THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 September 2011

Nghệ An: Quốc lộ 7 tan tành sau mưa lũ

(Dân trí) - Mưa lớn kéo dài gần 1 tuần nay tại Nghệ An làm hàng ngàn bản làng bị chia cắt, hàng ngàn ngôi nhà ngập, sập... Đặc biệt, tuyến giao thông huyết mạch nối với Lào - quốc lộ 7 đã tan tành sau mưa lũ.
 >>  Hàng trăm người dân vẫn ngập chìm trong lũ
Quốc lộ 7, huyết mạch giao thông đi qua các huyện Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn, qua cửa khẩu Nậm Cắn (ở huyện biên giới Kỳ Sơn) sang nước bạn Lào, những ngày qua trở nên ách tắc, bởi sạt lở núi, xói bờ sông ... do mưa lũ gây nên. 
 
Ghi nhận của phóng viên, những ngày này tuyến quốc lộ 7 đoạn qua địa bàn huyện Tương Dương và Kỳ Sơn có khoảng 100 điểm sạt lở từ 50m3 - 400m3... Đặc biệt, tại km 172+750 thuộc khu vực bản Bủng, xã Khe Kiền trong ngày 15/9 một quả đồi đã sạt lở khiến hơn 10.000m3 đất, đá đổ sập xuống đường, gây ách tắc giao thông.
 
Đến chiều ngày 16/9 giao thông qua đoạn này đã cơ bản thông một làn xe nhỏ, tuy nhiên, vẫn có nhiều phiến đá lớn kèm theo đất tiếp tục rơi từ trên đồi cao xuống, rất nguy hiểm đến tính mạng, phương tiện qua lại. Trong khi đó, dọc bờ sông Nậm Mộ tại km 165+300 nước từ thượng nguồn Kỳ Sơn đổ về chảy xiết đã gây xói lở, ăn sâu vào phần mặt đường với chiều dài khoảng 30m. Đáng chú ý tại km 150+1100 mưa lớn kèm theo nước xoáy dòng sông Nậm Mộ gây lún sụt ta ly âm với chiều dài 30m, khả năng sẽ ăn hết phần đường quốc lộ 7 nếu không được khắc phục kịp thời.
 
Hiện cán bộ, công nhân viên Cty TNHH Một thành viên, Quản lý và Xây dựng đường bộ 495 đóng trên địa bàn huyện Tương Dương (thuộc khu QLĐB 4, Nghệ An) đang ráo riết san ủi, gạt đường để thông đường nhiều đoạn nguy hiểm trong thời gian sớm nhất.  
 
Đây là trận lũ thứ hai kể từ cơn lũ quét cuối tháng 6/2011 vừa qua. Nếu mưa lớn tiếp tục diễn ra, việc đứt đường trong những ngày tới là nguy cơ được đề cập.
 
Những hình ảnh mới nhất tại quốc lộ 7 được phóng viên Dân trí được ghi lại:
 
Sau cơn mưa, điểm cạnh sông Nậm Mộ bị lún sụt...
 
 
... đất đá từ đồi cao
 Lan can đường bị lũ tàn phá
 Nhiều đoạn đường bị sạt lở từ trên đồi cao gây tắc giao thông.
 
Một chiếc cống qua quốc lộ 7 bị xói lở nghiêm trọng.
Phần đường cũ của Quốc lộ 7 (trải thảm). Cơn lũ cuối tháng 6/2011 đã ăn gần hết đường và phải bạt núi đổ bê tông để thông xe... 
... nhưng cơn mưa kéo dài từ 9-15/9 quốc lộ 7 tiếp tục nứt, sạt lở nghiêm trọng hơn.
 
 Hối hả "vá" quốc lộ 7
Một điểm sạt lở ta ly âm do sông Nậm Mộ khoét sâu vào lòng đường
 
Cảnh báo
 
 Hàng ngàn khối đất đá từ đồi cao đổ xuống quốc lộ 7....
 
và..... Quốc lộ 7 tan tành, tắc đường kéo dài trong những ngày qua....
 
 
6 người chết, gần 2.000 ngôi nhà ngập, sạt lở
Theo báo cáo nhanh của BPCLB - TKCN Nghệ An, đến chiều 16/9, Nghệ An có 6 người chết: Hai mẹ con chị Vi Thị Mùi 40 tuổi và Vi Thị Dung 16 tuổi, ở bản Kẻ Trắt xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, bị lũ cuốn trôi ngày 11/9/201; Ông Hoàng Văn Quý 42 tuổi, ở xóm Canh xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, bị lũ cuốn trôi ngày 11/9/2011; Cháu Trương Hữu Hiếu, 5 tuổi, xóm 12, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, chết do ngã xuống mương ngày 13/9/2011; cháu Nguyễn Thế Tài, 9 tuổi, xóm 1 xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn và Chu Thị Tình, 30 tuổi, xóm 10, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu.
Nghệ An có hơn 1.966 ngôi nhà bị trôi, sập, sạt lở, nhà phải di dời...; 46 phòng học, nhà công vụ giáo viên hư hỏng. Diện tích lúa bị ngập là gần 15.790 ha; thiệt hại trên 75% năng suất. Diện tích ngô và rau màu bị ngập gần 8.000 ha, coi như mất trắng. Gia cầm, lợn, trâu bò bị cuốn trôi gần 2.900 con. Kè, kênh bê tông bị sạt lở hơn 40.000m. Có khoảng 180 cầu máng, đập nước, tràn... bị hư hỏng. Đường giao thông sạt lở gần 30.000 m3 đất đá, khoảng 60.000m đường...
 
