THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 June 2013

Hòn đá lạ Đền Hùng: Hình vẽ, ký tự giống lịch TQ


denhung-trungquoc

Hình vẽ trên hòn đá lạ
Hình vẽ trên hòn đá lạ.
xaz
Hình vẽ trên tờ lịch Trung Quốc.

Trươg
Trương Lăng trong lịch Trung Quốc.
Hòn đá lạ đặt tại đền Thượng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ
Hòn đá lạ đặt tại đền Thượng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ. 

Hòn đá lạ tại Đền Hùng gây xôn xao dư luận thời gian qua có hình vẽ, ký tự giống lịch Trung Quốc.
Thời gian gần đây trên các báo điện tử và diễn đàn mạng đang bàn tán xôn xao về sự xuất hiện của ‘hòn đá lạ’ ở Đền Hùng. Theo tìm hiểu của phóng viên, một số hình vẽ trên hòn đá lạ tại Đền Hùng giống hình vẽ, ký tự một cuốn lịch Trung Quốc (lịch Tàu).

Theo thông tin từ một số học giả và cách giải thích của những người có liên quan, hòn đá là loại đạo bùa chú tổng hợp pha tạp rất nhiều đạo bùa của các giáo và phái khác nhau.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, hầu như các đạo bùa có trên hòn đá là bùa cát (tốt lành), nhưng chưa có ai chứng minh rằng pha trộn các loại bùa chú trong một hòn đá đem đặt ngay đền thờ Quốc Tổ sẽ đem lại những điềm lành quốc thái dân an, hoặc là sự đối kỵ “không tương thích” giữa các loại bùa này gây phản tác dụng.

Tập trung phân tích thêm một số yếu tố trên “đạo bùa đá” đó có thể thấy:.
Ngoại trừ một số yếu tố và chi tiết trên đạo bùa như câu chữ Phạn, là câu thần chú của Phật giáo Mật tông thì hầu hết những chi tiết và ký tự cấu thành đạo bùa là từ các đạo giáo, phù thuỷ, thuật sĩ bắt nguồn từ Trung Quốc. Ở ngay mặt sau của “đạo bùa đá” này có hình một ký tự ở giữa rất to chạm vẽ loằng ngoằng mà mọi người chưa rõ là cái gì và có ý nghĩa gì đó lại chính là linh phù (tờ bùa) của một đạo sĩ nổi tiếng đời nhà Hán – Trung Quốc. Đó là linh phù “Bách giải tiêu tai” của Trương Lăng – Trương Thiên Sư, người sáng lập ra Ngũ Đấu Mễ Đạo, một đạo giáo của Trung Quốc.

Nếu độc giả nào tìm hiểu về các loại linh phù (bùa chú) của Trương Thiên Sư, rất dễ tìm thấy ở các diễn đàn mạng.

Riêng linh phù “Bách giải tiêu tai” của Trương Thiên Sư thì xuất hiện ở nhiều nơi. Hay gặp nhất là được in trong các quyển Lịch vạn niên bằng chữ Hán (lịch Tàu) hàng năm được in lậu và bán nhiều ở các hiệu sách và những người bán sách phong thuỷ bói toán dạo.

Trong các cuốn lịch Tàu này còn có rất nhiều linh phù sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Những người làm lịch Tàu còn in và hướng dẫn cách thức làm linh phù (đạo bùa) và có hẳn cả câu thần chú của Trương Thiên Sư.

Điều đáng nói là tác giả hoặc chủ nhân của hòn đá lạ còn sử dụng ấn của Vua Hùng chạm khắc ngay phía trên của đạo bùa này.

Như vậy, việc sử dụng ấn của Vua Hùng trên một đạo bùa lai tạp từ rất nhiều nguồn gốc ngoại lai là một việc làm thiếu hiểu biết và tuỳ tiện.

Yêu cầu chuyển hòn đá lạ khỏi Đền Hùng
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có công văn yêu cầu tỉnh Phú Thọ chuyển hòn đá lạ ra khỏi Đền Hùng, vì nó không có trong danh mục hiện vật của đền.
Trước đó cuối tháng 4, tỉnh Phú Thọ có công văn gửi lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, xin ý kiến về hòn đá lạ tại khu di tích đền Hùng.

Ngày 14/5, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên có công văn trả lời, nêu rõ, viên đá không có trong danh mục hiện vật và nội dung tu bổ đền Thượng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt.

Căn cứ vào Luật di sản văn hóa, Bộ Văn hóa đề nghị tỉnh Phú Thọ chỉ đạo cơ quan chức năng đưa hòn đá ra khỏi đền Hùng.

Về thông tin Phú Thọ sẽ tổ chức hội thảo, mời các nhà khoa học tham gia thảo luận về hòn đá, Cục Di sản đã yêu cầu phía địa phương báo cáo cụ thể về trường hợp hòn đá này.
Việc hòn đá lạ có ký tự cổ cùng dấu ấn vuông và họa tiết phức tạp khó hiểu được đặt ở đền Thượng (nằm trong khu di tích đến Hùng), khiến dư luận băn khoăn.

