THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 November 2013

Pics : Tương lai mờ mịt của những khu tập thể cũ nát nhất Hà Nội


 

Người dân ở các khu tập thể xây cách đây nửa thế kỷ chịu cảnh nhiều thế hệ sống chung trong diện tích nhỏ hẹp, cầu thang tối om... Nhiều khu đã phá dỡ nhưng chưa biết bao giờ được xây dựng lại.

1-1378703204.jpg
Được xây dựng từ những năm 1960-1970, nhiều khu tập thể cũ của Hà Nội ngày càng xuống cấp. Diện tích ở chật hẹp, số nhân khẩu tăng lên khiến nhiều gia đình phải cơi nới, xây thêm các "chuồng cọp"tạm bợ.
DTD-7338-JPG-1378703204.jpg
Do các khu dân cư hay mất nước nên các hộ tự cứu mình bằng cách trữ nước ở những bình inox lớn treo ngổn ngang trên tầng  thượng hoặc mặt tiền của các tòa nhà.
a2b-1378703204.jpg
Sau gần 50 năm sử dụng, khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) xuống cấp. Lối vào cầu thang của nhà H4 ẩm mốc, không ánh sáng cũng chẳng có đèn điện, ban ngày cũng tối như ban đêm.
DTD-7366-8686-1380685684.jpg
Căn hộ rộng chừng 20 m2 của gia đình anh Nguyễn Hồng Lam nằm trên tầng 2. Do có 6 người thuộc 4 thế hệ sống chung nên anh Lam đã cơi nới thêm "chuồng cọp" hơn 10m2, nhưng nhà vẫn quá chật chội.
DTD-7367-7154-1379136084.jpg
Ông nội của anh Lam đã ngoài 80 tuổi, già yếu, bệnh tật nhưng quanh năm phải làm bạn với chiếc giường chất đầy đồ đạc, chỉ chừa một khoảng vừa đủ nằm.
a6-1378703204.jpg
Trần nhà lại thấp nên anh phải dán cảnh báo để khách tránh đụng phải quạt trần.
DTD-7586-JPG-1378720155.jpg
Không chỉ chật chội, một số khu tập thể cũ còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Tại khu C8 Thành Công (quận Ba Đình), tình trạng sụt lún, nứt vỡ tường, trần khiến chính quyền phải lắp khung sắt để gia cố, chống đỡ.
DTD-7176-5624-1380685684.jpg
Hà Nội đã rà soát hơn 1.000 nhà tập thể cũ và lọc ra 11 khu nhà xếp vào loại nguy hiểm cấp D, buộc phải di dời để cải tạo xây dựng lại. Một số khu tập thể cũ nát trở thành nhà hoang sau khi người dân dời đi. Khu tập thể 148-150 Sơn Tây (quận Ba Đình) từng có hơn 10 gia đình sinh sống, nay trở thành nhà hoang rêu phủ.
DTD-7191-1378720155.jpg
Sau 4 năm người dân di dời đi tạm cư, khu nhà tập thể 148-150 Sơn Tây vẫn đang được phá dở, hoang tàn. Người dân sinh sống xung quanh phản ánh, đây còn là nơi có nhiều đối tượng nghiệp ngập đến chích hút, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong khu vực.
DTD-7112-1378720155.jpg
Dự án xây mới khu C1 Thành Công (một trong số 11 khu nhà nguy hiểm cấp D) vẫn án binh bất động sau 5 năm giải phóng mặt bằng. Các dự án xây dựng lại nhà tập thể cũ cũng chịu tình cảnh chung của thị trường bất động sản: thiếu tiền để thi công hoặc có nguy cơ lỗ vì giá bất động sản giảm mạnh.
DTD-7083-1378720156.jpg
Cảnh hoang vắng ngay tại khu đất vàng, nơi trước kia là khu tập thể B6 Giảng Võ. Bên trái là tường quây dự án xây dựng lại nhà B6, bên phải là khu nhà dành cho công nhân. Sau hơn 6 năm di dời, người dân vẫn chưa thể biết đến bao giờ mới được quay về tái định cư trong tòa nhà mới.
Đoàn Quý

