THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

11 March 2013

Bùng nổ virus "cướp" tài khoản Facebook

Hình ảnh video clip giả mạo
Một loại virus có khả năng cướp tài khoản Facebook của người sử dụng đang lan truyền tại Việt Nam trong những ngày qua, theo cảnh báo của Trung tâm an ninh mạng Bkav vừa phát đi chiều nay (11/3). Loại virus này đang lây lan theo cấp số nhân, bởi mỗi tài khoản bị chiếm đoạt lại biến thành một "tổng đài" phát tán virus.
Trên tường (wall) của Facebook xuất hiện các đường link đi kèm với thông điệp gây sốc, như liên quan đến Psy (ca sỹ xứ Hàn nổi tiếng với Gangnam Style).

Khi đó, vì tò mò, nhiều người đã bấm vào đường link mở trang web có video clip giả mạo. Tại đây, người dùng được đề nghị tải một ứng dụng dạng plugin để xem video. Cài đặt plugin này, ngay lập tức máy tính sẽ bị nhiễm virus.

Khi đã lây nhiễm, virus sẽ chiếm quyền điều khiển và tự động đổi mật khẩu Facebook của nạn nhân, trình duyệt web bị treo trong vài phút. Sau đó, việc đăng nhập vào Facebook không thể thực hiện được nữa.

Về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Sơn - giám đốc bộ phận nghiên cứu của Bkav (Bkav R&D), khuyến cáo: “Thông thường, khi dùng Facebook, bạn không phải cài thêm plugin để xem video. Khi gặp những đề nghị kiểu như vậy thì không nên làm theo, bằng không bạn sẽ bị lừa".

Theo các chuyên gia, nếu máy tính đã được cài phần mềm diệt virus thì nó sẽ tự động chặn khi người dùng lỡ tải nhầm plugin giả mạo hay những phần mềm độc hại khác.

Được biết, plugin là một thành phần (module) mở rộng cài đặt thêm vào trình duyệt web để tăng chức năng cho trình duyệt. Người sử dụng chỉ nên cài plugin khi đã biết rõ mục tính năng của nó.

Theo báo cáo tình hình virus và an ninh mạng tháng 2/2013 của Bkav, trong tháng 2/2013 đã có 2.980 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam, lây nhiễm trên 4,4 triệu máy tính. Trong đó, nhiều nhất là virus W32.Sality.PE với trên 292.000 máy tính bị nhiễm.

Ngoài ra, trong tháng 2, đã có 216 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập. Trong đó, 14 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 202 trường hợp do hacker nước ngoài.
TÔN GIA QUYỀN

Chuyện "tài tình" của đảng ta và nhà nước ta quản lý kinh tế



Lại chuyện "tài tình" của đảng ta và nhà nước ta quản lý kinh tế.

- Năm 1975, đảng và nhà nước ta quyết định đổi tiền và đồng bạc to nhất lúc ấy là 50 Đồng.

Nên nhớ rằng 1975 đổi tiền chỉ cho mỗi gia đình miền Nam đổi 100 ngàn đồng VNCH thành 200 đồng ông cụ nhá (1 đồng "giải phóng" ăn 500 đồng "nguỵ"). Có nghĩa là đồng ông cụ giá trị hơn đồng bọn mỹ nguỵ 200 lần đấy. Oách chưa nào? He he.

- Đến năm 1980, đồng bạc lớn nhất và rất ư là giá trị của ta nhảy từ 50 đồng lên thành 100 đồng.

- Năm 1985, 5 năm sau, đồng bạc lớn nhất và rất ư là giá trị của ta nhảy từ 100 đồng lên thành 500 đồng (gấp 5 lần).

- Năm 1987, chỉ 2 năm sau, đồng bạc lớn nhất và rất ư là giá trị của ta nhảy từ 500 đồng lên thành 2000 đồng (gấp 4 lần).

- Năm 1990, có nghĩa là chỉ 3 năm sau, đồng bạc lớn nhất và rất ư là giá trị của ta nhảy từ 2000 đồng lên thành 50000 đồng (gấp 25 lần).

- Năm 1994, 4 năm sau, đồng bạc lớn nhất và rất ư là giá trị của ta nhảy từ 50000 đồng biến thành 100000 đồng (gấp đôi).

- Đến 2003, đồng tiền của ta nhảy lên thành 500000 đồng (gấp 5 lần).

