THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 September 2011

Mục đích họp phụ huynh đầu năm học chỉ là tiền (!?)

(Dân trí) - Hầu hết các cuộc họp phụ huynh đều đặt nặng nội dung là các khoản thu chi mà phụ huynh phải đóng góp chứ ít ai bàn đến các biện pháp phối hợp giáo dục học sinh như thế nào cho có hiệu quả.
 >>  Tham khảo cách họp phụ huynh ở nước ngoài
 >>  Họp phụ huynh học sinh sao cho có hiệu quả thật sự
 
Đầu năm học các trường đều tổ chức họp phụ huynh. Mục đích cuộc họp phụ huynh là để nhà trường thông qua kế hoạch hoạt động trong năm học và tìm tiếng nói chung kết hợp giữa phụ huynh, giáo viên và nhà trường để thực hiện kế hoạch.

Tuy nhiên, hầu hết các cuộc họp phụ huynh đều đặt nặng nội dung là các khoản thu chi mà phụ huynh phải đóng góp chứ ít ai bàn đến các biện pháp phối hợp giáo dục học sinh như thế nào cho có hiệu quả. Điều này cũng giống như dạy học hiện nay còn mang nặng cách truyền đạt một chiều, giáo viên chủ nhiệm phổ biến các thông báo của nhà trường còn phụ huynh thì lắng nghe ít người lên tiếng. Thông thường, người nào “lỡ miệng” nói nhiều lập tức “được bầu” vào ban chấp hành hội phụ huynh thì cũng khổ!

Chất lượng giáo dục, luôn là vấn đề nóng bỏng được toàn xã hội quan tâm. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên thuộc ngành giáo dục mà trực tiếp là nhà trường và các thầy cô giáo. Trường nào có cán bộ quản lí tốt, giáo viên đủ năng lực và tâm huyết với nghề thì chắc chắn hiệu quả giáo dục sẽ cao. Chính vì vậy mà vấn đề chạy trường hằng năm thường xuyên xảy ra là tất yếu! Giải quyết vấn đề này  không đơn giản, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn “xây dựng và nâng cao chất lượng  đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục” và tiếp tục cuộc vận động “Mỗi thấy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đồng thời giảm tái nội dung chương trình sách giáo khoa.

Các cuộc họp phụ huynh giờ đây đều đặt nặng nội dung là các khoản thu chi mà phụ huynh phải đóng góp (nguồn ảnh: internet)
 
Còn về phía phụ huynh, trách nhiệm thế nào trong việc giáo dục con cái?
 
Trước hết, gia đình là nền tảng của xã hội. các bậc làm cha, làm mẹ là những “nhà giáo” đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ em trước khi bước vào trường học, cha mẹ thiếu  đạo đức, không gương mẫu làm sao có con ngoan!

Áp lực của cha mẹ đặt lên con cái quá lớn, đồng ý rằng dân ta rất hiếu học nên coi trọng việc học là chính đáng, nhưng phụ huynh không phải là nhà “sư phạm” nên không hiểu cách dạy học như thế nào cho phù hợp với trình độ và tâm sinh lí của trẻ em. Ở nông thôn vẫn còn dạy con bằng roi vọt, ở thành thị thì bắt ép con học quá mức, học thêm đủ các môn, từ tiểu học đến trung học, học sinh suốt ngày đêm chỉ biết học, học và học…không còn thời gian tự học, vui chơi giải trí! Điều đáng mừng là mấy năm gần đây, nhiều học sinh đậu thủ khoa thi vào đại học là những đứa trẻ gia đình có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nhưng biết vượt khó, chăm lo tự học. Đó là tấm gương cho phụ huynh trong việc giáo dục con cái. Không nên bắt buộc con em chiều theo ý mình quá mức gây ra những phản ứng tiêu cực!

Không ai bắt học sinh tiểu học mang một chiếc cặp nặng đến 5kg tới trường, chỉ có phụ huynh trang bị đủ thứ đấy thôi! Về sách giáo khoa học sinh tiểu học chỉ có từ 6 đến 9 cuốn, trung học phổ thông trên 20 cuốn. mỗi ngày đến trường chỉ cần mang theo những cuốn theo môn học trong thời khoá biểu. Còn sách tham khảo phải biết chọn lọc sách gì cần thiết để tránh lãng phí  vả lại học sinh chẳng có thời gian để tham khảo.

Hiện nay, máy tính là phương tiện thông tin hiện đại giúp mở mang kiến thức, nhiều gia đình trang bị máy tính để con em có thêm phương tiện học tập, nhưng đó cũng là “con dao hai lưỡi”, nếu học sinh dùng máy tính chỉ để chơi game hay truy nhập vào các trang web xấu thì trở thành một tai hoạ! Phần lớn học sinh đến các trung tâm dịch vụ internet là để chơi game và hậu quả như thế nào thì chúng ta đã biết qua các phương tiện thông tin hàng ngày.

Vì vậy, phụ huynh không nên quá đặt nặng trách nhiệm cho nhà trường mà quên đi bổn phận của mình, cần tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình (thông qua giáo viên) để phối hợp giáo dục học sinh, con em, góp phần tạo nên những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

                                                                         Trần Xuân Khoá
                                                                        (Giáo viên nghỉ hưu)