 Ước tính thiệt hại gần 690 tỷ đồng.
 
 
Nguyễn Duy - Nguyễn Thành

Mục đích họp phụ huynh đầu năm học chỉ là tiền (!?)

(Dân trí) - Hầu hết các cuộc họp phụ huynh đều đặt nặng nội dung là các khoản thu chi mà phụ huynh phải đóng góp chứ ít ai bàn đến các biện pháp phối hợp giáo dục học sinh như thế nào cho có hiệu quả.
 >>  Tham khảo cách họp phụ huynh ở nước ngoài
 >>  Họp phụ huynh học sinh sao cho có hiệu quả thật sự
 
Đầu năm học các trường đều tổ chức họp phụ huynh. Mục đích cuộc họp phụ huynh là để nhà trường thông qua kế hoạch hoạt động trong năm học và tìm tiếng nói chung kết hợp giữa phụ huynh, giáo viên và nhà trường để thực hiện kế hoạch.

Tuy nhiên, hầu hết các cuộc họp phụ huynh đều đặt nặng nội dung là các khoản thu chi mà phụ huynh phải đóng góp chứ ít ai bàn đến các biện pháp phối hợp giáo dục học sinh như thế nào cho có hiệu quả. Điều này cũng giống như dạy học hiện nay còn mang nặng cách truyền đạt một chiều, giáo viên chủ nhiệm phổ biến các thông báo của nhà trường còn phụ huynh thì lắng nghe ít người lên tiếng. Thông thường, người nào “lỡ miệng” nói nhiều lập tức “được bầu” vào ban chấp hành hội phụ huynh thì cũng khổ!

Chất lượng giáo dục, luôn là vấn đề nóng bỏng được toàn xã hội quan tâm. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên thuộc ngành giáo dục mà trực tiếp là nhà trường và các thầy cô giáo. Trường nào có cán bộ quản lí tốt, giáo viên đủ năng lực và tâm huyết với nghề thì chắc chắn hiệu quả giáo dục sẽ cao. Chính vì vậy mà vấn đề chạy trường hằng năm thường xuyên xảy ra là tất yếu! Giải quyết vấn đề này  không đơn giản, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn “xây dựng và nâng cao chất lượng  đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục” và tiếp tục cuộc vận động “Mỗi thấy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đồng thời giảm tái nội dung chương trình sách giáo khoa.

Các cuộc họp phụ huynh giờ đây đều đặt nặng nội dung là các khoản thu chi mà phụ huynh phải đóng góp (nguồn ảnh: internet)
 
Còn về phía phụ huynh, trách nhiệm thế nào trong việc giáo dục con cái?
 
Trước hết, gia đình là nền tảng của xã hội. các bậc làm cha, làm mẹ là những “nhà giáo” đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ em trước khi bước vào trường học, cha mẹ thiếu  đạo đức, không gương mẫu làm sao có con ngoan!

Áp lực của cha mẹ đặt lên con cái quá lớn, đồng ý rằng dân ta rất hiếu học nên coi trọng việc học là chính đáng, nhưng phụ huynh không phải là nhà “sư phạm” nên không hiểu cách dạy học như thế nào cho phù hợp với trình độ và tâm sinh lí của trẻ em. Ở nông thôn vẫn còn dạy con bằng roi vọt, ở thành thị thì bắt ép con học quá mức, học thêm đủ các môn, từ tiểu học đến trung học, học sinh suốt ngày đêm chỉ biết học, học và học…không còn thời gian tự học, vui chơi giải trí! Điều đáng mừng là mấy năm gần đây, nhiều học sinh đậu thủ khoa thi vào đại học là những đứa trẻ gia đình có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nhưng biết vượt khó, chăm lo tự học. Đó là tấm gương cho phụ huynh trong việc giáo dục con cái. Không nên bắt buộc con em chiều theo ý mình quá mức gây ra những phản ứng tiêu cực!

Không ai bắt học sinh tiểu học mang một chiếc cặp nặng đến 5kg tới trường, chỉ có phụ huynh trang bị đủ thứ đấy thôi! Về sách giáo khoa học sinh tiểu học chỉ có từ 6 đến 9 cuốn, trung học phổ thông trên 20 cuốn. mỗi ngày đến trường chỉ cần mang theo những cuốn theo môn học trong thời khoá biểu. Còn sách tham khảo phải biết chọn lọc sách gì cần thiết để tránh lãng phí  vả lại học sinh chẳng có thời gian để tham khảo.

