THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 November 2012

Thượng vàng hạ cám mại dâm

Thượng vàng hạ cám mại dâm
Có khi 300-500K (nghìn đồng), gái làng chơi cũng ôm luôn, bao cả khách sạn” (ảnh minh họa)

Thượng vàng hạ cám mại dâm

Thứ Hai, 19/11/2012, 08:14 AM (GMT+7)
Khi nghe tôi kể về những ngón nghề “thòng” gái mại dâm trong các quán cà phê hay những quán bia ôm, N - tay chơi có hạng, cũng là một thiếu gia tặc lưỡi bảo: “Xưa lắm rồi… Diễm ơi”. Rồi N búng ngón tay với vẻ sành điệu: “Nếu ông anh đi với em vài tối… sẽ biết Sài Gòn về đêm như thế nào…”.
An ninh hình sự cập nhật liên tục tất cả các ngày trong tuần
Phố “lướt”
Đúng 19h, tôi có mặt ở một quán cà phê sang trọng trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1. Thấy tôi chạy chiếc Wave Trung Quốc, N bảo: Lát nữa ra bờ kè Thị Nghè, anh gửi xe rồi đi với em, chứ đi xe của anh, các em chân dài không màng đến đâu. Đúng là ngồi trên chiếc SH màu mận tím, ánh đèn đường bắt vào bóng nhẫy đã tạo cho chúng tôi vẻ tài tử, phong lưu của dân chơi Sài thành. “Dạt” vào một quán cà phê trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi thực sự… choáng.
Mới 20h mà đã vài chân dài đi xe SH, Dylan lượn qua lượn lại, nếu thấy “giai” nào ngơ ngác ngó nghiêng, là mấy cô lướt qua, đi một đoạn liền buông những câu đối đáp đong đưa… N bảo, góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cắt Nguyễn Thị Minh Khai và vòng xoay Điện Biên Phủ nối liền quận 1 với Bình Thạnh là những điểm tập kết của “bướm đêm” với những chiếc xe tay ga đắt tiền. Trước, gái mại dâm đứng đông như hội ở cầu Thị Nghè, cầu Điện Biên Phủ, nhưng nay công an dẹp “ác liệt”, đám này đành phải lượn như đèn cù trên các tuyến phố. N thúc tay vào tôi khi “bắt bóng” một chân dài chừng 25 tuổi, son phấn lòe loẹt ngồi trên chiếc Lead. N giục tôi lên xe đuổi theo.
Thượng vàng hạ cám mại dâm, An ninh Xã hội, muon mat mai dam, mai dam, ban dam, gai goi, gai ban dam, cave, buom dem, gai dung duong, thoa thuan mua ban dam, mua ban dam, bao, bao cong an, bao an ninh, vn
Chèo kéo khách đầu đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM.
Dường như có linh tính “nghề nghiệp”, cô gái ngoảnh lại, cất lời chào tình tứ: “Đi coi xinê với em nghen. Hai cưng muốn phim gì em cũng chiều hết à nha”. N hỏi: Qua đêm nhiêu em? “1 triệu, bao 2 anh luôn khách sạn, nếu hai anh “zdai” cần thêm bạn, em có liền”. N buông lời cợt nhả một lúc rồi “chốt” rằng chưa đến giờ có nhu cầu. Mặt tỉu nghỉu như bánh đa ngấm nước, vài câu rủa như xua đen đủi, cô gái rồ ga cho xe chạy biến vào gầm cầu Bùi Hữu Nghĩa. N bảo, những em chân dài đi xe đẹp và đắt tiền đều là xe đi thuê, có cô thuê 200.000 đồng/ngày, còn thuê tháng là 5 triệu đồng, rồi tiền nước hoa, son phấn. Làm nghề này mà không sắm đủ những thứ đó để tạo vỏ bọc đài các, con nhà lành cho dễ tiếp cận khách làng chơi thì ế ẩm lắm. “Lúc nãy, “bướm” nói 1 triệu là mình cô ấy phục vụ 2 anh em đấy. Trước đây, giá qua đêm không bao giờ dưới 1 triệu đồng/khách, nay kinh tế khó khăn, công an cũng dẹp nhiều không có bến đỗ, có khi 300-500K (nghìn đồng), gái làng chơi cũng ôm luôn, bao cả khách sạn”.
