THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 May 2012

Cạch mặt thương lái Trung Quốc



Thứ Bảy, 19/05/2012 23:11

Dồn dập thu gom hàng với giá cao rồi đột nhiên ngưng mua, tạo lòng tin để mua hàng rồi ôm nợ biến mất…, không ít thương lái Trung Quốc đã khiến nông dân nhiều địa phương ngán ngẩm

Ông Đỗ Văn Nam, Cục trưởng Cục Chế biến - Thương mại nông lâm sản và nghề muối - Bộ NN-PTNT, cho rằng việc nông dân gặp rủi ro khi mua bán sản phẩm với thương lái nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc (TQ), là điều rất dễ xảy ra nhưng rất khó xử lý. Bởi lẽ, thường là họ hợp đồng miệng và nông dân không biết thương lái TQ ở đâu, lại không có thế chấp tài sản.
Điệp khúc “đột ngột ngưng thu mua”!
Những ngày qua, hàng trăm hộ dân trồng ớt ở huyện Đại Lộc - Quảng Nam khóc dở, chết dở bởi những đầu mối thu mua ớt tươi để bán lại cho thương lái TQ dừng mua đột ngột. Bởi thế, ớt tươi ngày càng rớt giá thê thảm.
Chị Nguyễn Thị Phương, ngụ xã Đại An, huyện Đại Lộc, cho biết cách đây hơn một tháng, mỗi ngày có hàng chục người ra tận cánh đồng Bầu Tròn để thu mua ớt tươi về bán cho đầu nậu TQ. Lúc đó, 1 kg ớt tươi có giá 18.000 đồng nên nông dân rất phấn khởi. Thấy ớt tươi được giá, nhiều nông dân đã đua nhau phá bỏ vườn bầu, khổ qua… để chuyển sang trồng ớt. “Mới đây, những đầu mối bỗng nhiên dừng mua ớt xanh. Không còn cách nào khác, nhiều nông dân đành bán ớt với giá rẻ mạt, khoảng 8.000 đồng/kg. Nhiều hộ để ớt chín mới thu hoạch, mang về phơi khô, chờ lên giá mới bán” - chị Phương ngậm ngùi.
Không chỉ nông dân mà các thương lái người Việt cũng khốn đốn bởi số ớt xanh thu mua tồn đọng quá nhiều. Theo bà Trần Thị H., người thu mua ớt ở Đại Lộc, buôn bán với đầu nậu TQ giống như chơi với dao, rất nguy hiểm, bởi hai bên không hề cam kết ràng buộc về việc mua bán mà chỉ tin nhau ở chữ tín. Vì vậy, khi thương lái TQ dừng mua hàng đột ngột, các đầu mối người Việt  đành ôm nợ.
Nông dân huyện Bình Tân - Vĩnh Long đang điêu đứng vì giá khoai lang rớt thảm hại. Ảnh: CA LINH
Ở Quảng Nam, thương lái TQ còn có thời gian thu gom dưa hấu. Nhiều nông dân thấy dưa hấu được giá nên cũng đua nhau trồng. Mới đây, thương lái TQ lại dừng mua giữa chừng khiến dưa hấu rớt giá không phanh. “Các đầu mối người Việt lỡ mua hàng tấn dưa với giá cao để bán lại cho thương lái TQ đành mang ra chợ bán, mong vớt vác lại ít vốn. Tuy nhiên, dưa hấu chín quá nhiều, bán không hết nên nhiều người đành đổ bỏ” - bà H. ngao ngán.
Đau hơn cả là những nông dân một nắng hai sương bị sụp bẫy của thương lái TQ đến tán gia bại sản. Chuyện xảy ra cuối năm 2011 nhưng đến nay, nhiều nông dân ở vùng ven biển Bạc Liêu vẫn chưa thể nguôi ngoai. Bà Võ Thị Nga ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình - Bạc Liêu, nhớ lại: “Trước Tết, có một người lạ mặt đến dọ mua 100 tấn bần ổi để xuất qua TQ làm thuốc với giá 100.000 đồng/kg cây, 50.000 đồng/kg lá. Tôi đồng ý và đã bỏ ra khoảng 1 tỉ đồng để cùng hàng chục người tổ chức thu mua bần ổi khắp nơi. Sau khi gom đủ bần ổi, tôi gọi điện cho người này đến lấy hàng nhưng chết điếng vì nghe trả lời không mua nữa”.
Người trồng khoai vỡ mộng
Gần một tháng nay, nông dân trồng khoai lang tại ĐBSCL lâm cảnh điêu đứng vì khoai lang tím Nhật xuất đi TQ rớt giá thảm hại. Nhiều thương lái địa phương cũng lao đao vì thương lái TQ đã về nước, bỏ lại số nợ mua khoai hàng tỉ đồng.
Năm 2011, báo chí đã cảnh báo việc thương lái TQ sang Vĩnh Long thuê đất trồng khoai. Bỏ qua khuyến cáo của chính quyền địa phương, nhiều người dân đã ồ ạt chuyển hàng trăm hecta diện tích lúa đông - xuân, hoa màu sang trồng khoai xuất khẩu. Có thời điểm, thương lái TQ thu mua trên 1 triệu đồng/tạ khoai (chỉ tính 60 kg), nông dân thu lợi 300-400 triệu đồng/ha. Do vậy, diện tích trồng khoai đã không ngừng tăng lên và phong trào ngày càng “nở rộ”, lan sang nhiều địa phương khác.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều nông dân đã vỡ mộng vì giá khoai giảm liên tục, hiện chỉ còn 250.000-300.000 đồng/tạ. Theo nhiều nông dân, 1 công khoai lang cần đầu tư 12-15 triệu đồng, năng suất trung bình khoảng 35 tạ thì với giá hiện nay, họ lỗ 2-5 triệu đồng. Những hộ thuê đất trồng khoai càng bi đát hơn khi chi phí đầu vào tăng gấp đôi.
Tại những vùng trồng khoai khác ở ĐBSCL như Lấp Vò - Đồng Tháp, Cờ Đỏ - TP Cần Thơ…, hàng trăm hecta khoai lang cũng đứng trước nguy cơ lỗ nặng. Khi sản lượng khoai lang ngày càng tăng, thương lái TQ vin cớ chỉ mua loại nhỏ (3 củ/kg), khoai lớn họ không mua hoặc mua với giá rất thấp. Giá khoai giảm, nông dân chờ giá lên mới bán nhưng càng chờ thì khoai càng lớn, lúc đó thương lái TQ lại ép nông dân bán với giá rẻ mạt.
