THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 September 2012

Phản ứng của giới blogger trước công văn "Hỏa Tốc" của chính phủ



2012-09-17
Hôm 12 tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu xử lý một số trang blog bị cho là phản động qua một công văn "Hỏa Tốc" từ văn phòng Chính phủ.
AFP photo
Biểu tượng Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông trên facebook của giới trẻ VN.

"Công văn từ nhà Chúa"

Sau khi Website của chính phủ hôm 12 tháng 9 vừa rồi phổ biến công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng VN, ông Nguyễn Tấn Dũng, chỉ đạo các cơ quan chức năng “điều tra, xử lý” tình trạng một số trang thông tin điện tử như “Dân làm báo”, “Quan làm báo”, “Biển Đông”… cùng một số trang mạng khác “đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống đảng và nhà nước”, “gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội”, và công văn cho “đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch”, thì blogger Người Buôn Gió mới “xúc cảnh sinh tình” thành “Công văn hỏa tốc của nhà Chúa”.
Công văn từ nhà Chúa ấy ra sao? Người Buôn Gió mở đầu rằng “Giờ Thân ngày Bính Tí mùa thu năm Nhâm Thìn, lúc trời chạng vạng, ngựa của văn thư phủ Chúa chạy khắp kinh thành đưa công văn hỏa tốc. Chưa ai rõ chuyện gì, người ta đồn là tại vỡ đập, vỡ đê ở mạn châu Hoan, Châu Diễn. Xưa nay chỉ có vỡ đê, vỡ đập mới có công văn hỏa tốc như vậy. Lại có người đồn do mười mấy nhân mạng người Vệ xa xứ làm nô lệ, bị chết cháy thê thảm. Bởi thế phủ Chúa mới vào cuộc điều tra. Trong nước thì nước lũ cuốn trôi mười mấy mạng người, ngoài nước thì hỏa hoạn thiêu chết cũng mười mấy mạng người Vệ. Chưa năm nào nước lửa nội công, ngoại kích cùng lúc như vậy”. Rồi tới lúc trời tối hẳn, công văn phủ Chúa mới tới được các bộ để các bộ “chức năng” này thông báo cho thần dân, bá tánh được tường. Nhưng hoá ra:
Công văn hỏa tốc của phủ Chúa không phải chuyện vỡ đê, vỡ đập, hỏa hoạn, chết người. Mà là công văn bố cáo các bộ, phủ của triều đình khẩn cấp truy tìm tông tích của bọn phao tin nói xấu các đại gia, đại thần trong nước, khiến nhân dân hoang mang. Ảnh hưởng uy tín đến các địa gia, đại thần trọng trách. Than ôi, dân tình còn bơi trong nước lũ. Nơi khác đập chắn nước rung rinh. Nhà Chúa lại lo cho các đại gia, đại thần đang bị bọn xấu dèm pha.
Giá như lúc này Chúa ngồi thuyền nan đi thị sát tình hình nước lũ, phát chẩn cho dân nghèo, thống lãnh việc ngăn đê, đắp đập an sinh cho bá tính có phải được lòng người gấp vạn lần. Mặc kệ đời nói thế nào thì nói. Theo lời bố cáo trong công văn hỏa tốc nhà Chúa ban ra, dân tình mới tìm đọc những luận điệu chống phá triều đình, chống phá nhà Sản. Thì ra toàn những lời nói xấu nhà Chúa cả.
Theo giải thích của phủ Chúa thì sở dĩ việc của nhà Chúa hỏa tốc hơn việc của dân vì Chúa là mệnh trời, và “Kẻ dân đen ngoi ngóp trong nước lũ, cửa nhà tan hoang sao đáng lo bằng các đại gia, đại thần trong dinh thự xa hoa đang bị những lời chỉ trích, dèm pha”.
