THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

11 August 2013

NƯỚC VIỆT KHÔNG CẦN HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT



Ngày 15/7/2013 thủ tướng chính phủ đã ký thông qua nghị định số 72/2013NĐ-CP của chính phủ gồm 6 chương và 46 điều. Nghị định này sẽ được thực thi vào 1 tháng tới – ngày 01/9/2013. Bỏ một buổi đọc từng chi tiết thì thấy có một vấn đề lớn cần bàn là đất nước Việt thời nay có cần thiết phải có một hiến pháp không? Theo tôi thì không cần hiến pháp. Vì,
Thứ nhất là, hình thái chính trị xã hội Việt hiện nay được điều hành theo nghị quyết của đảng cầm quyền được các ủy viên trung ương đảng họp và soạn thảo, rồi quốc hội thông qua. Từ nghị quyết ấy, chính phủ thừa hành quyền hành pháp soạn thảo ra nghị định để ban hành luật lệ điều hành hành pháp. Tư pháp và lập pháp thực hiện theo nghị quyết và nghị định.

Thứ hai là, có những nghị quyết và nghị định đi ngược với hiến pháp. Ví dụ như cái nghị định 72/2013 này là vi hiến. Vì điều 26 dự thảo sửa đổi hiến pháp 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Nhưng khoản 5 điều 5, chương I của nghị định 72/2013NĐ-CP quy định rằng: ”Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, vi rút máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên internet.” là hành vị bị cấm.
Trong khi đó, ở điều 19, chương II về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên internet, cũng như trong điều 3, chương I về việc giải thích từ ngữ của nghị định 72/2013NĐ-CP không có bất kỳ một quy định nào về viết blog hay các tài khoản cá nhân trên internet. Nhưng ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, giải thích với VnExpress.net: ”Trước hết chúng ta phải nói rõ đây là trang thông tin của cá nhân, mà các trang cá nhân thì được phép đưa thông tin về những thứ của chính mình, không được dẫn thông tin tổng hợp, tức là không được trích dẫn thông tin từ các cơ quan báo chí hay các trang web của cơ quan nhà nước”. Đây là một cách suy diễn rất tùy tiện của các quan chức chính quyền, hay là nghị định không rõ ràng mà đã được ký cho thực thi thì không ai có thể giải thích được.
 Thứ ba là, vào ngày 24 tháng 9 năm 1982, Việt Nam đã chính thức ký kết tham gia và đã được thông quaCông ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị - không hiểu vì sao mà Trung Hoa và Cu Ba đã ký kết, nhưng chưa được thông qua, còn Malaysia và Miến Điện lại chưa chịu ký kết. Trong đó có tuyên ngôn nhân quyền, mà điều thứ 19 trong tuyên ngôn nhân quyền được phát biểu là: ”Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.” Như vậy, lời phát biểu của ông cục trưởng chẳng những vi phạm hiến pháp sửa đổi của Việt Nam, mà còn vi phạm cả tuyên ngôn nhân quyền mà nhà nước Việt Nam đã ký kết cách đây 31 năm.

Cuối cùng là, bất kỳ ai đã từng làm khoa học chân chính – ngoại trừ những kẻ đạo văn để kiếm bằng cấp chạy chức chạy quyền hòng tham nhũng hại dân – bất kỳ một thông tin khoa học nào không phải là của mình, mà nó được viện dẫn từ những công trình nghiên cứu khác thì đều phải được dẫn nguồn cụ thể, rõ ràng. Động tác dẫn nguồn này là bắt buộc, là lòng tự trọng của người dẫn nguồn, mà cũng là sự tôn trọng công lao  và lòng biết ơn của người đã làm ra thông tin gốc. Dĩ nhiên, có thông tin phải mua, và có thông tin được dùng tự do, nhưng vì sự nghiệp phục vụ cho nhân loại, hầu hết các thông tin khoa học được công bố tự do, mà ai cũng có thể sử dụng với cái gọi là, tài liệu tham khảo. Hay nói cách khác là, nói có sách mách có chứng, chứ không nói bừa, chửi đổng một cách cảm tính chủ quan, không chứng cứ. Có lẽ cũng vì thế, mà ở nước ta ngày nay lắm “nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ” đạo văn, đạo luận văn, đạo cả viết sách giáo khoa?
Nếu nghị định 72/2013NĐ-CP hoàn thiện hơn thì phải có một điều khoản rõ ràng quy định là, mọi trang mạng thông tin của tổ chức, cá nhân muốn dẫn nguồn thông tin chính thức của hệ thống thông tin chính thống nhà nước thì phải có hợp đồng ký kết mua tài nguyên thông tin. Nhưng dù có thêm bất kỳ điều nào đi nữa thì, việc ông cục trưởng phát biểu trước báo Vnexpress là một vi phạm hiến pháp và tuyên ngôn nhân quyền một cách trắng trợn.
Ngoài ra, nếu không cho dẫn nguồn các thông tin chính thống của các tổ chức hợp pháp thì có được phép dẫn nguồn từ những thông tin nước ngoài không? Và lâu này báo chí chính thống của nhà nước dịch bài, dẫn nguồn từ báo chí nước ngoài có vi phạm với nghị định 72/2013 không? Những điều này trong nghị định chưa nói rõ.
Liệu nghị định 72/2013NĐ-CP ra đời nhằm mục đích gì? Nó được thực thi như thế nào? Và hậu quả của nó sẽ ra sao, nếu giả sử một ngày nào đó vì cái nghị định này làm cho các công ty cho thuê tài nguyên internet vỡ nợ, vì không còn ai muốn dùng nữa, do có dùng cũng không có thông tin nào để đáng xem.
Tất cả những điều trên và những việc làm từ trước đến nay cho thấy, Việt Nam ta hiện nay không cần bất kỳ một hiến pháp nào, và cũng không cần bất kỳ một cam kết nào với thế giới, mà chỉ cần nghị quyết và nghị định của đảng cầm quyền, để điều hành đất nước.
Theo Blog BSHohai

Kinh hoàng: Lời kể nhân viên xét nghiệm bệnh viện Hoài Đức




YTE-YDUC


Mới đây, ngành y tế và dư luận “sốc” thực sự sau khi một số thông tin từ nội bộ bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị rò rỉ.
Theo đó, trong một thời gian dài, một số nhân viên của bệnh viện này đã “nhân bản” hàng nghìn phiếu xét nghiệm huyết học rồi trả cho bệnh nhân. Để kiếm tiền, những người luôn miệng rêu rao hai từ “y đức” đã thản nhiên ghép kết quả xét nghiệm của người này cho người khác. Khi trả lời PV, một số y, bác sĩ của bệnh viện này khẳng định, do nể nang nên “nhân bản” phiếu xét nghiệm rồi đưa cho người bệnh (!?). Tuy nhiên, ít ai biết được, đằng sau những tờ giấy này lại là một “thế giới” đầy rẫy sự vụ lợi và tàn nhẫn đến rợn người.
Sau khi so sánh phiếu xét nghiệm huyết học với sổ ghi chép bản gốc của bệnh viện, chúng tôi thấy giật mình. Cùng thông số xét nghiệm huyết học nhưng các nhân viên đã chia cho ba người. Khi được hỏi, những người có trách nhiệm và đang làm việc tại bệnh viện ngụy biện rằng, chỉ vì nể nang người thân nên mới xuống bút “ghi bừa”. Tuy nhiên, sự tàn nhẫn ở chỗ, chính bản xét nghiệm này là cơ sở để các bác sĩ kê đơn, lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Đến bệnh viện, nghe “người trong cuộc” kể “mánh khóe” xét nghiệm máu, chúng tôi thật sự bàng hoàng. Có lẽ, đây là sự việc chưa từng xảy ra tại Việt Nam.
Được biết, từ tháng 7/2012 tới tháng 5/2013, đã có trên 1.000 phiếu xét nghiệm được dùng chung cho 2.000 người.

Lời kể kinh hoàng

Kỹ thuật viên trưởng của khoa xét nghiệm Phan Thị Oanh trả lời PV.