Nhiều thương lái địa phương cũng đã sập bẫy thương lái TQ. Một số thương lái TQ đã âm thầm về nước, không thanh toán tiền mua khoai hàng tỉ đồng. Ông Nguyễn Thắng, một thương lái thu mua khoai tại xã Tân Thành, huyện Bình Tân - Vĩnh Long, mếu máo: “Thương lái TQ còn nợ vựa của tôi 700 triệu đồng nhưng gọi điện thoại hoài mà họ không nghe máy. Nghe đồn họ đã về nước, tôi đứng ngồi không yên mấy ngày nay. Nếu họ quỵt luôn thì tôi cũng không biết đòi tiền ở đâu”.
Ngón đòn ác hiểm
Mua cao hơn giá thị trường là đòn tâm lý ác hiểm nhất mà đa số thương lái TQ dễ dàng “đánh gục” người bán ngay lần đầu giao dịch. Lúc đầu, họ tỏ ra dễ dãi trong việc mua bán và trả tiền sòng phẳng, thậm chí còn sẵn sàng đặt cọc trước 30%. Sau một thời gian, họ giở trò than vãn nhằm khất nợ hoặc trả chậm. Khi số tiền lên đến bạc tỉ, nhiều người lần lượt… “hô biến”.
A Kiều là một “khách du lịch” TQ đến tạm trú tại khóm 1, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn - Cà Mau, hơn một năm nay để thu mua cua thương phẩm. Bà ta về nước hồi tháng 3-2012 mang theo số nợ hơn 6 tỉ đồng không hẹn ngày trở lại. Cùng về nước với A Kiều còn có một người tên A Mao, cũng mang theo số nợ vài tỉ đồng.
Theo tài liệu của Công an thị trấn Năm Căn, A Kiều tên thật là Wang Juanmei (SN 1974), tạm trú tại nhà bà Trần Thị Bảy. Bà Bảy cho biết khi bỏ trốn, A Kiều nợ tiền thuê nhà bà 7 tháng, mỗi tháng 2 triệu đồng. “Tôi còn phải trả tiền cho người giặt quần áo của A Kiều 600.000 đồng/tháng. Đau nhất là tôi mượn tiền của hàng xóm cho A Kiều vay 60 triệu đồng, giờ phải trả góp” - bà Bảy than thở.
Ông Đỗ Chí Hùng, chủ vựa cua ở thị trấn Năm Căn, cho biết A Mao còn nợ ông 1,7 tỉ đồng mua cua, giờ vô phương đòi.  Không chỉ các vựa cua lớn, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở Cà Mau và Bạc Liêu cũng là nạn nhân của thương lái TQ. Người bị quỵt ít nhất 15 triệu đồng, nhiều nhất trên 1,6 tỉ đồng…
Gây xáo trộn thị trường
Theo ông Đỗ Văn Nam, thương lái nước ngoài chỉ cần thu mua hàng với giá cao trong vài vụ là nhiều nông dân đã tin tưởng, đổ xô sản xuất, cung cấp cho họ. “Đến lúc nào đó, có thể họ ôm hàng bỏ trốn hay ép giá, không mua… Vì thế, nông dân phải hết sức cẩn trọng với thương lái nước ngoài” - ông Nam khuyến cáo.
Ông Nam cho rằng để không rơi vào cảnh bị lường gạt hoặc nông sản ế thừa do thương lái nước ngoài bỏ trốn hay ngưng thu mua, nông dân cần tham gia chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, Nhà nước khuyến khích nông dân và doanh nghiệp phối hợp thành lập chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. “Nông dân không nên ham lợi trước mắt khi bán nông sản cho thương lái nước ngoài với giá cao mà cần xác định đầu ra bền vững là lựa chọn hàng đầu” - ông Nam nhìn nhận.
Trong khi đó, Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu hàng giả và gian lận Trung ương nhận định việc thương lái nước ngoài trực tiếp tổ chức mạng lưới thu gom hàng hóa của nông dân là vi phạm quy định của Việt Nam. Việc thu gom nông sản, thủy sản tận cơ sở sản xuất của thương lái TQ đã gây xáo trộn thị trường trong nước.
Bảo Trân
Đổ xô thu gom đỉa
Sau một thời gian tạm lắng ở Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, TPHCM, Tây Ninh…, mới đây, một số đầu nậu lại đổ xô thu mua đỉa để bán cho thương lái TQ tại Nghệ An.
Hiện nay, ở các xã miền núi của huyện Quế Phong - Nghệ An, thương lái địa phương thu mua đỉa để bán sang TQ với giá 150.000 - 200.000 đồng/kg. Thấy việc bắt đỉa bán dễ kiếm tiền nên nhiều người dân đã đổ xô đi lùng sục.
Người dân Quế Phong - Nghệ An thu gom đỉa bán cho thương lái Trung Quốc. Ảnh: HẢI VŨ
Người dân Quế Phong cho biết có ngày, thương lái thu gom được hàng chục ký đỉa sống. “Thấy họ mua thì mình ra đồng bắt về bán thôi. Nghe đâu người ta mua rồi bán cho các thương lái TQ để làm thuốc chữa bệnh” - bà Trần Thị Hoa, ngụ xã Tiên Phong - huyện Quế Phong, phân trần.
Việc thu gom đỉa ở Quế Phong đã diễn ra từ giữa tháng 4-2012 đến nay. Các đầu nậu cho người sục sạo khắp các thôn bản gom hàng theo kiểu “tận diệt”, đỉa to hay nhỏ đều thu mua hết.
Ông Trịnh Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong, băn khoăn: “Thấy hiện tượng bất thường, chúng tôi đã thông báo tới các xã, khuyến cáo người dân không nên đi thu gom đỉa bán cho các thương lái TQ nữa”.
Hải Vũ
Dũng - Linh - Nhân