Trong khi đó, blogger Phair Zios thắc mắc “phủ Chúa” trong tay há “chẳng có “hàng trăm tờ báo, hàng vạn phóng viên tinh nhuệ, hàng vạn cán bộ đầy năng lực” đó sao, sao lại “tự nhiên phải đặt mấy cái bờ lốc bờ léo trở thành một thế lực (thù địch)” ? Không những thế, “nhà Chúa” lại “tự hào về lực lượng an ninh, cảnh sát hùng hậu, tự hào với hàng vạn chiến công to nhỏ đánh sập biết bao bọn bờ lốc bờ léo”, bỏ tù hàng chục người yêu nước mà “nhà Chúa” gọi là những “thằng-con cứng đầu cứng cổ”, vậy mà chịu bó tay trước “các thế lực thù địch” ấy hay sao ? Blogger Phair Zios “tự vơ vào tí” với giới thống trị để kết luận:
Chúng ta đã bắt biết bao nhiêu "thằng và con"  nhốt vô tù vì dám xuyên tạc, chống Đảng và Nhà nước. Nhưng càng bắt chúng lại càng trở nên đông đảo và mạnh mẽ hơn. Phải chăng là ở xứ mình, có nhiều người thích vào tù??? Hay là ở lý do nào khác?
Phản ứng trước công văn chỉ đạo phải “điều tra, xử lý nghiêm” những trang mạng vừa nêu có “nội dung chống Đảng và Nhà nước”, “bôi đen bộ máy lãnh đạo”…, blog Quan Làm Báo có bài tựa đề “Thủ tướng có thể ‘nhổ’ hết 90 triệu người dân VN” không ?, với lời khẳng định rằng:
Không một đòn thù nào dù có ghê rợn, bẩn thỉu đến đâu cũng không thể làm nhụt được ý chí của một dân tộc không còn muốn bị đè nén, áp bức dưới một Chính Phủ tham nhũng - lũng đoạn của những bố già đen và bố già 'đỏ'. Nhân dân Việt Nam khát khao được sống trong một đất nước được điều hành bởi hệ thống Luật Pháp nghiêm minh với một hệ thống chính trị trong sạch và vươn tới một nền dân chủ thật sự và một xã hội công bằng, bác ái! Lời cuối cùng Quan làm báo xin dẫn dụ câu nói của Nguyễn Trung Trực "Khi nào nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nước Nam .... "Chống bè lũ tham nhũng- lũng đoạn đưa đất nước đến một nền dân chủ, dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, văn minh"!

Phản ứng của giới viết blog

000_Hkg7287977-250.jpg
Một kỹ sư CNTT đang làm việc trong cửa hàng bán trái cây của mình tại Hà Nội hôm 10/5/2012, ảnh minh họa. AFP photo
Còn blog Dân Làm Báo thì cam kết với “các bạn trong thôn” rằng:
Danlambao không chấp nhận và khuất phục trước mọi hành động bịt mồm, bịt mắt, bịt tai của bất kỳ nhà nước, đảng cầm quyền nào. Không ai có quyền phán xét và tự quyết định những gì mà công dân Việt Nam được đọc, nghe và trao đổi. Do đó, Danlambao sẽ tiếp tục cung cấp thông tin và quan điểm đa chiều của mọi thành phần nhân dân, tạo diễn đàn để chính dân “độc giả” chúng ta tự làm tin, tự thông tin, tự đại diện cho cái nhìn, quan điểm của chính mình, tự cất tiếng nói về những vấn đề chúng ta quan tâm trong đời sống.
Là độc giả và cũng là biên tập viên quần chúng, Danlambao không tiếp tục cho phép ý kiến và suy nghĩ của chính mình bị “gạn lọc”, “bóp méo”, “thay thế”, “nhỏ giọt” hay “chận đứng” bởi những “cái loa”, “cái phễu”, “cái lưới”, và “cái lưỡi” và công văn của VPCP. Và đó là lời cam kết Danlambao xin được gửi đến các bạn trong thôn.
