“Chẳng biết người làng Tú ăn thịt chuột từ bao giờ, chỉ biết nghe ông bà kể lại là tục này có từ lâu lắm rồi, mà chỉ là món luộc…”, một 'thợ săn' chuột kể.
Trời buông gió heo may, không gian ngợp trong những màn sương mây mờ ảo, thi thoảng có vài vạt nắng vàng hanh hao se sắt báo hiệu mùa đông đã bắt đầu. Thời điểm này ở nông thôn, vụ lúa mùa cũng vừa độ thu hoạch, những con chuột đồng sau bữa ăn thóc vãi no nê lại cuốn rơm kéo vò nhàu làm đệm hú hí với nhau trong hang, con nào con nấy béo lăn béo lóc… Cũng là khi người làng Tú Đôi (Kiến Quốc, Kiến Thụy, Hải Phòng) vác thuổng ra đồng mở mùa săn chuột thịt.
Nổi tiếng nhờ… chuột luộc
Làng Tú Đôi vốn dĩ nổi tiếng bởi nhiều thứ, nào nghề đánh bắt thủy sản nước lợ với những quái sản như tôm rảo, rươi, cá lác, cáy hôi… đến đặc sản một thời hút khách như rắn, ba ba, nhệch…
Nhưng trong số ấy chẳng món nào sánh được với thịt chuột. Anh Đào Quang Linh - một “chuột thủ” kể rằng: “Chẳng biết người làng Tú ăn thịt chuột từ bao giờ, chỉ biết nghe ông bà kể lại là tục này có từ lâu lắm rồi, mà chỉ là món luộc…”.
Anh Linh cũng hay đi đây đi đó, nghe người ta thêu dệt đủ chuyện về thịt chuột làng mình mà có lúc tức cười. Rằng người làng Tú mê chuột đến nỗi, đám cưới mà không lo được món này thì xem như không sang, rằng người ta bắt được chuột dù già cỗi lụ khụ hay mình trần đỏ hỏn, đều nhúng nước sôi thả vào mồm nhai rau ráu… Rồi thì “nem chuột”, “gỏi chuột” và cả “giò chuột” cho ngày tết nữa. Có lẽ thế nên từ lâu câu ca “Làng Tú anh hùng nuôi chuột đỏ, khoai lang bóc bỏ nhắm với chuột con” đã được truyền tụng.
Kể lại những chuyện này, anh Linh cười khoái chí: “Cứ đồn thế lại hay, nhờ vậy mà người làng Tú nổi tiếng”. Tiếng mê thịt chuột thế nhưng thực ra dân làng Tú khảnh ăn lắm. Mỗi năm chỉ có hai tháng vụ lúa mùa món này mới được lên mâm, và duy nhất chỉ có loại chuột đồng. Vì mùa này chuột thay lông ăn nhiều thóc tích mỡ chống rét nên con nào cũng béo, hơn nữa vì động ruộng nên chúng kiếm ăn xong là chỉ ở hang, mượt mà sạch sẽ.
Chuột bắt về, nhúng vào nước nóng vừa độ, lột sạch lông, mổ bụng moi nội tạng, cắt “quả hoi” hai bên “háng”, luộc chín vào cuối giờ chiều, ướp lá dé hong trên manh tre để qua đêm.
Hôm sau thịt chuột đanh lại, chặt từng miếng vuông vức bày ra đĩa, thái lá chanh tươi rắc lên trên, muối trắng dầm ớt đỏ, rượu nếp cất từng chai… Ấy mới là truyền thống.
Nhưng người làng Tú không phải ai cũng giỏi săn chuột, cả làng cũng chỉ có vài chục nhà kiếm sống được nhờ nghề này. Khi vụ chuột đến, nhất là những năm thịt chuột đắt đỏ thì mỗi buổi ra đồng kiếm được vài kg đã được tiền triệu. Bởi thế nên người giỏi nghề như anh Linh, dù quanh năm bận bịu đi làm thợ hồ, mùa chuột vẫn buông “bay” về với bộ dụng cụ riêng của mình.
