THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 December 2011

CSGT: ‘Ê mày, không nộp tiền thì nghỉ chạy xe đi’

Chỉ trong 3 giờ đồng hồ, nhóm CSGT đã chặn xe và nhận tiền hàng trăm lượt xe từ miền Tây lên và ngược lại. Quy trình thu nhận công phu, hàng chục triệu mỗi ca trực.

>> Làm gì để CSGT thôi nhận mãi lộ?
>> CA xứ Nghệ phản hồi vụ ‘CSGT mãi lộ trắng trợn’
>> CSGT nhận mãi lộ trắng trợn ở Hà Tĩnh
Nhiều tài xế bức xúc tố cáo việc hằng ngày họ buộc phải chung chi từ 100.000 đến 500.000 đồng cho mỗi lượt xe khi qua các chốt trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (đoạn từ trạm thu phí phía TP.HCM đến đầu đường Nguyễn Văn Linh).

Qua xác minh, việc này được thực hiện bởi một số CSGT Trạm 4 (Trạm An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM).

Cận tết, mãi lộ càng hoành hành

Khuya 28-11, PV đi theo xe khách từ Sóc Trăng lên Bến xe Miền Tây, khi xe vừa qua trạm thu phí (đang xây dựng) đường cao tốc địa phận TP.HCM, hai CSGT đã rọi đèn pin vào xe. Chỉ khoảng chưa đầy 30 giây, tài xế đã làm “phí” 200.000 đồng rồi lên xe mà không cần phải trình các giấy tờ gì. Chỉ 5 phút, hai CSGT đã băng ra giữa đường chỉ gậy, rọi đèn hơn 10 xe khách và xe tải. Anh N. cho biết: “Dù xe mình có giấy tờ, có đủ lịch trình xuất bến, không vi phạm gì nhưng vẫn phải chung chi. Nếu không thì mấy anh ấy sẽ không vui, mà không vui thì bị bắt bẻ phạt lỗi nặng, mà mấy ảnh đã xem xe thì thế nào cũng ra lỗi, bị giam bằng thì vợ con đói”. Mỗi chuyến xe khách, tài xế được chủ trả 160.000 đồng. Và nếu chẳng may bị chỉ gậy thì coi như mất tiền công.

Rạng sáng 30-11, xe anh N. chở khách về lại Sóc Trăng và phải tiếp tục làm luật 200.000 đồng, dù xe lúc này chỉ có bảy hành khách (giá mỗi vé xe chỉ 100.000 đồng/người).

Theo phản ánh của nhiều tài xế, CSGT Long An, Tiền Giang chỉ xử phạt khi thấy có lỗi chứ không phải nộp tiền tươi liên tục cả đi cả về như CSGT tuần tra Trạm 4. Anh L., tài xế xe container, kể chiêu để đỡ bớt tiền phạt mà nhiều tài xế trốn “nộp” là bằng cách ngừng xe tưới nước cho bánh xe (để khi xe chạy trên đường cao tốc sẽ đỡ hư lốp) hoặc giả như xe bị hư để dừng lại các quán nước chờ thay ca trực sẽ nhanh chóng chạy thoát.

Nhiều tài xế lanh lẹ hơn đã chạy cập hông một xe khác và bỏ chạy khi gậy của CSGT chưa kịp chỉ vào xe mình. Tuy nhiên, theo anh B., tài xế xe khách tuyến Cà Mau - Chợ Lớn, thì việc bỏ chạy hay giả vờ xe hư không được lâu và dễ bị để ý. “Nếu xe nào bị để ý vì trốn “làm luật” nhiều thì nguy cơ bị xử phạt nặng, thẳng tay là không tránh khỏi, trốn được vài lần trong tháng là may lắm rồi. Nói chung, phải biết chuyện không thì phiền phức lắm. Chỉ thiệt cho tài xế thôi. Càng gần tết là tụi tui bị làm luật càng nhiều” - anh B. cho hay.
Tiền sau khi nhận “phí chung chi” được kẹp vào tập biên lai.
Tiền sau khi nhận “phí chung chi” được kẹp vào tập biên lai.
Lấy tiền từ túi ra.
Lấy tiền từ túi ra.
Bỏ tiền vào cốp, được người CSGT bên cạnh che chắn.
Bỏ tiền vào cốp, được người CSGT bên cạnh che chắn.
Quy trình thu nhận công phu

Suốt hơn một tuần tìm hiểu, theo xe các tài xế, chúng tôi đã chứng kiến thủ thuật lấy tiền cánh tài xế của các CSGT đoạn đường này thật tinh vi, khó phát hiện.