Hiện nay, máy tính là phương tiện thông tin hiện đại giúp mở mang kiến thức, nhiều gia đình trang bị máy tính để con em có thêm phương tiện học tập, nhưng đó cũng là “con dao hai lưỡi”, nếu học sinh dùng máy tính chỉ để chơi game hay truy nhập vào các trang web xấu thì trở thành một tai hoạ! Phần lớn học sinh đến các trung tâm dịch vụ internet là để chơi game và hậu quả như thế nào thì chúng ta đã biết qua các phương tiện thông tin hàng ngày.

Vì vậy, phụ huynh không nên quá đặt nặng trách nhiệm cho nhà trường mà quên đi bổn phận của mình, cần tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình (thông qua giáo viên) để phối hợp giáo dục học sinh, con em, góp phần tạo nên những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

                                                                         Trần Xuân Khoá
                                                                        (Giáo viên nghỉ hưu)

Những dự án đại đô thị tan thành mây khói

( 10:36 AM | 19/09/2011 )
Đã một thời, Quốc Oai, Hà Nội được mệnh danh là “thiên đường đô thị” với hàng loạt dự án tầm cỡ, nằm ở những vị trí đắc địa có diện tích từ 1.000 ha trở lên. Tuy nhiên, sau khi có quy hoạch xây dựng chung Hà Nội, hàng loạt dự án đô thị, du lịch ở đây sẽ không thể tiếp tục được thực hiện.
Ồ ạt những dự án đại đô thị

Những dự án đại đô thị tan thành mây khói  - Tin180.com (Ảnh 1)
Một trong số ít dự án đô thị ở Quốc Oai được tiếp tục triển khai

Ngay từ năm 2000, mảnh đất Quốc Oai đã được các doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng để mắt đến. Từ năm 2005 trở đi, các dự án đô thị chính thứcbắt đầu được triển khai. Sau khi đường Láng – Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long) được đầu tư xây dựng, Quốc Oai trở thành địa bàn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Có thể nói, tốc độ phát triển các dự án đô thị ở Quốc Oai trong các năm từ 2005- 2008 tăng như vũ bão. Tính đến khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội tạm dừng triển khai các dự án để rà soát (Thông báo số 240/TB-VPCP ngày 05/9/2008), trên địa bàn huyện Quốc Oai có 8.523 ha đất nằm trong các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn huyện có tới 8 khu đô thị với tổng diện tích quy hoạch: 5.911,42 ha.

Trong đó, có 6 khu đô thị đã giao chủ đầu tư với tổng diện tích 4.751,32 ha. Đây đều là những khu đô thị có quy mô đồ sộ với vốn đầu tư dự tính hàng nghìn tỷ đồng như khu đô thị Quốc Oai, tổng diện tích quy hoạch 1.300 ha, đã có 7/31 trong khu đô thị này dự án đã có quyết định thu hồi đất giao chủ đầu tư. Khu đô thị Ngọc Liệp – Đồng Trúc được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 ngày 29/02/2008, tổng diện tích 2.300 ha, có 02 dự án phê duyệt quy hoạch 1/500; 11 dự án còn lại đã có quyết định giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch 1/500.

Khu đô thị thương mại Quốc Oai do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư đã có quyết định thu hồi đất – giao đất cho chủ đầu tư, diện tích 940,74 ha. Khu đô thị Tiến Xuân do Công ty TNHH một thành viên SUDICO Tiến Xuân làm chủ đầu tư, diện tích 1.115 ha, đã có quyết định thu hồi đất, giao đất cho chủ đầu tư số.

Khu đô thị Làng Thời đại tổng diện tích 150 ha, trong đó có 70 ha thuộc xã Đông Yên, mới được phê duyệt quy hoạch 1/2000, chấp thuận đầu tư. Khu đô thị Đồng Quang tổng diện tích 118,54 ha, mới có 01 chủ đầu tư được phê duyệt quy hoạch 1/500.

Bên cạnh đó là 2 đồ án phát triển đô thị lớn đang ở giai đoạn nghiên cứu lập quy hoạch là đô thị Nam Phú Cát và đô thị Hòa Phú, tổng diện tích 1.160,1 ha và 4 dự án du lịch với diện tích lên đến 1.084,43 ha. Trong đó có 2 dự án đã có quyết định thu hồi đất, giao đất chủ đầu tư là dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Quốc tế Tuần Châu Hà Tây và dự án Đầu tư phát triển rừng và kinh doanh dịch vụ sinh thái Hà Phú.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Quốc Oai còn có vài chục dự án phát triển đô thị nhỏ lẻ có diện tích từ vài ha đến hơn chục ha nằm rải rác ở hầu hết các xã. Đã có một thời, giới đầu tư bất động sản đổ xô về Quốc Oai mua đất, trong đó có cả những người mua đất nông nghiệp, đất vườn đồi để đón trước quy hoạch. Khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, phần lớn đều tin tưởng rằng Quốc Oai sẽ tương tự huyện sát bên là Hoài Đức nhanh chóng được đô thị hóa với hàng loạt khu đô thị, hàng loạt dãy nhà cao tầng, biệt thự mọc lên.