Theo N, khu vực quanh Thảo Cầm Viên từ trước 1975 đã là điểm mua vui của các thiếu gia mới lên đời hay các ông chủ chuyên đánh hàng ngoại quốc. N ngâm câu thơ vỉa hè “Làm trai chưa biết Miếu Nổi, như kẻ chơi trội… học đòi làm sang”. Dạng hàng ngon không cần sạch để “phượt” khá dễ kiếm, chỉ cần liên hệ trước với đám ma cô, lựa chọn một địa điểm bao trọn gói ở khu sinh thái Thủ Đức, hay một bể bơi tư nhân ở quận 3, khách tổ chức dạ tiệc. Chừng 20 cô được tuyển sẽ lượn quanh đám khách, uống và chiều khách, sau nhưng màn thi rượu, nếu tiền “lên” là quần áo các cô… xuống, đến giai đoạn nào đó thì cùng nhau rời bến tìm khách sạn. Đấy là cách ăn chơi của đám lính chế độ cũ giờ xuất hiện trở lại ở một số điểm ngoại ô thành phố.
N cho xe chạy chậm lên đường Nguyễn Đình Chiểu sát bờ kênh. Lập tức, 3 chiếc xe SH, Lead và Vespa ào ào áp lại. Cô gái mặc váy cực ngắn ngồi trên chiếc SH lênh khênh, duỗi cẳng chân trắng nõn lả lướt: “Đi ôm mở hàng cho em lấy hên nghen hai anh”. N hất hàm hỏi giá. “Nếu đi nhanh, em bao phòng 1 triệu 1 cưng, nếu qua đêm thì 2 triệu”. N cấm cảu: “Mắc zdữ zvậy, 1 “chai” 2 anh qua đêm luôn. Bọn anh đi giải xui thôi…”. Cô gái không phải vừa: “Năm trăm ngàn mà cũng đòi… đi chơi Miếu Nổi. Về chơi với dế thôi nghen”. Nói chưa dứt lời, cả 3 chiếc xe mang theo 3 cô gái nồng mùi son phấn lẫn vào bóng đêm.
Cầu… vẫy
Phóng nhanh qua cầu Khánh Hội (quận 4) sang cầu Tân Thuận (quận 7) rồi về vòng xoay Phú Lâm chân cầu vượt khu công nghiệp Tân Tạo, sang cầu Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), về cầu Đỏ, cầu Sài Gòn… những đêm cuối tuần, mới thấy gái bán dâm ở TP.HCM nhiều và đủ loại. N bảo: Ở TP.HCM rất nhiều cầu song anh cứ quan sát khu vực cầu nào nhiều khách sạn mini là nơi đó “bướm đêm” hoạt động mạnh. Và quả thật, chỉ riêng khoảnh vườn hoa dưới chân cầu Bình Triệu, cầu Nguyễn Hữu Cảnh, không dưới 5 cô đứng dựa lan can cầu… chờ khách. Hễ ai đi xe chậm, mắt “đánh võng” từ chân tới cổ là các cô biết khách tìm hàng, các cô vẫy gọi, thỏa thuận xong là số điện thoại, là địa chỉ hẹn.
Thượng vàng hạ cám mại dâm, An ninh Xã hội, muon mat mai dam, mai dam, ban dam, gai goi, gai ban dam, cave, buom dem, gai dung duong, thoa thuan mua ban dam, mua ban dam, bao, bao cong an, bao an ninh, vn
Thỏa thuận xong là cho số điện thoại, hẹn tới địa chỉ khách sạn (ảnh minh họa).
Ở khu khỉ ho cò gáy cuối đường Nguyễn Oanh giáp Quốc lộ 1, tôi cũng đếm có 3 cô khá xinh đứng ngửi mùi hôi từ dưới dòng kênh bốc lên. N táp chiếc xe vào lề, những cánh tay vẫy liên hồi, những bước chân lọc cọc tiếng giày cao gót. “Lướt nhanh thì ba trăm ngàn, qua đêm 1 triệu, nếu các anh thích tới bến, em bao luôn một chầu hải sản ở Dương Quảng Hàm, hay hát karaoke ở Nguyễn Huy Điển…”. N nói nhỏ với tôi: “Đám cầu vẫy này chắc ít khách nên chơi dữ, không khéo vớ phải mấy cave bị AIDS”. Thế rồi ngã giá, lấy số điện thoại của cô gái, hẹn 22h giờ tại một khách sạn trên đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp, N chở tôi chạy thẳng về quận 1.
Theo N, những cô gái một thời làm gái ôm trong các quán nhậu, phòng hát bị những lứa trẻ hơn từ các tỉnh về TP.HCM giành mất chỗ kiếm sống, nhan sắc phai tàn đành phải ra đứng cầu “vẫy” khách. Giá “bướm đêm” ở đây 200.000-300.000 đồng, rất nhiều trong số họ nghiện ma túy, cần tiền để hít, chích nên có khi, giá nào “bướm” cũng đi. Bên cạnh đó cũng phải cảnh giác, vì ở những cầu “vẫy” này, rất nhiều ma cô, lưu manh từ các tỉnh về, chúng bảo kê, chăn dắt, nếu mặc cả không thuận, cãi nhau hoặc định ăn quỵt tiền, bọn này ra mặt vòi tiền, đánh ngay. Nhiều tay chơi từ các tỉnh miền Tây lên lơ ngơ, khi theo gái mại dâm vào khách sạn, còn bị bọn chăn dắt dựng cảnh đánh ghen, cướp hết tiền bạc…
(Còn nữa)
Theo Hoàng Hùng (An Ninh Thủ Đô)