Một số chuyên gia cho rằng, hình thức bên ngoài cho thấy hòn đá là đạo bùa cát, cầu giải tai ương, thỉnh cầu phúc đức.
Theo Tiền Phong

Cựu quan chức lãnh sự Mỹ ra tòa



MichaelSestak

Cựu quan chức lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh, Michael Sestak, ra tòa với cáo buộc ‘bán thị thực’ nhập cảnh Mỹ cho người Việt.
Hãng tin Mỹ Associated Press (AP) cho hay ông Sestak vừa xuất hiện trước tòa án liên bang hôm thứ Ba 4/6 và tại đó chánh án đã quyết định tiếp tục giam giữ ông.
Cựu quan chức ngoại giao này bị buộc tội âm mưu gian lận đối với nước Mỹ và âm mưu hối lộ và gian lận về thị thực.
Ông này đang đối diện các cáo buộc bán thị thực vào Mỹ với giá từ 20.000 tới 70.000 đôla/lần, thủ lợi hàng triệu đôla.
Nếu bị phán quyết là có tội, ông có thể bị án tới 20 năm tù.
Quan chức này, tên đầy đủ là Michael Todd Sestak, năm nay 41 tuổi.
Tới tháng Chín năm ngoái, ông Sestak phụ trách bộ phận visa không định cư ở Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn.
Hai phụ nữ Việt là Hồng Võ, 27 tuổi, công dân Mỹ, và Huỳnh Tranh (Thanh?) Trúc, 29 tuổi, công dân Việt Nam, cũng bị buộc tội đồng phạm với Sestak trong vụ nói trên, theo AP.

Gian lận nhiều triệu đôla


Cơ quan điều tra nói từ 1/5/2012 đến 6/9/2012, cơ quan lãnh sự nhận được 31.386 đơn xin visa không định cư và tỷ lệ bác đơn là 35,1%.
Cũng trong thời gian này, ông Sestak xử lý 5.489 đơn và chỉ bác có 8,2%. Tỷ lệ này tụt xuống 3,8% trong tháng Tám, ngay trước khi ông ta rời bộ phận lãnh sự.
Bản kết luận dài 28 trang do điều tra viên Simon Dinits thực hiện và nộp lên tòa hôm 6/5/2013 nói rằng đường dây của ông Sestak, gồm năm đồng phạm khác nữa, nhắm vào các đối tượng khó có khả năng xin được visa vào Mỹ, với mức phí được đưa ra từ 50.000-70.000 đôla Mỹ.
Michael Sestak chuyên trách mảng visa không định cư trong thời gian từ 8/2010 đến 9/2012.
Việc “bán” visa được cho là diễn ra trong thời gian từ 5/2012 đến 9/2012, là thời điểm ông này rời Việt Nam để chuẩn bị tái nhập ngũ vào lực lượng Hải quân.
Vụ việc bị phát giác khi giới chức Hoa Kỳ nhận được thư báo tin vào tháng 7/2012, theo đó nói có hiện tượng hàng chục người ở cùng một ngôi làng ồ ạt nhận được visa du lịch một cách bất hợp pháp trong thời gian từ cuối tháng Năm tới đầu tháng Bảy, kèm theo hình ảnh và thông tin cá nhân của bảy người trong số này.
Ông Sestak, sinh năm 1971, đã bị bắt giữ tại Nam California hồi trung tuần tháng Năm và không được phép tại ngoại hầu tra cho tới khi được di lý về Washington, nơi kết luận điều tra được đệ trình lên tòa.
Theo BBC


22 sĩ quan cấp cao quân đội tập huấn tại Trung Quốc


lykienquoc-nguyenphutrong

Ngày 6/6, Đoàn cán bộ chính trị cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ sang Trung Quốc tham gia khóa học 15 ngày, trong khuôn khổ Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương và thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa 2 nước.

Đoàn gồm 22 tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao là cán bộ chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị tại các đơn vị cấp chiến lược, chiến dịch toàn quân, được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và là nguồn quy hoạch cho nhiệm kỳ tới.
Sáng 5/6, tại Đoàn 871, trung tướng Nguyễn Văn Động, Cục trưởng Cục Cán bộ thay mặt thủ trưởng Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ cho đoàn cán bộ chính trị cao cấp sang học tập tại Học viện Chính trị Tây An, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Các đại biểu dự Lễ giao nhiệm vụ và thành viên Đoàn cán bộ chính trị đi học Trung Quốc. Ảnh: QĐND.
Các đại biểu dự Lễ giao nhiệm vụ và thành viên Đoàn cán bộ chính trị đi học Trung Quốc. Ảnh: QĐND.
Hằng năm, Bộ Quốc phòng cử hàng trăm cán bộ đến các nước để giao lưu, trao đổi, tập huấn, đào tạo nhằm tiếp thu những thành quả khoa học, kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm, kiến thức mới của các nước trên thế giới. Tiếp theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương, đây là đoàn cán bộ quân đội thứ 6 được cử sang tập huấn, học tập tại Trung Quốc kể từ năm 2009.
Trung tướng Nguyễn Văn Động yêu cầu tất cả cán bộ được cử đi học cần phải nghiêm túc quán triệt mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của khóa học. Ông nhấn mạnh: “Các cán bộ được cử đi học đợt này cần phải nghiên cứu sâu lý luận, tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn của bạn để về nước vận dụng một cách sáng tạo, khoa học vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình. Từng thành viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong suốt quá trình học tập để đạt được kết quả tốt nhất”.
Cục trưởng Động cũng lưu ý, trong quá trình học tập phải tôn trọng pháp luật của nước bạn, nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của cơ sở đào tạo, giữ vững tư thế, lễ tiết, tác phong, hình ảnh đẹp của cán bộ, sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước.
Theo chương trình khóa học, đoàn cán bộ chính trị cấp cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ nghiên cứu 10 chuyên đề về các vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác Đảng, công tác chính trị của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Theo Quân đội Nhân dân

