THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 August 2011

BBC: 'Mỹ giật dây biểu tình ở Hà Nội'

Cập nhật: 09:39 GMT - thứ tư, 24 tháng 8, 2011

Biểu tình chống TQ hôm 21/08 tại Hà Nội

Đã có 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội

Báo chí Trung Quốc vừa có bài bình luận về các cuộc biểu tình mới đây tại Hà Nội, cáo buộc Hoa Kỳ đứng đằng sau hoạt động này.

Tờ Thế giới Tân văn trong số ra tuần trước đăng bài viết tựa đề 'Ai kích động biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam' nói "sau các cuộc biểu tình là bóng dáng của Mỹ".

Bài báo mở đầu bằng mô tả cảnh tượng biểu tình hôm 14/08 ở Hồ Hoàn Kiếm ngay trung tâm thành phố, với 50-60 người cầm cờ và biểu ngữ 'Đả đảo Trung Quốc xâm lược'.

Người phiên dịch giải thích với khách du lịch Trung Quốc hiếu kỳ, rằng cuộc biểu tình "thực ra là chống chính phủ, chứ không phải chống Trung Quốc".

"Trong lúc tranh chấp Biển Đông đang tạm lắng xuống, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vẫn chưa chịu dừng và ngay tại chính trường Việt Nam cũng đang có những tiếng nói cứng rắn chống Trung Quốc".

Tuy nhiên, theo phân tích của Thế giới Tân văn thì nguyên nhân sâu xa của các "sóng gió" hiện thời là sự kết hợp giữa các nhân vật chống Trung Quốc và chống chính phủ ở trong nước, cộng thêm các thế lực đang muốn lật đổ chính quyền cộng sản Việt Nam ở nước ngoài.

Tờ tuần báo trực thuộc Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) lược thuật lại một vài chi tiết liên quan biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, được nói là "diễn ra gần như mỗi Chủ nhật".

Áp lực của Mỹ

Báo này nói sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn có chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Sáu, trong đó hai bên "đạt đồng thuận" về định hướng dư luận, chính phủ Việt Nam đã mạnh dạn dẹp hai cuộc biểu tình và bắt giữ một số người tham gia.

Tuy nhiên, "do áp lực của Hoa Kỳ và quan ngại phản đối của dư luận trong nước, công an Việt Nam sau đó chỉ theo dõi chặt chứ không ra tay.

Chuyên gia về Việt Nam của CRI, ông Trần Mẫn Linh, nói với Thế giới Tân văn rằng một số người tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam là do các nhóm chống chính quyền Việt Nam của Việt kiều ở Mỹ và các nước phương Tây dẫn dắt, có sự hỗ trợ của 'thế lực Hoa Kỳ'.

"Một thành phần khác là các sinh viên, có tình cảm dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ và dễ bị kích động."

Các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng

Ba vị lãnh đạo được cho thuộc ba phe khác nhau trong quan hệ với Trung Quốc

Cũng theo ông Trần Mẫn Linh, nhóm biểu tình thứ ba là người về hưu, thực tế có cảm tình với Trung Quốc và bức xúc trước những căng thẳng giữa hai nước nên "tới để biểu lộ nguyện vọng" hòa hảo, nhưng bị hiểu lầm là chống Trung Quốc.

Sau khi đưa ra giả thuyết về thành phần tham gia biểu tình, tờ Thế giới Tân văn quay sang phân tích quan điểm của chính giới Việt Nam đối với Trung Quốc.

Báo này nói phát biểu mới đây của tân Chủ tịch Trương Tấn Sang, người vẫn được cho là ôn hòa, đã gây "quan ngại đặc biệt".

Hôm 11/08, trong khi tiếp xúc cử tri, ông Sang nói Việt Nam "không có chủ trương cho Trung Quốc vào khai thác bauxite" ở Tây Nguyên. Ông còn nói thêm rằng "vấn đề quốc phòng an ninh sẽ được đặc biệt chú ý khi đưa vào khai thác".

Chuyên gia về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đông Nam Á, Chu Hạo, nhận xét rằng tuyên bố nói trên của ông Trương Tấn Sang chỉ để "lấy phiếu" của cử tri. Theo chuyên gia này, ở Việt Nam quyền lợi dân tộc là điều không thể nhượng bộ và tối quan trọng đối với sinh mạng chính trị của các lãnh đạo cho dù quan điểm chính trị của họ như thế nào đi chăng nữa.

Việc Trung Quốc tham gia các dự án bauxite ở Tây Nguyên đã gặp nhiều phản đối trong dư luận, thế nhưng, theo Phó Giám đốc ban tiếng Việt của CRI Hoàng Vĩnh Tuyết, các dự án 'hợp tác' vẫn được tiếp tục vì phe thân Trung Quốc trong ban lãnh đạo Việt Nam vẫn thắng thế.

Phức tạp trên chính trường Việt

Ông Hoàng đưa ra một minh chứng là phe thân Trung Quốc mới đây đã chặn yêu cầu mang chủ đề Biển Đông ra bàn tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam.

Ông nói đây là đề xuất của phe thân Mỹ nhưng sau việc mang ra thảo luận đã bị ngăn chặn, thay vì đó là Quốc hội nghe báo cáo về Biển Đông do Bộ Ngoại giao trình bày và không có phần đặt câu hỏi.

Ông Hoàng Vĩnh Tuyết nhận định: "Từ đây có thể thấy, chính phủ Việt Nam hiện vẫn giữ quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, phe 'Bắc phương' (thân Trung Quốc) vẫn thắng thế".

Chuyên gia này phân tích rằng ở Việt Nam có ba phe: thân Mỹ, thân Trung Quốc và trung dung.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo ông Hoàng, thuộc phe 'Nam phương', tức thân Mỹ.

Chủ tịch Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được cho là thuộc phái trung dung.

"Ngoại trừ cuộc biểu tình lần đầu, các cuộc sau đều ít người tham gia, cho thấy ảnh hưởng xã hội của việc tuyên truyền chống chính quyền chưa lớn."

