THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog
13 May 2013
IMF: Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục rất khó khăn
Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Sanjay Kalra cho rằng kinh tế năm nay sẽ vẫn tiếp tục khó khăn như năm 2012.
Trình bày tại buổi tọa đàm về các vấn đề tài chính, ngân sách do Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức ngày 11-5, ông Kalra nói: “Kinh tế tăng trưởng rất chậm, cầu trong nước suy giảm mạnh. Viễn cảnh kinh tế của Việt Nam năm 2013 cũng tương tự như năm 2012, vốn là năm có tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm qua”.
Đánh giá của ông đưa ra trong bối cảnh IMF vừa hạ mức tăng trưởng dự báo của Việt Nam năm nay còn 5,2% từ mức 5,8% đưa ra trước đây. Đây là mức hạ nhiều nhất, sau Singapore, trong số các nước ASEAN mà IMF đưa ra.
Ông nói: “Nền kinh tế đang phải điều chỉnh lại thấp hơn. Không thể còn thời kỳ tăng trưởng cao như trước. Không thể còn tình trạng thành phố nào cũng xây sân bay, cảng biển. Các dự án công phải được lựa chọn tốt hơn”, ông nói.
Ông Kalra nhận xét, khả năng phục hồi tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tiến trình cải cách kinh tế, song tiến trình này đang rất chậm chạp.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đặt câu hỏi, đầu tư công, sắp xếp ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đâu là ưu tiên mà Việt Nam nên đặt trọng tâm cải cách, theo IMF?
Ông Kalra khẳng định, quan điểm của IMF là phải cải cách ngân hàng, nếu muốn giảm lãi suất. “Tôi cho là phải giảm nợ xấu trong ngân hàng, nó gây ra sự lúng túng, ngân hàng phải báo cáo nợ xấu chính xác”, ông nói.
Ông phàn nàn là không có nhiều thông tin về DNNN. “Bước đầu là phải công khai và cập nhật thông tin của DNNN thì mới có đánh giá đáng tin cậy”, ông nói.
Trưởng đại diện IMF cho rằng, kinh nghiệm của hai cuộc lạm phát vừa qua sẽ dẫn đến việc Chính phủ phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô chứ không phải quay lại con đường mỗi lần nền kinh tế suy giảm thì lại khẩn cấp, vội vàng làm gì đó, ví dụ kích thích tăng trưởng kinh tế một cách không bền vững.
Tiến sĩ Phạm Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, bình luận rằng, cải cách ở Việt Nam sẽ tốn rất nhiều chi phí, nhưng các chi phí này chưa được tính toán cụ thể.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã đồng tình, và cho biết hiện ngân sách chưa bố trí khoản nào cho cải cách.
Ông Nhã khẳng định là phải khôi phục lại niềm tin cho nhân dân và giới kinh doanh vốn đã suy giảm nghiêm trọng.
Theo IMF, lạm phát chung có chiều hướng giảm. Lạm phát tháng 4-2013 tăng khoảng 6,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ có xu hướng ổn định trong năm nay.
Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách dự kiến chỉ khoảng 4% GDP trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 4,8% GDP mà Quốc hội thông qua.
Theo SaiGonTimes
Ghi Chú
KinhTe
Nguyễn Tấn Dũng cho phép triển khai siêu dự án lọc dầu 27 tỉ USD
Ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh tại tọa đàm “Cách đây 2 ngày, Thủ tướng đã ký văn bản chính thức cho triển khai dự án lọc hóa dầu tại khu kinh tế Nhơn Hội”.
Thông tin này được ông Hồ Quốc Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết tại buổi tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (12/5) về thu hút đầu tư trên địa bàn.
Thủ tướng cho phép
Trước những câu hỏi về thu hút đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: “Dự án rất khả thi ở nhiều khía cạnh”.
Theo ông, PTT là tập đoàn có sức mạnh về tài chính với tổng tài sản hơn 150 tỷ USD, nằm trong danh sách 100 tập đoàn có tài sản lớn nhất thế giới. Doanh thu hằng năm theo báo cáo tài chính của Tập đoàn là hơn 80 tỷ USD, lợi nhuận gần 3,5 tỷ USD.
Trong chiến lược phát triển, PTT cũng đề ra việc xây dựng nhà máy lọc dầu trong khu vực để nâng cao năng lực cạnh tranh. “Như vậy, năng lực và kế hoạch của nhà đầu tư đã có”, vị này nhấn mạnh.
Ông Dũng khẳng định các ý kiến hoài nghi hiện nay chủ yếu tập trung vào năng lực tài chính của chủ đầu tư, chứ chưa ai khẳng định khu kinh tế Nhơn Hội không bảo đảm điều kiện xây dựng nhà máy lọc hóa dầu.