Dân Làm Báo nhân tiện khẳng định sẽ cùng bạn bè đồng hành sẵn sàng “chấp nhận bị trấn áp, bỏ tù hơn là phải sống đời một con chó câm, ẳng cũng không dám ẳng, cúi đầu chấp nhận những kẻ lợi dụng quyền thế cai trị muốn bịt mồm ngăn cản những lời chính tâm” – đúng theo tinh thần bất khuất của nhà thơ Phùng Quán:
Dù ai ngon ngọt nuông chìu
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Qua bài “Khó hiểu hay dễ hiểu”, blogger Nguyễn Thông “ Tự dưng lại nghĩ, thủ tướng cần lưu ý mấy ông soạn cái công văn chỉ đạo trên, xem Trung Quốc nó có cài cắm người vào nội bộ ta không. Nếu không, sao lại cấm đoán người dân đọc những bài viết chống Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền. Nếu không, sao lại quy kết một trang tích cực với đất nước như thế là phản động?”. Nhà báo Nguyễn Thông kể lại:
KEUGOI-1-250.jpg
Phản ứng của trang blog Dân làm báo
Xưa nay, từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, mình chưa bao giờ đọc cái trang mạng nào có tên Biển Đông…Chỉ biết Biển Đông trên mạng vậy thôi. Ai ngờ, đọc cái thông báo của Văn phòng chính phủ bữa qua, nội dung nói thủ tướng chỉ đạo phải điều tra, xử lý mấy trang mạng phản động Quan làm báo, Dân làm báo, Biển Đông... mình mới té ra, mấy thứ đó là phản động. Thì quan và dân phản động đã đi một nhẽ, nhưng Biển Đông là cái chi chi mà cũng phản động. Giá không có chỉ đạo của thủ tướng thì mình và vài chục triệu người cầm chắc chả biết Biển Đông mặt mũi nó như thế nào, tốt hay xấu, phản động ra sao.
Nhưng được thủ tướng gợi ý nên nổi máu tò mò, tìm coi thử. Ôi giời, thật tình mà nói, nếu trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo mà những tờ báo chính thống của nhà nước làm được như cái trang "phản động" này thì quá tốt. Mình đọc từ đầu đến cuối mấy bài gần đây thấy hừng hực tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức chống bọn Tàu bành trướng xâm lược, bẻ tơi bời lý sự của bọn học giả Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa, đường lưỡi bò...Thế thì nó phản động ở chỗ nào?
Qua bài “Ngày tận số của ông ta đã điểm”, blogger Bà Đầm Xoè cho biết lâu nay blogger này tâm niệm “ông ta” chỉ là “kẻ tham lam, ít chữ nghĩa nên sẽ chỉ là kẻ tham lam vô độ” khiến “làm suy kiệt kinh tế VN, biến nhiều tầng lớp nhân dân thành người bần cùng, tạo nên mâu thuẫn kịch liệt không thể ‘đội trời chung’ giữa giầu và nghèo. Như thế, theo quy luật Tắc - Thông, tắc đến tận cùng sẽ có biến để thông, sẽ là cơ hội để nhân dân vùng lên làm chủ đất nước, làm chủ dân tộc”. Nhưng, với thông báo mà Bà Đầm Xoè gọi là “mới toanh” từ VP Chính phủ hôm 12 tháng 9 vừa nói nhằm “điều tra, xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin chống Đảng và Nhà nước” của “ông ta”, thì Bà Đầm Xoè “trong đầu hiện lên một thống kê”:
- Dẹp viện nghiên cứu độc lập IDS chính là ông ta.
- Bỏ tù Cù Huy Hà Vũ chính là ông ta.
- Bỏ tù nhóm ngôn luận Thái Bình, Hải Phòng, Hà Đông … chính là ông ta.
- Bỏ tù bloger Nguyễn Văn Hải và những người trong CLB nhà báo tự do, chính là ông ta
Và còn nhan nhản những vụ khác như Bùi Thị Hằng, Phạm Thanh Nghiêm, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, 17 thanh niên Thiên chúa giáo… cũng chính là ông ta.
