THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 March 2012

50 cán bộ bị xử lý trong vụ Tiên Lãng!

Theo thông cáo chiều 29/3 của Thành ủy Hải Phòng, 50 cán bộ đã bị kiểm điểm, xử lý trong vụ thu hồi, cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Tập thể Ban cán sự Đảng UBND thành phố cũng bị kỷ luật khiển trách.


> Chủ tịch, phó chủ tịch huyện Tiên Lãng bị cách chức/ Chủ tịch Hải Phòng bị kiểm điểm về vụ Tiên Lãng

Ông Nguyễn Văn Hiền - nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng. Ảnh: Hà Anh.
Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền bị cách chức. Ảnh: Hà Anh.
Trước đó, Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã họp nghe Ủy ban Kiểm tra Thành ủy báo cáo kết quả kiểm điểm, xử lý các cá nhân và tập thể có liên quan đến vụ cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.

Đến ngày 25/3 đã có 50 cán bộ, đảng viên, nhân viên và 25 tổ chức có liên quan tiến hành kiểm điểm, xử lý nghiêm túc.
Trong số này, huyện Tiên Lãng có 16 tổ chức, 17 cá nhân bị kiểm điểm và xử lý kỷ luật. Nặng nhất là chủ tịch và phó chủ tịch huyện bị cách chức. 

Các cơ quan, ban, ngành thành phố có 9 tổ chức, 33 cá nhân kiểm điểm. Các tổ chức đã kiểm điểm nghiêm túc và rút kinh nghiệm gồm: Ban Cán sự đảng UBND, Ban Cán sự đảng TAND, Ban Cán sự đảng VKSND, Đảng ủy Văn phòng UBND thành phố, Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường, Đảng ủy Thanh tra, Đảng ủy Công an, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự, Đảng ủy Sở Thông tin và Truyền thông, Đảng ủy Ban Tuyên giáo Thành ủy. 

Ban Thường vụ Thành ủy đã thông qua bản báo cáo tự kiểm điểm của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy và một số ủy viên Ban Thường vụ, đồng thời thông qua nghị quyết thi hành kỷ luật khiển trách đối với tập thể Ban cán sự Đảng UBND thành phố. Hai cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý là lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng bị khiển trách.

Liên quan đến vụ cưỡng chế đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn từ tháng 1, UBND thành phố đưa ra mốc thời gian chậm nhất là 31/3 sẽ có kết quả thực hiện để báo cáo Thủ tướng.

Ngày 5/1, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng.

Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được tại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ngày 10/2, sau cuộc họp với các bộ ngành, Thủ tướng kết luận, các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang đều trái luật và yêu cầu sớm khởi tố, điều tra cán bộ đã chỉ đạo phá nhà ông Vươn.
Thái Thịnh

Thanh Hóa: Cây cầu hễ đi là… rơi xuống suối

Cầu treo nhưng dây treo đã gỉ ngoèn, mặt cầu đã mục nát, với những lỗ thủng người lớn cũng rơi lọt. Vài năm trước liên tục xảy ra cảnh người qua cầu Hón Dồ (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) rơi xuống suối. Nay không còn ai qua cầu nữa!

Muốn đi cầu phải biết bơi!

Cầu treo Hón Dồ bắc qua một con suối rộng, nối liền hai thôn Cầu Mây và Gia Dụ III của xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Công trình do nhân dân xã Cẩm Sơn và tổ chức Tầm nhìn thế giới đóng góp xây dựng. Cuối năm 2001, cầu được đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân hai thôn Cầu Mây, Gia Dụ III và người dân xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy.
Cây cầu với mặt cầu
Cây cầu với mặt cầu
Cây cầu với mặt cầu "có một không hai"
Sau khi đưa vào sử dụng được 3 năm thì cây cầu đã bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, ván trên cầu mối mọt, mục nát, sắt thép hoen gỉ, lỏng lẻo. Đến năm 2007, cây cầu đã hư hỏng nặng, ván trên cầu mục nát toàn bộ, sắt làm lan can cầu đứt gãy do bị gỉ lâu ngày.

Khi ván trên cầu mục nát, người dân bèn chặt tre, luồng để lắp thay ván nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn mặt cầu lại thủng lỗ chỗ. Không ai dám đi qua cầu nữa, chỉ có một số ít người do ngại lội suối nên liều lĩnh đi trên cầu và cũng không ít người trong số “liều” ấy đã rơi xuống suối; thậm chí đã có trường hợp tử vong.

Anh Quách Văn Thắng, dân tộc Mường, sống ngay cạnh cây cầu, tâm sự: “Tôi ở đây đã chứng kiến rất nhiều trường hợp bị rơi xuống cầu. Cách đây hơn 1 năm có mấy người liều lĩnh đi qua cầu và bị rơi. Như trường hợp của bác Hà Văn Tư, 50 tuổi, người dân ở thôn Gia Dụ III, đi làm qua cây cầu này và bị trượt chân rơi xuống dưới. Hay như cháu Quách Văn Hoàng, học sinh trường Tiểu Học Cẩm Sơn, cũng bị trượt chân rơi khi đi qua cây cầu này và bị gãy chân. Trường hợp một bà tên Quang ở thôn Hoàng Giang, xã Cẩm Sơn, đi thu nợ ở thôn Gia Dụ III, khi qua cầu đã rơi xuống suối tử vong”.
Đoạn mặt cầu
Đoạn mặt cầu "khá khẩm" nhất
Kể từ đó không ai dám đi trên cầu nữa, chỉ khi mùa nước lên cao, một số ít người biết bơi mới đánh liều qua cầu với suy nghĩ: Nếu lọt xuống suối thì… bơi.

Vạn người dân, một điều ước

Cầu Hón Dồ là tuyến giao thông chính của người dân thôn Gia Dụ III, khi cầu còn hữu dụng, mỗi ngày đều đón hàng ngàn lượt người dân và học sinh đi làm, đi học… Nay cầu hư hỏng nặng, chỉ còn để… làm cảnh, vào mùa cạn dân đành lội suối; vào mùa mưa họ đi vòng qua xã Cẩm Yên của huyện Cẩm Thủy, quãng đường đó xa hơn hàng chục km.

Em Nguyễn Văn Quý, học sinh lớp 6A, trường THCS Cẩm Sơn, kể: “Hằng ngày em đi học đều qua con suối này, ngày trước có một số bạn đi trên cầu và bị rơi, bọn em sợ quá nên giờ không bạn nào dám leo lên ấy đi cả. Ai cũng lội suối để đi học. Đến mùa lũ không qua được suối, bọn em phải đi vòng đường, quãng đường ấy xa lắm nên bọn em thường xuyên bị muộn học”.

Không chỉ học sinh khổ mà người dân thôn Gia Dụ III cũng vô cùng khổ cực. Ruộng của dân hầu hết đều nằm bên kia suối. Không có cây cầu, quãng đường qua suối của họ cũng hết sức gian nan.
Bỏ qua cây cầu
Bỏ qua cây cầu "tử thần", người dân và các em học sinh chọn cách qua suối (khi mùa nước cạn)...
... nhưng con đường này cũng hết sức gian nan.
... nhưng con đường này cũng hết sức gian nan.
Ông Hà Văn Khoan, 69 tuổi, Hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Gia Dụ III, chia sẻ: “Người dân thôn tôi bây giờ khổ lắm, mọi người đi làm đều phải lội suối, rồi đi qua con đường đất khó khăn, vào mùa lũ thì họ phải đi vòng qua xã phía dưới xa lắm. Nhưng khổ nhất là các cháu học sinh, bố mẹ bận bịu không đưa các cháu đi học được, các cháu tự đi qua suối rất nguy hiểm. Nhiều cháu vì đi lại vất vả mà bỏ học”.

