Tình tiết vụ lừa đảo mới nhất liên quan đến "chạy công chức" vừa bị cơ quan chức năng triệt phá làm nhiều người cười ra nước mắt.
Chiêu lừa đơn giản, đút túi hơn 800 triệu đồng
Cơ quan CSĐT công an thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Thanh Lâm (24 tuổi, nhân viên hợp đồng của chi nhánh Điện lực T.A., ngụ tỉnh Bình Dương) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đối tượng Lâm được cơ quan CSĐT xác định là cầm đầu một đường dây lừa đảo chạy xin việc vào các cơ quan Nhà nước. Việc bắt giữ được đối tượng này đã bóc mẽ hàng loạt những chiêu trò tung ra với người dân nhờ chạy việc vào các cơ quan Nhà nước.
Theo điều tra ban đầu, Lâm tự giới thiệu với nhiều người quen mình là một nhân viên hải quan, có nhiều người quen làm việc ở sở GD&ĐT và sở Nội vụ tỉnh Bình Dương. Với mối quan hệ cực kỳ thân thiết của mình, Lâm có thể chạy việc trong địa bàn tại tỉnh Bình Dương, giúp nhiều người trở thành cán bộ cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, để mọi người biết khả năng "quen biết" của mình, Lâm dựng lên nhiều câu chuyện về việc mình đưa người này, người kia làm việc tại các cơ quan Nhà nước "ngon" trên địa bàn. Với chiêu trò lừa đảo của mình, chỉ trong thời gian ngắn, Lâm nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của người dân nhờ "chạy" việc.
Tin vào những lời "quảng cáo" của Lâm, ông H.V.C. (53 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) đã liên lạc với Lâm và đưa trước khoảng 450 triệu đồng để chạy việc cho hai con ruột vào làm hải quan tại Cảng VISP và làm thẩm định viên tại ngân hàng Argibank. Vào thời điểm đầu tháng 7/2013, Lâm đưa cho các con ông C. hai tờ giấy quyết định nhận công tác do sở Nội vụ và cục Hải quan tỉnh Bình Dương cấp. Tuy nhiên, khi cầm quyết định đi làm, các con ông C. phát hiện hai quyết định này là giả nên đi tố giác với cơ quan CSĐT.
Nhiều phụ huynh khi con ra trường đều mong muốn "chạy việc" vào các cơ quan Nhà nước để được yên ổn. Ảnh minh họa.
Ngoài thủ đoạn lừa đảo trên, qua điều tra, cơ quan CSĐT xác định từ tháng 3/2013 đến nay, Lâm còn sử dụng hàng loạt chiêu lừa khác để hứa xin việc vào các ngành giáo dục, ngân hàng, hải quan, y tế... cho khoảng 10 nạn nhân. Với mỗi nạn nhân, Lâm thu tiền để chạy xin việc từ 100 - 150 triệu đồng. Qua làm việc với các nạn nhân, cơ quan CSĐT còn xác định có một giáo viên còn đưa tiền nhờ Lâm để chạy chức hiệu phó của một trường hợp. Tính tới thời điểm hiện nay, tổng số tiền Lâm chiếm đoạt là hơn 800 triệu đồng.
Trao đổi với PV, đại diện cơ quan CSĐT cho biết vụ lừa đảo của Lâm gây rúng động dư luận người dân. Bởi có quá nhiều người dân vì ham làm việc trong các cơ quan Nhà nước đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Thủ đoạn lừa đảo của đối tượng Lâm rất đơn giản, nhưng không hiểu vì sao nhiều người lại dễ dàng tin tưởng và giao tiền cho y để nhờ chạy việc. Vụ việc phá đường dây lừa đảo của đối tượng này chỉ là cá biệt. Hiện nhiều địa phương khác cũng có hàng loạt đường dây lừa chạy việc tương tự. Việc bóc mẽ chiêu lừa đảo chạy việc Nhà nước này sẽ là lời cảnh tỉnh đến những người dân vẫn "ôm mộng" làm việc tại các cơ quan Nhà nước mà không không qua con đường thi tuyển.