Blogger Bà Đầm Xoè khẳng định rằng tất cả những người vừa nói đều vô tội, chỉ “thuần tuý thực hiện quyền tự do ngôn luận phù hợp với quyền con người của LHQ mà VN đã cam kết”, “phù hợp với hiến pháp và luật pháp VN”, và “ Mục tiêu của họ cũng chỉ là cổ vũ cho tự do, dân chủ, công khai, minh bạch theo đúng những gì mà đảng đã nói”. Blogger Bà Đầm Xoè nhân tiện lưu ý số vụ đàn áp, bắt bớ, khủng bố, bỏ tù những người yêu nước dưới thời “ông ta làm thủ tướng” còn “nhiều và tàn khốc hơn 2 thủ tướng tiền nhiệm”, trong khi:
Đất nước đang đứng trước họa xâm lăng của TQ, chẳng thấy ông ta nói gì? Kinh tế đất nước đang tuột dốc không phanh, không thấy ông ta nói gì? Người Việt bị chết ở trong nước và khắp nơi trên thế giới lên tới con số cả trăm mà cũng không thấy ông ta nói gì? Và, trong lúc chính ông ta cũng đang lo giữ ghế với Bộ chính trị, với trung ương đảng, với quốc hội thì ông ta cũng không quên ký tiếp một văn bản mới nhằm truy lùng, khủng bố, bắt bớ, bỏ tù, bịt mồm những người có tiếng nói tự do.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Xô xát, hành hung tại Thánh thất Cao Đài Phù Mỹ



2012-09-17
Tình hình vụ xô xát, hành hung diễn ra tại Thánh thất Cao Đài Phù Mỹ, tỉnh Bình Định vào ngày 16 tháng 9 vừa qua.
Wikipedia
Đồng đạo Cao Đài đang cử hành lễ, ảnh minh họa.
Mâu thuẫn nội bộ
Thông tin cho biết vụ xô xát diễn ra trong ngày 16 tháng 9 tại Thánh thất Phù Mỹ là giữa hai nhóm: một nhóm hơn 20 tín hữu bảo thủ chân truyền  của Đạo Cao Đài và một nhóm chừng 30 người chống lại họ được cho biết là theo đường hướng của chính quyền hiện nay đối với đạo này. Hậu quả của vụ việc theo phía những tín đồ theo giáo lý chân truyền Đạo Cao Đài là có 6 người của nhóm bị hành hung đến mức thương tích.
Trong khi đó thì một người tự nhận là tín đồ Cao Đài địa phương cho rằng không hề có đánh đập gây thương tích gì:
Có nhiều người tâm không tốt, không tịnh thì có quơ tay, quơ chân chứ có đánh nhau gì đâu.
Ông chánh trị sự Nguyễn Hà từ Qui Nhơn, tỉnh Bình Định, người đến tại Thánh Thất Phù Mỹ trong ngày hôm qua để hổ trợ cho những tín hữu trung thành với giáo lý chân truyền cho biết về mâu thuẫn giữa hai phái tại Phù Mỹ trong thời gian qua như sau:
Một bên là Hội đồng Chưởng Quản theo Nhà Nước, một bên là Hội Thánh theo đúng chơn truyền của Đức Thượng Đế mở ra năm 1926. Do Nhà Nước can thiệp vào nội bộ tôn giáo, thành ra tôn giáo có nhiều vấn đề rối ren và đồng đạo Cao Đài rất khổ sở
Bà Nguyễn Bạch Phụng
Những năm tháng dài trước đây họ chỉ biết tu hành thuần túy, không tìm hiểu mặt trái của Hội Đồng Chưởng Quản hoặc Hội Thánh là thế nào. Họ cứ tụng kinh gõ mỏ, lo tang- thế sự cho trong nội bộ tôn giáo thôi chứ họ không biết rõ ‘chánh-tà’. Nhờ thế trong thời gian qua ‘trong ấm, ngòai êm’. Thế nhưng gần đây họ dần hiểu ra Hội Đồng Chưởng Quản là một chi phái ‘bàn môn, tả đạo’ do Nhà nước Việt Nam dựng nên nhằm phá nát chân truyền chánh pháp do Đức Chí Tôn lập nên; thành ra số bảo thủ chân truyền họ tách ra.
