Nguyệt "dê" đi đâu cũng mang theo luật tố tụng hình sự - Ảnh: Hoàng Linh |
Ở giáo xứ Lương Trung (xã Lương Sơn, H.Bắc Bình), Nguyệt không chỉ là cô gái xinh đẹp mà còn là người tích cực tham gia thánh ca đoàn đều đặn trong nhà thờ. Năm 4 tuổi, nỗi đau đầu đời của Nguyệt chính là sự ra đi mãi mãi của người cha. Kể từ đó, bốn chị em chỉ dựa vào nghề làm nông của mẹ. Học hết lớp 9, Nguyệt phụ giúp mẹ làm đồng áng. Năm 1993, khi mới ngoài 20 tuổi, Nguyệt được mẹ gửi vào Trường dòng Phan Thiết để học tiếp. Năm 2000, Nguyệt lại trở về với đời. “Khi đó em nghĩ, sống tốt đời đẹp đạo, sống ở đâu nếu cái tâm mình biết giúp người đều tốt cả”.
Nguyệt bảo: “Em muốn thành lập trại mồ côi. Nhưng để làm việc này phải có tiền, em quyết tâm gom vốn mua được 15 con dê. Do ở Lương Sơn thiếu nơi chăn thả, nên em gửi lên Sông Bình và sau đó mua được hơn mẫu đất với ý đồ làm trang trại nuôi dê. Nói vậy chứ cũng phải gần một năm sau mới xây được cái nhà cấp 4 nhỏ xíu, thuê người trông coi. Không ngờ ý tưởng nuôi dê làm kinh tế của em lại dẫn dắt em vào cái cuộc đời khốn khổ này kể từ đó”.
Có con trong vòng tố tụng
Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 10, nhiều người bất ngờ khi Nguyệt dắt theo một đứa bé. Khi các luật sư hỏi thì mới biết cô đã có con. “Em có con trong một trường hợp bất khả kháng, nhưng em xin giấu, không kể tình tiết này”. Nguyệt chỉ chia sẻ rằng, cô đã kết hôn với một Việt kiều, nhưng lúc này người chồng đã dửng dưng, không về Việt Nam nữa vì cô không thoát ra được khỏi “kỳ án trộm dê”.
“Năm ngoái, em đi làm mì (mua bán khoai mì khô - PV) khi bà chủ bán mì phát hiện em là người có án trong vụ án này lập tức không giao dịch với em nữa. Khi ấy em thật thất vọng, nhưng không thể giải thích gì với người ta”, Nguyệt kể. Từ một người tu trong nhà dòng, giờ Nguyệt thuộc từng điều luật tố tụng hình sự. “Khóc mãi rồi em cũng phải đứng dậy. Nếu họ bỏ tù em thì giờ chắc em cũng mãn hạn tù lâu rồi. Nhưng như vậy còn hơn cả bỏ tù em. Có khi em muốn ôm con ra Hà Nội để kêu oan, nhưng phần không có tiền, phần các luật sư khuyên bảo không cần thiết phải như vậy. Sự thật rồi cũng sẽ sáng tỏ mà thôi”.
Vụ án đeo đuổi Nguyệt hơn 9 năm, giờ đây tài sản duy nhất của cô là ngôi nhà cũng đã bán đi. “Nhưng phía trước của em vẫn còn nhiều việc phải làm. Em mong có ngày gặp được bí thư tỉnh ủy để trình bày, chí ít cũng cho em gặp được chủ tịch hội phụ nữ để nói tâm tư nguyện vọng của mình, nói nỗi oan khuất của mình mang trong lòng bao nhiêu năm qua. Nhưng rất tiếc hơn 9 năm vụ án kéo dài, em chưa được gặp lãnh đạo nào. Khi em trong trại tạm giam, án chưa xử thì cán bộ tòa án lại lấy hồ sơ gốc đưa cho người gọi là bị hại để thay tên đổi chủ miếng đất của em. Thật không thể tin được đó là sự thật”.
Theo dòng... vụ án!
