THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 August 2013

Lãi vay có “cơ” giảm thêm 2%

Dù nâng mức dự báo lạm phát cao hơn so với mức lạm phát mục tiêu được Chính phủ đề ra hồi đầu năm, số đông các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn tin rằng, tăng trưởng GDP cuối năm sẽ cao hơn kỳ vọng và lãi suất cho vay có thể giảm thêm trong các tháng tới. 

Lạc quan…

Nhận định đầy lạc quan trên đây được số đông các ngân hàng (NH) đưa ra khi tham gia cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) thực hiện trong tháng 8. Số đông, với 3/4 các TCTD tham gia điều tra cho rằng, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý sẽ tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến diễn biến CPI trong quý III/2013 và cả năm 2013.

Cụ thể, do lo ngại tác động của việc điều chỉnh tăng giá viện phí, xăng dầu, sữa, gas, thực phẩm cũng như giá nhiên liệu thế giới có xu hướng tăng và yếu tố mùa vụ khi học sinh cả nước bước vào năm học mới, các TCTD nâng dự báo về mức tăng CPI cả năm lên 6,77%- so với mức 6,55% tại cuộc điều tra trong tháng 6.2013. Mức dự báo mới cũng cao hơn so với lạm phát mục tiêu trong khoảng từ 6-6,5% được Chính phủ đề ra hồi đầu năm.

Sức ép lạm phát đứng trước nguy cơ vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm, cộng thêm mức tăng mạnh trong tháng 8 tại Hà Nội (3,16%) và TPHCM (0,31%) càng khiến việc đạt được mục tiêu lạm phát năm trở nên khó khăn. Song ở một khía cạnh nào đó, việc CPI thoát đáy và có xu hướng tăng một phần cho thấy nền kinh tế không bị rơi vào trạng thái đình đốn, dù sẽ là tích cực hơn nếu CPI tăng do các yếu tố cầu kéo thay vì bởi các chi phí đẩy. Ngoại trừ đánh giá này, phần đông các TCTD tin tưởng rằng, triển vọng kinh tế sẽ lạc quan hơn trong quý tới với diễn biến tỉ giá ổn định và lãi suất cho vay được dự báo tiếp tục giảm...

Sự lạc quan thể hiện rõ rệt khi có đến 67,11% số ý kiến từ các TCTD tin tưởng rằng lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ tiếp tục giảm trong quý này, với 62% nhận định mức giảm không quá 2%/năm. Chưa hết, sau lần điều chỉnh tỉ giá 1% hồi cuối tháng 6.2013, cuộc điều tra này cho thấy phần lớn các TCTD đều kỳ vọng sẽ không có sự điều chỉnh tỉ giá lần nữa cho đến cuối tháng 8.2013. Sự biến động tỉ giá cả năm 2013  được cho sẽ chỉ tăng tối đa không quá 2-3%.

Thiếu tin tưởng

Nhận định lãi suất cho vay ngắn hạn nhiều khả năng sẽ giảm thêm trong các tháng tới có thể thỏa mãn phần nào kỳ vọng của đông đảo khách hàng đang có nhu cầu vay vốn. Song về mặt kỹ thuật, đây là diễn biến khó có khả năng xảy ra. Thực tế đến thời điểm hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn có mức giảm khá mạnh với các khoản vay ưu đãi có lãi suất 8-9%, trong khi các khoản vay khác có lãi suất khoảng 11-13%.

Phân tích của một đơn vị kinh doanh thuộc VietinBank chỉ ra rằng, so với mặt bằng lãi suất huy động 7%, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động ở thời điểm hiện nay chỉ là 2%. Mức chênh lệch này giảm 0,5% so với thời điểm giữa tháng 5, giảm 1,5% nếu so với thời điểm cuối tháng 3 và giảm tới 2% nếu so với thời điểm đầu năm. Nhìn vào mức chênh hiện nay, cơ hội giảm thêm lãi vay dường như là rất hạn hẹp.

Chưa kể, khả năng tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất của NHNN trong những tháng cuối năm cũng được một số tổ chức đánh giá là không cao khi chỉ số CPI theo tháng có dấu hiệu tăng trở lại. Dư địa hạ thêm lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng nhiệt trở nên hạn hẹp trái ngược với một số dự báo cho rằng, lợi suất trái phiếu chính phủ lại có khả năng tăng nhẹ trong thời gian tới.

Thực tế vào giữa tháng 7.2013, NHNN một lần nữa giảm lãi suất thị trường mở thêm 0,5% như một định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ DN thông qua việc giảm chi phí cấp vốn cho các NHTM thông qua NHNN. Cơ quan này cũng yêu cầu tăng trưởng tín dụng để đạt được tốc độ 12% vào cuối năm nay, sau khi có những tín hiệu tích cực về tín dụng các tháng gần đây.

Song ngay sau quyết định của NHNN, các phân tích của HSBC cho rằng sẽ không còn dư địa để cắt giảm lãi suất. Vào thời điểm trên, HSBC nhận định, VND yếu đi gần đây cùng với nguy cơ lạm phát gia tăng và giá xăng dầu cao hơn, cho thấy lạm phát toàn phần có thể tăng từ mức 6,7% trong tháng 6 lên tới 7,1% trong tháng 7 (so với cùng kỳ năm ngoái).

Điểm đáng lưu ý là với môi trường lãi suất gia tăng trên toàn cầu, việc hạ lãi suất trên đây có thể khiến cho dòng vốn chảy ngược ra ngoài, tác động tiêu cực thêm đối với thanh khoản khan hiếm và có thể đẩy lãi suất huy động kỳ hạn gia tăng.

Ngân hàng Nhà nước quay lại bơm ròng

Sau hai tuần liên tiếp hút ròng trên thị trường mở, trong tuần tính đến ngày 18.8, NHNN chuyển sang trạng thái bơm ròng với khối lượng đạt 621 tỉ đồng và việc bơm ròng được thực hiện trong 4/5 phiên giao dịch trong tuần. Lãi suất liên NH tăng nhẹ là nguyên nhân khiến NHNN chuyển sang trạng thái bơm ròng nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. C.Văn

Cục CSGT ĐB-ĐS hủy điều khoản “cấm quay phim chụp ảnh”

Như Lao động đã liên tục đưa tin về Công văn số 1042/C67-P3 của Cục CSGT ĐB-ĐS có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chiều 23.8, Cục CSGT ĐS-ĐB đã có công văn số số 2315/C67-P6 về việc hủy điểm 2 của công văn này. 