Xét ra, từ 1975 đến 2003, có nghĩa là 27 năm, tiền của ta đi từ 50 đồng (đơn vị lớn nhất) lên thành 500000 đồng, gấp 10 ngàn lần. Tuy vậy, hối xuất chính thức đầu năm 1975 ở miền Nam là: 1USD = 700 đồng bạc VNCH. Trong khi đó, 1 đồng bạc cụ Hồ = 500 đồng bạc VNCH, điều này có nghĩa 1 USD tròm trèm bằng 1.5 đồng bạc cụ Hồ thời đó. Ngầu xị chưa? ha ha ha.

Cho đến nay, hối xuất chính thức: 1USD = 20,835.00 VND. Có nghĩa từ giá trị 1.5 rớt xuống 20,835.00 là 13,890 lần (chớ không phải 10 ngàn lần theo cách tính trên).

Các cháu thấy chưa? đảng ta và nhà nước ta lúc nào cũng dẫn "dân tộc ta" đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Bắn hay không bắn?

(GDVN) - Đúng như dự đoán, đề xuất cho lực lượng chức năng có quyền bắn kẻ chống người thi hành công vụ, ngày càng được tranh luận nảy lửa.
Ảnh: minh họa, nguồn internet

Trước khi điểm qua những sự kiện hãy còn nóng hổi, hãy nhớ lại một câu chuyện bắn hay không bắn cách đây đã lâu.

Năm 1980, ông Đoàn Duy Thành, Nguyên Phó thủ tướng chính phủ, khi còn làm Chủ tịch Hải Phòng, đã đưa ra một quyết định mà đến bây giờ vẫn chưa hết tranh cãi: Cho thi hành án tử hình 8 phạm nhân ngay trước nhà hát nhân thành phố vào 7h sáng, chính quyền chủ động thông báo cho hàng vạn người dân đến xem trực tiếp. Nạn trộm cướp nổi lên như rươi khắp thành phố là nguyên nhân chính khiến Hải Phòng đưa ra quyết định khác thường ấy.

Tác dụng của cuộc xử bắn công khai và đại chúng, theo mô tả của ông Thành là đã làm cho "nhiều tên tội phạm có tiền án tiền sự đái cả ra quần, có tên sợ quá chết ngất đi. Quần chúng đi xem hả hê, thấy pháp luật nhà nước nghiêm minh. Tình hình an ninh trật tự tốt dần lên, trộm cắp giảm hẳn".

Xưa nay, việc tử hình thường được tiến hành rất sớm, ở nơi xa dân cư, ít người tới dự để tránh cảm giác ghê rợn khi số mạng của một người bị kết liễu. Thế nên, rất dễ hiểu việc xử tử của Hải Phòng khi ấy đã đi vào câu ca dao mang đậm tính mỉa mai "biến nơi văn hoá thành nơi pháp trường". Sau đợt ấy, nhà hát nhân dân không bao giờ trở thành pháp trường thêm một lần nữa.

Quay lại chuyện đề xuất của Bộ Công an. Vài ngày sau khi đề xuất được công khai, trên mạng xã hội xuất hiện một clip khiến cộng đồng cực kì phẫn nộ.

Một công an viên và 3 dân phòng (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) đã còng tay một dân thường đang cởi trần mặc quần đùi. Mặc cho ông này giãy giụa kêu la và đề nghị "vô nhà lập biên bản đàng hoàng", những người thi hành công vụ vẫn lạnh lùng ném ông lên yên xe máy rồi hất đầu lộn đầu nạn nhân xuống đất, như hất một con vật sắp bị làm thịt.

Chưa được quyền bắn, nhưng một số người thi hành công vụ đã rất biết cách thể hiện quyền lực tuyệt đối của mình đối với những "ông chủ nhân dân" trong tay không tấc sắt.

Ngày 17/2 Trung tá Dương Văn Dũng, Phó trưởng công an xã Tắc Vân (TP. Cà Mau) đã rút súng găm đạn vào mang tai anh Huỳnh Nhật Quang. Công an xã này báo cáo lên trên rằng, ông Dũng bắn vì anh Quang chống người thi hành công vụ.

Báo cáo ấy không thể lý giải được vì sao cả hai tay anh Quang bị còng mà lại có thể "chống người thi hành công vụ" ngay giữa trụ sở Ủy ban xã. Và ông Phó trưởng công an xã này cũng không giải thích được tại sao ông ta lại thích nổ súng đến như vậy. Một dân phòng của xã này cho biết: Khi hỏi cung một tên trộm vặt, ông trung tá cũng nổ súng; rượt một người vi phạm giao thông - nổ súng; một ông chồng đánh vợ đã bị còng tay sắp đưa về trụ sở công an, ông Dũng cũng nổ súng.

Không biết khi được quyền bắn, thì ông Dũng và những người giống ông, sẽ còn tác oai tác quái đến thế nào?

