THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 January 2011

# Anh HaiLua (3) Nha^n Chu+'ng So^'ng La`ng Ba Chu'c - Kinh Hoa`ng

# Anh HaiLúa (39) Nhân Chứng Sống Vụ Làng Ba Chúc - Kinh Hoàng

http://mylinhng.multiply.com/journal/item/2105/2105

Kinh hoàng cho những âm mưu vô cùng tàn độc của VC.  Trong khi người cha VNCH đang ở trong những trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc, hàng trăm ngàn người con VNCH bị buộc phải gia nhập Nghĩa Vụ Quân Sự, Thanh Niên Xung Phong, Thanh Niên Xung Kích, và Dân Công Hỏa Tuyến... để bị tiêu diệt cho bằng được tất cả những hậu duệ của VNCH...  Một mũi tên Làng Ba Chúc được bắn đi, giết được 3 con nhạn: 


1) Con cháu của VNCH
2) Những người dân theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo
3) Lấy cớ để xâm chiếm Campuchia

Có lẽ bạn chưa từng nghe qua tiếng nói của anh Hai Lúa trong Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ (*1). Linh mong rằng bạn hãy lắng nghe một lần thôi, rồi bạn sẽ thích nghe nhiều lần nữa. Lời của anh Hai Lúa rất truyền cảm, thuyết phục, gom góp rất nhiều tài liệu để chúng ta có thể học hỏi.  Tên của anh HaiLúa nhưng thật ra anh chẳng hai lúa chút nào.  Linh sẽ thường xuyên góp tiếng nói của anh Hai Lúa để gởi đến qúy bạn, mong qúy bạn sẽ cùng hưởng ứng.

Ngày 16 tháng 1 năm 2011
Mylinhng@aol.com
http://mylinhng.multiply.com
Xin phổ biến tự do

PS:
1) (*1) Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ thuộc hệ thống
www.paltalk.com, ngoài ra diễn đàn này còn được truyền âm qua các diễn đàn Yahoo và VietFun, có thể lên đến hàng ngàn người tham dự, phát thanh 24/24. Diễn đàn này, chuyển những tin tức mới nhất, có thể nói, nhanh hơn cả đài phát thanh quốc tế CNN, và còn bình luận về những diễn biến đặc biệt đang xảy ra trong nước Việt Nam và trên toàn thế giới. Qúy vị có thể vào trang nhà này (http://mylinhng.multiply.com/journal/item/916) để có thể trực tiếp lắng nghe.

2) Sau đây là 4 đoạn băng ghi âm MP3 rất hay của anh HaiLúa, tức Nhị Lang:
Attachment: HaiLua 391.mp3
Attachment: HaiLua 392.mp3
Attachment: HaiLua 393.mp3
Attachment: HaiLua 3944.mp3

Cảnh không hay trên con đường gốm sứ


TT - Giữa ngày, giữa phố, dọc tuyến con đường gốm sứ, một trong những công trình văn hóa chào mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một món quà đầy ý nghĩa được ghép từ hàng triệu mảnh gốm sưu tầm từ các làng nghề gốm tại Việt Nam và cả quốc tế trao tặng, trên con đường gốm sứ bây giờ tại nhiều điểm đã biến thành "vùng tè bậy".

Giữa ban ngày nhiều người vẫn "tè" bậy lên công trình con đường gốm sứ - Ảnh: QUANG ANH

Ở thời điểm hiện tại, với một công trình văn hóa có chiều dài gần 4km, tổng diện tích gần 7.000m2, mỗi mét vuông được ghép bằng gần 1.000 mảnh gốm, ít ai còn nhìn thấy bóng dáng của những người làm công việc chăm chút cho công trình này.

Gần như sau dịp khánh thành chào mừng đại lễ, cả công trình với chiều dài nằm trên địa bàn hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình bỗng trở thành công trình "vô chủ".

"Người buôn bán trong chợ Long Biên, người chạy xe ôm, khách uống nước chè, người qua đường, tất cả đều vô tư "tưới" vào chân công trình. Người trước "tưới" được nên người sau cũng xem đây là "bãi đáp", ý thức thì làm sao mà nói nổi" - ông Nguyễn Văn Quyền, nhà ngay sát con đường gốm sứ, bức xúc.

Theo ghi nhận tại khu vực xung quanh chợ Long Biên, với chiều dài khoảng hơn 1km nhưng có tới hàng chục điểm trở thành "bãi tè bậy" giống như bãi thải tập thể, cáu vàng và nồng nặc mùi. Nhìn những cảnh này ít ai nghĩ đây là công trình văn hóa chào mừng đại lễ, công trình đã được Tổ chức Guinness thế giới công nhận bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới.

QUANG ANH


Đừng để giáo viên tủi thân khi xuân về

Tiến Sĩ Hồ Thiệu Hùng:


TT - Nói về vấn đề thưởng tết cho giáo viên, TS Hồ Thiệu Hùng - nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - bày tỏ:

Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng - Ảnh: Q.THANH

- Tôi đã xem trên các báo đồng thời tìm hiểu từ thực tế thì thấy mức thưởng tết của giáo viên (GV) so với một số ngành như điện lực, dầu khí đúng là một trời một vực. Chưa kể đồng lương của những người hằng ngày đứng trên bục giảng cũng chỉ ngang với lương bảo vệ một số cơ quan.

* Ông nghĩ như thế nào về tình trạng ngay trong ngành giáo dục, mức thưởng tết cho GV đã khác nhau?

- Cơ chế cấp phát ngân sách trên đầu học sinh như hiện nay sẽ làm phá sản mong muốn giảm sĩ số học sinh/lớp của ngành GD-ĐT để nâng chất lượng. Bởi nếu sĩ số học sinh thấp thì ngân sách cấp cho trường sẽ ít, tổng thu học phí cũng giảm, kéo theo tiền thưởng tết sẽ giảm. Trong khi tâm lý con người không ai muốn mình thu nhập thấp cả.

Tôi đọc rất kỹ dự thảo văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và đặt nhiều hi vọng vào câu "Đổi mới sâu sắc toàn diện GD-ĐT". Như vậy là cần đổi mới từ triết lý giáo dục, quan điểm nhìn nhận và hành xử đối với giáo dục, đổi mới cả cơ chế đầu tư ngân sách, chương trình - phương pháp giáo dục học sinh và cách đào tạo giáo viên...

* Theo ông, đổi mới như vậy sẽ cải thiện cuộc sống của nhà giáo?

- Muốn giáo dục đi lên trước hết hãy quan tâm đến đời sống nhà giáo, làm sao để họ có thể sống được bằng lương. Bao nhiêu năm qua GV ở ta vẫn chưa sống được bằng lương, điển hình nhất là mỗi lần tết đến, mức thưởng tết của người GV có khi còn thua bao lì xì dành cho trẻ em.

Đọc báo tôi được biết GV Trường tiểu học Điện Biên được thưởng tết chỉ có 300.000 đồng/người, trong khi nhiều gia đình bình thường bây giờ đã bỏ bao lì xì cho con cháu 500.000 đồng. Chưa kể có trường vẫn còn nợ lương GV.

Hiện nay, phụ huynh bậc trung học ở TP.HCM chỉ phải đóng học phí cho con bằng giá một tô phở (30.000 đồng/tháng/HS THPT, 15.000 đồng/tháng/HS THCS) nhưng họ phải chi thêm từ 4 - 10 khoản khác.

Mức học phí thấp như hiện tại nhìn bên ngoài tưởng là nhân đạo, nhưng việc phụ huynh phải đóng thêm nhiều khoản sẽ khiến họ bực mình mà lại gây tủi hổ cho GV.

Ngay cả việc thưởng tết, chắc chắn sẽ có nhiều phụ huynh không cam lòng để thầy cô giáo của con mình phải nhận khoản tiền thưởng thấp hơn bao lì xì nên họ sẽ dấm dúi "lì xì" cho thầy cô. Thật tủi quá!

Để sống được bằng lương, nhà giáo phải có thu nhập không thấp hơn thu nhập trung bình trên đầu người của khu dân cư họ đang sống. Có thể tạm tính như thế này: theo văn kiện Đại hội Đảng ở TP.HCM, mức thu nhập bình quân trên đầu người của người dân TP là 2.800 USD/năm 2010, tính ra tiền Việt khoảng 56 triệu đồng.

Một GV ngoài việc phải nuôi sống bản thân còn phải nuôi con và cha mẹ già. Tính một cách khiêm tốn mỗi GV sẽ nuôi một đứa con và 1/2 cha mẹ già, 1/2 cha mẹ già còn lại để anh em khác cùng lo.

