Xung quanh siêu dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD của Tập đoàn dầu khí Thái Lan dự định đầu tư tại tỉnh Bình Định, PetroVietnam đã đưa ra nhiều lý do để không ủng hộ.
Tuy nhiên, cả Chính phủ, chuyên gia và cộng đồng lại mong chờ với kỳ vọng lớn nhất không còn câu chuyện độc quyền xăng dầu và cách tăng giá không giống quốc gia nào.
Nhiều phiếu thuận cho dự án lọc dầu ngoại
Dự án lọc dầu trị giá 27 tỷ USD của nhà đầu tư Thái Lan vào Bình Định hiện nay vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và Chính phủ đang giao cho các bộ ngành, cơ quan hữu quan xem xét và báo cáo.
Dự án lọc hóa dầu do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đề xuất dự kiến có công suất 660.000 thùng dầu thô/ngày (khoảng 30 triệu tấn/năm) xây dựng trên diện tích 2.000 ha tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định.
Như vậy, “siêu dự án” này sẽ có công suất gấp 5 lần Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay.
Như vậy, “siêu dự án” này sẽ có công suất gấp 5 lần Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, đối với PTT dự nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ các bên quan tâm.
Đầu tiên đó là Bình Định, địa phương tiếp nhận nguồn vốn đầu tư này. Phía Bình Định cho rằng, với việc chủ yếu xuất khẩu nên nhà máy nếu được xây dựng cũng sẽ không gây ảnh hưởng tới nguồn cung nội địa. Về lâu dài, dự án cũng sẽ không ảnh hưởng đến các dự án công nghiệp cận kề.
Trong phiên họp báo Chính phủ mới đây, người phát ngôn Chính phủ – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cho biết, Chính phủ sẽ xem xét một cách khách quan, nếu thấy dự án đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mang lại lợi ích cho đất nước thì Chính phủ sẽ ưu tiên thúc đẩy.
Còn về phía Bộ Công thương, như Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã thông báo, hiện nay, lĩnh vực đầu tư vào lọc hóa dầu đang được khuyến khích và thúc đẩy thu hút.
Như vậy, nếu nhà đầu tư Thái Lan chứng minh được năng lực tài chính và các yêu cầu mà phía cơ quan chủ quản đưa ra, cánh cửa cho PTT sẽ rất mở rộng. Và theo nhiều chuyên gia, không những vậy, “siêu dự án” này sẽ có thể đóng vai trò là lối ra cho một khu kinh tế ì ạch.
PetroVietnam đứng trước nguy cơ hết độc quyền?
Nhà máy lọc dầu Dung Quất |
Dù cả Chính phủ, Bộ chủ quản cũng như chuyên gia đều tỏ ý ủng hộ dự án này. Tuy nhiên, Petro Vietnam – đơn vị đang đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc Dầu Nghi Sơn đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương không nên đồng ý, nhằm tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc PetroVietnam cho rằng tập đoàn này không phản đối mà chỉ là không ủng hộ dự án mà thôi.
Lý do được ông Dũng đưa ra trước hết là về tài chính.
Theo ông Dũng, để xây dựng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa có 10 triệu tấn/ năm mà các nhà đầu tư là Việt Nam, Nhật Bản, Cô – óet là những đối tác vừa có tiềm năng tài chính, lại vừa có tiềm năng dầu thô thế nhưng dự án có tổng vốn 9 tỷ USD thì phải đi vay 5 tỷ USD, vì thế nếu Tập đoàn Dấu khí Thái Lan đầu tư 27 tỷ USD thì ít nhất cũng phải đi vay 20 tỷ. Do đó về tài chính là không khả thi.
Thứ 2, nguồn dầu thô trong nước không có, muốn nhà máy hoạt động được phải nhập khẩu dầu thô, đòi hỏi nguồn dầu thô nhập khẩu phải chắc chắn, lâu dài; thứ 3 các chính sách đối với nhà máy lọc dầu, Chính phủ phải đảm bảo rất nhiều chính sách thì các dự án lọc dầu mới hiệu quả. Vì thế, Petro cảm thấy dự án này không khả thi.
Ông Dũng cũng khẳng định Petro Vietnam phản đối dự án không phải vì sợ mất thị phần, sợ phải cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài.
‘Tại sao mình cứ nói đến sự dư thừa nguồn cung trong lĩnh vực xi măng, sắt thép, mà lọc dầu lại không nói để đến lúc xảy ra rồi mới nói. Thì Petro phát biểu ý kiến dựa trên tinh thần đó thôi’, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, phần lớn ý kiến ủng hộ dự án này đều cho rằng việc nhà máy chủ yếu xuất khẩu nên sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung nội địa. Hơn nữa, về phía Bình Định, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Nhơn Hội, ông Man Ngọc Lý cũng khẳng định, về lâu dài, dự án lọc hóa dầu sẽ không ảnh hưởng gì đến các dự án công nghiệp cận kề.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong mấu chốt của vấn đề là phải đặt lợi ích quốc gia lên đầu. Nếu tính toán mà thấy năng lực tài chính cũng như kỹ thuật của PTT đảm bảo, nên đồng ý để họ đầu tư.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, vấn đề là PTT có năng lực thực sự và mang lại lợi ích cho đất nước hay không.
Bộ Tài chính cũng đã có văn bản góp ý về chủ trương xây dựng. Theo đó, Bộ này cho rằng PTT đề xuất sẽ phải đi vay 50-60% tổng vốn đầu tư (tức từ 14-17 tỷ USD), đòi hỏi phải có nhiều tổ chức tài chính đồng tài trợ.
Dự án này khiến người ta nhớ lại sự xuất hiện của mạng di động Viettel ngày trước. Khi nhà mạng này hòa vào sóng điện thoại quốc gia, người tiêu dùng đã có thêm lựa chọn và không còn phải chịu cảnh tự tung tự tác của VNPT.
Trở lại câu chuyện xăng dầu, nếu dự án 27 tỉ đô được xúc tiến, một lần nữa người tiêu dùng lại có quyền lựa chọn nhà cung cấp thay vì trước đây chỉ duy nhất có Petro Vietnam và chịu cảnh giá luôn trong tình trạng tăng.
Cũng phải thấy rằng, không hiểu vì sao từ trước tới nay chưa bao giờ người ta nghe thấy Petro Vietnam nói rằng có lãi. Điệp khúc mà tập đoàn này luôn đưa ra là: tăng giá để bù lỗ.
Chính vì như vậy dù lý giải của Petro Vietnam thế nào nhưng người dân vẫn mong lắm dự án lọc dầu mới được thực hiện và quên đi câu chuyện độc quyền giá xăng.
Theo Đất Việt