Gần 5 giờ sáng 30-11, PV đã phục kích ghi lại được hình ảnh tài xế lũ lượt đóng tiền “phí”, khi trời còn mờ sương sớm.

Một tổ tuần tra gồm hai CSGT (một cấp bậc đại úy tên là Đông và một trung úy) chặn ngay trạm thu phí trên đường cao tốc, đoạn giáp ranh giữa Long An - TP.HCM. Tất cả các xe khi vừa lọt qua cổng trạm đều được chỉ gậy. Khi tài xế xuống xe cầm theo giấy tờ, kẹp theo 100.000-300.000 đồng. Lúc này một CSGT tay cầm tập biên bản xử phạt, tay kia kiểm tra giấy tờ và nhanh chóng đưa tiền kẹp vào tập biên bản. Sau đó giả ghi chép nhưng không đưa biên bản cho tài xế. Lộ liễu hơn, có tài xế không cần cầm giấy tờ liên quan đến xe, chỉ cầm gọn trong tay tiền và đi ra phía đuôi xe, CSGT kéo tài xế nép sát vào mình để tài xế nhét vào xấp biên bản.

Tập biên bản sau khi đã “dày” tiền thì được cuốn tròn lại nhét vào túi áo, quần. Khi túi đã chật cứng tiền, một CSGT đứng che cho đồng nghiệp “xổ” tiền vô cốp xe.

“Quy trình” lấy tiền bỏ vô cốp xe cũng công phu không kém. Biên bản được giơ cao lên để che việc bỏ tiền vô cốp, sau đó cảnh sát này thọc tay vào túi quần lấy ra một tập biên bản rồi bỏ nhanh vô cốp xe. Tiếp đó “gỡ” xấp tiền ra bỏ sâu vô thùng. Tất cả những thao tác này diễn ra một cách chóng vánh, thuần thục.

Sau khi cất tiền xong, hai cảnh sát này tiếp tục chặn xe, đồng hồ lúc này đã gần 7 giờ sáng. Thấy xe chúng tôi đậu trên lề đường quá lâu, một CSGT bước nhanh đến quát: “Đi nhanh mày”. Tài xế than: “Xe em hư chút, em sửa sắp xong rồi”. Có vẻ nghi ngờ, người cảnh sát này dòm vô xe ô tô rồi bỏ đi”.

Hàng chục triệu mỗi ca trực

7 giờ sáng 1-12, hai CSGT khác đứng cách vị trí trạm thu phí gần 1 km, lại tiếp tục thổi xe ô tô và làm luật. Chỉ thấy tài xế cầm sổ chạy lại và chạy đi nhanh như cắt mà không có biên lai xử phạt.

Trưa 3-12, một nhóm CSGT lại tiếp tục ra chốt chặn và quy trình lặp lại liên tục, tuy không lộ liễu bằng lúc đêm khuya và sáng sớm nhưng mọi thủ tục kiểm tra đều đứng sau đuôi xe vi phạm và nhanh chóng tài xế được đi ngay sau đó.

Một tài xế nhẩm tính mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt xe lưu thông qua đoạn đường này, nếu chỉ 1 giờ đồng hồ một số CSGT làm ít nhất là 100 xe thì số tiền bỏ túi cỡ 20 triệu đồng. Điều này cũng đồng nghĩa tiền công của hàng loạt tài xế bị teo tóp.
"- Anh ơi hồi hôm về đã tốn 100, giờ chung nữa kẹt quá anh.

Ê, mày, mai mốt đèn xe thế, không giải quyết đâu.

- Anh thông cảm chứ hồi tối lên cũng đưa rồi, em chạy xe thuê nên khổ lắm anh ơi.

