Cơ quan điều tra xác định, nếu các cán bộ hải quan thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao thì Vinalines không thể nhập khẩu được ụ nổi 83M. Hiện ụ nổi này chỉ là một đống sắt thép rỉ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không sử dụng được vào việc gì.
Như đã đưa tin, ngày 27/6/2007, Dương Chí Dũng với tư cách là Chủ tịch HĐQT Vinalines đã ký quyết định phê duyệt chủ trương xây dựng dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam với tổng mức đầu tư là 3.854 tỷ đồng. Trong đó có chủ trương cho phép mua, lắp đặt 1 ụ nổi để phục vụ sửa chữa tàu.
Hợp đồng mua ụ nổi 83M giữa Vinalines với Công ty AP được ký vào ngày 15/7/2008. Đến ngày 28/5/2008, ụ nổi 83M được vận chuyển từ cảng Nakhodka, Liên Bang Nga về Việt Nam bằng tàu nâng nặng của Công ty Dock Wisi, Hà Lan. Ngày 6/6/2008, ụ nổi 83M được đưa về đến cảng Vân Phong, Khánh hòa và được Chi cục Hải Quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa làm thủ tục thông quan, nhập khẩu.
Chi cục Hải quan Vân Phong tiếp nhận hồ sơ nhập khẩu ụ nổi 83M của Vinalines. Trong đó có hợp đồng mua ụ nổi, hóa đơn thương mại do Công ty AP phát hành. Nội dung các tài liệu này thể hiện ụ nổi 83M là tàu biển, tên gọi riêng là ụ nổi 83M, sản xuất năm 1965. Tại thời điểm tháng 6/2008 tuổi ụ nổi 83M là 43 năm.
Mặc dù nhận tài liệu và biết ụ nổi 83M là tàu biển, khi làm thủ tục thông quan, nhập khẩu ụ nổi 83M, các các bộ hải quan vẫn làm theo quy trình như sau: Sau khi tiếp nhận kiểm tra sơ bộ và đăng ký hồ sơ nhập khẩu ụ nổi 83M do ông Võ Hồng Phú (cán bộ Vinalines) nộp, ông Nguyễn Văng Thọ (công chức bước 1 Chi cục Hải quan Vân Phong) báo cáo đề xuất kiểm tra chi tiết hồ sơ, kiểm tra thực tế ụ nổi (mức 3) và được Huỳnh Hữu Đức, Phó Chi cục trưởng duyệt, chuyển hồ sơ cho Lê Ngọc Triện (công chức bước 2) thực hiện kiểm tra chi tiết hồ sơ.
Dù biết rõ ụ nổi 83M trong tình trạng xấu, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng một số cán bộ hải quan vẫn ký các giấy tờ cho phép thông quan nhập khẩu. (Ảnh: Thanh Niên)
Khi kiểm tra hồ sơ thấy ụ nổi 83M không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng Triện không kiến nghị với lãnh đạo mà chỉ tính thuế và chuyển cho Lê Văn Lừng (công chức bước 3). Lừng tiến hành kiểm tra thực tế thấy ụ nổi 83M đã cũ, han rỉ, hư hỏng nhiều, máy phát điện không hoạt động, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng vẫn báo cáo đề nghị Huỳnh Hữu Đức cho thông quan. Khi xem xét hồ sơ, Huỳnh Hữu Đức biết rõ ụ nổi 83M không đủ điều kiện nhập khẩi theo qui định tại Nghị định 49/2006/NĐ-CP của Chính phủ nhưng Đức vẫn ký cho thông quan.
Trước đó, như đã đưa tin, trước khi mua và vận chuyển ụ nổi 83M về Việt Nam, vào ngày 27/7/2007, Vinalines có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam cử một đăng kiểm viên đi cùng đoàn công tác của Vinalines đến Liên Bang Nga để khảo sát tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83M, làm cơ sở cho việc xem xét mua ụ nổi. Cục Đăng Kiểm đã cử Lê Văn Dương, Giám định viên cao cấp tiến hành khảo sát tình trạng ụ nổi tại Liên Bang Nga.
Sau khi đoàn khảo sát trở về nước, trên cơ sở chỉ đạo của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc thì Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn trực tiếp gặp Lê Văn Dương đề nghị giúp Vinalines hợp thức thủ tục mua ụ. Dương đồng ý và lập biên bản kiểm tra giám định ngày 8/8/2007, trong đó phản ánh không đúng thực tế tình trạng kỹ thuật ụ nổi, không ghi rõ ụ nổi ở trạng thái xấu vào phần kết luận theo mẫu B10 của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Sau khi có biên bản kiểm tra giám định của Dương, Sơn và Khang dự thảo báo cáo kết quả khảo sát để Trần Hữu Chiều ký. Nội dung báo cáo không đúng tình trạng kỹ thuật ụ nổi so với thực tế. Cụ thể, ụ nổi đã cũ, hư hỏng nhiều, không còn hoạt động được nhưng báo cáo khảo sát vẫn thể hiện ụ nổi ở trạng thái hoạt động bình thường, Công ty AP là người bán…
Căn cứ vào báo cáo kết quả khảo sát, biên bản kiểm tra giám định, các tờ trình do Chiều và Phúc Ký, ngày 8/10/2007, Dương Chí Dũng ký quyết định số 1003/QĐ-HĐQT phê duyệt đầu tư dự án mua ụ nổi 83M với tổng mức đầu tư là 14,136 triệu USD, phương thức mua sửa chữa tại Nga và lai dắt về Việt Nam.