“Nguyện vọng của chúng tôi là mong sao các cấp chính quyền, các nhà tài trợ quan tâm sửa chữa cây cầu để người dân chúng tôi có đường đi lối lại, không phải chịu cảnh cực khổ như bây giờ…”, ông Khoan nói thêm.
Theo Phạm Văn Điển
Dân Trí

“Bộ sậu” Vinashin vin cớ khủng hoảng kinh tế để “né” tội

(Dân trí) - Chiều 29/3, nối tiếp phần tranh tụng buổi sáng, HĐXX đã phải làm việc đến hơn 18 giờ cùng ngày để nghe nhiều luật sư bào chữa cho nguyên Chủ tịch Vinashin và đồng phạm.
 >>  Vinashin phải tái cơ cấu
Bị cáo cùng luật sư “né” tội trước toà

Tại toà, Đại diện VKS giữ quyền công tố khẳng định: với cương vị là người đứng đầu Vinashin, Phạm Thanh Bình đã không tuân thủ pháp luật, không theo sự chỉ đạo của Chính phủ, cố ý thực hiện việc làm trái trong việc đầu tư các dự án mua tàu Hoa Sen, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 470 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (tỉnh Nam Định) là hơn 316 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân gây thiệt hại hơn 66,5 tỷ đồng; Dự án đầu tư tàu Bình Định Star gây thiệt hại hơn 30 tỷ đồng và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại hơn 27 tỷ đồng.

Phiên tranh tụng diễn ra với sự tham dự của các luật sư bào chữa kéo dài và gay gắt. Luật sư Chu Đông - đoàn luật sư Hà Nội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nguyên Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình - cho rằng những thiệt hại của Vinashin do chịu tác động ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng; trong đó nhiều ngành kinh tế lâm vào hoàn cảnh khó khăn chứ không riêng gì Vinashin.

Mặt khác, việc truy tố bị cáo Bình là không đúng, bởi Bình chỉ là người ký các quyết định, còn việc thực hiện là ở cấp dưới. Vị luật sư cho rằng, việc chỉ đạo mua tàu Hoa Sen của bị cáo Bình là không trái với ý kiến của Chính phủ; do Bình đã “hiểu nhầm” các công văn của Văn phòng Chính phủ mà thôi.
Dự kiến cuối giờ chiều ngày 30/3, HĐXX sẽ tuyên án dành cho Phạm Thanh Bình và đồng phạm.

 
Đối với dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng, Vinashin đã có chủ trương xây dựng để phát triển cho những hoạt động của tập đoàn. Tại phiên tranh tụng, các luật sư bào chữa đều đề nghị HĐXX xem xét lại nội dung truy tố của VKS về tội cố ý làm trái và giảm tội cho nguyên Chủ tịch Vinashin.

Trả lời HĐXX, nguyên Chủ tịch Vinashin một mực cho rằng bị cáo không gây nên những thiệt hại như cơ quan chức năng công bố. Bị cáo thanh minh rằng việc thực hiện dự án lớn thì việc có sai sót là không thể tránh khỏi (?!).

Giữ vai trò đồng phạm trong vụ án, bị cáo Trần Văn Liêm - nguyên TGĐ công ty Viễn Dương Vinashin - lại cho rằng hành động của bị cáo này là chỉ biết tuân theo chỉ đạo từ trên tập đoàn với mong muốn xây dựng một con đường cao tốc Bắc - Nam vận tải trên biển. Tại toà, bị cáo Liêm đề nghị HĐXX xem xét tình tiết giảm tội vì từng có thời gian dài phục vụ quân đội trên đoàn tàu không số cùng một số danh hiệu mà bị cáo đã đạt được.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Quang Vũ - nguyên Tổng Giám đốc Vinashin (đã nộp 1 tỷ đồng khắc phục một phần hậu quả) cho rằng, chưa đủ cơ sở cáo buộc ông Vũ cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Theo luật sư thì tàu Bạch Đằng Giang khi mua về năm 2001 là tàu sắt vụn đã được trùng tu nâng cấp, sau khi chở một chuyến về thì bị đắm, được đưa lên neo đậu một chỗ cho đến khi bàn giao cho Công ty Nam Triệu.
Riêng luật sư bảo vệ bị cáo Trịnh Thị Hậu - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy thì đưa ra quan điểm khẳng định việc thực hiện mua tàu Hoa Sen, công ty của bị cáo này chỉ có trách nhiệm tìm nguồn tiền để thực hiện dự án, thế nên không thể nói bị cáo Hậu là đồng phạm với Bình và Liêm.
Cấp dưới đổ lỗi cho sếp tổng
Trong các phần tranh tụng, các luật sư bảo vệ cho các bị cáo từng là cấp dưới của Phạm Thanh Bình gồm Trần Văn Liêm - nguyên Tổng Giám đốc công ty Viễn Dương Vinashin, Tô Nghiêm - nguyên Giám đốc Công ty CNTT Cái Lân; Nguyễn Văn Tuyên - nguyên Giám đốc Công ty Hoàng Anh; Trịnh Thị Hậu - nguyên Giám đốc Công ty tài chính Vinashin đều hướng việc đổ lỗi sai phạm cho Phạm Thanh Bình.

Tại toà, bị cáo Liêm thanh minh: “Khi thực hiện dự án mua tàu Hoa Sen, tôi đã có một số lần góp ý với Phạm Thanh Bình, nhưng Phạm Thanh Bình yêu cầu tôi tiếp tục thực hiện dự án”. Bị cáo Liêm cho rằng mình tuy có sai phạm nhưng không thể nằm ở mức xấp xỉ với bị cáo Bình (VKS đề nghị Bình 19 - 20 năm tù; Liêm 17 - 18 năm tù) vì Bình giữ vai trò “thống soái” còn Liêm chỉ là người làm theo chỉ đạo. “Tôi ở công ty con, anh Bình là thống soái, tôi không thể từ chối lệnh trên. Nay thực sự rất buồn, vinh quang chưa thấy đâu mà đã xảy ra thế này” - bị cáo Liêm kêu than.

Tại toà, luật sư của bị cáo Liêm cũng dẫn lời khai của bị cáo Phạm Thanh Bình trước cơ quan điều tra, theo đó Bình khai rằng trong dự án mua tàu Hoa Sen và một số dự án khác, một số cấp dưới có ý kiến phải đối nhưng vẫn phải thực hiện theo chỉ đạo của Bình.
 
Trả lời HĐXX, bị cáo Trịnh Thị Hậu cũng dõng dạc khẳng định rằng mình chỉ biết làm theo chỉ đạo của Phạm Thanh Bình và không thể trái ý lãnh đạo nguyên là Chủ tịch tập đoàn được.

Phiên toà kéo dài đến hơn 18 giờ cùng ngày mới kết thúc. Sáng nay 30/3, HĐXX nối tiếp phần tranh tụng tại toà, theo dự kiến sau phần đối đáp giữa bị cáo, luật sư với đại diện VKS, HĐXX đi vào phần nghị án để chính thức tuyên án đối với nguyên Chủ tịch Vinashin và đồng phạm vào cuối giờ chiều nay.
 