Không chỉ có ông Dũng, chỉ cần gõ vài từ khoá kiểu "công an nổ súng", sẽ thấy hiện ra ngay những câu chuyện đau lòng với nhiều cái chết tức tưởi do súng của người thi hành công vụ.

Câu chuyện "biến nơi nhà hát thành nơi pháp trường" của Hải Phòng năm xưa, dù vẫn có nhiều người phản đối, nhưng nó cũng gợi ý một điều: Trong những trường hợp cấp bách và tình thế nghiêm trọng đe doạ đến sự an nguy xã hội, thì có thể sử dụng những biện pháp rất mạnh để răn đe, cảnh cáo.

Theo số liệu của Bộ Công an, thì trong 10 năm có 8.500 vụ với 13.700 đối tượng chống người thi hành công vụ. Số liệu này nhằm nói lên sự cần thiết phải có biện pháp rất mạnh như cho phép bắn, để trấn áp.

Tuy nhiên, số liệu đó là chưa đủ cho một chính sách mới. Một nhà báo nổi tiếng đã đặt vấn đề: "Cần phải có thống kê xem hàng năm con số này tăng giảm thế nào so với năm trước? Trong 10 năm ấy có bao nhiêu vụ công an, người thi hành công vụ đánh dân, làm dân chết, bị thương? Chỉ khi những tổn thất do dân  gây ra đến mức đe dọa công an thì mới có thể tính tới giải pháp tăng thêm giải pháp cho công an tự vệ".

Hãy nhớ một nguyên lý và cũng là chân lý: Khi chưa kiểm soát được lạm quyền thi tốt nhất không trao thêm quyền.

Một đề xuất không hợp lý, sau khi thực hiện, có thể rút lại, hủy bỏ. Nhưng viên đạn sau khi bay ra khỏi nòng thì không bao giờ rút lại được nữa. Mạng sống cũng vậy.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi


Bùi Hải

Vụ tai nạn ở Khánh Hoà: Bị nạn phải đóng tiền mới được đưa đi cấp cứu?

Vụ tai nạn ngày 8-3 đã xảy ra tại Khánh Hòa cướp đi sinh mạng của 11 người nhưng đằng sau con số thương tâm đó liệu còn có những câu chuyện đau lòng nào khác?
Thời khắc kinh hoàng

Khoảng 0g40 ngày 8-3, tại km1497+150 thuộc phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông làm 11 người chết, hàng chục người bị thương. Theo Thượng tá Phan Văn Cường - Phó trưởng phòng CSGT CA tỉnh Khánh Hòa, thời điểm trên, xe khách loại 50 ghế BKS 76M-11... do anh Võ Ngọc Phương (31 tuổi, ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển chạy hướng Bắc - Nam đã tông vào xe khách BKS 77B-00... do anh Lý Thanh Dũng (42 tuổi, ở xã Hoài Ân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) điều khiển từ hướng ngược lại. Tai nạn khiến 9 người trên 2 xe khách chết tại chỗ (trong đó 2 tài xế), 2 người chết sau khi cấp cứu, 9 người khác bị thương nặng đang được cấp cứu tại 2 BV đa khoa tỉnh Cam Ranh và huyện Cam Lâm, trên 50 người được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Các nạn nhân được cấp cứu tại BV.

Tại khoa Ngoại tổng hợp, BV đa khoa tỉnh Cam Ranh, một số hành khách đi xe 76M-11... bị thương nhẹ cho biết, khi xảy ra tai nạn, trên xe có khoảng 50 người, một số người ngồi ở lối đi giữa hai dãy ghế. “Đang ngủ, tôi giật mình mở mắt sau khi bị văng về phía trước, thấy mặt con trai mới 15 tháng tuổi đầy máu, máu cũng chảy từ đầu xuống hai bên má tôi” - Chị Nguyễn Thị Tuyết Loan (25 tuổi, quê xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) bàng hoàng kể lại. 

Anh Đặng Văn Thương (32 tuổi, quê huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, sau khi cùng vợ và hai con nhỏ về quê ăn Tết, ngày 7-3 cả nhà đón xe 76M-11... vào TP Hồ Chí Minh. Xe rời bến lúc 15g30 ngày 7-3, dừng đổ xăng khoảng 0g30 ngày 8-3 rồi chạy thêm khoảng 15 phút, anh Thương bỗng nghe tiếng xe va chạm rất lớn. Tuy ngồi ở hàng ghế gần cuối, sau cú va chạm anh Thương bị dồn lên giữa xe, vợ và hai con gái anh cũng văng trên sàn xe, bị nhiều người đè lên, nhưng may mắn chỉ bị thương nhẹ. Trong hàng chục người bị thương, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (24 tuổi, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) bị tụ máu dưới màng cứng, con trai chị là cháu Trịnh Huy Ngọc Bảo mới 14 tháng tuổi, bị nhẹ hơn. Dù rất đau, chị Thủy lại lo nhiều cho con trai và chồng, anh Trịnh Văn Anh, chưa biết tình hình thế nào.