Nhà siêu mỏng, dị dạng


Chủ Nhật, 03/11/2013 21:09

Việc chậm trễ lập thiết kế đô thị cũng như quy chế quản lý kiến trúc dọc đường Phạm Văn Đồng đã tạo ra một bức tranh đô thị không đẹp

Khoảng 5 km của dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng) đã đưa vào khai thác từ ngày 28-9. Được đánh giá là tuyến đường nội đô đẹp của TP HCM nhưng ngay từ ngày đầu thông xe, nhiều người đã ngỡ ngàng vì những cầu thang lộ thiên từ vỉa hè nối vào nhà dân trên đường này.
Muốn vào nhà phải… lụy thang!
Căn nhà 352/3 Phan Văn Trị, phường 11, quận Gò Vấp có nền cao hơn 1 m so với mặt đường và “điểm nhấn” chính là 2 bục thang chạy ngang mặt tiền. “Khi bị giải tỏa, tôi lên UBND quận Gò Vấp xin phép xây dựng và hỏi cốt nền bao nhiêu. Họ nói cứ làm cao hơn mặt đường hiện tại 1 m. Tôi về đo lấy cốt nền cao hơn mặt đường 0,5 m, đinh ninh đường mới sẽ được nâng lên. Không ngờ, khi thi công đến nhà tôi, người ta lại cho ủi bớt. Khi đường hoàn thành, vỉa hè được lát thì nền nhà tôi cao hơn cả mét. Hai bục thang nhìn rất kỳ cục nhưng phải làm mới có thể dẫn xe ra vào nhà được” - chủ nhà phàn nàn.
Một số nhà siêu mỏng trên đường Phạm Văn Đồng
Theo ông Lý Quang Huy (54A Trần Quốc Tuấn, phường 1, quận Gò Vấp), khi sửa nhà, ông chỉ làm cao hơn mặt đường hiện hữu 5 cm. Tuy nhiên, đơn vị thi công đã ủi, hạ độ cao nền đường qua nhà ông, dẫn đến căn nhà “ngoi” hơn gần 1 m so với đường Vành đai ngoài. “Không có thông tin rõ ràng, chúng tôi ước tính xây cao độ nền nhà và hàng loạt người dân quanh khu vực đều gặp phải tình cảnh dở khóc dở cười như vậy” - ông Huy lắc đầu.
Bà Huyền, nhà cạnh ông Huy, cho biết cầu thang quá cao nên không thể tự dắt xe vào nhà. “Nhiều khi tôi phải nhờ hàng xóm dẫn xe vào giùm, còn không thì phải dựng ở vỉa hè và xích lại” - bà cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, khoảng 50 căn nhà có nền cao ngất. Mặt đường thấp hơn nền nhà cả mét nên nhà nào cũng làm thang để ra vào. Có nhà cầu thang quá dốc khiến việc dắt xe lên xuống gặp nhiều khó khăn, nhà khác xây cầu thang thoải hơn thì lại đổ dài ra vỉa hè…
Kỳ dị
Bên cạnh điểm nhấn cầu Bình Lợi - cầu vòm thép lớn nhất cả nước- trên đường Phạm Văn Đồng còn có các “điểm nhấn nổi bật” khác là nhiều căn nhà đủ hình dáng, màu sắc. Sau khi bị giải tỏa một phần, nhiều người đã sửa, xây lại nhà trên phần diện tích bé tí còn lại, tạo nên những căn nhà siêu mỏng. Nhiều căn hình tam giác, thậm chí ngũ giác, rất kỳ dị.