Nội dung như sau: Để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi chống lại Cảnh sát giao thông trong khi làm nhiệm vụ và việc giả danh nhà báo ghi hình cảnh sát giao thông, ngày 26.4.2013, Cục CSGT đường bộ-đường sắt đã có Công văn số 1042/C67-P3 gửi đồng chí Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt Công an các địa phương để hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, tại điểm 2 Công văn số 1042/C67-P3 có một số ý chưa chuẩn xác; do vậy, ngày 23.8.2013, Cục CSGT đường bộ-đường sắt đã có Công văn và yêu cầu Phòng CSGT đường bộ-đường sắt Công an các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc một số việc cụ thể như sau:

Tăng cường phối hợp với cơ quan báo, đài để tuyên truyền pháp luật, các hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Cảnh sát giao thông; tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân tham gia xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông.

Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài quay phim, chụp ảnh thì không được ngăn cản (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh).

Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài cung cấp thông tin, hình ảnh về sai phạm, tiêu cực của Cảnh sát giao thông thì Thủ trưởng đơn vị phải tiếp nhận, giải quyết và xử lý kịp thời, nghiêm túc theo đúng quy định.


Tăng cường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi chống người thi hành công vụ hoặc các đối tượng giả danh phóng viên báo, đài; báo cáo cấp có thẩm quyền điều tra, xác minh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.


Cục CSGT đường bộ-đường sắt cũng đề nghị Phòng CSGT Công an các tỉnh, thành phố nhận được Công văn 2315 có trách nhiệm phổ biến đến cán bộ, chiến sỹ và triển khai thực hiện ngay./.

Bài học cho côn an VN - Sốc cảnh hàng chục cảnh sát Ai Cập bị hành quyết

(VnMedia) - Các lực lượng chiến binh ở Ai Cập hôm 19/8 đã giết hại 25 cảnh sát một cách dã man theo kiểu hành quyết trong một trận phục kích ở Bán đảo Sinai. Hình ảnh gây sốc này diễn ra trong bối cảnh đất nước Ai Cập đang rơi vào hỗn loạn bởi những cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng an ninh và người biểu tình.

Ảnh minh họa
Thi thể những cảnh sát bị chiến binh giết hại một cách dã man theo kiểu hành quyết.

Vụ tấn công vào lực lượng cảnh sát xảy ra vào buổi sáng ngày hôm qua khi hai chiếc xe buýt mini chở các sĩ quan hết giờ trực đang trên đường về nhà qua một ngôi làng gần thị trấn Rafah ở khu vực biên giới.

Một nhóm chiến binh đã phục kích, chặn hai chiếc xe trên dừng lại đồng thời ra lệnh cho các cảnh sát ra khỏi xe. Sau đó, những tên chiến binh đã bắt các cảnh sát nằm xuống mặt đất trước khi bắn chết họ, giới chức an ninh Ai Cập cho hay.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, quân đội đã tăng cường triển khai lực lượng ở khu vực các con đường chính thuộc Sinai. Kể từ khi cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2 năm 2011, các cuộc tấn công ở Sinai tăng lên. Tình hình càng trở nên tồi tệ sau cuộc đảo chính lật đổ ông Morsi hồi tháng trước của lực lượng quân đội Ai Cập.

Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim hôm qua (19/8) đã bày tỏ sự thương tiếc trước cái chết của 25 cảnh sát đồng thời tuyên bố sẽ tăng một bậc trong cấp hàm của mỗi nạn nhân để vinh danh sự hy sinh của họ đồng thời tăng sự giúp đỡ cho gia đình các nạn nhân.

Ông Ibrahim cũng kêu gọi các bên cần phải gạt bỏ mâu thuẫn, bất đồng vì lợi ích cốt lõi của đất nước.

Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng kịch liệt lên án vụ phục kích ở Sinai, bày tỏ hy vọng về việc những “kẻ phạm tội phải nhanh chóng được đưa ra ánh sáng”.

Ông Ahmed Aref – một phát ngôn viên của Tổ chức Anh Em Hồi giáo cũng lên tiếng chỉ trích vụ tấn công vào lực lượng cảnh sát. Tuy nhiên, ông này cho rằng, vụ tấn công đó cũng nghiêm trọng chẳng khác gì vụ đàn áp ở nhà tù hôm 18/8 bởi hầu hết các tù nhân đều chết vì ngạt sau khi lực lượng vũ trang bắn hơi cay vào họ.

Những phát biểu trên của ông Aref trái người với lời giải thích trước đó của báo chí Ai Cập. Theo đó, giới truyền thông Ai Cập đưa tin, 36 tù nhân thiệt mạng sau khi lực lượng an ninh giao tranh với các tay súng gần nhà tù và buộc phải sử dụng đến hơi cay. Báo chí Ai Cập cũng khẳng định, các tay súng gần nhà tù là thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo.

Vụ tấn công trắng trợn giữa thanh thiên  bạch nhật vào lực lượng cảnh sát Ai Cập ngày hôm qua đã khiến cho tình hình hỗn loạn ở đất nước này thêm trầm trọng.

Một vài giờ sau vụ tấn công, một chiến binh cũng đã bắn chết một đại tá cảnh sát khi anh này đang đứng canh phòng ở bên ngoài một ngân hàng thuộc thành phố el-Arish, phía bắc Sinai.

Kể từ khi lực lượng an ninh Ai Cập bắt đầu tìm cách dẹp các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo của ông này hồi tuần trước, tình hình bạo lực ở đất nước này mỗi lúc một gia tăng đáng lo ngại. Hiện tại, số người chết trong các cuộc giao tranh giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã lên tới khoảng 1.000 người. Ngoài ra, hàng nghìn người khác cũng đã bị thương.

Giải mã nguyên nhân chính khiến nhiều tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam đổ bể



