THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 May 2013

Nữ giáo viên gốc Việt quên mình bảo vệ học sinh trong lốc xoáy



(Dân trí) - Jennifer Doan, một giáo viên tiểu học gốc Việt đang được người dân địa phương xem như người hùng khi dù mang bầu vẫn dùng thân mình che chắn cho học sinh trong lúc lốc xoáy kinh hoàng đánh sập ngôi trường tại ngoại ô thành phố Oklahoma.

Theo tờ Tampa Bays Times của Mỹ, vào thời điểm cơn lốc xoáy kinh hoàng ập tới trường tiểu học Plaza Towers tại thị trấn Moore, ngoại ô thành phố Oklahoma hôm thứ Hai vừa qua, chị Jennifer Doan đang đợi trong hành lang cùng 11 học sinh lớp 3 do các em chưa được bố mẹ đến đón.
Chị Jennifer Doan được đưa ra khỏi đống đổ nát
Chị Jennifer Doan được đưa ra khỏi đống đổ nát
Bất chợt còi báo động lốc xoáy vang lên trong khi hệ thống loa nội bộ trong trường cảnh báo lốc xoáy đã ở ngay trên đầu họ. Rất nhanh chóng, cô giáo gốc Việt 30 tuổi túm ôm lấy 2 học sinh. Nhưng rồi các bức tường xung quanh đổ sập xuống khiến chị bất tỉnh. Khi tỉnh dậy chị thấy mình nằm trong đống đổ nát với một số học sinh kế bên.
“Chúng tôi nói lũ trẻ nằm xuống. Lúc đó không hề có ánh sáng và tất cả chúng đều bắt đầu hoảng sợ”, chị Doan thuật lại với kênh CBS News từ giường bệnh. Chị không kìm được nước mắt khi thuật lại khoảnh khắc chị “để tay lên những học sinh gần tôi và tôi nhìn lên cửa. Tôi vừa cúi đầu xuống thì tường sập xuống”.
“Tôi cố trấn an các em và nói rằng chúng có thể vượt qua. Cậu bé không ngừng nói với tôi rằng nó không thể thở được và không muốn chết”, chị Doan kể lại về cậu học sinh nằm cạnh mình bên dưới đống đổ nát.
Hay tin về trận lốc xoáy Rogers đã phóng rất nhanh tới trường. “Khi tôi tới gần chỉ còn thấy đống đổ nát và những ba lô học sinh”, anh kể lại. “Tôi không biết liệu ai có còn sống sót hay không”.
Jennifer Doan trong viện cùng 2 con gái
Jennifer Doan trong viện cùng 2 con gái
Rất may chị Doan đã được giải cứu kịp thời và được đưa lên một chiếc xe bán tải đến một nhà thờ gần đó để sơ cứu trước khi đến viện. Đến ngày thứ Ba tình trạng của chị đã ổn định dù bị rạn xương ức và cột sống. Một thanh thép còn khiến tay trái chị chị thương. May mắn hơn là đứa con mà chị đang mang trong người ở tuần thứ 8 vẫn ổn cả.
Hiệu trưởng trường Plaza Towers cho biết 7 trong số những học sinh đứng cùng chỗ với Doan khi cơn lốc ập vào đã thiệt mạng. Nhưng có 2 em được chị che chở đã sống sót.
Câu chuyện về tấm gương dũng cảm che chở học sinh trong lốc xoáy của Jennifer Doan cũng như các giáo viên khác tại trường tiểu học Plaza Tower đã được nhiều tờ báo và kênh truyền hình Mỹ đăng tải.
Trên Facebook, một trang có tên “Cầu nguyện cho Jennifer Doan” cũng được lập nên với rất nhiều lời bình luận bày tỏ sự cảm phục, biết ơn trước hành động lấy thân mình bảo vệ học sinh của chị Doan.
Trên website quyên tiền từ thiện Giveforward.com, tấm gương của chị cũng được nêu lên kèm lời kêu gọi ủng hộ 10.000 USD để giúp chị Doan trang trải chi phí điều trị. Hiện gần 1600 USD đã được ủng hộ qua webite này.
Thanh Tùng
Tổng hợp

Đà Nẵng chi 2 triệu USD phủ sóng WiFi toàn thành phố



Gần 400 bộ phát sóng WiFi với kinh phí khoảng 2 triệu USD sẽ được lắp đặt trên toàn TP Đà Nẵng, đảm bảo phục vụ cùng lúc cho 10.000 lượt truy cập.

Trao đổi với VnExpress.net sáng 23/5, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP Đà Nẵng, cho biết hệ thống WiFi sẽ hoạt động vào tháng 9 tới, với gần 400 bộ phát sóng (mỗi bộ phát trong phạm vi khoảng 300 m), đảm bảo cho việc truy cập cùng lúc của 10.000 lượt.
Toàn thành phố Đà Nẵng sẽ được phủ sóng Internet không dây vào tháng 9 tới. Ảnh: N.Đ
Việc lắp đặt WiFi được thực hiện qua hai giai đoạn, tổng vốn đầu tư gần 2 triệu USD (trên 40 tỷ đồng). Các bộ phát sóng WiFi được lắp đặt trên các cột đèn chiếu sáng công cộng, điểm du lịch, trường đại học, sở, ban, ngành… với băng tần 2,4 và 5,8 GHz, kết nối qua mạng đô thị đang trong quá trình vận hành.
Ông Sơn nói, dự án được thai nghén từ năm 2003 khi Đà Nẵng đưa ra mục tiêu phát triển mảng công nghệ thông tin nhưng chậm triển khai do vướng mắc vốn đầu tư. Khi thực hiện, dự án áp dụng công nghệ của năm 2012. "Muốn làm công nghệ thông tin, phát triển kinh tế xã hội, phục vụ dịch vụ công qua mạng thì việc lắp đặt Internet không dây là hết sức cần thiết, tạo nền tảng cho quá trình xây dựng chính quyền điện tử", ông Sơn nói.
Tại Việt Nam, Đà Nẵng là thành phố thứ tư phủ sóng WiFi miễn phí, sau Hội An, Hạ Long và cố đô Huế, góp phần nâng cao dân trí và hoạt động giáo dục - đào tạo qua mạng; quảng bá du lịch; giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường; quản lý giao thông đô thị, thiên tai...
Nguyễn Đông