Thương lái Trung Quốc: Lộ rõ ý đồ phá hoại


Thứ Tư, 05/06/2013 22:30

Theo lãnh đạo Hội Nghề cá Việt Nam, ý đồ không tốt của thương lái Trung Quốc đối với ngành sản xuất nông nghiệp nước ta đã có từ lâu. Không chỉ vụ “rửa” cá tầm nhập lậu, việc họ ra sức thu mua nhiều thứ khác đã chứng minh điều đó

Tình trạng nhập lậu cá tầm Trung Quốc (TQ) khiến các doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh Việt Nam khốn đốn. Giá cá tầm nhập lậu bán tại chợ chỉ 130.000 - 160.000 đồng, trong khi loại nuôi trong nước đến 200.000 - 250.000 đồng/kg. Ngoài ra, cá tầm TQ nhập lậu về được thả nuôi với cá trong nước, đến khi thu hoạch nghiễm nhiên gắn mác Việt Nam rồi bán với giá cao.

Cá tầm Trung Quốc bày bán đầy chợ Nghĩa Tân, quận Cầu giấy, TP Hà Nội với giá chỉ 160.000 đồng/kg
Doanh nghiệp kêu cứu
Ông Trần Yên - chủ một doanh nghiệp nuôi cá tầm tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu - xác nhận cuối tháng 5-2013 vừa qua, ông đã viết thư gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, đề nghị làm rõ và có biện pháp mạnh xử lý hành vi vi phạm của Công ty CP Thủy điện Chu Va.
"Đầu tháng 5-2013, Công ty Chu Va mở một cơ sở nuôi cá ở xã Sơn Bình rồi nhập lậu giống cá tầm, cá tầm thương phẩm từ TQ về nuôi. Công ty này còn đưa cả người TQ sang nuôi cá" - ông Yên cho biết.
Ông Yên đã báo cáo vụ việc với các cơ quan chức năng địa phương và Bộ NN-PTNT. Sau đó, một đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản đã đến huyện Tam Đường kiểm tra nhưng đến nay, ông Yên vẫn chưa nhận được thông báo gì về hướng xử lý. "Đây là hành vi làm ăn bất chính. Lãnh đạo Công ty Chu Va cũng đã thừa nhận việc nhập cá giống từ TQ về nuôi" - ông Yên bức xúc.
Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Yên cho biết đến ngày 28-5, Công ty Chu Va đã tẩu tán số cá nhập lậu đi nơi khác. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông nhận xét: "Đây là trạm trung chuyển để "rửa" cá nhập lậu TQ. Nó không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng vì cá không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch mà còn có thể phá vỡ ngành nuôi cá nước lạnh của nước ta. Nếu bộ trưởng không trả lời và xử lý thỏa đáng, tôi sẽ viết tâm thư gửi đến Thủ tướng mong được giúp đỡ".
Trong khi đó, ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh Việt Nam, băn khoăn: "Ông Vũ Văn Cảnh, Giám đốc Công ty Chu Va, đã thừa nhận với tôi là có nhập cá tầm về nuôi, cũng như mời "chuyên gia" TQ sang để hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật. Chu Va đã sai rành rành. Chúng ta không cấm nhập khẩu cá tầm nhưng phải làm đúng quy định, còn nếu đã sai phạm thì phải bị xử lý".
Đề nghị ngành an ninh vào cuộc
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES (Công ước Buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam, khẳng định CITES Việt Nam chỉ mới cấp phép cho 1 doanh nghiệp nhập khẩu trứng và cá tầm giống. Với cá tầm thương phẩm, CITES Việt Nam chưa hề cấp giấy phép nhập khẩu nào. "Tất cả cá tầm thương phẩm nhập khẩu đang tiêu thụ tại Việt Nam đều là hàng lậu" - ông Tùng cho biết.
Theo ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, từ lâu, phía TQ đã lộ rõ ý đồ phá hoại ngành sản xuất nông nghiệp nước ta. Không chỉ cá tầm, việc thương lái TQ thu mua tất tần tật đủ thứ, từ móng trâu, đỉa đến rễ sim... đã chứng minh điều đó.
Riêng nuôi cá tầm là một nghề mới phát triển ở Việt Nam. Ông Mưu cho rằng khi chúng ta bắt đầu chứng tỏ có thể làm được gì đó thì họ cũng lên kế hoạch triệt tiêu. "Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải nhìn thẳng vào sự thật để có thể đề ra hẳn một chiến lược ứng phó với ý đồ xấu của phía họ" - ông Mưu nói.
Mới đây, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn gửi Cục An ninh Nông nghiệp - Nông thôn thuộc Tổng cục An ninh Nội địa - Bộ Công an, đề nghị kiểm tra cá tầm nhập về Việt Nam. Công văn nêu rõ: Hiện nay, các trại cá tầm đóng vai trò làm trạm trung chuyển để "rửa" cá nhập lậu. Các trại cá này có cả "kỹ sư" người TQ không rõ là hợp pháp hay không.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, hoạt động này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cá nước lạnh của ta, làm lẫn lộn cá nuôi từ các trang trại trong nước với cá TQ, làm giảm uy tín chất lượng cá nuôi của Việt Nam. "Hội đề nghị Bộ Công an và các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý những trường hợp phi pháp, tránh tẩu tán hiện vật nhằm bảo vệ ngành sản xuất cá nước lạnh trong nước" - công văn nhấn mạnh.
"Chưa thể nói gì"
Phóng viên Báo Người Lao Động đã cố gắng liên lạc với ông Vũ Tuấn Cường - Chánh Thanh tra Vụ Pháp chế, Thanh tra Tổng cục Thủy sản Bộ NN-PTNT - để tìm hiểu thông tin về vụ việc "rửa" cá tầm. Tuy nhiên, ông Cường chỉ cho biết: "Hiện nay, chúng tôi chưa thể nói được gì về vấn đề này. Trong những ngày tới, Tổng cục Thủy sản sẽ báo cáo cụ thể với lãnh đạo Bộ NN-PTNT".
Bài và ảnh: Văn Duẩn

