Dù nâng mức dự báo lạm phát cao hơn so với mức lạm phát mục tiêu
được Chính phủ đề ra hồi đầu năm, số đông các tổ chức tín dụng (TCTD)
vẫn tin rằng, tăng trưởng GDP cuối năm sẽ cao hơn kỳ vọng và lãi suất
cho vay có thể giảm thêm trong các tháng tới.
Nhận định đầy lạc quan trên đây được số đông các ngân hàng (NH) đưa ra khi tham gia cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) thực hiện trong tháng 8. Số đông, với 3/4 các TCTD tham gia điều tra cho rằng, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý sẽ tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến diễn biến CPI trong quý III/2013 và cả năm 2013.
Cụ thể, do lo ngại tác động của việc điều chỉnh tăng giá viện phí, xăng dầu, sữa, gas, thực phẩm cũng như giá nhiên liệu thế giới có xu hướng tăng và yếu tố mùa vụ khi học sinh cả nước bước vào năm học mới, các TCTD nâng dự báo về mức tăng CPI cả năm lên 6,77%- so với mức 6,55% tại cuộc điều tra trong tháng 6.2013. Mức dự báo mới cũng cao hơn so với lạm phát mục tiêu trong khoảng từ 6-6,5% được Chính phủ đề ra hồi đầu năm.
Sức ép lạm phát đứng trước nguy cơ vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm, cộng thêm mức tăng mạnh trong tháng 8 tại Hà Nội (3,16%) và TPHCM (0,31%) càng khiến việc đạt được mục tiêu lạm phát năm trở nên khó khăn. Song ở một khía cạnh nào đó, việc CPI thoát đáy và có xu hướng tăng một phần cho thấy nền kinh tế không bị rơi vào trạng thái đình đốn, dù sẽ là tích cực hơn nếu CPI tăng do các yếu tố cầu kéo thay vì bởi các chi phí đẩy. Ngoại trừ đánh giá này, phần đông các TCTD tin tưởng rằng, triển vọng kinh tế sẽ lạc quan hơn trong quý tới với diễn biến tỉ giá ổn định và lãi suất cho vay được dự báo tiếp tục giảm...
Sự lạc quan thể hiện rõ rệt khi có đến 67,11% số ý kiến từ các TCTD tin tưởng rằng lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ tiếp tục giảm trong quý này, với 62% nhận định mức giảm không quá 2%/năm. Chưa hết, sau lần điều chỉnh tỉ giá 1% hồi cuối tháng 6.2013, cuộc điều tra này cho thấy phần lớn các TCTD đều kỳ vọng sẽ không có sự điều chỉnh tỉ giá lần nữa cho đến cuối tháng 8.2013. Sự biến động tỉ giá cả năm 2013 được cho sẽ chỉ tăng tối đa không quá 2-3%.
Thiếu tin tưởng
Nhận định lãi suất cho vay ngắn hạn nhiều khả năng sẽ giảm thêm trong các tháng tới có thể thỏa mãn phần nào kỳ vọng của đông đảo khách hàng đang có nhu cầu vay vốn. Song về mặt kỹ thuật, đây là diễn biến khó có khả năng xảy ra. Thực tế đến thời điểm hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn có mức giảm khá mạnh với các khoản vay ưu đãi có lãi suất 8-9%, trong khi các khoản vay khác có lãi suất khoảng 11-13%.
Phân tích của một đơn vị kinh doanh thuộc VietinBank chỉ ra rằng, so với mặt bằng lãi suất huy động 7%, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động ở thời điểm hiện nay chỉ là 2%. Mức chênh lệch này giảm 0,5% so với thời điểm giữa tháng 5, giảm 1,5% nếu so với thời điểm cuối tháng 3 và giảm tới 2% nếu so với thời điểm đầu năm. Nhìn vào mức chênh hiện nay, cơ hội giảm thêm lãi vay dường như là rất hạn hẹp.
Chưa kể, khả năng tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất của NHNN trong những tháng cuối năm cũng được một số tổ chức đánh giá là không cao khi chỉ số CPI theo tháng có dấu hiệu tăng trở lại. Dư địa hạ thêm lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng nhiệt trở nên hạn hẹp trái ngược với một số dự báo cho rằng, lợi suất trái phiếu chính phủ lại có khả năng tăng nhẹ trong thời gian tới.
Thực tế vào giữa tháng 7.2013, NHNN một lần nữa giảm lãi suất thị trường mở thêm 0,5% như một định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ DN thông qua việc giảm chi phí cấp vốn cho các NHTM thông qua NHNN. Cơ quan này cũng yêu cầu tăng trưởng tín dụng để đạt được tốc độ 12% vào cuối năm nay, sau khi có những tín hiệu tích cực về tín dụng các tháng gần đây.
Song ngay sau quyết định của NHNN, các phân tích của HSBC cho rằng sẽ không còn dư địa để cắt giảm lãi suất. Vào thời điểm trên, HSBC nhận định, VND yếu đi gần đây cùng với nguy cơ lạm phát gia tăng và giá xăng dầu cao hơn, cho thấy lạm phát toàn phần có thể tăng từ mức 6,7% trong tháng 6 lên tới 7,1% trong tháng 7 (so với cùng kỳ năm ngoái).
Điểm đáng lưu ý là với môi trường lãi suất gia tăng trên toàn cầu, việc hạ lãi suất trên đây có thể khiến cho dòng vốn chảy ngược ra ngoài, tác động tiêu cực thêm đối với thanh khoản khan hiếm và có thể đẩy lãi suất huy động kỳ hạn gia tăng.
Ngân hàng Nhà nước quay lại bơm ròng
Sau hai tuần liên tiếp hút
ròng trên thị trường mở, trong tuần tính đến ngày 18.8, NHNN chuyển
sang trạng thái bơm ròng với khối lượng đạt 621 tỉ đồng và việc bơm ròng
được thực hiện trong 4/5 phiên giao dịch trong tuần. Lãi suất liên NH
tăng nhẹ là nguyên nhân khiến NHNN chuyển sang trạng thái bơm ròng nhằm
hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. C.Văn