Căn nhà 123/1 Lê Lợi (phường 3, quận Gò Vấp) ngang 15 m, một cạnh sâu 3 m, một cạnh chỉ 1,5 m nhưng gia chủ cất kiên cố 5 tầng, nhìn y hệt hình thang vuông. Người thuê nhà, ông Đặng Văn Nam, cho biết gia đình có 4 người nhưng nhà quá hẹp chỉ đủ đặt cái giường với vài vật dụng sinh hoạt. “Chúng tôi rất lo lắng vì không biết chất lượng nhà như thế nào nhưng do điều kiện khó khăn nên phải chấp nhận ở tạm vậy” - ông Nam băn khoăn.
Dọc đường này có khoảng 100 căn nhà siêu mỏng. Hầu hết các căn nhà này chỉ rộng hơn 10 m2. Tại ngã tư Lê Quang Định - Vành đai ngoài (quận Gò Vấp), một cửa hàng mắt kiếng bề ngang khoảng 5 m nhưng sâu chỉ hơn 2 m. Căn nhà tam giác 104/4D Lê Lai, phường 3, quận Gò Vấp có một cạnh chưa đến 1 m, cạnh còn lại sâu 3 m nhưng được xây cao gần 15 m…
Không chỉ ngỡ ngàng với hình dáng kỳ cục của các căn nhà này, nhiều người còn băn khoăn trước độ an toàn của chúng. Bà Trần Thị Tuyết (phường 1, quận Gò Vấp) cho biết căn nhà rộng 150 m2 của bà bị giải tỏa còn chưa đến 20 m2. Tiền bồi thường nhận được không bao nhiêu, lại phải chia năm xẻ bảy nên bà đành tận dụng diện tích đất còn lại để xây nhà ở.
Biết trước nhưng bước không qua
Trước đây, khi nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa năm 2005, TP HCM yêu cầu có quy định kiến trúc vì đây là trục đường nối trung tâm thành phố với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Nhưng khi dự án hoàn thành, một bức tranh đô thị sặc sỡ lộ ra, làm tuyến đường này không xứng tầm là “đường ngoại giao” như mong muốn. Kết quả được chỉ ra là do chậm trễ trong quản lý quy hoạch, hướng dẫn thiết kế đô thị.
Để không đi vào vết xe đổ, cách đây hơn 3 năm, UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc sớm hoàn thành quy chế quản lý kiến trúc dọc đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (cùng với đại lộ Đông Tây và xa lộ Hà Nội). Nhiều vấn đề đã được lưu ý nhằm tránh cảnh lộn xộn, chỏi nhau. Thế nhưng, khi một phần đường Phạm Văn Đồng được đưa vào sử dụng, bức tranh kiến trúc bát nháo lại hiện ra.
Sau khi nhận tiền, bàn giao mặt bằng, người dân phải xây sửa lại nhà cửa để ổn định cuộc sống. Không có thiết kế đô thị, nhiều người phải làm nhà theo kiểu mỗi nơi một phách. Hệ quả là bức tranh đô thị lộn xộn dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng đã hình thành.
Vẻ đẹp chỉ có trên bản vẽ
Những khu vực dọc đường Phạm Văn Đồng chưa được xây dựng còn quá ít, không đủ để khi áp dụng thiết kế đô thị sẽ chỉnh trang nâng tầm tuyến đường. Nếu chỉnh trang những nơi đã xây sửa rồi thì tốn kém, lãng phí; đồng thời lại một lần nữa gây xáo trộn cuộc sống người dân.
Vì vậy, một bức tranh đô thị hài hòa theo mong muốn nhiều khả năng chỉ nằm trên bản vẽ.
Bài và ảnh: TỪ NAM