Như vậy thu nhập một GV phải đủ để nuôi sống 2,5 người tính cả bản thân: 56 triệu đồng x 2,5 = 140 triệu đồng, tức mỗi GV ở TP.HCM phải có thu nhập 140 triệu đồng/năm hay khoảng 11,6 triệu đồng/tháng.

Tôi tha thiết mong Đại hội Đảng toàn quốc lần này đặt ra nhiệm vụ là làm cho người GV sống được bằng lương. Sống được bằng lương từ đó mà còn thấy yêu nghề, có động lực để sống chết với nghề. Cấp ủy nào để mức thu nhập cho GV thấp hơn thu nhập trung bình của địa phương mình (như tạm tính ở trên), coi như phạm khuyết điểm không hoàn thành nhiệm vụ đối với giáo dục.

Nhà giáo không thể sống bằng tinh thần mãi.

Bước chân vào một nghề mà biết chắc nó sẽ nghèo hơn những nghề khác thì lấy đâu ra người giỏi vào học sư phạm! Khi ngành sư phạm không thu hút được người giỏi thì chính xã hội sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

* Thế nhưng làm sao có thể bảo đảm mức thu nhập cho GV như trên khi ngân sách dành cho giáo dục hiện đã đạt 20%?

- Đừng nói 20% ngân sách chi cho giáo dục là nhiều, là hết mức. 20% có vẻ cao, nhưng nếu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu sống còn để đưa đất nước đi lên thì chừng đó là không cao.

Bên cạnh đó ta vẫn chưa huy động hết nguồn lực của nhân dân. Nếu tôi nhớ không lầm thì hơn 10 năm nay học phí vẫn "neo" một chỗ trong khi vật giá tăng vùn vụt theo từng năm. Mức học phí cần phải tính theo nguyên tắc: GV muốn sống được bằng lương thì cần bao nhiêu tiền một tháng, trong đó ngân sách chi được bao nhiêu, phần còn lại sẽ do người dân đóng góp thông qua học phí.

Cách tính học phí hiện nay là đặt "cái cày đi trước con trâu": có mức học phí rồi mới tính đến lương GV. Do vậy mà mức lương của GV cho đủ sống vẫn chỉ là lời hứa của lãnh đạo ngành giáo dục và là nỗi ao ước của hầu hết GV.

* Như vậy, ngoài mức lương đủ sống, theo ông cần có chính sách như thế nào để mỗi độ xuân về nhà giáo không phải chạnh lòng khi so sánh với các ngành nghề khác?

- Chính sách cần quy định lương tháng 13 cho nhà giáo. Xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu đối với giáo dục ngày càng cao. Công việc của người GV là công việc đầy thử thách của người "làm dâu trăm họ".

Họ có mặt mọi nơi trên địa bàn dân cư, tiếp xúc với mọi thành phần xã hội. Họ phải chịu trách nhiệm và áp lực công việc rất lớn, cường độ lao động rất cao, đặc biệt đối với GV mầm non. Chỉ lỡ sơ sẩy chút xíu là phải... bỏ nghề. Bất kể gia đình nào cũng cần thầy cô, vai trò của người GV đặc biệt quan trọng đối với xã hội.

Chỉ cần lịch nghỉ lễ, tết của học sinh lệch với lịch nghỉ của phụ huynh là công việc các cơ quan gặp khó, lịch sinh hoạt trong gia đình thay đổi. Thế thì tại sao họ không có lương tháng 13 như bao ngành nghề khác?

HOÀNG HƯƠNG thực hiện


Nhộn nhịp dịch vụ đổi tiền lì xì


TT - Còn hơn nửa tháng mới đến Tết Nguyên đán nhưng thị trường đổi tiền lẻ, săn ngoại tệ lì xì đã rất "nóng". Phí đổi tiền lẻ tăng cao đến chóng mặt, rao bán bung ra trên mạng nhiều hơn và có thêm dịch vụ trao tiền mừng tuổi tận tay người nhận.

Tiền VN mệnh giá nhỏ được nhiều người ở TP.hCM săn lùng làm tiền lì xì dịp Tết Nguyên đán năm nay - Ảnh: V.T.B.

Bà Ngô Thị Thu, kế toán một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng có hơn 100 nhân viên ở quận Gò Vấp, TP.HCM, vừa được sếp giao nhiệm vụ "đặc biệt": đổi về 150 triệu đồng tiền mới, mệnh giá nhỏ để chuẩn bị thưởng tết cho anh em làm tiền lì xì.

"Mấy ngày nay tôi chạy khắp các ngân hàng tìm nguồn tiền nhưng vẫn chưa được. Tại ngân hàng quen biết chỗ công ty tôi mở tài khoản, họ cũng chỉ hứa đổi cho vài chục triệu đồng thôi", bà Thu nói.

Đi cùng bà Thu vào chi nhánh ngân hàng V trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu nhã nhặn của nhân viên ở đây: "Chị thông cảm, tụi em hết sạch tiền lẻ rồi, tiền cũ cũng không có chứ nói chi tiền mới".

Sài Gòn "sốt", Hà Nội "ế"

Tại một chi nhánh ngân hàng khác trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, nhân viên ngân hàng từ chối khéo hơn: "Hiện vẫn chưa có lượng tiền lẻ mới từ Ngân hàng Nhà nước chuyển về. Chị liên hệ lại sau vậy". Bà Thu ngao ngán: "Năm nay tôi tranh thủ chạy kiếm tiền lì xì sớm hơn so với năm ngoái khoảng chục ngày nhưng vẫn chưa được. Có lẽ phải đổi ngoài chợ đen thôi".

Lần theo một số điện thoại quảng cáo đổi tiền trên mạng của một người tên Hưng, bà Thu nhận ngay câu trả lời: "Chị cần đổi bao nhiêu tiền? 150 triệu đồng hả? Tiền 5.000 và 10.000? Có ngay, 10 ăn 9 nhé (đổi 10 đồng tiền chẵn thu về 9 đồng tiền lẻ - PV). Cho địa chỉ em giao tận nơi".

Dũng, một thanh niên chuyên đổi tiền chẵn sang tiền lẻ làm tiền lì xì, cho biết: "Tại TP.HCM, muốn đổi tiền lẻ mới để lì xì chỉ có ra ngân hàng, một vài tiệm vàng hoặc tìm dịch vụ trên mạng. Năm nay mốt đổi tiền lẻ tiền VN mệnh giá nhỏ như 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng... để lì xì rất được ưa chuộng vì nhiều người cho rằng tiền trong nước sẽ đem lại nhiều điều may mắn, tốt lành hơn cả ngoại tệ lạ. Nhưng lượng tiền lẻ mệnh giá nhỏ rất khan hiếm, các ngân hàng từ chối đổi tiền cho khách lẻ nên các tay đổi tiền "chợ đen" được thể nâng giá. So với tết năm ngoái, năm nay phí đổi tiền tăng 3-5%".

Nghịch lý ở chỗ mặc dù các dịch vụ đổi tiền tư nhân cho rằng vì ngân hàng khan hiếm tiền lẻ nên năm nay mức phí đổi tiền cao hơn năm ngoái, nhưng nếu cần thì các dịch vụ này tuyên bố ngay là muốn đổi bao nhiêu cũng có, tiền mới nguyên xêri.

Tiền mệnh giá càng nhỏ thì phí càng cao: tiền 500 đồng thì 10 ăn 7,5, 1.000 đồng thì 10 ăn 8. Với tờ 10.000 đồng hay 20.000 đồng thì 10 ăn 9,5. Riêng tiền mệnh giá 200 đồng thì phí đội lên đến 10 ăn 6, tức đổi 100.000đ chỉ thu về 60.000đ.

Trong khi đó, tại những khu chuyên đổi tiền lẻ ở Hà Nội như phố Đinh Lễ, chùa Hà, các tiệm vàng... lại trái ngược, rất đìu hiu khách đổi tiền. Trước cổng chùa Hà, hàng chục tiệm bán đồ vàng mã kiêm dịch vụ đổi tiền lẻ đã chuẩn bị đầy ắp các ngăn tủ với những cọc tiền ngăn nắp, mới tinh tươm, đủ chủng loại, từ 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng đến 100.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Thư, chủ một hiệu đổi tiền ở đây, cho biết: "Năm ngoái, đến tầm này là tranh nhau đổi. Nhưng năm nay có vẻ ế lắm. Đến giờ vẫn chỉ thấy người đổi tiền vào lễ chùa thôi". Tại các ngân hàng ở Hà Nội, nhu cầu của khách hàng đến đổi tiền lẻ cũng chưa cao. Mệnh giá tiền khách có nhu cầu đổi nhiều nhất là từ 20.000đ trở lên.