Giải mã chất làm trái cây chín mau, tươi lâu


Việc xử lý trái cây sau thu hoạch bằng hóa chất được nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm tạo sản phẩm có độ chín đồng đều cao, chín đồng loạt, mẫu mã hàng hóa bóng đẹp, bắt mắt người tiêu dùng, có số lượng trái chín lớn đáp ứng trong kinh doanh.

 
Trái cây qua xử lý bảo quản được lâu hơn, bảo đảm được chất lượng, giảm tỷ lệ hao hụt, đặc biệt có thể điều tiết sản phẩm trên thị trường để có được giá bán tốt hơn.
 
Trong xử lý trái cây sau thu hoạch có rất nhiều công đoạn và phương pháp khác nhau. Trong bài viết này chúng tôi quan tâm đến hai công đoạn có sử dụng hóa chất để xử lý trái cây mà hiện nay thương lái thu mua trái cây đang thực hiện rộng rãi ở nước ta. Một số trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc vào nước ta có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cao quá liều cho phép mà cơ quan bảo vệ thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra đã phát hiện, gây nên nỗi lo ngộ độc cho người tiêu dùng.
Chất giúp trái cây mau chín
Ở nước ta là nước nhiệt đới chủng loại trái cây rất phong phú. Công việc xử lý, bảo quản trái cây chưa được thực hiện nhiều. Các doanh nghiệp xuất khẩu có điều kiện bảo quản tốt, có sử dụng hóa chất xử lý trái cây ở các công đoạn sau thu hoạch nên tỷ lệ hư hỏng ít. Đa phần trái cây còn lại chưa được xử lý nên tỷ lệ hư hỏng rất cao có đánh giá đến 25%.
 