Sau một ngày đi săn
Đã mấy vụ rồi năm nay tôi mới lại bố trí được thời gian về với làng Tú. Có lẽ đợi lâu sốt ruột nên khi vừa về đến nơi đã thấy Linh ngấp nghển đợi ở đầu ngõ. “Phải đi sớm, khi bà con gặt lúa, nó còn hoảng loạn là lúc dễ bắt nhất” - Linh nói. Hai chúng tôi cỡi xe máy, chạy thẳng ra tận chân đê, Linh giải thích: “đồng gần làng cũng nhiều chuột, nhưng sợ lẫn chuột nhà ăn không sạch, phải đi xa thế này mới thực sự có chuột ngon”.
Đang rảo bước trên một bờ thửa, chợt Linh dừng lại, anh nhảy xuống mép ruộng chỉ vào cái hang miệng chỉ to chừng cái cốc, có nhiều vết chân chuột đi về cào chồng lên nhau. Cửa hang ngụy trang bằng một nhúm rơm được cắn vụn, kết rối vào nhau, khéo thế nhưng với con người thì thật đúng là “lạy ông tôi ở trong này”.
Linh phân tích: “Miệng hang nhỏ nhưng bên trong nhiều ngách rộng, hang càng nhiều rơm rác càng sẵn chuột…”. Chúng tôi bắt đầu đào, đào đến đâu Linh chỉ đến đấy: “Có 3 hướng, hướng về tổ đẻ thường chạy lên trên, hướng tổ chính chạy thẳng, hướng dài nhất chạy xiên để ra cửa thoát nạn”… “Mỗi hang chuột có mấy thế hệ, động cửa hang thì chỉ có con mẹ chạy lên tổ con, còn các con khác dẫn nhau chạy ngay sang ngách thoát nạn, cửa chính may chỉ còn con bố già nhất thôi”.
Linh đang thuyết giáo, chợt cậu ta cắm phập lưỡi thuổng chặn cửa hang chính, rồi nhảy bổ sang bên phải: “Tí nữa thì hỏng…”. Thì ra bên ấy là cửa thoát nạn, được chuột đào ẩn sau một tảng đất lớn. Linh áp tai xuống đất nghe rồi reo lên: “Vớ bẫm rồi!”, và anh lấy chiếc “lưới bát quái” đan bằng nilon có khung vuông mỗi cạnh dài khoảng hai gang tay, gắn với chiếc rọ mà Linh gọi là “sồng” bằng tre, chặn hướng cửa hang.
Linh giục tôi vơ bùi nhùi khô nhóm lửa ở cửa chính, khi ngọn lửa bùng lên lại lấy rơm tươi phủ vào, tạo thành một luồng khói quánh đặc. Vài phút sau, có tiếng “chít, chít” phía trong, một con, hai con, rồi liên tục một đàn chuột sặc khói bám nhau chạy tọt vào trong “bát quái”. Linh túm lấy khung đầu lưới vẩy mạnh, cả đàn chuột rơi tõm vào trong “sồng”.
Linh bảo: “Đã bắt phải bắt cho bằng hết, con nào nhỏ không ăn được đập chết, chứ để nó sống đẻ nhiều ăn hết lúa bà con…”. Lạ thế, đã đi săn chuột lại không muốn có nhiều chuột? Bản tính chất phác, trách nhiệm của người nhà nông đáng quý là thế. Linh lấy lưới chặn tiếp của chính, bổ mạnh mấy nhát thuổng, thêm hai con chuột nữa lao thẳng vào rọ.