Vườn rau sạch cách mặt đất 20m



19/05/2012 12:06:45
Đó là một trong những kiểu trồng rau sạch "kỳ lạ" của người dân Thủ đô. Người dân tận dụng mọi cách để tạo ra nguồn rau tự cung cho chính mình.
 
d
Vườn rau này nằm trên đỉnh tầng 6 của một ngôi nhà trên phố ngõ 105 - Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội). Vườn có rau thơm, lá nốt, cải ngọt, muống hạt... Bà chủ nhà cho hay: Trông cây trên cao, nắng, gió đều không hợp, xung quanh lại toàn bê tông nên rất vất vả chăm sóc, che chắn. Mùa hè tưới nước thường xuyên mà cây vẫn héo khi cuối chiều. Mùa đông, các loại rau đều phát triển rất tốt, trung bình mỗi tuần, vườn rau cho thu hoạch 2 lần. "Vất vả lắm nhưng cũng không đủ ăn", chủ nhà cho hay.
s
Vườn rau nằm ngay trên vỉa hè trước cửa số nhà 154, đường Khất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội). Vườn rau chỉ chừng 1m2, gồm khoai lang, 3-4 cây cà chua đã cao chừng 20cm được chống bằng những thanh gỗ nhỏ và một cây chanh xanh um lá bánh tẻ.
d
Trong những ô trồng cây xanh trồng trên con đường mới Keangnam, Yên Hòa, Cầu Giấy mới vừa trổ lá non thì ngay dưới gốc cây, hố trồng đã xanh um các loại rau do người dân tại đây trồng. Theo người dân, dù diện tích trồng rất nhỏ, không đủ để đáp ứng bữa ăn hàng ngày, chỉ cải thiện được bữa cơm gia đình với một hai loại rau sạch không bị ô nhiễm bởi thuốc hóa học nhưng nó vừa là thú vui, vừa là cách làm xanh môi trường và tạo rau sạch.
e
Nằm sát đường sắt, cách đường ray xe lửa chỉ chừng 1m, nhưng lại ngay một trong những ngã tư đông đúc nhất Thủ đô là ngã tư Đại Cồ Việt - Kim Liên, vườn rau của nhiều hộ gia đình quanh khu vực này lên xanh tốt. Dọc 2 bên đường sắt có khoảng hơn 50 hộp xốp được xếp dọc 2 bên. Đủ các loại rau mùng tơi, rau đay, muống... xanh mượt tràn trề sức sống, khắc hẳn với 4 bên đường sắt, đường bê tông khô cằn.
5
Ông Nguyễn Đăng Khoa, nhà CT1 X2 thuộc Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm chia sẻ: Để đất không thì mọc cỏ ấu, cỏ sắc nên chúng tôi tận dụng trồng rau. Thường thì chỗ đất này quá nhỏ nên chỉ có thể trồng các loại cây thấp, rễ chùm. Các loại rau như bắp, xu hào thì chỉ trồng được 1 cây 1 hàng. Trồng các loại rau thơm như húng, kinh giới, xả, mùi tàu là hợp lý nhất.
f
Các loại rau như ngót, mồng tơi, rau đay... cũng xanh mơn mởn trong những hộp xốp trên vỉa hè ngõ 100, đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội). Ngõ phố vốn rộng rãi nay thu hẹp một phần để dành trồng rau. Cô Nguyệt, một người dân tại đây cho biết: "Ngõ vắng nên một số gia đình tận dụng khoảng vỉa hè để trồng rau. Nhà ít thì 5 - 7 hộp xốp, nhà nhiều thì cả chục hộp với nhiều loại rau. Tự tay mình trồng vừa đảm bảo an toàn, lại tiết kiệm chi phí".
 