Một số hóa chất xử lý trái chín đang trôi nổi trên thị trường nước ta có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc một số hãng của nước ngoài có đăng ký ở Việt Nam được bộ NN&PTNT chấp nhận và một số công ty của Việt Nam đã nhập về dạng nguyên liệu đóng gói, đóng chai để bán. Các thuốc lấy tên khác nhau như “Hoa quả thúc chín tố” (Trung Quốc), “Trái chín” (Việt Nam),… nhưng thành phần chính vẫn là ethrel.
Nguyên nhân làm trái cây chín đã được các nhà khoa học phát hiện từ lâu, một trong những chất tham gia vào quá trình làm chín trái cây trong tự nhiên đó là ethylen (C2H4). Ethylen là một hormon thực vật ở dạng khí, hormon sinh trưởng tự nhiên này được hình thành ngay từ trong cây, với vai trò chính kích thích gây chín, làm già hóa và rụng hoa quả.
Giải mã chất làm trái cây chín mau, tươi lâu 
Ở một số loại quả khi đã lìa khỏi cây nhưng vẫn tiếp tục chín, bởi loại quả này hô hấp rất mạnh, tạo ra ethylen. Lợi dụng đặc tính thúc đẩy quá trình chín của ethylen người ta sản xuất chất ethylen nhân tạo để xử lý làm cho trái cây mau chín.
Người ta thường dùng ethylen ở dạng khí để xử lý trái cây cho mau chín. Mới đây giáo sư Bhesh Bhandari và các cộng sự tại trường đại học Queenland Úc đã biến khí ethylen thành dạng bột cho phép làm chín trái cây trong quá trình vận chuyển về siêu thị. Với 40g bột ethylen đủ để làm chín khoảng 20 tấn xoài. Ethylen bột an toàn, ổn định, có giá thành hạ hơn ethylen dạng khí. Ethylen có ảnh hưởng đến hệ thần kinh, làm xót mắt, da, phổi, trí nhớ, có thể đưa đến tình trạng thiếu oxy trong cơ thể.
Chất khác là Ethephon (tên chung Ethephon, tên hóa học 2 Chloroethyl phosphonic acid, được viết tắt CEPA hoặc ACEP). Hay tên khác là Ethrel, Bromeflor, Arvest… trong thương mại có rất nhiều tên khác nhau tùy theo hãng sản xuất. Ethephon dạng lỏng, không màu đến hổ phách nhạt, tan dễ dàng trong nước được xếp vào nhóm hóa chất điều hòa sinh trưởng thực vật. Hiện nay ethephon được sử dụng rộng rãi để xử lý các loại trái cây mau chín.
Trong thực vật, ethephon kết hợp với nước sẽ chuyển hóa thành khí ethylen. Chất ethylen thúc đẩy quá trình chín nhanh của quả, kích thích mủ cao su… Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng ethrel với liều lượng thích hợp để thúc chín trái cây như cà chua, dâu, táo… Úc, New Zealand và Hà Lan cũng cho phép tương tự nhằm rút ngắn thời gian chín và giảm tổn thất sau thu hoạch. Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (US-EPA) đã xác định ethrel đi vào cơ thể qua thực phẩm chỉ an toàn nếu liều lượng mỗi ngày không vượt quá mức cho phép 0,05mg/kg cân nặng cơ thể. Ethrel có những độc tính nhất định và chỉ xếp vào loại chất độc nhẹ, không phải là một chất “cực độc” hay “cực nguy hiểm” như một số thông tin đã đưa…
Chất LD50 cấp tính qua đường miệng đối với chuột là 3.400-4.229mg/kg thể trọng, LD50 tiếp xúc qua da lớn hơn 5g/kg thể trọng, LC50 qua đường hô hấp lớn hơn 5mg/lít không khí. (chú thích LD50 Các nhà sản xuất thuốc BVTV luôn ghi rõ độc tính của từng loại. Đơn vị đo lường được biểu thị dưới dạng LD50 (Lethal Dose 50) và tính bằng mg/kg thể trọng. LD50 là lượng hoạt chất ít nhất gây chết 50% cá thể trên các động vật thí nghiệm như chuột, thỏ, chó, chim hoặc cá, chỉ số LD50 càng cao thì tính độc càng thấp). Các nghiên cứu trên người về độc tính của ethrel cho thấy: đối với mắt, ethrel gây kích ứng, xót mắt, gây đỏ mắt; với da, nếu tiếp xúc trực tiếp sẽ có hiện tượng ăn mòn, gây sưng đỏ. Khi dùng ethrel cần đeo găng tay và đeo kính để tránh tác hại cho cơ thể.
Trước đây bà con nông dân thường dùng đất đèn để dú trái cây. Khi đất đèn gặp nước sẽ sản sinh khí Acetylen (C2H2) giúp trái cây mau chín. Tuy nhiên trong đất đèn có chứa Arsenic và phosphorus độc, khi gặp nước đất đèn tạo mùi hôi khó chịu, dễ cháy, nổ. Đất đèn cũng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nhức đầu, chóng mặt… nên nhiều nước cấm sử dụng…
Hoá chất kéo dài tuổi thọ trái cây
Bên cạnh việc xử lý trái cây mau chín, chín đều, đồng loạt. Việc xử lý bằng hóa chất nhằm kéo dài thời gian bảo quản trái cây có thể hàng tháng đến hàng năm mà trái cây không bị hư. Người ta sử dụng các thuốc BVTV) để chống côn trùng, vi khuẩn, nấm mốc xâm nhiễn giữ trái cây lâu hư. Các chất này có thể được dùng để phòng trừ sâu bệnh trước khi thu hoạch mà chưa hết thời gian cách ly khi sử dụng thuốc hoặc đã xử lý trong quá trình bảo quản nên khi kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm vẫn còn tồn tại. Có những loại thuốc rất độc bị các nước trên thế giới cấm sử dụng, với nồng độ thuốc rất cao cực kỳ nguy hiểm có thể gây ngộ độc cấp tính với liều lượng chất độc lớn, nếu liều lượng chất độc thấp hơn thì chất độc có thể tích lũy dần trong cơ thể và gây độc mạn tính, ung thư, sẩy thai...
Cục Bảo vệ thực vật đã kiểm tra một số trái cây nhập từ Trung Quốc được bày bán ở Việt Nam và phát hiện một số hoá chất, gồm: Carbendazim, Tebuconazole, Aldicarb sulfone, 2,4D , Agri-fos 400. Trong đó, Carbendazim thuộc nhóm hóa học benzimidazol, thuốc diệt nấm nội hấp, phổ rộng. Hoạt chất carbendazim, tên hóa học 2-(methyoxyl carbolamino)-benzimidazol. Tên thương mại khác carbendazol, mecarzol, derosal, vicarben, carosal, carbenzim… Nhóm độc IV, LD50 qua miệng 15.000mg/kg, LD50 qua da 2.000mg/kg