Kẻ khóc người cười
Sau khi quy hoạch xây dựng chung Hà Nội được công bố, đã xảy ra biến động lớn trong các dự án, đồ án phát triển đô thị ở Quốc Oai.

Theo ông Hoàng Sen, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, kết quả rà soát các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trên địa bàn huyện Quốc Oai có 79 dự án đầu tư, diện tích 8.523 ha. Nay theo quy hoạch chung, Quốc Oai chỉ có khoảng 1.750 ha nằm trong đô thị sinh thái Quốc Oai, khoảng 2.250 ha nằm trong quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Như vậy hơn một nửa diện tích các dự án đã quy hoạch sẽ không được triển khai trong đó có dự án đã giải phóng mặt bằng.
Biến động mạnh nhất là dự án khu đô thị Ngọc Liệp- Đồng Trúc từ chỗ có diện tích 2.100 ha nay chỉ còn khoảng 700 ha, phần thuộc xã Đồng Trúc bị loại bỏ vì nằm trong vành đai xanh, phần còn lại ở xã Ngọc Liệp chỉ có thể phát triển theo hướng xây dựng đô thị sinh thái.

Những dự án đại đô thị tan thành mây khói  - Tin180.com (Ảnh 2)
Dự án KĐT Tiến Xuân rộng cả nghìn ha

Tiếp theo là dự án Khu đô thị thương mại Nam Cường cũng không thể thực hiện như quy hoạch ban đầu vì nằm trọn vẹn trong thị trấn sinh thái Quốc Oai.

Tuy nhiên, vẫn có những chủ đầu tư cười thầm vì dự án của mình thoát khỏi quy hoạch. Điển hình là dự án khu đô thị Tiến Xuân (do Sông Đà Sudico làm chủ đầu tư). Mặc dù nằm tận trong xã Đông Xuân nhưng thật may mắn, khu đô thị cả nghìn ha này lại nằm trong quy hoạch xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc. 31 dự án nằm trong đô thị Quốc Oai cũng vậy, nhiều khả năng sẽ được giữ nguyên vì không nằm trong vành đai xanh.

Ông Đỗ Lai Luật, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai cho biết, theo định hướng quy hoạch xây dựng đô thị trong quy hoạch chung xây dựng Hà Nội vừa được Thủ tướng phê duyệt, điều chỉnh rõ nét đến xây dựng ở Quốc Oai sẽ là quy hoạch đô thị sinh thái Quốc Oai và một phần trong đô thị vệ tinh Hòa Lạc.
Theo đó, đô thị sinh thái Quốc Oai có diện tích khoảng 2000 ha, lấy Thị trấn làm trung tâm, có phát triển dọc theo phía Nam Đại lộ Thăng Long, chạy từ Thị trấn đến giáp đê Tả Tích. Đô thị sinh thái Quốc Oai được nâng cấp từ Thị trấn hiện có, có chức năng dịch vụ tổng hợp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làng nghề và giải quyết việc làm tại chỗ, phát triển các dịch vụ sinh thái gắn với bảo tồn di tích và cảnh quan trong hành lang xanh. Dân số dự kiến khoảng 3 -5 vạn người.

Đây là căn cứ để khẳng định khu đô thị Ngọc Liệp – Đồng Trúc sẽ chỉ còn khoảng 700ha và Khu đô thị thương mại Quốc Oai nhiều khả năng sẽ không thể triển khai.

Phần lớn diện tích của xã Đông Xuân, một phần của xã Phú Mãn, một phần của xã Phú Cát với diện tích khoảng 2000 ha nằm trong quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Cũng theo bản đồ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đường Hồ Chí Minh sẽ được nắn dịch về phía tây so với hiện nay, qua địa bàn các xã Phú Mãn và Đông Xuân, cách đường Hồ Chí Minh hiện nay từ 1,5 đến 2,5 km về phía Tây.

Với hàng chục dự án đô thị (diện tích hơn 4000ha) không tiếp tục được triển khai trên địa bàn huyện Quốc Oai câu hỏi đặt ra lúc này là thành phố Hà Nội sẽ có phương án gì để hỗ trợ các nhà đầu tư? Trước khi tìm ra phương án cần làm rõ những dự án bị điều chỉnh, bị dừng triển khai do vướng quy hoạch. Tuy nhiên, theo UBND huyện Quốc Oai, tất cả phải đợi kết quả kiểm tra, rà soát của UBND TP. Hà Nội.
Vĩnh Dương
Theo VTC

Báo Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ về Biển Đông

( 10:42 AM | 19/09/2011 )
Một tờ báo chính thống có ảnh hưởng ở Trung Quốc cảnh báo rằng “mọi biện pháp có thể” nên được sử dụng để ngăn Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC) Videsh tham gia các dự án thăm dò ở Biển Đông.
 