Hồ sơ vụ án kể rằng, đêm 29.5.2005, Nguyệt cùng ba người lạ vào chuồng dê của bà Lê Thị Kim Y (xã Sông Bình, H.Bắc Bình) bắt trộm dê. Lùa đi chừng 4 cây số thì Nguyệt gọi cho anh Văn Hữu Chiến lái xe thuê đến chở 28 con đến đèo Đa Mi (H.Hàm Thuận Bắc) bán cho một người lạ, rồi người này lại dùng ô tô chở đi tiếp. Sáng hôm sau (30.5.2005), chồng bà Y là Lê Văn Thái đứng đơn tố cáo Nguyệt trộm dê. Công an vào cuộc phát hiện còn 24 con dê Nguyệt gửi nuôi tại nhà một người quen ở xã Lương Sơn, cách đó vài cây số. Ngay chiều hôm đó, đàn dê này đã được bắt lại trả cho bà Y. Trong biên bản bàn giao mà công an lập ghi rõ: “Bên nhận đã nhận đủ 24 con dê, không được trao đổi, mua bán, chờ quyết định của cơ quan điều tra mới có quyền định đoạt”.
Ngay trong ngày 31.5.2005, Cơ quan CSĐT Công an H.Bắc Bình ban hành cùng lúc các quyết định khởi tố vụ án trộm cắp tài sản, khởi tố bị can, lệnh bắt giam Nguyệt và có văn bản đề nghị Viện KSND cùng cấp phê chuẩn. Cũng trong ngày này, các quyết định đã được phê chuẩn.
Ngày 31.8.2005, do hết hạn điều tra, cơ quan CSĐT lại có công văn gửi Viện KSND huyện xin gia hạn điều tra thêm 3 tháng (kéo dài đến 30.11.2005). Tuy nhiên, trong quyết định gia hạn tạm giam Nguyệt chỉ thêm 2 tháng (tức từ ngày 5.9.2005 đến 4.11.2005).
Cho đến ngày 7.10.2005, Nguyệt được dỡ bỏ lệnh tạm giam với lý do được gia đình bảo lãnh nhưng lại nhận quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày này. Cho đến ngày 18.10.2005, sau hơn 5 tháng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an H.Bắc Bình có bản kết luận điều tra vỏn vẹn 3 trang giấy gồm cả phần lý lịch bị can.
Sang đến giai đoạn truy tố, ngày 19.11.2005, đúng một tháng sau khi kết thúc điều tra, Viện KSND H.Bắc Bình chính thức tống đạt cáo trạng truy tố Nguyệt, cũng chỉ bằng 3 trang giấy.
Sang giai đoạn xét xử, trải qua 12 lần sơ thẩm, nhưng cả 12 lần đều không xét xử được bởi khi thì thiếu vắng nhân chứng; khi thì do bị cáo ốm, hoặc nhiều nguyên do khác. Tới phiên xét xử sơ thẩm thứ 12 (ngày 10.9.2013), Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng không kết luận Nguyệt có tội hay không mà trả hồ sơ cho cơ quan CSĐT điều tra lại.
Rồi mới đây nhất, ngày 17.11.2013, Nguyệt lại có thêm bản kết luận điều tra thứ 2, cũng với những cáo buộc về “hành vi trộm dê”. “Bắt rồi thả, rồi lại bắt, rồi lại thả, tổng cộng người ta giam em đúng 210 ngày. Vụ án kéo dài đến nay là 9 năm 6 tháng rồi, giờ lại ra kết luận điều tra mới, chuẩn bị có cáo trạng mới. Họ vẫn muốn kết tội em đi trộm dê của chính em đấy mà”, Nguyệt nói.
“Hồ sơ vụ án toàn là giấy tờ photo”
Theo các luật sư Phan Minh (Đoàn Luật sư TP.HCM), Lê Quang Y (Đoàn Luật sư Đồng Nai), Nguyễn Toàn Thiện (Đoàn Luật sư Bình Thuận) thì đây là một vụ án có nhiều sai phạm trong quá trình tố tụng. Thứ nhất, tang vật chính và duy nhất là đàn dê hiện nay không còn con nào sau 9 năm án bị “ngâm”. Thứ hai, các hồ sơ của vụ án hiện nay “toàn là giấy tờ photo”.
|
Quế Hà - H.Linh