Bị CA đánh gãy tay vì không đội mũ BH?

Bị CA đánh gãy tay vì không đội mũ BH?
Anh Thành lúc được cấp cứu trong bệnh viện với nhiều vết bầm trên cằm, cổ.

Bị CA đánh gãy tay vì không đội mũ BH?

Thứ Hai, 19/11/2012, 11:18 AM (GMT+7)
Anh Phạm Văn Thành (27 tuổi, quê Nghệ An, công nhân trong Khu công nghiệp Sóng Thần) có đơn tố giác bị Công an phường An Bình (Dĩ An, Bình Dương) và dân phòng đánh đến gãy tay, chấn thương phần mềm mặt, cổ và ngực. Hiện anh Thành không thể tự ngồi, tức ngực…
 
Theo anh Thành, tối 15/10, anh chạy xe từ khu trung tâm hành chính thị xã Dĩ An về phòng trọ nhưng quên đội mũ bảo hiểm. Chạy xe đến khu phố Bình Đường 1, anh bị công an và dân phòng dừng xe, yêu cầu xuất trình giấy tờ, và về Công an phường An Bình lập biên bản. 

Anh cãi: “Tôi vi phạm giao thông thì các anh lập biên bản, sao lại phải mời tôi về phường?”. “Ngay lúc đó, một người đã dùng gậy đánh, mấy người khác xông vào đánh, đá tôi túi bụi. Sau đó họ đè tôi xuống đường rồi dùng thắt lưng trói, đưa tôi lên xe máy chở về công an phường. Trong lúc đánh, một người còn nói: “Tao là Lê Anh Tuấn, Công an phường An Bình, đánh mày đấy, mày muốn gì (?)”. Tại công an phường, họ tiếp tục đánh. Tôi phải quỳ xin họ mới thôi. Sau đó, họ lập biên bản vi phạm hành chính là cản trở, không chấp hành khi vi phạm. Đến gần 12 giờ đêm, họ cho tôi về sau khi giữ điện thoại, giấy xe.
Khi tôi về đến phòng trọ, bạn cùng phòng đã chở tôi đến bệnh viện cấp cứu”- anh Thành nói.

Tại bệnh viện, anh Thành được chẩn đoán: Gãy kín xương bàn tay, chấn thương phần mềm, cổ, ngực.
Sáng hôm sau, người nhà anh Thành đến Công an phường An Bình hỏi sự việc và công an phường xin lỗi gia đình, hứa lo một phần thuốc men cho anh Thành.

Chiều 16/11, đại diện công an phường cùng ông Lê Anh Tuấn đã đến phòng trọ của anh Thành để xin lỗi và hỗ trợ 2 triệu đồng tiền thuốc men.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Vũ Hoàng Long, Trưởng Công an phường An Bình, nói: “Sự việc đánh người là có và chúng tôi đã nhận được phản ánh của người dân. Tuy nhiên, chúng tôi đang trong quá trình xác minh, xem sự việc diễn ra như thế nào nên chưa thể trả lời được…”.
Theo Xuân Lương (Pháp Luật Tp.HCM)

Đà Nẵng: 17 tỷ làm 1 km đường hoa xuân!

Sau TP. HCM và hà Nội, TP. Đà Nẵng sẽ đầu tư hơn 17 tỷ đồng để xây dựng đường hoa xuân vào dịp tết Quí tỵ 2013 trên tuyến đường Bạch Đằng, chạy dọc bờ Hàn Giang hơn 1 km…

Với chủ đề “Trăm hoa khoe sắc”. Đường hoa xuân sẽ được triển khai với 6 phân đoạn. Mỗi đoạn được thiết kế với những chủ đề như: Xuân ký ức, Xuân sung túc, Xuân non nước, Trăm hoa khoe sắc, Mùa tình yêu và Mùa tụ hội.
Theo ông Lê Tấn Trung Ba - Giám đốc Dự án Công ty TNHH VietArt OOH cho biết: Tổng kinh phí đầu tư tổ chức Đường hoa Xuân Bạch Đằng hơn 17 tỷ đồng.
Đây là đường hoa xuân lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng cùng với các lễ hội pháo hoa, dù bay cùng các lễ hội khác tổ chức tại Đà Nẵng trong những năm qua sẽ nâng tầm của thành phố nhằm quảng bá hình ảnh của thành phố Đà Nẵng với bạn bè trong và ngoài nước.
 
 
 
 
Đường hoa Xuân tại đô thành Đà Nẵng và kéo dài trong vòng 08 ngày, từ 19h00 ngày 07/02/2013 (27 tháng Chạp Âm lịch) đến 22h00 ngày 14/02/2013 (mồng 5 tháng Giêng Âm lịch) với nghệ thuật sắp đặt, trang trí, kết nối để tạo một đường hoa xuân mang sức sống mới cho đô thành Đà Nẵng.
Đường hoa xuân này kéo dài từ ngã 3 đường Bạch Đằng - Phan Đình Phùng đến ngã 3 đường Bạch Đằng – Lê Văn Duyệt, với chiều dài 1km, chiều rộng khoảng 11,7m trên tổng diện tích là 11.508m2 sẽ là hoa khoe sắc.
Để chuẩn bị cho con đường hoa xuân này, TP. Đà Nẵng đã chuẩn bị hơn 100.000 giỏ hoa, cây xanh các loại, với hơn 100 loại hoa được trưng bày cho người dân và du khách thưởng ngoạn trong dịp xuân năm nay.
Lấy cảm hứng từ linh vật của năm Quý Tỵ làm biểu tượng chính của Đường hoa Xuân 2013 với đại cảnh Rắn vui Xuân thuộc đoạn tiêu đề Trăm hoa khoe sắc là mô hình rắn hổ mang.
Ngoài tổ chức đường hoa xuân, đơn vị tổ chức phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động xã hội như nấu bánh chưng, bánh tét tặng người nghèo; Trao quà Tết tặng các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố với mong muốn tất cả người dân đều có một cái Tết cổ truyền thực sự ý nghĩa, đầm ấm và sung túc.
Vũ Trung
vietnamnet