Ngày 6/8, đường dây nóng của báo Nguoiduatin.vn nhận được thông tin “sốc” của một nữ nhân viên phòng xét nghiệm đang làm việc tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Chỉ 30 phút sau, PV đã có mặt tại khuôn viên của bệnh viện được xem là đã gây ra sự việc động trời này.
Nói chuyện với chúng tôi, chị Hoàng Thị Nguyệt (nhân viên khoa Xét nghiệm, người gọi điện đến đường dây nóng của báo), với khuôn mặt hốc hác vì mấy ngày qua phải trằn trọc suy nghĩ về việc có nên nói ra sự thật “động trời”. Chị Nguyệt tâm sự: “Thực ra, sự việc này đã xảy ra từ năm 2012 nhưng vì mưu sinh, vì cần có một việc làm để nuôi con ăn học, nên tôi đành phải nhắm mắt làm ngơ. Tuy nhiên, sau này, nghĩ đến sức khỏe và tính mạng của hàng nghìn bệnh nhân, tôi không thể im lặng mãi được. Sự thật mãi là sự thực, dù bưng bít đến đâu chắc chắn cũng có ngày cũng sẽ phơi bày và lúc ấy hậu quả chắc chắn sẽ khủng khiếp”.
Theo chị Nguyệt, từ tháng 7/2012, không hiểu vì lý do gì mà ông Nguyễn Trí Liêm, giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức lại trực tiếp chỉ đạo chia tách khoa Xét nghiệm thành hai bộ phận. Một bộ phận sử dụng nhân viên có hợp đồng ngắn hạn, mới tuyển dụng được Giám đốc giao phụ trách máy xét nghiệm tư nhân (dùng cho bệnh nhân ngoại trú) làm và ký trả lời tất cả các kết quả xét nghiệm, kể cả lĩnh vực chuyên môn mà họ chưa từng học bao giờ. Còn đối với những người đã làm xét nghiệm lâu năm, phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư.
Điều đáng bàn ở đây, máy móc tư nhân xét nghiệm 97% bệnh nhân còn 3% là máy móc Nhà nước đầu tư. “Tôi thực sự sốc khi ông Liêm đã để cho các nhân viên lấy máu của bệnh nhân ném vào thùng rác rồi tự in ra nhiều kết quả từ một mẫu xét nghiệm khác. Số kết quả này được trả cho rất nhiều người bệnh. Có lẽ, số bệnh nhân bị lừa đã lên đến con số hàng nghìn”, chị Nguyệt lắc đầu, kèm theo một tiếng thở dài mệt mỏi.
Vừa nói, chị Nguyệt vừa rút trong đống hồ sơ dày cộp lấy ra những mẫu xét nghiệm giống nhau như một bản photocopy. Từ thời gian xét nghiệm, các chỉ số, biểu đồ đều giống nhau đến kỳ lạ. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt khiến PV “lạnh sống lưng” chính là tên, tuổi của người bệnh. Theo những gì chúng tôi quan sát được, bệnh nhân Nguyễn Hữu Nhung (83 tuổi) hoàn toàn trùng khớp với bệnh nhân Nguyễn Bá Biên (22 tuổi), bệnh nhân Ngô Thị Đào (92 tuổi) có kết quả trùng với Bùi Văn Cường (3 tháng tuổi) và Trần Thị Mai Anh (4 tháng tuổi), bệnh nhân Đỗ Đặng Quốc Bảo (1 tháng tuổi) có kết quả xét nghiệm trùng với Nguyễn Thị Phương Anh (16 tháng tuổi)… Thì ra, trong gần một năm qua, hàng nghìn bệnh nhân đã bị các y, bác sỹ của bệnh viện này lừa dối.

Khi phiếu xét nghiệm chỉ để hoàn thiện hồ sơ (!)

Không có lý do gì để một cụ ông 68 tuổi, bị bệnh cao huyết áp có kết quả xét nghiệm hoàn toàn trùng khớp với kết quả người phụ nữ 41 tuổi, có chẩn đoán vết thương cẳng tay. Nếu không có sự dũng cảm của người đàn bà ngồi cạnh chúng tôi thì trong thời gian tới không biết bao nhiêu người sẽ phải chịu cảnh lừa dối này. Chị Nguyệt chia sẻ: “Tất cả những việc làm sai phạm này đều có mục đích về tài chính. Tôi là người trong cuộc, tôi hiểu rất rõ những mánh khóe kiếm tiền và mức độ chia chác bên trong. Vẫn biết sau khi nói ra sự thực, có thể tôi sẽ phải rời bệnh viện, nhưng với đạo đức của một người làm trong ngành y, tôi chấp nhận tình huống xấu nhất xảy ra”.
Trao đổi với PV về sự việc này, chị Phan Thị Oanh, kỹ thuật viên trưởng của khoa Xét nghiệm thản nhiên trả lời: “Tôi cũng đã biết sự việc này cách đây không lâu và cũng nhắc nhở các nhân nhiên phải xét nghiệm huyết học đúng quy trình. Đây là bản xét nghiệm thường quy cơ bản để các bác sĩ căn cứ vào đó xác định bệnh nặng, hay nhẹ. Phiếu xét nghiệm này được lấy khi bệnh nhân mới vào viện. Nó là xét nghiệm ban đầu, nên không quan trọng bằng xét nghiệm sinh hóa đâu”.
Khi PV hỏi về việc “nhân bản” phiếu xét nghiệm này, chị có nghĩ đến kết quả không, người phụ nữ này chỉ biết im lặng và cúi gằm mặt xuống bàn. Sau đó, chị ta trả lời rằng: “Những phiếu xét nghiệm thường quy này, người nhà bệnh nhân nhi thường hay xin. Các cháu lấy máu rất khó, hơn nữa người nhà xót con nên xin để hoàn thiện hồ sơ”. Rõ ràng, nếu như lời người kỹ thuật viên trưởng của khoa Xét nghiệm này nói thì một bộ phận khoa xét nghiệm của bệnh viện sinh ra chỉ để hoàn thiện hồ sơ và làm “vừa lòng” bệnh nhân chứ không có chức năng y tế (!?).

Ông giám đốc bệnh viện nói gì?

Ngồi bên cạnh, bà Vương Kim Thành, Trưởng khoa Xét nghiệm thường nói chen vào những lúc mà chị Phan Thị Oanh ấp úng. Bà Thành giải thích: “Những phiếu xét nghiệm huyết học mà khoa “cho” các bệnh nhân thời gian vừa qua các bác sĩ không dùng làm căn cứ để chẩn đoán và điều trị đâu. Do nể nang người nhà của các bác sĩ nên chúng tôi mới làm như vậy”. Lời nói của bà trưởng khoa Xét nghiệm thực sự mâu thuẫn với lời khẳng định của ông Ngô Trí Liêm, giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức, người bị tố “bật đèn xanh” cho các nhân viên “nhân bản” phiếu xét nghiệm khi trao đổi với PV: “Phiếu xét nghiệm huyết học là một trong những căn cứ để các bác sĩ chẩn đoán và lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Theo tôi, với góc độ chuyên gia, việc 3 phiếu xét nghiệm của 3 người trùng nhau đến khó tin như vậy là một vấn đề. Tuy nhiên, tất cả vẫn chờ cơ quan công an điều tra”.
Trong cuộc phỏng vấn, chúng tôi liên tục đặt nhưng câu hỏi liên quan về sự việc “động trời” này nhưng ông Liêm luôn dùng câu “để cơ quan công an điều tra” trả lời.

Đã khởi tố vụ án “nhân bản” phiếu xét nghiệm huyết học

Chiều 7/8, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 – công an TP.Hà Nội) đã khởi tố vụ án để điều tra sai phạm xảy ra ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án theo điều 281 BLHS tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hiện cơ quan điều tra cũng đã thu giữ một số tài liệu để phục vụ công tác điều tra. Được biết Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – GĐ công an TP.Hà Nội cũng đã có ý kiến chỉ đạo phòng chức năng phải khẩn trương làm rõ sai phạm.
THEO NGƯỜI ĐƯA TIN

Các nhóm lợi ích, đừng nấp áo Nhân Dân để phục kích Nhân Dân



thamnhung-quyenloi


Gần đây nhất người dân Việt lại lao đao bởi nạn tăng giá xăng dầu, giá điện theo kiểu phục kích. Các quan chức vừa hứa không tăng rồi lại tăng đùng một cái khi không ai ngờ. Rồi lại còn nói không ảnh gì nhiều với đến đời sống xã hội, đời sống nhân dân!!!
Rõ ràng là các nhà độc quyền của Nhà nước đã phục kích Nhân Dân.
Chưa hết, trong thời gian qua lại có hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật kiểu “sét đánh ngang tai” người dân như xoá hộ khẩu nếu đi nước ngoài quá hai năm, không được xây nhà theo kiến trúc cổ điển Pháp, đám ma không quá 7 vòng hoa, đám cưới không quá 300 người, đi xe không chính chủ bị phạt, doạ ngáo ộp cũng bị phạt… Chưa hết, lại còn có cả quy định cộng thêm điểm thi vào đại học cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng!!! Khôi hài thê thảm. Mỗi ngày như mọi ngày, những công chức yếu kém, vô trách nhiệm, vô tâm, vô cảm lại tham mưu, tư vấn và tự mình ban hành ra biết bao nhiêu quyết định sai lầm. Mỗi ngày lại có thêm những bức xúc, gay cấn đổ lên đầu Đất Nước và Nhân Dân này. Đã có rất nhiều nghị quyết, chủ trương, quyết tâm tiêu diệt nạn tham nhũng nhưng tất cả đếu như đá ném ao bèo, tham nhũng và lãng phí vẫn tồn tại và cày nát, vắt kiệt đất nước này. Nền kinh tế khủng hoảng, sa sút. Nền giáo dục lạc hậu và bê tha. Nền y tế quá nhiều kẻ thất đức; Nền văn hoá đua đòi, trọng sự kiện hơn giá trị; Nền văn nghệ ít thành tựu sáng tạo, nhiều chì chiết. Trong lúc đó, biển Đông đang đậy sóng, đang bị nhòm ngó, đang bị xâm lăng. Đất nước đang nóng lên từng ngày vì kẻ thù ngoại xâm, vì nghèo khó, lạc hậu, vì nạn tham nhũng, lãng phí, vì thói quan liêu. Không lúc nào hơn lúc này, Đất – Nước đang cần Dân yên, Biển lặng để dồn tâm trí và sức lực nhằm thoát nghèo, dựng xây nền dân chủ, đoàn kết toàn dân chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, xây nền thịnh trị, đưa đất nước tiến lên văn minh và tiến bộ.
Đó là điều mà lẽ ra ai cũng phải biết.
Thế nhưng, vẫn còn những công chức, viên chức – những người ăn cơm của dân, uống nước của dân, mặc áo của dân và hưởng thụ nhiều thứ khác [mà người dân chưa bao giờ được biết, được hưởng] từ chính tiền thuế của dân và tài nguyên của Đất Nước lại cố tình không biết. Họ ăn tàn phá hại, làm khổ nhân dân, làm nghèo đất nước. Đa phần các vụ dân khiếu kiện là vì cán bộ công chức xử lý sai, không thoả đáng hoặc bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Dân thì cả đời cày dưới ruộng, giữa đường, giữa chợ, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; Quan chức thì suốt ngày ở trong phòng lạnh, xe lạnh, trong nhà hàng, trên sân gôn. Trái tim họ nguội lạnh dần theo đồng tiền, theo lợi ích nhóm. Đó là nguyên nhân đẻ ra biết bao văn bản, chính sách làm Nhân dân rối bời và khổ sở trong những ngày tháng qua.
Xin đừng đánh úp nhân dân, hỡi các nhóm lợi ích!
Nếu cần gì hãy cứ nói thẳng với Nhân Dân. Nhân Dân chưa bao giờ tiếc một cái gì, kể cả mạng sống vì Đất nước. Hãy minh bạch đối diện với Nhân Dân, đừng nấp trong gấu áo của Nhân Dân để phục kích, làm hại Nhân Dân.
Làm gì đây để bớt đi sự yếu kém đến mức khôi hài, sự bệ rạc đến mức thảm hại, sự vô trách nhiệm đến vô cảm của không ít công chức, và sự tham lam đến tàn nhẫn của các nhóm lợi ích?
Câu hỏi này, nếu giải đáp được sẽ là một lối thoát của Đất Nước hôm nay./.
Theo Văn hóa nghệ An

LÊ THỊ CÔNG NHÂN BỊ THƯƠNG BINH CÔN ĐỒ HÀNH HUNG

LÊ THỊ CÔNG NHÂN BỊ THƯƠNG BINH CÔN ĐỒ HÀNH HUNG
.