Cán bộ đài bị nghi quay lén nhà vệ sinh nữ xin nghỉ việc


Chủ Nhật, 03/11/2013 21:12

(NLĐO) – Sau khi bị báo chí phản ánh là có hành vi đặt máy quay phim trong nhà vệ sinh nữ ở nhà sách Long An, nhân viên kỹ thuật Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Long An đã làm đơn xin nghỉ việc

Tối 3-11, nguồn tin từ Đài phát thanh truyền hình Long An cho biết giám đốc cơ quan này đã đồng ý cho nhân viên kỹ thuật chuyên dựng phim của đài truyền hình là ông Nguyễn Minh Mẫn nghỉ việc theo đơn xin và nguyện vọng của cá nhân.
 
Theo Báo Người Lao Động đã phản ánh, ông Nguyễn Minh Mẫn từng vào nhà sách Long An trụ sở trên đường Võ Văn Tần phường 2, TP Tân An để xem sách, sau đó vào nhà vệ sinh nữ “vô ý” để rơi máy quay phim loại nhỏ xuống nền gạch. Ông nhặt lên và để ở lỗ thông hơi của nhà vệ sinh rồi bỏ quên.
 
Khi nhân viên nhà sách vào vệ sinh đã phát hiện máy còn đang hoạt động quay chính diện khu vực bên trong nơi vệ sinh phái nữ nên báo công an đến để thu giữ phối hợp làm rõ.
 
Trả lời trên báo chí sau vụ việc, ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Đài Phát thanh Trruyền hình Long An cho biết công an đã kết luận ông Mẫn không thực hiện hành vi trên sau khi thực nghiệm lại hiện trường tại nhà sách.
 
Tuy nhiên, sau đó đại tá Phan Chí Thanh, giám đốc công an tỉnh, xác nhận cơ quan công an không tham gia điều tra vụ đặt máy quay phim trong nhà vệ sinh và cũng không có đơn vị nào đi thực nghiệm vụ việc như vậy.
H.Minh

Tận thu cát sông


Chủ Nhật, 03/11/2013 21:32

Nạn khai thác cát trái phép đang diễn ra rầm rộ trên các con sông huyết mạch ở nhiều địa phương, làm thay đổi dòng chảy, gây xói lở nghiêm trọng...

Những ngày qua, phóng viên Báo Người Lao Động đã thị sát tại các dòng sông lớn ở Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai... và chứng kiến sa tặc đang ngày đêm bức hại môi trường.
Sông sạt lở, mất đất
Không biển cấm, không ai cản trở…, những chiếc đò với ống hút được cắm sâu dưới lòng sông, những chiếc xe ra vào chở cát… diễn ra công khai trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Đứng trên cầu Chợ Gát (xã Đức Hóa) nhìn xung quanh dòng sông Gianh, chúng tôi thấy 2 thuyền hút cát cập bến, 1 đống cát được đưa lên bờ còn ướt nhẹp. Hai bên dòng sông, những mô đất trống toác vàng đến nhức mắt, hàng cây xanh bám một nửa trên mặt đất, chực nghiêng xuống dòng sông. Nhìn cảnh tấp nập khai thác cát và khu vườn của mình bên bờ sông Gianh, chị Hạnh, một người dân, thở dài: “Đất nương đã bị lở vào khoảng 7 m, nay bão lũ về, dòng sông nuốt gần hết dải đất phía dưới ven sông. Cứ khai thác cát như thế này thì ít năm nữa không biết có còn đất mà làm không”.
Sa tặc ngang nhiên đưa thuyền máy vào khai thác cát trái phép dọc bờ sông Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Ôm trọn những làng quê nghèo Đồng Lâm, Phúc Tùng, Chợ Gát…, dòng sông Gianh bồi đắp phù sa, nước tưới cho những khu vườn thẳng cánh cò bay mà hợp tác xã chia ra như O Bồng, Khe Xanh, Đội Nương, Cây Chát… Bà Trần Thị Tiết (ngụ xã Đức Hóa) chỉ những mảnh đất đã bị mất vì sạt lở nói: “Hồi trước, ở vùng Đồng Lâm và Phúc Tùng (người dân ở đây gọi là Cửa Nghè), đất rộng mênh mông nhưng giờ thì lở vào hết khoảng 20 m
Một điểm khai thác cát trái phép trên sông Gianh, tỉnh Quảng Bình Ảnh: NGỌC HÀ
 