Thủy điện Sông Tranh 2: 5.100 tỉ đồng và 40.000 sinh mạng

Trước khi có thủy điện Sông Tranh 2, khu vực này chỉ xảy ra 8 trận động đất. Đến khi có thủy điện này, trong vòng 1 năm, từ ngày 3-11-2011 đến 15-11-2012, khu vực này xảy ra hơn 70 trận động đất

Thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu được dư luận cả nước chú ý vào những ngày cuối tháng 3-2012, khi nơi đây xảy ra sự cố nước tràn qua thân đập, rò rỉ với lưu lượng lớn, sau đó là tình trạng động đất liên tiếp xảy ra ở huyện Bắc Trà My và dư chấn lan ra nhiều vùng lân cận.
Ở vị trí nguy hiểm
Trong khi các chuyên gia bắt đầu lên tiếng về những lỗi thiết kế, thi công thì tại cuộc họp ở Quảng Nam, ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý dự án thủy điện 3, tuyên bố: “Hiện tượng rò rỉ nước của đập chính thủy điện Sông Tranh 2 là do có vấn đề về lỗi kỹ thuật “tắc đường ống thoát nước của các khe nhiệt” trong quá trình thi công”.
 
Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - Quảng  Nam: “Việc đập chính thủy điện Sông Tranh 2 an toàn hay không chỉ có Ban Quản lý dự án thủy điện 3 biết rõ nhất nên phải công khai rõ ràng chứ không được giấu giếm nữa”. Nhiều chuyên gia cho rằng sai lầm đáng tiếc nhất của dự án thủy điện Sông Tranh 2 là đã đặt đập vào vị trí rất nguy hiểm, nơi giao điểm của nhiều đứt gãy và các họng núi lửa đang tái hoạt động.
Người dân huyện Bắc Trà My - Quảng Nam chạy ra khỏi nhà để tránh động đất. Ảnh: HOÀNG DŨNG
 
Ngày 27-3, kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, khẳng định Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông cáo báo chí cho rằng đập chính thủy điện Sông Tranh 2 không có vết nứt, vẫn an toàn là vội vàng, thiếu khách quan và không thuyết phục.
 
Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ - ngành có thẩm quyền sớm kiểm tra, đề xuất giải pháp xử lý triệt để việc thấm nước qua đập chính thủy điện này, đồng thời kiểm tra tổng thể để đánh giá độ an toàn vận hành đập; lắp đặt hệ thống quan sát động đất và nghiên cứu chi tiết về các tai biến địa chất khác liên quan để đưa ra những kiến nghị thích hợp cho việc vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2.
Thần kinh thép cũng “chảy nước”
Trong khi việc khắc phục sự cố rò rỉ đang tiến hành thì tình trạng động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 lại gia tăng. Theo Viện Vật lý địa cầu, trước khi có thủy điện Sông Tranh 2, khu vực này chỉ xảy ra 8 trận động đất. Thế nhưng, sau khi có thủy điện, từ ngày 3-11-2011 đến 22-10-2012, khu vực này xảy ra 66 trận động đất (trong đó có 2 trận mạnh 4 độ Richter và 4,7 độ Richter;  riêng trận động đất ngày 22-10 có cường độ 4,6 độ Richter). Trong tuần đầu tiên của tháng 11-2012, có 10 trận động đất mức độ nhẹ; đến ngày 15-11, xảy ra động đất 4,7 độ Richter, dư chấn lan ra đến Đà Nẵng và Quảng Ngãi.
Tròn 1 năm, hơn 70 trận động đất xảy ra, làm sao người dân có thể yên tâm? Sợ động đất dẫn đến thủy điện vỡ, nhiều hộ dân xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My nằm phía dưới đập thủy điện Sông Tranh 2 đã dời nhà cửa vào rừng để ở. Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam tại huyện Bắc Trà My vào ngày 30-9, vấn đề được bàn luận căng thẳng nhất chính là thảm họa ẩn chứa từ công trình thủy điện Sông Tranh 2.
 
Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, đề nghị: “Không ai học được chữ “ngờ” do thiên tai hết. Không cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước và hủy bỏ thủy điện này”.
Nhìn lại diễn biến ở Sông Tranh 2, tại nghị trường QH, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng: “Ở trong vùng luôn có động đất như vậy thì thần kinh thép cũng “chảy nước”, không tâm thần thì cũng điên loạn!”.  
Sinh mạng con người là vô giá
Khi người dân đã giảm lòng tin, không thể không nói đến trách nhiệm vì sao có cớ sự này và cách giải quyết để an dân. Bởi sinh mạng con người là vô giá, những thiệt hại hao tâm tổn trí, sinh hoạt đảo lộn của người dân khó tính ra bằng tiền. 5.100 tỉ đồng không thể so được với 40.000 sinh mạng người dân hạ lưu và các xã xung quanh.
Dư luận cả nước hoan nghênh quan điểm của lãnh đạo chính quyền, ĐBQH tỉnh Quảng Nam cùng nhiều ĐBQH khác khi luôn đặt quyền lợi người dân lên trên hết. Ngay từ những ngày đầu xảy ra sự cố, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã khẳng định: “Chừng nào chưa có kết luận về sự an toàn của đập là còn nợ dân câu trả lời”.
ĐB Trần Xuân Vinh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh: “Nhân dân tin tưởng Đảng, QH và Nhà nước sẽ không vì số vốn đã đầu tư cho thủy điện Sông Tranh 2 mà quên đi quyền được sống của con người”. ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đưa tình huống động đất kích thích không chấm dứt và phương án xử lý chỉ có thể là phá bỏ đập hoặc di dời toàn bộ người dân trong vùng chịu ảnh hưởng.
 
Tuy nhiên, việc di dời toàn bộ người dân là điều rất khó thực hiện vì cần diện tích tái định cư lớn, kinh phí khổng lồ... “Đã xác định an toàn là số 1 thì cũng cần đến phương án phá bỏ đập thủy điện Sông Tranh 2, mặc dù sẽ mất trắng 5.100 tỉ đồng” - ông Lĩnh nói.
Kỳ tới: Ai chịu trách nhiệm?
Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỉ đồng, xây dựng từ tháng 3-2006, 2 tổ máy với tổng công suất 190 MW, dung tích hồ chứa nước khoảng 730 triệu m3, thiết kế cao hơn vùng hạ lưu 100 m.
Bộ trưởng cũng không yên tâm
Trả lời ĐB Ngô Văn Minh tại phiên chất vấn ngày 13-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết căn cứ trên các thông số kỹ thuật thì hoàn toàn yên tâm nhưng nếu có yếu tố đặc biệt, động đất cao hơn 5,5 độ Richter thì nghiên cứu tiếp. ĐB Ngô Văn Minh cho rằng câu trả lời của bộ trưởng là “không thấy yên tâm” Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kết luận: “Những câu trả lời của bộ trưởng không làm ĐB Ngô Văn Minh yên tâm và tôi cũng chưa yên tâm”.
Ngay sau khi trả lời chất vấn trực tiếp trước QH, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận: “Nếu mình ngồi dưới đó thì mình cũng không yên tâm”.
NHÓM PHÓNG VIÊN

Long An: Tuyển nhầm 8 “con nghiện” vào công an

(NLĐO) - Trong số các “con nghiện” vừa bị Công an tỉnh Long an loại ngũ trước khi được đưa về một số đơn vị, địa phương công tác này, có con út của 1 lãnh đạo công an tỉnh, con của lãnh đạo công an 1 huyện, 2 con của đội trưởng nghiệp vụ công an tỉnh, cùng con của lãnh đạo một số ngành khác…

Ngày 18-11, nguồn tin từ Công an Long An xác nhận, giám đốc công an tỉnh này đã ký quyết định loại ngũ 8 chiến sĩ nghĩa vụ công an chuẩn bị ra trường, do phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy khi đang tập trung học ở trung tâm.
 
Theo quy trình tuyển chọn vào lực lượng nghĩa vụ công an, tất cả các khâu kiểm tra, khám sức khỏe, xét nghiệm nước tiểu đều do bệnh xá Công an tỉnh Long An trực tiếp thực hiện. Thế nhưng, không biết bằng cách nào, 8 trường hợp này đã "lọt sổ" để nhận quyết định vào học tập  trung 3 tháng (từ tháng 9-2012), chuẩn bị được đưa về công an một số đơn vị, địa phương công tác.
 
Điều khá bất ngờ là trong số các “con nghiện” này có con út của 1 lãnh đạo công an tỉnh, con của lãnh đạo công an 1 huyện, 2 con của đội trưởng nghiệp vụ công an tỉnh, cùng con của lãnh đạo một số ngành khác…
 
Nguồn tin cũng cho biết để không bị phát giác, một số chiến sĩ này đã lấy mẫu nước tiểu của thanh niên khác thay thế nên bệnh xá không biết.
 
 
H.Minh

Văn Giang chào đón khách quý


Người Buôn Gió - Sáng nay bà con ba xã huyện Văn Giang là Cửu Cao, Xuân Quan, Phụng Công đã tổ chức tiếp đón những vị khách quan tâm đến nguyện vọng của dân ba xã tại đại phương.

Nhân dân Văn Giang đưa hai xe 30 chỗ đón các vị khách tại 91 Chùa Láng, nơi có trụ sở của văn phòng luật sư Trần Vũ Hải, người đại diện cho quyền lợi của bà con.

Xe xuất phát từ 8 giờ 30 sáng, đến 9 giờ 30 đến nhà văn hoá thôn 1 xã Xuân Quan, tại đây bà con Văn Giang kể lại cho khách vụ cưỡng chế kinh hoàng đầy khói lửa và hàng trăm cảnh sát trang bị lá chắn, dùi cui, lựu đạn cay tại nhà văn hoá thôn 1 Xuân Quan. Trong khi đó bao vây khắp nơi là hàng ngàn cảnh sát nữa vào mờ sáng ngày 24/4/2012


Các đại biểu cũng được dẫn đến vị trí mà hai nhà báo cùng với chị Ánh bị những người cưỡng chế đánh đập dã man ở bờ tường nghĩa trang liệt sĩ.