“Tôi đặc biệt yêu cầu cơ quan chức năng lưu ý sự nghiêm trọng và tinh vi của vụ việc lừa đảo này. Nếu đúng bên mua nhà – (có vẻ như) một bên bị hại lại cũng chính là kẻ lừa đảo thì đây là một vụ việc rất nghiêm trọng phải được điều tra phá án đến cùng góp phần chặn đứng làn sóng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang tràn lan ở đất nước này.”

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC

x0x

ĐƠN TRÌNH BÁO VÀ TỐ GIÁC TỘI PHẠM

Kính gửi: – Công an phường Phương Mai-quận Đống Đa, Hà Nội (trực tiếp);
- Công an quận Đống Đa 342B phố Thái Hà, quận Đống Đa (gửi bảo đảm qua bưu điện);
- Công an thành phố Hà Nội 87 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (gửi bảo đảm qua bưu điện), và
- Cơ quan Mật vụ nào đó đang “đặc trách” tôi (xin lỗi vì không biết tên cơ quan để viết ra vì nhiều lần khi bị mật vụ bắt thẩm vấn, tôi hỏi các mật vụ tên, cấp bậc, đến từ đâu nhưng họ đều kiên quyết che dấu tung tích đến cùng (!?) (gửi lên Internet vì không biết mật vụ ở đâu mà gửi).

Tôi là Lê thị Công Nhân, sinh năm 1979, nghề nghiệp: bị quản chế, hiện đang sống tại nhà mẹ đẻ tại địa chỉ P316-A7, khu VPCP, ngõ 4, phố Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, viết đơn này trình bày sự việc sau:

Vào khoảng 10h sáng nay, thứ 7 ngày 10.08.2013, khi đang đi chợ mua thực phẩm tại chợ cóc tại ngõ 6 phố Phương Mai, tôi tình cờ chứng kiến cảnh một đám đông khoảng 15 người, trong đó khoảng hơn 10 người xưng là thương binh, cầm gậy ba toong, đi trên 2 xe ba bánh tự chế loại chở hàng, hùa nhau chửi bới và xông vào đập phá hàng quán của một số người đang sinh sống và buôn bán nhỏ tại nhà số 102 khu E4. Những người này hành xử rất côn đồ, liên tục tuôn lời chửi bới, sỉ nhục, vừa đe dọa vừa thực sự lao vào hành hung người và đập phá tài sản. Chị phụ nữ tên Tươi đang sinh sống buôn bán trong nhà này cố hỏi họ là ai và giải thích mình chỉ là người thuê nhà, không hề quen biết họ nhưng nhóm người mặc kệ tất cả, càng điên rồ chửi bới, đánh đập, phá phách đồ đạc, với lý lẽ “Àh, mày chỉ là con thuê nhà mà còn hỏi àh.”. Khi ấy trong nhà còn có bác Bình chủ nhà đã hơn 70 tuổi và anh Kiên con trai bác chủ nhà.

Thấy vậy, tôi vô cùng bức xúc, cảm thấy thật là nhục nhã và bất an nếu mình không lên tiếng bênh vực người yếu thế. Tôi lao vào can ngăn và kêu gào họ không được đánh người và phá hoại tài sản của người khác như vậy, bảo họ bình tĩnh đưa vụ việc ra pháp luật và công an giải quyết. Nhóm người này ngay lập tức quay sang chửi rủa tôi bằng mọi ngôn từ tục tĩu và bạo lực nhất. Họ đe dọa tôi và đuổi tôi đi, lấy lý do “Mày là ai, liên quan đéo gì đến mày, chõ mồm vào bố mày đánh chết.” (!?).

Thấy tình huống quá nguy hiểm cho 3 người lẻ loi đang ở trong nhà chống cự lại đám đông côn đồ hung hãn tôi quyết định ở lại cùng họ và chờ công an phường vào. Thấy tôi không đi, 3, 4 tên tự xưng thương binh tập trung quay sang chửi bới tôi và đánh tôi luôn. Những kẻ này dùng gậy ba toong sắt phang vào người tôi (vùng cổ, vai, lưng, tay) khoảng gần 10 lần. Tôi hô lên “Không được đánh người. Các anh đang làm việc thất đức, là những kẻ vi phạm pháp luật.”. Khoảng 11h, tức là gần 1 tiếng sau mới thấy 4, 5 chiến sỹ công an phường đi vào – dù trụ sở công an phường cách đó 200m, trong đó có một anh mặc áo phông đỏ có vẻ như là người cấp cao nhất. Nhóm công an phường vào nhưng không có lời nói nào can ngăn đám người côn đồ kia. Tôi kinh ngạc tột độ vì thái độ này của họ. Có lẽ vì thế mà đám côn đồ càng hung bạo và đòi lao vào chiếm căn nhà. Tôi cùng 3 người đang ở trong nhà kiên quyết phản đối thì liền bị 3, 4 tên xưng thương binh quay sang đánh ngay trước mặt những công an viên này. Lần này họ vừa dùng ba toong sắt đánh tôi vừa xô đẩy tôi ngã dúi dụi xuống đất, làm đứt dây buộc tóc và rơi mắt kính tôi đang đeo (may mà sau đó tìm lại được). Sau đó một chị phụ nữ (hình như là người phụ nữ duy nhất trong đám đòi nhà, nghe gọi tên là Vân) lao vào chửi bới và ném cả folder tài liệu bằng nhựa vào mặt tôi nhưng trúng vào người công an đứng trước mặt tôi.

Những người công an này hoàn toàn không có một mệnh lệnh miệng nào yêu cầu đám côn đồ kia chấm dứt việc hành hung người, phá hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng. Thậm chí sau đó đám người xưng thương binh này còn đỗ 2 xe ba bánh tự chế trước cửa căn nhà và khóa 2 xe lại với nhau bằng xích sắt trong khi chiều ngang con ngõ chỉ có 2m.

Quá bức xúc tôi nói với công an “Các anh để họ hành xử như vậy ngay trước mặt công an sao?”. Anh công an mặc áo phông đỏ nói như một người mất trí “Họ có làm gì đâu, có ảnh hưởng gì đâu.”. Tôi đáp “Họ gây rối trật tự công cộng, hành hung người, đập phá tài sản, cản trở giao thông mà anh bảo là không làm gì, không làm sao àh trong khi người dân chỉ cần vừa mở miệng đòi dân chủ thì ngay lập tức bị tống vào tù.”. Những công an này lơ đi không trả lời câu hỏi của tôi mà lại nói “Không liên quan đến chị thì chị đi về nhà đi.”. Tôi nói “Sao lại không liên quan, tôi là người làm chứng vụ hành hung này, tôi còn bị họ chửi, đánh nữa mà anh bảo là không liên quan àh?”. Họ bảo tôi “Vậy mời chị ra phường trình báo.”.

Thấy thái độ kỳ lạ và khả nghi của những công an này, tôi lại càng muốn ở lại để xem họ sẽ xử lý vụ việc ra sao.

Sau đó được cha con bác chủ nhà cho biết và xem 1 số tài liệu liên quan, tôi mới biết vụ việc cơ bản như sau: bác chủ nhà cần tiền gấp nên có vay thế chấp (sổ đỏ) 100 triệu đồng của công ty tài chính Việt Nam địa chỉ ở phố Hào Nam phường Ô Chợ Dừa quận Đống Đa do một người đàn ông tên Giang làm giám đốc. Theo lời bác là khi ấy văn phòng công ty đàng hoàng đẹp đẽ lắm, tiếp đón lịch sự nồng hậu. Thời hạn vay là 1 năm kể từ ngày 7.12.2012 đến 7.12.2013. Hợp đồng vay có tên là Hợp đồng chuyển nhượng tài sản có kỳ hạn (kỳ hạn là 1 năm). Vậy mà không hiểu sao sau đó có người đến đòi nhà của bác với giấy tờ mà theo họ là đầy đủ và hợp pháp (!?). Bác tá hỏa tìm tới công ty thì văn phòng và giám đốc đều biến mất, gọi điện không ai nghe máy. Vụ việc lừa đảo/lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã rõ như ban ngày, nên bác làm đơn tố giác gửi ngay các cơ quan chức năng và công an quận Đống Đa đã thụ lý giải quyết, bác và người nhà đã được mời lên làm việc.