Vậy mày nghỉ chạy đi.
"

(Tài xế S., 50 tuổi, năn nỉ đại úy CSGT tên là Đông (khoảng ngoài 35 tuổi) 5 giờ sáng 30-11)
Theo Nguyễn Đức
PL TP HCM

Huỳnh Thục Vy bị công an lấy cắp 3000 Đô la Mỹ

Huỳnh Thục Vy bị công an lấy cắp 3000 Đô la Mỹ



“Trong bài này, người viết chú ý tới một dữ kiện quan trọng là hành vi ăn cắp của một hay vài công an thuộc lực lượng chính quyền trong lúc lục soát nhà Huỳnh Thục Vy.” Không biết chính quyền có thể tìm ra hay có muốn tìm ra thủ phạm hay không nhưng tai tiếng vụ này làm xấu mặt chính quyền.
Theo nhiều tin tức trên báo mạng hải ngoại và báo chí của chính quyền, chiều mùng 2 tháng 12, công an Quảng Nam đã ập vào hành hung gia đình blogger Huỳnh Thục Vy tại Tam Kỳ, Quảng Nam.
Việc đột nhập tư gia của gia đình Thục Vy lần này là tiếp theo cuộc đột nhập lục soát tư gia của gia đình cô hôm mùng 8 tháng 11. Lý do khám xét hôm 8/11 là chính quyền kết tội ba cha con ông Huỳnh Ngọc Tuấn đã viết các bài viết tung lên mạng “đi ngược lại chính sách đoàn kết dân tộc, phủ nhận thành quả cách mạng”.
Khác với lần trước, lần này khởi đầu chính quyền tới chỉ với mục đích đọc và trao 3 quyết định xử phạt ba cha con ông Tuấn số tiền tổng cộng 270 triệu tiền Việt Nam, tương đương 13 ngàn đô Mỹ (2 triệu = 100 đô Mỹ) và phải nộp phạt trong thời hạn 10 ngày tại kho bạc nhà nước, nếu không thì sẽ bị cưỡng chế. Thế nhưng không hiểu sao chính quyền lại chuyển hướng xoay sang lục soát nhà bà chị ông Huỳnh Ngọc Tuấn mà ba cha con ông đang ở nhờ. Chính quyền đã lục tung hết đồ đạc trong nhà để khám xét. Và việc lục soát như thế không có đọc lệnh xét nhà gì cả.
Mặc dù số lượng công an và viên chức mọi ngành thực hiện việc đột nhập và khám xét cả hai lần đều đông đảo như nhau, khoảng trên 100 người. Nhưng lần sau này có những thiếu sót trầm trọng về thủ tục và có phong cách tàn bạo hơn lần trước. Theo tường thuật của Thục Vy hôm 3/12 cho đài Á châu Tự do thì “Lần trước ngày 8 tháng 11 thì người ta có vẻ bình thường, ôn hòa, không có vấn đề gì: người ta để cho mình quay phim chụp hình bình thường.” Công an có kiểm tra các điện thoại di động của những người trong gia đình và định tịch thu, nhưng do các thành viên trong gia đình phản đối quyết liệt nên họ đã trả lại. Lần trước sau nhiều tiếng lục tung mọi ngóc ngách, họ đã tịch thu 2 bộ dàn vi tính, một bộ loa đài, máy in, những vật dụng được cho là đã “sản xuất ra các tài liệu phản động”; cùng một số giấy tờ sổ sách. Nhưng việc khám xét và tịch thu mọi đồ vật đều có làm biên bản và yêu cầu gia chủ ký. Anh Tuấn đã ký biên bản và khi trả lời truyền thông hải ngoại anh còn cho biết: “Tôi có ký vào biên bản thu giữ đồ đạc của gia đình nhưng đã ghi rõ vào đó là tôi hoàn toàn phản đối việc khám xét này vì những việc gia đình chúng tôi làm phù hợp với điều 69 về quyền tự do ngôn luận quy định trong Hiến pháp”.
Lần này, ngoài việc lục soát không án lệnh của tòa, trong khi lục soát công an lại còn hành hung gia chủ khi gia chủ định chụp hình, quanh phim để làm bằng chứng, một hành động không bị luật pháp ngăn cấm. Huỳnh Thục Vy tường thuật với đài Á Châu Tự Do ngày 3/12 như sau, “2 công an nữ đã vật tay con ra phía sau, rồi 2 công an nam chạy vô lấy máy ảnh của con mà rồi còn đánh con nữa, đánh vào tay vào chân con nữa. Người ta đánh con rất là đau và con chưa bao giờ tiếp xúc với công an theo cái kiểu người ta thô bạo đến như vậy.” Thục Vy nói tiếp, “Bây giờ người con tay chân bầm hết. Họ xé cả áo đến rách toạc áo của cô và áo của con, áo của em trai con nữa.”