Lý do một ngọn cây làm cả miền Nam mất điện


Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học TP HCM cho rằng tất cả nhà máy điện làm việc chung trong cùng một hệ thống phải luôn luôn “đồng bộ” với nhau, không thể tách rời. Vì thế, khi một sự cố xảy ra, nếu không xử lý kịp thời có thể ảnh hưởng tới toàn bộ nhà máy trong hệ thống.

Cần cẩu chở cây gây chập mạch trên đường dây 500 kV tưởng nhỏ nhưng là chuyện tối kị, có thể hủy hoại cả hệ thống điện nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, theo các chuyên gia trong ngành.
Cả miền Nam mất điện vì xe cẩu
Xe cẩu gây mất điện toàn miền Nam như thế nào
Ngay tại thời điểm xe cẩu chở cây vướng dây cao áp, tất cả nhà máy điện, các trạm biến thế nằm trong hệ thống, dù xa hay gần nơi xảy ra sự cố, chưa bị hỏng hóc và về nguyên tắc vẫn có thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hệ thống tự động sẽ tự ngắt các nhà máy điện có nguy cơ bị hủy hoại ra khỏi hệ thống chung.
"Hệ thống điều khiển này là hoàn toàn tự động, con người không thể và không kịp can thiệp. Thông thường trong vòng khoảng 0,2 giây sau khi xảy ra sự cố, tất cả nhà máy điện sẽ tự động tách ra khỏi hệ thống, người ta thường gọi đó là tình trạng tan rã hệ thống điện", ông Phúc giải thích.
xe-cau-1-1369217837-1369298386_500x0.jpg
Chiếc xe cầu trồng cây gây nên vụ mất điện toàn miền Nam chiều 22/5. Ảnh:Nguyệt Triều.
Theo ông Phúc, nếu không có hệ thống ngắt tự động này, hậu quả là khôn lường, tất cả các máy phát hỏng hết. Hệ thống điện hoạt động theo nguyên tắc năng lượng phát ra của tất cả các máy phát điện phải luôn luôn bằng năng lượng tiêu thụ, hay nói cách khác tổng lượng điện phát ra phải bằng với tổng lượng tiêu thụ. 
"Tại thời đim xảy ra sự cố chập đường dây điện 500 kV, các Nhà máy điện của miền Nam vẫn phát hoạt động bình thường, công suất phát ra khoảng trên dưới 10.000 MW. Trong khi đó, hệ thống tiêu thụ đột ngột ngưng tiếp nhận năng lượng, công suất tiêu thụ đột ngột giảm xuống, gần như bằng 0. Nếu không lập tức tách các nhà máy phát điện ra khỏi hệ thống, và lập tức ngưng chạy các nhà máy phát điện, thì năng lượng điện khổng lồ phát ra sẽ chạy đi đâu? Khi đó các máy phát điện sẽ quay lồng lên dữ dội, sẽ bị cháy, và tất cả các nhà máy phát điện có thể bị tự phá hủy hoàn toàn, tất cả các nhà máy điện nằm trong Hệ thống điện ở Miền Nam này sẽ cùng chung số phận” - ông Phúc nói.
Ông Phúc cho rằng sự cố xe cẩu chiều 22/5 rất hy hữu, ít khi xảy ra. Phải có lực tác động mạnh mới có thể dồn 2 sợi dây điện cách nhau khoảng 10 mét chập vào nhau. Những trường hợp như thả diều, ném đá thì không thể gây chập đường dây điện cao áp được.
"Còn nếu người ta cố ý gây ra thì chịu thua. Chính phủ cũng đã có quy định rất cụ thể về khoảng cách để bảo đảm an toàn hành lang lưới điện", ông nói.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, sự cố điện tương tự, gây cúp điện trên diện rộng từng xảy ra ở nhiều nước. Vào năm 1963, một sự cố đã làm rã hệ thống điện, gây cúp điện hoàn toàn một phần ba nước Mỹ, và phải mất đến 13 giờ mới được khôi phục. Một sự cố khác vào thập niên 70 đã khiến 80% diện tích nước Pháp mất điện hoàn toàn. Liên Xô trước đây cũng khiến một tỉnh (diện tích lớn hơn cả nước Pháp) mất điện hoàn toàn. Tại TP HCM đã gặp sự cố tương tự nhưng phạm vi ảnh hưởng chỉ trong thành phố và vài tỉnh xung quanh.
Ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Sóc Trăng cho biết hơn 20 năm trong ngành, ông chưa từng gặp sự cố gây mất điện toàn miền Nam như chiều 22/5.
dien6-1-1369298387_500x0.jpg
Đây là đường dây tải điện từ Bình Dương, hòa vào trạm biến thế Tân Định, cung cấp điện lực cho toàn bộ khu vực miền Nam, trong đó có TP HCM. Ảnh: Nguyệt Triều.
Theo ông Hải, đường dây đang truyền tải điện giống như một con người hay cả tập thể đang gồng hết sức để làm việc. Sự cố đột ngột ở một khâu nào đó làm cho cả nhóm bị “mất trớn” dẫn đến té ngã. Do đó, các rơle ở những điểm kết nối với lưới điện quốc gia phải tự ngắt để bảo vệ nhà máy, giống như thiết bị chống giật gây cúp cầu dao tổng được gắn trong nhà nhằm hạn chế thiệt hại khi có sự cố.
“Trong ngành điện thì việc rơle tự động bật ra để bảo vệ thiết bị là bình thường. Thà mất điện cục bộ chứ không thể để hư hỏng đường dây hay nhà máy”, ông Hải giải thích.
Cũng theo lãnh đạo Công ty Điện lực Sóc Trăng, nếu các rơle không tự động bật thì cốt máy của nhà máy điện chắc chắn sẽ bị gãy hoặc nổ do “vượt tốc” khi xảy ra sự cố trên đường dây 500 kV Bắc - Nam. Muốn khởi động lại nhà máy một cách đồng bộ để hòa trở lại điện lưới quốc gia phải mất ít nhất 30 phút và tiêu tốn nhiên liệu nhưng chi phí vẫn thấp hơn so với nhà máy bị hỏng và mất thời gian sửa chữa có thể kéo dài đến một tháng.
 Theo quy định về an toàn điện thì đối với đường điện cao thế, tất cả vật và người phải cách xa 8 m (tính từ trụ chính), còn độ cao an toàn cho đường dây cao thế là 19 m so với mặt đất, những nơi dây cao thế đi qua trong vòng bán kính 3 m không được có vật cản.
"Nhưng hôm 22/5 do cần cẩu làm cây đụng vào nên mới gây nên tai nạn về điện này", ông nói.
 Nhóm phóng viên