Theo Thượng tá Đậu Quang Tuyến, Phó Trưởng CA TP Cam Ranh, nguyên nhân  của vụ tai nạn ban đầu được xác định là xe 76M-11... chạy quá tốc độ và sai làn đường. Theo chị L., một người bán tạp hóa ngay nơi xảy ra tai nạn, khoảng 0g30, chị nhìn qua khe cửa, thấy một xe tải bị bung nắp phía sau, rồi có chất màu đen bóng rơi xuống rải khắp mặt đường dài khoảng 20m, mùi mía xộc vào mũi rất khó chịu.

Khoảng 5 phút sau, có một xe tải khoảng 2,5 tấn đi qua đoạn đường đó, bị trượt quay ngang, tài xế thắng xe chà xuống mặt đường. May có khoảng đất trống phía trước nên xe lùi vào đó, không bị lật. Tiếp đó, hai xe container cũng loạng choạng va vào nhau, nhưng không có tai nạn. Sợ có xe mất thắng, bị trơn trượt sẽ tông thẳng vào nhà nên chị L. lui vào. “Vừa quay lưng, nghe như có tiếng nổ lớn, tôi giật bắn người mở cửa chạy ra thì thấy 2 xe khách như dính chặt vào nhau, hành khách khóc la, nhiều người máu đầy mình” - Chị L. kể lại. Nhiều người dân gần đó cũng xác nhận, mặt đường quá trơn, xe chạy phanh không kịp.

“Ngay trong buổi sáng xảy ra tai nạn, hàng chục xe máy chạy qua bị ngã liên tục, CA và người dân phải phụ dựng dậy. Sau đó, có xe và công nhân của Cty Môi trường đô thị Cam Ranh tới cào, hốt hết những chất bùn màu đen ra khỏi mặt đường, người đi đường mới hết té ngã”.

Có tiêu cực trong công tác cứu trợ nạn nhân?

Chiều 8-3, ông Diêm Khắc Thời, Đội trưởng Đội điều trị 486, Vùng D Hải quân (đóng tại phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh) cho biết, sau khi vụ tai nạn xảy ra, đội đã chở 15 nạn nhân vào cấp cứu. Các nạn nhân này đã bị thu từ 200.000 đồng/người. “Nạn nhân bị TNGT khi được chuyển bằng xe cấp cứu vẫn thu phí bình thường”, ông Thời trả lời báo chí. Nạn nhân Đỗ Thị Thu (ngụ huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) cho biết, chị chứng kiến có nạn nhân còn ít tuổi, khi bị thương trong túi chỉ còn 120.000 đồng. Bị yêu cầu đóng tiền, em này đã thương lượng và được một nhân viên y tế trả lời một cách rất có “trách nhiệm”: “Thôi 120.000 đồng cũng được”. Anh Trịnh Văn Anh (25 tuổi, ngụ huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết khi vào cấp cứu tại đội 486, anh bị nôn mửa, sùi bọt mép, đang nẹp cố định 2 chân. Nhân viên y tế thông báo phải đóng 200.000 đồng tiền vận chuyển, do anh không cử động được nên nhân viên y tế rút ví lấy tiền. “Tôi được tiên đoán chấn thương sọ não, gãy xương chân, đến nay chưa kiểm tra ví nên không biết người ta lấy bao nhiêu tiền” - nạn nhân Anh nói.

Vụ tai nạn thảm khốc tại tỉnh Khánh Hòa.

“Tôi có thấy các nạn nhân rút tiền đưa cho nhân viên cấp cứu, nhưng không biết họ trao đổi những gì. Nếu có sự thật như thế thì thật đáng lên án, họ đang cận kề giữa sự sống và cái chết còn mang chuyện tiền bạc ra để làm giá thì khó có thể chấp nhận được…”, chị H., một nhân chứng chia sẻ. Chị T., một nhân chứng khác đang ngồi trong quán nước cũng khẳng định: “Khi biết có tai nạn xảy ra, tôi cùng một số người dân đã chạy ra hiện trường để xem có giúp gì được cho các nạn nhân hay không, được một lúc sau thì đoàn cấp cứu tới, họ nhanh chóng đưa các nạn nhân đi. Nhưng có một số người đã yêu cầu phải nộp tiền trước rồi mới đưa lên cáng…”.