Một nhân viên ngân hàng T, chi nhánh Hoàng Quốc Việt, cho biết: "Do năm nay tiền đồng trượt giá nên khách chủ yếu có nhu cầu đổi tiền mệnh giá 20.000 đồng và 50.000 đồng. Tiền 5.000 đồng và 10.000 đồng có nhu cầu chỉ bằng một nửa so với mọi năm".

Đủ loại dịch vụ

Tại một quán cà phê ở đường Trường Sơn, Q.10, TP.HCM, anh Trần Anh Tuấn đổ từ trong túi ra mấy cọc tiền 500 đồng và 1.000 đồng mới cứng và còn nguyên xêri. Đang là sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM nhưng Tuấn đã là chủ một trang web chuyên về dịch vụ đổi tiền, làm ăn rất nhộn nhịp vào dịp cuối năm. Trang web này tập hợp 22 sinh viên, đang "tung hoành" khắp TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu về các dịch vụ đổi tiền...

Anh Tuấn cho biết: "Từ sáng tới giờ tôi đã đổi cho khách hàng khoảng 20 triệu đồng, chủ yếu là tiền mệnh giá 1.000đ và 5.000đ. Khách đổi tiền lẻ năm nay nhu cầu khá cao".

Trong khi bao nhiêu người đỏ mắt tìm tiền lẻ để đổi tại các ngân hàng nhưng không được thì bằng cách nào mà các dịch vụ đổi tiền tư nhân lại có nhiều đến thế?

Anh Tuấn nói: "Vì chúng tôi đã chuẩn bị nguồn tiền này từ lâu cho dịp đổi tiền lì xì cuối năm. Nhờ quen biết nhiều với các ngân hàng nên chúng tôi có nguồn cung dồi dào. Những ai có nguồn tiền này cũng gọi cho chúng tôi để cung cấp, bởi chúng tôi có lực lượng cơ động có thể giúp họ giao cho khách hàng lẻ".

Một "đầu nậu" chuyên đổi tiền lẻ khác tên Chín ở đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú cũng khẳng định hầu hết những người có nguồn tiền lẻ dồi dào đều có mối quan hệ giao dịch tốt với các ngân hàng. Một số lượng lớn tiền lẻ khác có nguồn là từ những hòm công đức của các đền, chùa.

Theo nhiều điểm dịch vụ đổi tiền tư nhân, do năm nay tại Sài Gòn nhu cầu tiền lẻ còn mới để lì xì dịp tết rất lớn, nên nhiều nơi tìm đủ mọi cách để có nguồn tiền lẻ, kể cả việc biến tiền cũ thành tiền mới mà chỉ có quan sát kỹ mới nhận ra. Có những tờ 500 đồng, 1.000 đồng được là lượt lại cho phẳng.

"Rất nhiều tờ tiền bị xén bớt mép ngoài để cho vuông thành sắc cạnh", Tuấn nói. Rồi Tuấn đưa chúng tôi xem một cục tiền 500 đồng nguyên xêri nhưng lại có những vết cắt khá thô ngoài mép và giải thích: "Có thể cọc tiền này đã bị bẩn và người ta đem vào máy xén lại để trông mới hơn".

Những ngày này nhóm dịch vụ đổi tiền của Tuấn tập trung đổi tiền lẻ cho các công ty, nhà hàng, quán cà phê... Ngày giao nhiều nhất, nhóm của Tuấn đổi tới 200 triệu đồng cho khách hàng. "Chỉ 20 triệu đồng tiền 500đ cũng làm thành một bao tải lớn rồi. Chúng tôi có người quen làm ở một công ty vệ sĩ nên gửi luôn tiền ở đấy. Khi cần thì đến lấy giao cho khách", Tuấn kể.

Tết năm nay nhiều điểm đổi, cung cấp tiền lì xì còn tung ra một dịch vụ mới khá "nóng" là nhận giao tiền lì xì cho khách hàng vào thời điểm giao thừa hoặc trong mấy ngày tết theo yêu cầu.

"Đây là dịch vụ mới nhưng nhiều người đã đăng ký với chúng tôi bởi có thỏa thuận, hợp đồng đàng hoàng. Họ dùng cách này để lì xì cho những người ở xa đúng ngay thời điểm mùa xuân về" - Nguyễn Hữu Đức, một người tổ chức dịch vụ này, nói. Còn Trần Anh Tuấn cho biết đã có 200 lượt đặt dịch vụ này và nhóm chưa dám nhận thêm vì số người đi giao còn ít.

VŨ THANH BÌNH - NGUYỄN HÀ

Săn đồng USD lẻ

Bộ sưu tập tiền 2 USD có giá 8 triệu đồng bởi mang "xêri đẹp" từ 000 tới 999, trong đó một tờ "ngũ quý tám - 88888" - Ảnh: V.T.B.

Nhiều điểm dịch vụ đổi tiền lẻ rao bán cứ một tờ 2 USD giá 70.000 đồng. Tuy nhiên, những tờ đặc biệt thì giá cao hơn hẳn năm ngoái. Tết 2010, nếu giá một tờ 2 USD có số xêri "22222" hoặc "8888" giá 800.000-1.200.000 đồng thì năm nay có giá đến 2 triệu đồng.

Tuấn cũng xòe ra cho chúng tôi xem 10 tờ 2 USD, trong đó một tờ có số "ngũ quý tám" - "88888", còn lại những tờ khác có số "tam hoa" từ "000" tới "999". "Mười tờ này có giá 8 triệu đồng. Phải từ một cọc 20.000 USD cùng xêri mới rút ra được bộ tiền này", Tuấn cho biết.

Tại Hà Nội, giới công sở cũng như một bộ phận người dân, nhất là những người trẻ, đang diễn ra một cuộc săn lùng ráo riết đồng 2 USD.

Tại nhiều tiệm vàng kiêm dịch vụ đổi ngoại tệ cũng đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày đến hỏi mua đồng 2 USD. Anh Trần Trọng Khang, chủ một tiệm vàng trên đường Cầu Giấy, cho hay: "Nhiều khách đến hỏi đồng 2 USD mà mình cũng chỉ có mấy chục tờ thôi. Người quen dặn trước đã ngót 20 tờ rồi. Có người đến hỏi mua chấp nhận giá 100.000đ/tờ nhưng cũng đành ra về".

Ngoại tệ lạ cũng được rất nhiều người săn lùng. Phổ biến nhất là đồng 100.000 tỉ Zimbabwe. Hiện nay giá mua một tờ tiền Zimbabwe mệnh giá 100.000 tỉ là 150.000đ, một bộ tam 10, 20, 50 nghìn tỉ Zimbabwe mới 100% có giá 349.000đ...

Ông Hà Đức Quang, chuyên gia tiền tệ, nhận định do xu hướng chuộng ngoại tệ lạ vì tin vào những điều may mắn đôi khi rất mơ hồ, chủ quan chỉ vì đồn thổi mà vô tình nhiều người đã đẩy giá trị các ngoại tệ lạ lên cao so với thực tế và không cần thiết.


Trắng đêm rút tiền ATM


TT - Gần tết, nhiều doanh nghiệp (DN) vào đợt cao điểm chi trả lương, thưởng tết cho người lao động. Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp - nơi hầu hết DN trả lương qua thẻ - nhiều công nhân phải thức trắng đêm chờ rút tiền từ máy ATM.

Hàng chục công nhân xếp hàng chờ rút tiền tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (ảnh chụp lúc 21g ngày 12-1) -  Ảnh: B.HOÀN

Hàng chục người ngồi trên ghế đá, số khác ngồi tạm các gờ tường hoặc ngồi la liệt trên xe máy, xe đạp... chờ đợi đến lượt rút tiền. Đó là cảnh tượng thường gặp trong khoảng sân của Ngân hàng (NH) Vietcombank tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM).

Rút 200.000 đồng: chờ 30 phút!

Dù không phải giờ tan tầm (thời điểm công nhân tập trung rút tiền) nhưng khi chạy xe tới, anh Lê Huy Hoàng Tuấn Phong - công nhân Công ty Nikkiso của Nhật Bản (tại Khu chế xuất Tân Thuận) - không kịp tháo mũ bảo hiểm đã phải lao tới xếp hàng. Chen không được, anh ngồi chống cằm chờ đợi.