Việt Nam có cần một thần tượng Hồ Chí Minh?



 Một nghệ nhân mang những bức tượng bán thân của ông Hồ Chí Minh hôm 07/5/2013
Việt Nam lại sôi nổi kỷ niệm ngày sinh ông Hồ Chí Minh, với các dòng tin ngay trang đầu của các tờ báo lớn vào ngày 19/5, ngày được chính thức xem là ngày sinh của ông. Năm nay có vẻ sôi nổi hơn nữa với một nhóm thiếu niên Hải Phòng mặc quần áo thời trang nhất của mình diễu hành và chụp ảnh trên đường phố với các tờ giấy in ca ngợi ông Hồ trong tay, chỉ có một sơ suất nhỏ là thay vì ghi năm sinh của ông như tài liệu chính thống là năm 1890 lại ghi thành 1840.
Nghe Online
Ông Hồ Chí Minh là người thành lập đảng cộng sản Việt Nam, và dẫn dắt đảng này đến ngôi vị cầm quyền độc tôn ở Việt Nam hiện nay. Ông cũng là một nhân vật rất tích cực của Đệ tam quốc tế tức là quốc tế cộng sản, ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước. Ông không viết hồi ký về những điều ông đã làm, nhưng có một quyển sách ca ngợi ông tên là “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” được lưu hành rộng rãi ở Việt Nam của tác giả Trần Dân Tiên, mà theo những tiêt lộ gần đây thì cũng chính là ông.
Ông mất cách đây đã lâu, hồi năm 1969, ông đã thành lịch sử, nhưng không như những nhân vật lịch sử và chính trị Việt Nam trước thế kỷ hai mươi, ông Hồ vẫn không được nhìn nhận giống nhau bởi tòan bộ người Việt Nam. Có những người mắng chửi ông thậm tệ, nhiều người khác lại đúc tượng, đặt tên thành phố, xây lăng, tôn vinh ông không hết lời, thậm chí những người này còn thay đổi cả ngôn ngữ tiếng Việt khi họ dùng đại từ nhân xưng Bác để mọi người gọi ông, từ người già đến trẻ em mẫu giáo kém ông hàng trăm tuổi.
Trong thời gian khỏang mười năm trở lại đây, hệ thống truyền thông và giáo dục Việt Nam phát động một phong trào gọi là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.” Tất cả các trường đại học đều bắt buộc phải đưa vào một môn học tên là “Tư tuởng Hồ chí Minh”, mặc dù ngay chính ông cũng đã từng phát biểu ông chỉ là người thực tiễn chứ không phải là nhà tư tưởng.