(Theo VEF)

Sai phạm tại Vinalines dưới thời ông Dương Chí Dũng



Trong giai đoạn 2006 - 2008, nhờ sự hưng thịnh của vận tải biển quốc tế, hoạt động của Vinalines khá “thuận buồm, xuôi gió”. Tuy nhiên, khi kinh tế khó khăn, nhiều sai phạm trong điều hành mới bắt đầu lộ rõ.
> Truy nã nguyên Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng

Có mặt tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ đầu tháng 8/2010, thời điểm cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình bị cơ quan công an khởi tố, ông Dương Chí Dũng được giao nhiệm vụ làm rõ hơn về quá trình tiếp nhận các đơn vị được chuyển giao khi Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy tiến hành tái cơ cấu. Trả lờiVnExpress.net tại thời điểm đó, cựu Chủ tịch Vinalines từng khẳng định "chúng tôi sẽ có cách làm bài bản hơn", "chỉ nhận nợ sau khi đã kiểm toán"...
Ông Dương Chí Dũng từng cho biết Vinalines lãi 1.200 tỷ năm 2010 nhưng có thể bị giảm mạnh khi tiếp nhận các đơn vị từ Vinashin. Ảnh: Nhật Minh
Ông Dương Chí Dũng từng cho biết mức lãi 1.200 tỷ năm 2010 của Vinalines có thể bị giảm mạnh khi tiếp nhận các đơn vị từ Vinashin. Ảnh: Nhật Minh
Là người làm việc lâu năm trong ngành hàng hải, ông Dũng khi đó đã phân tích khá thấu đáo những nhược điểm trong việc mua lại và khai thác tàu Hoa Sen của Vinashin như tốn nhiên liệu, không phù hợp để hàng hải tuyến dài, chỉ phù hợp để làm tàu du lịch... Ông hứa: "Vinalines sẽ có cách khai thác phù hợp, hiệu quả hơn".
Tuy vậy gần 2 năm trôi qua, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ được phát đi giữa tháng 4 vừa rồi, tàu Hoa Sen một lần nữa lại được đưa ra làm ví dụ về những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước thiếu hiệu quả tại Vinalines. Theo thanh tra, do việc chậm nộp bảo lãnh 4,15 triệu USD để giải quyết tranh chấp trước đó của Vinashinlines (đơn vị quản lý trực tiếp tàu Hoa Sen, chuyển từ Vinashin sang) nên Tổng công ty Hàng hải để xảy ra liên tiếp 4 vụ bắt tàu. Bản thân tàu Hoa Sen sau đó cũng bị đối tác hủy hợp đồng, không được bồi thường và nằm phơi bãi.
Ông Dương Chí Dũng nhận công tác tại Tổng công ty Hàng hải từ tháng 8/2005 với cương vị Tổng giám đốc. Trong thời gian nêu trên, theo Thanh tra Chính phủ, Vinalines đã mắc nhiều sai phạm, trong đó tập trung vào 4 vấn đề: mua nhiều tàu cũ, để xảy ra nhiều vụ bắt tàu gây thiệt hại lớn, đầu tư xây dựng vội vàng - ngoài quy hoạch và đầu tư tài chính sai nguyên tắc.
Vinalines Mighty - một trong những con tàu được coi là lớn và hiện đại nhất của Vinalines. Ảnh: VasselTracker
Vinalines Mighty - một trong những con tàu được coi là lớn và hiện đại nhất của Vinalines. Ảnh: V.T
Để phát triển vận tải, trong giai đoạn 2005 - 2010, số liệu thanh tra cho thấy, Vinalines đã mua tổng cộng 73 tàu với giá trị hơn 22.850 tỷ đồng (đồng thời bán đi 55 tàu) nhưng đa phần trong số này là mua của nước ngoài, đã qua sử dụng. Chủng loại tàu (đa phần là tàu hàng khô, trọng tải lớn) cũng được đánh giá là không phù hợp với chiến lược phát triển, chưa chú ý đến các loại tàu chuyên dụng.
Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo Vinalines từng lý giải việc chỉ mua tàu cũ, tàu hàng dời là do năng lực tài chính cũng như khả năng khai thác hàng hóa chuyên dụng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành lại cho rằng việc doanh nghiệp chỉ “thích” mua tàu cũ chẳng qua vì mập mờ, không có giá rõ ràng như tàu mới.
Do khả năng khai thác còn hạn chế, trong thời gian qua, phần lớn trong số đội tàu gần 150 chiếc của Vinalines được cho thuê định hạn. Việc không thể quản lý trực tiếp là nguyên nhân chính dẫn tới hàng loạt vụ bắt tàu mà Hoa Sen hay Vinalines Global chỉ là những ví dụ nổi tiếng. Thiệt hại của Vinalines trong những vụ việc này được tính bằng nhiều triệu USD (Vinalines Global phải chi phí, nộp phạt trên 1,8 triệu USD, riêng tiền bảo lãnh cho tàu Hoa Sen là 4,5 triệu USD).
Về xây dựng, trong giai đoạn 2007 - 2010, kết luận thanh tra cho thấy Vinalines đã góp vốn đầu tư vào 3 cơ sở sửa chữa tàu biển (Nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía Nam, Nhà máy Nosco - Vinalines, Nhà máy Đông Đô) nhưng đều không có trong kế hoạch phát triển được Thủ tướng phê duyệt trước đó.
Cá biệt trong số các hạng mục đầu tư vào Nhà máy Vinalines phía Nam, lãnh đạo tổng công ty mà đứng đầu là ông Dương Chí Dũng đã phê duyệt vụ mua sắm ụ nổi No83M, vốn được sản xuất tại Nhật từ năm 1965 với giá lên tới 26,3 triệu USD (gấp đôi dự toán ban đầu). Hiện chi phí duy trì, bảo dưỡng cho thiết bị này vẫn rất lớn. Riêng với trường hợp này, Thanh tra Chính phủ xác định có dấu hiệu làm trái quy định pháp luật về đầu tư.
Vinalines đầu tư vào 12 cảng biển trong giai đoạn ông Dũng làm Chủ tịch. Ảnh: Nhật Minh
Vinalines đầu tư vào 12 cảng biển trong giai đoạn ông Dũng làm Chủ tịch. Ảnh minh họa: Nhật Minh
Ngoài những công trình nêu trên, trong thời gian ông Dũng làm Chủ tịch, Vinalines cũng tiến hành đầu tư lớn vào việc xây dựng 12 cảng biển, một cảng sông và một cảng cạn. Nổi bật trong số này là cảng Vân Phong, Sài Gòn - Hiệp Phước, CMIT, Cái Mép - Thị Vải, Cái Lân… Mặc dù các dự án này đều đúng chủ trương, có trong quy hoạch, nhưng trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp vẫn xuất hiện nhiều sai phạm như chậm tiến độ, phê duyệt không đúng thẩm quyền…
Riêng việc quản lý tài chính, giống như nhiều tập đoàn, tổng công ty khác trong giai đoạn 2007 - 2010, hoạt động đầu tư của Vinalines được đánh giá là khá dàn trải khi góp vốn vào 158 doanh nghiệp và nảy sinh nhiều bất cập. Doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích gần một nửa số tiền 1.000 tỷ đồng vốn trái phiếu được phép phát hành năm 2010, cho vay công ty con mà không tính lãi, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế ở một số đơn vị… Đặc biệt là để nợ đọng khoản tiền khó đòi lên tới hơn 23.000 tỷ đồng.
Trong hầu hết các hạn chế, sai phạm nêu trên của Vinalines, Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm của Tập thể lãnh đạo Công ty, đứng đầu là ông Dương Chí Dũng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị (nay là Chủ tịch Hội đồng thành viên), Tổng giám đốc và các lãnh đạo liên quan, lãnh đạo các công ty thành viên… Thanh tra cũng đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông hướng dẫn, lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải tiến hành kiểm điểm, tự kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm. Riêng với vụ mua ụ nổi No83M, cơ quan này đã chuyển hồ sơ cho Bộ Công an tiếp tục xem xét xử lý.
Bên cạnh những sai phạm được chỉ ra, thực tế trong giai đoạn 2005 - 2010, Tổng công ty Hàng hải cũng đã có những bước phát triển. Từ con số 3.200 tỷ đồng năm 2005, vốn điều lệ của Vinalines đã tăng lên mức 8.180 tỷ vào năm 2010. Cùng với đó, số lượng tàu cũng như năng lực vận tải của doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đó (từ 1,25 triệu tấn năm 2005 lên 2,8 triệu tấn năm 2010). Lợi nhuận báo cáo hàng năm dao động trong khoảng 550 - 1.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số lợi nhuận nêu trên còn là điều cần xem xét bởi theo báo cáo của Vinalines, trong các năm 2007 - 2010, doanh nghiệp này lãi lần lượt 861, 1.600, 857 và 1.241 tỷ đồng. Trong khi đó, kết quả làm việc của Thanh tra Chính phủ lại cho thấy Vinalines chỉ có lãi trong các năm 2007 và 2008. Đến năm 2009 và 2010, doanh nghiệp này lần lượt lỗ hơn 412 tỷ và gần 1.274 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận báo cáo của Vinalines (2003 - 2011)
Đơn vị: Tỷ đồng. Nguồn: Vinalines
Nhật Minh