Có bốn máy ATM nhưng lúc này chỉ khoảng hai máy làm việc. Hai máy còn lại đã thông báo "tạm ngưng hoạt động". 25 phút sau, khi thấy trước cửa một buồng ATM chỉ còn khoảng bốn người xếp hàng, anh bật ngay dậy lao vào xếp hàng và chờ thêm 10 phút nữa mới rút được 200.000 đồng chi tiêu cho những ngày sắp tới.

"Đã tránh giờ cao điểm nhưng gần đây lần nào đi rút tiền cũng phải chờ đợi", anh Phong cho biết.

Tăng cường xe ATM lưu động

NH Đông Á sẽ đưa xe ATM lưu động đến tiếp ứng cho những khu công nghiệp trong những ngày cao điểm trả lương. Đồng thời một số NH cho biết sẽ cử người đến tận nơi cho công nhân cà thẻ rồi chi tiền mặt, giảm bớt ùn tắc.

 Với trường hợp máy hết tiền hoặc có sự cố, nếu khách hàng phản ảnh về tổng đài sẽ được nhân viên NH hướng dẫn đến ngay máy ATM đang hoạt động gần nhất.

Anh Lâm Văn Thanh - Công ty Toyo (Khu chế xuất Tân Thuận) - cho biết đã quá sợ cảnh mỗi lần đi rút tiền phải chờ đợi 30-40 phút. Anh cho biết đầu tháng và cuối tháng là những ngày căng nhất. Có khi chờ cả tiếng mới đến lượt nhưng lại đúng lúc máy hết tiền phải chạy đi nơi khác rút tiền.

Chị Nguyễn Thị Diễm - công nhân Công ty IERT 2000 (Trung Quốc, Khu chế xuất Linh Trung 1, Q.Thủ Đức), cho biết ngày 10-1 vừa qua đặc biệt cao điểm. Ai cũng đổ dồn đến nhận vào lúc tan ca nên các máy ATM đông nghẹt. Nhiều lần không chờ được, chị phải chạy đến máy ATM cách chỗ làm khoảng 7km. Khi rút được tiền cũng đã quá giờ làm gần hai giờ.

Càng cận tết công nhân càng phải tăng ca liên tục. Chị D., công nhân Công ty giày Trường Lợi, KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, cho biết 7g15 vào ca, đến 22g mới tan tầm nên muốn rút tiền vào ngày nhận lương chỉ còn cách thức khuya xếp hàng hoặc dậy từ 5g sáng. Trong khu vực chỉ có hai máy ATM của NH phát hành thẻ, trong khi riêng công ty của chị có đến vài nghìn công nhân nên rút tiền rất vất vả.

"Công ty tôi chi lương vào ngày 10 hằng tháng, 22g ngày 10-1 - sau khi tan ca - tôi tranh thủ chạy ra máy ATM để rút nhưng máy hết tiền. 5g sáng 11-1 tôi vội chạy ra xếp hàng tại ATM nhưng đông quá đành chờ đến tối 11-1 tan ca mới rút được tiền".

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đến hơn 22g15 ngày 11-1, tức hơn một ngày sau khi công ty trả lương, vẫn còn người ngồi la liệt trên vỉa hè bên ngoài trụ ATM để chờ đến lượt rút tiền. Trong buồng mỗi máy ATM có đến 4-5 người chen chúc.

Anh X.L., bảo vệ tại Khu chế xuất Linh Trung 2, cho biết đêm 10-1 công nhân xếp hàng dài trước năm máy ATM đến 2g sáng để rút tiền. May là lúc đó không có máy ATM nào bị kẹt tiền hay có sự cố. Còn đêm 11-1 có đến 3/5 máy ATM báo "tạm ngưng giao dịch". Đường đến các máy ATM tại khu công nghiệp khá xa, phải vượt qua quãng đường vắng và tối tăm.

Tăng thẻ nhưng không tăng máy

Mỗi tháng có bốn ngày cao điểm rút tiền là 5, 10, 15, 30 vì đây là ngày các công ty chi lương cho công nhân. Tuy nhiên vào dịp sát tết ngày nào cũng kẹt vì các công ty luân phiên chi lương, thưởng cho người lao động. Những ngày gần đây máy ATM liên tục quá tải, đặc biệt từ 18g-20g mỗi ngày. Nhiều công nhân cho biết xảy ra tình trạng rồng rắn là do NH chưa chú trọng đầu tư máy.

"Ngày tôi đến làm việc (năm 2003) Vietcombank KCX Linh Trung 2 có ba máy, đến năm 2004 tăng lên năm máy. Sau bảy năm số lượng máy của NH không đổi", một công nhân cho biết.

Một cán bộ phụ trách mảng ATM của một NH có số lượng thẻ phát hành đứng đầu thị trường cho biết công suất phục vụ tối đa của một máy ATM là 3.500 thẻ/ngày. Như vậy nếu NH phát hành 10.000 thẻ thì buộc phải lắp đặt ba máy ATM, nhưng nhiều NH cứ dồn dập phát hành thẻ mà không đầu tư máy.

 Nhiều chi nhánh NH đến nay đã phát hành 60.000 thẻ nhưng chỉ lắp đặt khoảng năm máy. Khác với khu vực nội thành TP.HCM rất dễ tìm ATM để rút tiền, một số khu công nghiệp, khu chế xuất như Linh Trung 2, Bình Chiểu, Sóng Thần... dù số lượng công nhân đông đảo nhưng mỗi nơi chỉ có hơn chục máy của nhiều NH, đặt rải rác. Nhiều NH chỉ lắp đặt 1-2 máy lấy lệ.

Chưa kể nhiều NH nhỏ còn "chiếm dụng" vốn bằng cách chậm ghi có vào tài khoản của công nhân. Nhiều công ty cho biết đã chi lương nhưng đợi đến hôm sau tài khoản công nhân mới có tiền. Đến khi tài khoản có tiền thì máy ATM bị sự cố hoặc hết tiền.

Theo các công ty, đây là "thủ thuật" của NH, đặc biệt trong những thời điểm căng thẳng thanh khoản vì số tiền trong tài khoản công nhân chưa rút NH chỉ phải trả lãi 0,25%/tháng trong khi NH có thể cho vay qua đêm với lãi suất đến 1%/tháng, do vậy chậm trả ngày nào NH có lãi ngày đó.

Nên thu phí DN

Nhiều công nhân cho biết vẫn ngại rút tiền tại máy ATM của NH khác hệ thống vì bị trừ tiền, mức phí phổ biến 3.300 đồng/giao dịch. Nhiều ý kiến đề xuất nên thu phí của DN và miễn phí rút tiền ngoại mạng cho chủ thẻ để khuyến khích chủ thẻ giao dịch ngoại mạng.

Ông Trịnh Thượng Thức, trưởng phòng dịch vụ thẻ NH Vietcombank TP.HCM, cho biết hiện NH thu phí của DN 4.400 đồng/món nhưng phí này chưa đủ bù đắp chi phí cho NH. Do vậy NH chọn cách thu thêm của chủ thẻ. Nếu dồn về phía DN sẽ không khuyến khích DN trả lương qua NH.

Theo một chuyên gia thẻ, chi lương cho người lao động NH cũng được nhiều lợi ích, rõ nhất là số huy động tăng lên, NH có thể tận dụng vốn giá rẻ này để kinh doanh. Đành rằng NH cũng tốn tiền đầu tư máy nhưng nhiều máy ATM trang bị 7-8 năm, khấu hao xong NH còn thu qua nhiều hình thức như phí phát hành thẻ...

Đồng thời nên quy định rõ trách nhiệm đầu tư, trang bị máy của NH phát hành thẻ. NH chỉ chăm chăm phát hành thẻ mà không đầu tư máy sẽ có trách nhiệm trả chi phí cho NH có máy để tránh tình trạng "đem con bỏ chợ" như hiện nay.

ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN


Đối tác ra đi, cá nóc ở lại


 
17/01/2011 0:03 
Cá nóc Kiên Giang đang mắc kẹt trong kho do đối tác Hàn Quốc ngưng mua - Ảnh: G.Sơn
Hơn 50 tấn cá nóc xuất khẩu nằm trong một đề án của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn hiện đang tồn kho do đối tác Hàn Quốc biến mất.

