Cập nhật lúc 16:24, 20/07/2013
Bà Rịa– Vũng Tàu: ’Lọc’ học sinh lớp 1 bằng… sổ đỏ?
(ĐVO) – Trong khi dư luận đang quan tâm tới việc Hà Nội hợp thức phân biệt giàu nghèo qua học phí tại trường công thì Bà Rịa – Vùng Tàu quyết định lọc học sinh được xét tuyển vào lớp 1 bằng... sổ đỏ.
Báo Tiền phong ngày 20/7 có bài phản ánh trường hợp ở phường 9 (TP Vũng Tàu) cần phải dùng đến sổ đỏ để xét tuyển vào lớp 1.
Theo chỉ tiêu, chỉ có 50 em được học trường Trưng Vương và 150 em vào học trường Quang Trung. Vì vậy, muốn được vào học, ngoài giấy khai sinh, hộ khẩu, các giấy tờ ưu tiên, điều kiện tiên quyết được in đậm là phụ huynh phải có giấy tờ nhà đất (Sổ đỏ).
Phụ huynh Đinh Văn Châu, trưng ra một đống giấy tờ nhưng chủ quyền sổ đỏ lại là của anh trai nên không đủ điều kiện cho con nhập học. Ảnh: Phạm Hùng. |
Đáp ứng các thủ tục trên, UBND phường cùng với các tổ dân phố khẩn trương rà soát có 222/343 học sinh có sổ đỏ đủ điều kiện nhập học đợt 1.
Tới chiều ngày 18/7, có thêm 72 em học sinh ở phường 9, TP Vũng Tàu có danh sách nhập học ở hai trường Trưng Vương và Quang Trung. Theo lãnh đạo UBND phường 9, vẫn còn 47 em học sinh không có sổ đỏ hoặc mới về cư trú tại phường thuộc diện “dôi dư’’, dự kiến được đưa về trường Thắng Nhì thuộc phường Thắng Nhì (TP Vũng Tàu) xa khoảng 2-3km để học lớp 1.
Anh Đinh Văn Châu, SN 1970 là phụ huynh của em Đinh Việt Hà, SN 2007 có phiếu báo nhập học vào trường tiểu học Quang Trung nhưng bị trường này từ chối chủ quyền sổ đỏ mang tên anh trai. Anh Châu lôi ra một đống giấy tờ chứng minh cư trú ở phường 9 lâu năm và anh trai cho ở nhờ nhà, nhưng nguyên tắc vẫn là nguyên tắc, con anh không đủ điều kiện nhập học
Trường hợp của anh Nguyễn Hoài Nam, SN 1970, trú E1, Lương Thế Vinh, phường 9, phụ huynh của em Nguyễn Hoài Việt Anh, SN 2007 lại khác. Sổ đỏ của anh nằm trong ngân hàng không lấy ra được, nên anh phải đấu tranh khá “quyết liệt’’, cuối cùng trường Quang Trung cũng “linh động’’ cho con anh đủ điều kiện nhập học.
Trả lời trước cách làm này, Hiệu phó trường Quang Trung- cô Nguyễn Thị Hồng Vân thừa nhận: Phụ huynh lo lắng bức xúc là có lý do. Trường tuyển sinh theo chỉ đạo phân tuyến, chỉ tiêu thì ít mà số học sinh ở phường 9 dự tuyển quá lớn, nên trên chỉ đạo phải áp dụng các biện pháp “lọc’’.
Giấy báo nhập học ghi rõ phải mang theo Bản photo sở hữu nhà ở của bố mẹ |
Thời gian qua, dư luận cũng đang quan tâm tới sự việc Hà Nội tiến hành phân loại chất lượng dạy và học ngay trong trường công qua học phí.
Theo Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội được HĐND TP.Hà Nội thông qua sáng 6/7, trong năm học 2013-2014, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội được quy định là 2.900.000 đồng, trường THCS và PTTH là 3.000.000 đồng.
Theo đó, ngoài cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện đại, hiệu trưởng các trường chất lượng cao hàng năm phải xây dựng chương trình giảng dạy chất lượng cao vượt so với chương trình chuẩn trình lên cơ quan chuyên môn để thẩm định. Ví dụ như, tăng cường số tiết học, tăng cường kỹ năng rèn luyện về cả kiến thức và kỹ năng sống, có quyền thuê giáo viên nước ngoài vào trường tham gia giảng dạy. Nhìn chung, chương trình giảng dạy của các trường chất lượng cao sẽ tốt hơn nhiều so với các trường khác.
Tuy nhiên, dự thảo này khiến dư luận lo ngại sẽ xảy ra tình trạng lớp tư trong trường công, tạo sự phân hóa lớn giữa các học sinh.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thẳng thắn: “Ngay từ đầu, khi nghe về thông tư tôi đã cho rằng nó sai từ gốc và không nên được áp dụng trong hệ thống giáo dục ở nước ta. Vì nó tạo ra nhiều điều bất lợi cho môi trường giáo dục.
Bất lợi lớn nhất đó chính là tạo ra các tầng đẳng cấp trong cùng một ngôi trường, khiến cho học sinh cũng tự phân biệt giàu nghèo, tự ti, coi thường bạn học khác.”
Minh Tú (Tổng hợp ĐVO, TPO)