Hàng chục thùng đạn nổ hơi cay, khói được dùng trong vụ cưỡng chế ngày 24/4/2012 do cảnh sát cơ động mang đến.


Hai nhà báo của VOV hôm nay không trở lại Văn Giang, hình như từ độ ấy họ cũng chưa bao giờ trở lại nơi đây. Chị Ánh xót xa kể lại cho khách cái ngày ác mộng.


Cho đến nay, tên áo trắng ở ảnh dưới vừa đánh nhà báo xong, quay ra tươi cười gọi điện thoại vẫn chưa được cơ quan chức năng nhắc tới tên ( ảnh ngày 24/4/2012 )


Tạm gác lại chuyện ngày 24/4/2012 bà con đưa đoàn khách đi thăm số đất mênh mông của dân đã bị cưỡng chế.



Nhà văn hoá thôn 1 xã Xuân Quang ngày 24/4/2012 dùi cui, còng số 8, loa công suất lớn, khói mờ đạn hơi cay.

Và ngày hôm nay quang đãng, khang trang chào đón khách phương xa về ghé thăm, nước trà xanh, miếng trầu, điếu thuốc.



Cảnh thanh bình này chỉ là tạm thời, phát biểu trước bà con Văn Giang. Cụ Lê Hiền Đức nói.

- Chúng ta mới chỉ đối thoại được với một ông cán bộ đã về hưu thôi, chứ chưa có cái gì gọi là chính thức từ phía chính quyền cả.


Đến uỷ ban xã Phụng Công, bà con ba xã đã tụ hết về đây đón khách, số lượng đến cả ngàn người. Họ đứng hai bên đường vẫy cờ, vỗ tay đón khách.




Cuộc gặp mặt giữa khách xa và bà con Văn Giang thật rộn ràng, nhiều cảm xúc. Dưới đây là một số hình ảnh của bà con Văn Giang.










Một người dân đưa ra bằng chứng là 150 suất đất ở dự án trên đất của họ được dùng làm quà tặng ngoại giao. 


Nếu thế thì câu chuyện Văn Giang sẽ vẫn còn dài lắm, khi mà 150 người nào đó có quyền lực đã có phần '' ngoại giao '' ở đây, trên mảnh đất truyền thống của bà con Văn Giang.

Người Buôn Gió

Bệnh viện Mắt trung ương có tình người?


Nguyễn Cầu (Bạn đọc Danlambao) - Đây là câu chuyên có thật được tôi ghi lại từ anh Trần Văn Anh và chị Trần Thị Nghi, trú tại làng Chẵng, xã Hùng đức, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. 

Khi chị Nghi và em trai tìm được đến Bệnh viện Mắt trung ương ở 85 phố Bà Triệu, Hà Nội trời đã tối mịt. Sau khi khám và xem xét giấy chuyển viện và giấy tờ tùy thân vị bác sỹ trực kết luận chị bị áp xe mủ toàn nhãn, rồi chị được hướng dẫn về nằm chờ ở phòng cấp cứu lưu để nhập viện sáng hôm sau.

Co quắp trên chiếc giường bệnh viện cáu bẩn, chợt nhớ từ sáng đến giờ chưa có gì vào bụng anh Anh (em chị Nghi) lấy trong túi xách chiếc bánh mỳ khô queo mà anh đã mua ở bến xe Mỹ Đình bẻ làm đôi đưa cho chị một nửa rồi hai chị em nhâm nhi tí một cho qua cơ đói lòng. Vừa nhai mẩu ánh khô cứng anh Anh vừa kiểm lại số tiền mang theo trong người, tất cả chỉ có hơn 1 triệu đồng không biết phải xoay xở thế nào trong thời kỳ bảo giá, nhất là vừa có thông tin tăng giá hàng loạt các dịch vụ y tế, có những thứ tăng đến cả chục lần. Nhưng dù sao anh cũng đã có bảo bối là chiếc thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo mà chị Nghi đã được chính quyền địa phương cấp cho hồi đầu năm. Lòng bộn bề lo lắng nhưng trải qua một ngày dài vất vả anh cũng chập chờn thiếp đi trong tiếng xe cộ rầm rập và những tiếng còi chát chúa của những tay quái xế đất Hà thành. 

Chị Nghi năm nay 48 tuổi là hiện thân của một mảnh đời éo le, số phận nghiệt ngã luôn giáng xuống đầu chị. Hồi nhỏ chị bị sởi chạy hậu nên đã bị hỏng con mắt bên trái. Năm 40 tuổi chị lại bị gờ-lô-côm ác tính mắt phải, phải mổ đi mổ lại 4-5 lần nên mắt chỉ thấy lờ mờ, chỉ đủ cho chị lần hồi rau cháo qua ngày. Lần này tai họa lại tiếp tục đổ xuống đầu chị, cách đây 3 ngày con mắt mờ của chị bỗng lại trở bệnh, chị thấy mắt phải sưng tấy đỏ, mọi thứ trở nên tối sầm. Chị Nghi đã cố chịu đựng nhưng con mắt càng ngày càng đau nhức dữ dội. Đến hôm nay không thể chịu đựng được nữa nên chị mới gọi cậu Anh đưa chị lên bệnh viện tỉnh, hầu như ngay lập tức bác sỹ viết giấy chuyển viện cho chị lên bệnh viện Mắt trung ương. 

