HÀ NỘI (NV) .- Trong khi giá bán một ký lúa chừng 4,500 đồng thì giá mua một ký thịt ốc từ 15 ngàn đến 25 ngàn, nên nông dân bỏ ruộng đi bắt ốc, bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc.
Lể ruột ốc để bán. Khi giá một ký thịt ốc tương đương ba ký lúa thì nông dân khó cưỡng lại được sự hấp dẫn của chuyện bắt ốc. Ruộng vườn vì vậy mà bị bỏ hoang. (Hình: Đất Việt) |
Không ai biết phía Trung Quốc làm gì với khối lượng thịt ốc bươu vàng lên tới hàng chục tấn một ngày nhưng bắt ốc giúp kiếm tiền nhanh và nhiều hơn trồng lúa nên khắp Việt Nam, người người, nhà nhà đang bỏ ruộng vườn để đi bắt ốc.
Ông Lê Văn Lượng ngụ ở huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, xác nhận, gia đình ông có năm người và tất cả đều đang đi bắt ốc bươu vàng để bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Có những ngày, gia đình ông Lượng kiếm được cả triệu đồng nhờ tiền bán ốc. Thành ra gia đình nào cũng bỏ ruộng để đi bắt ốc như gia đình ông Lượng.
Cũng theo ông Lượng, mọi người trong làng còn lặn lội tới tận Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh để săn tìm ốc. Cuối mỗi ngày, người ta gom ốc lại để luộc, tách thân ra khỏi vỏ, vứt bỏ nhân, trứng, chỉ lấy lưỡi rồi mang tới điểm thu mua. Phía thu mua rửa lại, cân và cho vào thùng xốp, ướp muối, đá lạnh, rồi dán kín và chất lên xe chở sang Trung Quốc.
Cũng theo ông Lượng, mọi người trong làng còn lặn lội tới tận Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh để săn tìm ốc. Cuối mỗi ngày, người ta gom ốc lại để luộc, tách thân ra khỏi vỏ, vứt bỏ nhân, trứng, chỉ lấy lưỡi rồi mang tới điểm thu mua. Phía thu mua rửa lại, cân và cho vào thùng xốp, ướp muối, đá lạnh, rồi dán kín và chất lên xe chở sang Trung Quốc.
Ông Đỗ Văn Hùng, một viên chức huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, thừa nhận, nhờ chuyện Trung Quốc mua ốc, nhiều gia đình nông dân có cơ hội tăng thêm thu nhập nhưng ít nhất, môi trường trong vùng đang bị ô nhiễm trầm trọng. Vỏ ốc đang được đổ khắp nơi, từ kênh mương đến ruộng, vườn. Trời nóng thì hôi thối. Trời mưa, vỏ ốc trôi khắp nơi, chắc chắn sẽ gây khó khăn cho việc trồng lúa ở các mùa sau. Ông Hùng nói thêm rằng huyện Quốc Oai có ba xe chở rác và nay cả ba xe được xem như xe chuyên dụng để chở vỏ ốc đi… đổ.
Đó là chuyện ngoài Bắc. Ở miền Nam, dân chúng cũng bắt đầu bỏ ruộng đi bắt ốc. Theo thống kê, riêng tỉnh Hậu Giang đã có năm điểm vốn chuyên thu mua thủy sản nhưng nay đã ngưng hết để chỉ tập trung thu mua ốc bươu vàng.
Ông Nguyễn Văn Lân, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Thực vật cùa Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Long An, kể rằng, vừa có một gia đình tại xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa đến “đăng ký nuôi ốc bươu vàng để lấy trứng nhân giống”. Nhờ vậy cơ quan ông ta mới biết để ngăn chặn.
Trước tình trạng dân đổ xô đi bắt ốc bươu vàng vì có thể bán với giá cao, nhiều người bắt đầu nhân giống, nuôi ốc bươu vàng đem bán. Hôm 30 tháng 10, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn CSVN đã phải gửi công điện khẩn, yêu cầu nhà cầm quyền các tỉnh phải “gia tăng kiểm tra, xử lý, ngăn chặn” việc nhân giống, nuôi ốc bươu vàng. Ốc bươu vàng đã từng là đại họa cho nông nghiệp Việt Nam do sinh sôi nảy nở nhanh và chuyên ăn lúa, khiến mùa màng nhiều nơi mất trắng.
Trước tình trạng dân đổ xô đi bắt ốc bươu vàng vì có thể bán với giá cao, nhiều người bắt đầu nhân giống, nuôi ốc bươu vàng đem bán. Hôm 30 tháng 10, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn CSVN đã phải gửi công điện khẩn, yêu cầu nhà cầm quyền các tỉnh phải “gia tăng kiểm tra, xử lý, ngăn chặn” việc nhân giống, nuôi ốc bươu vàng. Ốc bươu vàng đã từng là đại họa cho nông nghiệp Việt Nam do sinh sôi nảy nở nhanh và chuyên ăn lúa, khiến mùa màng nhiều nơi mất trắng.
Hồi tháng 9, ông Nguyễn Ngọc Trân, một cựu đại biểu của Quốc hội Việt Nam, lên tiếng cảnh báo về sự lũng đoạn của thương lái Trung Quốc đối với Việt Nam.
Qua bài viết có tựa là “Một nhiệm vụ không thể trì hoãn”, đăng trên tờ Tuổi Trẻ, ông Trân hệ thống các hoạt động, thủ đoạn và tác hại của việc để cho thương lái Trung Quốc tung hoành trên khắp Việt Nam.
Ông Trân lên án chiến lược “cột chặt” các doanh nghiệp Việt Nam vào mạng lưới thu mua của Trung Quốc để đẩy hoạt động xuất cảng hàng hóa sang Trung Quốc chỉ theo “con đường tiểu ngạch”, đã tạo điều kiện cho thương lái Trung Quốc dễ quịt nợ, dễ “lật kèo”.
Viên cựu đại biểu của Quốc hội Việt Nam nhận định, phải xem việc thương lái Trung Quốc tận thu mọi thứ là có thâm ý: tận diệt các loại thực vật, động vật qúy hiếm, thúc đẩy tiến trình phá rừng, làm đất sớm bạc màu, khiến quá trình rửa trôi đất đồi núi diễn ra nhanh hơn, phá hoại môi sinh, môi trường.
Không chỉ tác động để hủy diệt tự nhiên, những chiến dịch thu mua của thương lái Trung Quốc còn đánh vào các doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu nguyên liệu, mất uy tín vì không còn khả năng thực hiện đúng hợp đồng.
Ông Trân khẳng định, không ai nghĩ rằng, thương lái Trung Quốc chỉ là những cá nhân vào Việt Nam làm ăn riêng lẻ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ thấy lợi trước mắt mà “bắt tay” với thương lái Trung Quốc. Đặc biệt đáng trách là chế độ Hà Nội đã bỏ ngỏ vấn đề này. Ông Trân kêu gọi, phải xem chuyện giải quyết tình trạng thương lái Trung Quốc đang phá hoại kinh tế Việt Nam là “một nhiệm vụ không thể trì hoãn”.
Nhiệm vụ đó xem ra khó mà có thể hoàn thành. (G.Đ)