THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 January 2013

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm “tố” bị uy hiếp bằng súng


Chủ Nhật, 06/01/2013 11:16

(NLĐO)- Chuẩn bị ra về sau khi ăn trưa tại nhà hàng ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cùng 3 người bạn, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, có biệt danh “bác sĩ hoa súng”, nghe thấy tiếng nổ chát chúa, tiếng kính vỡ. Sau đó mới biết là tiếng súng nổ và đạn bắn.

Ngày 5-1, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, cơ quan này đã nhận được trình báo và đang điều tra một vụ nổ súng tại nhà hàng trên địa bàn quận.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (giữa) cùng 2 người bạn
 
Sự việc xảy ra vào khoảng 12 giờ ngày 2-1 vừa qua, khi nhờ thơ Hoàng Nhuận Cầm (SN 1952), được công chúng biết đến với biệt danh “bác sĩ hoa súng”, cùng 3 người bạn khác là Vũ Hồng Sơn (SN 1955), Nguyễn Đức Việt (SN 1961) và Vũ Quốc Tuấn (SN 1962) vừa ăn trưa xong tại nhà hàng Long Vũ nằm đường ven Hồ Tây.

Khi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cùng nhóm bạn đang chuẩn bị đứng dậy ra về thì bất ngờ nghe thấy tiếng nổ chát chúa kèm theo đó là tiếng kính vỡ và mảnh kính bắn lên trần nhà.

Vào thời điểm nghe thấy tiếng nổ, trong quán chỉ có duy nhất ông Hoàng Nhuận Cầm và 3 người bạn. Thấy có dấu hiệu bất thường, ông Hoàng Nhuận Cầm cùng những người có mặt trong nhà hàng đã làm đơn lên cơ quan điều tra để làm sáng tỏ sự việc.

Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an bước đầu kết luận vết thủng ở kính nhà hàng Long Vũ là do đạn bắn. Vụ việc đang được điều tra, làm rõ.
Tin-ảnh: N.Quyết

Thịt bẩn tràn vùng biên


Chủ Nhật, 06/01/2013 22:59

Nhiều mặt hàng thực phẩm đã chế biến hoặc còn tươi sống từ Trung Quốc như xúc xích, chả cá, nội tạng heo, cá tầm, gà cay, khô “hổ”, bim bim… đang nhập lậu qua biên giới Lào Cai để tuồn vào nội địa tiêu thụ

Lợi dụng hàng chục km đường sông biên giới, các đầu nậu đã thuê cửu vạn hoặc dân buôn nhỏ lẻ dùng thuyền qua biên giới mua nhiều loại thực phẩm “bẩn” mang về Việt Nam tiêu thụ.
Ngày càng tinh vi
Nổi danh từ nhiều năm trước với việc phát hiện số lượng lớn nội tạng động vật nhập lậu từ bên kia biên giới thì nay tại Lào Cai, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm nhiều loại thực phẩm “bẩn” mới như xúc xích, chả cá, cá tầm, gà cay (đóng gói), khô “hổ”, bim bim…
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Đội phó Đội Kiểm soát - Cục Hải quan Lào Cai, phương thức nhập cá tầm được dân buôn lậu thực hiện rất tinh vi bằng cách cho vào rọ thả xuống sông rồi dùng thuyền kéo qua biên giới. Do việc bảo quản không đúng nên khi bị lực lượng chức năng phát hiện, nhiều mẻ cá tầm đã đến giai đoạn phân hủy.
 
Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng trăm gói gà cay Trung Quốc
Xác định đây là thời điểm các đầu nậu gom hàng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2013, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh Lào Cai đã cắt cử các lực lượng bám sát trên các địa bàn phức tạp như TP Lào Cai, huyện Bát Sát, Mường Khương, Bảo Thắng… Sau nhiều giờ mật phục, chiều 25-12-2012, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Lào Cai) đã bắt giữ được lô hàng xúc xích có nguồn gốc Trung Quốc tại phường Cốc Lếu, TP Lào Cai. Đến ngày 31-12-2012, lực lượng chức năng tiếp tục bắt giữ một ô tô chở 130 kg xúc xích đã chảy nước, bốc mùi hôi thối. Chủ xe khai nhận số hàng này được mua từ Trung Quốc và đang vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ.
 