no-tapdoan

Việt Nam đang ở mức dưới trung bình về quản trị công ty (QTCT) và ngân hàng.
Nội dung nổi bật:
  • - Nguyên nhân chính: Quản trị công ty kém.
  • - Quyền lực tập trung quá nhiều vào một người, trong khi mô hình đó chỉ phù hợp với công ty nhỏ, thị trường ổn định và ít cạnh tranh.
  • - Các thành viên HĐQT thiếu tính độc lập, hoặc chỉ độc lập “giả vờ”. Ban kiểm soát không giám sát nổi HĐQT và ban điều hành.
Trong kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp (DN) niêm yết lớn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) năm 2011, điểm QTCT của các doanh nghiệp (DN) đạt 42,5%, mức dưới trung bình trên thang điểm 100%. Tài chính, ngân hàng được xem tốt hơn các lĩnh vực khác về quản trị, nhưng chỉ số khảo sát cũng chỉ đạt 43%.
Các nước đã tiến khá xa trong lĩnh vực QTCT, với hai mô hình cơ bản.
Thứ nhất, mô hình một cấp của Mỹ, không có ban kiểm soát, thay vào đó, các ủy viên hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập, không điều hành đóng vai trò giám sát.
Thứ hai, mô hình hai cấp, chủ yếu ở châu Âu, Nhật Bản và Việt Nam, ban kiểm soát giám sát hoạt động của HĐQT, ban điều hành và bộ máy bên dưới, đặc biệt liên quan đến cơ chế, chính sách, quy trình.
Nếu so sánh, không mô hình nào hiệu quả hơn mô hình nào, bởi khủng hoảng vẫn xảy ra tại Mỹ với mô hình một cấp và tại Nhật Bản với mô hình hai cấp, cho nên, vấn đề không nằm ở mô hình mà quan trọng là chất lượng QTCT.
Việt Nam có cả hai mô hình trên song vấn đề của Việt Nam khác với các nước. Trong một DN hay ngân hàng có 3 cấp độ QTCT là HĐQT, ban giám đốc điều hành và các phòng ban thừa hành. Qua cấu trúc này có thể thấy, trách nhiệm, vai trò của các bên liên quan trong một DN hay ngân hàng.
Quyền lực tập trung vào một người mang lại nhiều cái xấu hơn là tốt, nên nó chỉ phù hợp với ba điều kiện: DN nhỏ, thị trường ổn định và ít cạnh tranh. Đối chiếu vào ba điều kiện này, nhiều DN lớn của Việt Nam hiện nay có vấn đề về QTCT.
6 khuyến nghị đối với QTCT tại Việt Nam
  • - Cơ cấu HĐQT hợp lý, hiệu quả
  • - Trách nhiệm rõ ràng
  • - Công bằng với cổ đông
  • - Minh bạch
  • - Trách nhiệm xã hội
  • - Nghiên cứu bài học QTCT Vinashin và Vinalines
Việt Nam không thiếu luật liên quan đến QTCT, chẳng hạn Nghị định 59/2009 của Ngân hàng Nhà nước, gần đây là Thông tư 121/2012 của UBCKNN.
Tuy nhiên, các quy định về QTCT áp dụng chủ yếu với hai loại DN: Niêm yết và công ty đại chúng.
Câu hỏi đặt ra, với những công ty không niêm yết, không phải là công ty đại chúng thì QTCT như thế nào? Không ai quy định, đó là một lỗ hổng, chưa kể đến các quy định liên quan khác vẫn thiếu và yếu, ví dụ minh bạch thông tin.
QTCT có một số yếu tố rất cơ bản, ví dụ, quan hệ với cổ đông, quan hệ với kiểm toán, quan hệ với HĐQT, đặc biệt liên quan đến cơ cấu hoạt động, liên quan đến ban kiểm soát, các ủy viên độc lập, liên quan đến kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ. Một điểm khác biệt, việc quản lý rủi ro đối với DN là bình thường, thì với các ngân hàng lại là vấn đề đặc biệt quan trọng.
Ngoài ra, trong HĐQT hiện nay có rất nhiều ủy ban, trong khi theo Nghị định 79, chỉ bắt buộc ủy ban kiểm tra và tổ chức nhân sự. Ở đây, có một điểm cần làm rõ, các ủy ban này chủ yếu là tư vấn cho HĐQT chứ không phải chịu trách nhiệm chuyên môn, pháp lý đối với HĐQT.
Mặt khác, hầu hết các ban kiểm soát không làm hoặc làm không đầy đủ hai việc quan trọng là giám sát HĐQT, ban điều hành và rà soát sự đồng bộ trong cơ chế, chính sách. Họ mới chỉ dừng lại ở việc soát xét các báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính.
Một vấn đề nữa, việc một người là ủy viên HĐQT kiêm điều hành là bất cập và một trong những bất cập lớn nhất là mâu thuẫn lợi ích, đặc biệt là cho vay “sân sau”. Trên thế giới, đặc biệt mô hình một cấp của Mỹ, nhấn mạnh việc không kiêm nhiệm.
Tại Mỹ có khoảng 63% ủy viên HĐQT là ủy viên độc lập, tại Hàn Quốc, số ủy viên HĐQT độc lập chiếm tới 63%.Trung quốc cũng làm khá tốt trong việc này, từ năm 2002, các ngân hàng có hẳn hệ thống yêu cầu về ủy viên HĐQT độc lập.
Khảo sát của chúng tôi tại bốn ngân hàng lớn của Trung Quốc, số lượng ủy viên HĐQT từ 15-17 người. Tất nhiên, quy mô ngân hàng của họ lớn, nhưng phải thấy rằng, Trung Quốc đang tiệm cận theo hướng của Mỹ, điển hình là Ngân hàng Ngoại thương của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc có một vấn đề khá giống Việt Nam là giao dịch “sân sau”, hay còn gọi là giao dịch từ các bên liên quan. Vì vậy, các ngân hàng Trung Quốc bắt buộc phải có một ủy ban kiểm soát giao dịch liên quan, cái này Việt Nam nên tham khảo.
Còn tại Việt Nam, Nghị định 59 quy định, từ năm 2009, khối ngân hàng phải có hội đồng độc lập, nhưng hiện nay rất nhiều ngân hàng chưa có hội đồng này, hoặc có, nhưng chưa có ủy viên độc lập. Sơ bộ thấy rằng, đây là bất cập lớn, thanh tra giám sát cần phải có tiếng nói về vấn đề này.
Quản trị là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam đổ bể, xuất phát từ một doanh nghiệp ngành dâu tằm tơ năm 1999 và gần đây là Vinashin và Vinaline.
Việt Nam thiếu căn bản 6 chữ vàng về chuẩn QTCT của OECD (cơ cấu và quy trình hợp lý, minh bạch, công bằng, trách nhiệm, giải trình, đối sử với các bên liên quan) và đang có vấn đề cả trong 6 nội dung này.
Theo Doanh nhân Sài Gòn

Lãnh đạo VN ‘phải thay đổi mạnh mẽ hơn’



Một doanh nhân hàng đầu của Việt Nam nói giới lãnh đạo nên từ bỏ “tư duy cũ kỹ, lối mòn” để đưa Việt Nam vượt khỏi tình hình khó khăn hiện nay.

Ông Đào Hồng Tuyển, chủ tịch tập đoàn Tuần Châu ở tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ với chủ biên trang kinh doanh của BBC Linda Yueh trong cuộc phỏng vấn tại thành phố Hạ Long.