Giới trẻ nghĩ về HCM

Học trò trung học ở Hà Nội mùa bế giảng.
Một bạn trẻ 28 tuổi, ở Bắc Ninh, trả lời báo Vietweekly về quan niệm của bạn ấy về ông Hồ Chí Minh như sau,
“Đối với em thì ngoài tình yêu cha mẹ và dân tộc tình yêu đối với Bác cũng rất là lớn. Nhiều người cho Bác là thần thánh, nhưng theo em thì để làm được những điều như Bác đã làm thì Bác còn hơn cả thánh thần.”
Một bạn trẻ khác tại Sài gòn, vừa tốt nghiệp đại học thì dường như không chú ý đến ông Hồ lắm. Khi được hỏi là bạn ấy đã học được điều gì từ môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh thì bạn ấy nói,
“Em chẳng nhớ là học cái gì, nói chung học cho có, cho qua chuyện. Còn nếu nói đạo đức làm người thì nó phải khác chứ không phải như vậy.”
Bên cạnh việc phát động phong trào và đưa vào trường học những điều hay về ông Hồ như đã nêu, một cách không chính thống hình ảnh và tượng ông Hồ cũng được đưa vào các chùa chiền thờ cúng. Hồi năm ngóai một đọan phim được phổ biến trên mạng cho thấy một buổi lễ rước tượng ông Hồ ở tỉnh Nam Định, trong đó có các quan chức tham dự, các câu kinh kệ được ngâm nga trộn lẫn tên đức Phật Thích ca và ông Hồ, cùng lời tán tụng ông là Phật Ngọc Hồ Chí Minh, trong một kiểu tôn giáo gọi là Đạo Bác Hồ. Một điều rất mâu thuẫn với quan điểm của chủ nghĩa Marxism đối với tôn giáo mà những người cộng sản noi theo, rằng Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.
Theo nhà văn Thùy Linh ở Hà Nội,
“Những đạo trường tồn thì đâu cần tuyên truyền. Những kiểu tuyên truyền như thế không có tác dụng với cuộc sống đâu. Có thể là nó phù hợp với một xã hội mê tín nhưng vô đạo.”
Có lẽ trong những năm gần đây, cùng với sự sa sút của nền kinh tế, sự tham nhũng ngày càng lớn của các quan chức mà tuyệt đại đa số là các đảng viên đảng cộng sản, đảng cộng sản Việt Nam cần một hình ảnh cũ nhưng được làm mới lại, đó là ông Hồ Chí Minh. Dịch giả Phạm Nguyên Trường, người được giải dịch thuật Phan Chu Trinh vừa qua cho rằng,
“Đảng Cộng sản không còn qui tụ nhân dân được nữa nên cần hình ảnh ông Hồ Chí Minh như thế.
Cụ Hồ Chí Minh là một chính trị gia giỏi, nhưng vai trò của ông cụ đó đối với nước Việt Nam cần được xem xét lại, khi mà ngay sau khi đảng của ông lên cầm quyền ở miền Bắc Việt Nam thì đã có hai triệu người bỏ vào Nam, và khi đảng ấy cầm quyền trên tòan bộ lãnh thổ quốc gia thì có thêm hàng triệu người nữa bỏ nước ra đi.
Và quan trọng nữa là vì người ta đã quá sùng bái nên việc đánh giá lại là quan trọng.”
Có vẻ như để giải quyết nhiều vấn nạn hiện tại của đất nước, đảng cộng sản cầm quyền lại muốn dựng nên một giải pháp mà có thể nó lại là một vấn nạn mới. Đó là nạn sùng bái cá nhân. Trong xã hội lòai người hiện đại của thế kỷ 20, sùng bái cá nhân không là hiện tượng lạ ở các quốc gia cộng sản. Từ Lenin, Stalin, Ceaucescu, Mao cho đến gia tộc họ Kim ở Bình Nhưỡng, và không xã hội nào dẫn đến một sự hài hòa, phát triển.
Theo dịch giả Phạm Nguyên Trường, sùng bái cá nhân luôn có hại, nó dẫn đến sự không suy xét. Từ thời kỳ khai sáng đến nay, xã hội lòai người phát triển dựa trên sự suy nghĩ như câu nói của Pascal, rằng con người là những cây sậy biết suy nghĩ. Có thể mượn lời của ông Phạm Nguyên Trường thay cho lời kết, giải pháp không phải là một thần tượng, mà là Khai dân trí chấn dân khí như cụ Phan Chu Trinh đề ra cách nay hơn trăm năm.
Theo RFA

Nhà báo Hữu Thọ: Phong bì lớn phải nằm ở cửa quan!