Truy nã nguyên Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng


Ông Dương Chí Dũng. Ảnh: Nhật Minh.
Ông Dương Chí Dũng. Ảnh: Nhật Minh.

Hôm nay, cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã ông Dương Chí Dũng (55 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines - người đã vắng mặt bất thường tại cơ quan, nơi cư trú.
Nguyên Chủ tịch Vinalines bị khởi tố

Ngày 18/5, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng ông Dương Chí Dũng để điều tra về hành vi Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trong thời gian ông này làm Chủ tịch HĐQT Vinalines.
Tuy nhiên, khi cảnh sát khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Dũng thì ông này vắng mặt bất thường. Theo lịch công tác sáng 18/5 của Cục Hàng hải ông Dũng làm việc bình thường tại cơ quan, không có kế hoạch công tác đột xuất. Lãnh đạo cục Hàng hải cũng như văn phòng không nhận được thông báo nghỉ, cũng như không thể liên lạc được với ông Dũng trong suốt ngày 18/5.
Ngày 19/5, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đối với ông Dương Chí Dũng - người vừa bị đình chỉ chức Cục trưởng Hàng hải.
Trước đó, cơ quan điều tra cùng khởi tố, bắt giam ông Mai Văn Phúc, Vụ phó Vụ Vận tải (nguyên tổng giám đốc Vinalines); ông Trần Hữu Triều (phó tổng giám đốc Vinalines) về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Dương Chí Dũng (55 tuổi) được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam vào tháng 2 năm nay. Trước đó, ông này nhiều năm là Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines. Trước khi được điều chuyển giữ chức Vụ phó Vụ Vận tải, ông Phúc từng có 2 năm làm Tổng giám đốc Vinalines dưới thời ông Dũng làm Chủ tịch HĐQT.
Quyết định bắt ông Dũng, Phúc, Triều được cho là có liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý và sử dụng vốn của Vinalines trong giai đoạn 2007-2010. Theo đó, Tổng công ty Hàng hải đã có nhiều khuyết điểm như mua sắm tàu cũ không phù hợp với kế hoạch được phê duyệt, quản lý sử dụng thiếu hiệu quả, dẫn tới kết quả kinh doanh yếu kém… Phần lớn những khuyết điểm này được xác định có trách nhiệm tập thể lãnh đạo Vinalines cùng Chủ tịch HĐQT(ông Dương Chí Dũng) và Tổng giám đốc các công ty thành viên thời kỳ 2005 - 2010.
Điển hình của các vụ mua sắm kể trên là ụ nổi No83M, được Vinalines mua phục vụ Nhà máy sửa chữa tàu phía Nam. Mặc dù được sản xuất tại Nhật từ năm 1965 nhưng tổng chi phí cho dự án này lên tới 26,3 triệu USD (gấp đôi dự toán ban đầu). Hiện chi phí duy trì, bảo dưỡng cho thiết bị này vẫn rất lớn. Riêng với trường hợp này, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiếp tục xem xét, làm rõ.
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Nam Anh