Ông cũng cho rằng Việt Nam không cần phải bỏ “hàng tỉ đôla để mua vũ khí” mà cần làm “bạn đúng nghĩa” với các nước.
Linda Yueh: Ông suy nghĩ rất nhiều về các vấn đề của Việt Nam và ông có nói đất nước này đang trải qua giai đoạn khó khăn hơn trước vì thế giới cũng đang gặp khó khăn. Ông có tìm thấy giải pháp cho Việt Nam không?
Đào Hồng Tuyển: Tôi nghĩ rằng nó phải kết hợp rất nhiều lĩnh vực khác nữa. Tôi muốn nói về vấn đề chính trị. Chắc chắn những nhà chính trị Việt Nam phải có tư duy thay đổi một cách mạnh mẽ hơn. Thay đổi về cơ chế, thậm chí phải thay đổi một phần thể chế, một cách mạnh mẽ và thay đổi toàn diện với quyết tâm cao. Đất nước Việt Nam mới có thể vượt lên được trong tình hình hiện nay.
Hay nói cách khác, phải có một đường lối đổi mới toàn diện. Đồng thời phải được toàn dân tộc ủng hộ. Đặc biệt những nhà khoa học, đặc biệt những nhà kinh tế và được quốc tế hỗ trợ. Như thế Việt Nam cũng sẽ sớm trở thành một quốc gia phát triển.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam, như ban đầu tôi nói, phải nghĩ mới và làm mới, nghĩ khác và làm khác. Chỉ có nghĩ mới và làm mới, nghĩ khác và làm khác, đương nhiên chúng ta hiểu theo nghĩa là làm mới, làm khác tốt đẹp hơn, sáng tạo hơn thì mới đưa dân tộc tiến lên được.
Các nhà chính trị, các nhà lãnh đạo cũng phải dũng cảm, dám cắt bỏ tất cả những cái ung nhọt, tư duy cũ kỹ, lối mòn về suy nghĩ để tìm một con đường cho dân tộc, thông minh hơn, sáng tạo hơn, và quốc tế hơn.










“Các nhà chính trị, các nhà lãnh đạo cũng phải dũng cảm, dám cắt bỏ tất cả những cái ung nhọt, tư duy cũ kỹ, lối mòn về suy nghĩ để tìm một con đường cho dân tộc, thông minh hơn, sáng tạo hơn, và quốc tế hơn.”
Đào Hồng Tuyển
Và tôi cũng nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam nên nhìn thẳng vào sự thật, mặc dù sự thật đó rất đau lòng. Chúng ta phải bỏ cái nhìn trên những đống hồ sơ giấy tờ một cách đẹp đẽ và sạch sẽ nhưng sự thật nó không phải là như vậy. Tôi muốn nói điều này, là các nhà lãnh đạo phải khai tử hàng loạt tất cả những tập đoàn của nhà nước làm ăn không hiệu quả, mang tất cả những tài sản đó bán, khoán, cho thuê, tạo động lực mới, chấp nhận một sự mất mát cần thiết để tạo động lực mới cho xã hội, cho đất nước.
Bởi lẽ các bạn biết, hiện nay hệ thống doanh nghiệp của nhà nước quản lý đang nắm một nguồn tài nguyên, nguồn tài sản quốc gia rất là lớn nhưng hiệu quả rất là thấp cho nền kinh tế đất nước. Có những tập đoàn nhà nước còn trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Theo tôi nên bán, hoặc là đầu thầu, khoán, cho thuê tất cả những tài sản đó để tạo một động lực mới cho xã hội, cho đất nước.
Và như các bạn biết, đất nước chúng tôi 80% là nông nghiệp. Mà trên thế giới, chẳng có một quốc gia nông nghiệp nào mà trở thành hùng cường cả, nếu đi theo con đường nông nghiệp, phát triển nông nghiệp. Chiến lược phát triển của Việt Nam cũng phải thay đổi, thậm chí cái phát triển nông nghiệp phải giảm xuống chỉ còn 1/3 mà thôi, để dành những nguồn lực ấy, tài nguyên ấy chuyển sang, chuyển đổi sang lĩnh vực khác, có hiệu quả hơn. Vì không một quốc gia nào trên thế giới mà làm nông nghiệp mà trở thành hùng cường.
Linda Yueh: Theo ông, cải cách hiện nay có quá chậm không?
Theo tôi cũng không chỉ là chậm mà vẫn chưa phải là thực sự thông minh. Sẽ còn nhiều cách đi khác nữa. Còn những cách đi mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn. Cái đổi mới như bạn nói chậm là chưa đủ, nhưng thậm chí chưa sâu sắc, chưa đồng bộ. Còn thiếu sự sâu sắc và thiếu sự đồng bộ. Thiếu cả sự sáng tạo nữa.
 Và còn một điều nữa, Việt Nam phải trở thành một cái nơi mà cho tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới nhìn Việt Nam với một cặp mắt thiện cảm. Việt Nam muốn phát triển, phải làm bạn, mà bạn đúng nghĩa với các dân tộc trên thế giới. Sự yêu thương, tin cậy, và quý mến của cộng đồng quốc tế, để giúp cho sự phát triển của Việt Nam là vô cùng quan trọng.
Việt Nam phải quốc tế hóa. Theo tôi, phải quốc tế hóa Việt Nam. Nếu làm được điều đó thì Việt Nam đã là bạn đúng nghĩa với các dân tộc trên thế giới. Không cần phải mất hàng năm hàng tỉ đôla để mua vũ khí. Và Việt Nam phải trở thành ốc đảo của hòa bình, ốc đảo của sự sáng tạo, và lòng nhân ái.
Linda Yueh:Vậy việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, với phần còn lại của thế giới, quan trọng thế nào? Quan hệ quốc tế có phải là một thay đổi chủ chốt trong những gì ông đang mô tả?
Tôi cho rằng là vô cùng quan trọng. Các bạn biết, người Việt ở Mỹ hiện nay trên 2 triệu người. Và đó là một lực lượng rất tiềm năng để xây dựng đất nước. Và đối với một quốc gia hùng cường hàng đầu của thế giới, Việt Nam là một nước nghèo, rất cần cái hợp tác thân thiện, hợp tác bình đẳng và hỗ trợ của công nghệ, thậm chí cả tài chính của Hoa Kỳ.
Và nói cách khác, nếu thực sự người Mỹ, chính phủ Mỹ và người dân Mỹ muốn làm cho khu vực Đông Nam Á và khu vực Châu Á này hòa bình ổn định thì chính phủ Mỹ nên ủng hộ Việt Nam, nên giúp đỡ Việt Nam, để có sự cân bằng cần thiết cho hòa bình ổn định tại khu vực này.
Linda Yueh:Ông có thể chia sẻ bí quyết thành công của ông?
Tôi nghĩ rằng là ai cũng hoài bão và ai cũng có ước mơ. Suy nghĩ của tôi là hãy nghĩ khác và làm khác. Hãy nghĩ những gì mà thiên hạ chưa nghĩ. Hãy làm những gì thiên hạ có thể đã nghĩ, mà chưa làm, chưa dám làm.
Cuộc phỏng vấn của phóng viên Linda Yueh thực hiện tại Việt Nam. Đây là một phần của Mùa Việt Nam trên BBC trong tháng Tám.
Theo BBC