“Phong bì hàng trăm triệu, vài trăm triệu lại là ở những cửa quan. Ở những chỗ đấu thầu, đề bạt chỗ đó mới nhiều tiền, còn ở bệnh viện thì tiền không nhiều nhưng lại phổ biến” – nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – văn hoa trung ương cho biết.
Phong bì là trá hình của hối lộ
PV: Thưa ông, xã hội đang phải đối mặt với vấn nạn phong bì phổ biến như một bệnh dịch ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực. Theo ông, thứ bệnh dịch này xuất hiện do nguyên nhân nào và từ bao giờ?
Nhà báo Hữu Thọ: – Trước hết phải nói rằng phong bì là một truyền thống tốt đẹp, có từ lâu đời. Con mừng tuổi cha, cháu mừng tuổi ông, trò mừng tuổi thầy đều có phong bì.
Phong bao dịp Tết cũng là một hình thức khác của phong bì. Nghĩa là phong bì cũng là một hình thức tốt đẹp của truyền thống xã hội.
Nhà báo Hữu Thọ
Nhưng rồi ngày càng bị biến tướng thành một tệ nạn hối lộ mà không ai khẳng định được nó xuất hiện từ bao giờ. Nhưng theo tôi được biết, trong một cuốn sách “Trai nước Nam làm gì” của Hoàng Đạo Thúy viết trước Cách Mạng tháng 8, bác đã có nói đến phong bì. Nghĩa là nạn phong bì nó có trước khi cách mạng thành công, từ thời quan lại phong kiến cũng có rồi.
Rồi đến ngày nay, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới nó đã trở nên phổ biến. Trong một lần tôi đi Châu Âu, trong một cuốn sách hướng dẫn kinh doanh bằng tiếng Pháp, của nước ngoài đã có hướng dẫn cụ thể về cả định lượng, số lượng phong bì cho từng đối tượng khi muốn gặp quan chức Việt Nam.
Nó cụ thể đến mức khi gặp được quan chức thì phải qua bao nhiêu cửa, đưa bao nhiêu phong bì, số tiền là bao nhiêu. Từ anh lính gác, tới anh thư ký, rồi tới anh sếp.
Khi đó, tôi chỉ coi đó là vấn đề sơ bộ.
Nhưng gần đây nó trở thành phổ biến mà người ta hay gọi đó là “văn hóa phong bì”, thứ văn hóa đó không có thì không đi được, không lọt được. Văn hóa đó nó xuất hiện từ cửa quan tới bệnh viện, từ công đường tới nhà trường… Thực chất nó là sự trá hình của hối lộ.
Quà biếu thì có nhiều dạng chứ không phải chỉ có phong bì. Một chai rượu đắt tiền, căn hộ, miếng đất là dạng những quà biếu tính chất hối lộ.
Và nạn hối lộ này cũng không phải chỉ có ở thời hiện tại mà nó cũng đã xuất hiện từ lâu, đến nỗi cụ Đặng Huy Trứ đã đúc kết 103 trường hợp được và không được nhận phong bì trong cuốn sách “Từ thụ yếu quy”.
Trong 103 trường hợp đó chỉ có 5 trường hợp được nhận: Trò biếu thầy, con biếu bố mẹ (người thân biếu nhau, con biếu cha, cháu biếu ông, bạn bè thủa hàn vi biếu nhau) đầy tình nghĩa; những người đã từng giúp mình thành đạt, có thể là công việc, giúp để có một vị trí xã hội thì cũng phải tri ân đó là những cái cho nhận, những mối quan hệ đầy tình nghĩa, tri ân.
PV: – Ông cũng từng nói tới vấn nạn “chạy chọt” là nói đến đi cửa sau, không đàng hoàng nhưng ai không “chạy” lại bị xem là kẻ hâm, kẻ không thức thời, bị thiệt thòi cho nên đua nhau “chạy”. Đến thời điểm này ông còn bảo lưu nhận định đó nữa không, vì sao vậy thưa ông?
Nhà báo Hữu Thọ:- “Chạy” là một hình thức không đàng hoàng. “Chạy chọt” có nhiều cách “chạy” chứ không phải chỉ có phong bì. Khi là phong bì, khi là dự án, khi là suất học bổng, một chỗ làm, một cái nhà, ô tô, nữ trang…. tất cả đều là “chạy”. Vật liệu đi chạy là rất đa dạng chứ không phải chỉ có tiền, mà chạy lại có nhiều cách chạy “đánh thẳng thì dễ đỡ, đánh vòng thì khó tránh”, chạy qua con, qua vợ, qua cấp dưới…
Vậy, chạy chức, chạy quyền, chạy học hàm học vị, chạy nhiều cửa thì cái gốc nằm ở đâu? Cửa chạy phải là người có chức có quyền. Nếu muốn bịt phải bịt người có quyền ví dụ trong trong hệ thống tổ chức thì cơ quan tham mưu. Hệ thống dự án, thì phải bộ nào đó, sở nào đó có quyền đề bạt tới các cơ quan có quyền quyêt định.