Bà Nguyễn Bạch Phụng, một chánh trị sự Cao Đài theo phái chân truyền cũng trình bày lại sự phân hóa trong nội bộ của tôn giáo này từ năm 1975 đến nay như sau:
Sự việc giữa Hội đồng và Hội thánh trong Đạo Cao Đài lâu nay diễn ra rất nhiều nơi. Một bên là Hội đồng Chưởng Quản theo Nhà Nước, một bên là Hội Thánh theo đúng chơn truyền của Đức Thượng Đế mở ra năm 1926. Do Nhà Nước can thiệp vào nội bộ tôn giáo, thành ra tôn giáo có nhiều vấn đề rối ren và đồng đạo Cao Đài rất khổ sở.
Sự việc diễn ra các nơi như Thánh thất Long Bình ở Gò Công, Thánh Thất An Ninh Tây ở tỉnh Long An, Thánh thất Phù Mỹ ở tỉnh Bình Định, Thánh Thất An Nhơn là nơi Nhà Nước gây khó khăn, đi từng nhà của đồng đạo để o ép theo Hội đồng Chuởng Quản, Thánh thất Tuy Phước ở Bình Định, Thánh Thất Phú Sương ở Phú Yên…
Địa phương can thiệp
Ông chánh trị sự Nguyễn Hà cho biết sau khi thấy xảy ra xô xát, bản thân ông đã gọi điện thọai thông báo cho ông Mạc Đình Trung, giám đốc Công an tỉnh Bình Định để cử nhân viên xuống can thiệp. Có công an đến, nhưng họ không ngăn chặn mà còn để cho sự việc bất lợi đối với những tín hữu Cao Đài theo phái chân truyền tại đó. Ông Nguyễn Hà cho biết:
Khi sự việc xảy ra, họ tống tôi ra ngòai và đóng cổng không cho tôi quay trở vô. Lúc đó tôi đứng ngòai đường gọi ông Mạc Đình Trung. Ông ta cho thuộc hạ đến. Lúc họ đến thấy tôi đang cầm máy điện thọai gọi người khác thì họ đòi đánh, đòi đuổi tôi. Rồi họ chạy vào Thánh thất tác động cho một số người theo Cao Đài Quốc doanh đánh phía Cao Đài bảo thủ chân truyền.
Chúng tôi gọi điện thọai đến số của ông giám đốc công an tỉnh Bình Định, Mạc Đình Trung. Sau khi yêu cầu chúng tôi lặp lại danh tính và đơn vị truyền thông đang làm việc thì ông này nói là nhầm số và cúp máy.
Chuyện nội bộ của họ phải do họ giải quyết thôi. Nhà Nước chỉ bảo đảm an ninh trật tự để bảo đảm cho họ việc thực hiện nghi thức tôn giáo thôi mà
ông Nguyễn Đắc Tuấn
Trung ương bác bỏ
Như trình bày của bà Nguyễn Bạch Phụng thì vụ việc tại Thánh thất Cao Đài Phù Mỹ vào ngày chủ nhật 16 tháng 9 không phải là vụ việc đầu tiên lâu nay trong đạo này mà một số nơi tại nhiều địa phương cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Trước những thông tin được phía tín hữu Cao Đài nói theo giáo lý chân truyền của đạo đưa ra, chúng tôi nêu vấn đề với ông Nguyễn Đắc Tuấn, viên chức phụ trách Đạo Cao Đài của Ban Tôn giáo chính phủ, thì ông này bác bỏ cho rằng mọi tranh chấp là chuyện nội bộ chứ chính quyền không hề can thiệp vào:
Chuyện nội bộ của họ phải do họ giải quyết thôi. Nhà Nước chỉ bảo đảm an ninh trật tự để bảo đảm cho họ việc thực hiện nghi thức tôn giáo thôi mà.