CƠM ĂN VỚI LÁ…



An com voi la (1)
Mùa A Tếnh, dân tộc Mông, năm nay 6 tuổi và bắt đầu vào học lớp 1, điểm Trường Tiểu học Háng Gàng (Pá Hu, Trạm Tấu, Yên Bái). 
Nhà Tếnh cách điểm Trường 1 ngọn núi, đi bộ chừng gần 1 tiếng đồng hồ, buổi trưa không về được nhà ăn cơm trưa nên cứ mỗi sáng sớm trước khi đến lớp, bố mẹ lại xới cho 1 chút cơm, kèm theo nhếu nháo thức ăn, nén trong túi ni lông cho Tếnh lếch thếch xách đến lớp, ăn trưa ở lớp cùng các bạn.
Mở túi cơm của Tếnh, chỉ duy nhất mấy lá rau rừng, vị chua chua thay cho thức ăn…’
Háng Gàng là bản đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, cách trung tâm xã Pá Hu 19km đường rừng (ngày nắng, chỉ người dũng cảm mới dám đi xe máy vào, với quãng thời gian 3 tiếng đồng hồ; ngày mưa, phải đi bộ trong vòng 6-7 tiếng) và 90% dân số của thôn thuộc diện hộ nghèo.
An com voi la (2)
Mùa này, cái đói bắt đầu lấp ló ở những ngôi nhà người Mông chơ vơ giữa rừng xanh núi đỏ, nên có khi chả mấy lâu nữa, sẽ có không ít đứa trẻ phải ăn cơm với lá rừng, hòng lay lắt sống, học cái chữ viết hòng cải thiện tương lai…
Vẫn biết có rất nhiều chế độ chính sách, sự ưu ái dành cho con trẻ vùng cao biên giới, thế nhưng để chính sách thực sự là miếng cơm, hạt muối, giọt dầu, thì có lẽ những người làm chính sách nên đi đến tận những nơi xa tít mù tắp như Háng Gàng này, để xem thực sự vì sao những đồng tiền – cân gạo trợ cấp, cứu giúp đồng bào lại đến muộn đến vậy và có cách nào thực sự hữu hiệu, cho con trẻ lít nhít khỏi xoe mắt buồn rầu, khi trệu trạo nuốt miếng cơm khô trong túi ni lông, với duy nhất mấy miếng lá rừng đăng đắng, chua chua?..
Theo Mai Thanh Hải


Đề án chính quyền đô thị “đụng” hơn 100 văn bản luật



Ngày 22.8, Thường trực HĐND TP.HCM khóa 8 lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, những người nguyên là ủy viên Thường trực HĐND thành phố các khóa trước về đề án chính quyền đô thị nhằm chuẩn bị cho kỳ họp chuyên đề về vấn đề này trong thời gian sắp tới.

Nhiều ý kiến đánh giá cao tâm huyết của TP.HCM vì từ năm 2006 thành phố đã bàn về mô hình thí điểm chính quyền đô thị. Ngay sau khi được Trung ương ủng hộ, thành phố đã “ra mắt” được đề án với sự chuẩn bị khá công phu.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là làm sao để đề án được áp dụng trên thực tế, trong khi đang vướng rất nhiều văn bản luật hiện hành.
Theo GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, đề án đụng chạm đến rất nhiều văn bản pháp lý, mà trong đề án cũng đã nêu ra xung đột 102 văn bản luật hiện hành.
Kể cả Hiến pháp hiện hành và dự thảo Hiến pháp đang sửa đổi thì đề án của TP.HCM vẫn đụng.
“Chúng ta phải có một tờ trình để lý giải tại sao đề án của chúng ta lại vênh như vậy với các văn bản pháp luật này, tức là phải đánh giá cái được, cái chưa được của các văn bản cũ”, GS-TS Mai Hồng Quỳ đề nghị. Ông nói thêm: “Chúng tôi hoàn toàn thống nhất đề án chúng ta đưa ra vênh với các văn bản cũ là bởi vì thực sự các quy định trong các văn bản cũ đã lạc hậu rồi. Ta phải thừa nhận điều này. Cái này không phải nói để ta bào chữa cho ta nhưng phải thấy rằng, trong số 102 văn bản xung đột, có nhiều văn bản bị lỗi thời. Vấn đề là ta phải chứng minh được điều đó. Phải lý giải được nó vênh vì các văn bản này cũ, lạc hậu hay do đề án chúng ta quá mới”.
“Nếu không làm được điều đó sẽ tạo nên sự nghi vấn của các nhà phản biện và người ta sẽ thấy không yên tâm về đề án của chúng ta”, GS-TS Mai Hồng Quỳ lưu ý.
De an chinh quyen do thi
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM Khương Văn Mười góp ý đề án chính quyền đô thị
Trong đề án có nói đến vấn đề thành phố có cử đoàn đi tham khảo kinh nghiệm ở Thượng Hải, Lyon, Busan… Thế nhưng, những kinh nghiệm đó như thế nào thì trong đề án không nói cụ thể.
“Nếu nói rõ điều này, nhiều người sẽ cho rằng, chúng ta chỉ có đi chơi thôi chứ thu thập không nhiều. Theo tôi, cần phải có phần phụ lục kinh nghiệm rút ra từ các mô hình của các thành phố này. Ví dụ như, mô hình của Busan ra làm sao, ưu điểm là gì, nhược điểm thế nào…”, GS-TS Mai Hồng Quỳ đề nghị.
Một vấn đề rất đáng chú ý khác được Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM Khương Văn Mười đặt ra, đó là định hướng phát triển.
Theo ông Mười, TP.HCM sẽ bị ngập trên diện rộng vào năm 2070 (nước biển sẽ dâng 46 cm) và bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào năm 2100 (nước biển sẽ dâng 75 cm).
Do vậy, việc phát triển các TP mới cần phải có sự tính toán phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, “chứ dồn công sức, tiền bạc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng rồi sau đó bị nhấn chìm trong nước thì không ổn”.
Theo TNO


Nợ có khả năng mất vốn của 10 ngân hàng tăng mạnh



Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2013 của 10 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của các ngân hàng này đã tăng đến 33% trong sáu tháng đầu năm.
ee357_hinh_2_405
Tổng nợ có khả năng mất vốn của 10 ngân hàng này tính đến cuối tháng 6-2013 là 15.315 tỉ đồng, tăng 33% so với mức 11.525 tỉ đồng cuối năm 2012. Mười ngân hàng này là Á Châu (ACB), Nam Việt (NVB), Phương Nam (PNB), BIDV, Eximbank (EIB), Sacombank (STB), Vietcombank (VCB), Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Quân đội (MBB), Techcombank (TCB).
Có tốc độ tăng cao nhất trong số các ngân hàng này là Ngân hàng Sacombank với mức tăng đến 67%, từ 897 tỉ đồng lên mức 1.500 tỉ đồng. Tiếp theo là Ngân hàng ACB với mức tăng nợ có khả năng mất vốn là 55%. Ngân hàng Saigon-Hanoi (SHB) là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 6 cao nhất trong số các ngân hàng là 9%, riêng nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này trong sáu tháng đầu năm tăng 54%, từ 2.067 tỉ đồng lên 3.186 tỉ đồng, cao nhất về số tuyệt đối trong số 10 ngân hàng.
Chỉ riêng Ngân hàng Phương Nam (PNB) có nợ nhóm 5 giảm đến 19%, từ mức 797 tỉ đồng xuống còn 649 tỉ đồng vào cuối tháng 6, và Ngân hàng Eximbank có nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ 1% xuống còn 782,5 tỉ đồng.
Trong 10 ngân hàng này, chỉ có Nam Việt, SHB, và Techcombank có nợ xấu (nhóm 3, 4, 5 tức nợ quá hạn từ 91 ngày trở lên) cao hơn 3%, mức buộc phải bán nợ cho Công ty quản lý tài sản VAMC. Tỷ lệ nợ xấu của ba ngân hàng này lần lượt là 6,1%, 9%, và 5,3%.
Về lợi nhuận trước thuế, chỉ riêng BIDV và Phương Nam có lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm ngoái, còn tám ngân hàng kia đều sụt giảm lợi nhuận, mức sụt giảm mạnh nhất là Nam Việt với 91% và kế đến là Eximbank với mức giảm lợi nhuận là 60%.
Theo TheSaiGonTimes