Truy nhiên, sau đó Chiều và Phúc lại đề nghị và ngày 15/2/2008 Dương Chí Dũng đã ký quyết định phê duệt điều chỉnh phương thức mua từ sửa chữa ụ tại Nga, lai dắt về Việt Nam sang vận chuyển ụ nổi bằng tàu nâng nặng, tự tổ chức sửa chữa tại Việt Nam, nâng tổng mức đầu tư từ 14,136 triệu USD lên 19,5 triệu USD, trong đó giá mua ụ là 9 triệu USD qua Công ty AP.
Trong quá trình điều tra, để xác định ụ nổi 83M là tàu biển hay phưuơng tiện khác, Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu tại một số cơ quan, đơn vị như Interpol Matxcova, Cục Hàng hải Việt Nam…
Theo tài liệu do Văn phòng Interpol Matxcova, Liên Bang Nga cung cấp qua Interpol Việt Nam thì trước khi bán cho Vinalines, ụ nổi 83M thuộc quyền sở hữu của Công ty Nakhodka. Được đăng ký là tàu biển do Cục Đăng kiểm Liên Bang Nga quản lý.
Tại biên bản làm việc ngày 23/4/2013 giữa Cơ quan điều tra với Cục Hàng hải Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về các phương tiện hàng hải, cũng xác nhận ụ nổi 83M thuộc loại phương tiện tàu biển.
Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, tại biên bản làm việc với Cơ quan điều tra vào ngày 2/12/2013 cũng xác nhận ụ nổi 83M là tàu biển. Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển cho ụ nổi 83M vào ngày 25/3/2011.
Trong khi đó, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam thuộc Tổng cụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ cũng xác nhận: Theo danh mục tiêu chuẩn Việt Nam do Cụ Đăng kiểm thống kê có trong hồ sơ tiêu chuẩn TCVN 6274:1997 thì Quy phạm Ụ nổi thuộc hệ thống Quy phạm tàu biển.
Sau khi xác định ụ nổi 83M là tàu biển, căn cứu vào các quy định của pháp luật về việc thông quan nhập khẩu tàu biển, Cơ quan điều tra kết luận: Mặc dù biết rõ ụ nổi 83M là tàu biển, sản xuất năm 196, thời điểm làm thủ tục nhập khẩu tuổi ụ nôi là 43 năm, đã cũ nát, hư hỏng nặng, không hoạt động được, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng một số cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Vân Phong không báo cáo lãnh đạo Chi cục mà vẫn làm thủ tục đề nghị cho thông quan, nhập khẩu.
Việc làm này là trái quy trình thủ tục hải quan ban hành kèm theo quyết định số 874/QĐ-TCHQ ngày 15/5/2006 của Tổng Cục Hải quan; trái Điều 8, Nghị định 49/2006/NĐ-CP của Chính Phủ, trách nhiệm thuộc về Huỳnh Hữu Đức, Phó Chi cục trưởng, người ký cho thông quan; Lê Ngọc Triện, cán bộ kiểm tra chi tiết hồ sơ, tính thuế; Lê Văn Lừng, cán bộ kiểm hóa.
Việc làm của các cán bộ hải quan nêu trên đã giúp Vinalines nhập khẩu được ụ nổi 83M trái quy định. Nếu cán bộ hải quan thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao từ ngày 6/6/2008 thì Vinalines không nhập khẩu được ụ nổi và Vinalines không ký 3 ủy quyền ghi nợ tài khoản chuyển 8,1 triệu USD cho Công ty AP được.
Theo Cơ quan điều tra, hành vi của các cán bộ hải quan bao gồm: Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng gây thiệt hại 82.417.220.942 đồng. Các bị can này phạm vào tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi đó, Dương Chí Dũng là người đã ký quyết định phê duyệt đầu tư dự án nhà máy; chỉ đạo Chiều, Sơn, Khang lập báo cáo khảo sát ụ nổi 83M không đúng thực tế để hợp thức thủ tục mua; ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại 335.418.103.073 đồng, phạm vào tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò chủ mưu.
Cùng với Dũng, Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố Mai Văn Phúc về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò chủ mưu. Chiều, Sơn, Khang bị khởi tố về tội danh này với vai trò là những đồng phạm giúp sức.
THEO GIÁO DỤC