Chuyên gia về Việt Nam Chu Hạo

Trong khi đó, Tổng Bí thư Đảng CSVN đồng thời là cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thân thiện với Trung Quốc hơn, và phe 'Bắc phương' giữ vị thế quan trọng hơn trên chính trường Việt Nam.

Dù vậy, chuyên gia Chu Hạo cảnh báo rằng phe nào cũng sẽ không thể nhượng bộ về quyền lợi quốc gia và chủ quyền lãnh thổ. Ý thức về lãnh thổ đã ăn sâu vào người dân Việt Nam.

Từ đó, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng có một thế lực "vừa chống Việt Nam vừa chống Trung Quốc" đang tìm cách lợi dụng tình cảm dân tộc chủ nghĩa của người dân để gây bất ổn trong xã hội Việt Nam.

Tổ chức Việt kiều

Bài trên Thế giới Tân văn chỉ sang "các thế lực chống Trung Quốc" trong cộng đồng Việt kiều ở hải ngoại.

Hiện có hơn bốn triệu người Việt sinh sống ở Hoa Kỳ, báo này nói, và một số người bị Hoa Kỳ sử dụng như công cụ diễn biến hòa bình để chống lại Đảng CSVN.

"Mỗi năm Quốc hội Mỹ đều cấp tiền cho những kẻ này hoạt động."

Bài báo viết: "Những Việt kiều này trở về Việt Nam, lợi dụng sự bất mãn ở trong nước để kích động tinh thần chống nhà nước. Chúng đã lấy tranh chấp lãnh thổ Việt Trung, chống Trung Quốc làm chiêu bài để chống chính phủ".

Ông Hoàng Vĩnh Tuyết từ ban Việt ngữ CRI nói chính phủ Hà Nội cần cảnh giác với việc Hoa Kỳ sử dụng chủ đề Biển Đông để "giết hai con chim bằng một hòn đá": vừa chia rẽ quan hệ Trung-Việt, vừa gây bất ổn trong nước.

Chuyên gia Chu Hạo trong khi đó thì nói rằng tình hình chưa tới nỗi nghiêm trọng quá: "Ngoại trừ cuộc biểu tình lần đầu, các cuộc sau đều ít người tham gia, cho thấy ảnh hưởng xã hội của việc tuyên truyền chống chính quyền chưa lớn".

"Đặc biệt ở Hà Nội, người dân vẫn còn tình đồng cảm với Trung Quốc."

UBND TP HÀ NỘI LẠI RA THÔNG BÁO

Từ hôm 16 tháng 8, UBND TP Hà Nội đã ra cái Thông báo dưới đây. Thông báo có số má, có đối tượng, có nơi nhận và có cả một Phó Văn phòng UBND TP ký tên và chịu trách nhiệm hẳn hoi. 

Thông báo báo trước cả nửa tháng để người dân có đủ thời gian mua cờ mua gậy để treo.


Còn cái thông báo dưới đây thì khác hẳn, không số má, không đối tượng, không người nhận, không người ký, còn dấu chỉ là dấu treo. Thông báo ghi là do UBND Tp Hà Nội ban ra để áp dụng trên địa bàn Hà Nội, vậy mà Đài Truyền hình quốc gia cũng đưa tin lên bản tin Thời sự 19h để cả nước biết.

 
Không hiểu lần này, Thông báo của UBND TP Hà Nội về việc treo cờ Tổ quốc có được đưa lên Bản tin Thời sự 19h của VTV1 không?

Lạm phát tháng 8 tăng thấp nhất kể từ đầu năm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước chỉ tăng 0,93% nhờ sự giảm nhiệt đáng kể của nhóm hàng ăn – dịch vụ ăn uống.
> Chỉ số giá tiêu dùng tại Hà Nội / TP HCM

Tính chung từ đầu năm, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy lạm phát của cả nước đã tăng 15,68% so với thời điểm cuối năm 2010. So với cùng kỳ năm ngoái, mặt bằng giá hiện tại đã cao hơn 23,02%.

Diễn biến giá tiêu dùng từ đầu năm 2011. Nguồn: GSO
Diễn biến giá tiêu dùng từ đầu năm 2011. Nguồn: GSO

Sự giảm nhiệt của CPI tháng 8 có đóng góp đáng kể của khu vực hàng ăn và dịch vụ ăn uống khi chỉ tăng 1,35% (so với mức tăng 2,12% của tháng 7). Trong đó, lương thực tăng 0,46%, thực phẩm tăng 1,55% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,59%.

Ngoài hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giáo dục và hàng hóa dịch vụ khác là 2 nhóm có mức tăng giá trên 1% (lần lượt đạt 1,13% và 1,01%. Bưu chính viễn thông là nhóm duy nhất giảm giá so với tháng 7 (giảm 0,06%). 

Cũng trong tháng 8, vàng trên cả nước tăng trung bình 8,7%, trong khi đô tăng 0,26%. Tính chung từ đầu năm, 2 mặt hàng không có mặt trong rổ hàng hóa tính CPI này đã tăng giá lần lượt 38,76% và 9,91%.

Nhật Minh

Đà Nẵng siết cấp giấy tờ nhà đất

Đối với các dự án xây dựng biệt thự, vila, nhà liền kề để bán hoặc cho thuê, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ cấp giấy tờ nhà đất sau khi chủ đầu tư xây xong phần móng thay vì chỉ cần hoàn tất nghĩa vụ tài chính như trước đây.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản về về việc cấp Giấy chứng nhận và chuyển quyền sử dụng đất đối với các dự án phát triển đất ở trên địa bàn. Theo đó, đối với các dự án phát triển đất ở hoặc dự án khu phức hợp, thành phố sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ dự án khi nhà đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất và hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.