Tiền giả và tham nhũng phá kinh tế VN



kinhte-khunghoang
Nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu bắt nhịp trở lại?
Việt Nam đang điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng phù hợp hơn trong lúc vẫn gặp phải các hoạt động phá hoại diễn ra thường xuyên đối với nền kinh tế, từ nạn tiền giả tới tệ biển thủ các nguồn tài chính công.
Đó là quan điểm của nhà quan sát từ Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, trong cuộc trao đổi hôm 22/8/2013 bàn về chủ đề đồng tiền, dòng vốn, giải pháp cho phục hồi kinh tế.
Hôm thứ Năm, tỷ giá giữa USD và VND được nhận định là “bất ngờ tăng mạnh” tới 60 VND từ mức 21.120VND/ một đô-la Mỹ vốn được cho là ổn định trong tuần, theo tờ Kinh tế Việt Nam.
Tờ báo chuyên về kinh tế và tài chính dẫn lời một thành viên trên thị trường tiền tệ nhận định rằng diễn biến tỷ giá này là ‘khá bất thường, ‘cần tiếp tục theo dõi’, có thể ‘ngắn hạn’ tuy bước đầu có thể gợi ý xác định về ‘diễn biến mới của lãi suất’ trên liên ngân hàng và nhu cầu ngoại tệ lớn xuất hiện.
Về diễn biến mới đây trên thị trường tiền tệ, trả lời câu hỏi liệu đây có là việc đồng USD thực sự “tăng mạnh” hay là đồng VND mất giá so với Mỹ kim, nếu chỉ nhìn từ một vài biểu hiện bên ngoài, Tiến sỹ Nguyễn Quang A hôm thứ Năm nhận định với BBC:
“Tôi nghĩ thực sự đồng tiền Việt Nam, giá trị thực, chứ không phải là giá trị danh nghĩa, so với đô-la chẳng hạn, thì thực sự là cao chứ không phải là mất giá.
“Cho nên là khả năng phải giảm giá đồng tiền Việt Nam là một chuyện thực tế và tôi nghĩ là cần thiết cho nền kinh tế. Tôi không nghĩ việc đồng Việt Nam từ khoảng từ 20 ngàn mấy chục lên 21.100 trong khoảng thời gian qua là một biến động gì quá lớn và đáng lo ngại cả.”

‘Từ tiền giả phá hoại’

“Không thể loại trừ việc học những kinh nghiệm xấu của mafia Nga, giới tài phiệt Nga, trong việc móc ngoặc với nhà nước để kiếm chác, trục lợi trong việc mua bán doanh nghiệp, đấu thầu các tài sản của nhà nước, hầm mỏ và đất đai”
TS Nguyễn Quang A
Về biểu hiện phá hoại đối với với tiền tệ Việt Nam, hôm 22/8, tờ  Dân Trí phản ánh việc nhà chức trách ở một tỉnh biên giới phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc phát giác và bắt giữ các vụ vận chuyển tiền giả được in ở nước ngoài, bên cạnh đồng đô-la giả.
Tờ báo cho hay hôm thứ Năm, cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an tỉnh Lạng Sơn đã hoàn tất thủ tục truy tố một đối tượng vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam lượng tiền giả là 200 triệu VND khi tìm cách qua cửa khẩu Tân Thanh.
Vẫn tờ này phản ánh, hôm 5/8, một đối tượng khác trong một vụ riêng rẽ, bị công an kinh tế Việt Nam phát giác và bắt giữ khi đang vận chuyển, cũng qua ngả Lạng Sơn, số tiền giả lớn khác có trị giá lên tới 11.000 USD và hơn 68 triệu đồng tiền Việt Nam.
Bình luận về tác hại của nạn tiền giả với nền kinh tế Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói:
“Tất nhiên, tiền giả chủ yếu được in, cứ nói thẳng toạc móng heo, ở Trung Quốc đưa sang là chính là đến 100%, có tác hại rất lớn đối với nền kinh tế và có lẽ là về mặt kinh tế, tuy tôi không có số liệu cụ thể, nhưng về khối lượng, tôi nghĩ rằng tác động ấy không phải là lớn lắm,
images648039_nguyen_quang_a_dai_gia_tien_ty_tieu_xai_ruoc_dau_nguyen_tran_bat_bui_kien_thanh_phunutoday.vn
Tiến sỹ Quang A cho rằng bòn rút công quý và móc ngoặc của nhóm lợi ích đang phá hoại nền kinh tế hàng ngày
“Nhưng về mặt tâm lý, về mặt niềm tin, lòng tin của người dân vào đồng nội tệ, thì đấy là một sự phá hoại hết sức nguy hiểm.”

‘Tới đánh cắp tài nguyên’