Quốc Đô

Thanh Hóa: Cán bộ xã sang Lào mua ma túy về bán

(Dân trí) - Mặc dù là một cán bộ trẻ đang công tác tại UBND xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát và tương lai còn rộng mở, nhưng vì hám lợi, Va Văn Ly đã sang Lào mua thuốc phiện về Việt Nam bán kiếm lời, đã bị cơ quan Công an bắt quả tang.
Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với Hải quan Thanh Hóa phát hiện và bắt quả tang đối tượng Va Văn Ly (sinh năm 1981, ở bản Lắc Há, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát) khi Ly đang thực hiện hành vi bán thuốc phiện tại một nhà nghỉ trên địa bàn thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát.
Đối tượng Va Văn Ly.
Tại chỗ, lực lượng chức năng thu giữ 1,1 kg thuốc phiện mà Ly đang bán. Tại cơ quan CSĐT, Va Văn Ly khai nhận đã sang Lào mua số thuốc phiện nói trên về Mường Lát bán để kiếm lời.
Được biết, Va Văn Ly hiện là một cán bộ đang công tác tại UBND xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát. Là một cán bộ trẻ, tương lai còn rộng mở, nhưng vì hám lợi trước mắt mà Ly đã sa vào con đường buôn bán ma túy.
Sau khi củng cố hồ sơ, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Va Văn Ly để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Duy Tuyên

Nghệ An: Dùng bình xịt hơi cay tấn công công an

(Dân trí) - Bị lực lượng Công an chặn lại, Tuệ xuống xe và rút bình xịt hơi cay tấn công công an đang làm nhiệm vụ để tẩu thoát nhưng không thực hiện được và bị bắt.
Tuệ bị bắt về tại công an huyện Kỳ Sơn để xử lý theo pháp luật.
 
Vụ việc xảy ra vào khoảng 6 giờ sáng ngày 11/3/2012 trên tỉnh lộ 545. Khi đó, chị Lê Thị Vượng (trú xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ) đang lưu hành trên tỉnh lộ 545 thì bị hai đối tượng Lại Văn Tuệ (SN 1985, trú tại xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) cùng một đối tượng khác chưa rõ họ tên nấp ở cung đường vắng.
 
Thấy chị Vượng đi xe máy một mình, hai đối tượng này chặn lại và cướp đi một chiếc ví trong đó có 15 triệu đồng.
 
Ngay sau đó, chị Vượng đã kịp thời điện báo với CA huyện Tân Kỳ về vụ việc. Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng CA Tân Kỳ đã bố trí lực lượng chốt chặn trên tỉnh lộ 545. Không lâu sau khi thực hiện vụ cướp giật túi xách chị Vượng, hai đối tượng này trên đường bỏ trốn thì gặp công an chặn lại. 
 
Bất ngờ, đối tượng Lại Văn Tuệ nhảy xuống xe dùng bình xịt hơi cay chống trả quyết liệt công an nhưng đã bị tổ công tác khống chế bắt giữ cùng với tang vật được thu giữ là 1 bình xịt hơi cay, một điện thoại di động và 11.540.000 đồng tiền mặt. Đối tượng còn lại đã vù xe tẩu thoát.
 
Qua xem xét, CA huyện Tân Kỳ đã tiến hành khởi tố hai tội danh đối với Tuệ là "cướp giật tài sản" và "chống người thi hành công vụ".
 
Được biết, Lại Văn Tuệ đã có một tiền án về tội cướp tài sản. Hiện cơ quan điều tra công an huyện Tân Kỳ đang tiếp tục đấu tranh làm rõ vụ việc.
 
Nguyễn Duy

Bị tố cưỡng dâm, công an viên ném mìn "trả thù"

Gia đình anh Viên đã yêu cầu Kính đưa chị T. đi phá thai và bồi thường một số tiền, nhưng sau đó Kính lại không thực hiện đúng thỏa thuận. Mâu thuẫn xảy ra, Kính mua mìn ném vào nhà anh Viên để "trả thù".

Mặc dù đang là Công an viên, nhưng trót cưỡng dâm với một thiếu nữ cùng xã dẫn tới mang bầu và không thể “giải quyết” được, Kính đã chỉ đạo người ném mìn lên nhà người thân của thiếu nữ này để trả thù.
Công an viên cưỡng dâm thiếu nữ tâm thần
Ngày 28.3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cho biết sau một thời gian điều tra, xác minh, cơ này này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Kính và Đỗ Văn Hải về tội “Đe dọa giết người”; Hồ Thanh Tùng về tội “Tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ”.
Cánh cửa tủ của vợ chồng anh Viên bị sức ép của mìn khi nổ gây vỡ kính
Kết quả điều tra xác định: Khoảng 21 giờ 50 phút ngày 19.1, trong lúc vợ chồng anh Đoàn Công Viên (SN 1978, trú thôn Nam Sơn, xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cùng 4 đứa con đang nằm ngủ bên trong nhà thì bất ngờ bị ai đó dùng mìn ném vào từ trên mái nhà khiến mìn nổ làm anh Viên bị thương tích nhẹ. May mắn những người còn lại do nằm ngủ xa vị trí mìn nổ nên an toàn.
Ngay sau đó, Cơ quan điều tra Công an huyện Bố Trạch đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, cho thấy mái ngói bị vỡ, sức ép của mìn nổ còn làm gãy, vỡ một số vật dụng trong nhà.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện bên trong chuồng lợn nhà anh Viên có 2 miếng bã độc chó.
Theo lời khai của gia đình anh Viên, trước đó, em gái vợ anh Viên đã bị Nguyễn Văn Kính (SN 1982, công an viên xã Phú Trạch) xâm hại tình dục. Khi gia đình cho biết sẽ trình báo công an thì Kính ngăn cản, đe dọa.
Chỉ đạo ném mìn để trả thù
 Tại cơ quan điều tra, Kính khai nhận trước đó lợi dụng chị T. (em gái vợ anh Viên) có sự hạn chế về nhận thức (có dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt) nên tìm cách cưỡng dâm 3 lần làm chị T. có thai.
Phần mái nhà bị mìn làm thủng đã được anh Viên thay lại bằng những viên ngói mới
Khi biết được vụ việc, gia đình anh Viên đã yêu cầu Kính đưa chị T. đi phá thai và bồi thường một số tiền, nhưng sau đó Kính lại không thực hiện đúng thỏa thuận dẫn tới cái thai trong bụng chị T. ngày càng lớn. Từ đó, giữa Kính và gia đình anh Viên nảy sinh mâu thuẫn.
Để trả thù, ngày 19.1, Kính đưa cho Đỗ Văn Hải (29 tuổi) 120 ngàn đồng để mua của Hồ Thanh Tùng (29 tuổi) một thỏi mìn công nghiệp 200 g.
Tối cùng ngày, Kính chỉ đạo Hải ném mìn vào phía trên mái nhà anh Viên, đồng thời ném bả chó vào chuồng để thuốc lợn nhà anh Viên.
Cơ quan điều tra cũng đã khám xét nhà của Tùng và thu giữ 4,5 kg thuốc bom, 16 kg thuốc nổ mìn công nghiệp, 34 kíp các loại và 54,6m dây cháy chậm. Số tang vật trên theo khai nhận của Tùng để dùng vào việc đánh cá bằng thuốc nổ.
Theo Người lao động

Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách “đường lưỡi bò”


Phá đường dây lừa đảo hơn 600 tỷ đồng qua mạng


29/03/2012 19:59:29

(Kienthuc.net.vn) - Chiều 29/3, Công an TP Hà Nội đã thông báo kết quả điều tra ban đầu vụ án: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức sử dụng mạng internet giả kinh doanh đa cấp.

Các đối tượng và tang vật vụ án

Theo hồ sơ, từ tháng 10/2010, qua công tác nắm tình hình, Công an quận Long Biên phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Bắc (SN 1959, ở 149 Ngọc Lâm) - Giám đốc Công ty CP thương mại và du lịch Thượng Hải có nhiều nghi vấn về hoạt động tín dụng đen và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cuối năm 2011, qua công tác nắm tình hình, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP Hà Nội) phát hiện tổ chức tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh đa cấp trên mạng internet (sản phẩm là gói dịch vụ du lịch đặt phòng 4 ngày, 3 đêm của tập đoàn Diamond Holiday Travel - DHT) do Lâm Phúc Hùng (SN 1959, ở tập thể Đại học Công đoàn) - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á cầm đầu.