Điều ngạc nhiên hơn hết là tất cả những hành động lục soát, tịch thu tài sản và hành hung gia chủ vô cớ đó đều không được lập biên bản.
Tất cả những hành vi trái pháp luật trầm trọng đó của chính quyền địa phương sẽ được bàn tới trong một bài khác, trong bài này, người viết chú ý tới một dữ kiện quan trọng là hành vi ăn cắp của một hay vài công an thuộc lực lượng chính quyền trong lúc lục soát nhà cô Huỳnh Thục Vy.”
Trong tường thuật với đài Á Châu Tự Do ngày 3/12, Thục Vy cho biết, “hai cô con lúc chiều khi người ta ra về hết rồi thì lục tủ tiền thì thấy tiền mất hết. Cả mười ngày nay thì có cô chú bác ở hải ngoại gửi về được 3 ngàn đô, thời gian này nhà con cất trong tủ mà chiều nay khi họ về rồi, mở ra thì thấy không còn tiền đâu, chú ạ, rất là lo lắng, rất là căm phẫn.”
Việc lục soát nhà không có án lệnh hợp pháp, không cho chủ nhà đi theo chứng kiến và không có biên bản. Cuối cùng, khi lực lượng công an ra về rồi, cô của Thục Vy, chủ nhà, không liên quan gì tới vụ việc của cha con ông Huỳnh Ngọc Tuấn, phát hiện ba ngàn đô la Mỹ ($3000 USD) cất trong tủ “không cánh mà bay”. Thật là một sự nhục nhã cho lực lượng lục soát nhà Huỳnh Thục Vy hôm đó.
Việc lục soát nhà ông Huỳnh Ngọc Tuấn lần này có đúng theo thủ tục pháp lý hay không là việc tạm gác một bên. Việc ba cha con ông Huỳnh Ngọc Tuấn có vi phạm hành chánh hay không cũng hãy tạm gác sang một bên để xem xét sau. Nhưng sự việc một vài nhân viên công an lợi dụng trong lúc thi hành công vụ để ăn cắp tài sản nhân dân là điều không thể chấp nhận được và phải xem xét tức khắc. Mỗi một ngày trôi qua mà sự việc không được làm sáng tỏ thì hình ảnh của chính quyền ngày một xấu đi một cách tàn tệ. Không một chính quyền nào dung dưỡng hành vi trộm cắp tài sản của nhân dân, nhất là trong lúc thi hành công vụ, cho dù người dân đó có vi phạm pháp luật. Cũng có thể các nhân viên công an ăn cắp đó nghĩ rằng gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn đang là điểm nhắm quan trọng của chính quyền; gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn không dám thưa gửi; hay có thưa gửi cũng chẳng ai xét, nên mấy nhân viên công an đó thừa gió bẻ măng. Nhưng mấy nhân viên công an đó đã lầm. Một chính quyền dù mất lòng dân tới mấy chăng nữa cũng không thể chấp nhận viên chức chính quyền ăn cắp của dân một cách lộ liễu như vậy. Cho dù hiện nay chưa thấy gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn thưa gửi, bởi vì họ phải lo tìm phương tiên tuân thủ lệnh phạt, một điều quan trọng hơn, nhưng trên phương diện bảo vệ danh dự đảng và chính quyền, chính quyền cần phải tự động thực hiện công việc điều tra nội bộ để tìm ra mấy viên công an có hành vi bất hảo đó. Dù có muốn bao che, có muốn bảo vệ đàn em tới mấy đi nữa, thì vụ “nhân viên công an lợi dụng trong lúc thi hành công vụ ăn cắp của dân” cũng không thể che dấu được nữa. Bộ mặt chính quyền là đây. Danh dự của đảng là đây. Không ai nói ra, vì họ không có điều kiện để nói ra, nhưng hầu như toàn thể dân chúng đang chờ đợi thái độ của chính quyền địa phương trong vụ việc này.
© Đàn Chim Việt