Lực lượng chức năng thu giữ chả cá nhập lậu. Ảnh: BẢO TRÂN
Mới đây nhất, ngày 2-1, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai bắt giữ được một lô hàng gồm 70 kg xúc xích, gần 100 kg chả cá, hàng trăm gói gà cay, hàng chục kg chim cút mổ sẵn….
Ông Hoàng Chính Phương, quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, cho biết trong năm 2012, lực lượng chức năng đã tiêu hủy hơn 16.000 tấn thủy sản, thịt đông lạnh nhập lậu...
“Tân trang” bằng hóa chất
Theo ông Lê Hải Đăng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, thời gian gần đây, tại Lào Cai nổi lên tình trạng nhập lậu xúc xích từ Trung Quốc. Xác minh cho thấy xúc xích nhập lậu từ Trung Quốc thường được chế biến từ heo chết đã phân hủy. Sau khi tuồn vào nội địa, số hàng này sẽ được “tân trang” bằng hóa  chất khử mùi và đóng nhãn mác giả rồi đưa đi tiêu thụ. “Xúc xích nhập lậu rất giống các loại xúc xích trong nước sản xuất nên rất khó phân biệt” - ông Đăng nói.
Ban Chỉ đạo 127 tỉnh Lào Cai cho biết thủ đoạn của các đối tượng buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm lậu là lợi dụng những con đường mòn rồi tập kết mang đi tiêu thụ. Khi lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng vận chuyển thường thả gà vào các trang trại của người dân ven biên giới.
Do Lào Cai cách xa Hà Nội, đường lại khó đi nên thay vì vận chuyển gia cầm còn sống thì các đầu nậu đã giết mổ gà, chim cút từ bên kia biên giới rồi thuê cửu vạn vận chuyển về hoặc nhồi nhét giữa nhiều mặt hàng được phép nhập khẩu khác.
 
Vô tư ăn hàng bẩn
Hằng ngày, TP Lào Cai, thị trấn Sa Pa, Bắc Hà và nhiều nơi khác của tỉnh Lào Cai có đến hàng trăm quán ăn phục vụ người dân và du khách.
Đáng lưu ý, tại các quán đồ nướng này, thực khách tha hồ thưởng thức các mặt hàng thực phẩm nhập lậu như chả cá, xúc xích, nội tạng, trứng gia cầm, giò heo...
Bài và ảnh: BẢO TRÂN

Hèn hạ khiếp nhược

Hôm nay 6/1/2013, các báo đồng loạt đưa tin cải táng hài cốt Lê Đình Chinh, người anh hùng liệt sĩ  đầu tiên trong cuộc chiến biên giới Việt- Trung 1979. Điều kỳ lạ là hầu hết các báo đều không dám nhắc đến cái tên kẻ thù của cuộc chiến tàn khốc bi thương đó. Duy nhất một tờ Thanh Niên (có lẽ do lọt sàng)  đã nêu được đích danh tên kẻ thù- đó là “quân xâm lược Trung Quốc”.

 
Chưa có thời nào bi hề và nhục nhã thế. Thủ tướng thì phải gọi trại ra là “đồng chí X”. Tàu của bọn cướp biển thì phải gọi là “tàu lạ”. Kẻ thù xâm lược tàn phá quê hương, bắn chết Lê Đình Chinh và hàng vạn đồng đội của anh trong cuộc chiến Việt- Trung 35 năm trước thì không dám gọi thẳng tên mà phải bóng gió xa xôi ám chỉ bằng những cách chung chung khôi hài như: “quân xâm lược từ bên kia biên giới”, “những tên côn đồ từ bên kia biên giới”… 

Đến mức mấy chữ “quân Trung Quốc” khắc trên tấm bia ghi chiến tích của quân đội Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 cũng bị đục nát như bằng chứng cho sự khiếp nhược đã tới mức không thể diễn tả bằng lời: 


Xin đừng ngụy biện bằng những “mười sáu chữ vàng” với “bốn tốt”. Hà Nội, Điện Biên, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên… trên khắp nước Việt này vẫn còn nhiều chứng tích của các cuộc chiến tranh Việt- Pháp, Việt- Mỹ, những dòng chữ  khắc ghi “tội ác thực dân Pháp, đế quốc Mỹ”…  vẫn còn đầy ra đấy. Có ai đục bỏ đâu, có “mười sáu chữ vàng” với “bốn tốt” đâu mà tình hữu nghị Việt- Pháp, Việt- Mỹ vẫn nồng thắm. Thậm chí  bao thế hệ người Pháp người Mỹ còn thích tìm đến những nơi chốn đó, thắp hương quỳ lạy và cảm thấy yêu cái nước Việt này hơn.
Thế nhưng tại sao cái chữ “quân Trung Quốc xâm lược” lại phải đục bỏ. Đến mức người dân biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo cũng bị đàn áp, bắt giam. Đến cái tên kẻ thù xâm lược bắn giết đồng bào mình cũng không dám gọi tên. Húy kỵ đến hèn hạ, tránh né đến khiếp nhược như thế nhưng tại sao quan hệ Việt- Trung vẫn chẳng lúc nào yên. 

35 năm nằm im trong lòng đất, liệt sĩ anh hùng Lê Đình Chinh và hàng vạn đồng đội của anh đã ngã xuống, thấm máu vùng biên cương kia, có ngờ được rằng hôm nay tổ quốc của các anh lại không dám gọi thẳng cái tên kẻ thù đã nã đạn vào đầu các anh ngày ấy. 

Đọc những dòng tin trên báo hôm nay, có ai nhận ra mình đã khóc, nước mắt sót cay? Có ai phải nghiến răng bóp chặt tay thành nắm đấm căm giận… 

Không có sự hèn hạ nào hèn hạ bằng. Không có sự khiếp nhược nào khiếp nhược đến thế.