Lợi dụng tâm lý muốn làm “người Nhà nước”
Lý giải về điều này, ông Lê Duy Nguyên, nguyên đại biểu Quốc hội khóa X tỉnh Nghệ An nhận định: "Việc bỏ tiền "mua công chức", mua một chỗ làm trong các cơ quan Nhà nước là một tiền lệ có sẵn từ trước đến nay và đã trở thành căn bệnh nan y của xã hội. Hiện nay, trong khi một số người không còn mặn mà với vị trí của một công chức Nhà nước, thì đại đa số mọi người vẫn còn quan niệm chỉ có làm Nhà nước mới an toàn và chắc chắn nhất. Nhất là một số ngành nghề vừa có quyền, vừa có tiền như hải quan, ngân hàng, công an, y tế... vẫn là niềm mơ ước của nhiều người. Vì vậy việc người dân dễ dàng mắc lừa, sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua chức cũng là điều dễ hiểu".
Ông Võ Văn Đồng, Cục trưởng cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và Thanh tra Khu vực III cho rằng: "Vấn nạn đường dây lừa đảo chạy công chức ngày càng diễn biến phức tạp phần lớn do tâm lý người dân luôn muốn làm trong các cơ quan Nhà nước. Dù lương không cao, nhưng vẫn đáp ứng được đời sống tối thiểu của họ, vị trí công việc lại có căn bản hơn; đồng thời họ có thể có thời gian làm những công việc khác bên ngoài nên chúng ta luôn ở trong tình trạng thừa nhân lực, nhưng luôn thiếu những người làm được việc. Chính vì vậy, các cơ quan khi đã đủ biên chế vẫn tiếp tục nhận người vào làm hợp đồng. Trong khi năm nào cũng có hàng chục ngàn người ra trường, thì chỉ có một số ít người nghỉ hưu, dẫn đến tình trạng nhiều người tìm cách xin vào cơ quan Nhà nước nhờ quen biết, đi cửa sau...".
Ở góc độ pháp lý, thạc sĩ Dương Đình Khuyến, Trưởng ban Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Hội luật gia Việt Nam phân tích: "Với những đối tượng không hề quen biết, lừa chạy công chức chiếm đoạt tiền của người dân thì bị quy vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Với những đối tượng thân quen bị quy vào tội “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân”. Tùy vào số tiền mà các đối tượng nhận mà có khung hình phạt xử lý cụ thể. Khung hình phạt cao nhất cho tội chiếm đoạt tài sản là tù chung thân. Trường hợp người dân bị lừa đảo, muốn khởi kiện thì cần có bằng chứng rõ ràng, mang tới các cơ quan công an nơi mình sinh sống".
Thạc sĩ Dương Đình Khuyến cũng khuyến cáo: "Theo quy định hiện nay, các cơ quan Nhà nước muốn tuyển nhân sự đều phải thông qua các đợt thi tuyển công chức. Mọi người nên dựa vào năng lực của mình, không nên lợi dụng các mối quan hệ quen biết mà bỏ tiền xin việc. Chính vì tư tưởng "nhét tiền" để được vào làm cơ quan Nhà nước của người dân đã thành tiền lệ, nên các đối tượng mới dễ dàng lợi dụng lừa đảo như vậy".
Nhiều vấn đề nóng cần phải được giải quyết
Để giải quyết tình trạng này, ông Võ Văn Đồng cho rằng: "Trước nay Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng hiệu quả chưa được là bao. Chúng ta cần một giải pháp đồng bộ, mang tầm vĩ mô. Nếu giảm biên chế thì phải giải quyết công ăn việc làm cho số người thừa ra này. Trước đây chúng ta đã thực hiện bằng cách cho nghỉ nhận lương một lần, hiện nay lại có dấu hiệu phình ra lại. Thêm nữa tình hình kinh tế giai đoạn này không được sáng sủa, chưa giải quyết được công ăn việc làm cho một lượng lớn bạn trẻ ra trường mỗi năm. Vì vậy, việc người dân tìm mọi cách để có một vị trí làm trong các cơ quan Nhà nước cho con em mình càng nóng hơn bao giờ hết. Chính phủ cần tập trung phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm nhiều hơn để giải quyết tình trạng thất nghiệp đang ở mức đáng báo động hiện nay".
|
LAM - NGUYÊN