Như vậy, cả bên bác chủ nhà và bên đang đòi nhà đều là nạn nhân của một vụ lừa đảo. Nhưng thật lạ, bên đòi nhà lại có một thái độ rất khác thường mà chính mắt tôi chứng kiến. Họ không hề tỏ ra lo lắng, bức xúc chút nào vì đã bị tên Giang lừa. Họ hoàn toàn không quen biết tí gì gia đình chủ nhà hay những người đang thuê ở nhà đó và cũng chưa từng bao giờ gặp nhau nhưng lại tỏ ra rất đắc thắng với lý lẽ duy nhất “Sổ đỏ tên tao nên đây là nhà của tao.”. Bác chủ nhà sau khi bị đòi nhà như vậy thì có tìm hiểu và theo niềm tin nội tâm của mình, bác phán đoán “Họ (bên đòi nhà) giả vờ cả đấy. Không phải bị lừa đâu, mà là đóng kịch giả vờ bị lừa để cướp nhà của nạn nhân của bọn chúng đấy. Họ với bọn cho vay là một.”. Sự việc trở nên rất nghiêm trọng với tình tiết này. Nếu đúng vậy thì đây là một trò lừa đảo tinh vi và đặc biệt nguy hiểm khi bọn lừa đảo với vai trò mới kệch cỡm của mình: tự đóng vai nạn nhân-một bên bị hại, càng dương dương tự đắc sử dụng bạo lực côn đồ để hãm hại nạn nhân.

Sự việc đang được công an quận Đống Đa thụ lý (do công an kinh tế tên Thành đang trực tiếp điều tra) chưa có kết quả gì, vậy mà những công an phường Phương Mai khi vào để giải quyết vụ hành hung, gây rối trật tự lại rất tự tin đứng ra bênh vực cho bên đòi nhà, chính những người công an này đã nói với bên chủ nhà – ngay trước mặt tôi, rằng “Họ đúng rồi, mình là bên sai. Họ có sổ đỏ thì là nhà của họ. Mình ký chuyển nhượng nhà rồi thì mình phải chịu.”. Những người công an này gần như không quan tâm chút nào tới vụ hành hung, gây rối, mà tự cho mình vai trò phân giải theo hướng bênh vực cho những kẻ đòi nhà. Thật bất ngờ khi công an lại đề nghị gia đình chủ nhà đang ở nhà làm theo đúng như bên đám côn đồ mong muốn: bảo chị đang thuê nhà dọn ngay ra khỏi nhà và để trống căn nhà. Tôi phải kiềm lòng mà giải thích cho họ (vì tôi đánh giá công an khá cao, cho rằng kiến thức pháp luật của họ ít ra cũng bằng tôi) rằng “giữ nguyên trạng” hoàn toàn không phải là “để trống căn nhà” và “cầm cố thế chấp” thì tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên cầm cố chỉ có một số quyền của bên chủ sở hữu là bị hạn chế, hợp đồng chưa đến hạn thanh toán, muốn cưỡng chế thì còn nhiều tiết mục lắm ..v..v..

Đến khoảng 12h thì đám côn đồ kéo nhau đi ăn, để lại một vài tên nằm trên xe 3 bánh trước cửa nhà, công an cũng đi khỏi. Tôi ở lại chuyện trò một lúc với chủ nhà, sau đó cũng ra về lúc 12h30. Về đến nhà toàn thân tôi đau ê ẩm nhất là vùng vai, gáy, lưng và cánh tay bên trái, người thì run lên vì phẫn nộ với cảm giác bất an ngập tràn trong lòng khi chứng kiến hành xử vô cảm và kỳ quái của công an.

Tôi yêu cầu:
1- Công an phường Phương Mai phải xin lỗi tôi vì đã để đám côn đồ xưng thương binh chửi bới và đánh tôi ngay trước mặt công an, thời gian: 10h sáng một ngày thứ 7 nào đó theo thỏa thuận; địa điểm: tại nơi xảy ra sự việc; người chứng kiến: các bên liên quan, đại diện người dân sở tại, đại diện chính quyền phường Phương Mai.
2- Ba (03) người đàn ông côn đồ xưng thương binh phải:
- Xin lỗi tôi (thời gian, địa điểm, các bên liên quan: như trên) vì đã chửi bới và đánh tôi;
- Chi trả chi phí khám thương và chữa chạy (nếu có) ngay, và bồi thường danh dự cho tôi. Số tiền bồi thường bằng mức tối đa theo quy định của nhà nước là 30 lần tháng lương tối thiểu.
3- Chị phụ nữ tên Vân phải xin lỗi tôi (thời gian, địa điểm, các bên liên quan: như trên) vì đã chửi bới và hành hung tôbi.

Tôi đặc biệt yêu cầu cơ quan chức năng lưu ý sự nghiêm trọng và tinh vi của vụ việc lừa đảo này. Nếu đúng bên mua nhà – (có vẻ như) một bên bị hại lại cũng chính là kẻ lừa đảo thì đây là một vụ việc rất nghiêm trọng phải được điều tra phá án đến cùng góp phần chặn đứng làn sóng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang tràn lan ở đất nước này.

Tôi không hề biết bất kỳ ai trong đám người đòi nhà, nhưng tôi nhớ rõ 3 người đàn ông và 1 người phụ nữ đã chửi bới và đánh tôi. Có thể số người tham gia chửi và đánh tôi nhiều hơn. Tôi yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện thủ tục nhận diện với những tên côn đồ này.

Tôi cam đoan nội dung trên là hoàn toàn trung thực và chịu trách nhiệm về lá đơn này.

Tôi gửi đơn này đến cơ quan mật vụ nào đó đang “đặc trách” tôi vì tôi thật sự kinh hãi trước sự côn đồ trâng tráo của đám đòi nhà, cũng như bất an trước hành xử vô cảm vô lý của những người công an mà tôi chứng kiến hôm nay, khiến tôi nghĩ rằng tôi hoàn toàn có thể bị hãm hại vì thù hằn bởi đám côn đồ này mà chẳng được ai quan tâm bảo vệ, mà cho đến giờ theo tôi một kết thúc như vậy có lẽ vẫn chưa phải là một kế hoạch hoàn hảo đã được cơ quan mật vụ duyệt cho trường hợp của tôi (vì trò bôi bẩn vẫn đang phát huy hiệu quả hơn cả mong đợi).

Thật buồn khi tôi là người dưng duy nhất tham gia can ngăn vụ việc hành hung này trong khi có hàng trăm người hiếu kỳ đứng ngó xem và sau đó còn dè bỉu tôi là “Dại thế, ngu thế, việc của mình đâu mà tham gia. Công an còn đéo dám làm gì bọn nó.” !!!

Kính đơn,

Lê thị Công Nhân
Hà Nội, ngày 10.08.2013 5h chiều

Nguy cơ cạn kiệt nguồn cá linh

Hằng năm, khi dòng nước lũ từ đầu nguồn đổ về, người dân miền Tây lại càng tiếc nuối những mùa cá linh trong ký ức.
Món quà trời cho
Hồi xưa, vào tháng 7, 8 âm lịch hằng năm, dọc theo sông Tiền, sông Hậu và các chi lưu, cá linh bắt đầu tràn về không biết cơ man nào mà kể. Người dân ở đầu nguồn coi cá linh là của trời cho. Cá bắt được ăn không hết, bà con ủ làm phân, nấu lấy dầu đốt, làm nước mắm hoặc mắm dự trữ để dành cho mùa khô hạn…
Trong Tự vị tiếng nói miền Nam, Vương Hồng Sển kể lại giai thoại khi Nguyễn Ánh đi thuyền từ Vàm Nao ra biển, trong lúc chuẩn bị rời bến thì có một con cá nhỏ nhảy vào mạn thuyền. Nguyễn Ánh linh cảm có việc chẳng lành nên ra lệnh cho đoàn tùy tùng hoãn lại chuyến đi. Hôm sau, hỏi ra mới biết có quân Tây Sơn mai phục. Để tỏ lòng tri ân loài cá linh thiêng đã cứu đoàn thoát nạn, Nguyễn Ánh đặt tên cho loài cá đó là “cá linh”.
Cá linh được sinh ra và lớn dần theo con nước, rồi từ thượng nguồn đổ về. Khi mưa xuống mát mình, cá con lần theo sông, rạch tràn vào các biển lúa mênh mông để làm một cuộc “phiêu lưu”. “Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, thức ăn đầy đủ, cá lớn nhanh như thổi, người bơi xuồng đụng phải luồng, xem cá nhảy lao xao mà đoán biết năm đó cá linh nhiều hay ít. Năm nào nước dâng cao, cá linh sẽ về nhiều. Bà con thường thắp đèn tung lưới bắt cá thâu đêm. Vào thời điểm nước lên, hàng trăm hàng ngàn ghe xuồng đua nhau đánh bắt trên khắp các kinh, mương, sông rạch, sôi động nhất là tại các kinh Vĩnh Tế, Châu Đốc, Tân Châu và ngã ba Dung Thăng (An Giang).
Xưa kia, cá linh đóng đáy đong bằng giạ, mỗi giạ 2 thùng. Gặp năm nước lớn, mỗi mẻ lưới kéo lên từ 50 - 60 giạ. Còn bây giờ mỗi ngày kiếm vài trăm kí đến 1 tấn là coi như “được mùa”. Do lượng cá đánh bắt không nhiều, nên cá linh non đầu mùa năm nay có giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, cao gấp 4 lần so với 5 năm về trước.
Anh Lê Văn Vũ (xã An Phú, H.Tịnh Biên, An Giang) cho biết mấy năm nay, cá linh về quá ít nên gia đình anh phải qua tận Campuchia thuê mặt nước đánh bắt. Do nước bạn không đắp đê mà để cho nước tràn đồng, nên nguồn cá nhiều hơn. Tuy nhiên, người đánh bắt cá linh có năm trúng năm thất, tùy theo mực nước dâng cao hay thấp.
Lượng cá sụt giảm
Từ bao đời nay, con cá linh đã trở thành món ăn phổ biến của cư dân ĐBSCL. Đặc biệt là cá linh đầu mùa, chỉ lớn bằng đầu đũa hoặc đầu ngón tay, nhưng ăn rất ngon. Cá linh non có thể đem chiên giòn, kho mẳn, kho mía, kho mắm, nhúng giấm, nấu canh chua… Món nào cũng dân dã và thấm đượm tình quê.
Chưa nơi nào ở nước ta có số lượng cá linh nhiều như ĐBSCL và cũng chưa có loại cá nào giữ vai trò quan trọng trong đời sống của bà con nghèo như cá linh. Thế nhưng, từ thập niên 90 đến nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và việc khai thác quá mức nguồn nước ở thượng nguồn, các phụ lưu trên dòng Mê Kông đã làm nguồn cá linh ít dần đi. Ngoài ra, việc đắp đê trồng lúa vụ hai, vụ ba; tình trạng sử dụng các loại hóa chất và thuốc trừ sâu trên ruộng lúa gây ô nhiễm nguồn nước, khiến cho sản lượng cá linh sụt giảm trầm trọng…
Một mai, khi nguồn cá linh cạn dần hoặc không còn nữa, người dân đồng bằng sẽ mất đi một nguồn lợi lớn, sẽ không còn được thưởng thức hương vị đậm đà của các món ăn được chế biến từ cá linh, mang đậm dấu ấn của vùng sông nước Cửu Long.
 Nguy cơ cạn kiệt nguồn cá linh
Xuồng ghe tập trung đánh bắt cá linh tại cầu Tha La (H.Tịnh Biên, An Giang) - Ảnh: Thiên Lộc
Nguy cơ cạn kiệt nguồn cá linh1
Cá linh non đầu mùa vừa được kéo lên - Ảnh: Thiên Lộc
Thiên Lộc