Ngư dân Việt Nam không chùn bước



Ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục ra khơi, bất chấp việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
RFA file
Tàu Trung Quốc bắt tàu Việt Nam-2009
Cũng giống như những năm trước, vào mùa hè năm nay Trung Quốc lại ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong một khu vực rộng lớn ở Biển Đông, bao gồm cả vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Lệnh cấm của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16 tháng 5, và sẽ kéo dài cho đến ngày 1 tháng 8.

Không năm nào không cấm

Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên lệnh cấm hiệu lực, trả lời Đài Á Châu Tự Do, ngư dân Lê Lớn – một trong 21 ngư dân Việt Nam từng bị Trung Quốc bắt giam và mới thả về hồi tháng trước cho biết, ngư dân Quảng Ngãi vẫn tiếp tục ra khơi bất chấp lệnh cấm của Bắc Kinh:
“Năm nào Trung Quốc cũng cấm hết, không có năm nào không cấm hết. Bọn em đi biển lúc nào cũng thấy là nó cấm ngư dân Việt Nam ra đánh bắt cá hết nhưng mà mình đi miết thôi. Cứ nghe thôi nhưng rồi cứ ra làm, không sao mà sợ hết.”
Về mặt chính thức, Bộ ngoại giao Việt Nam cũng bác bỏ lệnh cấm của Trung Quốc đồng thời khuyến khích ngư dân Việt Nam tiếp tục ra khơi.
Trong tuyên bố đưa ra một ngày trước lệnh cấm của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh rằng “Việt Nam phản đối quyết định đơn phương của Trung Quốc và coi quyết định này là không có giá trị”.
Theo ông Lương Thanh Nghị, lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã rất rõ ràng, theo đó thì việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như thẩm quyền hợp pháp của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982.
Và để đề phòng nguy cơ bị tàu Trung Quốc tấn công và bắt bớ ngư dân Việt Nam như trước đây, Bộ Nông nghiệp và Hội Nghề cá Việt Nam khuyến cáo ngư dân là nên kết hợp thành đoàn, đội để có thể giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết.
Đồng thời, Hội nghề cá Việt Nam kêu gọi các hội nghề cá các cấp vận động, tuyên truyền hội viên, ngư dân yên tâm, tích cực bám biển sản xuất.
Ngoài ra, Việt Nam còn dự trù thành lập lực lượng dân quân biển để bảo đảm an toàn cho ngư dân.

Sao không cấm tàu Trung Quốc

Việc Trung Quốc áp đặt tấm bản đồ hình lưỡi bò cũng như đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, khiến cho cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông càng thêm căng thẳng cũng như khiến cho các nỗ lực nhằm tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp dai dẳng này càng thêm bế tắc.
Kể từ năm 1999 đến nay, mua hè năm nào Trung Quốc cũng áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trên một vùng biển rộng lớn trong Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và khu vực bãi cạn Scarborough thuộc Philippines.
Về lý do ban hành lệnh cấm, chính phủ Trung Quốc cho rằng cần phải ngưng đánh bắt trong khoảng thời gian này hàng năm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển.
Tuy nhiên, trên thực tế những gì diễn ra ở Biển Đông hoàn toàn mâu thuẫn với tuyên bố của Bắc Kinh.
Báo chí Việt Nam năm ngoái cho biết vào thời điểm lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc có hiệu lực, vẫn có đến hơn 140 lượt tàu cá của Trung Quốc vào khu vực biển miền Trung Việt Nam để đánh bắt hải sản.
Trả lời Việt Hà của Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Australia, đặt câu hỏi về sự nghiêm túc trong lệnh cấm này của Trung Quốc:
“Làm thế nào các anh có thể bảo vệ nguồn cá nếu các anh chỉ cấm các tàu Việt Nam và tàu của Philippines mà không cấm các tàu cá của mình? Việc này đòi hỏi sự hợp tác của cả 3 nước.”
Và cũng hết sức mâu thuẫn, trong khi Trung Quốc yêu cầu ngư dân các nước tôn trọng lệnh cấm để bảo vệ nguồn cá thì những ngày gần đây, báo chí nước này đưa tin Trung Quốc chuẩn bị đưa một nhà máy chế biến cá khổng lồ ra Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng việc Trung Quốc đưa nhà máy chế biến cá ra Biển Đông có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng triệu người dân trong khu vực bao gồm cả Trung Quốc:
“Trung Quốc đang tự mình hành động mà không có hợp tác. Họ đang giết con ngỗng đẻ trứng vàng. Hàng triệu người đang sống dựa vào nguồn cá trên biển Đông.”