Tuy nhiên một trong những vấn nạn khó nhìn thấy hơn có thể đang làm suy yếu Việt Nam từng ngày là nạn tham nhũng từ ‘ăn cắp’ tài nguyên, khoáng sản, công sản quốc gia, thông qua lách luật và móc ngoặc giữa các nhóm tài phiệt, đại gia và nhóm lợi ích trong nhà nước và chuyển ra nước ngoài trục lợi, trong khi nền kinh tế quốc nội đang cần các nguồn lực để củng cố, phục hồi.
Tiến sỹ Quang A nói:
“Tôi nghĩ rằng chuyện có sự câu kết rất chặt chẽ giữa các thế lực kinh tế mà chủ yếu ở đây là các đại gia, các doanh nghiệp nhà nước lớn, hoặc thậm chí các doanh nghiệp tư nhân lớn, với các thế lực chính trị để làm sao có lợi nhất cho cả đôi bên mà Việt Nam thường gọi là chuyện nhóm lợi ích, đấy là hiện tượng càng ngày càng trầm trọng ở Việt Nam, và đó là cái không ai từ chối cả.”
Cựu Viện trưởng Viện IDS đã giải thể nói xã hội Việt Nam vài chục năm gần đây có thể đã xuất hiện một lớp các nhà tài phiệt, đại gia mới lũng đoạn nền kinh tế và làm giàu bất chính thông qua áp dụng các kinh nghiệm xấu về lách luật và làm ăn gian lận từ kinh nghiệm của mafia nước ngoài và móc ngoặc với một bộ phận của giới cầm quyền.
Ông nói:
“Tôi có thể nói không thể loại trừ việc học những kinh nghiệm xấu của mafia Nga, giới tài phiệt Nga, trong việc móc ngoặc với nhà nước để kiếm chác, trục lợi trong việc mua bán doanh nghiệp, đấu thầu các tài sản của nhà nước, hầm mỏ và đất đai chẳng hạn. Chuyện đó tôi khẳng định là không thể không có việc học đó và không thể không có ở Việt Nam”.
Tiến sỹ Quang A cho rằng mức độ biển thủ tài nguyên, công quỹ, rửa tiền do lách luật, móc ngoặc với nhóm lợi ích và tác hại của chúng ra sao với nền kinh tế khó tính toán hết.
“Cụ thể nó đến mức như thế nào thì nói thật là phải có những tổ chức độc lập, phải có kinh phí để nghiên cứu một cách rất tường tận, lúc đó mới có thể bình luận một cách đầy đủ cơ sở được.”
Theo BBC


Bán đảo Thanh Đa sắp thành khu đô thị



Với việc giao cho một tập đoàn làm chủ đầu tư dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM), người dân ở bán đảo bị vướng quy hoạch treo suốt 20 năm đang khấp khởi mừng vì sắp được "xóa treo".

UBND TP HCM vừa đồng ý giao cho một tập đoàn trong nước làm chủ đầu tư mới dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa, đồng thời yêu cầu đơn vị này tiến hành lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) của khu vực này. Sở Tài chính thành phố được giao thẩm định hồ sơ bồi thường cho khoảng 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
ban-dao-thanh-da-1355198749-500x0-137714
Phối cảnh quy hoạch khu đô thị bán đảo Thanh Đa.
Với diện tích hơn 450 ha, bán đảo Thanh Đa được UBND TP xác định sẽ là "lá phổi xanh" của thành phố, mật độ xây dựng thấp và dân số vào khoảng 41.500 người. Khu vực này có chức năng là khu đô thị sinh thái, kết hợp cảnh quan thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, đồng thời là trung tâm tri thức và công nghệ mới.
Về chính sách tái định cư, UBND TP thống nhất với đề xuất của quận Bình Thạnh cho phép một số trường hợp bố trí tái định cư theo dạng nhà phố có sân vườn và một phần nhà chung cư. TP cũng cho phép chủ đầu tư làm trước một số thủ tục điều tra hiện trạng để lập phương án bồi thường cho dân.
Trước đó, UBND TP đã đồng ý với phương án sẽ xây 2 cây cầu kết nối bán đảo Thanh Đa với quận 2. Một cầu sẽ nối từ bán đảo Thanh Đa qua khu Thảo Điền tại đường Nguyễn Văn Hưởng và một cây nối khu Thanh Đa với xa lộ Hà Nội tại nút giao thông Rạch Chiếc (quận 2). Hiện khu vực này chỉ có một con đường kết nối với bên ngoài là đường Bình Quới qua cầu Kinh Thanh Đa.
Tại kỳ họp HĐND TP cuối năm 2012, đại diện cử tri ở bán đảo Thanh Đa đã khẩn khoản trước HĐND rằng "20 năm, thời gian đủ để hình thành một thế hệ xây dựng đất nước. Chúng tôi chỉ xin một điều, nếu không thực hiện được dự án thì thu hồi, trả lại đất cho người dân nhờ". Sau đó, chính quyền thành phố đã cam kết sẽ rà soát và "xóa treo" cho khu vực này.
Trung Sơn

Tỷ giá tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước bác tin điều chỉnh


 
 'Tỷ giá tăng một phần do khối ngoại chốt lời'

Ngân hàng Nhà nước cuối chiều 22/8 nhanh chóng ra thông cáo và cam kết ổn định thị trường ngoại hối sau khi giá mua bán đôla của các ngân hàng tăng 50-60 đồng trong ngày.
usd-1377161215.jpg
Tỷ giá ngân hàng tăng mạnh trong những ngày cuối tháng 8. Ảnh: Anh Quân.
Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng bắt đầu tăng từ giữa giờ giao dịch sáng 22/8, sau khi giữ ở mức ổn định 21.120 đồng trong cả tuần trước đó. Trong khi đó, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng cũng như giá mua bán của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước không thay đổi nhiều. Đến buổi trưa, đôla bán ra tại Vietcombank đã ở 21.170 đồng, Eximbank 21.190 đồng, tăng 70 đồng so với trước đó một ngày. Tương tự, ở chiều mua vào, giá được niêm yết cũng tăng 40-50 đồng.
Đôla trên thị trường tự do điều chỉnh chậm hơn một nhịp, tới đầu giờ chiều mới bắt đầu tăng mạnh. Các điểm thu đổi ngoại tệ trên Hà Trung, Nguyễn Thái Học (Hà Nội) báo giá mua - bán quanh 21.150 - 21.190 đồng. Như vậy, nếu so với giá bán của Eximbank chiều nay, đôla ngân hàng đắt ngang với thị trường tự do.
Nhiều ngân hàng cho biết, giá đôla tăng mạnh nhất từ trưa. Một số nguồn tin cho hay nhu cầu mua ngoại tệ thanh toán nhập khẩu tăng cục bộ trong ngày là lý do chính khiến tỷ giá ngân hàng dao động. Số khác phỏng đoán khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tỷ giá thêm khi nhu cầu thanh toán xuất nhập khẩu cuối năm tăng cao.
Tuy nhiên, thông cáo báo chí phát đi cuối ngày 22/8 của Ngân hàng Nhà nước đã bác khả năng này. "Ngân hàng Nhà nước khẳng định không điều chỉnh tỷ giá và tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đồng thời sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm duy trì sự ổn định của thị trường ngoại tệ và tỷ giá", thông cáo viết. 
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá giao dịch trên thị trường tăng trong ngày 22/8 là do tác động tâm lý của một số thông tin, nhận định thiếu cơ sở liên quan đến định hướng điều hành tỷ giá. Cơ quan này khẳng định cung cầu ngoại tệ vẫn diễn biến bình thường và tỷ giá đã ổn định trở lại sau đợt sốt đầu tháng 7, sau một loạt các biện pháp điều hành và kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, mua bán ngoại tệ. 
"Thanh khoản trên thị trường ngoại tệ được cải thiện, tỷ giá giảm, các tổ chức tín dụng mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, tâm lý găm giữ ngoại tệ đã được giải tỏa", cơ quan này cho biết..
Trước đó, Vụ Dự báo Thống kê Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện khảo sát vào đầu tháng 8 với các tổ chức tín dụng trên toàn hệ thống. Trong đó, đa số các ngân hàng đều kỳ vọng sẽ không có sự điều chỉnh tỷ giá cho đến cuối tháng 8/2013 và tỷ giá bình quân liên ngân hàng cả năm 2013 chỉ tăng tối đa 2-3%.
Lần gần nhất Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá là vào 28/6, tăng thêm 1% lên mốc 21.036 đồng một đôla. Với biên độ +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, các ngân hàng thương mại được mua bán với giá không quá 21.246 đồng và không thấp hơn 20.826 đồng.
Thanh Thanh Lan