Theo báo The Hindu, một bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc mô tả thỏa thuận giữa ONGC và Việt Nam đang phản ánh các tham vọng ngày một gia tăng của Ấn Độ và dường như là một động thái của Ấn Độ "để đối phó với hành xử của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. "Ấn Độ nên nhớ rằng, các hành động của họ ở Biển Đông sẽ đẩy Trung Quốc đến giới hạn", báo dẫn lời bài xã luận cảnh báo như vậy.

Báo Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ về Biển Đông - Tin180.com (Ảnh 1)
Biển Đông

Thăm dò và khai thác tài nguyên giàu có ở Biển Đông là vấn đề phức tạp. Đây là vùng biển diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó Trung Quốc bằng việc đưa ra bản đồ 9 đoạn đã khẳng định chủ quyền với hầu hết vùng biển. Mùa hè này, cả Việt Nam và Philippines đã phản đối việc các tàu Trung Quốc quấy nhiễu, phá hoại, làm hư hỏng các tàu cá, tàu thăm dò của hai nước ở Biển Đông.

Trung Quốc không muốn các nước khác liên can vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ, họ thích giải quyết vấn đề với từng nước tranh chấp theo các điều khoản song phương, bởi hầu hết những nước láng giềng này đều nhỏ và yếu hơn Trung Quốc về kinh tế cũng như quân sự. Kế hoạch của Ấn Độ đối với các dự án thăm dò cùng Việt Nam sẽ bị Bắc Kinh coi là New Delhi đang can thiệp vào nơi họ hoàn toàn không muốn.

"Chúng ta không nên để lại ấn tượng với thế giới rằng, Trung Quốc chỉ tập trung vào phát triển kinh tế, chúng ta cũng không nên chỉ theo đuổi danh tiếng trở thành một "cường quốc hoà bình", bài xã luận nhấn mạnh. "Trung Quốc đã hòa bình lâu tới nỗi khiến một số nước hoài nghi. Trung Quốc cần nhắc nhở họ".
Những tuyên bố hùng hồn kiểu này đã làm gia tăng sự rủi ro vào đúng thời điểm quan hệ Trung – Ấn gặp căng thẳng. Như Nitin Gokhale hồi đầu năm nay có bài viết trên Diplomat nói rằng, trong khi các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ công khai bày tỏ quan ngại về cái gọi là chiến lược "Chuỗi hạt trai" của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, thì các nhà hoạch định quân sự Ấn Độ đã lặng lẽ thúc đẩy những liên minh ở châu Á.

Theo Gokhale, Ấn Độ không chỉ tăng cường quan hệ ở Đông Nam Á. "Ấn Độ còn hướng tới việc thúc đẩy các mối quan hệ ở Đông Á – và không chỉ với Nhật Bản. Tháng 9 năm trước, A.K.Antony, người nhanh chóng nổi bật trong vai trò một nhân vật lặng lẽ nhưng đầy hiệu quả của giới ngoại giao quân sự Ấn Độ, đã trở thành vị Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đầu tiên tới thăm Hàn Quốc".

Những động thái trên xuất hiện trong khi Ấn Độ nỗ lực tăng cường lực lượng hải quân và không quân để đối phó với sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc trong những năm gần đây.

"Ấn Độ sẽ cần đáp ứng những kỳ vọng cao nếu như đối mặt với thách thức lớn nhất – một Trung Quốc ngày càng quả quyết, điều mà các nhà hoạch định chiến lược Ấn Độ tin rằng, sẽ ngày càng mạo hiểm với khu vực lân cận Ấn Độ cũng như Ấn Độ Dương", Gokhale nhận xét.
Theo vietnamnet

Bệnh viện Mắt Hà Nội: Lập lờ tráo nhân thủy tinh thể?

( 9:38 AM | 19/09/2011 )
Nhiều bệnh nhân mổ thay nhân thủy tinh thể ở Bệnh viện Mắt Hà Nội bị tráo đổi nhân chất lượng thấp mà không biết, theo tài liệu một số bác sĩ cung cấp cho báo chí.
 
Bệnh viện Mắt Hà Nội: Lập lờ tráo nhân thủy tinh thể? - Tin180.com (Ảnh 1)
Cấu tạo của mắt

Bà Đặng Thị Thu (sinh năm 1955, trú tại TP Hải Dương), nhập viện ngày 13/4, xuất viện 19/4. Ngày 15/4, bà Thu nộp 6,4 triệu đồng nhưng thị lực “chỉ hơn trước một chút, nhìn bị loáng, chói”.

Giữa tháng 8, bà Thu vào Bệnh viện Mắt T.Ư, nộp 7,4 triệu đồng để thay nhân thủy tinh thể còn lại. Nhân thủy tinh thể thứ hai giúp bà nhìn tốt hơn. Ông Nguyễn Trọng Pháo, chồng bà Thu, nói: “Chúng tôi thấy họ (bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội) bảo đó là loại IQ của Mỹ, khá tốt. Họ đưa loại nào thì nhận loại đó, chứ biết thế nào đâu”. Ông Pháo cho biết, nếu đúng là có chuyện tráo đổi nhân như các bác sỹ tố cáo, ông sẽ làm đơn gửi Sở Y tế Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Hoàn (sinh năm 1947, trú tại Hà Nội) nhập viện cuối tháng 7 để thay nhân thủy tinh thể bên phải, nhưng đến nay thị lực vẫn chưa ổn định. Bởi vậy, dù đang bị đục thủy tinh thể bên trái, nhưng bà Hoàn không dám quay lại Bệnh viện Mắt Hà Nội để thay tiếp.