“Chạy” ai cũng biết là xấu, là không đàng hoàng nhưng nó lại nguy hiểm là nó lại “chạy” được, mà “chạy” được thì người không “chạy” lại thấy bị thua thiệt nên người ta đua nhau “chạy”. Nên mới có chuyện “chạy” trở thành phổ biến, mà khi phổ biến thì nó lại có sự cạnh tranh chạy. Đã có cạnh tranh thì sự chạy lại có sự cao giá, tăng giá, làm giá với nhau.
Hà Nội bôi không trơn vì phong bì chưa đủ nặng
PV:- Liên quan tới việc nhận phong bì, phát biểu mới đây của Bộ trưởng y tế, cho nhận phong bì sau điều trị đã được cấp dưới mau mắn ủng hộ. Thưa ông, có thể đồng tình rằng vì lương bác sĩ thấp mà coi nhận phong bì cảm ơn của bệnh nhân là một điều gì hợp lý và thuận với nguyện vọng của bệnh nhân không?
Nhà báo Hữu Thọ: -Tôi cũng biết Bộ trưởng y tế rất kiên quyết trong việc nhận phong bì, nhưng gần đây lại cho nhận phong bì sau khi điều trị. Tôi cho Bộ trưởng đúng.
Phong bì lớn nằm ở cửa quan
Tôi kể chuyện thật của bản thân tôi, khi tôi bị ốm nằm bệnh viện, tất cả các bác sĩ khi đó cũng rất tốt nhưng tôi quan tâm tới một chị y tá, chị ấy rất nghèo, lại tận tụy chăm sóc bệnh nhân. Hàng ngày chị lóc cóc chiếc xe đạp đi làm nuôi hai đứa con. Khi tôi ra viện tôi đã bàn với anh Vũ Kỳ (thư ký của Bác Hồ cũng nằm viện cùng với tôi) là phải giúp chị cái gì đó. Nếu tặng hoa thì chị cũng không có chỗ mà cắm vì nhà chị quá nghèo.
Để cảm ơn người đã giúp mình, chúng tôi đã làm hai phong bì, và mua mỗi người 1 bông hoa. Đó là tiền tri ân chứ không phải tiền hối lộ.
Nhưng đừng nên coi đó là bù đắp lương, nhất là trong xã hội hiện nay. Lương không đủ sống thì phải điều chỉnh thang bảng lương. Cái lý bù đắp lương chỉ là mang tính chất tạm thời.
Ở đây có hai việc, một đã là tiền tri ân thì không nhiều. Nghĩa là tiền ít nhưng lòng nhiều, nó gói lại một tình cảm lớn lắm, ý nghĩa lắm. Thứ hai, một vấn đề phức tạp hơn là đưa lúc này tôi chưa đòi hỏi nhưng tôi sẽ ghi một món nợ để một lúc nào tôi sẽ đòi lại.
Nghĩa là trong từng việc cụ thể bao giờ cũng có nửa tối nửa sáng. Có những việc rất tốt nhưng cũng có những việc không hoàn toàn tốt. Nên, mới nói đưa và nhận phong bì là vấn đề rất tế nhị.
Chính vì vậy, chúng ta phải ngăn chặn nạn phong bì hối lộ nhưng không được cực đoan đến mức bỏ đi tất cả những tình cảm tốt đẹp giữa quan hệ con người với con người, con người với xã hội.
Tôi ví dụ tôi dạy học 30 năm, học trò rất đông tết các anh thường mang biếu tôi có khi chai rượu, thuốc lá, có khi là tiền. Tôi nhận chứ, vì đó là trò biếu thầy. Đó là tiền tình nghĩa thì tôi nhận. Nhưng tiền đó thường là không nhiều đâu.
Nhưng cũng có những trường hợp tiền nhiều người ta vẫn nhận. Ví dụ như Chí Trung với Bộ trưởng Đinh La Thăng, Đinh La Thăng biếu 100 triệu, Chí Trung nhận. Tôi cho rằng anh đó cũng không có lỗi.
Không nên quá cực đoan, phải quyết liệt chống nạn hối lộ nhưng không giảm đi tình ân nghĩa. Còn hối lộ, tức là tôi đưa cho anh một khoản tiền nhưng tôi yêu cầu anh phải làm cho tôi một việc mà pháp luật không cho phép.
PV: – Bí thư Thành ủy Hà Nội có phát biểu các doanh nghiệp làm ăn ở những nơi khác bôi thì trơn nhưng ở Hà Nội có bôi cũng không trơn. Nhưng vị Bí thư cũng không thể chỉ ra được trường hợp nào bôi mà không trơn cũng như Thành ủy Hà Nội cũng không thể tìm ra được ai chạy chức, chạy quyền sau lời nói của ông TrầnTrọng Dực, Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội?
Do phong bì có thuật tàng hình hay có những rào cản ngăn trở nỗ lực của các vị lãnh đạo đạt tới kết quả khả quan? Ông bình luận thế nào về thực thực trạng này, thưa ông?
Nhà báo Hữu Thọ:- Bây giờ mọi việc đều có giá, khi bôi không trơn nghĩa là không đủ sức để trơn chứ không phải nó không có thế lực. Tôi nhớ một câu nói rất nổi tiếng “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền”. Chính vì có sự cạnh tranh giá càng ngày càng cao thì cái lợi mang lại ngày càng nhiều. Cái lợi đó là bóc lột từ chính nhân dân, từ ngân sách nhà nước.