Nhận được thông tin này, nhiều phóng viên báo chí đã tìm gặp người có chức năng để tìm hiểu thông tin. Khi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở GTVT, Phó Ban An toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa cho biết, chưa nhận được phản ánh về vấn đề này (Thu tiền nạn nhân mới tiến hành đưa đi cấp cứu). “Số lượng nạn nhân được đưa đi cấp cứu là quá lớn tại cùng một thời điểm. Hiện tại chúng tôi chưa kiểm tra lại sự việc, cứu người là quan trọng hơn cả. Từ khi vụ án xảy ra tôi cũng chưa nhận được phản ánh nào về việc thu tiền cấp cứu.

Tôi cũng khẳng định rằng trong trường hợp này, các nạn nhân cấp cứu sẽ không mất tiền, chúng tôi sẽ kiểm tra lại sự việc theo phản ánh. Nếu thực sự có những việc như vậy thì chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm vấn đề này để tạo tính răn đe”, ông Định nói. Theo báo cáo ban đầu, công tác cấp cứu nạn nhân đã diễn ra hết sức nhanh chóng và kịp thời, tuy nhiên câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” như vấn đề thu tiền cấp cứu nạn nhân cần được chẩn chỉnh nếu thực sự điều này xảy ra trong vụ tai nạn thảm khốc tại tỉnh Khánh Hòa.
Nhật Minh/Báo PL&XH

Tàu lạ đâm, hai ngư dân bị rơi và mất tích trên biển

Lực lượng biên phòng tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với chính quyền địa phương và ngư dân tìm kiếm hai ngư dân mất tích trên biển do bị tàu lạ đâm.

Ngày 10/3 tàu cá mang số hiệu TH 90599 TS có công suất 130 CV do ông Hoàng Văn Thảo sinh năm 1956 thường trú tại thôn Bắc Thọ (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) làm chủ phương tiện đang đánh bắt hải sản tại toạ độ 19 độ 5 phút bắc-107 độ 19 phút Đông, cách đảo Bạch Long Vĩ 26 hải lý thì bị một tàu lạ đâm.

Cú và đập mạnh làm hai ngư dân trên tàu bị rơi xuống biển và mất tích. 

Sau khi đâm vào tàu cá kể trên, tàu lạ đã bỏ đi. Các ngư dân trên tàu TH 90599 TS đã phải đánh điện gọi các tàu cá gần đó đến cứu hộ và đã đưa được 5 người lên bờ.

Tuy nhiên, hai ngư dân bị rơi xuống biển vẫn chưa tìm thấy và cũng chưa xác định được danh tính của hai ngư dân này.

Sau khi đưa vào bờ, sức khỏe của 5 ngư dân trên con tàu kể trên đã bình phục./.

Trịnh Duy Hưng (Vietnam+)

Xử phạt mũ bảo hiểm dỏm: Đổ trách nhiệm cho dân

(NLĐO) - Các cơ quan chức năng không xử lý được cơ sở sản xuất, bán mũ bảo hiểm dỏm mà xử phạt người dân là không khả thi


Tại sao quy định xử lý mũ bảo hiểm (MBH) đã có từ lâu nhưng đến nay MBH dỏm vẫn tràn lan ? Phát hiện cơ sở sản xuất, bán MBH dỏm khá dễ dàng nhưng các cơ quan chức năng đã làm gì để MBH dỏm không tràn ra thị trường ? Những gì đang diễn ra đã biểu hiện rất rõ sự bất lực và thiếu trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Nắm người có tóc…

Phản ứng với cách làm được cho là “thiển cận” này, bạn đọc Úc Việt, cho biết: “Có cái gì mà không có thể giả được? đến như cán bộ mà còn dùng bằng cấp giả thì làm sao mà người dân phân biệt được đâu thật đâu giả. Là người dân bình thường đâu có được hướng dẫn hay học qua trường lớp nào về vấn đề này mà bảo chúng tôi phải biết phân biệt hàng giả, hàng nhái? Về nguyên tắc, để hàng dỏm tràn lan trên thị trường thì phải xử phạt cơ quan quản lý thị trường. Cấm hàng giả nhưng vẫn còn cơ sở sản xuất hàng giả thì phải xử lý cơ quan quản lý kinh tế. Làm gì có chuyện ngược đời là xử lý người dân – nạn nhân của hàng dỏm, hàng giả - và buộc họ phải chịu trách nhiệm về sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng”.
Cơ quan chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh MBH tại TPHCM . Ảnh: Sơn Nhung