Kết quả điều tra xác định đối tượng Hùng và Bắc có quan hệ mật thiết với nhau nên CQĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đồng thời ra các quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Lâm Phúc Hùng, Nguyễn Thị Bắc, Phạm Hồng Thanh (SN 1967 ở tổ 65 phường Trung Phụng), Nguyễn Thị Ái Dân (SN 1954, ở tổ 4, phường Phương Liệt), Phạm Thị Thủy (SN 1973, ở đường Bưởi).

Qua điều tra xác minh, khai thác nhiều tài liệu thu giữ, các bị can đã khai nhận hành vi phạm tội bằng cách sử dụng danh nghĩa doanh nghiệp qua mạng internet để giả kinh doanh đa cấp. Đường dây này đã phát triển "chân rết" ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố.

Để tạo lòng tin nhằm lừa đảo trót lọt nhóm này đã thành lập nhiều doanh nghiệp và giả tạo có quan hệ với phía nước ngoài. Phương thức lừa đảo của chúng hết sức mới khi sử dụng công nghệ cao giả kinh doanh đa cấp, thực hiện "gói dịch vụ đặt phòng" tại các khách sạn 3 - 5 sao trên phạm vi toàn cầu với mức giá vừa phải (371,4 USD) để lừa đảo.

Bị hại thường là những người có quan hệ quen biết nhau tập trung trong một địa phương, do cả tin nên rủ nhau nộp tiền tham gia. Với thủ đoạn chia thưởng lớn nên chỉ sau một thời gian ngắn, số lượng bị hại bước đầu đã lên đến 87.000 lượt người với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn 600 tỷ đồng (30 triệu USD).

Thượng tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công vn đã gửi thư khen các đơn vị tham gia phá án đồng thời giao nhiệm vụ cho Tổng cục CS chỉ đạo công an các địa phương khẩn trương xác minh truy bắt các đối tượng liên quan trong vụ án.

Vụ án đang được PC 46 Hà Nội mở rộng đến các địa phương.

Cường Trung

Tắc đường không phải vì không có đất, không có tiền


29/03/2012 19:26:02
(Kienthuc.net.vn) - Vì sao tắc đường ư! Cái đó phải hỏi các bác lãnh đạo. Không phải vì không có đất, không có tiền mà vì các bác lãnh đạo có hàng nghìn lý do abc để trì hoãn. Đó là chia sẻ của ông Ngô Văn Cầu, nguyên phó giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị.
 
6 triệu dân chỉ mới có 1000 xe buýt
Thành phố 6 triệu dân chỉ mới có 1000 xe buýt
"Tôi thấy, tại sao người dân mình khổ thế!" 
Hệ thống giao thông tĩnh gồm các bãi đỗ xe, trông giữ xe… của ta hiện nay quá kém. Đã mấy chục năm nay, nhiều đề án giao thông đưa ra những không thực hiện được. Người ta mới chỉ lo đến ăn và mặc, còn đi lại là vấn đề vớ vẩn không đáng lo. 
Quan điểm của ông thế nào về việc thu phí bảo trì đường bộ để hạn chế phương tiện cá nhân?
Tôi thấy, tại sao người dân mình khổ thế! Thu nhập thấp, đến khi có tiền mua xe thì phải mua với giá đắt gấp 3 lần ở Mỹ. Khi đưa xe vào sử dụng thì phải sử dụng các loại phí chồng phí. Tôi nghĩ đó không phải là giải pháp lâu dài đâu. 
Trước đây, tôi có nghiên cứu về diện tích chiếm dụng (gọi là chiếm lĩnh giao thông động) khi tham gia giao thông của các phương tiện. Ví dụ như 1 chiếc xe buýt có chiều dài 10m, rộng 3m nhưng nó chở hàng trăm người, nghĩa là chiếm diện tích nhỏ. Người đi ô tô chiếm dụng diện tích lớn hơn, nên phải đóng phí đường là hợp lý. Tuy nhiên, nhiều hơn như thế nào ở mức hợp lý thì phải xem xét.
 
Mới đây, lãnh đạo Hà Nội bảo không thể tăng số xe được, để tự do thì sẽ đến lúc mua xe về để đấy. Nếu nói phí chồng thí thì hãy hỏi người dân lấy tiền đâu mua xe. Ông có bình luận gì không?
Tôi nghĩ rằng, hãy chọn cách nào nhận được nhiều sự đồng thuận nhất.
 
Chưa kịp cấp cứu có khi đã chết vì tắc đường
Theo ông thì tại sao đã có rất nhiều giải pháp, ý tưởng về giảm ùn tắc rồi, nhưng đến nay vẫn chưa thể có cách nào có thể áp dụng lâu dài?
Đó là câu chuyện dài. Từ năm 2003 tôi đã đề xuất 7 giải pháp để phát triển giao thông, tránh ùn tắc. Khi đó tôi đã dự báo, nếu không thực hiện ngay thì chỉ trong một vài năm nữa, ùn tắc sẽ làm cho giao thông Hà Nội không thể di chuyển được.
 
Vậy theo ông, vấn đề cốt lõi của thực trạng giao thông hiện nay là gì?
Nhiều lý do lắm. Đường của ta có quá nhiều giao cắt trên cùng một mặt phẳng. Liên kết liên thông các khu vực với nhau kém. Chất lượng đường xá thấp, chưa kịp đưa vào sử dụng đã hỏng. Quy hoạch không tốt. Bệnh viện trường học nằm sâu trong nội đô. Ý thức người tham gia giao thông cũng chưa được giáo dục triệt để. Có khi người bệnh đi cấp cứu chưa kịp vào đến bệnh viện thì đã chết trên đường mất rồi. 
 
Vài năm nữa, sẽ không di chuyển được trên đường Hà Nội 
Phải chăng hạn chế xe thời điểm này là cần thiết?
Nếu dân số tăng 1% thì nhu cầu giao thông sẽ tăng 1,1%. Nếu không có giải pháp, tiếp tục tình trạng này thì chỉ vài năm nữa thôi, sẽ không thể nào di chuyển được trên đường Hà Nội. 
 
Vậy thì phải làm gì bây giờ thưa ông?
Cái đó phải hỏi lãnh đạo ngành giao thông. Tôi đi nhiều nước, họ không có xe máy đâu. Trên đường đa số là ô tô. Nhưng họ có hệ thống giao thông công cộng phát triển rất mạnh, giải quyết đến 30-40% nhu cầu đi lại của người dân.
 
Vậy sao mình không học họ?
Buồn cười. Làm tàu điện ngầm rất đắt tiền. Xây dựng hệ thống xe buýt để có thể liên kết tốt thì chưa làm được. Đơn vị có trách nhiệm thì năng lực chưa đủ để làm, đơn vị nghiên cứu thì mới chỉ nghiêng về lý thuyết. Vì thế mà khó. Theo tôi thì cần có sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ, với những chuyên gia hàng đầu để bắt tay vào thay đổi.
 
Cái đó phải hỏi các bác lãnh đạo
Chủ trương di dời các cơ quan, bệnh viện, đơn vị hành chính… đã có từ lâu nhưng vì sao lại chưa thực hiện được thưa ông?
Cái đó phải hỏi các bác lãnh đạo. Quan trọng không phải vì không có đất, không có tiền mà vì các bác lãnh đạo có hàng nghìn lý do abc để trì hoãn. Người lãnh đạo có muốn di dời hay không? Khi di dời như thế thì sinh hoạt trong gia đình của người đứng đầu sẽ bị xáo trộn. Đang ở phố mà bắt về vùng ven thì cũng ngại lắm!
 
Có phải ý ông là vì các vị ấy đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích chung?
Không phải! Họ đặt lợi ích gia đình họ cao hơn đấy chứ. Mà gia đình là tế bào của xã hội mà (cười).
 