Bác sỹ Nguyễn Thị Minh Châu (đang công tác tại khoa Khám bệnh của bệnh viện này), cho biết: “Bệnh nhân không được tiếp cận và kiểm chứng nhân thủy tinh thể. Kể cả các bác sỹ không có nghiệp vụ chuyên khoa cũng không biết được. Chỉ phòng mổ Faco mới biết. Và khi mổ, không bác sỹ nào giải thích với bệnh nhân cả”. Faco là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể bằng việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới của ngành nhãn khoa thế giới. Nhân mắt đục thủy tinh thể sẽ được hút ra qua một đường rạch nhỏ và thay thế bằng thủy tinh thể mềm nhân tạo.

Theo bác sỹ Châu, nếu khi vào viện, bệnh nhân không mổ các loại nhân cao cấp khác thì đều được tư vấn mổ nhân IQ Alcon mềm của Mỹ với giá 6,5 triệu đồng đối với bệnh nhân thông thường và 2 triệu đồng đối với bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, khi một số bệnh nhân lên bàn mổ, thay vì được đặt nhân của IQ Mỹ mà mình đã chọn, họ bị tráo nhân HOYA và FOCUS. Hai loại nhân HOYA và FOCUS là của Singapore, giá bằng 1/3 so với IQ Alco của Mỹ. Nhiều bác sỹ, dược sỹ nói, đơn vị cung cấp thủy tinh thể của Singapore trích hoa hồng cho cơ sở y tế cao hơn của Mỹ.

Tài liệu của Bệnh viện Mắt Hà Nội cho thấy, bệnh viện đã bán nhiều nhân HOYA và FOCUS với giá nhân IQ Alcon cho bệnh nhân. Ví dụ, bệnh nhân mua nhân HOYA, FOCUS giá đắt là Nguyễn Bá Đen 62 tuổi, Nguyễn Thị Ngọc Ánh 66 tuổi, Đặng Thị Thu 56 tuổi, Nguyễn Thị Hoàn 61 tuổi…

Faco là phẫu thuật đặc biệt cần có 1 bác sỹ mổ và 2 bác sỹ phụ mổ. Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, nhiều ca phẫu thuật Faco chỉ có 1 bác sỹ mổ và 1 bác sỹ phụ mổ. Thậm chí chỉ có 1 bác sỹ mổ và không có bác sỹ phụ, theo một bác sĩ giấu tên.
Tiểu Vũ tổng hợp
(theo dantri)

MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG CÓ CẦN XÂY TƯỢNG 430 TỶ ĐỒNG? (VCTV NEWS)

19/09/2011 00:08

Các nhà chuyên môn cho rằng việc xây dựng tượng đài là cần thiết, nhất là tượng ghi công mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng vấn đề đặt ra là tượng đài đó được xây như thế nào để có ý nghĩa trong tâm thức người Việt, chứ không phải thật to lớn.


 Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, mô hình bằng chất liệu xi măng,
có tỉ lệ 1/1.


 


Lớn nhất Đông Nam Á

Ngày 14-7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã ký quyết định bổ sung 330 tỉ đồng cho dự án xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, lấy nguyên mẫu mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, tại khu vực núi Cấm (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), nâng tổng số tiền đầu tư từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh lên hơn 410 tỉ đồng, gấp 5 lần số tiền được phê duyệt ban đầu là 81 tỉ đồng (vào tháng 8-2007).

Toàn khối tượng đài có hình dáng của một ngọn núi nhô cao ở giữa và thoải dần ở hai bên. Chính giữa khối tượng đài là chân dung bán thân mẹ Việt Nam anh hùng, lấy nguyên mẫu là mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, hai bên vách đá thể hiện gương mặt những người con…

Theo ông Đinh Gia Thắng, tác giả thiết kế, chịu trách nhiệm thi công tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, sau khi hoàn thành, tượng đài không chỉ lớn nhất Việt Nam mà còn lớn nhất Đông Nam Á.

Nói về bản thiết kế và thi công mẫu tượng theo tỉ lệ 1/1, tác giả công trình cho biết: Nơi cao nhất của khối tượng là 18 m, chiều thấp nhất tại hai đầu vách là 6,8 m, chiều rộng theo đường cong là 120 m, độ dày nhất tại chân dung là 21,6 m, độ mỏng nhất tại hai đầu vách là 8 m bằng chất liệu granit...

Trong lòng khối tượng là Nhà Tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng có diện tích 950 m2. Đây là nơi ghi danh gần 50.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước và lưu giữ những hình ảnh tư liệu về những bà mẹ Việt Nam anh hùng, hình ảnh về những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…

Khối tượng đài chính gắn kết với một hồ nước lớn hình bán nguyệt có diện tích khoảng 981 m2.