Nó ra lệnh thì cứ ra lệnh

Từ vài năm trở lại đây, đã có hàng trăm ngư dân Việt nam khi đánh bắt cá gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị các tàu cảnh sát biển Trung Quốc xua đuổi hoặc bắt giữ và đòi tiền chuộc.
Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tỉnh Quảng Ngãi đã có tới 5 tàu cá với 61 ngư dân bị Trung Quốc bắt giam.
Khi chưa có lệnh cấm đánh bắt cá, Trung Quốc bắt các ngư dân này vì cáo buộc họ đã xâm phạm chủ quyền khi đánh bắt hải sản gần quần đảo
Hoàng Sa. Còn bây giờ, khi lệnh cấm đánh bắt cá đã được áp dụng trong một phạm vi rộng hơn khu vực quần đảo Hoàng Sa, việc bắt giữ hay xua đuổi các tàu cá Việt Nam lại càng có lý do để trở nên gay gắt hơn.
Tuy nhiên, cũng như mọi năm, ngư dân Việt Nam không hề chùn bước. Ngư dân Lê Lớn nói ông và các ngư dân biết rất rõ về lệnh cấm này và những mối nguy đang rình rập, nhưng gánh nặng gia đình không cho họ lựa chọn nào khác:
“Nó ra lệnh thì cứ ra lệnh…. Mắc mớ gì phải sợ, mà bây giờ hoàn cảnh khó khăn đâu phải chỉ có mình mình, thuyền tận 14, 15 người đi lận mà.”

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Tiền lương và nguyên nhân của tham nhũng



2012-05-18
Tiền lương tối thiểu cho đội ngũ cán bộ, công chức tại Việt Nam vẫn luôn là đề tài nóng, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới diện rộng trên toàn xã hội.
AFP PHOTO
Ông Phạm Thanh Bình (Phải, trước), cựu chủ tịch Vinashin, và ban lãnh đạo tại Tòa án nhân dân TP Hải Phòng hôm 30/3/2012. Ảnh minh họa về một vụ tham nhũng lớn ở VN.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính một cơ chế tiền lương thiếu hợp lý, không đủ bù đắp sức lực và trí tuệ của người lao động là nguyên nhân chính dẫn tới tham nhũng.

Phát sinh nhiều hệ lụy

Chỉ trong vòng 3 năm vừa qua, mức lương tối thiểu cho cán bộ viên chức Nhà nước đã được điều chỉnh đến 5 lần, từ 450,000 đồng lên 1,05 triệu đồng/ tháng, thế nhưng vẫn chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu cho những người hưởng lương Nhà nước. Vấn đề “tăng lương” không theo kịp “tăng giá” vẫn luôn là nỗi ám ảnh cho những nhà lập chính sách Việt Nam. Những hệ luỵ của việc không đủ thu nhập khiến hiện tượng mà một số chuyên gia gọi là “tước đoạt để bù đắp” ở nhiều cán bộ công chức, viên chức cũng nảy sinh.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí trong nước gần đây, nguyên thứ trưởng Bộ nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng do lương công chức không đủ sống sẽ dẫn tới hội chứng tước đoạt để bù đắp, nhiều công chức lợi dụng chức vụ của mình để nhũng nhiễu, tham ô, nhận hối lộ. Ông nhấn mạnh hệ thống tiền lương đang phá vỡ những trật tự, kỷ cương trong hệ thống hành chính công, trả lương không đủ là một sự xúc phạm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ông kết luận rằng có khi vì lương thấp đã làm hỏng cả một chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước, làm hỏng cả một đội ngũ.
Nghe thì thật chua xót vì chỉ là chuyện đồng tiền mà làm hỏng cả một đội ngũ cán bộ cũng như những chính sách và chủ trương của Nhà nước, thế nhưng thực tế đó không thể phủ nhận, vì công chức là những người được đào tạo bài bản, đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm nhưng lương của họ lại quá thấp, chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, vậy động cơ nào sẽ khuyến khích sự sáng tạo, cống hiến và thể hiện được giá trị thực của chất xám?
Một điều dễ nhận thấy là khi công chức viên có lương mà lại không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của cuộc sống họ, thì người ta phải bù đắp.
Một cán bộ Bộ LĐ&TBXH
Điều đáng nói là những cán bộ công quyền này lại đang giữ những vị trí quan trọng, những quyết định của họ có sự ảnh hưởng diện rộng trên xã hội, vì thế, hội chứng “tước đoạt để bù đắp” càng có cơ hội để tung hoành và phát triển. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội không nêu tên cho biết:
"Một điều dễ nhận thấy là khi công chức viên có lương mà lại không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của cuộc sống họ, thì người ta phải bù đắp. Ở đây, theo tôi có nhiều cách để bù đắp chi phí đó, có thể là họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, rồi uy tín nghề nghiệp để đổi lấy những khoản thu nhập khác. Dĩ nhiên đây là những đồng tiền bất hợp pháp và nó được xem là tham nhũng. Đôi khi, do có chức quyền, họ tham ô, biển thủ tiền công quỹ. Bằng cách nay hay cách khác, họ cần có đủ tiền để trang trải cuộc sống."
Lao động là một thứ hàng hoá đặc biệt, và vì là hàng hoá nên nó phải được quyết định theo qui luật cung – cầu của thị trường, thế nhưng tại Việt Nam, khi thu nhập không đáp ứng đủ như giá trị họ mang lại thì những méo mó về quan hệ tiền lương dẫn tới những tiêu cực và tham nhũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ở đây, chúng tôi còn muốn đề cập đến chuyện “lậu.”