Bạn đọc Trần Đức Thịnh nói thẳng: Tại sao lại phạt người dân đội MBH kém chất lượng trong khi hàng loạt MBH kém chất lượng vẫn được bày bán công khai trên thị trường. Nếu phạt người dân về việc này thì càng thể hiện rõ sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước. Nếu đẩy trách nhiệm này cho người dân thì sinh ra cơ quan đo lường chất lượng, quản lý thị trường, công an…  để làm gì! Đừng để người dân phải nhận hậu quả của sự yếu kém từ các cơ quan chức năng. Nhiều bạn đọc cho biết, đừng nói chi đến người dân bình hường, ngay cả cán bộ công an, quản lý thị trường… và người nhà của họ cũng đang đội MBH dỏm đấy thôi, xử phạt người dân sao tâm phục khẩu phục được.

Chỉ rõ những bất cập này, bạn đọc Anh Tuấn cho rằng: “Việc mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng thì cơ quan đo lường chất lượng và quản lý thị trường chịu trách nhiệm chứ sao lại đổ cho người dân. Những cơ quan ấy có quyền, có lực lượng, được trang bị đầy đủ công cụ phương tiện mà không ngăn chặn được là không hoàn thành nhiệm vụ, không thể buột người dân làm thay công việc của họ được. Người dân đã đóng thuế để trả lương cho họ rồi, họ phải làm việc cho xứng đáng với đồng lương này”.

Xử phạt người dân đội MBH dỏm là cách làm dễ dàng nhất đối với Bộ Công an, Quản lý thị trường…  với vấn đề dẹp MBH dỏm.
 
Làm khó người dân

Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng cơ quan chức năng chỉ xử phạt đối với hành vi điều khiển xe mà đội mũ không phải mũ bảo hiểm (MBH) chứ không xử phạt người đội MBH dỏm, kém chất lượng (?!). Thông tư liên tịch số 06/2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng MBH chỉ tiếp tục làm rõ thế nào là MBH. Nội dung thông tư sẽ giúp người dân nhận biết được MBH và cái nào không phải. Mục đích chính là xử lý MBH kém chất lượng. Với lý giải như trên nhưng vẫn xử phạt người dân đội MBH dỏm thì quá  mâu thuẫn.

Một bạn đọc cho biết: “Nói như ông Vinh thì chỉ mũ nào đúng quy định của thông tư thì mới gọi là MBH. Người dân khi mua mũ thì phải tìm thông tư đọc cho kỹ và so sánh với thực tế mới mong thoát khỏi bị phạt. Với một đất nước đến 80 triệu dân thử hỏi thông tư này phổ biến đến được bao nhiêu người. Ngay cả trong lực lượng công an được bao nhiêu người đọc, hiểu và nhớ được tất cả quy định của thông tư này ? Người dân bị làm khó rồi”.
Với quy định “trên trời” này, bạn đọc L.A, ngán ngẩm: “Chúng tôi làm sao phân biệt được MBH dỏm hay thật? Cái MBH tôi đang đội đây có đủ tem nhãn nhưng ai bảo đảm nó đủ chất lượng? Thiếu gì tem rượu nhập khẩu thật dán vô chai rượu giả. Thiếu gì tem chống hàng giả dán vô hàng nhái. Chỉ có cách khi mua phải đập thử thôi. Mà nói không chừng khi đập thử coi chừng người bán MBH đập … thật vào mặt”.
MBH bán tràn lan thế này làm sao người dân phân biệt được thật, giả. Ảnh: Tấn Thạnh

Bạn đọc Lê Quang, bức xúc: “Cái gì cũng phạt người dân vậy? Sao không thấy mấy ông quản lý thị trường, khoa học công nghệ, công an bị cách chức, bị phạt vì không hoàn thành nhiệm vụ để hàng giả hàng dỏm, doanh nghiệp sản xuất hàng dỏm lộng hành”.