Ba câu hỏi đặt ra từ vụ rút máu học sinh ở Nghệ An


Những học sinh tại Quỳ Hợp, Nghệ An bị cán bộ hút máu

Huy Cường - Báo Công an TP HCM đưa tin nóng: Một tổ chức (hình như là Trường đại học Y khoa Vinh) vừa tổ chức hút máu học sinh tại một trường phổ thông ở huyện miền núi Quỳ Hợp ở Nghệ An.

Sau khi phóng viên tiếp cận với địa phương, phần lớn cán bộ chủ chốt đều ú ớ. Riêng ông chủ tịch xã nói đây là lệnh của UBND tỉnh. Cách thức lấy máu thì như lấy máu gà vịt, kim thì dùng chung.

Với thông tin này, có thể đặt 07câu hỏi như sau:

1- Kỷ cương nào cho phép một trường đại học với sự nhất trí ( cứ cho là đúng thế) của một UBND tỉnh mà đã đủ quyền hạn lấy máu hàng loạt, lấy ồ ạt, lấy bằng một loại “pháp chế nội bộ” như nói trên.

2- Nếu có mục đích nghiên cứu gì đấy, có thể lấy chừng 10-20 em mỗi khu vực là đủ, việc gì phải lấy đại trà , lấy hết xô này đến xô như vắt sữa bò đem đi như vậy. Việc lấy máu này, có thể lấy ngay ở thành phố Vinh, tại sao phải vào một trường phổ thông khuất nẻo, xa đô thị để lấy, có gì cần bí mật chăng ?.

3- Nhà trường áp dụng hình phạt đóng 50 ngàn tiền phạt nếu không cho rút máu hoặc bị giáng điểm hạnh kiểm, như vậy nhà trường làm việc này theo kỷ cương nào, pháp lệnh nào?

4- Cách thức lấy rất ẩu, dùng chung kim, lấy đại trà, lấy cả những em bị yếu mệt đến nỗi các em bị ngất tại chỗ. Nếu việc lấy máu kiểu này vô tình truyền bệnh, gây lây lan dẫn đến dịch bệnh, gây tử vong thì ai chịu trách nhiệm.

5- Theo chủ tịch xã sở tại nói là làm theo chủ trương của tỉnh, của huyện, trách nhiệm của các vị quan huyện, quan tỉnh này như thế nào?.

6- Sự việc xảy ra đã khá lâu mà xem ra chính quyền, ngành giáo dục, ngành y tế không có động tĩnh gì. Thử hỏi nếu không có phóng viên báo Công an TP HCM phăng ra vụ này thì chắc mọi sự sẽ đi vào im lặng hay sao, như thế, sau trường này “đoàn” sẽ đi rút máu trường khác hay sao?.

7- Với cách làm khá tích cực của tỉnh, huyện, nhà trường trong vụ này, dư luận có quyền đặt câu hỏi : có chắc lấy máu để nghiên cứu khoa học không hay lấy để bán vì chỉ có làm thương mại mới cần lấy nhiều như thế và nếu đúng vậy, ai là người hưởng lợi từ việc này!?.

Đề nghị anh chị em phóng viên chuyên nghiệp khu vực miền Trung xoáy vào vụ này trên cơ sở của 7 câu hỏi trên, sẽ ra việc, vì lợi ích bảo vệ cộng đồng khỏi những ám ảnh như thế này về sau.

Tái bút: Huy Cường tiên đoán: Sau vụ này sẽ có khoảng 4 người gồm trưởng đoàn rút máu, hiệu trưởng trường học, trưởng trạm xá và một ông nào đó trên huyện bị “Khiển trách” nhẹ nhàng. Hết phim!

Facebook Huy Cường, Nhà Báo Tự Do

Hàng trăm học sinh THCS của hai xã Châu Hồng và Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp được nhà trường thực hiện theo “lệnh” của chủ tịch UBND xã và trạm y tế cho một tổ chức lấy máu, đã làm xôn xao dư luận người dân ở miền núi hẻo lánh.


“Rút” máu đột ngột Vượt đường dài dưới trời mưa phùn và cái rét cắt da cắt thịt, chúng tôi tìm về xã Châu Tiến và Châu Hồng, cách xa trung tâm huyện lỵ của thị trấn Quỳ Hợp hơn 30km để được mắt thấy tai nghe về việc con em họ bị một tổ chức không rõ ở đâu lấy máu cách đây hơn 10 ngày (20.12.2012).

Bà Lê Thị Loan (thường trú xóm 6, xã Châu Tiến) có con là Lê Thị Khánh Linh, học sinh lớp 6B Trường PTDT bán trú, THCS Hồng Tiến bức xúc: “Con tôi kể, cô giáo bắt các em phải cho “bác sĩ” dùng xi lanh lấy máu, nếu em nào không cho phải nộp 50 ngàn đồng và hạ loại hạnh kiểm”.
Học sinh bị lấy máu bức xúc phản ánh .
Học sinh bị lấy máu bức xúc phản ánh .

Cùng chung nỗi khổ với bà Loan, bà Trương Thị Hà (xóm 3, xã Châu Tiến) có con là Hoàng Thị Ngọc, lớp 9C và Hoàng Văn Hiếu, lớp 6 cùng trường cho biết: “Ban đầu các bác sĩ dùng kim rút máu các em đều cân trọng lượng, em nào khỏe thì rút hai cánh tay, em nào yếu thì rút một cánh tay.