Hiện tượng chảy máu chất xám

Ảnh minh họa hành vi hối lộ. AFP photo
Hình thức “lậu,” hay những khoản thu nhập bất hợp pháp biến hoá đa dạng và tồn tại ở những dạng khác nhau. Trước hết, nó được biểu hiện qua hình thức biếu xén. Những câu chuyện như biếu rượu, biếu tiền… đã trở thành lạc hậu, mà thay vào đó là biếu đất, biếu nhà, cho con cái của nhiều vị quan chức cấp cao các suất đi du học.
Ngoài ra, bắt nguồn từ hình thức quản lý Nhà nước, tập thể mà cơ chế “xin – cho” vẫn còn tồn tại trong nhiều bộ ngành, vậy nên, để có được các khoản phân bổ tài chính màu mỡ hay cấp phát ngân sách thì các đơn vị cấp dưới phải “đi cửa sau” với cấp trên quản lý là chuyện dễ hiểu.
Hơn nữa, để hợp pháp hoá những khoản thu nhập bất hợp pháp, chuyện đẻ thêm ra các công ty con, công ty sân sau đã trở thành một trào lưu cho nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể, trong các lĩnh vực như xây dựng cơ bản, mua sắm và dịch vụ công là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhất vì sai số thất thoát diễn ra trên diện rộng và tần suất cao.
Nếu kể ra những mánh lới luồn lách thì có lẽ chẳng bao giờ đủ, nào là chuyện hợp pháp hoá chứng từ khống, thoả thuận ngầm cho các hạng mục đấu thầu, cho đến cơ chế ăn chia của các đơn vị chủ đầu tư và bên thi công… Nói tóm lại, dù tồn tại dưới dạng nào thì tất cả những khoản tiền này đều là bất hợp pháp.
Phải khắc phục tình trạng rất phổ biến trong hệ thống XHCN trước đây tức là “trả lương giả vờ” thì cũng làm việc giả vờ, đó là một bi kịch làm tha hoá con người.
T.S Lê Đăng Doanh
Không chỉ dừng lại ở chuyện “tước đoạt” để bù đắp cho thu nhập thấp của các cơ quan công quyền, quan hệ tiền lương méo mó này còn dẫn đến dòng chảy máu chất xám từ khu vực Nhà nước sang các khu vực kinh tế khác, bởi theo thống kê, lương tối thiểu của khu vực hành chính sự nghiệp công là mức lương tối thiểu thấp nhất trong tất cả các mức lương tối thiểu. Tiếp lời, vị cán bộ của Bộ LĐTBXH cho biết tiếp:
"Một trong những hệ luỵ mà tiền lương tối thiểu của Nhà nước cho khối cán bộ công nhân viên chức thấp là sẽ dẫn đến tình trạng đáng báo động là các cán bộ công chức chuyển dần từ khu vực Nhà nước, chảy máu chất xám sang khối kinh tế tư nhân hoặc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
Tôi đơn cử một thí dụ, cùng một mức lương, một trình độ như nhau, cùng số năm đóng góp trong đơn vị như nhau, khi ở cấp vụ trưởng hoặc viện trưởng thì ông ta có mức lương với hệ số 9 phảy nhân với 1 triệu đồng lương cơ bản, tương đương khoảng 9 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên với trình độ tiến sĩ, kinh nghiệm 20-30 năm, nếu làm ở các tổ chức nước ngoài hay ngành tài chính ngân hàng, thì thu nhập lương cứng ngoài các thu nhập khác của họ sẽ là khoảng 30-50 triệu đồng/ tháng."
Theo lời giáo sư Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh khi trả lời báo chí trong nước cho biết, để nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ làm công vụ thì họ phải được hưởng lương đúng công sức mà họ bỏ ra, mức lương phải đáp ứng được 3 yếu tố: kinh tế, xã hội và đạo đức.
Giải thích thêm, vị giáo sư này cho rằng đồng lương phải trả xứng đáng với sức người lao động, bù đắp được những nhu cầu, hao phí về sức lực và đáp ứng được nhu cầu tái sản xuất sức lao động của công chức.

Vòng luẩn quẩn

Có thể nhận thấy, đồng lương thấp đang khiến các quan hệ hành chính trở nên thiếu lành mạnh, hưởng lương ít, cán bộ trốn tránh công việc. Vậy để xây dựng được một nền đạo đức công vụ trong sạch, minh bạch thì việc cải cách chính sách tiền lương là điều hết sức quan trọng. Nhận xét về điều này, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho biết ý kiến của mình:
"Cải cách cả biên chế, cải cách cả DNNN, cải cách bộ máy Nhà nước thì lúc đó chúng ta mới cải cách tiền lương được. Với một bộ máy cồng kềnh như ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói 30% không làm việc. Cải cách tiền lương chủ động, đồng bộ có hệ thống. Phải khắc phục tình trạng rất phổ biến trong hệ thống XHCN trước đây tức là “trả lương giả vờ” thì cũng làm việc giả vờ, đó là một bi kịch làm tha hoá con người."
Ngoài ra, T.S Lê Đăng Doanh còn nhận xét thêm do tình hình lạm phát mà những người lao động Việt Nam còn phải chịu thứ thuế vô hình gần 20% trong năm qua, khiến thu nhập thực tế của tất cả những đối tượng hưởng lương bị giảm sút đáng kể.
Câu chuyện trả lương theo kiểu “gọt chân cho vừa giầy” đã luẩn quẩn từ nhiều năm qua. Hi vọng rằng đề án cải cách tiền lương vừa được Bộ Nội Vụ đề xuất sẽ mau chóng trở thành hiện thực, để tiền lương là nguồn thu chính đảm bảo cuộc sống của bản thân, gia đình công chức, đồng thời, để những hiện tượng nhũng nhiễu, “hành là chính” sẽ biến mất trong một xã hội lành mạnh và dân chủ trong tương lai.