”. Dọc Cửa Nghè, một dải đất dài hàng trăm mét bị lở tạo nên độ dốc cao khoảng 8 m và không còn giữ được nguồn dinh dưỡng. Nhiều chỗ lở tạo nên những hốc đất rộng khoảng 7 m, sâu hơn 5 m.
Tại TP Đà Nẵng, người dân phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn cho biết tình trạng khai thác cát đoạn sông qua khu phố An Lưu diễn ra từ nhiều năm nay. Theo báo cáo của UBND phường Hòa Quý, nạn hút cát trộm đã khiến nhiều đoạn sông bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến khoảng 500 hộ dân.
Đưa xe tải vào múc cát chui tại khu vực cầu Trà Khúc 2 (tỉnh Quảng Ngãi) Ảnh: TỬ TRỰC
Tình trạng khai thác cát trái phép cũng diễn ra rầm rộ tại khu vực sông Cổ Cò, quận Ngũ Hành Sơn với nhiều đoạn mép sông cao 2-3 m đang nứt nẻ, từng tảng đất đổ ập xuống lòng sông. Trong khi đó, dọc theo con sông Cu Đê (quận Liên Chiểu đến huyện Hòa Vang), tình trạng khai thác cát cũng diễn ra nhộn nhịp. Chỉ tay về phía vườn cây ăn quả phía sau nhà cạnh bờ sông Cu Đê, bà Nguyễn Thị Hòa (ngụ xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) bức xúc: “Do khai thác cát trái phép mà vườn chuối này đã bị nước xâm thực làm sạt lở vào hơn 2 m. Cứ đà này thì chắc chắn ngôi nhà tôi đang ở cũng bị nước cuốn trôi”.
Tuyến kè sông Câu Lâu ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bị lún sụp do nạn hút cát Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Tranh giành địa bàn gây án mạng
Đêm 1-11, chúng tôi theo chân người dân đi dọc bờ sông Thu Bồn, đoạn từ cầu Câu Lâu đến địa phận xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trong màn đêm dày đặc, 5 chiếc ghe máy lần lượt cập vào bờ sông ở bãi An Phước rồi đua nhau hút cát. Tiếng động cơ nổ ầm ầm phá tan không gian tĩnh lặng của một vùng quê. Khi phát hiện có người, những đối tượng này văng tục, đồng thời ném đá lên bờ. Tuy nhiên, do thấy chúng tôi đông người nên tất cả các thuyền chậm rãi rời chỗ hút cát, không quên buông những lời rất khó nghe.
Ông Trần Phòng (75 tuổi, ngụ thôn Mỹ Phước, xã Duy Phước) cho biết không kể ngày đêm, sa tặc ngang nhiên hút cát rồi chở ra đầu cầu Câu Lâu, xuống xã Duy Vinh hay qua các xã Điện Phương, Điện Minh của huyện Điện Bàn dùng tời đưa lên xe tải chở đi tiêu thụ. “Tình trạng này đã diễn ra công khai suốt nhiều ngày nay khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng không nhỏ” - ông Phòng nói.
Nghiêm trọng hơn, việc ào ạt khai thác cát trái phép đã gây sạt lở tuyến kè dài gần 1,8 km ở thôn Mỹ Phước. Tuyến kè này hoàn thành năm 2010 với tổng kinh phí hơn 12 tỉ đồng. Mới đây, chính quyền địa phương gia cố mất hơn 7 tỉ đồng nhưng hiện đã có hàng chục đoạn bị sụt lún, từng mảng bê-tông nằm ngổn ngang, nhiều rọ đá cũng bị trôi xuống đáy sông. “Bờ kè đang đứng trước nguy cơ bị sụt lún nghiêm trọng do nạn khai thác cát trái phép. Nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp tục thì không bao lâu nữa, bờ kè sẽ bị xóa sổ; vườn tược, nhà cửa, đất sản xuất của chúng tôi cũng bị xói lở, cuốn trôi mỗi khi lũ dữ ập về” - một người dân lo lắng.
Liên tục nhiều tháng qua, bãi cát thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Tịnh An và thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi bị khai thác ồ ạt, làm thay đổi dòng chảy sông Trà Khúc. Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày có hàng trăm xe chở cát đi nơi khác tiêu thụ nhưng không thấy cơ quan chức năng ngăn chặn, trong khi vị trí khai thác cát “chui” chỉ cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 1 km.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (ngụ thôn Liên Hiệp 1, thị trấn Sơn Tịnh) cho biết việc khai thác cát diễn ra cả ngày lẫn đêm với hàng trăm lượt xe tải chạy qua lại khiến người dân trong thôn không ngủ được. “Chúng tôi yêu cầu đơn vị khai thác không được hoạt động ban đêm nhưng họ chỉ ngưng một vài ngày rồi tiếp tục làm” - chị Hạnh nói.
Không chỉ khu vực bãi cát dưới chân cầu Trà Khúc 2, tình trạng khai thác cát chui diễn ra ở rất nhiều địa điểm khác nhau dọc bãi bồi sông Trà Khúc. Ở những nơi này, mỗi ngày cũng có hàng trăm chuyến xe tải lớn nhỏ vào xúc cát bằng tay (dùng cuốc, xẻng) rồi rầm rộ chạy ra ngoài... Đội quân khai thác cát còn lập lều, trại làm “đại bản doanh” để thu tiền đối với những xe tải vào lấy cát. Mới đây, tại một bãi cát đang bị khai thác trái phép, vì tranh giành địa bàn nên đã xảy ra án mạng, khiến 1 người chết. 
Kỳ tới: Chịu thua sa tặc?
NGỌC HÀ - QUỲNH CHÂU - TRẦN THƯỜNG - TỬ TRỰC