Văn bản cấm ghi hình CSGT có dấu hiệu trái luật



TPO – Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật, Bộ Tư pháp, cho rằng, văn bản 1042-C67 đề cập cấm ghi hình CSGT gây bức xúc trong dư luận, có nhiều dấu hiệu trái luật.
Không làm điều khuất tất thì lo gì quay phim chụp ảnh
Không làm điều khuất tất thì lo gì quay phim chụp ảnh. Ảnh: Minh Đức
CSGT không có quyền hỏi giấy tờ người ghi hình
Báo cáo nhanh của Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sáng nay, 22/8, về kết quả kiểm tra sơ bộ công văn số 1402/C67-P3 ngày 26/4 của Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67 - Bộ Công an). Trong báo cáo này, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật cho rằng, văn bản của C67 có nhiều dấu hiệu trái luật.
Cục này cho rằng, công văn 1402 chỉ đạo của C67 đề cập hai nhóm hành vi "có lời nói đe đọa lăng mạ" và "chống đối CSGT" trong đó có việc "quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ". Điều này đã thể hiện sự thiếu thận trọng khi kết nối các nhóm hành vi với bản chất, mức độ khác nhau.
Theo Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật, việc đưa ra nội dung CSGT có quyền yêu cầu người dân quay phim, chụp ảnh CSGT khi đang làm nhiệm vụ xuất trình giấy tờ để xác định "được phép" hay chưa và để "xác định đúng là nhà báo hay giả danh", là không phù hợp quy định hiện hành.
Pháp luật hiện hành chỉ quy định những trường hợp bí mật nhà nước, như an ninh quốc phòng mà có quy định hạn chế, thì mới không được quay phim chụp ảnh. Qua rà soát các văn bản, Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật cũng cho rằng, chưa thấy có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ công chức và chiến sỹ công an khi đang làm nhiệm vụ.
Như vậy, việc công dân quay phim chụp ảnh CSGT không phải hành vi bị cấm. Hơn nữa CSGT cũng không có quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh cũng như kiểm tra giấy tờ của họ.
Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật cũng cho rằng, công văn 1402 nêu nội dung “nếu đúng là nhà báo thì tập hợp báo cho cơ quan chủ quản” cũng không phù hợp với nhiệm vụ của CSGT khi đang tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
CSGT hiên ngang trước ống kính phóng viên
Vẻ đẹp nữ CSGT trước ống kính phóng viên. Ảnh: Minh Đức
Không cần xin phép, không thuộc thẩm quyền
Theo quy định của pháp luật, việc quay phim, chụp ảnh CSGT khi đang tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm không phải ghi hình ảnh cá nhân (riêng tư) của người nào cụ thể, vì vậy không cần bất cứ cá nhân hay CSGT nào cho phép.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật cho rằng: Ghi hình, chụp ảnh còn thể hiện việc giám sát của người dân đối với CSGT, nhờ đó ghi lại những hình ảnh đẹp cần được tôn vinh và những sai phạm cần phải chấn chỉnh, xử lý.
Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật cũng cho rằng, những nội dung đã nêu trong văn bản 1402 không thuộc thẩm quyền quy định của lãnh đạo C67. Cục này đã đề nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp với C67 để trao đổi những nội dung sai trái để đưa ra hướng xử lý.
Tiến sĩ Cường cho biết, đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường để xử lý.
ĐỨC HOÀNG

Hà Nội: Lập tổ công tác diệt chó lạ cắn 52 người



Sau sự việc 52 người dân ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) bị chó lạ cắn, UBND TP Hà Nội yêu cầu làm rõ nguồn gốc chó lạ, thành lập tổ công tác kiểm tra, tiêu diệt số chó lạ, chó thả rông.
Tiêm phòng cho đàn chó ở huyện Sóc Sơn sau khi có thông tin 52 người bị chó cắn. Ảnh: Tri thức
Tiêm phòng cho đàn chó ở huyện Sóc Sơn sau khi có thông tin 52 người bị chó cắn. Ảnh: Tri thức.
 
UBND TP Hà Nội vừa có yêu cầu siết chặt công tác phòng, chống bệnh dại chó, mèo trên địa bàn.
UBND TP cho biết: Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những ngày gần đây, trên địa bàn huyện Sóc Sơn xuất hiện hiện tượng một số chó từ nơi khác đến cắn chó nhà và cắn người. Đây là hiện tượng lạ dẫn tới nguy cơ mắc bệnh dại rất lớn.
Để chủ động phòng, chống kịp thời bệnh dại và đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho nhân dân, UBND TP yêu cầu quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo trên địa bàn; tổ chức tiêm phòng triệt để vắc-xin dại và nghiêm cấm việc thả rông chó, mèo tại các khu dân cư.
UBND TP Hà Nội giao UBND huyện Sóc Sơn điều tra, xác minh làm rõ nguồn gốc chó lạ và thành lập tổ công tác tại các xã làm nhiệm vụ kiểm tra, tiêu diệt số chó lạ, chó thả rông. UBND huyện Sóc Sơn phải có biện pháp quản lý, nghiêm cấm việc kinh doanh, buôn bán, giết mổ và thả rông chó, mèo cho đến khi khống chế được hiện tượng trên.
Trước đó, tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngành y tế Hà Nội sáng ngày 14-8, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn cho biết: Trong tháng 7 vừa qua, có 52 người dân tại xã Bắc Sơn của huyện đã bị chó thả rông cắn. Sau khi cắn, một số con chó có biểu hiện mắc dại đã chết.
Ngay sau khi nhận được thông tin, trạm y tế xã Bắc Sơn đã phối hợp hướng dẫn người dân đi tiêm phòng vắc xin dại. Hiện, cả 52 người đều khỏe mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Đức Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn - thì từ khoảng 10-7 đến cuối tháng 7, có một số con chó thuộc hai xã Thành Công, Vạn Thái (huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) chạy sang địa phận xã Bắc Sơn và cắn chó của những hộ dân ở xung quanh đó.
Những con chó trên lại tiếp tục cắn người dân trong xã và sau đó 4 con trong số này đã tử vong không rõ nguyên nhân.
Theo D.Thu
Người Lao Động