Philippines chuẩn bị đón siêu bão số 7

(TNO) Philippines đang chuẩn bị đón bão Utor (bão số 7) dự đoán sẽ kèm theo mưa to, lũ lụt, lở đất. Bão Utor cũng được đánh giá sẽ là cơn bão mạnh nhất đổ bộ lên Philippines trong năm 2013.
AFP dẫn thông cáo từ Cục Dự báo thời tiết Quốc gia Philippines ngày 11.8 cho biết bão Utor, di chuyển với sức gió mạnh 185 km/giờ, mỗi giờ đi được 20 km, cách đảo Catanduanes của nước này 160 km về phía đông bắc, và cách đảo Luzon khoảng 480 km về phía đông nam vào lúc 7 giờ sáng 11.8 (theo giờ Việt Nam).
“Đây được dự báo là cơn bão mạnh nhất sẽ đổ bộ vào Philippines trong năm nay”, ông Vicente Malano, Giám đốc Cục Dự báo thời tiết quốc gia Philippines, cho biết.
Dự kiến bão Utor (Việt Nam gọi là cơn bão số 7 - PV) sẽ đổ bộ vào tỉnh Aurora, miền đông bắc Philppines vào sáng mai 12.8, kèm theo mưa to tại nhiều khu vực bao gồm cả thủ đô Manila.
Cảnh sát, quân đội và lực lượng cứu hộ Philippines đang trong tình trạng cảnh giác cao độ, chuẩn bị ứng phó với bão Utor đổ bộ vào đất liền.
Hồi tháng 12.2012, gần 2.000 người chết hoặc mất tích và 850.000 người lâm vào tình trạng vô gia cư sau những trận lũ lụt và lở đất do bão Bopha quét qua đảo Mindanao ở miền nam nước này.
Trong một thông cáo trên website, Cơ quan Dự báo thời tiết Hồng Kông ngày 11.8 cho rằng Utor sẽ là một cơn bão lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Phúc Duy

Giá vàng tăng nhẹ phiên cuối tuần

(TNO) Giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong phiên giao dịch cuối tuần kéo giá vàng trong nước sáng nay (10.8) tăng theo.
Đầu ngày, tại thị trường trong nước, giá vàng SJC niêm yết mua vào 37,65 triệu đồng/lượng, bán ra 37,95 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. 
Theo quy đổi, giá vàng thế giới vẫn thấp hơn giá vàng trong nước 4,2 triệu đồng/lượng (ngày hôm qua 4,3 triệu đồng/lượng). Trong tuần qua có lúc mức chênh lệch này lên tới 4,7 triệu đồng/lượng.
Trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng miếng, mỗi phiên 26.000 lượng. Đến nay, NHNN đã tổ chức 51 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.374.900 lượng, tương đương 52,8 tấn.
Trên thị trường thế giới, giá vàng dao động theo xu hướng tăng nhẹ quanh biên độ 1.310 - 1.315 USD/ounce.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.314,7 USD/ounce, tăng 2 USD/ounce so với đóng cửa phiên liền trước và là phiên thứ 3 tăng liên tiếp của kim loại quý này. Tuy nhiên, kết thúc tuần, giá vàng chỉ tăng 0,18%.
Sáng nay, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được công bố bởi NHNN ở mức 21.036 đồng/USD. Còn tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD ổn định. Cụ thể, giá mua và bán USD tại Vietcombank ở mức 21.075 - 21.135 đồng/USD; Eximbank ở mức 21.050 - 21.140 đồng/USD.
Lê Trần

Nới điều kiện người nước ngoài mua nhà: Thị trường bất động sản có ấm lên ?

(TNO) Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, chính sách cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà ở trong nước đang quá chặt chẽ là một trong những rào cản khiến thị trường bất động sản Việt Nam “bỏ quên” lượng lớn khách hàng tiềm năng từ bên ngoài.
 bất động sản
Nhiều người kỳ vọng nếu kiến nghị nới điều kiện mua nhà cho khách hàng nước ngoài của Bộ Xây dựng được chấp thuận, phân khúc bất động sản cao cấp sẽ ấm dần lên - Ảnh: Lê Quân
Theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước mới có 126 trường hợp cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà ở Việt Nam (80% cá nhân, 20% tổ chức). Trong đó, mới có 108 trường hợp người nước ngoài mua nhà ở trong nước theo diện kết hôn với công dân Việt Nam, còn mua theo các diện khác thì hầu như không có.
Căn cơ của tình trạng này do, giá nhà đất ở Việt Nam luôn có mặt bằng giá cao nên nhiều tổ chức, cá nhân đến làm việc ở Việt Nam chọn phương án thuê để giảm chi phí. Mặt khác, ở nhiều tỉnh có lượng người nước ngoài làm việc nhiều như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… chưa có loại nhà phù hợp, thuận tiện cho với sinh hoạt của người nước ngoài.
"Bỏ quên' nguồn lực tiềm năng ngoại
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân chính là do chính sách đã hạn chế và vô tình bỏ qua lượng lớn khách hàng tiềm năng từ bên ngoài.
Theo đó, Nghị quyết số 19/2008/QH12 quy định về cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà ở Việt Nam còn quá chặt, chỉ có 5 loại đối tượng được mua. Trong khi đó, trên thực tế vẫn còn nhiều đối tượng người nước ngoài khác cũng có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam như: người nước ngoài làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, người nước ngoài làm việc dưới 1 năm, nghiên cứu hoặc giảng dạy cho các cơ sở giáo dục tư nhân...
Bên cạnh đó, chính sách nước ta mới chỉ cho mua căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại, không được mua nhà ở riêng lẻ, nhà biệt thự. Nhưng lại đang có nhiều tổ chức, cá nhân người nước ngoài có nhu cầu cao về phân khúc này. Quy định về hạn chế các quyền đối với chủ sở hữu nhà ở như không được cho thuê, không được góp vốn, không được kinh doanh như cá nhân trong nước mà chỉ để ở cũng đang làm hẹp cửa mua nhà ở Việt Nam của khách hàng nước ngoài.
Thêm vào đó, quy định của ta chỉ cho phép sở hữu một một căn hộ chung cư. Trong khi đó, nhiều trường hợp có khả năng tài chính và nhu cầu sở hữu nhiều hơn thì lại không được phép cũng không phù hợp.
Điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam còn tương đối chặt chẽ cũng khiến nhiều khách hàng e ngại. Cụ thể, quy định cá nhân nước ngoài phải được phép vào Việt Nam và phải được phép cư trú tại Việt Nam từ 1 năm trở lên mới được mua nhà.
Việc sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng bị hạn chế về thời gian, bởi vì theo quy định thì cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu căn hộ trong thời gian 50 năm. Còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được sở hữu nhà ở tương ứng với thời gian ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến không khuyến khích được các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Nên cởi “trói”
Nhiều chuyên gia trong giới bất động sản tỏ ra rất ủng hộ đề xuất nới điều kiện mua nhà ở Việt Nam cho người nước ngoài của Bộ Xây dựng vừa kiến nghị với Chính phủ.
Ông Trần Đức Diễn, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Maxland, đánh giá đây không phải là đòn bẩy hữu hiệu tháo gỡ thị trường bất động sản nhưng cũng sẽ tác động rất tích cực đến thị trường đang nằm bất động như hiện nay, đặc biệt là phân khúc cao cấp: chung cư cao cấp, biệt thự, biệt thự liền kề, biệt thự nghỉ dưỡng…
Nhiều chuyên gia về thị trường bất động sản khác cũng cho rằng, đến bây giờ ta mới đề xuất nới điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là hơi chậm nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng và có thêm một tia hy vọng phá băng thị trường bất động sản.
Còn TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, bày tỏ quan điểm ủng hộ kiến nghị của Bộ Xây dựng, cho rằng nên nới điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Ý, Mỹ quy định cho người nước ngoài mua nhà cũng rất mở, nhưng cũng có nhiều nước khá chặt chẽ.