Gom lá cò ke bán qua Trung Quốc


Chủ Nhật, 03/11/2013 22:21

Lá cây cò ke - một loại cây chứa dược liệu lại có khả năng che chắn, chống xói mòn, sạt lở đất - đang có nguy cơ bị tận diệt bởi cơn sốt săn lùng ở tỉnh Nghệ An để bán cho thương lái Trung Quốc

Gần đây, ở 2 huyện miền núi Tương Dương và Con Cuông, tỉnh Nghệ An, nhiều người dân đổ xô vào rừng khai thác lá cây cò ke...
Ồ ạt thu gom
Dọc theo Quốc lộ 7 từ huyện Con Cuông lên huyện Tương Dương, theo quan sát của chúng tôi, có nhiều điểm thu mua lá cò ke. Tại xóm Bãi Văn, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, người dân thu gom lá cò ke tập kết thành những hàng dài bên quốc lộ. Anh Lao Cao Sỹ, xóm Bãi Văn, đang hái lá cò ke bán cho các thương lái cho biết: “Một kg lá cò ke khô bán được khoảng 7.000 đồng, một ngày vào rừng chặt được khoảng 40 kg lá, tính ra cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Trong lúc không có việc gì làm, thấy thương lái đến thu mua lá cò ke nên mình vào rừng kiếm thôi. Ở đây có nhiều người đi hái lá cây này về bán lắm”.
Một điểm thu gom lá cò ke bán cho các thương lái ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An
Trong vai người thu mua lá cò ke, chúng tôi ghé vào một điểm thu mua dược liệu ở bản Lũng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương. Tại đây, một người đàn ông tên Chiến cho biết: “Từ tháng 8-2013 đến nay, hằng ngày, chúng tôi thu gom lá cò ke để bán cho thương lái. Giá lá khô, chúng tôi mua gần 8.000 đồng/kg. Khi gom đủ hàng, thương lái cho xe tải đến chở đi ngay”. Ông Chiến cho biết thêm: “Thương lái thu gom rồi chở đi Trung Quốc bán, còn mua làm gì chúng tôi cũng không rõ, chỉ biết thương lái mua thì mình thu gom của người dân các bản rồi bán lại cho họ thôi”.
Sẽ kiểm tra, xử lý
Qua tìm hiểu của chúng tôi, lá cây cò ke mà người dân ở Nghệ An khai thác được các đầu nậu thu gom, sau đó chuyển sang Trung Quốc bán.
Ông Nguyễn Trong Tân, Chủ tịch UBND xã Tam Thái, cho biết: “Từ tháng 9 trở lại đây, có nhiều người trên địa bàn xã vào khe Càn, khe Thằm hái lá cò ke bán cho các thương lái với giá lá tươi khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Người dân vào rừng hái lá là tự phát, thấy thương lái thu mua nên họ kiếm về bán. Một ngày hái lá cũng kiếm được khoảng 100.000-150.000 đồng”. Do nhiều người hái nên lá cây cò ke đang có nguy cơ cạn kiệt. Gần đây, để hái được lá, người dân phải đi sâu vào rừng từ 4-5 km. “Sắp tới, xã sẽ cho kiểm tra và báo cáo các đơn vị chức năng” - ông Tân cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Sỹ Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương, nói: “Trong huyện, nhiều người dân ở các xã Tam Thái, Tam Quang, Tam Đình vào rừng hái lá cò ke bán cho các thương lái. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và có biện pháp xử lý nếu việc khai thác, thu mua lá cò ke là trái phép”.
Cây cò ke còn gọi là chua ke, dan ke. Đây là một loại thực vật bản địa ở Đông Nam Á và Trung Quốc. Trong đông y, lá cò ke dùng để chữa các bệnh về tiêu hóa và một số bệnh khác.
 