Trường hợp dự án được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo tiến độ nộp tiền sử dụng đất thì giấy tờ sẽ được cấp theo phân khu đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, thành phố chưa thực hiện cấp cho từng lô theo quy hoạch chi tiết.

Đối với các dự án xây dựng biệt thự, vila, nhà liền kề để bán hoặc cho thuê, thành phố sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi chủ đầu tư xây xong phần móng thay vì nộp chỉ tiền sử dụng đất và hoàn thành giải phóng mặt bằng như trước kia.

Tiêu chí "xây dựng xong phần móng" sẽ được Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất cụ thể dựa trên tiêu chí chỉ quản lý chủ đầu tư nhưng không hạn chế người mua, trình UBND thành phố xem xét, quyết định trong tháng 9.

Đối với trường hợp đất ở chia lô đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng lô nhưng chưa thi công hoàn chỉnh hạ tầng, UBND thành phố đồng ý về nguyên tắc việc chỉ giải quyết thủ tục chuyển quyền sử dụng đất khi thi công hoàn chỉnh hạ tầng và xác định được cụ thể mốc giới, ranh giới lô đất ngoài thực địa.

Trước đây, nhiều dự án xây vila, nhà liền kề của Đà Nẵng chỉ cần nhận giấy phép đầu tư, giải phóng xong mặt bằng ,nhận giấy phép đầu tư, nộp tiền sử dụng đất là được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Xong nhiều nhà đầu tư sau khi được cấp giấy chứng nhận đã phân lô bán nền, thậm chí có trường hợp còn thay đỏi cả quy hoạch 1/500. Quy định chỉ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chủ đầu tư đã hoàn thành phần móng ra đời để hạn chế tình trạng trên.

Hoàng Lan

Xe công dùng vào việc tư có thể bị phạt tới 15 triệu đồng

Ôtô công bị sử dụng vào mục đích cá nhân có thể bị phạt từ 5 triệu đồng tới 15 triệu đồng. Khung phạt này áp dụng đối với xe công có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.
>Bộ Tài chính than 7 năm chưa mua thêm xe công nào

Dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước đang được Bộ Tài chính hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ ngành.

Theo dự thảo, mức phạt đối với cá nhân sử dụng sai tài sản công có giá trị dưới 100 triệu đồng sẽ ở mức 1-5 triệu đồng. Đối với tài sản có giá trị trên 100 triệu đồng như ôtô công, mức phạt tăng dần lên 5-15 triệu đồng. Riêng trường hợp sử dụng trụ sở làm việc, vào mục đích cá nhân, mức phạt lên tới 20-30 triệu đồng.

Ngoài các mức phạt trên, tùy theo mức độ, cơ quan tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Đồng thời, cá nhân, đơn vị sử dụng sai tài sản công có thể bị thu hồi vật dụng hoặc tạm dừng thanh toán các khoản chi phí liên quan đến đầu tư, xây dựng, mua sắm bảo dưỡng...

Cũng theo dự thảo nghị định, các trường hợp tự ý mua tài sản máy móc, trang thiết bị làm việc, ôtô có giá dưới 100 triệu đồng cũng bị phạt với mức dự kiến 1-5 triệu đồng. Mức phạt được nâng lên 5-10 triệu đồng đối với các tài sản có giá trị trên 100 triệu đồng và từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tài sản tự ý mua sắm là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp...

Dự thảo nghị định cũng đưa ra 3 mức phạt tương tự đối với các trường hợp mua sắm tài sản không đúng thẩm quyền.

So với các quy định hiện hành, khung phạt đối với các hành vi sử dụng xe công sai mục đích, hoặc tự tiện mua sắm được chỉnh sửa theo hướng tăng mức phạt, nhắm chấn chỉnh hiện tượng cá nhân, tổ chức sử dụng xe công, tài sản Nhà nước vào mục đích riêng như đi lễ chùa, mua sắm hay du xuân...

Theo số liệu của Bộ Tài chính trong tháng 7, hệ thống kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán 37 tỷ đồng của các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, do chưa chấp hành chế độ thu chi theo quy định.

Tính cả 7 tháng đầu năm, số chi thường xuyên mà hệ thống kho bạc kiểm soát đạt 208.000 tỷ đồng. Trong đó 24.500 khoản chi của 13.200 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định. Và trong 7 tháng, số tiền mà cơ quan này từ chối chưa thanh toán vào khoảng 199 tỷ đồng.

Hồng Anh

Hàng loạt 'chân voi' trên đường cao tốc Trung Lương

Các lỗ "chân voi", rãnh lún xuất hiện ngày càng dày đặc trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, đoạn qua tỉnh Long An. Cùng với đó, nhiều đoạn rào chắn bị ôtô ủi văng sau các vụ tai nạn nhưng chưa được thay thế.
>Rà soát biển báo trên đường cao tốc vì tai nạn tăng cao / Ổ gà, lún nứt trên đường nối cao tốc TP HCM - Trung Lương

Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương dài 62 km, có tổng vốn đầu tư toàn tuyến gần 10.000 tỷ đồng. Ngay khi được đưa vào sử dụng tháng 2/2010, đường đã có dấu hiệu lún và hiện những vết lún lộ rõ.
Đoạn qua tỉnh Long An, nhiều lỗ "chân voi" xuất hiện dày đặc. Nhiều ôtô đang chạy tốc độ cao khi gặp "ổ gà" phải ngoặt vôlăng tránh né rất nguy hiểm.
Các lỗ lún có đường kính 20 cm, sâu 7-10 cm.
Không chỉ ở giữa đường, các lỗ lún còn xuất hiện ở làn đường sát lề.
Sau những cơn mưa, nước đọng lại.
Đoạn đường với nhiểu ổ gà đã trở thành nỗi ám ảnh của các tài xế ôtô.
Trên tuyến đường này, kể từ khi đưa vào khai thác, hơn 2.000 vụ ôtô nổ lốp đã xảy ra.
Sau các vụ tai nạn, hành lang bảo vệ đường bị hư hỏng.
Nhiều đoạn rào chắn bị hư hỏng dài vài chục mét, tuy nhiên việc khắc phục vẫn chưa được tiến hành.
Khúc cua "tử thần" gần cuối đường cao tốc (địa phận Tiền Giang) thường xuyên xảy ra tai nạn. Một lần xe container đã lao thẳng vào rào chắn, bay xuống mương.
Đoạn rào chắn này đã bị xe ủi văng từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa. Hiện nay đơn vị thi công đã làm gờ giảm tốc độ, nhưng cánh tài xế cho biết rất lo ngại khi chạy tới khúc cua này.