6 triệu dân chỉ có 1000 xe buýt
Nhiều người cho rằng, nếu giao thông công cộng phát triển thì họ sẵn sàng sử dụng, sao ta lại không tập trung vào mảng này?
Năm 1994 tôi sang Singapore để chuyển giao công nghệ điều hành xe buýt. Tôi quá ngạc nhiên bởi một đất nước chỉ có 3 triệu dân nhưng có tới 3000 xe buýt và 3 tuyến tàu điện ngầm. Trung bình, 1000 người dân có 1 chiếc xe buýt. Hệ thống giao thông đó có rất ít nút giao cắt và gần như không bao giờ xẩy ra tình trạng ùn tắc. 
Trong khi đó, Hà Nội có tới 6 triệu dân mà chỉ có chưa đến 1000 chiếc xe buýt. Ách tắc giao thông là tất yếu. Vấn đề này chúng tôi cũng đã nói từ lâu, nhưng người ta mới chỉ quan tâm đến xây chung cư, siêu thị, văn phòng, mà bỏ quên việc này.
 
Phải chăng vì có quá ít xe buýt nên mới có tình trạng quá tải của loại hình giao thông này?
Không đâu. Mạng lưới xe buýt của ta quá rộng nhưng lại không phủ kín được hết các điểm cần thiết. Nó giống một chiếc áo rất rộng, rất nhiều vải, nhưng mặc lên người vẫn bị hở. Việc liên thông liên kết giữa các điểm dừng đỗ này cũng rất kém. Hệ số trùng tuyến quá cao. Có những điểm có đến 10 tuyến xe chạy qua, rồi có lúc 6-7 cái nối đuôi nhau dẫn đến ách tắc. Tại sao lại không giãn ra, đó là sự bảo thủ, trình độ kém của người lãnh đạo.
 
Và dù có mất thời gian, phiền, thì người ta vẫn đi vì suy cho cùng thì giá xe buýt hiện nay được coi là rẻ?
Đúng vậy. Giá rẻ đến mức phi lý. Ai đời lại chỉ có 4-5 ngàn đồng/lượt đi, mấy chục nghìn là có thể đi cả tháng. Chênh lệch với các phương tiện khác đến hàng trăm lần. Sao không đẩy giá lên ở mức hợp lý, lấy tiền đó tái đầu tư lại để nâng cao chất lượng?
 
Xin cảm ơn ông!
 
Tô Hội (thực hiện)

Thêm một vụ án oan sai


2012-03-29

Tòa án tỉnh Lai Châu hôm qua 28/3 tiến hành xét xử phúc thẩm vụ việc của cô Đỗ thị Hoa về tội đánh bạc và vu khống. Bản án được giảm nhưng người trong cuộc và cả luật sư đều cho rằng việc xét xử chưa công minh.

Wikipedia

Tỉnh Lai Châu (ảnh minh họa)

Người phải ngồi tù gần 15 tháng qua là cô giáo Đỗ thị Hoa, 42 tuổi ở thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Cô này bị bắt và giam giữ tại Pha Lìn, Lai Châu từ ngày 12 tháng giêng năm ngoái theo bản án mà tòa sơ thẩm tuyên về tội đánh bạc và vu khống. Đó là 24 tháng tù giam. 


Bào chữa cũng như không


Trong phiên phúc thẩm diễn ra vào ngày 28 tháng 3 vừa qua, tòa giảm án cho cô Đỗ thị Hoa xuống còn 18 tháng tù giam. Theo luật sư Nguyễn Văn Ánh, người bào chữa cho cô Đỗ thị Hoa thì việc giảm án đó vẫn chưa thuyết phục, bởi lẽ thân chủ của ông không thể bị ghép vào tội đánh bạc, ngoài ra qui trình về tội vu khống cũng có những điểm chưa theo đúng. Sau phiên phúc thẩm, luật sư Nguyễn Văn Ánh, thuộc Văn phòng luật sư Gia Bảo, Hà Nội, tham gia bào chữa cho thân chủ Đỗ Thị Hoa trình bày:

Tôi vừa thực hiện xong nhiệm vụ bào chữa. Tội đánh bạc chưa có căn cử để buộc tội. Bởi lẽ đánh bạc phải có tiền nhưng trong trường hợp này không có sao lại buộc tội đánh bạc được. Theo qui định của pháp luật hiện nay, đánh bạc phải từ hai triệu trở lên. Thứ hai phải có tiền hay đồ vật được thu giữ tại ba nơi: hoặc tại chiếu bạc, nơi người của các con bạc mà có thể chứng minh sử dụng cho việc đánh bạc, ba là ở nơi ở khác mà chứng minh tài sản hay tiền đó được dùng cho đánh bạc. Trong trường hợp này không thu giữ được gì, làm sao đủ căn cứ cho vào tội đánh bạc được. 
Tội đánh bạc chưa có căn cử để buộc tội. Bởi lẽ đánh bạc phải có tiền nhưng trong trường hợp này không có sao lại buộc tội đánh bạc được. 

Việc tố cáo dùng tên người khác để đi học sư phạm ra đứng lớp, thì việc đó được xử lý rồi. Việc tố cáo ông Đinh Quốc Hùng phó chủ tịch thị xã Lai Châu mà ký với chức danh chủ tịch buộc thôi việc đối với chị Hoa. Người ta tố cáo đúng chứ không sai; nhưng văn bản cơ quan pháp luật, công an trả lời cho chị Hoa là không có căn cứ. Hôm nay tôi cũng xuất trình quyết định đó là bản sao cho Hội đồng Xét xử. 

Việc Cô Hoa tố cáo ông Hùng, ông Chiến hối lộ không có căn cứ. Dù không có căn cứ, nhưng khi các quan tiến hành tố tụng làm việc phải làm đúng qui định tố tụng: khi tiếp nhận đơn tố cáo phải xử lý, và giải quyết. Căn cứ theo các điều 101, 103, 107, 108 cần phải tống đạt cho người tố cáo quyết định. Vấn đề được giải quyết theo Chương 35 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Cơ quan điều tra đã không làm theo như thế… 

...khi các quan tiến hành tố tụng làm việc phải làm đúng qui định tố tụng: khi tiếp nhận đơn tố cáo phải xử lý, và giải quyết. Căn cứ theo các điều 101, 103, 107, 108 cần phải tống đạt cho người tố cáo quyết định. Vấn đề được giải quyết theo Chương 35 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Cơ quan điều tra đã không làm theo như thế… 

Ông Nguyễn Như Viêm, bố chồng của chị Đỗ thị Hoa, tỏ ra rất bức xúc về trường hợp của cô con dâu mà ông cho là oan ức:

Tháng giáp tết năm ngoái cảnh sát tập trung hai xe bao vây quanh nhà con dâu tôi, khám nhà không có gì .lúc đó chỉ có mẹ con ở nhà. Họ đưa lệnh bắt khẩn cấp về tội đánh bạc, mà không có đánh bạc. Chúng tôi thuê luật sư lên bào chữa tại phiên hôm 11 tháng 9 năm ngoái thì luật sư lập luận không có bằng chứng gì, sau đó họ vin vào cớ chứa chấp đánh bạc… 

Hội đồng xét xử với những bản án đã có sẵn?


Một người thân của cô Đỗ thị Hoa ngay sau phiên phúc thẩm hôm nay cũng cho biết tại phiên tòa nhiều người tham dự đều đồng ý với những lập luận của luật sư bào chữa. Ngay cả hội đồng xét xử cũng không có ý kiến gì đối với những lập luận đó, và hầu như cả tòa đều im lặng đồng tình với những lý lẽ mà luật sư đưa ra.