Thu gom cả hạt bo bo
Không chỉ thu gom lá cò ke, trong thời gian gần đây, tại huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương cũng có rất nhiều thương lái đến thu gom hạt bo bo. Các thương lái đến tận bản đặt hàng người dân. Ông Lương Văn Lợi (bản Còn Phèn, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương) cho biết: “Mấy tháng nay, thương lái về tận bản mua hạt bo bo với giá khoảng 20.000 đồng/kg hạt khô. Vào những đợt cao điểm, mỗi tuần họ thu mua hàng tấn hạt bo bo. Chúng tôi không rõ họ mua để làm gì, chỉ nghe họ nói là mua đem sang Trung Quốc bán”.

Bài và ảnh: Đức Ngọc

Gần 280 lao động làm thuê trái phép trên tàu cá Trung Quốc



(Dân trí) - Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn việc ngư dân làm thuê trái phép cho các chủ tàu cá Trung Quốc; nhưng hiện nay vẫn còn 276 người làm thuê trái phép trên tàu cá Trung Quốc.

Phần lớn những lao động trên ở các địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa như thị xã Sầm Sơn 115 người, Hậu Lộc 140 người, Nga Sơn 16 người, Tĩnh Gia 4 người.
Qua tìm hiểu thì nguyên nhân, chủ yếu do đời sống kinh tế khó khăn, thu nhập không ổn định, nhận thức pháp luật của một số người lao động còn hạn chế. Trong khi mức lương mà nhiều tàu cá địa phương trả từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng thì tàu cá Trung Quốc trả từ 7 - 12 triệu đồng/người/tháng. Điều đó đã khiến hoạt động xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê trên các tàu cá chưa giảm.
Bên cạnh đó, công tác quản lý tạm trú, tạm vắng của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ; một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhu cầu tìm kiếm việc làm của nhân dân đã tổ chức lôi kéo đưa người sang Trung Quốc lao động trái phép.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn gửi Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo tình hình ngư dân làm thuê trái phép cho tàu cá Trung Quốc. Đồng thời, Sở này cũng đã có công văn gửi các địa phương ven biển để kiểm soát, ngăn chặn việc tham gia lao động, đánh bắt hải sản bất hợp pháp cho các chủ tàu cá Trung Quốc.
Chính quyền các địa phương tuyên truyền cho ngư dân hiểu về các quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động, để người dân tự giác ý thức được rằng việc đi lao động tự do là vi phạm pháp luật...
Cùng với đó có biện pháp yêu cầu các chủ tàu cá xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trên biển theo các định mức hiện hành của Nhà nước, để trả công lao động tương xứng với kết quả của người lao động đặc thù trên biển. Đồng thời vận động gia đình kêu gọi người đi lao động bất hợp pháp trở về địa phương.
UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn việc ngư dân làm thuê trái phép cho các chủ tàu cá Trung Quốc; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các huyện, thị xã ven biển kiểm soát tình hình ngư dân trong tỉnh làm thuê trên các tàu cá Trung Quốc.
Chính quyền các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, đưa người đi làm thuê trái phép trên các tàu cá Trung Quốc.
Duy Tuyên