Ông Dũng cho biết khu kinh tế Nhơn Hội đã có sẵn hạ tầng, đầy đủ điều kiện để có thể triển khai dự án ngay lập tức, giá thuê đất rẻ nhất hiện nay trong khu vực. Nhơn Hội cũng có cảng nước sâu, kín gió, nằm trên đường giao thương quốc tế, có thể ra Bắc, vào Nam, đi ra với khu vực và trên thế giới.
Sau 3 năm đàm phán, tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đã ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD. Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam.
Chính phủ cho phép triển khai
Chính phủ cho phép triển khai
Chính phủ cho phép triển khai “siêu” dự án lọc hóa dầu tại Bình Định.
Dự án có công suất khoảng 30 triệu tấn mỗi năm. Nguyên liệu dầu thô sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, châu Phi, Nam Trung Mỹ với hơn 20 dòng sản phẩm lọc dầu và hóa dầu, chủ yếu để xuất khẩu.
Tổng vốn đầu tư cho nhà máy khoảng 27 – 28 tỷ USD. PTT đưa hai phương án là tỷ lệ vốn vay sẽ chiếm 50% hoặc 60% tổng vốn đầu tư, số còn lại là vốn tự có. Tập đoàn này sẽ bỏ ra 5 tỷ USD trong cả 2 trường hợp, còn lại là huy động từ đối tác trong và ngoài nước.
Không nên nóng vội
Trước đó, nhiều chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tính khả thi, sự cam kết của nhà đầu tư cũng như các bước để triển khai dự án.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng hiện Việt Nam không cần thêm nhà máy lọc dầu và lo ngại khả năng thu xếp vốn của dự án do nhà đầu tư Thái Lan khởi xướng, định đặt tại Bình Định.
“Dự án lọc dầu 27 tỷ USD tại khu kinh tế Nhơn Hội còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu chứ không phải quyết định được ngay. Thứ nhất là dự án này không nằm trong quy hoạch chung của ngành dầu khí Việt Nam. Thứ hai là ngành dầu khí hiện tại đã có nhà máy Dung Quất, chiếm 30% thị phần cung cấp xăng dầu trong nước, sắp tới còn triển khai nhà máy lọc dầu ở Nghi Sơn, Vân Phong và một số cơ sở lọc dầu khác nữa.
Nhu cầu trong nước không đòi hỏi thêm một nhà máy như vậy nữa. Ngoài ra, nhà máy này sẽ nhập dầu thô từ các quốc gia khác về lọc và sản phẩm sẽ xuất đi nước khác thì giá trị gia tăng Việt Nam thu được không cao”, ông Ngãi cho biết.
Ông Trần Việt Ngãi cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình vì một dự án tới 27 tỷ USD thì không hiểu nhà đầu tư Thái Lan có đủ tầm để thu xếp không.
“Theo tôi, Chính phủ nên suy tính và không nên vội vàng với dự án lọc dầu này”, ông Ngãi nói.
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét, với tổng tài sản hơn 50 tỷ USD, việc bỏ ra 5 tỷ USD không khó với PTT. Tuy nhiên, thu xếp phần đi vay 18 tỷ USD là không đơn giản. “Rất khó để thu xếp vốn cho dự án này, bởi chưa rõ 18 tỷ USD sẽ vay từ nguồn nào, trong nước hay nước ngoài”, ông nói.
“Nếu vay ở trong nước thì các ngân hàng khó có thể thu xếp tới 18 tỷ USD, ngân sách Chính phủ thì không có rồi”, vị này nhấn mạnh.
Ông cũng nêu khả năng PTT có thể liên kết với những tập đoàn lớn để vay tại quốc gia khác. Song, theo một chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, việc thu xếp vốn trên thế giới không dễ dàng, ngay cả với những tập đoàn tên tuổi lớn. “Phía chủ đầu tư và UBND tỉnh Bình Định sẽ phải giải trình rõ vấn đề này”, ông cho biết.
Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có văn bản phản đối việc triển khai nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội vì cho rằng không nằm trong quy hoạch và sẽ gây mất cân bằng cung cầu, vì hiện nay lọc dầu Dung Quất đã cung cấp 30% xăng dầu trong nước, sắp tới sẽ có thêm Nghi Sơn, Vũng Rô, Vân Phong… đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết quan điểm của Bộ là “ủng hộ” dự án.
Theo Đất Việt
Ghi Chú
DuAn
Subscribe to:
Posts (Atom)