Chúng không biết lấy bao nhiêu, nhưng có em đến con số 4, có em đến con số 5 thì bác sĩ dừng rút”. Khổ hơn là bà Quang Thị Hồng (xóm 3, Châu Tiến): “Con tôi là cháu Quang Bách, lớp 6B, cho biết nhà trường tập trung các em lại và yêu cầu tất cả phải cho bác sĩ lấy máu mà không hề giải thích lý do. Nhiều em bị ngất ngay khi lấy máu được chuyển đến trạm y tế xã cấp cứu, lúc đó những người lấy máu bồi dưỡng cho một hộp sữa tươi”.

Em Lê Thị Mỹ Hoa (học sinh lớp 6B) cho biết: “Cháu bị họ rút máu cả hai tay, lúc đầu mỗi kim dùng cho bốn bạn, nhưng sau đó hết kim nên cả nhóm hàng chục em đều dùng chung một kim. Họ lấy máu sau đó bơm vào cái bao như bàn tay, rồi nhiều bàn tay góp lại đầy xô, đầy xô này, họ mang lên xe cất, tiếp tục lấy xô khác”.

Đặc biệt theo các cháu thì chỉ có một cô giáo chống lại lệnh của nhà trường, cương quyết không cho họ lấy máu học sinh và chỉ duy nhất lớp 9 đó không bị lấy máu. Ngoài ra còn có năm em khác chạy trốn không cho lấy máu. Khi chúng tôi có mặt tại bản, nhiều người dân căm phẫn lên án việc bác sĩ Đôn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Châu Hồng, còn đe: “Nếu con anh chết, tôi sẽ đền cho 10 triệu đồng”.

Chính quyền nói gì?
Sau hàng trăm phản ánh, kêu cứu của các em và phụ huynh, chúng tôi tìm đến anh Vi Văn Hà, Phó trưởng công an xã Châu Tiến, nơi có gần 100 con em trên địa bàn xã đang học, ở nội trú tại trường bị lấy máu.

Theo anh Hà: “Sau sự việc lấy máu của các em, nhiều phụ huynh không dám cho con tới trường, chính quyền UBND xã và công an huyện đã vận động, đến nay không còn em nào bỏ học, nhưng nhân dân vẫn vô cùng bức xúc”.

Tìm về UBND xã Châu Hồng, thật đáng tiếc, ông Kim Văn Hường, Chủ tịch UBND xã, lại không có mặt tại nhiệm sở.

Qua điện thoại, chúng tôi hỏi việc lấy máu của các em học sinh thì ông cho biết: “Lấy hợp pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Quỳ Hợp theo đề án kiểm tra bệnh tại quyết định của Trường Đại học Y khoa Vinh…”.

Thế nhưng khi chúng tôi đề nghị cho xem số hiệu quyết định, đề án để ghi hình và làm sáng tỏ cho nhân dân thì ông chủ tịch lại nói: “Đề án là theo quyết định, họ cầm đến, chúng tôi ký chứ chúng tôi không có bất cứ một thứ giấy tờ gì lưu lại”. Trớ trêu hơn, ông lại giới thiệu chúng tôi tới Trường PTDT bán trú, THCS Hồng Tiến để gặp thầy Hiệu trưởng Lữ Xuân Khầm.

Thầy Khầm cũng “sao” lại y chang lời ông chủ tịch UBND xã mà không có bất cứ một văn bản, công văn nào của cấp trên tổ chức lấy máu các em xét nghiệm. Tuy nhiên, thầy Khầm khẳng định người trực tiếp lấy máu các em là bác sĩ tên Hiệp, trưởng đoàn, cùng với chín người khác của Trường Đại học Y khoa Vinh. Số học sinh lấy máu tại trường là 213 em, việc có một lớp trốn được cùng năm em khác thì thầy Khầm phủ nhận thông tin này.

Ông còn cho biết trước đó đoàn này đến đặt vấn đề trước với nhà trường, họ cũng hứa sẽ mang kết quả lại cho nhà trường nhưng đến nay vẫn không thấy.

Sau khi nhận những thông tin trên, chúng tôi tìm đến bác sĩ Đôn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Châu Hồng, người trực tiếp dẫn đoàn đến trường lấy máu các em nhưng ông không có mặt và cũng không nghe điện thoại. Quay lại ông Hoàng Quang Tiệp, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, để tìm hiểu thêm thì ông cũng không có mặt tại văn phòng ủy ban. Gọi điện thoại đề nghị xin gặp thì ông Tiệp nói: “Tôi đang bận việc gia đình” rồi cúp máy luôn… Rất mong cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc này để dân làng và học sinh yên tâm.

PV (CATP)

Nữ sinh gửi tâm thư sau quy định gây choáng của Bộ GDĐT



(VTC News) - Từ ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH vừa được Bộ GDĐT công bố sẽ có hiệu lực. Trước thông tin này, hàng loạt sinh viên gửi tâm thư lên Bộ GD-ĐT.