Đề án thí điểm mở rộng khai thác, thu mua, chế biến cá nóc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu, được Bộ NN-PTNT triển khai vào cuối năm 2009. Mục tiêu của đề án là đến năm 2010, Việt Nam sẽ đưa sản lượng chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng từ cá nóc (puffer fish) đạt 800 - 1.000 tấn với giá bán bình quân là 5 - 10 USD/kg, đến năm cuối của đề án là 2012 có thể đạt giá trị kim ngạch từ 4 - 10 triệu USD. Dự án được thực hiện trong 3 năm từ 2010 - 2012 tại 5 địa phương là Quảng Ninh, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa và Kiên Giang. Công ty Poseidon Seafood Co., Ltd Co (Hàn Quốc) là doanh nghiệp được Bộ NN-PTTN chỉ định trực tiếp tiêu thụ cá nóc tại tỉnh Kiên Giang.

Tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án và Công TNHH Mai Sao (KCN Tắc Cậu, H.Châu Thành, Kiên Giang) là một trong hai doanh nghiệp được chọn, cho phép chế biến cá nóc, 4 doanh nghiệp, cơ sở được phép thu mua cá nóc là Công ty TNHH Thịnh Giàu, DNTN Kim Quy, Cơ sở hải sản Dũng Sơn và Trần Ngọc Danh ở TP.Rạch Giá. Công ty Mai Sao đã đầu tư trên 1 tỉ đồng để mua sắm thiết bị chế biến và thu mua 60 tấn cá nóc chế biến xuất khẩu. Theo ông Thiên, quá trình thu mua và chế biến cá nóc của công ty đều có sự giám sát của đại diện Công ty Poseidon Seafood và các ngành chức năng của địa phương. Nhưng đến nay, khi hàng đã xong thì việc xuất khẩu cá nóc lại gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp thu mua và chế biến đang rất lo âu khi cá không xuất được do Công ty Poseidon Seafood ngưng thu mua. Theo Poseidon Seafood, lý do ngưng mua là khi chế biến, Công ty Mai Sao chưa xử lý triệt để môi trường sản xuất. Nhưng theo ông Thiên khẳng định, vấn đề này đã được ngành chức năng tỉnh Kiên Giang kiểm định là đủ điều kiện.

Ông Thiên cho biết thêm, qua nhiều lần Công ty Mai Sao và địa phương kiến nghị, Poseidon Seafood mới chịu thu mua một lô hàng đầu tiên với 22,7 tấn cá nóc đã sơ chế. Hiện Mai Sao còn tồn kho 57 tấn cá nóc đã gần 5 tháng vẫn không xuất được. "Poseidon Seafood đã đưa ra nhiều lý do về rào cản kỹ thuật, chất lượng để từ chối khéo, và một số lý do khác đều do nhà nhập khẩu đưa ra, chứ thật sự là họ đã vi phạm hợp đồng với chúng tôi", ông Thiên nói.

Việc Bộ NN-PTNT chỉ chọn một công ty nước ngoài thu mua cá nóc của Kiên Giang đã tạo cho họ thế độc quyền, tùy tiện chèn ép doanh nghiệp trong nước. Theo ông Thiên, qua khảo sát ở Hàn Quốc, các doanh nghiệp của nước này phải nhập cá nóc của Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc với giá từ 3 đến 5 USD/kg.

Ông Lâm Hoàng Sa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết việc Công ty Poseidon Seafood độc quyền thu mua là do Bộ NN-PTNT chỉ định và hiện nay thì Poseidon Seafood đã không còn liên lạc được. UBND tỉnh Kiên Giang đã ký công văn gửi Bộ NN-PTNT có hướng giải quyết để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp được chỉ định thí điểm thực hiện dự án.

Giang Sơn


Làm du lịch kiểu dã chiến


 
17/01/2011 0:01 
Nhà vệ sinh tạm bợ ngay bên bờ biển - Ảnh: Quế Hà
Mũi Né từng được mệnh danh là "Thủ đô resort" với nhiều khu du lịch cao cấp, nhưng trong lòng nó vẫn còn rất nhiều hình ảnh nhếch nhác.

Vào buổi chiều tối, các chủ quán bày ra đủ thứ để phục vụ khách ăn nhậu. Người ta còn làm cả nhà vệ sinh dã chiến ngay ven đường và sát bờ biển. Cuối tuần qua, chúng tôi ghé một quán nhậu ở phường Mũi Né, TP.Phan Thiết, Bình Thuận và đề cập đến chuyện mất vệ sinh ở khu vực này thì nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm của chủ quán Nguyễn Ngọc M.

Một chủ resort cao cấp bức xúc: "Hình ảnh đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu du lịch Mũi Né mà chúng tôi đã xây dựng hàng chục năm qua". Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch  Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho biết: "Hiệp hội đã cùng các chủ đầu tư resort làm việc với lãnh đạo TP Phan Thiết và kiến nghị phải dẹp bỏ hình ảnh này, nhưng hàng quán vẫn mọc lên. Đã xác định Mũi Né là thương hiệu du lịch cao cấp thì không thể chấp nhận một thứ du lịch tuềnh toàng, khó coi như thế". Về phía chính quyền, một lãnh đạo UBND TP Phan Thiết  than thở: "Chúng tôi đang gặp khó khi chưa có tiền đền bù cho người dân. Vì đất của dân nên họ cứ đến đó dựng lều, quán gây mất mỹ quan cho ngành du lịch".

Bên cạnh những lều quán, Mũi Né hiện nay mọc lên hàng trăm cơ sở massage mini. Những cơ sở này có giá rất rẻ nhằm lôi kéo khách từ trong các resort. Anh  Lê Đình Hương, chủ một resort 4 sao cho hay: "Chúng tôi đầu tư một khu massage và spa với giá hàng chục nghìn USD, đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản. Trong khi các cơ sở mini chỉ xây căn phòng bé nhỏ, thuê vài nhân viên đến và treo giá "bèo" làm cho du khách nhầm tưởng đây là "đặc trưng" của massage ở Mũi Né, ảnh hưởng uy tín của địa phương". Trên bờ là vậy, ở dưới biển những chiếc ca-nô cao tốc (sky) nổ máy lướt sóng ầm ầm, ảnh hưởng đến du khách đến nghỉ ngơi và tắm biển. Điều gì sẽ xảy ra khi những chiếc ca-nô này va phải khách, nhất là trẻ em đang tắm biển.

Đầu năm 2009, Báo Thanh Niên từng phản ánh những chuyện này, nhưng đến nay quán nhậu, nhà vệ sinh dã chiến... vẫn ầm ầm mọc lên. 

Quế Hà


Đưa hương vị tết ra ngoài nước


 
17/01/2011 0:07 
Bánh chưng muốn xuất đi phải có chứng nhận tiêu chuẩn - Ảnh: N.L.N
Không chỉ mứt, bánh kẹo hay trái cây đóng hộp, giờ đây hương vị tết Việt cũng đã lên máy bay sang nước ngoài để chung vui với bà con kiều bào với đủ những sản vật truyền thống.

Cầu thực

Theo ông Huỳnh Công Thành, GĐ Công ty lương thực TP.HCM, đến thời điểm đầu tháng 1.2011, các hợp đồng xuất khẩu gạo sang nước ngoài phục vụ bà con ăn tết đã giao hết. Các thị trường Hồng Kông, Singapore, Pháp có những phản ứng rất tích cực. Ngoài yếu tố tết ra, bà con cũng đã tìm về sản phẩm truyền thống bởi chính cách thức phục vụ cũng như sản phẩm quê nhà: "Dân mình bên đó đang dần thay đổi thói quen ăn gạo Thái Lan. Thực tế thì gạo mình cũng thơm ngon trong khi giá mềm hơn".

Làm xuất khẩu bánh chưng hơn 5 năm nay, cơ sở Trần Gia tại Biên Hòa, Đồng Nai có một cách nhìn khác về thị trường: "Ở Mỹ hay Canada, người Việt tập trung nhiều, cái gì họ cũng có lâu rồi. Trong khi tại châu Âu, người Việt thành đạt nhiều hơn, họ cũng am hiểu văn hóa nhưng công việc, cuộc sống họ bận rộn hơn, trong khi cộng đồng lại sống thưa thớt, không tập trung", ông Trần Thanh Toàn, phụ trách đối ngoại của Trần Gia, cho biết.