Còn vấn đề chạy chức, chạy quyền, tôi cũng đã nói sẽ không thể điều tra được.
Vì, người chạy không dám khai. Chạy mà khai thì một phần vi phạm đạo đức,quan trọng hơn là mất luôn kết quả chạy. Người nhận không bao giờ nhận, vì nhận cũng vi phạm đạo đức, là phạm pháp, là mất chức quyền. Còn cơ quan được thẩm định thì bảo vệ nhau. Ví dụ, chấm phúc khảo có bao giờ được đâu, nếu được thì vô tình tôi đã phủ nhận bạn của tôi chấm ở sơ khảo là sai.
Hay chấm luận án, đôi khi không phải chấm trò mà là chấm thầy. Tôi vác luận án này tôi phải nghĩ tới người thầy hướng dẫn luận án đó. Nghĩa là sợ thầy, ngại thầy mà chấm cho trò.
Nên tôi mới nói là không thể điều tra được. Trên thực tế, 100 triệu là cái chức nào ấy be bé chứ chỉ một chức phó phòng trong quận nào đó thôi cũng đã có vài trăm triệu rồi. Mà trong pháp luật lại trọng “chứng” chứ không trọng “cung”, nghĩa là trọng chứng cứ chứ không trọng lời khai. Nên thông thường những vụ án liên quan đến chạy chọt là rất khó xử.
Nhưng có một vấn đề đặt ra, tôi không xử được anh nhưng tôi có quyền không cử anh vì dư luận của anh xấu, anh mất lòng tin, mất tín nhiệm.
Phong bì trăm triệu phải ở cửa quan
PV: -Ranh giới giữa phong bì tri ân, nghĩa tình với phong bì hối lộ là rất mong manh. Một phong bì tri ân thì rất đáng trân trọng nhưng theo ông, lòng tốt, lòng tri ân có thật sự nhiều đến mức phổ biến ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, dưới mọi hình thức mà không có thì không thể đi được, không lọt được như ông đã nói? Theo ông, đó là loại phong bì gì vậy, tại sao nó lại phổ biến và lan nhanh như một thứ cỏ dại?
Nhà báo Hữu Thọ: – Ở đây có hai loại, loại thứ nhất tôi đưa phong bì có tính chất hối lộ là để buộc anh phải làm một việc mà luật pháp không cho phép làm. Loại thứ hai, là phong bì bệnh viện, nhà trường, cơ quan công sở thì thường phong bì đưa vào đó không quá lớn nhưng phong bì ấy nó có ý nghĩa là để chống lại cái nhũng nhiễu.
Chúng ta hay nói tới tham nhũng, nhưng trong xã hội phải nhũng mới tham được. Từ chỗ nhũng nhiễu đó thì anh phải tìm cách hối lộ tôi, để giảm bớt cái nhũng đó.
Có nghĩa là cố tình duy trì cái nhũng để tham. Đó cũng là tình trạng mà chúng ta phải chống quyết liệt. Vì hiện nay tình trạng nhũng nhiễu cũng rất phổ biến. Ví dụ tôi muốn nhanh thì đưa ít tiền để được ưu tiên hơn những người khác. Tôi điểm thấp, đưa ít tiền để được điểm cao…
Nhưng đó chỉ là nhũng nhiễu còn tham nhũng lớn nó nằm ở chỗ khác. Phong bì hàng trăm triệu, vài trăm triệu lại là ở những cửa quan. Ở những chỗ đấu thầu, đề bạt chỗ đó mới nhiều tiền, còn ở bệnh viện thì tiền không nhiều nhưng lại phổ biến.
PV: – Hiện tượng đó có báo hiệu một sự suy đồi cấp cao hơn trong xã hội? Nếu cứ tiếp tục như vậy, xã hội của chúng ta sẽ đi tới đâu? Ông có cho rằng sẽ cải thiện được vấn nạn này và theo ông, chúng ta phải làm gì?
Nhà báo Hữu Thọ:- Tất cả đều bắt nguồn từ sự nhũng nhiễu trong xã hội. Không ai muốn đưa phong bì đút lót cả. Tôi nghĩ rằng tình trạng này sẽ ngày càng ít đi một khi nó được minh bạch.
Tất cả những cái đó chưa có luật pháp, và sự tỉ mỉ, sòng phẳng. Tôi nói ví dụ tất cả những cả quà biếu của lãnh đạo là của nhà nước. Khi tổng thống Bill Clinton từ nhiệm chức tổng thống ông có mang về một số tặng phẩm của quốc gia biếu ông trong đó có bức khảm xà cừ của TP.HCM. Ông mang về cũng được nhưng phải được định giá. Bức tranh đó đã được định giá là 500USD, và Clinton phải nộp lại 500USD khi mang tranh về.
Tôi cho rằng, ở nước ta cũng phải có những quy định cụ thể. Ví dụ quy định, như thế nào thì không được phép nhận, quà biếu bao nhiêu là được nhận.
Tôi được biết, đối với lãnh đạo, thành viên LHQ đi đến đâu mà nhận quà thì mất chức ngay. Họ có quy định rất cụ thể giới hạn vật phẩm trị giá bao nhiêu thì mới được phép nhận, bao nhiêu là không được nhận. Nếu nhận bằng tiền thì mất chức ngay.
Xin cảm ơn ông!
Theo Đất Việt