Thế nhưng theo những người tham dự phiên xử phúc thẩm chị Đỗ Thị Hoa đều bất bình với kết luận của  Hội đồng xét xử dù rằng có giảm án sáu tháng.
Thông thường trong các vụ án mà thôi tham dự hai phiên tòa, thì Hội đồng Xét xử hầu như ít khi để ý đến lời bào chữa của luật sư. Hầu như quyết định bản án hầu như quyết định trước nên họ lấy làm 'lệ' thôi. Khi luật sư nói, thẩm phán và hội đồng xét xử luôn để ý nơi khác, không bao giờ ghi nhận điều luật sư nói 
Luật sư Nguyễn Văn Đài

Luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng tham gia bào chữa cho một số vụ kiện, trước khi bị bắt do những hoạt động đấu tranh cho dân chủ, cho biết cách thức làm việc của Hội đồng Xét xử ở Việt Nam là đã có án sẵn, chứ ý kiến của luật sư chỉ cho có mà thôi:

Thông thường trong các vụ án mà thôi tham dự hai phiên tòa, thì Hội đồng Xét xử hầu như ít khi để ý đến lời bào chữa của luật sư. Hầu như quyết định bản án hầu như quyết định trước nên họ lấy làm 'lệ' thôi. Khi luật sư nói, thẩm phán và hội đồng xét xử luôn để ý nơi khác, không bao giờ ghi nhận điều luật sư nói trong phiên tòa đó.

Bà Nguyễn thị Lành, một người có chồng bị đưa ra xét xử và luật sư cũng bào chữa hết sức thuyết phục về việc buộc tội chồng bà là vô căn cứ dựa theo pháp luật; thế nhưng tòa cũng tuyên án theo ý của họ mà không xem xét ý kiến của luật sư. Đó là trường hợp phiên sơ thẩm của mục sư Nguyễn Trung Tôn và bà Hồ thị Bích Khương hồi ngày 29 tháng 12 năm ngoái, do luật sư Hà Huy Sơn tham gia bào chữa. Bà cho biết:

Nói chung luật sư vào cũng chẳng có kết quả gì cả. Kết phạt vẫn kết phạt.
Nói chung luật sư vào cũng chẳng có kết quả gì cả. Kết phạt vẫn kết phạt.
Bà Nguyễn thị Lành

Những người biết vụ việc của chị Đỗ thị Hoa đều cho rằng chỉ vì chị dám công khai tố cáo những sai trái về đền bù đất đai, cũng như sử dụng bằng giả trong ngành giáo dục mà cô tham gia nên đã bị trù dập một cách không thương tiếc như thế.

Trước khi chị Hoa chưa bị bắt, biết bao người đến nhờ gia đình Minh- Hoa này nhiều lắm, vô kể về hằng bao nhiêu héc ta. Bây giờ chị bị như thế, đã bị dập tắt và không còn nọ kia nữa…

Chị Đỗ thị Hoa có 3 con nhỏ, đứa lớn nhất mới 10 tuổi và hiện nay phải được gửi về sống với ông ngoại. 

Xét xử thiếu công  minh dẫn đến những bản an oan sai tại Việt Nam là chuyện không mới lạ gì. Đã có biết bao vụ như thế nhưng biện pháp chấn chỉnh dường như chưa có hiệu quả là bao. Nhiều người vẫn nhắc câu nói dân gian là 'Con kiến mà kiện củ khoai', như trường hợp nhiều người trong gia đình chị Đỗ Thị Hoa đưa ra sau ngày xử phúc thẩm hôm ngày 28 tháng 3, khi mà người thân của họ vẫn phải ở tù, trong khi những người có sai phạm nhãn tiền vẫn giữ những chức vụ trong chính quyền như ông Đinh Phúc Hùng, phó chủ tịch thị xã Lai Châu.

Theo dòng thời sự:

Nghịch lý 16 chữ vàng và 4 tốt


2012-03-29

Gần đây, ngư dân VN lâm nạn đáng ngại về tay TQ ngay tại ngư trường truyền thống VN, và "tàu lạ" cũng xuất hiện "thoải mái" trong lãnh hải VN, thậm chí "an nhiên" neo đậu ngay tại đất liền VN.

AFP photo

Tàu đánh cá Việt Nam tại vùng biển Đà Nẵng

Bắt ngư dân, đòi tiền chuộc

Hồi tháng 10 năm ngoái, khi sang thăm TQ, phái đoàn cao cấp của Đảng CSVN do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã ký kết thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa VN-TQ, qua đó, "đề cao lấy đại cục hai nước làm trọng" (?). Trước đó ít lâu, Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng có lên tiếng với báo South China Morning Post, bày tỏ hy vọng rằng VN và TQ hoàn toàn có khả năng giải quyết những tranh chấp âm ỷ về lãnh hải ở biển Đông. Và hai bên lại cam kết vun bồi cho mối quan hệ "4 tốt và 16 chữ vàng".

Nhưng cũng như nhiều bi cảnh trong nhiều năm qua vốn diễn ra ngày càng nhiều, thì tin mới nhất cho biết vào rạng sáng 17 tháng 3 vừa rồi, một tàu cá từ Quảng Ngãi bị "tàu lạ" đâm chìm ở gần đảo Cồn Cỏ thuộc biển Quảng Trị. Và tính cho tới thời điểm này, 21 ngư dân thuộc xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi bị phía "tàu lạ" bắt hôm mùng 3 tháng 3 vừa rồi vẫn trong tình trạng mà báo chí VN mô tả là "bặt vô âm tín". Những ngư dân này khi đang đánh cá trong vùng biển Hoàng Sa của VN thì bị phía TQ bắt đòi tiền chuộc sau khi tàu, ngư cụ cùng tất cả lượng hải sản mà họ đánh bắt được bị tịch thu, tạo thêm cảnh khổ đau, túng quẫn cùng cực cho gia đình các nạn nhân khi gia cảnh đa số thuyền viên ấy đều nghèo khổ, không có đất đai canh tác, cả nhà trông chờ vào từng chuyến ra khơi của người chồng, người cha của họ.

Theo báo Đại Đoàn Kết trong nước thì "Những người phụ nữ nghèo nơi huyện đảo Lý Sơn có chồng bị phía Trung Quốc bắt giữ những ngày qua luôn sống trong nỗi lo sợ cho tính mạng của chồng mình. Không chỉ họ mà con cái và cả những người dân trên đảo đều thấp thỏm trông chờ. Thế nhưng cho đến nay những ngư dân bị bắt vẫn chưa thấy trở về".

Và, cũng như nhiều lần trước, lần này phía TQ cũng làm tiền trắng trợn – hành động mà nhà báo Nguyễn Thông cáo giác là "đã thành lệ, một thứ lệ rất xấu, cứ mỗi lần Trung Quốc bắt giữ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam là chúng lại ra điều kiện phải nộp 70.000 nhân dân tệ để chuộc thì chúng mới thả tàu về. Có tiền thì tha, kiểu 'có ba trăm lạng việc này mới xuôi' ".

Trong nhiều năm nay, ngày càng có nhiều "tàu lạ" từ phương Bắc, từ tàu ngư chính, hải giám cho đến cảnh sát biển, tới xâm phạm, khống chế hải phận VN, mà nạn nhân chính là những ngư dân Việt từ các làng chài ven biển Miền Trung hoạt động tại ngư trường truyền thống từ hàng ngàn năm qua của cha ông mình. Nhưng càng ngày họ càng gặp phải hành động TQ bắn giết, bắt bớ, đánh đập, cướp đoạt phương tiện ngư cụ cùng lượng thuỷ sản đánh bắt được, và giữ người đòi tiền chuộc.

Cứ mỗi lần Trung Quốc bắt giữ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam là chúng lại ra điều kiện phải nộp 70.000 nhân dân tệ để chuộc thì chúng mới thả tàu về. Có tiền thì tha, kiểu 'có ba trăm lạng việc này mới xuôi'.