Trên mạng xã hội Facebook, “Hội những người bức xúc với quy định mới về đào tạo liên thông” tuy vừa mới được lập nhưng đã có gần 3.000 lượt thành viên like.

Trên fanpage này, hàng nghìn ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trong đó, có rất nhiều bạn đọc gửi tâm thư lên Bộ GD-ĐT để xin “gia ân”.

VTC News xin trích đăng 2 bức tâm thư của của những nữ sinh đang học hệ Cao đẳng tỏ ra lo lắng khi quy định mới về đào tạo liên thông có hiệu lực.

Thư “xin gia ân” của nữ sinh Nguyễn Thị Minh Nguyệt gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GDĐT) Phạm Vũ Luận 

Thưa bác, cháu là sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng ở miền Bắc. Nhà cháu ở một vùng quê nghèo khó, bố cháu mất trong một tai nạn giao thông khi đang đi chở hàng thuê, mẹ cháu thì bị bệnh nặng nên quanh năm đau yếu. Cháu là chị cả trong gia đình và còn một em trai mới học đến lớp 6.

Sau khi đọc được thông tư này cháu rất buồn, bao nhiêu mong ước, cố gắng của cháu trong 3 năm bây giờ biến mất hoàn toàn… 
Nguyễn Thị Minh Nguyệt

Bố cháu mất 3 ngày sau khi cháu nhận được thông báo đỗ đại học trên Hà Nội. Lúc ấy, cháu thật sự rất buồn và đau khổ vì bố là lao động chính trong nhà, mẹ thì gần như mất khả năng lao động, em trai vẫn còn nhỏ. 

Theo như cháu biết, muốn lên học ở Hà Nội thì tiền nhà ở và tiền ăn uống đi lại trong 4 năm học là những khoản tiền rất lớn, mẹ cháu ở quê sẽ không thể gánh vác được; đồng thời cháu đi rồi thì mẹ và em ở quê cũng không biết nương cậy vào ai.

Vì thế, cháu đã quyết tâm bỏ trường đại học và xin theo học một trường cao đẳng ở gần quê để có thể vừa đi học vừa đi làm thêm buổi chiều, buổi tối kiếm tiền lo cho mẹ và em. 

Trong thâm tâm, cháu luôn tự an ủi mình rằng cố gắng vừa học vừa làm rồi sau này liên thông lên đại học cũng chưa muộn, và chỉ cần học liên thông 2 năm rồi tốt nghiệp đại học là cháu đã đủ khả năng chu cấp đủ cho gia đình...

Nhưng hôm qua (2/1)), cháu rất tình cờ đọc được thông tư 55/2012/TT-BGDĐT ở trên mạng, nội dung thông tư nói rằng: Nếu sinh viên cao đẳng muốn liên thông lên đại học thì phải đợi 3 năm hoặc nếu muốn liên thông đại học luôn sau khi tốt nghiệp thì phải tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy như học sinh trung học phổ thông. 

Sau khi đọc được thông tư này cháu rất buồn, bao nhiêu mong ước, cố gắng của cháu trong 3 năm bây giờ biến mất hoàn toàn.

Cháu đồng ý với bác là giờ có nhiều người đang lợi dụng phương pháp liên thông đại học để có được bằng giỏi, bằng đẹp, nhưng bên cạnh đó vẫn có những người muốn vươn lên để thoát nghèo như cháu và những người bạn cùng quê…

Thưa bác, thông tư mới ra phản ánh nhiều điểm hay và cũng có nhiều điểm bất lợi với lứa sinh viên sắp ra trường như chúng cháu. 

Thời gian từ lúc ra thông tư đến lúc áp dụng quá ngắn, chúng cháu giờ lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, tiến không được, lùi cũng không xong, vì chúng cháu đã là sinh viên năm cuối, không kịp chuẩn bị được gì, trong khi kỳ thi đại học 2013 lại sắp đến gần. 

Nay cháu viết thư này kính mong bác gia ân cho chúng cháu bằng cách dời thời điểm áp dụng thông tư đến cuối năm sau, để tạo điều kiện cho chúng cháu - những sinh viên lứa cuối- có thể ra trường được suôn sẻ và được thực hiện ước mơ của bản thân.

Nick Leiu Tam: Công bằng có thực sự tồn tại ở đây? 

Những người muốn được liên thông lên ĐH, CĐ không phải là những kẻ không có kiến thức, không có ước mơ. Ở lớp cháu không phải ai cũng muốn liên thông, không phải ai cũng quan tâm đến việc liên thông. 

Nhưng tại sao cháu khao khát và mong muốn được liên thông? Là tại vì cầm cái tấm bằng cao đẳng đi xin việc cháu chắc chắn sẽ chẳng có cơ hội để lọt được qua vòng xét duyệt hồ sơ để ứng tuyển vào vị trí công việc mà cháu yêu thích! 

Chẳng lẽ 3 năm bố mẹ chắt chiu đồng lương hưu ít ỏi cho cháu ăn học để ra trường cháu chỉ có thể làm một người công nhân với tấm bằng cao đẳng kế toán sao hả bác? 

