THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

11 March 2013

Xử phạt mũ bảo hiểm dỏm: Đổ trách nhiệm cho dân

(NLĐO) - Các cơ quan chức năng không xử lý được cơ sở sản xuất, bán mũ bảo hiểm dỏm mà xử phạt người dân là không khả thi


Tại sao quy định xử lý mũ bảo hiểm (MBH) đã có từ lâu nhưng đến nay MBH dỏm vẫn tràn lan ? Phát hiện cơ sở sản xuất, bán MBH dỏm khá dễ dàng nhưng các cơ quan chức năng đã làm gì để MBH dỏm không tràn ra thị trường ? Những gì đang diễn ra đã biểu hiện rất rõ sự bất lực và thiếu trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Nắm người có tóc…

Phản ứng với cách làm được cho là “thiển cận” này, bạn đọc Úc Việt, cho biết: “Có cái gì mà không có thể giả được? đến như cán bộ mà còn dùng bằng cấp giả thì làm sao mà người dân phân biệt được đâu thật đâu giả. Là người dân bình thường đâu có được hướng dẫn hay học qua trường lớp nào về vấn đề này mà bảo chúng tôi phải biết phân biệt hàng giả, hàng nhái? Về nguyên tắc, để hàng dỏm tràn lan trên thị trường thì phải xử phạt cơ quan quản lý thị trường. Cấm hàng giả nhưng vẫn còn cơ sở sản xuất hàng giả thì phải xử lý cơ quan quản lý kinh tế. Làm gì có chuyện ngược đời là xử lý người dân – nạn nhân của hàng dỏm, hàng giả - và buộc họ phải chịu trách nhiệm về sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng”.
Cơ quan chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh MBH tại TPHCM . Ảnh: Sơn Nhung

Bạn đọc Trần Đức Thịnh nói thẳng: Tại sao lại phạt người dân đội MBH kém chất lượng trong khi hàng loạt MBH kém chất lượng vẫn được bày bán công khai trên thị trường. Nếu phạt người dân về việc này thì càng thể hiện rõ sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước. Nếu đẩy trách nhiệm này cho người dân thì sinh ra cơ quan đo lường chất lượng, quản lý thị trường, công an…  để làm gì! Đừng để người dân phải nhận hậu quả của sự yếu kém từ các cơ quan chức năng. Nhiều bạn đọc cho biết, đừng nói chi đến người dân bình hường, ngay cả cán bộ công an, quản lý thị trường… và người nhà của họ cũng đang đội MBH dỏm đấy thôi, xử phạt người dân sao tâm phục khẩu phục được.

Chỉ rõ những bất cập này, bạn đọc Anh Tuấn cho rằng: “Việc mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng thì cơ quan đo lường chất lượng và quản lý thị trường chịu trách nhiệm chứ sao lại đổ cho người dân. Những cơ quan ấy có quyền, có lực lượng, được trang bị đầy đủ công cụ phương tiện mà không ngăn chặn được là không hoàn thành nhiệm vụ, không thể buột người dân làm thay công việc của họ được. Người dân đã đóng thuế để trả lương cho họ rồi, họ phải làm việc cho xứng đáng với đồng lương này”.

Xử phạt người dân đội MBH dỏm là cách làm dễ dàng nhất đối với Bộ Công an, Quản lý thị trường…  với vấn đề dẹp MBH dỏm.
 
Làm khó người dân

Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng cơ quan chức năng chỉ xử phạt đối với hành vi điều khiển xe mà đội mũ không phải mũ bảo hiểm (MBH) chứ không xử phạt người đội MBH dỏm, kém chất lượng (?!). Thông tư liên tịch số 06/2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng MBH chỉ tiếp tục làm rõ thế nào là MBH. Nội dung thông tư sẽ giúp người dân nhận biết được MBH và cái nào không phải. Mục đích chính là xử lý MBH kém chất lượng. Với lý giải như trên nhưng vẫn xử phạt người dân đội MBH dỏm thì quá  mâu thuẫn.