Nhà báo Nguyễn Thông

Giữa lúc giới lãnh đạo Việt-Trung thường xuyên khẳng định giải quyết mọi tranh chấp bằng phương pháp hòa bình và hợp tác cùng phát triển, nhiều dấu hiệu cho thấy TQ, sau khi chiếm toàn bộ quần đảo Hòang Sa hồi năm 1974 từ VNCH, đã tiến hành xây căn cứ quân sự, sân bay, cơ sở hạ tầng, khai thác du lịch ở đó; thực hiện những cơ sở tương tự ở 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà họ chiếm từ tay quân đội CSVN hồi năm 1988, đơn phương thăm dò khai thác tài nguyên ở vùng biển tranh chấp, ráo riết tuyên truyền với thế giới về chủ quyền của họ trên Biển Đông, cho thấy chiến lược "Nam tiến" Biển Đông của họ qua ý đồ và nỗ lực tăng cường Hạm đội Nam Hải. 

Phản ứng của VN

000_Hkg5706962-250.jpg
PCT Trung Quốc Tập Cận Bình (T) nhận hoa từ một bé gái VN trong chuyến thăm Hà Nội hôm 21/12/2011. AFP photo
Cũng như thường lệ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao VN lại lên tiếng phản đối hành động của TQ, yêu cầu thả ngay và vô điều kiện ngư dân VN, tái khẳng định chủ quyền lãnh hải của VN và cùng lắm là cử đại diện của VN tới Đại sứ quán TQ, chứ không có cuộc triệu tập nào đối với đại sứ TQ để mạnh mẽ phản đối. Các viên chức khác của VN, như Cục trưởng Ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục có lần lên tiếng qua VN Express rằng "cái quan trọng nhất là chúng ta phải bình tĩnh, kiềm chế, tiếp tục hành xử đúng theo quy định, thủ tục pháp lý. Nếu mình làm đúng như vậy thì lẽ phải thuộc về mình, không có gì phải sợ"…

Trong khi đó những người có tâm huyết với vận nước, như tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ VN tại Bắc Kinh, cho rằng giới cầm quyền "quá nhu nhược cũng lại quá tin vào lời của những người TQ nói. Quá tin vào 16 chữ vàng và 4 tốt của họ". Hay tướng Nguyễn Quốc Thước nhận xét rằng " Thái độ của nhà nước mình… chưa đủ sức mạnh để phản đối một cách mạnh mẽ hơn"...

Những phản ứng yếu như vậy hẳn là một trong những lý do khiến phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi có lý do to tiếng rằng hành động  của phía TQ là đúng luật và hợp lý vì các ngư dân VN vi phạm chủ quyền và lãnh hải TQ; viên chức này lại còn yêu cầu VN "quản lý và giáo dục" ngư dân VN để tránh điều gọi là "sự cố tái diễn".

Nhưng có lẽ điểm yếu nhất mà Bắc Kinh luôn nhận thấy ở phía VN là nhà cầm quyền VN không có thiện chí huy động lòng dân, tập hợp sự đoàn kết của người dân để cùng chính quyền phản đối mọi hành động ngày càng tuỳ tiện và ngang ngược của phương Bắc. Mà trái lại, giới cầm quyền cùng công an kết hợp côn đồ tiếp tục đàn áp nặng tay và vô cảm những người biểu tình yêu nước. Một ví dụ điển hình cụ thể nhất là trong mấy ngày nay, một phụ nữ yêu nước chống TQ xâm lược, là chị Trần Thị Nga, có gởi đơn kêu cứu khẩn cấp tới  Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, cũng như kêu cứu công luận, nhất là giới bloggers, nhân sĩ, trí thức yêu nước, vì công an địa phương đe doạ tới tính mạng của mẹ con chị, cũng như tạo điều kiện cho côn đồ đe doạ, khủng bố, hành hung người phụ nữ có tâm huyết với đất nước này.

Nói chung phản ứng của VN như vừa nói tương phản với phản ứng của những xứ láng giềng khi bị TQ đe doạ, như Malaysia hồi tháng Tư năm 2010 đưa tàu chiến và chiến đấu cơ rượt đuổi các tàu tuần tiểu của TQ xâm nhập hải phận Malaysia; rồi sau đó hải quân Indonesia bắt giữ các tàu đánh cá TQ xâm nhập hải phận Indonesia, khiến phía TQ cam kết không tái diễn hành động tương tự thì mới được thả; và hồi đầu tháng 3 này, hải quân và không quân Philippines xua đuổi các tàu đánh cá và tuần tiễu của TQ xuất hiện quanh khu vực đảo Palawan của Phi.

"Việc họ khai báo một đằng nhưng giấy tờ tuỳ thân lại một nẻo chứng tỏ có âm mưu đen tối", và "cơ quan ngoại giao nên có phát ngôn mạnh mẽ với báo giới để vạch trần âm mưu đen tối đó".

Nguyễn Duy Đạo, VietInfo

Hành động quyết liệt đó của những nước láng giềng lại tương phản với việc có 2 tàu TQ neo đậu trái phép một cách xem chừng như "an nhiên, thoải mái" tại vịnh Nha Trang và bị phát hiện hôm 23 tháng 3 vừa rồi. Mặc dù 9 thuyền viên trên các tàu này đều có visa nhập cảnh VN theo đường bộ, nhưng lời khai của 2 thuyền trưởng về sự hiện diện của 2 chiếc tàu ấy rất là "lung tung".

Theo độc giả Nguyễn Duy Đạo của mạng VietInfo thì "việc họ khai báo một đằng nhưng giấy tờ tuỳ thân lại một nẻo chứng tỏ có âm mưu đen tối", và "cơ quan ngoại giao nên có phát ngôn mạnh mẽ với báo giới để vạch trần âm mưu đen tối đó".

Độc giả Hoàng Lê cảnh báo " 'Tàu khựa' là vua nham hiểm…Tuyệt đối không được nhường nhịn nó, nếu nhường nhịn nó là nó sẽ lấn tới".
Độc giả ẩn danh than phiền rằng "ông bạn vàng đến nhà, nhưng chủ nhà không biết".

Theo nhà văn Phạm Viết Đào thì "Tàu chiến Gepard, chiến đấu cơ Sukhoi SU-30MK2, tàu ngầm kilo, tên lửa hành trình, radar cảnh báo tầm xa Kolchuga v.v... nghĩa là VN có đủ loại vũ khí tối tân để.... "Nổ và lừa bịp" người dân trong nước... Nếu không! Tại sao mấy chiếc tàu sắt to lớn như vậy của các chú ba Tàu xâm nhập tới và neo ngay tại Hòn Tre, Nha Trang (cách thị xã Nha trang có mấy cây số), nghĩa là đã bước vào nhà VN rồi mà quân đội và công an… của XHCNVN chẳng biết gì??? 

Vậy thực sự VN đã có và làm chủ những thứ vũ khí này không ? Hay là quân đội và công an… không đủ trình độ để làm chủ các thứ vũ khí này? Hoặc đang bận cướp đất, cướp tài sản và đàn áp sự lên tiếng của nhân dân nên không có thời giờ canh gác giặc ngoại xâm? Hoặc nhà nước… CSVN đã bán đứng VN cho quan thầy TQ?".

Qua bài "Chỉ có những thằng ngu mới tin được TQ", nhà văn Nguyễn Quang Lập cho hay "trong bài 'Bộ mặt thật của những nhà lãnh đạo TQ', bác Dương Danh Dy đã nói: '…ngay đến Khorutsov, nhân vật nổi tiếng một thời của Liên Xô cũ đã phải cay đắng thốt lên: Chỉ có những thằng ngu mới tin được Trung Quốc'. Vậy tại sao ta vẫn phải 'đồng chí 4 tốt' với họ nhỉ? Có tin người ta mới 'đồng chí 4 tốt' với người ta chứ sao. Ủa, không lẽ chúng ta là một lũ ngu?"