Nhiều sinh viên học hệ cao đẳng, trung cấp cho rằng với quy định mới về liên thông, ước mơ vào đại học của họ trở nên xa vời hơn (Ảnh: VTC)

Có những bạn họ chẳng quan tâm đến chuyện có được liên thông hay không đơn giản vì họ đã có sẵn "chân "trong 1 công ty, đơn vị nào đó rồi, nhà họ có đủ tiền để chạy trọt cho họ một công việc ổn định cả đời. Còn cháu, một sinh viên tỉnh lẻ ra thành phố biết kiếm đâu một công việc ổn định được sống với tấm bằng CĐ cho dù là khá hay là giỏi.

Từ cái ngày mà cháu trượt ĐH và quyết định học CĐ để liên thông cháu đã phải cố gắng rất nhiều, cháu không chỉ học cho qua môn, không chỉ học để lấy tấm bằng khá giỏi để đủ điều kiện liên thông.

Cháu cố gắng tích lũy càng nhiều kiến thức càng tốt vì cháu hi vọng một ngày nào đó có thể ngồi chung giảng đường với các bạn ĐH cháu sẽ không thấp kém, cháu cũng có kiến thức và năng lực như các bạn dù là cháu học nó ở trường CĐ. 

Nhưng giờ cháu thực sự hoang mang quá, mấy ngày trước cháu vẫn nói với bố mẹ rằng học xong cháu sẽ liên thông tiếp nhưng giờ cháu chẳng biết phải nói sao mỗi lần gọi điện về nhà cho bố mẹ cả. 

Cháu đã khiến bố mẹ cháu thất vọng một lần rồi, vậy mà cái hy vọng chuộc lại những sai lầm trước đây giờ cũng chẳng còn nữa! 

Nêu bắt chúng cháu thi lại cùng với học sinh phổ thông thì bất công quá, hơn nữa những kiến thức 3 năm qua chúng cháu học được lại chẳng phải là yếu tố để đánh giá trình độ và năng lực của chúng cháu!

Chờ 3 năm sau khi 3 năm tất bật cơm áo gạo tiền liệu những kiến thức lý thuyết sách vở của chúng cháu còn lại bao nhiêu. Có chăng chỉ là những kinh nghiệm thực tế mà đưa những kinh nghiệm đó vào bài thi thì sẽ không chính xác với những lý thuyết 3 năm trước học. 

Thực sự sinh viên chúng cháu tiến thoái lưỡng nan lắm rồi. Đã là những người cố gắng vượt lên rồi tại sao không cho chúng cháu một cơ hội chứ.


Đọc thêm: Thông tư 55/2012/TT-BGDĐT quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Bắc Giang: Chồng thai phụ tố CSGT “ra gậy” bị công an... triệu tập!



(Dân trí) - Trong khi anh Nguyễn Văn Tài (người kêu cứu việc bị một chiến sĩ CSGT huyện Yên Dũng vụt gậy trọng thương) đang phải chăm sóc vợ tại BV đa khoa tỉnh Bắc Giang thì nhận được giấy triệu tập của Công an huyện Yên Dũng lên làm việc.

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi báo điện tử Dân trí, anh Nguyễn Văn Tài(SN 1989, trú tại thôn Yên Tập - Yên Lư - Yên Dũng, Bắc Giang), chồng sản phụ Tống Thị Sen cho biết: Sáng ngày 28/12/2012, khi 2 vợ chồng anh Tài đi trên tỉnh lộ 398 thuộc xã Song Khê - Yên Dũng (Bắc Giang) thì bị một chiến sĩ CSGT Công an huyện Yên Dũng dùng gậy vụt thẳng vào đầu vợ anh. Cú “ra gậy” của chiến sĩ CSGT đã khiến vợ anh bị chấn thương sọ não, nhiều nguy cơ trụy thai và anh bị ngã xe gây thương tích nhẹ.

Ngay sau đó, anh Tài đã viết đơn trình báo có người làm chứng ghi rõ họ tên gửi Công an tỉnh Bắc Giang và Công an huyện Yên Dũng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ người đã “ra gậy”, trả lại sự công bằng cho vợ anh.

Anh Nguyễn Văn Tài, chồng thai phụ tố CSGT “ra gậy” gửi đơn kêu cứu tới báo điện tử Dân trí việc bị công an huyện Yên Dũng triệu tập.

Anh Tài bức xúc: “Sau khi tôi gửi đơn trình báo và mong mỏi các cơ quan công quyền vào cuộc tìm lại công lý cho vợ chồng tôi thì bất ngờ ngày 2/1/2013 có một số người mặc thường phục tự xưng là công an huyện Yên Dũng đến tận phòng cấp cứu của vợ tôi tại BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang đưa tận tay tôi một tờ giấy triệu tập lần thứ nhất do điều tra viên Trần Quốc Hồng thuộc Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Dũng ký yêu cầu tôi đúng 7h30 ngày 3/1/2013 phải có mặt tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Dũng để làm việc (không ghi rõ cụ thể làm việc gì).