An Nhơn


Bịt miệng cống để thi công, nhà dân ngập tới cổ

Do đơn vị thoát nước che lấp miệng cống trên nhánh kênh Ba Bò (TP HCM) để thi công nên sau cơn mưa lớn chiều 23/8 nhiều hộ dân tại quận Thủ Đức bị ngập sâu tới 1,5 m.

Dãy nhà trọ bị ngập sâu, bên trong đồ đạc bị nước cuốn trôi ngổn ngang. Ảnh: Hữu Công.

Anh Nguyễn Tiến Tài ở khu phố 5, phường Tam Bình (Thủ Đức) cho biết, cơn mưa bắt đầu lúc 16h và kéo dài đến tối. Khi thấy đoạn quốc lộ 1A trước chợ đầu mối nông sản Thủ Đức bị ngập 30-40 cm, anh Tài đã gọi báo cho Công ty công trình đô thị để họ xả miệng cống cho nước thoát bớt, nhưng nhân viên công ty chỉ đến xem rồi ra về. Vì thế tình trạng ngập càng gia tăng, chỗ sâu đến 1,5 m.

"Thường khi mưa lớn khu vực này cũng ngập nhưng không nặng như thế này. Cách đây 3 hôm công ty lấy bao cát chặn cả miệng cống lại, nước không thoát được nên mới gây ngập sâu đến thế", anh Tài bức xúc nói.

Miệng cống thoát nước bị đơn vị thi công chặn lại nên nước không thể thoát được. Ảnh:Hữu Công.

Đến 20h ngày 23/8, hàng chục hộ dân ven quốc lộ 1A, khu phố 5 phường Tam Bình chìm trong nước. Cách đó không xa, hàng chục hộ dân sống gần địa điểm nơi dự án hoàn thiện nút giao thông Gò Dưa cũng ngập sâu.

"Không còn gì cả, tủ lạnh, tivi, máy móc, giường chiếu... đều bị ngập hư hỏng hết rồi", anh Hòa ở tỉnh lộ 43 khu phố 5, phường Tam Bình cho hay. Một người đàn ông khác bức xúc: "Cả dãy phòng trọ nước ngập ngang tới cổ, tôi và mấy người trong khu trọ chị kịp thoát thân chứ không kịp mang đồ đạc gì".

Đến 21h cùng ngày, lực lượng dân quân tự vệ phường Tam Bình và các công an phải dùng phao cứu hộ để giải cứu những người còn bị kẹt trong các căn nhà ngập nước.

Đến 21h công an và dân phòng phường Tam Bình vẫn phải sơ tán người dân ở trong những ngôi nhà ngập nước. Ảnh: Hữu Công.

Miệng cống trên nhánh kênh Ba Bò bị chặn cũng làm cho khu vực xung quanh khu vực chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nước lênh láng. Còn trên quốc lộ 1A đoạn qua phường Tam Bình, nước ngập sâu cả bánh xe làm nhiều người bị ngã, xe tắt máy phải dắt bộ.

Cũng trong cơn mưa lớn chiều 23/8, nhiều tuyến đường tại TP HCM như Kha Vạn Cân, Bùi Hữu Nghĩa, Xô Viết Nghệ Tĩnh... bị ngâp sâu nửa mét. Giao thông rối loạn.

Hữu Công

Đôla chợ đen vượt 21.000 đồng

Ngân hàng Nhà nước hôm nay quyết định tăng tỷ giá liên ngân hàng thêm 10 đồng mỗi đôla, kéo giá mua bán tại các ngân hàng thương mại đồng loạt đắt lên. Đôla chợ đen cũng vượt mốc 21.000 đồng.
> Thử thách từ sốt giá vàng

Tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay được điều chỉnh lên 20.628 đồng một đôla thay vì mức 20.618 đồng duy trì nửa tháng qua. Đây là lần thứ hai từ đầu tháng, cơ quan này tăng tỷ giá. Hôm 9/8, cùng ngày công bố quyết định cho nhập khẩu 5 tấn vàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng tỷ giá liên ngân hàng thêm 10 đồng, lên 20.618 đồng một đôla.

Các ngân hàng thương mại không bỏ qua cơ hội tăng giá này, đẩy giá bán của mình lên kịch biên độ 1% cho phép. Vietcombank sáng nay báo giá mua 20.830 đồng, và bán ra 20.834 đồng một đôla. Biên độ giữa giá mua vào - bán ra vẫn để ở mức siêu hẹp: 4 đồng, cho thấy nhu cầu mua bán đang nóng.

Tỷ giá liên ngân hàng tăng đúng một ngày sau khi tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố nguồn cung ngoại tệ dồi dào, cán cân tổng thể của nền kinh tế có thể thặng dư 2,5-4,5 tỷ USD vào cuối năm. Ông cũng tiết lộ từ tháng 4 tới nay cơ quan này đã hút được 6 tỷ USD từ thị trường để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia và đủ để can thiệp thị trường khi cần thiết.

Tuy nhiên ông cũng thừa nhận tỷ giá có thể chịu sức ép nhất thời bởi diễn biến giá vàng, nhất là khi giá trong nước cao hơn nhiều so với thế giới kích thích thu cầu nhập khẩu vàng.