Ngoài khối tượng chính, còn có 8 trụ biểu, có chiều cao 9 m, đường kính 1,65 m đặt tại quảng trường phía trước…

To lớn mới nói hết cái vĩ đại của mẹ?

Lý giải về việc nâng tiền đầu tư nói trên, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Do việc trượt giá và thay đổi thiết kế, chất liệu. Nếu giữ nguyên mức giá cũ đối với phần mỹ thuật thì đơn giá bình quân trên 1 m2 của tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng cao 18 m dài cả trăm mét, lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á này chỉ bằng 2/3 đơn giá bình quân của các tượng đài khác”.

Theo ông Đinh Gia Thắng: “Do chiều rộng của khuôn viên tượng đài tới 300 m nên tỉ lệ tượng đài chiếm non 1/3. Với biểu tượng này mới có thể nói hết cái vĩ đại của mẹ”. Ông Đinh Gia Thắng thử làm một phép so sánh: “Tượng đài Mẹ tổ quốc đặt trên đồi Mamaev của Nga thiên về chiều cao (cao 150 m), trừ thanh kiếm thì còn khoảng 90 m, còn tượng của Việt Nam thiên về chiều ngang. Nếu phân tích ra cũng không biết cái nào lớn hơn cái nào hay là có khi nó ngang nhau”.

Nói về ý tưởng xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, ông Thắng cho biết: “Tượng đài này xây dựng theo cảm thức Á Đông, xây dựng hình ảnh mẹ theo kiểu nhân hậu, hiền hòa, bao dung. Sức mạnh của bà mẹ Việt Nam là ở sự hiền hậu, bao dung đó. Nhìn biểu tượng này chúng ta cảm nhận được khối đoàn kết dân tộc…”.

Nặng nề, không gần gũi

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM, ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng xét về mặt kiến trúc, hầu hết các tượng hoành tráng đặt ngoài trời trên thế giới đều mang tính chất tôn giáo. Còn hình ảnh về một người mẹ thường rất thân thuộc, cụ thể chứ không phải thần thánh, nếu chúng ta làm với tỉ lệ lớn sẽ mang tính áp đặt, nặng nề và không gần gũi.

Với một tượng đài như tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, chỗ cao nhất là  18 m, chiều dài vòng cung tới 120 m… làm bằng granit nằm ở khoảng không. Với không gian này, có thể chúng ta chưa làm chủ được khối lượng granit, rất dễ tạo cảm giác khô khốc, chống lại thiên nhiên cho dù có đặt một cái hồ phía trước tượng đài thì cũng vậy, rất khó tạo cảm giác gần gũi.

Cần một tượng đài tâm thức!

Trái ngược với ý tưởng của họa sĩ Đinh Gia Thắng, một nhóm các nhà điêu khắc ở Hội Mỹ Thuật TPHCM cho rằng: “Giá trị nằm trong chính tinh thần của tác phẩm chứ không đơn thuần chỉ thấy ở nghĩa đen của nó: rộng, to về mặt kích thước”.

Nhóm các nhà điêu khắc này cho biết: “Bất cứ một loại hình nghệ thuật nào ở Việt Nam cũng dựa trên tâm thức người Việt. Tư duy của người Việt không thích những cái gì hoành tráng, quá lớn. Cái hoành tráng nằm chính ở trong tinh thần của tác phẩm”.
Mẹ Việt Nam anh hùng có cần xây tượng 430 tỷ đồng?
Phối cảnh tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: Hoạ sĩ Đinh Gia Thắng 

“Đối với không gian và điều kiện kinh tế của nước ta nên có những tượng đài vừa tầm  nhưng vẫn mang sức mạnh của ý chí. Tượng đài ở Côn Đảo là một ví dụ, sức mạnh về tinh thần không chỉ cho một thế hệ mà cho nhiều thế hệ.

Chúng ta không cứ phải dựng to theo kiểu Liên Xô hay Trung Quốc. Người Nga làm tượng lớn vì đó là một dân tộc lớn về lãnh thổ và về tầm vóc. Còn tư duy theo truyền thống của người Việt là cái lớn nằm trong cái nhỏ. Các cổng làng, đình, chùa của mình… đều nhỏ thôi nhưng hàm chứa trong nó những giá trị tinh thần rất lớn.

Điều đó không có nghĩa là cha ông ta không thể làm to, mà do điều kiện địa lý nóng ẩm, chưa làm xong rêu đã mọc, cộng thêm mưa bão nên người ta cần phải làm thế. Có những thứ càng rêu phong cổ kính càng đẹp nhưng đối với tượng đài bằng đá thì không những không đẹp mà còn mất tính thẩm mỹ của tượng đài” - các nhà chuyên môn phân tích.

Nhìn từ góc độ tinh thần, một nhà chuyên môn cho rằng từ Bắc vào Nam, các bà mẹ Việt Nam rất kiên cường nhưng hình ảnh đọng lại trong chúng ta là những bà mẹ có vóc người nhỏ bé, hom hem, ngồi ngoáy trầu, ngóng chờ con, không như bà mẹ ở nước Nga, còn trẻ, lực lưỡng giơ cao thanh kiếm, miệng thét lớn… Nếu vì bức bách một tượng nào đó nên bắt nhân vật phải như thế này, thế nọ là duy ý chí.