Từ những nhận định đó, ông Toàn suy ra được "cầu" về hàng hóa tại các thị trường là khác nhau, qua đó để đưa hàng xuất khẩu sang cho phù hợp. Chẳng hạn như ở Mỹ, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, thịt hộp... đã có sẵn ngoài siêu thị hết rồi, ngoài ra, qua tìm hiểu, ông biết bên ấy nhà nào cũng có... nồi áp suất. Thế nên, với thị trường Mỹ, Trần Gia chủ yếu xuất lá dong. "Bà con muốn tự tay gói bánh chưng mà, vậy thì mình phải hỗ trợ lá dong chứ. Trong khi tại châu Âu, họ đâu có thời gian hay công cụ để đun nấu, nên mình xuất sang đó bánh chưng thành phẩm".

Đường ra thế giới

 Bà con muốn tự tay gói bánh chưng mà, vậy thì mình phải hỗ trợ lá dong chứ 

Ông Trần Thanh Toàn

Ông Năm Đông là một trong những kỳ nhân làng mai vàng Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM, một "giám đốc" rặt Nam Bộ, từ cách ăn nói, cho đến cung cách điều hành vựa mai theo lề lối truyền thống. Với ông Đông, tiếng Anh không biết, nhà còn không dùng internet, thế là ông liên kết với các công ty xuất khẩu. "Họ đặt hàng thì tôi bán. Bán sang nước ngoài, đi đâu tôi không biết", ông giải thích. Năm ngoái, ông xuất được 3 thùng mai. Năm nay, nhiều công ty xuất nhập khẩu gọi điện đặt hàng. Ông chỉ làm theo yêu cầu, rất khắt khe, làm bằng những kinh nghiệm gia truyền, từ bẻ lá, bấm cành, đóng gói sao cho mai tươi, nở vàng đúng độ. "Nước ngoài" với ông có thể là một khái niệm rất xa xôi nhưng ông hiểu được đó là một khách hàng khó tính. "Đi chui thì ban kiểm dịch không cấp giấy. Nhiều khi qua lọt Việt Nam, sang đó họ kiểm tra rồi liệng hết", ông nói.

Khoảng năm 2005, khi Trần Gia xuất được lô bánh chưng thành phẩm đầu tiên ra nước ngoài thì cái mừng của họ không phải là bán lời lãi mà chính là cái cách họ vận động được để cho bánh chưng xuất ngoại hợp pháp. "Trước nay, theo quy chế về an toàn vệ sinh thực phẩm thì gạo nếp, thịt lợn hay đậu xanh đều đã có tiêu chuẩn, có tiêu chuẩn thì mới xuất được đi nước ngoài", ông Toàn nói. Theo ông Toàn, trớ trêu nhất, bánh chưng - tổng hợp của 3 nguyên liệu chính trên - lại không có tiêu chuẩn chung. Thế là lại phải nghĩ ra trăm phương ngàn kế để lo cái chứng nhận tiêu chuẩn cho hỗn hợp gạo nếp - thịt lợn - đậu xanh.

Để bánh chưng xanh đảm bảo chất lượng và thời gian bảo quản, những người làm nghề gia truyền cũng phải học cách xử lý bằng những công nghệ tân tiến như làm phản ứng sốc nhiệt, loại trừ vi sinh, tăng cường diệp lục cho lá để giữ màu xanh lâu.

Khát vọng Việt

Theo bà Hoàng Ny, chủ cơ sở bonsai và mai vàng Thanh Tâm, năm nay hứa hẹn một thị trường mai sôi động. Bước qua tháng 1.2011, cơ sở bà đã xuất được khoảng 20.000 cây mai loại nhỏ sang thị trường Singapore và Thái, chủ yếu xuất trực tiếp cho các nhà vườn bên này để họ dưỡng lại, bán cho kiều bào. Ngoài ra, Thanh Tâm còn xuất bonsai với dạng hình thù 12 con giáp cho bà con mua về chưng tết. "Năm nay mai nhỏ không nhiều, giá lại cao, chúng tôi cũng phải cân đối để phục vụ". Theo bà Ny, "bán mắc, mình nhảy qua không nổi" nên Thanh Tâm chú trọng vô phân khúc mai nhỏ, cỡ 25 - 30 cm/chậu, giá chưa đến 100.000 đồng/cây.

Với Trần Gia, trong một năm họ xuất khẩu bánh chưng vào hai dịp chính: Tết Đoan ngọ 5.5 âm lịch và Tết cổ truyền. Riêng đợt tết năm Tân Mão, Trần Gia đã xuất khoảng 17 tấn bánh chưng sang các thị trường Pháp, Đức, Canada, Mỹ... theo hai dạng xuất trực tiếp và xuất qua gia công cho các công ty xuất nhập khẩu. Dù xuất dạng nào thì quan điểm gìn giữ truyền thống của Trần Gia rất đáng ghi nhận. "Chúng tôi bán chất lượng để làm thương mại. Chúng tôi không bán rẻ uy tín để làm thương mại", ông Toàn chia sẻ.

Khi đến trực tiếp cơ sở của ông Toàn mới cảm nhận được kỷ luật sắt trong một doanh gia truyền thống. Bà Huệ, mẹ ông Toàn, là "đại quản gia". Bố ông Toàn thì lo "chăm sóc khách hàng". Có chuyện bố ông Toàn từng vô tận một siêu thị nhập bánh chưng của mình và đòi đuổi việc một nhân viên tại đây vì bảo quản hàng của ông không chu đáo. Chuyện đến tận tai vị tổng giám đốc, vì đây là siêu thị có yếu tố nước ngoài nên họ rất chuyên nghiệp và chia sẻ, cuối cùng nhân viên nọ bị đuổi việc.

Ông Toàn còn dự tính mở website bảo tồn bánh chưng, xây nhà vườn trưng bày bánh chưng và rất nhiều thứ khác. Truyền thống là điều ông đặt rất nặng: "Dù chưa phải là đặc sản nhưng hamburger,  pizza hay KFC đã vô được Việt Nam và sống được. Trong khi, bánh chưng là đặc sản không thể thiếu trong ngày tết của người Việt Nam, tại sao mình không quảng bá, phát triển, để cho chính người nước ngoài bên đó phải dùng, phải thích?".

Nguyễn Lê Nguyên


Trường thuê, thầy tạm


Để trường ngoài công lập bình đẳng với công lập 

 
16/01/2011 23:54 
Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) đang xây dựng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Phát triển hơn 20 năm, hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục Việt Nam. Thế nhưng, đến nay các trường này vẫn "tự bơi", không được hỗ trợ đúng mức và bị phân biệt đối xử.

Do gặp phải nhiều khó khăn nên các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hiện nay vẫn chưa đạt được quy mô và chất lượng tốt.

Không có trường

Theo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2010, đại đa số các cơ sở giáo dục NCL trong đề án thành lập trường đều được các địa phương cam kết hỗ trợ quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng trường, nhưng trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Một số trường sau nhiều năm thành lập vẫn chưa có địa điểm xây dựng (trường ĐHDL Đông Đô, ĐHDL Văn Hiến, ĐHDL Hùng Vương TP.HCM...) hoặc phải tự xoay xở trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng (trường ĐH Đại Nam). Hiện vẫn còn 15/78 trường NCL mới thành lập chưa xây dựng trường tại địa điểm đăng ký nên phải thuê mướn cơ sở để tổ chức đào tạo. Hầu hết các cơ sở này đều thiếu diện tích cho sinh viên (SV) vui chơi và hoạt động thể dục thể thao.

Chỉ riêng tại TP.HCM, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng hiện có tới 10 cơ sở nằm khắp các quận huyện. Trường ĐH Văn Hiến hơn 13 năm thành lập nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở chính thức mà phải đi thuê khắp nơi. Năm 2006, trường này được cấp lô đất rộng 5,6 ha tại huyện Bình Chánh nhưng hiện giờ vẫn chưa giải quyết xong việc giải tỏa đền bù. Trong khi đó, mỗi năm trường phải bỏ ra 7 tỉ đồng để thuê 4 cơ sở giảng dạy. Cũng tương tự, trường ĐH Hùng Vương TP.HCM được thành lập vào tháng 5.1995 nhưng tất cả 8 cơ sở hiện nay đều thuê mướn. Thậm chí, có cơ sở phải nằm trong khuôn viên của một cơ quan khác.