"Đã là nhập vàng thì nhu cầu ngoại tệ sẽ tăng lên, nếu nhập vàng qua đường chính thức thì mất ngoại tệ theo con đường chính thức, còn nếu nhập lậu thì làm cho đôla chợ đen lên giá. Điều đó có nghĩa là cung cầu đôla Mỹ sẽ thay đổi theo hướng gây áp lực cho tỷ giá, sẽ gây khó khăn cho điều hành kinh tế vĩ mô trong điều kiện hiện nay", ông nói.

Thị trường ngoại tệ tự do đã chạm mốc 21.000 đồng từ chiều qua và tới sáng nay, một số điểm thu đổi ở "phố ngoại tệ" Hà Trung đã chào bán với giá 21.020 đồng một đôla, trong khi mua vào 21.000 đồng. Còn tại Nguyễn Thái Học, giá mua vào thấp hơn, chỉ khoảng 20.990 đồng nhưng bán ra tới 21.030 đồng một đôla.

Nhiều chuyên gia cảnh báo tín hiệu căng thẳng tỷ giá đã bắt đầu lộ diện và nhu cầu nhập vàng chỉ là một nguyên nhân. Các hợp đồng vay ngoại tệ ngân hàng đầu năm giờ đang lần lượt đáo hạn, nhu cầu mua đôla để thanh toán nợ đang tăng.

Những tháng đầu năm, do lãi suất đôla thấp hơn nhiều so với tiền đồng, đã xuất hiện hiện tượng ồ ạt vay đôla bán ra lấy tiền đồng kinh doanh, khiến tín dụng ngoại tệ tăng hơn 20% và cao gấp nhiều lần tín dụng tiền đồng. Hiện tượng này khiến nguồn cung đôla những tháng đầu năm dồi dào, tỷ giá xuống thấp. Nhưng vào cuối năm các hợp đồng này đáo hạn, nhu cầu lại tăng lên, gây áp lực với tỷ giá.

Tuy nhiên, tỷ giá liên ngân hàng hiện nay vẫn thấp xa so với mốc kỳ lục 20.713 đồng hồi tháng 2 năm nay và cũng thấp hơn hẳn mức 20.693 đồng hôm 11/2, khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá 9,3% đồng thời thu hẹp biên độ từ 3% xuống còn 1%.

Song Linh

Chua xót mua vàng 'bình ổn' giá

Thực hiện lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp đã bán hàng nghìn lượng vàng giá "hữu nghị" trên 48,5 triệu đồng. Nhưng trớ trêu thay, đà tuột dốc trên thế giới có thể khiến những người mua hôm qua chịu thiệt hàng tỷ đồng.
> Giá vàng tuột dốc / Sốt giá vàng đe dọa nền kinh tế

Thị trường vàng đang mất cân xứng, một bên là số ít các doanh nghiệp nhập khẩu cùng các nhóm đầu cơ, làm giá, còn bên kia là số đông những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ phải chấp nhận mua bán theo giá do doanh nghiệp định ra.
Thị trường vàng đang mất cân xứng, một bên là số ít các doanh nghiệp nhập khẩu cùng các nhóm đầu cơ, làm giá, còn bên kia là số đông những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ phải chấp nhận mua bán theo giá do doanh nghiệp định ra. Ảnh: Hoàng Hà

Quota nhập khẩu đợt hai với số lượng vài tấn đã được Ngân hàng Nhà nước cấp cho doanh nghiệp từ chiều qua với điều kiện tích cực bán và kéo giá trong nước về sát thế giới. Tuy nhiên việc nghĩa cử của doanh nghiệp lại bị diễn biến thế giới làm lu mờ.

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hôm qua đã bán ra 9.500 lượng vàng với giá thấp hơn thị trường 200.000-300.000 đồng một lượng. Nhiều người dân và cả doanh nghiệp tư nhân đã tới xếp hàng tại các điểm giao dịch của SJC để mua cho được vàng giá rẻ. Hôm qua, lúc cao điểm giá SJC trên thị trường được các doanh nghiệp bán với giá trên 49 triệu đồng một lượng, nhưng giá bình ổn SJC bán ra chỉ khoảng 48,5-48,7 triệu đồng.

Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh SJC cho VnExpress biết việc bán vàng giá thấp được công ty triển khai theo trách nhiệm cam kết với Ngân hàng Nhà nước khi nhận quota nhập khẩu đợt hai. Ngoài cam kết tăng cường bán vàng, công ty luôn để giá bán ra của mình thấp bằng mức mua vào của các đơn vị khác trên thị trường.

"Sáng nay chúng tôi tiếp tục triển khai chương trình, lượng vàng đã bán ra đạt khoảng 4.000 lượng", ông Tường cho biết thêm.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, đơn vị đầu mối kinh doanh vàng miếng thương hiệu SJC tại khu vực Hà Nội và phía Bắc, cũng tham gia vào chương trình này. Chủ tịch DOJI Đỗ Minh Phú cho biết lượng vàng bán giá thấp chiều qua của tập đoàn vào khoảng 1.200 lượng (rẻ hơn thị trường 80.000-120.000 đồng mỗi lượng) và trong ngày hôm nay có thể bán thêm một lượng tương đương.

Theo ông Phú, khác với những lần nhận quota nhập khẩu trước đây, lần này ngoài việc tính toán để đảm bảo hoạt động kinh doanh của chính mình, doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm thu hẹp khoảng cách giá trong nước và thế giới.

"Chúng tôi đã cố gắng giảm giá nhiều hơn, bán nhiều hàng hơn để hạn chế tác động khuếch đại của thị trường thế giới đối với trong nước. Nhưng cũng rất khó để có thể nói rằng trách nhiệm đó của chúng tôi đã đủ để bình ổn giá cho thị trường hay chưa", ông Phú nói.