Một tốp xe máy ào ào lướt qua, tiếng động cơ làm anh Anh choàng tỉnh giấc. Nhìn bên cạnh thấy chị Nghi vẫn nằm thiêm thiếp, toàn thân chị nóng hầm hập như hòn than, vùng mắt chị sưng tấy, nước dịch vàng thấm đẫm cả miếng băng che mắt, miệng chị khô rộp. Định gọi bác sĩ trực, nhìn đồng hồ mới 4 giờ sáng nên anh chững lại. Thôi thì cố chịu đựng thêm một chút nữa chứ mình đâu dám làm phiền người khác vào giờ này. 

7 giờ, chị Nghi được một y tá hướng dẫn xuống phòng nhập viện. Sau khi kiểm tra toàn bộ giấy tờ nhân viên đón tiếp cho biết: 

- Giấy tờ của chị Nghi không hợp lệ nên không được hưởng bảo hiểm y tế.

- Chị có thể giải thích rõ hơn được không – anh Anh run run hỏi.

- Ngày tháng năm sinh không khớp giữa thẻ bảo hiểm và chứng minh nhân dân.

- Thế tôi phải làm thế nào thưa chị? 

- Anh sang quầy thu tiền để nộp tiền kí quỹ.

- Phải nộp bao nhiêu hả chị? 

- Tạm thu 10 triệu, ra viện sẽ quyết toán sau. 

Đất dưới chân anh Anh như tan chảy. MƯỜI TRIỆU một số tiền quá lớn so với khả năng của hai chị em anh. Lấy hết can đảm anh Anh năn nỉ người nhân viên: 

- Chị có thể giải quyết cho chị tôi nhập viện theo chế độ BHYT rồi tôi sẽ xin sửa đổi giấy tờ sau được không? 

- Không được, xin lại giấy tờ mới phải mất cả tháng trời – cô nhân viên đáp.

- Nhưng đây là trường hợp cấp cứu xin chị linh động giải quyết – anh Anh khẩn khoản.

- Đã vào đây ai chẳng cấp cứu – nhân viên đón tiếp thủng thẳng – không nộp tiền đến khi khỏi bệnh các bác trốn viện thì chết chúng tôi à. 

- Chúng tôi đâu dám – anh Anh đáp – chúng tôi có chứng minh thư, địa chỉ hẳn hoi mà. 

- Không được, giám đốc đã có lệnh trong mọi trường hợp nếu để thất thoát viện phí thì chúng tôi chỉ có cách mang tiền túi ra mà đền cho bệnh viện 

- Chị nhìn mắt chị tôi này – anh Anh bức xúc – chị ấy chỉ có 1 mắt duy nhất mà nay mắt đó đang sưng tấy mưng mủ không chữa nhanh thì làm sao qua khỏi? 

- Thôi anh đừng lằng nhằng nữa, còn bao nhiêu người đang chờ sau anh kia kìa. 

- Xin các chị rủ lòng thương, làm phúc cho người nghèo chúng tôi. 

- Ơ cái anh này nói dễ nghe nhỉ, tôi thương anh thì ai thương tôi. Giám đốc đã có lệnh nếu để thất thoát viện phí VÌ BẤT KỲ LÝ DO GÌ không những chúng tôi phải đền tiền mà còn bị cắt mọi khoản tiền thưởng trong 1 năm tiếp theo. 

Ông giám đốc chắc chắn phải là người đức cao vọng trọng sao ông ấy lại có thể ban một sắc lệnh lạnh lùng vô cảm như vậy – anh Anh nghĩ – ông ấy không nghĩ đến những người nghèo khổ sa cơ lỡ bước hay sao. Nghe nói nhiều nơi người ta còn khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo cơ mà. Dù gì đi nữa đây cũng là bệnh viện công lập, bệnh viện của Nhà nước, của nhân dân chứ có phải của một mình ông ấy đâu. Mình phải lên gặp ông ấy để trình bày mới được. 

Đặt chị Nghi ngồi đợi ở góc phòng, hỏi thăm một lúc anh Anh cũng đến được phòng giám đốc nhưng cửa phòng khóa anh Anh đánh liều gõ cửa phòng bên cạnh vì thấy có đèn sáng. Ông cán bộ phòng đó cho biết Giám đốc đang bận họp trên Bộ chiều tối mới về. 