Thiếu giảng viên

Theo Bộ GD-ĐT, tỷ lệ SV/giảng viên (GV) của cả nước là 28 SV/GV đã quá cao so với quy định. Tuy nhiên, kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy ở một số trường NCL tỷ lệ này còn đáng báo động hơn, thậm chí có nơi trên 40 SV/GV như: ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM: 47,3 SV/GV, ĐH Tây Đô: 44,2 SV/GV, ĐH Quốc tế Hồng Bàng: 40,2 SV/GV… Không chỉ vậy, ở hầu hết các trường NCL, số GV thỉnh giảng luôn nhiều hơn GV cơ hữu. Cá biệt, có trường như ĐH Đông Đô chỉ có 53 GV cơ hữu, trong khi số GV thỉnh giảng là 375. Theo báo cáo của trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm 2009, số lượng GV thỉnh giảng chiếm gần gấp đôi so với GV cơ hữu (627/363). Ở trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học cũng tương tự (203/112). Không ít trường hợp danh sách GV thỉnh giảng của một số trường trùng nhau vì tập trung vào một số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có tên tuổi. Số giờ giảng của GV ở một số trường, một số môn học quá cao. Theo quy định hiện hành, giáo sư và GV cao cấp giảng dạy 360 giờ/năm, phó giáo sư và GV chính: 320 giờ; GV: 280 giờ. Tuy nhiên, thực tế nhiều GV trường NCL dạy tới 1.000 giờ/năm!

Khó tuyển sinh

Theo quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT thì đến năm 2020, toàn quốc phải đạt 4,5 triệu SV, trong đó số SV các trường ĐH dân lập/tư thục sẽ chiếm 30-40% tổng số SV cả nước, tức khoảng 1,5 triệu SV. Tình hình thực tế lại không theo quy hoạch vì thời gian qua dù số lượng các trường NCL tăng lên nhanh chóng nhưng quy mô SV lại tăng rất chậm, thậm chí có năm còn tụt giảm.

Nếu trong năm 1997 cả nước có 15 trường NCL thì đến tháng 9.2009 con số này đã là 78. Theo báo cáo tổng kết giáo dục ĐH năm học 2006-2007 của Bộ GD-ĐT, tổng số SV các trường ĐH, CĐ NCL năm này là 139.121 SV (chiếm 9,83% trong tổng số SV ĐH, CĐ trong toàn quốc), giảm so với năm học trước đó. Lý giải chuyện này, Bộ cho rằng, do trường công lập tăng, các trường tư thục mới thành lập chưa có lực lượng GV nên quy mô tuyển sinh nhỏ. Tuy nhiên, số lượng này cũng không tăng bao nhiêu trong những năm học sau. Tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ năm học 2008-2009 là 1.719.499 SV, trong đó khối NCL có 218.189 SV, chiếm 12,7% so với tổng quy mô đào tạo của cả nước.

Đỉnh điểm là năm 2010, năm mà rất nhiều trường NCL gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường NCL năm này vẫn tiếp tục tăng nhưng rất nhiều trường đã không tuyển đủ chỉ tiêu được giao và đã phải đóng cửa một số ngành học. Sau kỳ thi tuyển sinh năm 2010 vừa qua, nhiều trường NCL đã không khỏi lo lắng. GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng trường ĐHDL Hải Phòng - tâm sự: "Nếu không có SV thì sớm muộn nhiều trường NCL sẽ chết".

Đây cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia đã nhận định, với tốc độ phát triển như hiện nay và nếu trong hoàn cảnh như bây giờ thì các trường NCL không thể đảm bảo được quy mô tăng số lượng SV như đã đề ra.

Theo quy định, chỉ tiêu bình quân diện tích đất/SV là 55 - 85 m2/SV. Tuy nhiên, đến hết năm 2009 tổng diện tích đất đai của 32 trường ĐH, CĐ trong nội thành TP.HCM là 256,2 ha, bình quân 12,9 m2/SV. Trong đó, 7/31 trường chỉ có từ 0,4 m2 - 9 m2/SV. Nhiều trường NCL tỷ lệ này rất thấp như: trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng là 0,51 m2/SV; ĐH Văn Lang: 0,64 m2/SV; ĐH Ngoại ngữ - Tin học: 0,46 m2/SV; ĐH Hoa Sen: 3,27 m2/SV...

Ý kiến

"Các trường ĐH công lập được Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để có đất, có trường, có cơ sở vật chất, có tiền. Trong khi đó, các trường NCL phải "tự bơi" hoàn toàn. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi về đất đai để xây trường, mà phải là đất "sạch". Nếu Nhà nước giao đất nhưng lại giao thêm cho trường cả khâu tự giải tỏa đền bù, tự lo kinh phí để xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất thì đối với chúng tôi là khó khăn quá lớn".

Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng
Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến

"Mọi người chen chân vào các trường công lập vì đều nghĩ học các trường công lập không phải đóng tiền, được Nhà nước tài trợ. Điều đó khiến cho các trường NCL chỉ "vớt" được các thí sinh kém".

PGS-TS Lê Văn Lý
Hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương TP.HCM

Vũ Thơ - Đăng Nguyên - Hà Ánh


Cách phát hiện sớm các tập tin có mã độc của tin tặc

Source: http://huynhlely.multiply.com/journal/item/2111/2111


Để phát hiện sớm các tập tin có cài mã độc tin tặc gửi đến, bạn cần làm, cần lưu ýnhững điều sau đây:


  • Hiển thị phần mở rộng của tập tin lên trong Windows 

  • Thấy người lạ gửi  tập tin .RAR, ZIP hay các dạng nén khác như 7z, gzip, tar, cab, z, arj, ….. thì phải nghi ngờ và hết sức cẩn trọng

  • Nếu giải nén ra và thấy tên tập tin thật dài thì rất là đáng nghi và phải kiểm lại ngay coi tập tin thuộc dạng nào

  • Nếu nhận được một tập tin lạ, không bao giờ lấy quyết định chỉ dựa vào hình icon của tập tin. Phải kiểm lại phần mở rộng xem thuộc dạng nào.


Tại sao nhiều người sử dụng vi tính vẫn hay bị mắc bẫy của tin tặc để mở các tập tin có cài mã độc khiến máy vi tính bị dính spyware   Để hiểu tại sao và biết cách tránh né, xin mời bạn đọc phần trình bày sau đây:
Trong máy vi tính sử dụng hệ điều hành Windows XP, Vista, Win7, tên của tập tin có hình dạng như sau: 

Tên tập tin . phần mở rộng 
File name . file extension

Thí dụ như:  VuotTuongLua.DOC,   firewall.PDF,  winword.EXE, v.v….
Phần mở rộng trong tên tập tin giúp người dùng biết được tập tin thuộc loại nào. Nếu bạn nhận được một tập tin .DOC của ai đó gửi đến thì có lẻ bạn sẽ mở ra xem thử. Còn nếu ai đó gửi cho bạn một tập tin dạng .EXE thì bạn sẽ rất ngần ngại để mở ra vì biết đâu chừng đây là mã độc. 
Điều đáng tiếc là Windows lúc cài đặt vào máy xong thì nó mặc định tắt hẵn đi phần mở rộng của tên tập tin. Do đó thay vì thấy 

VuotTuongLua.DOC,   firewall.PDF,  winword.EXE, v.v….
Thì bạn chỉ còn thấy:
VuotTuongLua,   firewall,  winword, v.v….

Để đoán biết tập tin thuộc dạng nào, bạn chỉ có thể nhìn vào icon của tập tin đó:
 



Đại đa số người sử dụng khi mua máy vi tính về dùng thì để nguyên tình trạng mặc định như vậy.  Vì thế tin tặc mới lợi dụng điểm này để gửi mã độc dạng .EXE nhưng lại trá hình làm tập tin dạng .DOC.  
Nếu tin tặc gửi tập tin có tên là  "Tin giut gan sot deo.DOC.EXE" đến cho bạn và vì máy mặc định không hiển thị phần mở rộng cho nên khi nhận được bạn chỉ thấy là "Tin giut gan sot deo.DOC". Bạn đinh ninh đây là tập tin dạng .DOC. Chẳng những thế tin tặc còn đổi hình icon của tập tin lại theo đúng hình icon DOC khiến cho bạn đinh chắc đây là tập tin .DOC.  Bạn bấm mở ra xem.Tin tặc cẩn thận cho hiển thị một bài .DOC hiện ra cho bạn xem khiến bạn không chút hoài nghi là mình đang mở một tập tin .DOC ra xem mà không ngờ rằng mã độc đang âm thầm chạy và cài đặt vào trong máy. 
Đến đây thì bạn chắc đã thấy nhu cầu bắt buộc phải hiển thị phần mở rộng của tập tin lên để có thể biết được mình đang xem loại tập tin gì, có an toàn để mở ra xem không. Cuối bài viết này sẽ chỉ cho bạn cách hiển thị phần mở rộng lên. 
Tuy nhiên mưu mô của tin tặc chưa hết đâu. Xin trình bày tiếp để bạn biết rõ những trò tinh ranh của tin tặc. 
Nếu máy bạn đã hiển thị phần mở rộng và tin tặc gửi tập tin với tên tương đối ngắn như là "Tin giut gan sot deo.DOC.EXE" thì sẽ không qua mặt được bạn. Do đó chúng sẽ đặt tên cho tập tin thật là dài, thí dụ như là: 
Cac vi tri nhan su dai hoi dang XI cua CSVN vao thang 1 nam 2011 sap toi.exe
Với cái tên dài thường thượt như thế, trên màn ảnh của bạn chỉ thấy là
 