Trong khi đó, Tebuconazole là thuốc diệt nấm nhóm Triazole. Nhóm độc III, , LD50 qua miệng 1.700mg/kg, LD50 qua da 2.000mg/kg, LC50 qua hô hấp0,82mg/l. Cục Bảo vệ Thực vật, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, qua các mẫu nho, mận và lựu nhập khẩu từ Trung Quốc kiểm nghiệm cũng phát hiện chứa carbendazim và chất tebuconazole với dư lượng vượt mức cho phép từ 1,5 - 5 lần. Carbendazim và tebuconazole đều là hóa chất diệt nấm trên rau, củ, quả. Carbendazim là một chuyển hóa chất của benomyl được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc diệt nấm. Có trường hợp nông dân dùng carbendazim pha nước sền sệt bôi vào cuống trái sầu riêng để bảo quản, đây là việc làm không đúng thuốc có thể thấm sâu vào trái sầu riêng không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nếu tiếp xúc thời gian dài với hai hóa chất trên theo cục Quản lý dược và thực phẩm Mỹ xác định có thể gây ra rủi ro với liều dùng cao, gây hại cho gan và đặc biệt kích ứng mắt, rất độc khi bị nhiễm qua đường miệng và mắt. Riêng Thuốc diệt nấm tebuconazole được cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ xác định có thể gây ra rủi ro với liều dùng cao, gây hại cho gan và đặc biệt kích ứng mắt, khá độc khi bị nhiễm qua đường miệng và mắt. Đồng thời, văn phòng cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ cho rằng, tebuconazole được liệt kê như là một chất gây ung thư có trong danh sách thuốc trừ sâu chứa chất gây ung thư với đánh giá thuộc loại C.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới phân loại độc tính, tebuconazole được liệt kê thuộc độc tính nhóm III. Do khả năng tác dụng phá vỡ nội tiết của tebuconazole, nên hóa chất này được xem xét loại bỏ ra khỏi thị trường châu Âu.
Một số chất khác như Aldicarb sulfone thuộc nhóm Carbamate (các tên khác Aldoxycarb, sulfocarb) trong khoa học còn có tên gọi khác là Methyl-2-(methyl-sulfonyl)propa-nal-O-[(methylamino)carbonyl)]oxime. Là thuốc trừ sâu và tuyến trùng nội hấp, là chất kết tinh màu trắng, rất độc – nhóm độc I, LD50 qua đường miệng 25mg/kg, LD50 qua da 200mg/kg. Theo liên minh châu Âu aldicarb được coi là chất cực độc, nguy hiểm với môi trường và sức khỏe con người. Thuốc được dùng để trừ sâu, tuyến trùng và xử lý đất trồng. Ở Việt Nam vừa qua aldicarb được phát hiện trên củ gừng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chất 2,4D là loại thuốc diệt cỏ nội hấp, chọn lọc, có tác dụng kích thích sự phát triển quá mức của tế bào, làm cho cây cỏ chết ở nồng độ cao, nhưng ở nồng độ thấp lại là chất kích thích sinh trưởng. Tên thương mại khác: Zico, AK, Amine, Anco, Co, Desormorne, OK. Thuộc nhóm độc II, LD 50 qua miệ mg/kg. Thời gian cách ly 20-40 ngày. Thuốc trừ cỏ hoạt chất 2,4 D thường sử dụng ở dạng muối Natri (Na), amine và ester. Muối 2,4 D-dimethyl amine độc với mắt, xếp vào nhóm độc I, các 2,4 D khác xếp vào nhóm độc II. Về độ độc cấp tính đối với động vật máu nóng, trị số LD50 của acid 2,4 D là 699mg/kg; muối Na là 500-805 mg/kg; muối dimethyl amine là 949 mg/kg; các ester khác là 896 mg/kg. Dư lượng tối đa cho phép của 2,4 D mà không gây hại đến cơ thể người và vật nuôi khi ăn hạt lúa là 0,5 mg/kg. Thời gian cách ly của 2,4 D được quy định từ ngày phun thuốc lần cuối đến ngày thu hoạch đối với hạt lúa là 42 ngày.
Agri-fos 400 là thuốc diệt nấm nội hấp thế hệ mới. Thuốc ít độc LD50 5000mg/kg. Dung dịch có màu xanh nhạt. Hoạt chất: Phosphorus acid
Dùng hoá chất sao cho đúng?
Đối với hóa chất làm chín trái cây như các chất đã nêu trên là có thể sử dụng được nhưng phải tuân thủ các điều kiện cụ thể.
Thu hoạch trái cây đạt độ chín công nghiệp (trái cây chưa chín hoàn toàn để dễ vận chuyển đến nơi bảo quản, tiêu thụ và khi xử lý trái chín công nghiệp không làm thay đổi nhiều chất lượng trái so với trái cây để chín tự nhiên), tránh thu hoạch trái non. Phải nghiêm ngặt trong việc sử dụng thuốc: thuốc phải được Cục Bảo vệ Thực vật cho phép, sử dụng đúng nồng độ, liều lượng được hướng dẫn trên bao bì. Không sử dụng thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhãn mác, không rõ chất phụ gia trong thuốc…Phải bảo đảm thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc.
Đối với bảo quản trái cây không nên sử dụng hóa chất diệt nấm bệnh đặc biệt là thuốc lưu dẫn, thuốc thuộc nhóm độc, phân hủy chậm, có nguy cơ gây quái thai, ung thư, vô sinh... Hiện nay có rất nhiều phương pháp bảo quản trái cây không dùng hóa chất như: bảo quản điều kiện lạnh, thay đổi thành phần không khí, xử lý bằng hơi nước nóng, chiếu xạ, bao bọc bằng màng sinh học, xử lý bằng chất chitosan,…Phải nghiêm túc trong quy trình canh tác, xử lý hóa chất phòng trừ dịch bệnh trong quá trình canh tác phải bảo đảm thời gian cách ly, tránh để dư lượng thuốc BVTV vượt quá ngưỡng cho phép.
Để có được trái cây an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt là trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhà nước nên nhập hàng chính ngạch, đặt ra hàng rào kỹ thuật. Hạn chế, ngăn chặn nhập theo đường tiểu ngạch và phải chống buôn lậu có hiệu quả. Đối với nông dân trong nước, các thương lái Việt Nam và Trung Quốc đang kinh doanh phải tăng cường công tác quản lý. Các cơ quan nhà nước cấp địa phương phải phối hợp làm việc tích cực. Với nông dân hướng dẫn họ sản xuất trái cây theo hướng GAP, phải kiểm tra thuốc và thương lái sử dụng hóa chất xử lý trái cây.