Thứ nhất tôi và vợ tôi đều là người bị hại, bị gây thương tích chứ tôi có phải tội phạm đâu mà bị Công an huyện Yên Dũng triệu tập như vậy? Thứ hai, bản thân tôi cũng đang bị thương và quan trọng hơn, vợ tôi còn đang hết sức nguy kịch và tôi phải ngày đêm túc trực tại bệnh viện. Chính vì vậy, tôi cảm thấy hết sức bất bình và hoang mang về việc Công an huyện Yên Dũng triệu tập bất thường như vậy”.

Anh Tài cho biết thêm, không chấp nhận việc bị triệu tập, sáng ngày 3/1, anh đã không đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Dũng để làm việc, đồng thời tiếp tục nộp đơn kêu cứu về sự việc đến Công an huyện Yên Dũng, Công an tỉnh Bắc Giang. Đến thời điểm hiện tại, không thấy CQĐT Công an huyện Yên Dũng có bất cứ hồi âm nào.

Giấy triệu tập thiếu tôn trọng người dân, thiếu tôn trọng đương sự của Công an huyện Yên Dũng.

Trong lá đơn kêu cứu gửi báo điện tử Dân trí, phần xác nhận của người làm chứng, anh Ngô Duy Khôi, người hành nghề xe ôm tham gia đưa vợ chồng chị Sen đi cấp cứu cho biết: “Tôi thấy đôi trai gái loạng choạng và ngã xuống đường. Tôi có đến chỗ của người phụ nữ ngã và cùng mấy anh ở sở thanh tra điện lực cùng đưa đôi trai gái bệnh BV đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu. Và khi đó, tôi có thấy hai anh cảnh sát ở đó mà không đỡ và đưa người ta đi cấp cứu”.

Trong một diễn biến khác liên quan đến sự việc, anh Tài cho biết ngày hôm qua 4/1, Công an tỉnh Bắc Giang đã cử cán bộ điều tra viên đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang chính thức tiếp xúc với anh và vợ anh cùng hồ sơ bệnh án của chị Sen. Các điều tra viên đề cập lấy lời khai của anh Tài và vợ anh. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của chị Sen đang hết sức nguy kịch không thể làm việc. Vì vậy, các điều tra viên đã phải tạm hoãn lấy lời khai.

“Bị chẩn đoán chấn thương sọ não và có nguy cơ hỏng thai, sau nhiều ngày cấp cứu tại BV Việt Đức và BV đa khoa tỉnh Bắc Giang, đến nay vợ tôi vẫn trong tình trạng nôn thốc tháo mỗi khi ăn và đau buốt trong đầu không chịu nổi. Tôi và gia đình đang vô cùng hoang mang và lo lắng. Tôi khẩn thiết kêu cứu Công an tỉnh Bắc Giang và các cơ quan công quyền vào cuộc tìm lại công bằng cho vợ chồng tôi”, anh Tài bức xúc.

Trước đó, phản ánh sự việc đến báo điện tử Dân trí, anh Nguyễn Văn Tài (SN 1989, trú tại thôn Yên Tập - Yên Lư - Yên Dũng, Bắc Giang), chồng chưa cưới và là người trực tiếp chở chị Tống Thị Sen kể lại: Khoảng 9h30' ngày 28/12/2012, nhận được điện thoại của chị Sen ra đón đi đăng ký kết hôn, anh Tài đi xe máy ra đón chị Sen tại ngã tư Quốc lộ 1A giao cắt với tỉnh lộ 398 thuộc xã Song Khê - Yên Dũng (Bắc Giang). Do đi vội, anh Tài quên mang mũ bảo hiểm cho chị Sen.

Anh Tài cho biết, khi đón vợ quay ngược trở lại tỉnh lộ 298 khoảng 500 mét thấy một đội CSGT làm nhiệm vụ bên tay trái đường, biết vợ không có mũ, anh đã đi ép sát bên tay phải đường với ý định tránh lực lượng CSGT nhưng một chiến sĩ chạy từ bên trái đường sang không ra bất cứ hiệu lệnh gì mà vung gậy vụt thẳng vào sau gáy chị Sen khiến chị Sen bất tỉnh ngã vật xuống đường và anh Tài cũng bị ngã xe.

Phần xác nhận của người làm chứng, anh Ngô Duy Khôi, người hành nghề xe ôm tham gia đưa vợ chồng anh Tài đi cấp cứu khẳng định tổ CSGT có mặt mà không đưa người bị thường đi cấp cứu.

“Thấy vợ tôi như vậy, nhiều người đi đường dừng lại bất bình. Nhóm CSGT có cả người ra gậy vụt vợ tôi cũng chạy lại xem rồi quay lại xe ngay như không hề liên quan đến sự việc. Họ có xe ô tô ở đó nhưng cũng không đưa vợ tôi đi cấp cứu dù tôi đã khẩn nài. Đến khi có mấy anh cán bộ điện lực tỉnh Bắc Giang đi xe qua mới đưa giúp vợ tôi vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang”, Anh Tài cho biết.