Mở cửa nhưng phải kiểm soát tốt
Ủng hộ chính sách mở cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, nhưng TS Liêm cũng lưu ý, trước khi Nhà nước ban hành chính sách về vấn đề này cần lưu ý đến 2 yếu tố quan trọng là an ninh quốc gia và bản sắc văn hóa dân tộc.
“Chính sách dù mở cũng vẫn phải có quy định hạn chế, ví dụ quy định rõ phạm vi bán kính ở gần những khu vực: biên giới, bờ biển, vị trí trọng yếu… thì không được mua”, TS Liêm nói.
Một vấn đề khác cũng được Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt ra là, hiện ta đang rất vất vả kiểm soát những khu phố tập trung nhiều người nước ngoài sinh sống như phố người Trung Quốc ở Quảng Ninh, nơi tập trung nhiều người Hàn Quốc thuê ở khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, khu đô thị Ciputra (Hà Nội), Phú Mỹ Hưng (TP.HCM)… Nếu thời gian tới, những người này mua nhà sẽ hình thành khu phố của riêng họ, mang đặc trưng văn hóa khác ngay trong lòng văn hóa Việt.
“Đề điều này không xảy ra, theo tôi, cũng cần phải có hạn chế cho người nước ngoài mua nhà không quá 49% trên một khu phố hay đơn vị hành chính cụ thể”, TS Liêm nêu ý kiến.
Đánh giá về tác động của kiến nghị Bộ Xây dựng nếu được chấp thuận, TS Liêm cho rằng, nếu được phê duyệt thì cũng không nên đặt quá nhiều hy vọng sẽ làm ấm thị trường bất động sản vì còn phải tùy vào lực cầu đến đâu mới biết được tác động của chính sách này lên thị trường bất động sản.
“Nếu kiến nghị của Bộ Xây dựng được chấp thuận và có nhiều người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam thì cũng là tín hiệu tốt đối với tình hình thị trường bất động sản nước ta đang đóng băng như hiện nay, đặc biệt đối với phân khúc cao cấp. Cá nhân tôi đánh giá, kiến nghị của Bộ Xây dựng chỉ mang tính thúc đẩy thêm chứ không phải là yếu tố chính làm đòn bẩy nâng thị trường bất động sản”, TS Liêm đánh giá.
Ngoài ra, cũng cần nghĩ đến khả năng, khi được mua nhà ở Việt Nam, người, tổ chức nước ngoài với tiềm lực kinh tế mạnh sẽ đầu cơ, đẩy giá lên cao khiến người trong nước khó mua được nhà.
Bài, ảnh: Lê Quân

Tiêu hủy hơn 500kg thịt heo thối

Khoảng 8 giờ ngày 10.8, tại Km 309+700, trên tuyến QL1A, đoạn qua địa bàn H.Quảng Xương (Thanh Hóa), lực lượng CSGT Công an Thanh Hóa phối hợp Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra, phát hiện xe khách mang biển kiểm soát 98K-4474 do Lê Minh Tưởng, ngụ tại H.Việt Yên (Bắc Giang), điều khiển chở hơn 500 kg thịt, nội tạng heo trong 10 thùng xốp ướp đá lạnh. Toàn bộ số hàng này  đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối. Tài xế khai nhận chở hàng vào miền Nam tiêu thụ.
Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số thịt và nội tạng heo theo đúng quy trình để giữ gìn vệ sinh môi trường.
 Ngọc Minh

TP.HCM sẽ thành siêu đô thị ????

Dựa vào quá trình quy hoạch phát triển, các chuyên gia đánh giá TP.HCM sẽ thành siêu đô thị. Do đó đòi hỏi phải gấp rút có chính quyền đô thị để quản lý.
TP.HCM sẽ thành siêu đô thị
Hạ tầng cơ sở sẽ được đẩy mạnh đầu tư hơn nữa nếu áp dụng mô hình chính quyền đô thị - Ảnh: Diệp Đức Minh
Hôm qua 10.8, HĐND TP.HCM nghe báo cáo về đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM. Hai nội dung trọng tâm được đặt ra là vì sao lập 4 TP vệ tinh (TP.Đông, TP.Tây, TP.Nam, TP.Bắc) và người dân được lợi gì từ mô hình mới này.
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên ban soạn thảo đề án, dựa vào quá trình quy hoạch phát triển, TP.HCM sẽ thành siêu đô thị. Kinh nghiệm thế giới cho thấy nếu là một siêu đô thị mà phản ứng như một cấp chính quyền theo mô hình tập trung hiện nay “là vô phương để quản lý và phát triển”. Cho nên cần chia đô thị lớn thành 5 đô thị nhỏ khác. Ngoài đô thị trung tâm với 13 quận nội thành hiện hữu, về quy mô 4 đô thị nhỏ (TP vệ tinh) là trên 1 triệu dân, quy mô diện tích hơn 100 km2 hoặc gần 150 - 200 km2.
“Không đủ sức phục vụ thì quyền yếu”

Kiểu cũ không sát sườn với dân
TS Trần Du Lịch kể: “Tôi tới một đô thị nhỏ nằm trong TP.Busan (Hàn Quốc), giống như đơn vị hành chính cấp quận của mình. HĐND của họ chỉ có 9 vị, phòng họp có 9 ghế thôi nhưng làm việc suốt năm. Đại biểu ở đó biết rõ trong đơn vị bầu cử của họ, xin lỗi ai ốm, ai bệnh, nhà ai cãi vã... họ đều biết hết. Đại biểu là vậy đó, mới đại diện được cho dân. Còn xin thưa nếu như chúng ta vẫn cơ cấu theo kiểu cũ thì không sát sườn với dân được”.
“Tư tưởng chủ đạo là chia TP quá lớn này thành đô thị nhỏ hơn, dễ quản lý hơn, tự chủ cao hơn nhưng vẫn nằm trong tay chính quyền TP.HCM. Quy mô một đô thị 1 triệu dân bao giờ cũng dễ quản lý hơn, hiệu quả quản lý cao hơn đô thị 10 triệu dân. Làm như thế mới gắn được lợi ích của dân, chính quyền sát với lợi ích của dân, chứ không phải ngẫu nhiên mà ngồi chia ra”, TS Lịch nói.
Trước thắc mắc tại sao 13 quận nội thành không tổ chức thành một TP, ông Lịch cho rằng nếu làm như vậy thì sẽ không ổn, “vì lúc đó chính quyền TP.HCM gọi là chính quyền của liên đô thị và nông thôn chứ không phải chính quyền đô thị nữa bởi không trực tiếp quản lý đô thị nào hết”. “Vấn đề là chính quyền TP.HCM lớn phải là chính quyền trực tiếp của 13 quận nội thành và là chính quyền cấp trên của 40 pháp nhân công quyền cơ sở (4 đô thị mới, 3 thị trấn và 35 xã - PV)”, TS Lịch nói, và khẳng định: “Tôi tin rằng nếu tổ chức thành 4 đô thị thì quá trình thực hiện đô thị hóa cho hạ tầng theo quy hoạch sẽ nhanh hơn nhiều so với cách quản lý hiện nay. Thay vì TP lo từng dự án, trong tương lai khi trao cho cơ chế tự chủ thì tốc độ sẽ nhanh hơn. Còn bây giờ cấp TP đang quản hết, không xuể”.
Về vai trò của 4 TP vệ tinh, TS Lịch cho biết đây là những pháp nhân công quyền có địa vị pháp lý giống nhau, “nhưng ông nào ngân sách tự chủ lớn thì quyền anh lớn. Còn trên trợ cấp càng nhiều thì tính tự chủ của anh ít đi. Địa vị giống nhau nhưng quyền tự chủ là tùy theo năng lực cho dân mức nào. Nếu anh không đủ ngân sách, không đủ sức phục vụ thì quyền anh yếu”.
Vướng hơn 100 văn bản luật
Đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng đề án đã liệt kê khi thực hiện sẽ vướng hơn 100 văn bản luật, nghị định. “Trong thực tế đã chứng minh, nếu cái gì pháp luật chưa có quy định thì khi triển khai sẽ rất vướng, mà để sửa hơn 100 văn bản luật này tôi nghĩ không biết đến bao giờ xong. Đây là công việc khổng lồ”, ông Quân đặt vấn đề.
TS Lịch thừa nhận, theo mô hình mới thì hệ thống văn bản pháp luật không phù hợp, ít nhất là 2 đạo luật: luật Tổ chức HĐND, UBND và luật Ngân sách, “nhưng khi Quốc hội cho nghị quyết thí điểm, TP sẽ có cơ sở pháp lý để làm và ta lướt qua một số quy định để thực hiện”.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết: “Đây là việc chưa có tiền lệ nên quá trình triển khai đề án sẽ làm chặt chẽ, có bước đi thích hợp, không duy ý chí và không làm xáo trộn nhiều đến đời sống người dân cũng như vận hành bộ máy chính quyền TP”.
Đình Phú