Nguồn : SGTT

Mặc quần áo lót nơi công cộng sẽ bị phạt 100.000 đồng



Các hành vi không mặc quần, áo hoặc chỉ mặc quần áo lót tại nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế sẽ bị phạt từ 60 nghìn đến 100 nghìn đồng.
Đây là một trong những quy định của nghị định 150 của Chính phủ ban hành ngày 12/12 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Mức phạt này cũng áp dụng cho các hành vi làm hoen bẩn, viết, vẽ, dán quảng cáo tranh ảnh vào các biển hiệu, panô, áp phích, cây, cột điện, tường nhà, trụ sở cơ quan, tổ chức, trường học, bệnh viện mà không được phép.
Người dân không mang theo giấy chứng minh nhân dân hoặc không xuất trình giấy chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra cũng sẽ bị phạt 60.000 đến 100.000 đồng. Đối với các hành vi tổ chức đánh bạc, đánh đề, có thể bị phạt tiền tới 20 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm trật tự công cộng như: thả diều, chơi bóng tại khu vực sân bay; có cử chỉ, lời nói thô bạo xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu bóng hoặc thả rông trâu, bò, ngựa, chó tại nơi công cộng có thể bị phạt tiền từ 60.000 đến 100.000 đồng. Những đối tượng đánh nhau; báo thông tin giả đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; gọi điện thoại đến các số máy khẩn cấp để trêu đùa, chửi bới, lăng mạ; say rượu, bia gây mất trật tự công cộng; ném gạch, đất đá vào tàu, nhà, thuyền, xe lửa và các phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác có thể bị phạt từ 200.000 đến 500.000 đồng.
Nghị định cũng quy định hình thức và mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; quản lý sử dụng con dấu; quy định về tố tụng hình sự; hành vi gây thiệt hại đến tài sản của người khác...
Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép khác; tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Theo TTXVN