Đà tuột dốc của giá vàng thế giới chính là lý do khiến vị Chủ tịch DOJI trở nên khiêm tốn trước việc làm tưởng như rất nghĩa cử của doanh nghiệp mình cũng như các đồng nghiệp. Ông thừa nhận sẽ là chua chát với những người đi mua vàng "bình ổn giá" trưa hoặc chiều qua, khi giá rẻ nhất cũng vào khoảng 48,5 triệu đồng một lượng và khi cao cũng sát 49 triệu đồng. Nhưng tới sáng nay, sau đợt tụt giá tới gần 100 USD một ounce của thị trường thế giới, vàng SJC đã rơi thẳng xuống dưới 47,6 triệu đồng mỗi lượng.

Vô hình chung những người đi mua vàng bình ổn giá tưởng được rẻ hơn 100.000-200.000 đồng lại phải chịu thua thiệt trước mắt tới cả triệu đồng mỗi lượng.

Một doanh nghiệp quy mô lớn cũng tham gia chương trình do Ngân hàng Nhà nước phát động thậm chí còn nói thẳng mức giá gọi là bình ổn hôm qua vẫn còn quá cao. Khi các doanh nghiệp tích cực bán vàng ra chiều qua, giá thế giới bình quân khoảng 1.880 USD một ounce, tương đương 47,2 triệu đồng một lượng. Nếu tính cả chi phí vận chuyển, gia công, hao hụt, mức giá hòa vốn của doanh nghiệp cũng chỉ khoảng 47,6 triệu đồng.

"Không thể nói bình ổn giá khi khoảng cách giữa trong nước và thế giới vẫn vênh tới gần 1 triệu đồng như thế. Toàn bộ rủi ro của doanh nghiệp đã được đảm bảo bằng số quota nhập khẩu mà Ngân hàng Nhà nước vừa cấp", Tổng giám đốc doanh nghiệp này nói.

Trong lần đầu phát biểu trước lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí sáng qua trên cương vị tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình cho biết giá trong nước cao hơn thế giới quá 400.000 đồng một lượng là dấu hiệu của đầu cơ, làm giá.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng không phải ai cũng nhiều tiền đến mức phải vác cả bao tải đi mua vàng như thế này. Ông phỏng đoán có thể là chiêu của giới đầu cơ nhằm kích thích nhu cầu mua bán của người dân. Ảnh: Hoàng Hà
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng không phải ai cũng nhiều tiền đến mức phải vác cả bao tải đi mua vàng như thế này. Ông phỏng đoán có thể là chiêu của giới đầu cơ nhằm kích thích nhu cầu mua bán của người dân. Ảnh: Hoàng Hà

Chủ tịch DOJI Đỗ Minh Phú thừa nhận trong bối cảnh giá biến động, doanh nghiệp thường phải tính "dôi ra một chút". Mức dôi ra này lúc lớn nhất cũng phải ở 20 USD. Chẳng hạn nếu nhập giá 1.880 USD, doanh nghiệp phải cộng giá bán ra thêm 20 USD và trừ đi 20 USD để áp với giá mua vào, đảm bảo nhỡ thị trường diễn biến theo chiều nào doanh nghiệp cũng không bị lỗ.

"Cách tính như vậy thường được áp dụng khi thị trường biến động mà doanh nghiệp không được hỗ trợ bởi các nghiệp vụ bảo hiểm giá như giao dịch tài khoản ở nước ngoài, hoặc không được cấp phép nhập khẩu thường xuyên", ông Phú nói.

Nếu chỉ tính SJC và DOJI, lượng vàng bình ổn giá bán ra cho người dân hôm qua lên đến 11.000 lượng. Nếu chỉ nhìn ngắn hạn từ trưa qua tới hôm nay, những người mua vàng bình ổn giá đã chịu thiệt gần 10 tỷ đồng. Và, doanh nghiệp từ chỗ phải thực hiện trách nhiệm cao cả mà Ngân hàng Nhà nước giao phó bỗng chốc lại được chút hời.

Đến tận chiều nay, khoảng cách giữa giá thế giới và giá trong nước đã được bình ổn vẫn khá xa. Lúc 15h40, giá giao ngay trên bảng điện tử Kitco.com là 1.848 USD một ounce, tương đương 46,2 triệu đồng một lượng quy đổi theo giá đôla bán ra của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Tuy nhiên, giá vàng SJC công bố trên website của mình là 47,15 - 47,45 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra). Đại diện SJC xác nhận giá trên website là mức đã giảm theo chương trình bình ổn.

Theo nguồn tin của VnExpress.net, có 5 doanh nghiệp đầu mối được cấp quota nhập vàng, cùng với một số ngân hàng cổ phần khác. Tổng quota phát ra chiều qua xấp xỉ đợt một (hôm 9/8).

Ông Phú cho biết lượng hàng đặt sớm nhất vào tối qua cũng phải chờ 5 ngày mới về tới Việt Nam, bởi các nước trên thế giới cũng đang tích cực mua vàng, nên thời gian giao hàng chậm lại một hai ngày so với trước. Khi vàng về tới Việt Nam, các doanh nghiệp cũng phải chờ thêm ngót nghét một tuần để thuê SJC dập thành vàng miếng tiêu chuẩn trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Song Linh

Cơn sốt vàng và những thử thách đối với nền kinh tế

Không tác động trực tiếp vào mặt bằng giá cũng như sản xuất kinh doanh, nhưng sự sôi động bất thường của thị trường vàng những ngày qua có thể để lại hệ quả khó lường với kinh tế xã hội.
> Thị trường vàng xuất hiện cảnh 2 giá
> Nỗi đau mang tên vàng

Có dấu hiệu hạ nhiệt kể từ chiều 23/8 nhưng hồi kết của cơn sốt vàng vẫn là điều mà chưa ai dám dự báo. Tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình sau thời gian kín tiếng đã phải xuất hiện trước đại diện các cơ quan thông tấn sáng 23/8 cùng với tài hùng biện hơn người của mình để trấn an dư luận về khả năng điều tiết thị trường của Ngân hàng Nhà nước.