Dân TP.HCM than phiền vì ô nhiễm môi trường

(TNO) Sáng 11.8, chương trình Lắng nghe và trao đổi do HĐND TP.HCM phối hợp cùng Đài truyền hình TP.HCM tổ chức đã ghi nhận nhiều bức xúc của người dân TP.HCM về ô nhiễm môi trường.
Rất nhiều ý kiến cử tri than phiền về ô nhiễm môi trường "đến mức nghẹt thở" từ các bãi rác, nhà máy xử lý nước thải...
"Hôi thối chịu không nổi luôn"
Những địa chỉ được đầu tư tiền tỉ để xử lý rác thải và nước thải (đã đi vào vận hành), nhưng lại bị "điểm danh" về thực trạng ô nhiễm: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh), Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (xã Phước Hiệp, H.Củ Chi)…
Nhiều bô rác lộ thiên khiến người dân nghẹt thở d
Nhiều bô rác lộ thiên khiến người dân nghẹt thở
Cử tri Phạm Đông Phương ở xã Bình Hưng than phiền: "Từ năm 2011 đến nay, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng gây mùi hôi quá. Hôi thối khiến người dân chịu không nổi luôn".
Cũng "nghẹt thở" vì ô nhiễm từ Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, cử tri Trần Hoài Nam ở xã Bình Hưng tiếp tục "kể khổ": "Người dân phải đóng hết cửa, bít hết các lỗ hổng tránh mùi hôi thối “tấn công” nhưng cũng không ăn thua gì. Ô nhiễm, hôi thối đến mức chúng tôi không dám tiếp khách ở nhà, đang ăn cơm cũng phải bỏ".
Tương tự như người dân ở xã Bình Hưng, người dân ở xã Phước Hiệp (nơi có Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp) cũng chịu khổ cực không kém.
Một cử tri cho biết "cũng thường xuyên bị nghẹt thở vì ô nhiễm", và bày tỏ sự lo lắng bởi đời sống người dân đang bị đe dọa về sức khỏe, sinh hoạt hằng ngày... Hầu hết mọi người ở đây đều sử dụng nước giếng nhưng mạch nước ngầm đã bị ô nhiễm, màu nước đen ngòm.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Minh Sơn ở P.15, Q.Tân Bình bức xúc: “Dòng kênh trên địa bàn phường bây giờ bị nhuộm đen. Khói bụi thì phủ như sơn. Bà con chịu hết nổi vì không còn không khí trong lành để thở nữa”.
"Trả lời như vậy là không đạt yêu cầu"
Cứ mỗi lần "kể khổ" vì không chịu thấu tình trạng ô nhiễm, các cử tri đều tha thiết đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM có giải pháp sớm khắc phục.
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tham dự chương trình là ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc sở phụ trách mảng môi trường, chỉ giải trình "rất chung chung".
Việc xử lý rác tại các bãi rác cũng chưa đạt yêu cầu
Việc xử lý rác tại các bãi rác cũng chưa đạt yêu cầu
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc nhở: "Đồng chí nói nhưng không thấy có giải pháp cụ thể?". Ông Phước nói: "Sắp tới sẽ đẩy mạnh việc phân rác tại nguồn".
Chưa hài lòng, bà Quyết Tâm hỏi tiếp: "Phân rác tại nguồn thực tế không làm giảm lượng rác trong khu dân cư".
Ông Phước cũng không cam kết được đến bao giờ giải quyết được tình trạng người dân "bị nghẹt thở vì ô nhiễm", chỉ nói: "Cũng phải tăng cường tập huấn, tuyên truyền ý thức người dân…".
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín kết luận: "Trả lời như vậy là không đạt yêu cầu".

Cả thành phố chỉ có 3 bô rác đảm bảo môi trường
Tại chương trình cũng có rất nhiều ý kiến bức xúc về việc thu gom, vận chuyển rác không đảm bảo vấn đề môi trường, mặc dù ngân sách thành phố phải chi hàng trăm tỉ đồng.
Theo ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM, hiện thành phố có 48 bô rác khép kín nhưng chỉ có 3 bô rác đảm bảo môi trường. “Nó quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế”, ông Đông nói.
Trước nhiều bức xúc của cử tri, ông Nguyễn Văn Phước thừa nhận việc thu gom, vận chuyển rác không đạt vệ sinh. Ông Phước cho rằng tình trạng này là do việc xe vận chuyển rác xuống cấp, và cho biết “sẽ quyết liệt xử lý”.
Đình PhúẢnh chụp từ màn hình chương trình

31 lao động Việt Nam bị tạm giữ tại Nga đã về đến Nội Bài

(TNO) Theo thông tin từ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) sáng nay 11.8, nhóm 31 công dân Việt Nam đầu tiên trong số gần 588 lao động Việt Nam bị tạm giữ tại Liên bang Nga đã về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) trên chuyến bay SU 290 của hãng hàng không Nga Aeroflot.
Đây là những lao động đầu tiên trong số 588 lao động Việt Nam bị tạm giữ tại Liên bang Nga từ ngày 31.7 được giải quyết về nước.
Trong những ngày tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Nga hoàn tất các thủ tục cần thiết để những công dân Việt Nam còn lại đang bị tạm giữ sớm trở về nước.
Trước đó, từ ngày 31.7, cảnh sát Nga đã tạm giữ hơn 1.000 lao động trái phép người nước ngoài tại các xưởng may ở một khu chợ phía Đông của thủ đô Moscow. Trong số đó, các cơ quan hữu quan đã xác minh chính thức có 588 lao động Việt Nam.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng trong nước, Đại sứ quán Việt Nam đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết và hoàn tất các thủ tục pháp lý để lao động Việt Nam sớm trở về nước, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cũng đã trực tiếp gặp và làm việc với đại diện Bộ Ngoại giao Nga, Chính quyền Moscow, Giám đốc Sở Nội vụ Moscow, Giám đốc Sở Di trú Moscow về các vấn đề liên quan đến các công dân Việt Nam bị tạm giữ cũng như khẩn trương thành lập Tổ công tác (bao gồm Lãnh đạo Đại sứ quán, cán bộ lãnh sự, cán bộ Ban công tác cộng đồng) và thiết lập đường dây điện thoại nóng thường trực 24/24 để theo dõi sát tình hình và hỗ trợ tối đa cho các công dân Việt Nam.
Trường Sơn

Một phụ nữ Việt mang 4,1 kg ‘hàng đá’ vào Singapore

(TNO) Cơ quan chức năng Singapore ngày 11.8 cho biết đã bắt giữ một phụ nữ Việt Nam mang 4,1 kg thuốc phiệnmethamphetamine tại sân bay Changi ngày 10.8.
Methamphetamine là chất gây nghiện có tên gọi bình dân là "hàng đá".
Bản liên thông cáo của Cục xuất nhập cảnh (ICA) và Văn phòng chống ma túy quốc gia (CNB) cho biết người phụ nữ 47 tuổi này đến ga hành khách số 2 sân bay Changi lúc khoảng 8 giờ 45 phút sáng 10.8.
Tuy nhiên, thông cáo không cho biết người này đến Singapore từ đâu, trên chuyến bay nào.
2 gói 'đá' và một số ngoại tệ bị cảnh sát thu giữ
Hai gói "hàng đá" và một số ngoại tệ bị cảnh sát Singapore thu giữ
“Trong quá trình kiểm tra, nhân viên ICA và CNB phát hiện 2 mảng chất kết tinh gói bằng giấy bạc trong hành lý của bà này. Các khối chất này được xác định là chứa khoảng 4,1 kg "hàng đá" trị giá khoảng 630.000 SGD (10,7 tỉ đồng)”, thông cáo cho biết.
“Điều tra ban đầu cho thấy số chất này có thể sẽ được tái xuất đi một nước khác chứ không để tiêu thụ ở Singapore”, theo thông cáo.
Va li chứa thuốc phiện
Va li chứa "hàng đá"
“Nếu bị kết án, người phụ nữ này có thể bị tử hình”, thông cáo nói thêm.
Theo luật hình sự Singapore, bất kỳ ai mang trái phép lượng chất ma túy quy ra đủ 15 g heroine sẽ bị tử hình.
Trao đổi với Thanh Niên Online qua điện thoại, ông Yeoh Poh Teck thuộc CNB cho biết người phụ này tên là Nguyễn Thị Thanh Hải, hiện đang bị tạm giam tại đồn cảnh sát trung tâm Cantonment.
Ngày mai 12.8, bà Hải sẽ bị buộc tội chính thức tại tòa hình sự cấp quận.
Thục Minh (Văn phòng Singapore)
Ảnh: do CNB cung cấp