Anh vui vẻ: “Hang này không có chuột đẻ, ông có để ý lông hai con vừa rồi không, đen và xù hơn, đấy là hai con bố mẹ…”. Tôi nhấc chiếc “sồng” ghé mắt nhìn, 7 chú chuột nằm chen nhau, con nào con ấy ánh mắt đảo điên sợ sệt. Lúc này, Linh đang bổ đất đắp lại chỗ bờ vừa bị đào, dùng chân nện chặt lấp vào hang chuột, lại một động tác đầy trách nhiệm, giải tỏa cho tôi nỗi nghi ngờ bấy lâu về việc “phá bờ bắt chuột” của người làng Tú.
Thịt chuột thời suy thoái
Đến trưa, qua gần chục lần hì hục đào, hun, hai chúng tôi đã bắt được lưng lửng “sồng” chuột, dùng tay ướm thử cũng phải được chừng 5kg. Đang “hăng máu”, tôi muốn đi săn tiếp nhưng Linh giục tôi về. Về đến nhà, Linh quăng “sồng” chuột vào góc bếp: “Bọn này để chiều làm thịt, mai mới bán được”, nói rồi anh lên nhà hạ chiếc mê tre treo trên gác xuống.
Trước mắt tôi gần hai chục con chuột đã luộc sẵn bày ra ngồn ngộn, vì đã gặp vài lần nên tôi không còn cảm giác rờn rợn trước những bộ răng nhe ra trắng ởn nữa. Loạt chuột này khá đều, mỗi con chỉ nặng khoảng lạng rưỡi, là loại được cho là ngon nhất.
Linh nhấc điện thoại gọi thêm mấy người bạn nữa, bữa tiệc toàn chuột, rượu vào lời ra rôm rả. Linh hí hửng: “Chuột nhà tôi bắt và luộc đều chọn lựa, ủ lá dé cẩn thận qua đêm nên bán tại nhà 110 nghìn đồng một cân, còn chuột tạp ngoài chợ năm nay chỉ được 80 nghìn đồng…”. Những người mua chuột của Linh phải đặt trước, hầu hết họ mua hộ anh em bạn bè ngoài phố.
Sau bữa tiệc đặc sản, tôi ngấm men nằm ở nhà Linh ngủ một mạch đến 3 giờ chiều. Tỉnh giấc thì đã thấy Linh lúi húi với “sồng” chuột ngoài ao, anh đang ngâm cho chuột yếu lả và ngấm mềm lông để chuẩn bị làm thịt.
Tôi chia tay anh và tranh thủ phóng ra chợ chiều làng Tú. Ngay lối cổng vào đã thấy bày nhan nhản chuột luộc, chỉ có điều đúng như Linh nói trước, chuột ở chợ luộc xong đem bán ngay nên gặp gió, bị biến màu thâm tái.
Một chủ mẹt chuột ngậm ngùi: “Năm nay dân ít tiền, chuột bán chậm mà rẻ lắm, mấy năm trước đắt ngang thịt bò, năm nay thịt bò hai trăm rưỡi mà chuột chưa nổi một trăm…”. Khổ thế, đến thịt chuột cũng bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Bà này cho biết thêm, giờ người làng Tú thế hệ trẻ mới lớn cũng ít ăn chuột, còn lại nhiều nhà chỉ coi là cải thiện nên họ thèm thì tự đi bắt về ăn, đa số người mua giờ là người các xã lân cận đến hoặc ngoài phố tìm về…
Nhưng Linh cho biết, dù giá rẻ thì nghề săn chuột cũng là cứu cánh cho nhiều gia đình trong làng. Chẳng hạn như gia đình ông Nguyễn Sỹ Thuấn và bà Đào Thị Tuyền, cứ chồng đi săn, vợ đem bán, từ đầu mùa cũng đã kiếm được hơn chục triệu đồng, bằng mấy cấy lúa. Liếc nhìn sơ sơ, cả chợ có gần 20 mẹt chuột, tính nhanh cũng gần một tạ, tương ứng hàng chục triệu đồng. Mới thấy, dù thiên hạ có nghèo thì “kinh tế chuột” cũng là nét riêng của người làng Tú.
Theo An Ninh Hải Phòng