trạng khẩn cấp đã yêu cầu một thẩm phán liên bang cho phép bảo hộ phá sản đối với Detroit.
Nếu được, ông sẽ có quyền bán tài sản của thành phố để trả nợ.
Detroit - được biết với danh hiệu Motor City vì có công nghiệp sản xuất xe hơi một thời lừng lẫy, tháng trước đã phải ngừng trả các khoản nợ không có bảo đảm trong khi quá trình thương lượng với chủ nợ diễn ra.
Tháng trước, Kevyn Orr đề xuất trả 10 cent cho mỗi đôla mà thành phố đang nợ.
Thế nhưng hai quỹ hưu trí đại diện cho nhân viên thành phố đã nghỉ hưu không chấp thuận đề xuất này.
'Không có lựa chọn'
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm 18/7, ông Orr nói rằng nộp đơn xin phá sản là "bước đi đầu tiên trong quá trình khôi phục thành phố".
"Tuyên bố phá sản là bước đi đầu tiên trong quá trình khôi phục thành phố"
Thị trưởng Detroit Dave Bing nói người dân cần có bước khởi đầu mới.
Ông thị trưởng cũng tìm cách trấn an người dân rằng thành phố vẫn tiếp tục hoạt động và các hóa đơn sẽ vẫn được thay toán dù xin phá sản.
Thống đốc bang Michigan Rick Snyder, thuộc đảng Cộng hòa, thì viết trong một lá thư rằng ông chuẩn thuận yêu cầu nộp đơn xin phá sản,
Ông thống đốc viết: " Chỉ có con đường này để thoát hiểm."
"Chỉ có một con đường là tái cơ cấu toàn diện thành phố và cho phép nó được tái tạo mà không phải chịu gánh nặng của các bổn phận không thể thực thi."
Trong khi đó, Nhà Trắng nói đang theo dõi các diễn biến ở Detroit một cách chặt chẽ.
Các phân tích gia cho hay đang có quan ngại rằng các doanh nghiệp sẽ từ bỏ Detroit.
Thế nhưng tập đoàn xe hơi General Motors tuyên bố sẽ không có ảnh hưởng gì tới hoạt động của mình.
Detroit đã gặp nhiều khó khăn tài chính trong thời gian gần đây, vốn có nhiều nguyên nhân trong đó có tình trạng dân số thu hẹp. Trong các năm 2000-2010, dân số thành phố giảm tới 250.000 người vì người dân chuyển đi nơi khác.
Chính quyền thành phố cũng bị ảnh hưởng của một loạt bê bối tham nhũng.
Năm 2012, ba thành phố ở bang California là Stockton, Mammoth Lakes và San Bernardino đã xin phá sản.
Trước đó, năm 2011, thành phố Harrisburg ở Pennsylvania đã tìm cách nộp đơn nhưng không được chấp thuận.