Người tố cáo gian lận xét nghiệm

Phải thuyết phục thật lâu, chị Hoàng Thị Nguyệt, công tác tại Khoa Xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), mới nhận lời gặp chúng tôi để nói về hành trình tố cáo sai phạm của giám đốc và một số nhân viên trong ê kíp gian lận kết quả xét nghiệm gây chấn động dư luận.
Chị Nguyệt gặp chúng tôi tại căng tin gần lớp học trong giờ nghỉ trưa. Chị đang trong kỳ thi, chuẩn bị tốt nghiệp lớp cử nhân kỹ thuật y học của Đại học Hải Dương, đặt tại Bệnh viện Huyết học - truyền máu T.Ư. Tranh thủ học vào hai ngày cuối tuần, nên bất kể mưa bão chị vẫn đến lớp học đều đặn.
Chưa hết xúc động sau những ngày căng thẳng vì bị cô lập, khủng bố tinh thần do viết đơn tố cáo sai phạm của giám đốc và ê kíp dưới quyền, chị Nguyệt chia sẻ: “Việc chúng tôi tố các sai phạm không ngoài mong muốn bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh, bác sĩ điều trị không còn bị lừa dối”.
“Người ta thẳng tay vứt mẫu máu đi”
Càng có chuyên môn, càng hiểu biết thì càng thấy sai lệch xét nghiệm là vô cùng nguy hiểm. Bệnh nhân chờ đợi, mệt mỏi, rất khổ, còn bác sĩ điều trị thì bị lừa vì xét nghiệm gian dối. Tình cảnh đó khiến tôi thấy không đấu tranh không được
Chị Hoàng Thị Nguyệt, công tác tại Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội)
Việc gian lận kết quả xét nghiệm bắt đầu khi tháng 7.2013, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoài Đức Nguyễn Trí Liêm cho chia tách Khoa Xét nghiệm làm hai bộ phận: xét nghiệm cho bệnh nhân nội trú ở tầng 2, còn tầng 1 tiếp đón thực hiện xét nghiệm cho bệnh nhân ngoại trú. Trong số người đảm nhiệm trực tiếp xử lý mẫu xét nghiệm có hai kỹ thuật viên cao đẳng và trung cấp không đủ năng lực chuyên môn. Vì được giám đốc và trưởng khoa che chở, các kỹ thuật viên làm việc rất thiếu nghiêm túc và đặc biệt là không đủ năng lực nhưng lại ký tên trên kết quả xét nghiệm.
“Điều khiến chúng tôi đau xót là rất nhiều mẫu máu của người bệnh chuyển đến để xét nghiệm đã bị bỏ đi. Một kết quả xét nghiệm huyết học, sinh hóa lại được tận dụng in thêm để cùng trả cho 1-2 người khác, thậm chí 3 người”, chị Nguyệt nói và xót xa: “Bệnh nhân đến viện ai cũng phải chờ đợi vất vả. Các cháu bé khóc, cha mẹ lo lắng, người già thì mệt mỏi, mỗi người một tâm trạng. Mỗi lần lấy máu, các bé khóc, có khi giãy giụa vì sợ hãi, thế mà người làm xét nghiệm thẳng tay vứt mẫu máu đó đi, in ra một kết quả khác hoàn toàn từ một mẫu máu của người xa lạ”.
Cả nghìn mẫu xét nghiệm hóa học bị sai lệch, chưa kể nhiều mẫu xét nghiệm sinh hóa cũng bị làm sai. Có bệnh nhân là cụ ông bị bệnh động kinh phải vào viện vì ngứa do dị ứng, kết quả mẫu xét nghiệm của ông được in thêm 2 bản nữa để trả cho một bệnh nhi bị viêm phế quản và một bệnh nhi tiêu chảy! Có trường hợp bệnh nhi mắc bệnh tiêu chảy, sức khỏe bình thường nhưng lại chung kết quả xét nghiệm với người ốm nặng. Vì vậy, trên kết quả xét nghiệm, cháu bé này có tình trạng như của người sắp chết.
“Càng có chuyên môn, càng hiểu biết thì càng thấy sai lệch xét nghiệm là vô cùng nguy hiểm. Bệnh nhân chờ đợi, mệt mỏi, rất khổ, còn bác sĩ điều trị thì bị lừa vì xét nghiệm gian dối. Tình cảnh đó khiến tôi thấy không đấu tranh không được”, chị Nguyệt tâm sự.
Bị ngăn cản, đe dọa
Bệnh nhân chờ đợi, mệt mỏi, rất khổ, còn bác sĩ điều trị thì bị lừa vì xét nghiệm gian dối. Tình cảnh đó khiến tôi thấy không đấu tranh không được
Chị Hoàng Thị Nguyệt, công tác tại Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội)
Trước khi chị Nguyệt gửi đơn đến cơ quan công an, Sở Y tế Hà Nội cũng đã từng nhận được đơn tố cáo và cử đoàn công tác về chấn chỉnh. Tuy nhiên thời gian này cũng là lúc chị Nguyệt “bị lộ” và những kẻ bị tố cáo đã tìm đủ mọi cách ngăn cản, đe dọa.
Nước mắt chực trào ra trên gương mặt có phần hốc hác sau những ngày căng thẳng, chị Nguyệt kể: “Thời điểm tôi đưa đơn đến cơ quan công an cũng là lúc giám đốc bệnh viện cho người đến tác động với tôi qua bạn bè, người thân. Cũng có người chuyển lời hứa rằng trưởng khoa xét nghiệm sắp về hưu, khi đó giám đốc sẽ đưa tôi lên thay. Lại có người nhắn tin đe dọa rằng giám đốc nhiều mối quan hệ, lo liệu hết rồi. Thậm chí, ngay trong bệnh viện cũng có người theo dõi tôi vì một số mẫu xét nghiệm tôi thấy có vấn đề nên xuống tận nơi bệnh nhân điều trị nội trú để tìm hiểu, đối chiếu, nhưng khi đến nơi liền có người ngăn chặn. Mấy kỹ thuật viên làm sai trái còn viết lên các tờ xét nghiệm chuyển cho tôi với lời lẽ xúc phạm “đồ chó”, “đồ đểu”. Cùng lúc cũng có người lo lắng mà bảo tôi rút đơn tố cáo, nhưng tôi chỉ nói rằng: Không chạy theo kẻ mạnh có hành vi sai, phải bảo vệ người lao động”.
Chị Nguyệt nhớ lại: “Ngày tôi đưa đơn là ngày mưa gió, tâm trạng căng thẳng. Tôi đã rất lo lắng không biết sự việc sẽ được xử lý như thế nào. Có đúng là những người làm sai đã lo liệu hết không? Nhưng tôi vẫn quyết tâm lên đường, đi thật nhanh, bỏ đơn thư đến cơ quan công an và báo chí ngay trong một buổi sáng. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ những chứng cứ thuyết phục và đề rõ: Đơn tố cáo khẩn cấp của viên chức Bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Các cơ quan đã vào cuộc rất nhanh chóng. Tôi đưa đơn lúc 10 giờ sáng ở cơ quan công an thì 3 giờ chiều đã cử người xuống làm việc”.
“Tôi mong muốn các sai trái bị triệt tiêu, bệnh nhân, người lao động bớt khổ. Tôi cũng mong những người làm sai thay đổi, nhận ra hậu quả nghiêm trọng với bệnh nhân do việc làm sai trái của họ vì có người vẫn còn ngoan cố nói rằng những gian dối xét nghiệm chỉ là lỗi chứ không phải tội”, chị Nguyệt nói.

Gia đình và nhiều đồng nghiệp ủng hộ
Để có bằng chứng tố cáo, chị Nguyệt và những người cùng chị đi tìm sự thật về các mẫu xét nghiệm đã mất nhiều tháng trời thu thập, xử lý chứng cứ, ghi hình, lưu đĩa, nhiều đêm phải thức đến 1-2 giờ sáng để xử lý các dữ liệu. “Mình làm phải chính xác, nếu không mọi người sẽ nghĩ mình nói xấu đồng nghiệp vu vơ. Căng thẳng, áp lực, sức khỏe tôi cũng suy giảm, chắc cũng sụt mất 5 kg”, chị tâm sự.
Trong quá trình đưa sự việc ra ánh sáng, người phụ nữ 46 tuổi này nói đã nhận được lời khuyên, ủng hộ của thầy giáo, đồng nghiệp và đặc biệt là gia đình là chỗ dựa tinh thần cho chị. “Nghề y là nghề cao quý, cứu người nhưng cũng có cái vất vả, các con tôi chắc cũng không theo nghề của mẹ. Con trai lớn đang học năm thứ hai ĐH Kiến trúc, hai con gái đang học lớp 10 và lớp 4. Ông xã là giáo viên dạy toán, tất cả đều hỗ trợ động viên những lúc tôi chịu nhiều áp lực”.
Người tố cáo gian lận xét nghiệmChị Hoàng Thị Nguyệt - Ảnh: Ngọc Thắng
Người tố cáo gian lận xét nghiệmBệnh viện đa khoa Hoài Đức - nơi “nhân bản” kết quả xét nghiệm
Người tố cáo gian lận xét nghiệm2Các chứng cứ về sai phạm trong kết quả xét nghiệm được chị Nguyệt và đồng nghiệp thu thập
Liên Châu



http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130811/nguoi-to-cao-gian-lan-xet-nghiem.aspx

Video : Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: Đảng là Tổ quốc, là Nhân dân!!!!!!!!!!!

Sơn láo! Báo đảng láo! Cả đảng ta cùng láo!



Mỹ bác tin Ðại sứ Shear nói nhân quyền Việt Nam “cải thiện đáng kể”.

VOA - Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội cho biết việc báo chí Việt Nam loan tin đại sứ Mỹ David Shear phát biểu rằng nhân quyền Việt Nam “đã có những cải thiện đáng kể” là sai sự thật.

Ngày 7/8, đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear có cuộc họp báo với giới truyền thông nội địa về chuyến công du Hoa Kỳ mới đây của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các vấn đề liên quan đến quan hệ Việt-Mỹ. 

Hàng loạt các báo nhà nước khi tường thuật về nội dung sự kiện này nói rằng “Một trong những điều kiện để dẫn tới việc [Mỹ] dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí là vấn đề nhân quyền. Trao đổi với báo chí ngày 7/8, đại sứ David B. Shear cho rằng xung quanh vấn đề này từ đầu năm 2013 đến nay Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể.” 

Đại sứ quán Hoa Kỳ khẳng định báo chí Việt Nam đã đưa tin sai, đại sứ David Shear không hề phát biểu rằng nhân quyền Việt Nam “cải thiện đáng kể.” 

Tòa đại sứ Mỹ nói sau khi phát hiện hôm 8/8, họ đã yêu cầu đính chính và đề nghị xin lỗi. 

Tuy nhiên tính đến 4 giờ sáng ngày 10/8 (giờ Hà Nội), các trang báo điện tử trong nước bao gồm Tiền Phong, Đất Việt, Dân Trí, Sài Gòn News v.v... vẫn còn giữ nguyên các bản tin vừa kể. 

Đại sứ quán Mỹ cho biết đại sứ David Shear đã nhiều lần tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không bán võ khí sát thương cho Việt Nam chừng nào Hà Nội chưa cải thiện nhân quyền.