Sau khi được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang, chị Tống Thị Sen đã được chuyển gấp xuống Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) do chấn thương sọ não, trong khi đó chị Sen đang mang thai 11 tuần tuổi. Bác sĩ tại BV Việt Đức cho biết chị bị đọng máu màng não không thể mổ được do chị đang mang thai nên phải điều trị bằng thuốc. Tuy vậy, thai nhi cũng chỉ có khoảng 30% là có thể giữ lại được.

Anh Tài cho biết thêm, ngày 29/12, 3 người mặc thường phục tự xưng là lãnh đạo công an huyện Yên Dũng xuống phòng vợ anh nằm bệnh viện Việt Đức. Họ không hỏi han gì, chỉ để lại túi hoa quả và 500 nghìn đồng.

Điều “oái oăm” là ngày 2/1/2013 là ngày cưới chính thức của đôi vợ chồng trẻ. Đám cưới đã được chuẩn bị, thiếp mời đã phát hết nên gia đình hai bên vẫn phải nén lòng tổ chức đám cưới trong khi đôi vợ chồng trẻ còn đang phải chăm sóc nhau tại bệnh viện và chưa biết diễn biến sức khỏe của chị Sen đi theo chiều hướng nào. Để được gần gia đình hơn trong ngày cưới, gia đình đã xin chuyển chị Sen về lại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang điều trị.

Vùng mặt Chị Tống Thị Sen do bị ngã sấp nên sưng tím, phù nền. Đặc biệt, vết thương tại vùng sau gáy được gia đình khẳng định là do dùi cui đập vào là một vết dài sưng to khá rõ. Chị Sen cho biết dù đã tỉnh nhưng đầu vẫn bị buốt thấu óc như lúc nào cũng có người dùng búa đinh gõ vào. “Nhưng điều em đau đớn nhất là đứa con không biết có giữ được hay không.”, chị Sen nức nở.

Đại tá Nguyễn Văn Dư - Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang khẳng định: Công an tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận thông tin sản phụ Tống Thị Sen (SN 1990, trú tại thôn Chằm Mới - Tiên Hưng - Lục Nam - Bắc Giang) tố cáo việc bị một chiến sĩ CSGT huyện Yên Dũng dùng gậy vụt thẳng vào đầu do không đội mũ bảo hiểm dẫn đến chấn thương sọ não và có nguy cơ hỏng thai.

Ban giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Công an huyện Yên Dũng báo cáo sự việc. Đồng thời lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang đã giao các phòng chức năng thuộc Công an tỉnh lập tức vào cuộc, xác minh làm rõ sự việc với quan điểm xem xét sự việc một cách công minh.

Liên quan đến nghi án CSGT “ra gậy” khiến thai phụ nguy kịch, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích:

Trong sự việc này, thứ nhất, nếu tổ CSGT huyện Yên Dũng thấy người bị nạn, có khả năng mà không cứu giúp là vi phạm pháp luật “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo điều 102 BLHS. CSGT là người tham gia bảo vệ pháp luật, lẽ ra phải đi tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực thi pháp luật. Ở đây, nếu có hành vi như vậy, tổ CSGT huyện Yên Dũng vừa vi phạm pháp luật vừa vi phạm đạo đức con người.

Vết thương tại vùng sau gáy chị Sen được gia đình khẳng định là do dùi cui đập vào là một vết dài sưng to khá rõ.

Sản phụ Tống Thị Sen vẫn đang được điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng sức khỏe nguy kịch.

Thứ hai, khi sự việc xảy ra, bản thân anh Nguyễn Văn Tài cũng bị ngã đau đã có đơn yêu cầu làm rõ sự việc, làm rõ người chiến sỹ CSGT vụt gậy vào đầu vợ anh Tài. Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Dũng phải vào cuộc điều tra xem xét làm rõ nội dung đơn. Nếu đơn có căn cứ, CQĐT phải ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra sự việc. Nếu xác minh được cụ thể cá nhân vi phạm pháp luật sẽ tiến hành khởi tố bị can sau.

Thời điểm hiện tại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang và Công an huyện Yên Dũng đi vào xác minh sự việc, thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì mới tiến hành mời các nạn nhân, nhân chứng làm việc.

Khi đó, cơ quan công an phải gửi giấy mời. Người công an chuyển giấy mời là người đang thi hành nhiệm vụ phải mặc quân phục theo đúng điều lệ công an nhân dân và điều quan trọng là giấy mời phải có nội dung làm việc cụ thể về vấn đề gì.

Cũng theo luật sư, cụ thể trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Văn Tài và chị Tống Thị Sen đang bị thương, còn đang bị nguy hại đến sức khỏe. Ở đây, anh Tài không phải tội phạm vì thế cơ quan công an có thể phải trực tiếp đến tận bệnh viện để tiến hành lấy lời khai chứ không thể triệu tập nạn nhân lên cơ quan như cách làm của Công an huyện Yên Dũng. Vì vậy, xét thấy cách làm việc như vậy của Công an huyện Yên Dũng là thiếu tôn trọng người dân, thiếu tôn trọng đương sự nên việc anh Tài không đến làm việc theo giấy triệu tập là hợp lý.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn biến sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Quốc Đô