Theo bạn đọc Nguyễn Vân, Muốn làm tốt việc này trước hết cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý các điểm kinh doanh nón kém chất lượng. Nếu khi ra đường chúng tôi bị lực lượng công an phát hiện tôi đội MBH kém chất lượng thì phải nói cho chúng tôi biết đây là mũ kém chất lượng và yêu cầu chúng tôi phải mua mũ đúng chất lượng. Thậm chí phải hướng dẫn như thế nào là mũ đúng chất lượng, mua ở đâu. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp địa chỉ cửa hàng bán MBH dỏm để các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Thế mới là làm việc vì dân chứ không phải kiểu ngăn chặn kẻ xấu không được thì nhè chúng tôi mà phạt. Phải hiểu chúng tôi là nạn nhân của MBH dỏm, của cách quản lý xã hội yếu kém trong lĩnh vực này”.
Hành xử kiểu đối phó
“Không ai coi thường sinh mạng của mình cả. Nhiều người thiếu ý thức cố tình mua MBH dỏm để đối phó với quy định phải đội MBH khi đi xe máy. Điều này là đáng trách. Thế nhưng việc xử phạt người dân đội MBH dỏm cũng là một cách đối phó khác của các cơ quan chức năng. Lẽ ra những cơ quan này phải tìm cái gốc của vấn đề và giải quyết căn cơ: đóng cửa cơ sở sản xuất mũ dỏm, xử phạt thật nặng, rút giấy phép kinh doanh tất cả các điểm bán MBH dỏm” – bạn đọc Huy Hoàng.
“Phải thấy rằng, Chủ trương của Chính phủ: bắt buộc người đi trên xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm để bảo vệ tính mạng cho mình là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có quá nhiều việc bất cập: từ việc tuyên truyền, giải thích, công khai tiêu chuẩn an toàn, chất lượng mũ bảo hiểm đến việc quản lý sản xuất và mua bán trên thị trường dường như bị bỏ ngỏ thời gian qua. Đừng để người dân cảm thấy mình phải "tự bơi" hay bị "đem con bỏ chợ" – Bạn đọc Tám Sài Gòn.
Phạm Hồ

Thông báo về trường hợp một nữ thanh niên đề nghị được ra khỏi Đảng


Lời giới thiệu của ĐHLV: Tôi vừa nhận được một lá đơn của một đảng viên dự bị tên là Nguyễn Ngọc Diễm Phượng về việc đề nghị được ra khỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam. Xét thấy nội dung lá đơn không chỉ đề cập đến việc cá nhân của chị Phượng mà còn có mục đích sâu xa cảnh tỉnh giới chức là đảng viên của Đảng cầm quyền hiện nay đối với các vấn đề xã hội-chính trị. Được sự cho phép của tác giả, tôi xin được đăng toàn văn lá đơn này để cộng đồng mạng được tỏ tường vấn đề mà chị Phượng muốn trình bày. Quyết định kết nạp đảng viên của chị Phượng không đưa lên mạng nhằm tránh phiền phức cho những người và tổ chức liên quan sau sự việc này.

Được biết chị Phượng là người thứ 219 kí tên ủng hộ việc KIẾN NGHỊ VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992


ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐƯỢC RA KHỎI ĐẢNG

Kính gửi : Đảng bộ XXX, Chi bộ XXX

Tôi tên : Nguyễn Ngọc Diễm Phượng ; sinh ngày 16.10.1982

Quên quán : xã Bình Chánh huyện Bình Chánh, TP.HCM

Nơi công tác : Ủy ban nhân dân XXX

Ngày kết nạp Đảng : + Dự bị : 18.08.2012 ; + Chính thức :

Nơi kết nạp : Chi bộ XXX

Trước khi trở thành đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCS), tôi được tổ chức quan tâm giáo dục và bồi dưỡng về tư tưởng chính trị và tôi cũng tự nhận thức được rằng ĐCSVN là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, lấy dân làm gốc.

Đảng Cộng Sản Việt Nam là 1 tổ chức chặt chẽ, thống nhất giữa ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thương yêu, đoàn kết với nhau. Cương lĩnh chính trị và đường lối cách mạng đều phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

Thế nhưng, thực tế hiện nay, qua các sự việc diễn ra ngoài xã hội làm tôi phải suy nghĩ và nhận thấy rằng ĐCSVN hiện nay không còn thể hiện đúng giá trị và bản chất của mình nữa. Đảng ngày mất đi sự tín nhiệm của nhân dân, Đảng chưa phát huy hết quyền làm chủ của nhân dân, quyền lợi chính đáng của nhân dân chưa được Đảng bảo về và tôn trọng. Điển hình như quyền được phát biểu chính kiến của mình, quyền được cung cấp thông tin (đặc biệt là các thông tin trái chiều) đều bị hạn chế. Kể cả việc biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm, thể hiện tinh thần yêu nước cũng bị cho là làm trái pháp luật và bị hạn chế.