38 năm sau 1975, người Việt Nam lại vượt biển



Tạp chí Tiêu điểm
(14:03)
460 thuyền nhân Việt Nam kể cả phụ nữ và trẻ em đã đến Úc trong 4 tháng đầu 2013. Gần 40 năm sau ngày Việt Nam thống nhất trong chế độ “xã hội chủ nghĩa”, hiện tượng người vượt biển lại tăng cao, bằng tổng số thuyền nhân đến Úc trong 5 năm trước.
Tuy nhiên, chính sách tỵ nạn của Canberra đã khác, không rộng lượng như thời thập niên 80,90 khi hàng triệu người bỏ nước. Người vượt biển bị tạm giam trong các trại cách ly với tương lai mờ mịt.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trong gần hai thập niên sau ngày 30/04/1975, hơn 1,3 triệu người Việt Nam vượt biên, vượt biển đi tỵ nạn. Trong số này , Liên Hiệp Quốc thẩm định từ 200.000 đến 400.000 người không đến được bến bờ hoặc chết vì tàu bị đắm, bị hải tặc Thái Lan sát hại. Trong khoảng thời gian này, Hoa Kỳ đón nhận 823.000 thuyền nhân , Pháp 96.000, Úc cũng như Canada nhận 137.000 người, Anh quốc 19.000.
Nhưng vào năm 2013, nguyên nhân nào lại thúc đẩy hàng trăm người Việt Nam vượt biển ? Theo luật sư Úc Keye Bernard, trong số thuyền nhân mới đến có một số tín đồ Công giáo từng tham gia tranh đấu bảo vệ giáo xứ Thái Hà. Một số khác bị truy bức trong các vụ tranh tụng đất đai bị nhà nước trưng thu.
Tuy nhiên, chính sách tỵ nạn của Úc, quốc gia tây phương duy nhất gần Việt Nam và cũng là điểm đến của những con người muốn có cơ hội xây dựng đời sống mới, đã trở nên gắt gao hơn. Số phận thuyền nhân ra sao ? Phải trở về Việt Nam hay có hy vọng được định cư ? Trong số 101 thuyền nhân đến Úc trong năm 2011, có sáu người bị đưa về Việt Nam.
Hôm qua 22/05/2013, một phái đoàn của Cộng đồng Việt Nam Tự Do tại Úc đã gặp thủ tướng Julia Gillard vận động chính phủ Úc về vấn đề thuyền nhân. Sau khi nhận được tin nhắn cầu cứu của hai thuyền nhân từ đảo Manus gửi cho RFI, ban biên tập chúng tôi đặt câu hỏi với nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney.
Nhà báo Lưu Tường Quang : « Trong những ngày qua, báo chí quốc tế và Úc đều loan tin có sự gia tăng rất đáng kể của thuyền nhân Việt Nam từ Việt Nam hoặc qua trung gian tại Indonesia đến Úc trong 4 tháng đầu năm 2013 : 460 người xin tầm trú tại Úc. Đây là con số đáng kể nhiều hơn của 5 năm về trước . Có người cho rằng đây là vì lý do kinh tế nhưng cũng có người cho rằng đây là hậu quả của chính sách đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội đối với nhân quyền, tự do ngôn luận và chính kiến tại Việt Nam.
Có thể, tất cả những lý do đó đều đúng ….nhưng cần phải xem kỷ những thuyền nhân này có lý do chính đáng khi họ liều lĩnh vượt biển tìm tự do tại Úc và những hậu quả khi họ đến lãnh thổ, lãnh hải của Úc thì họ phải đối diện với những khó khăn gì để những ai bị giam cầm trong các trại tỵ nạn tại Úc hiểu rõ tiến trình họ phải đi qua và những ai bị đối xử tàn tệ vì lý do nhân quyền vì lý do chính kiến thì họ sẽ có thể làm gì, suy nghĩ gì cho tương lai của họ…
Nguyên nhân cốt lõi của hiện tượng thuyền nhân gia tăng : « Nhà cầm quyền Việt Nam đương nhiên phải nói là người đi tầm trú là vì lý do kinh tế vì nếu nhìn nhận những thuyền nhân ra đi vì lý do chính trị thì điều đó là một phản ảnh tiêu cực về chế độ của họ…. Nếu chúng ta nhìn lại cái tiến trình cho đến năm 2006 khi Hà Nội tổ chức (thượng đỉnh) Apec thì Hà Nội đã phần nào nới tay đến mức độ mà tổng thống Mỹ George W. Bush đã lấy tên CHXH Chủ nghĩa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần ưu tư (về tự do tôn giáo)….Trước khi gia nhập WTO ( Tổ chức Thương mại Thế giới) thì họ cũng có những biện pháp gọi là tạm thời cởi mở cho đến 2007.
Tuy nhiên, sau hội nghị Apec năm 2006 và được vào WTO đầu năm 2007 thì CHXHCN Việt Nam sử dụng những điều luật 79, 88 tuyên truyền chống phá nhà nước và âm mưu lật đổ chế độ là những điều khoản đi ngược lại với những điều khoản bảo vệ tự do ngôn luận, tự do phát biểu ý kiến có ghi trong Hiến pháp 1992 của Việt Nam cũng như hoàn toàn đi ngược lại với công ước quốc tế về quyền chính trị mà Việt Nam là thành viên kết ước… nhà cầm quyền Hà Nội mỗi ngày mỗi siết chặt và gia tăng đàn áp những người yêu nước, những thanh niên sinh viên tranh đấu cho tự do dân chủ.
Ngay giờ phút này, 8 thanh niên Công giáo ở Nghệ An đang bị xét xử phúc thẩm và mới đây vài ngày sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bày tỏ lòng yêu nước, họ nói vì tổ quốc chống ngoại xâm, vì tiền đồ dân tộc chống tham nhũng là những điều được gọi là chính sách của nhà nước thế nhưng họ bị kết ánt ù rất nhiều năm tại tòa án tỉnh Long An.
Rõ ràng là chính sách đàn áp nhân quyền đã đưa đến tình trạng nhiều người bỏ nước ra đi. Nếu căn cứ vào định nghĩa của « người tỵ nạn » thì những ai có bằng chứng đang lo sợ bị hành hạ, bị bắt bớ bị tù đày vì lý do chính kiến, hoặc vì lý do chủng tộc hay tôn giáo thì họ thỏa mãn định nghĩa về « người tỵ nạn » theo điều khoản thứ nhất trong Công ước quốc tế về người tỵ nạn 1951-1967.
Trên căn bản đó, nếu họ có ao ước, những hoài bão để cải thiện đời sống kinh tế thì cái hoài bão đó không loại trừ cái khả năng họ được chứng nhận là người tỵ nạn vì căn nguyên cốt lõi vẫn là cái nỗi lo sợ bị trừng phạt, bị tù đày, bạc đãi vì lý do chính kiến hay vì lý do tôn giáo.
Chính sách của Úc đối với thuyền nhân Việt Nam : Từ năm 2012, Úc áp dụng « giải pháp Thái Bình dương , tạm giam thuyền nhân trong các trại di trú trên đảo Nauru và Manus. Đặc điểm của « giải pháp » này là những thuyền nhân tới Úc phải chờ đợi một khoảng thời gian bằng với thời gian đáng lẽ họ phải chờ ở Indonesia để được cứu xét.
Thuyền nhân bị giam trên đất liền hay trên các đảo Christmas, Manus, hãy bình tĩnh chờ đợi … Cộng đồng Việt Nam tại Úc là cộng đồng tỵ nạn và không bao giờ quên đồng hương của mình đang ở trong tình trạng khó khăn. Ngày hôm qua, một phái đoàn của Cộng đồng Người Việt Tự Do, có cả tôi, đã đến gặp thủ tướng Úc Julia Gillard để tranh đấu cho thuyền nhân Việt Nam đang bị giam giữ. Chúng tôi nói hầu hết thuyền nhân Việt Nam không phải là tỵ nạn kinh tế mà vì lý do chính trị.
Tuy nhiên đây là vấn đề hồ sơ, một vấn đề bằng chứng. Cho nên thuyền nhân muốn xin tư cách tỵ nạn thì cần phải chuẩn bị bằng chứng cụ thể , những lý do có cơ sở vững chắc vì lời khai đầu tiên nó có ảnh hưởng đến vấn đề cứu xét…tôi đương cử hai trường hợp cụ thể. Trường hợp thứ nhất là tàu Hào Kiệt với 53 thuyền nhân đến miền tây Úc năm 2003….. tất cả đều được định cư… ». 
Theo RFI