Vụ bán visa ở lãnh sự quán Mỹ: Michael Sestak đối mặt 20 năm tù giam

(TNO) Cựu nhân viên ngoại giao ở Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM Michael T. Sestak, người bị cáo buộc bán hàng trăm visa đi Mỹ cho người Việt Nam, đã được đưa ra tòa án ở thủ đô Washington vào hôm 4.6.
Các công tố viên liên bang cho hay Michael T. Sestak, một sĩ quan hải quân dự bị, đã hợp tác với một sinh viên tốt nghiệp đại học Denver gốc Việt Hong Vo và nhiều người khác để bán visa với giá lên đến 70.000 USD mỗi cái. Theo hồ sơ tòa án, Sestak đã nhận hàng triệu USD hối lộ duyệt visa bất hợp pháp.
Sestak đối mặt 20 năm tù
Trong phiên tòa kéo dài 10 phút hôm 4.6, thẩm phán Deborah A. Robinson đã thông báo với Sestak rằng ông ta đối mặt với mức án lên đến 20 năm tù vì các cáo buộc âm mưu gian lận visa và hối lộ. Thẩm phán Robinson cũng từ chối cho Sestak được tại ngoại.
Theo tờ McClatchy, Sestak ngồi lặng lẽ bên cạnh luật sư của mình và hiếm khi ngước nhìn lên trong phiên tòa hôm 4.6.
Ngoài việc đồng ý về phiên xét xử sơ bộ vào ngày 14.6, luật sư J. Michael Hannon của Sestak cũng kiến nghị xem xét lại việc cho Sestak tại ngoại trong phiên xử vào ngày mai, 6.6.
Các công tố viên viết trong một cáo trạng vào ngày 22.5 rằng số tiền bán visa “ít nhất là 10 triệu USD”, theo “ước lượng dè dặt”. Ngoài ra, có khoảng 5 triệu USD vẫn chưa được kể đến và số tiền này được cho là nằm tại Việt Nam.
Vụ bán visa ở lãnh sự quán Mỹ: Michael Sestak đối mặt 20 tù giam
 Người Việt Nam xếp hàng xin cấp visa tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM - Ảnh: Trung Hiếu
Bắt thêm một người Việt
Nhà chức trách Mỹ thông báo Sestak bị bắt ở Nam California vào tháng trước. Vo bị bắt vào đầu tháng trước ở Denver song vẫn chưa xuất hiện tại tòa án ở Washington. Trong cáo trạng, ngoài Vo, còn có 4 đồng lõa khác, gồm một người anh trai của Vo, hiện sống tại Việt Nam.
Mỹ hiện không có hiệp ước dẫn độ với Việt Nam, nên các quan chức Mỹ khó lòng bắt giữ tất cả mọi nghi can, theo McClatchy.
Tuy nhiên, nhà chức trách Mỹ thông báo họ đã bắt một công dân Việt Nam 29 tuổi tên Truc Tranh Huynh ở Washington vào hôm 3.6. Huynh là anh chị em bà con với Vo và là một trong những người đồng lõa.
Theo hồ sơ mới được công bố, các công tố viên đã xác định một đồng lõa khác là Anhdao Thuy Nguyen, còn có tên là Alice Nguyen. Vào hôm 9.5, đặc vụ Simon Dinits thuộc Cục An ninh Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã xin lệnh tòa án thu giữ số tiền trong tài khoản ngân hàng mang tên Nguyen, cáo buộc rằng chúng đến từ vụ bán visa.
Trong hôm 4.6, Văn phòng Chưởng lý tại thủ đô Wahsington đã ra thông cáo về vụ bắt giữ và truy tố Sestak.
Theo thông cáo của Chưởng lý Ronald C. Machen Jr. và Giám đốc Cục An ninh Ngoại giao Gregory B. Starr, Sestak từng duyệt visa cho Huynh đi Mỹ. Nhà chức trách Mỹ đã thu giữ 2 triệu USD từ số tiền bán visa trong một tài khoản ở Mỹ, theo thông cáo.
Vụ bán visa ở lãnh sự quán Mỹ: Michael Sestak đối mặt 20 tù giam
 Thông cáo về việc truy tố Michael Sestak của Văn phòng Chưởng lý ở thủ đô Washington - Ảnh: Chụp màn hình
Các nhà điều tra cho biết âm mưu bắt đầu từ khi Sestak phụ trách bộ phận visa không di dân ở Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. Theo hồ sơ, Vo kiếm “tối thiểu 45.000 USD” vào năm ngoái nhờ tham gia bán visa.
Theo các nhà điều tra, các nghi can đã bán ít nhất 5000 visa. Từ ngày 1.5 đến 6.9 năm ngoái, Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM tiếp nhận 31.386 hồ sơ xin cấp visa và có 35,1% số đó bị từ chối. Trong cùng kỳ, Sestak đã xử lý 5.489 hồ sơ và chỉ từ chối 8,2%.
Sestak (41 tuổi) làm việc tại tổng lãnh sự quán đến tháng 9 năm ngoái, khi rời đi để tái nhập ngũ trong lực lượng hải quân. Vào lúc đó, có người đã mật báo cho tổng lãnh sự quán về âm mưu nói trên.
Theo hồ sơ, Vo đã làm nhiều công việc ở Colorado và California và sau đó về Việt Nam trong hai năm sau khi tốt nghiệp đại học Denver năm 2008.
“Gia đình bị can nói họ không thấy bằng chứng về sự giàu có bất thường của bị can và họ hoàn toàn bất ngờ với vụ bắt giữ”, hai luật sư biện hộ Robert Feitel và Sandi Rhee của Vo viết trong kiến nghị hôm 23.5 nhằm xin cho Vo được tại ngoại.
Sơn Duân