Đảng chưa thể hiện hết vai trò lãnh đạo của mình, lời nói và hành động của Đảng chưa nhất quán với nhau, sự yếu kém trong quản lý gây ra biết bao hậu quả cho nhân dân gánh chịu, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, đời sống nhân dân chưa được nâng cao (đặc biệt là các dân tộc miền núi), các công trình dự án ngày càng xuống cấp trầm trọng. Trong nội bộ Đảng lại có sự tranh giành quyền lực với nhau, và những vấn đề khác đang diễn ra ngoài xã hội khiến tôi phải nghi ngờ và phân vân về con đường cách mạng và lý tưởng của Đảng.

Đó là nhận định khách quan của tôi về xã hội. Còn về tổ chức, 06 tháng là đảng viên dự bị của Đảng Cộng Sản Việt Nam, với tình hình hiện nay, tôi cảm thấy rằng tôi không còn nhiệt huyết, cũng như lý tưởng để phấn đấu trở thành đảng viên chính thức của Đảng Cộng Sản vì:

1- Khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi nghĩ tôi sẽ có nhiều cơ hội để đóng góp nhiều hơn cho Đảng, cho nhân dân, góp phần xây dựng Đảng trong sạch và vững mạnh hơn, thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Nhưng đến nay, tôi cũng chỉ làm tròn nhiệm vụ tối thiểu của 1 đảng viên là sinh hoạt và đóng Đảng phí đầy đủ. Chưa đóng góp được gì nhiều và vẫn chưa thể hiện hết vai trò của 1 đảng viên đối với nhân dân.

2- Sau sự việc đánh giá cán bộ đảng viên theo Nghị quyết TW4, và đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm, tôi nhận thấy hầu như việc đánh giá chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ, theo khuôn mẫu định sẵn. Hầu như cán bộ đảng viên chỉ đánh giá 1 cách chung chúng, công tác phê và tự phê diễn ra xuề xòa, sợ mất lòng nhau. Tôi cho rằng đó cũng chính là căn nguyên giảm tính chiến đấu trong Đảng, góp phần cho những đảng viên thoái hóa, biến chất len lỏi tới những vị trí trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước, gây xói mòn niềm tin trậm trọng trong nhân dân.

3- Lý do cuối cùng để tôi quyết định viết đơn ra khỏi Đảng chỉ vì tôi muốn thể hiện tấm lòng yêu nước của mình, yêu đồng bào của mình. Tôi đã có những lời bình luận trên mạng xã hội đối với 1 trường hợp của thể liên quan đến việc lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước như nhiều thành viên của cộng đồng mạng. Tuy những lời bình đó có khó nghe nhưng đó cũng là những suy nghĩ thành tâm của 1 người Việt Nam nhỏ bé lo âu đến vận mệnh dân tộc, cốt yêu cũng muốn Đảng tốt hơn, đảng viên bớt tha hóa hơn. Tooichuwa từng nghĩ những lời bình đó sẽ tạo điều kiện thêm cho thế lực thù định chống phá Đảng, chống phá Nhà nước. Khi có quần chúng báo cáo về sự việc của tôi, đáng lẽ tổ chức Đảng ở cơ sở phải tìm hiểu và xem xét thấu đáo. Thế nhưng tổ chức đã không lưu tâm, còn qui chụp cho tôi mất quan điểm chính trị, tư tưởng không vững vàng, tạo điều kiện cho thế lực thù địch dòm ngó.

Do đó, để không làm ảnh hưởng và làm mất uy tín của Đảng, cũng như làm tổn thương danh dự của 1 người Việt yêu nước Việt, tôi tự nguyện làm đơn đề nghị được ra khỏi Đảng.

Tôi cũng xin thành thật cám ơn tổ chức và những đảng viên đã giới thiệu tôi vào Đảng trong thời gian qua đã quan tâm, giáo dục và tạo điều kiện cho tôi được trở thành đảng viên của Đảng Cộng Sản trong thời gian rất ngắn. Đồng thời, thông qua đơn đề nghị này, tôi thành tâm momg mỏi tổ chức Đảng ở cơ sở nói riêng và các đảng viên trên toàn lãnh thổ Việt Nam nói chung hãy xem như 1 lời chia sẻ chân tình của tôi đối với Đảng, đối với những vấn đề xã hội. Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của người dân bình thường nhất, của những người không đảng phái để thấu hiểu, từ đó có những cách hành xử vị tha, nhân bản hơn đối với người khác quan điểm vì họ cũng là đồng bào, là anh em cùng chung sống trên đất mẹ Việt Nam.

Rất mong Chi bộ và Đảng bộ xem xét đơn đề nghị của tôi./.

XXX, ngày 04 tháng 3 năm 2013

Người làm đơn

NGUYỄN NGỌC DIỄM PHƯỢNG