Một bạn đọc cho biết: “Nói như ông Vinh thì chỉ mũ nào đúng quy định của thông tư thì mới gọi là MBH. Người dân khi mua mũ thì phải tìm thông tư đọc cho kỹ và so sánh với thực tế mới mong thoát khỏi bị phạt. Với một đất nước đến 80 triệu dân thử hỏi thông tư này phổ biến đến được bao nhiêu người. Ngay cả trong lực lượng công an được bao nhiêu người đọc, hiểu và nhớ được tất cả quy định của thông tư này ? Người dân bị làm khó rồi”.
Với quy định “trên trời” này, bạn đọc L.A, ngán ngẩm: “Chúng tôi làm sao phân biệt được MBH dỏm hay thật? Cái MBH tôi đang đội đây có đủ tem nhãn nhưng ai bảo đảm nó đủ chất lượng? Thiếu gì tem rượu nhập khẩu thật dán vô chai rượu giả. Thiếu gì tem chống hàng giả dán vô hàng nhái. Chỉ có cách khi mua phải đập thử thôi. Mà nói không chừng khi đập thử coi chừng người bán MBH đập … thật vào mặt”.
MBH bán tràn lan thế này làm sao người dân phân biệt được thật, giả. Ảnh: Tấn Thạnh

Bạn đọc Lê Quang, bức xúc: “Cái gì cũng phạt người dân vậy? Sao không thấy mấy ông quản lý thị trường, khoa học công nghệ, công an bị cách chức, bị phạt vì không hoàn thành nhiệm vụ để hàng giả hàng dỏm, doanh nghiệp sản xuất hàng dỏm lộng hành”.

Theo bạn đọc Nguyễn Vân, Muốn làm tốt việc này trước hết cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý các điểm kinh doanh nón kém chất lượng. Nếu khi ra đường chúng tôi bị lực lượng công an phát hiện tôi đội MBH kém chất lượng thì phải nói cho chúng tôi biết đây là mũ kém chất lượng và yêu cầu chúng tôi phải mua mũ đúng chất lượng. Thậm chí phải hướng dẫn như thế nào là mũ đúng chất lượng, mua ở đâu. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp địa chỉ cửa hàng bán MBH dỏm để các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Thế mới là làm việc vì dân chứ không phải kiểu ngăn chặn kẻ xấu không được thì nhè chúng tôi mà phạt. Phải hiểu chúng tôi là nạn nhân của MBH dỏm, của cách quản lý xã hội yếu kém trong lĩnh vực này”.
Hành xử kiểu đối phó
“Không ai coi thường sinh mạng của mình cả. Nhiều người thiếu ý thức cố tình mua MBH dỏm để đối phó với quy định phải đội MBH khi đi xe máy. Điều này là đáng trách. Thế nhưng việc xử phạt người dân đội MBH dỏm cũng là một cách đối phó khác của các cơ quan chức năng. Lẽ ra những cơ quan này phải tìm cái gốc của vấn đề và giải quyết căn cơ: đóng cửa cơ sở sản xuất mũ dỏm, xử phạt thật nặng, rút giấy phép kinh doanh tất cả các điểm bán MBH dỏm” – bạn đọc Huy Hoàng.
“Phải thấy rằng, Chủ trương của Chính phủ: bắt buộc người đi trên xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm để bảo vệ tính mạng cho mình là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có quá nhiều việc bất cập: từ việc tuyên truyền, giải thích, công khai tiêu chuẩn an toàn, chất lượng mũ bảo hiểm đến việc quản lý sản xuất và mua bán trên thị trường dường như bị bỏ ngỏ thời gian qua. Đừng để người dân cảm thấy mình phải "tự bơi" hay bị "đem con bỏ chợ" – Bạn đọc Tám Sài Gòn.
Phạm Hồ