Thất vọng tràn trề anh Anh quay lại phòng đón tiếp nơi chị Nghi đang ngồi đợi. Lúc này chị đã mê man vì sốt cao và đau đớn. Lay gọi mãi mới thấy chị mấp máy cặp môi khô nứt thều thào điều gì đó rồi chị lại thiếp đi. Anh Anh muốn thét lên "Trời ơi, sao các người nhẫn tâm đến thế, bệnh tình chị tôi nguy kịch đến như vậy mà các người không cho chị tôi vào điều trị chỉ vì chúng tôi không có tiền sao? Các người có còn lương tâm, tình người không vậy?" nhưng lời nói không thể thoát được ra khỏi cổ họng chát đắng mà chỉ là những tiếng nấc nghẹn ngào. Anh phải làm điều gì đó để cứu chị gái nhưng giữa chốn xa lạ, không người thân thích, không có một tài sản gì trong người thì làm sao anh có thể giết ai để kiếm ra 10 triệu bây giờ. Chỉ còn một cách duy nhất là phải về quê thì may ra mới có thể xoay xở được. Lòng rối tơ vò, trải mảnh ni lông xuống sàn cho chị Nghi ngả xuống vì lúc này chị không còn ngồi được nữa, anh Anh vội ra cổng thuê xe ôm đến bến Mỹ đình rồi bắt xe khách về nhà. 

Nghe chuyện của anh, họ hàng làng xóm ai cũng xót xa nhưng cũng chẳng ai giúp được gì. Quê anh nghèo xơ xác, nhà nào cũng lo chạy ăn từng bữa, trai gái tứ tán ra thành phố làm thuê, đường láng vắng vẻ tiêu điều. Nhờ anh trưởng thôn giới thiệu chỉ anh đến gặp bà D chuyên cho vay lãi trên chợ huyện. Nghe anh Anh trình bày hoàn cảnh bà D đồng ý cho anh vay 10 triệu với lãi xuất 3 ngàn không cần thế chấp, chỉ cần ký tên và điềm chỉ vào giấy vay. Anh Anh nhẩm tính với lãi xuất như vậy mỗi ngày anh phải trả 30 ngàn, 10 ngày là 300 ngàn như vậy anh vẫn có thể chịu được. Con mẹ cho vay nặng lãi này dù sao cũng còn chút lương tâm vì bình thường lãi xuất phải là 4 – 5 ngàn đồng 1 ngày cho 1 triệu đồng tiền vay. 

Cầm tiền trong tay anh Anh mới chợt nghĩ ra từ sáng tới giờ vẫn chưa có gì vào bụng, cả chị Nghi cũng vậy, không biết tình trạng của chị lúc này ra sao. Kìm nén cơn đau quặn trong lòng anh vội vã ra bến xe để về Hà Nội. 

Đến viện mắt trung ương đã 4 giờ chiều, anh chạy thẳng lên phòng đón tiếp. Lúc này bệnh viện đã vắng hoe, trong góc phòng vẫn thấy chị Nghi quấn ni lông nằm bất động. Hình như cả ngàn người đi qua đây không ai biết đến sự tồn tại của một người bệnh nặng đang nằm mê man dưới sàn nhà. Anh vội chạy lại sờ vào người vẫn thấy nóng rực, anh thở phào, dù sao chị vẫn còn sống. Nếu chị có mệnh hệ nào thì anh cũng không biết phải nói sao với mọi người. 

Nộp đủ 10 triệu ở quầy thu ngân anh Anh làm xong thủ tục nhập viện rồi dìu chị Nghi lên khoa điều trị. Sau khi khám cho chị Nghi, vị Giáo sư chủ nhiệm khoa nhanh chóng kết luận chị đã bị Viêm toàn nhãn và có nguy cơ nhiễm trùng máu, cần tiêm kháng sinh vào mắt ngay lập tức và truyền kháng sinh đường tĩnh mạch liên tục trong những ngày hôm sau. Tuy nhiên "do bệnh tình quá nặng nên dù đã được các Giáo sư, Bác sỹ đầu ngành hết lòng tận tâm cứu chữa nhưng con mắt của chị Nghi đã không qua khỏi". Sau 1 tuần điều trị Giáo sư trưởng khoa cho biết mắt của chị đã hoại tử toàn bộ nếu không múc bỏ sẽ gây nhiễm trùng máu có thể dẫn đến tử vong. Sau khi hội chẩn toàn bệnh viện chị đã được phẫu thuật múc bỏ nhãn cầu. Năm ngày sau chị Nghi ra viện, hai mắt của chị một đã teo từ nhỏ, một đã múc nhãn cầu, phía trước cuộc đời chị là bóng đêm dày đặc vĩnh viễn ngự trị. 

Sau khi nghe kể câu chuyện này từ anh Anh, tôi cứ day dứt mãi với câu hỏi tại sao tại một cơ sở y tế công lập đầu ngành tuyến trung ương mà người ta lại có thể xử sự vô nhân tính đến như vậy. Nếu chị Nghi có đủ tiền để được nhập viện và điều trị từ sớm thì liệu con mắt áp xe mủ kia có thể cứu được và liệu may ra chị có thể được hưởng chút ánh sáng le lói? Câu hỏi này xin gửi tới ông giám đốc bệnh viện mắt trung ương. 

Tuyên quang, tháng 10 năm 2012 




* Đây là câu chuyên có thật được tôi ghi lại từ anh Trần Văn Anh và chị Trần Thị Nghi, trú tại làng Chẵng, xã Hùng đức, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Nhập viện ngày 06 tháng 09 năm 2012. Số điện thoại: 016 53 16 03 97