Chăm sóc “tượng đài mẹ” đang sống

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, cả nước còn khoảng 44.253 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Hầu hết các mẹ đã ở vào độ tuổi 90, cái tuổi rất dễ ra đi trong hôm sớm. Trong chuyến đi của mình, chúng tôi đã có dịp tới thăm các mẹ Việt Nam anh hùng đang sống ở huyện đảo Lý Sơn và huyện Sơn Tịnh – Quảng Ngãi, thăm một số mẹ ở TP Tam Kỳ và huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam… và không khỏi giật mình trước những ước mơ đau đáu rất giản dị và nhỏ bé của các mẹ.
Mẹ Việt Nam anh hùng có cần xây tượng 430 tỷ đồng?
Hãy chăm sóc những "tượng đài" còn sống.
Ảnh: Tiengiang.gov
 


Chồng hy sinh năm mẹ mới 37 tuổi, 10 năm sau ngày chồng mất, đứa con trai độc nhất cũng hy sinh, mẹ Trần Thị Phẩm, mẹ Việt Nam anh hùng duy nhất của huyện đảo Lý Sơn, nay đã 87 tuổi. Người mẹ nhỏ bé, gầy guộc ấy một ngày chi tiêu không quá 15.000 đồng. Mẹ phải để dành tiền lo cho đứa cháu họ nghèo đang học đại học và để góp vào quỹ khuyến học của xã “giúp cho tụi nhỏ có thêm tập vở đến trường”.

Ước mơ cuối đời của người mẹ đang ở tuổi gần đất xa trời này là được đưa hài cốt con trai từ nghĩa trang xã Sơn Đông, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi về huyện đảo Lý Sơn để mẹ ngày đêm khói hương, chăm sóc, thăm nom cho bớt đơn độc tuổi già.

Có nhiều mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), TP Tam Kỳ, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) mà chúng tôi đã gặp đều trong tình trạng bị lẫn, không thể nhớ nổi những việc vừa diễn ra xung quanh mình, như mẹ Lương Thị Mão, mẹ Huỳnh Thị Nhặm (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), mẹ Đỗ Thị Liễn, mẹ Nguyễn Thị Quân, mẹ Huỳnh Thị Thừa (Tam Kỳ, Quảng Nam)… Trong vùng ký ức hỗn độn của các mẹ chỉ có một ước mong trở thành nỗi day dứt âu lo, vượt qua ranh giới tranh tối, tranh sáng của sự nhớ quên khi sức yếu, tuổi già là được đưa hài cốt con về quê hương hay được sửa sang lại căn nhà tình nghĩa có cổng nhưng không có cửa, xây từ rất lâu, nay xuống cấp trầm trọng.

Ông Bạch Thanh Diễm, Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết về hoàn cảnh của các mẹ Việt Nam anh hùng tại địa phương: “Nhiều mẹ tuổi đã cao và cuộc sống còn khó khăn lắm. Nhiều mẹ có nhà nhưng xây lâu quá nên đã bị xuống cấp; có mẹ già nhưng không còn con cháu nên phải sống một mình, tội lắm”.

Nói như nhà văn Trầm Hương: “Mỗi chúng ta, những người đang được sống hôm nay, xin hãy xây dựng tượng đài người mẹ Việt Nam anh hùng ngay trong tấm lòng mình. Có nhiều cách để tôn vinh những bà mẹ ấy. Sao không chăm sóc những “tượng đài mẹ” đang sống?”.
            
Công trình lớn, kinh phí thấp?

Theo họa sĩ Đinh Gia Thắng, tác giả tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, năm 2011 có hai công trình tượng đài được duyệt thi công: Công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng (công trình văn hóa cấp quốc gia) và công trình tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Gia Lai (công trình cấp tỉnh) được các bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính xem xét đề nghị Trung ương hỗ trợ thêm kinh phí.

Trong đó, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng có quy mô tổng diện tích bề mặt phần mỹ thuật cho cả khối tượng chính và 8 trụ Huyền Thoại là 4.100 m2; mặt bằng kiến trúc cảnh quan hơn 15 ha với nhiều hạng mục kiến trúc cảnh quan phức tạp, tổng mức kinh phí phê duyệt là 411,2 tỉ đồng. Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Gia Lai có tổng mức kinh phí được phê duyệt là 165 tỉ đồng, bao gồm tượng Bác Hồ cao 9 m và hơn 400 m2 phù điêu (đá), tổng diện tích bề mặt phần mỹ thuật là hơn 500 m2, mặt bằng kiến trúc cảnh quan khoảng 2 ha.

Như vậy, về tổng quan, quy mô tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lớn gấp 8 lần nhưng kinh phí chỉ lớn hơn có 2,49 lần.

Theo Ngân Hoa
(Báo Người Lao động)