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Thực trạng bệnh nhân tâm thần tại Việt Nam


2012-03-29

Hiện có hơn 12 triệu người Việt Nam mắc và có dấu hiệu liên quan đến bệnh tâm thần. Liên quan thực trạng này, có những khó khăn không dễ giải quyết.

RFA PHOTO

Tình trạng đông đúc tại phòng chở ở một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội hôm 30-11-2011 (hình minh họa).

 

Bệnh viện tâm thần quá tải

Sức khỏe tâm thần của người dân là chỉ số quan trọng phản ánh chất lượng cuộc sống của một xã hội. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là một trong 10 nguyên nhân chủ yếu làm mất khả năng hoạt động của con người. Dự báo trong một tương lai không xa, trong các vấn đề về sức khỏe, loại bệnh này sẽ đứng thứ 2, chỉ sau các bệnh về tim mạch. 

Vào năm 2003, tỷ lệ người bệnh tâm thần và có dấu hiệu liên quan đến bệnh tâm thần tại Việt Nam chỉ khoảng 14%. Theo Bác sỹ La Đức Cương, Tổng thư ký Hội tâm thần học Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho chúng tôi biết về tỷ lệ này có thay đổi trong thời gian gần đây, cụ thể là:

Nó vẫn có quá tải. Quá tải là cái vụ bệnh nhân nhiều. Đây có 250 giường, nhiều khi bệnh lên tới 300-400.

Một BS dấu tên

"Tỷ lệ của mười rối loạn bệnh lý thường gặp là 14,9%. Bây giờ nó tăng lên gấp… con số này cũng là mấy năm rồi. Năm nay mới bắt đầu làm lại, cụ thể của năm nay thì chưa."

Xuất phát từ tập quán xã hội, khi gặp các vấn đề về tâm thần, đa số người dân có xu hướng né tránh trong việc tìm cách chữa trị. Sự kỳ thị trong xã hội về loại bệnh lý này còn nặng nề. Hệ quả dẫn đến là bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Tâm thần là do rối loạn các chức năng hoạt động của não gây nên. Những biểu hiện được xếp vào danh sách rối loạn tâm thần lên đến vài trăm loại khác nhau. Việc chẩn đoán tại các bệnh viện để phát hiện kịp thời là cần thiết. Với câu hỏi về khả năng tiếp nhận của bệnh viện trước số lượng bệnh nhân không ngừng gia tăng, chúng tôi được một bác sỹ không muốn nói tên ở bệnh viện tâm thần Chợ Quán cũ cho biết:

"Quá tải bệnh nhân? Đối với bệnh viên tâm thần này thì có một chi nhánh nội trú ở Lê Minh Xuân nữa, cho nên không có lo gì về vấn đề quá tải."

Có lẽ vì không phải là bệnh gây bùng phát nguy hiểm như các bệnh truyền nhiễm khác, nên sự quan tâm của cộng đồng chưa được đúng mức chăng? Hay mức độ tiện nghi của các bệnh viện sẽ nhanh chóng hóa giải được nan đề này. Tuy nhiên, ở những nơi như bệnh viện tâm thần Tiền Giang thì tình hình có khác, chúng tôi được một bác sỹ ẩn danh cho biết:

"Nó vẫn có quá tải. Quá tải là cái vụ bệnh nhân nhiều. Đây có 250 giường, nhiều khi bệnh lên tới 300-400."

Ông Bùi Thế Khánh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 từng cho rằng, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện nay còn mỏng và yếu. Nhiều địa phương hiện không có cơ sở điều trị nội trú bệnh nhân tâm thần, hoặc có nhưng số giường bệnh lại rất ít. 

Môi trường tâm lý không tốt

Hanh-lang-benh-vien250.jpg
Tình trạng đông đúc tại một bệnh viện ở Hà Nội hôm 30-11-2011. RFA PHOTO.
Đáng lo ngại là trong 10 loại rối loạn tâm thần thường gặp; các rối loạn về nghiện rượu, game, rối loạn trầm cảm đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở nhóm thanh thiếu niên. So sánh kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2003 và năm 2008 cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên trải qua cảm giác buồn chán đã tăng lên. Đặc biệt, tỷ lệ nghĩ đến chuyện tự tử tăng lên gấp 7 lần. 

Chính môi trường tâm lý không thuận lợi đã tác động mạnh lên con người trong xã hội đó. Những áp lực trong cuộc sống đóng vai trò lớn trong số các nguyên nhân dẫn đến xu hướng tăng dần về tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần qua các năm. Về tỷ lệ cụ thể, bác sỹ La Đức Cương cho biết:

"Có mấy nhóm nguyên nhân. Nhóm thứ 1 là phải kể đến là do rối loạn stress. Nhóm thứ 2 là do các chấn thương, tổn thương trên não nói chung. Thứ 3 là nhóm bẩm sinh. Thứ 4 là nhóm nội sinh, thực ra là do cơ thể tự nó chuyển hóa sinh ra. Chia ra thành 6 nhóm nhưng chủ yếu là 4 nhóm nguyên nhân chính. Đấy là do tress. Cái đấy chiếm hơn một nửa."

Để chẩn đoán và chữa trị, loại bệnh này rất cần những nhà chuyên môn. Tại Việt Nam, bác sỹ chuyên ngành tâm thần luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng. Về tỷ lệ bác sỹ chuyên khoa tâm thần tính trên đầu người của Việt Nam, theo bác sỹ La Đức Cương là:

"Hiện nay so với thế giới thì thấp. Tầm cỡ độ 0,6-07 bác sỹ/100.000 dân. Tính tỷ lệ là 1 nhưng mà trong đó có nhiều y sỹ lắm, chiếm mất non nửa. Thế còn lại bác sỹ nó chỉ có thế thôi."

Nhóm thứ 1 là phải kể đến là do rối loạn stress. Nhóm thứ 2 là do các chấn thương, tổn thương trên não nói chung. Thứ 3 là nhóm bẩm sinh. Thứ 4 là nhóm nội sinh.

BS La Đức Cương

Có tỉnh chỉ có một y sĩ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân, không có bác sĩ. Tỷ lệ trên thế giới là 1 bác sĩ/30.000 dân. Để đạt được mục tiêu 2 bác sỹ/100.000 dân, Việt Nam phải mất hơn 14 năm nữa. Việc hạn chế nhân lực có những ảnh hưởng lớn đến khả năng điều trị. Do đó, theo như Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Hữu Bình, trường Đại học Y khoa Hà Nội, trong số hàng trăm loại rối loạn tâm thần, các bệnh viện thực chất mới chỉ điều trị 2 bệnh là tâm thần phân liệt và động kinh.

Sở dĩ công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa được quan tâm đúng mức là còn do thiếu luật. Việt Nam hiện nằm trong số ít các quốc gia chưa có Luật sức khỏe tâm thần. Theo bác sỹ Cương, để giải quyết tình trạng này, các cơ quan hữu trách đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực. Còn trong hiện tại thì:

"Đang nghĩ xây dựng Luật nhưng chưa được. Chúng tôi cũng đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trình Bộ Y tế. Nó cũng liên quan đến nhiều thứ, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học… Cho nên đang phải tìm cách, làm sao cho đúng Luật nhưng mà cũng phải được."

Khi đề cập đến bệnh tâm thần, đa số đều nghĩ tới người đang nằm điều trị tại các bệnh viện hoặc ở nhà. Trong khi tình trạng bị rối nhiễu tâm trí, biểu hiện lâm sàng đầu tiên của tâm thần lại chiếm phần lớn các trường hợp. Do đó đứng từ bình diện xã hội, chính việc thay đổi môi trường sống mới là biện pháp trị liệu chính trong loại bệnh này. Với tình trạng hiện tại, đến năm 2020, dự báo về tỷ lệ 20% dân số Việt Nam mắc các loại  bệnh lý về tâm thần là khả thi.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.