Nhìn thoáng qua thấy có vẻ đúng là tập tin dạng .DOC, nhiều người sẽ mắc lừa và bấm mở ra xem. Do đó khi bạn thấy một tập tin nào mà tên dài thật là dài đến độ không thấy phần mở rộng đâu cả thì chớ vội mở ra xem. Mà nên xem phần đặc tính (properties) của tập tin 
 


Tin tặc thường dùng email miễn phí như Gmail hay Yahoo để phát tán mã độc. Các dịch vụ Gmail, Yahoo thì không cho phép gửi tập tin dạng .EXE. Do đó tin tặc thường phải nén lại thành dạng RAR hay ZIP là những dạng nén phổ thông. Thành ra khi bạn nhận đuợc tập tin .RAR, ZIP từ người lạ thì phải nghi ngờ liền. 
Tóm tắt lại, để phát hiện sớm các tập tin có cài mã độc tin tặc gửi đến, bạn cần làm, cần lưu ý những điều sau đây

  • Hiển thị phần mở rộng của tập tin lên trong Windows

  • Thấy người lạ gửi  tập tin .RAR, ZIP hay các dạng nén khác như 7z, gzip, tar, cab, z, arj, ….. thì phải nghi ngờ và hết sức cẩn trọng

  • Nếu giải nén ra và thấy tên tập tin thật dài thì rất là đáng nghi và phải kiểm lại ngay coi tập tin thuộc dạng nào

  • Nếu nhận được một tập tin lạ, không bao giờ lấy quyết định chỉ dựa vào hình icon của tập tin. Phải kiểm lại phần mở rộng xem thuộc dạng nào.



Cách hiển thị phần mở rộng trong Windows

Cho Windows XP
Mở bất cứ ngăn (folder) nào đó ra. Từ menu chính, chọn Tools, rồi Folder Options
 


Khi khung Folder Options hiện ra, bấm vào bảng View, trong phần Advanced settings, tắt (đừng đánh dấu)  hàng Hide extensions for known file types như hình dưới đây. Bấm nút OK để hoàn tất.

 


Cho Windows Vista, Windows 7
Mở bất cứ ngăn (folder) nào đó ra. Trong thanh công cụ bên trên, chọn Organize, rồi chọn Folder and search options.

 



Khi khung Folder Options hiện ra, bấm vào bảng View, trong phần Advanced settings, tắt (không đánh dấu) hàng Hide extensions for known file types như hình dưới đây. Bấm nút OK để hoàn tất.

Nghệ sĩ hài Kim Ngọc đột ngột qua đời

Nghệ sĩ Kim Ngọc, mẹ diễn viên Hiếu Hiền, qua đời vào lúc 11h30 ngày 16/1 vì đột quỵ, thọ 67 tuổi. Tin nữ danh hài của làng kịch Sài Gòn bất ngờ ra đi khiến giới sân khấu bàng hoàng.
Kim Ngọc - nét hài duyên dáng, mặn mà

Theo lời kể của các đồng nghiệp, trưa 16/1, khi đang ở Long Thành, Đồng Nai, Kim Ngọc kêu mệt và được đưa vào bệnh viện tại đây nhưng sau đó bà bị tăng huyết áp và đột tử.

Nghẹn ngào trong nước mắt, nghệ sĩ Phước Sang cho biết, không chỉ riêng anh mà các nghệ sĩ, diễn viên hài trong giới sân khấu đều quá bàng hoàng, sửng sốt trước tin buồn này. Tại nhà riêng của Kim Ngọc, lúc 21h, đứng bên cạnh thi hài của nữ nghệ sĩ mà "bầu" Phước Sang cũng không dám tin đó là sự thật. "Má Ngọc là người quá dễ thương, quá tử tế, tận tâm, nhiệt thành với em cháu, bạn bè, với sân khấu cải lương, hài kịch. Sự ra đi của má là mất mát quá lớn. Tin dữ đến đột ngột đến nỗi, Hiếu Hiền không kịp phản ứng. Hiện giờ Hiếu Hiền đang nuốt nước mắt vào trong lên sân khấu diễn sô hài đã thỏa thuận trước", Phước Sang xúc động nói.

Diễn viên hài Quốc Thuận cũng bùi ngùi cho biết, trưa nay, anh cùng các nghệ sĩ như Phú Quý, Vân Quang Long, Hồng Tơ, Minh Nhí… đang quay chương trình đón xuân ở phim trường thì được danh hài Tấn Beo báo tin buồn. "Không ai tin đó là sự thật và mọi người đều nghĩ rằng mình nghe nhầm vì ở lần gặp cuối với má Ngọc cách đây không lâu, tôi thấy bà vẫn còn khỏe khoắn, tinh anh", Quốc Thuận nói.

Nghệ sĩ Phước Sang cho biết, Ban chấp hành hội sân khấu TP HCM và các anh em nghệ sĩ đang cùng nhau giúp gia đình vượt qua nỗi đau quá lớn này.

Nghệ sĩ Kim Ngọc (phải) cùng Tấn Beo diễn một tiết mục hài vui nhộn trong đám cưới của con trai là Hiếu Hiền vào đầu tháng 12/2010.

NSƯT Kim Ngọc sinh năm 1943 tại Giồng Ông Tố, quận Thủ Đức, TP HCM. Thuở nhỏ, bà phải vất vả để phụ mẹ chăm sóc 14 người em.

Là một trong những diễn viên hài đắt sô hiện nay nhưng khởi nghiệp, Kim Ngọc ghi dấu ấn ở lĩnh vực cải lương. Sinh ra trong một gia đình chẳng ai theo nghề hát, chỉ vì "ghiền" nghe Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, cô Thanh Nga..., Kim Ngọc xin gia đình đi theo đoàn cải lương Tây Đô (Sài Gòn) vừa học vừa diễn. Sau đó, bà theo đoàn Minh Bằng, rồi lần lượt qua các đoàn Dạ Lý Hương, đoàn Bạch Tuyết, Hùng Cường, đoàn Trần Hữu Trang...

Ngày trước, với vóc dáng thon mảnh, bà toàn vào những vai "đắt" trong những vở cải lương nổi tiếng một thời của sân khấu phía Nam: vai Mai Đình (đóng chung với Hùng Cường) trong Hàn Mặc Tử, vai Chu Chỉ Nhược (đóng chung với Tấn Tài, Thanh Sang, Ngọc Giàu, Hồng Nga) trong tuồng Cô gái Đồ Long, vai Kim Liên trong vở Kiều Nguyệt Nga, vai thơ đồng đi theo Kim Trọng trong tuồng Trăng thề vườn thúy... Bây giờ, mỗi lần đi lưu diễn ở tỉnh xa hay ra nước ngoài, những khán giả lớn tuổi vẫn còn nhớ hình ảnh Kim Ngọc trong những vai đào thương, đào lẳng ngày nào.

Bà cùng con trai lập nhóm hài được đông đảo khán giả yêu thích.

Sau năm 1975, khi sân khấu cải lương ngày càng vất vả để tìm hướng phát triển thì cũng là giai đoạn bà từ 39-40 kg tăng lên hơn 60 kg với chiều cao rất khiêm tốn... Không buồn vì sự thay đổi đột ngột về vóc dáng, bà đến với sân khấu kịch và nổi lên với vai cô Tư "Xả Láng" trong loạt tiểu phẩm của chương trình Trong nhà ngoài phố (Đài truyền hình TP HCM), đóng cặp với diễn viên hài Quốc Hòa. Khi những tụ điểm sân khấu hài ở thành phố mọc lên ngày càng nhiều, Kim Ngọc lập nhóm với Tấn Beo và là nhóm hài được khán giả yêu thích. Khi Tấn Beo tách ra diễn với Tấn Bo, bà cùng người con trai út của mình lập nhóm hài Kim Ngọc - Hiếu Hiền, "chuyên trị" những tiểu phẩm hài phục vụ tầng lớp bình dân.

Thoại Hà