Clip: Thống đốc Nguyễn Văn Bình phân tích về ảnh hưởng của cơn sốt vàng tới kinh tế vĩ mô
Cơn sốt vàng đã khuynh đảo thị trường tài chính những ngày qua. Ảnh: Hoàng Hà
Cơn sốt vàng đã khuynh đảo thị trường tài chính những ngày qua. Ảnh: Hoàng Hà

Ông thừa nhận nếu sốt giá tiếp tục kéo dài và thu hút sự quan tâm ngày một lớn của dân cư sẽ khiến lượng vốn dùng để sản xuất kinh doanh nằm chết trong vàng, đồng thời đe dọa tới sự ổn định tỷ giá và hệ quả cuối cùng là gây khó khăn cho điều hành kinh tế vĩ mô.

"Tôi khẳng định giá vàng tăng cao có ảnh hưởng tới điều hành kinh tế vĩ mô trong những thời điểm nhất định trong năm, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và kiềm chế của nhà nước", ông Bình khẳng định.

Cơ sở để vị đứng đầu ngành ngân hàng tin tưởng như vậy chính là cán cân thanh toán tổng thể dự báo thặng dư 2,5-4,5 tỷ USD vào cuối năm nay, nhập siêu đang giảm dần và nguồn dự trữ ngoại hối tăng lên đáng kể thời gian qua (từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước mua 6 tỷ USD).

Hơn nữa, ông tin cơn sốt vàng chưa ảnh hưởng nhiều tới dân chúng, bởi theo ông trong đám đông xếp hàng trước các cửa hàng vàng mấy ngày qua rất ít người mua bằng tiền túi của mình, mà chủ yếu là quân đen quân đỏ của những kẻ đầu cơ, làm giá.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia kinh tế nào cũng chia sẻ niềm lạc quan như tân Thống đốc.

"Nếu nhìn về số học, dòng người xếp hàng trước các cửa hàng cho dù đông đến đâu cũng không thể so với gần 90 triệu dân Việt Nam, nhưng tác động tâm lý của nó thật ghê gớm", Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương nói.

Ông không giấu nỗi buồn khi thấy các bà nội trợ đau khổ vì giá rau muống đắt thêm vài nghìn đồng mỗi mớ nhưng vẫn hào hứng bàn chuyện mua bán vàng với giá 48-49 triệu đồng một lượng.

Theo vị chuyên gia này, phần đông những người mua vàng thời gian qua chủ yếu là đầu cơ lướt sóng ngắn hạn để kiếm lợi nhuận cao nhất thời. Nhưng trong số này không loại trừ những trường hợp rút tiết kiệm ra mua, gây ảnh hưởng xấu tới thanh khoản của hệ thống ngân hàng vốn chưa hết khó khăn.

"Các nhà băng có thể thiếu vốn cục bộ. Hệ quả là họ có thể tiếp tục phải nâng lãi suất lên cao để giữ chân khách hàng trong khi chúng ta đang mong muốn ổn định lãi suất", ông Thành lo ngại.

Ngoài ra, khi nhu cầu mua gom vàng tăng cao, nguồn cung trong nước thiếu, Tiến sĩ Thành cho rằng ngân hàng và doanh nghiệp sẽ lại phải dùng đôla để đi nhập khẩu. Tỷ giá khi đó sẽ chịu nhiều áp lực.

"Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam vốn mong manh vì kinh tế khó khăn, giờ lại chịu thêm tác động của giá vàng. Yếu tố này cũng sẽ đè nặng áp lực lên lạm phát", Phó viện trưởng Thành nhận định.

Ngoài những rủi ro nêu trên, điều khiến chuyên gia lo ngại hơn cả là những hệ quả về mặt xã hội có thể để lại sau những ngày mà nhà đầu tư quay cuồng với cơn lốc vàng: "Các ngành sản xuất kinh doanh thì thiếu vốn, nhưng tiền trong dân lại nằm chết với vàng, không tạo ra một đồng GDP nào cho xã hội", Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận xét.

Nhiều chuyên gia lo ngại về hệ quả xã hội có thể để lại sau cơn sốt vàng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Nhiều chuyên gia lo ngại về hệ quả xã hội có thể để lại sau cơn sốt vàng. Ảnh minh họa:Hoàng Hà

Là một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về giá, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho biết giá vàng dù có tăng cao bao nhiêu cũng không tác động trực tiếp đến lạm phát, do không được tính trong rổ hàng hóa tính CPI. Tuy nhiên, cùng chung quan điểm với Tiến sĩ Võ Trí Thành, ông Ánh cho rằng ảnh hưởng gián tiếp của cơn sốt vàng hiện nay đến kinh tế thực là khó đo đếm.

"Muốn tính toán được ảnh hưởng gián tiếp thì phải phân tích được nó trên tổng lượng tiền. Chẳng hạn, người ta có rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng không? Tiền đó có quay lại nhà băng không? Hay là nằm lại trong lưu thông rồi gây ra lạm phát. Những con số này hiện rất khó để có và kiểm chứng được", ông Ánh phân tích.

Giao dịch vàng tại các doanh nghiệp vàng quy mô lớn như SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý hay DOJI thời gian qua cũng lên tới trên dưới 10.000 lượng mỗi ngày. Tính chung cả đợt sốt từ đầu tháng 8, số vốn đổ vào vàng cũng ngót nghét hàng nghìn tỷ đồng.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng vòng xoáy của vàng ở thời điểm hiện tại đang hút một lượng lớn vốn khỏi các kênh khác như bất động sản, chứng khoán và ngay cả các hoạt động sản xuất đang trầy trật vì thiếu vốn.

Các chuyên gia và doanh nghiệp thời gian qua luôn kêu gọi người dân thận trọng với diễn biến giá vàng. Theo quan điểm của Tiến sĩ Trần Du Lịch giá vàng thế giới đang biến động mạnh nên rủi ro rất cao. "Sự trồi sụt mạnh của giá vàng đem theo những rủi ro rất lớn cho cá nhân, tổ chức mua bán vàng với mục đích đầu cơ", ông Lịch nhấn mạnh.

Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI - Đỗ Minh Phú cũng cho rằng nhà đầu tư, tốt nhất là không nên chạy theo giá vàng trong thời điểm hiện nay. "Diễn biến giá vàng hiện đã hoàn toàn khác so với trước. Nếu như trước đây người ta dễ phân tích về xu hướng trung, dài hạn, và khó đoán trong ngắn hạn. Nay thì trong ngắn hạn ai cũng thấy giá tăng, còn trung hạn lại thấy rất rủi ro", ông Phú nói.

Ngoài các biện pháp bình ổn thị trường trước mắt như cho nhập vàng và bán vàng để can thiệp, Ngân hàng Nhà nước đã tính tới bài toán tổng thể, trong đó có cả việc thay mặt nhà nước huy động vàng trong dân. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm phụ tá cho người tiền nhiệm Nguyễn Văn Giàu điều hành thị trường vàng, hơn ai hết Thống đốc Bình hiểu rằng các giải pháp này không phải là phép nhiệm màu có thể giải quyết hết khó khăn, phức tạp của thị trường.

Nhóm phóng viên

Mỹ rung chuyển vì động đất

Vùng bờ đông Mỹ vừa rung chuyển bởi trận động đất 5,9 độ Richter, mạnh nhất trong vòng hơn 100 năm ở đây.
> Chia sẻ ảnh động đất

Người dân ở Washington D.C. đổ ra đường sau động đất. Ảnh: AP.
Người dân ở Washington D.C. đổ ra đường sau động đất. Ảnh: AP.

Lầu Năm Góc, tòa nhà quốc hội và các viện bảo tàng ở thủ đô Washington D.C. được sơ tán sau động đất lúc 13h51 chiều qua. Ba ngọn tháp ở National Cathedral, tòa nhà cao nhất Washington D.C., bị cụt đầu và sứ quán Ecuador bị hư hại song chưa có thông tin về người bị thương. Các lò phản ứng hạt nhân ở New York, New Jersey, Pennsylvnia và Maryland không bị ảnh hưởng gì.

Cơ quan Khảo sát Địa chấn Mỹ (USGS) cho biết tâm chấn nằm cách thành phố Mineral ở bang Virginia khoảng 15 km. Ban đầu địa chấn được xác định là mạnh 5,8 độ Richter, sau đó nó được nâng cấp. Đây là trận động đất mạnh nhất vùng bờ đông Mỹ kể từ năm 1897.

Sơ đồ nơi xảy ra động đất. Nguồn: BBC.
Sơ đồ nơi xảy ra động đất. Nguồn: BBC.

Động đất rung chuyển Washington DC trong vòng 30 giây, khiến các tòa nhà rung lắc. Dân chúng đổ ra đường phố sơ tán chỉ vài phút sau động đất. Cảnh sát nhanh chóng phong tỏa một số tòa nhà chính phủ chính. Mạng lưới điện thoại di động ở đây ngừng hoạt động một lúc sau động đất.

"Khi bắt đầu, tôi có cảm giác như ai đó nhà bên đang di chuyển đồ đạc", BBCdẫn lời Peter Walker, ở Washington, cho biết. "Thế rồi mọi thứ bắt đầu rung lắc, mọi người ai nấy đều chạy ra ngoài. Sau một giờ, chúng tôi được yêu cầu về nhà. Tắc đường diễn ra khắp thành phố. Hệ thống tàu điện đông kín vì thế nhiều người đi bộ hoặc đạp xe về nhà".

Các báo cáo cho biết động đất có thể cảm nhận ở xa như Boston, Bắc và Nam Carolina ở miền nam cũng như Indianapolis và Detroit.

Các video
Bờ đông Mỹ rung chuyển trong động đất
Cửa hàng rượu rung lắc
Động đất giữa lúc quay phim quảng cáo
Xe hơi bị phá hủy sau động đất

Các chuyến bay từ phi trường John F. Kennedy và Newark ở New York được tạm hoãn trong khi giới chức kiểm tra thiệt hại. Những sân bay này sau đó hoạt động trở lại bình thường. Các chuyến bay từ sân bay quốc gia Reagan ở Washington cũng tạm ngừng song nối lại sau đó không lâu.

Các tàu chở khách thuộc hệ thống Amtrak được yêu cầu di chuyển chậm, các hành khách được thông báo về tình trạng hoãn chuyến. Trong khi đó, các tàu điện ngầm ở Washington chạy với vận tốc 24 km/h để công nhân kiểm tra đường ray. Không một ai bị thương trên những con tàu này.

Ở Charleston, Tây Virginia, hàng trăm nhân viên chạy ra ngoài tòa nhà quốc hội. "Toàn bộ tòa nhà rung chuyển", phát ngôn viên của Tòa án Tối cao cho biết. "Tôi thấy như có hai đợt rung chuyển. Lúc đó, mạnh ai nấy chạy thôi".

Tòa tháp của National Cathedral ở Washington D.C. bị cụt đầu. Ảnh: AFP.
Tòa tháp của National Cathedral ở Washington D.C. bị cụt đầu vì động đất. Ảnh: AFP.

AFP cho biết cơ chế thiết lập sau vụ khủng bố 11/9 ở New York được đưa ra áp dụng sau động đất. Cảnh sát hướng dẫn dân chúng tới các công viên, tránh xa các tòa nhà. Các tòa nhà ở đây rung lắc dữ dội, nhân chứng cho biết. "Tôi thấy nó như đang di chuyển. Tôi rất sợ", Fatima Richardson, 28 tuổi, lúc đó đang ngồi trên bậc thềm của tòa án cho hay.

Jim Garamone, một nhân viên Lầu Năm Góc, cho biết động đất khiến nhiều người hồi tưởng cuộc tấn công 11/9. Anh cho biết lúc đó anh chỉ hy vọng không phải một vụ đánh bom hay máy bay đâm vào tòa nhà.

Hải Ninh