Bà Nguyễn Bạch Phụng cũng cho biết những tín hữu chân truyền có ý kiến với Ban Tôn giáo chính phủ và cũng được trả lời là Nhà Nước không can thiệp vào công việc nội bộ của Đạo Cao Đài, nhưng trong thực tế lại khác:
Có báo cho Ban Tôn giáo Chính phủ là ông Nguyễn Đắc Tuấn thì ông nói không xen vào nội bộ tôn giáo, rồi cũng không giải quyết gì được. Ngay cả ngày hôm qua tại Thánh thất Phù Mỹ ở tỉnh Bình Định xảy ra đánh đập trọng thương như thế, đồng đạo có báo cho Ban Tôn giáo Chính phủ để dàn xếp vấn đề; nhưng chẳng thấy ai đến dàn xếp mà có một số công an giả dạng thường dân đến để ủng hộ cho nhóm thuộc Hội đồng Chưởng quản.
Cũng theo trình bày của tín hữu và chức sắc các tôn giáo khác tại Việt Nam như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo… thì những ai thuận theo sự chỉ đạo của chính phủ trong sinh họat tôn giáo thì được tự do phát triển, còn bất cứ nhóm nào không tuân thủ sự chỉ đạo đó đều bị ngăn cản, sách nhiễu, cấm đóan và đến mức bị trấn áp bằng bạo lực như sự việc diễn ra tại Thánh thất Cao Đài Phù Mỹ hồi ngày 16 tháng 9 vừa qua.

Thái Lan bắt giữ 10 tàu đánh cá Việt Nam



2012-09-17
Một trăm lẻ tám ngư dân Việt Nam, bị bắt cùng với 10 tàu cá từ thứ Năm đến thứ Bảy tuần trước vào khi đang đánh bắt mực trái phép trên vùng biển Thái Lan, hiện đang bị giam giữ tại nhà tù ở tỉnh Rayong.
RFA
Tàu cá Việt Nam chuyển bị ra khơi.
Đánh bắt mực trong hải phận Thái Lan
Ông  Phạm Minh Tuấn, bộ phận lãnh sự đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok, chuyên trách phần vụ bảo hộ công dân, cho biết:
Chúng tôi đã liên hệ với cảnh sát Thái Lan ở nơi bắt giữ các ngư dân ấy thì sơ bộ được biết là họ đang làm thủ tục để xét xử số ngư dân này ở tỉnh Rayong, còn việc sẽ làm là chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống thăm lãnh sự các công dân và phối hợp với chính quyền địa phương để hoàn chỉnh nhanh nhất thủ tục pháp lý để sớm đưa số ngư dân Việt Nam trở về nước. Còn hiện nay cũng chưa có thông tin gì thêm bởi vì chúng tôi chưa trực tiếp gặp gỡ ngư dân được.
Cũng xin đính chính là phía Thái Lan chưa chính thức thông báo việc này với đại sứ quán. Chúng tôi chủ động tìm hiểu qua các kênh thông tin khác và liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương.
Chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống thăm lãnh sự các công dân và phối hợp với chính quyền địa phương để hoàn chỉnh nhanh nhất thủ tục pháp lý để sớm đưa số ngư dân Việt Nam trở về nước
Ông Phạm Minh Tuấn
Thủ tục của họ cũng phải mất thời gian, bởi vì sau khi lực lượng hải quân bắt xong giao cho cảnh sát thì cảnh sát phải hoàn chỉnh hồ sơ, sau đó họ mới báo bằng đường chính thức được, trong khi báo chí họ rất nhanh họ đưa thông tin này ra. Cụ thể như thế nào thì chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống làm việc với chính quyền và với cảnh sát địa phương.
Một  phụ nữ Việt Nam cư ngụ tại tỉnh Rayong và được cảnh sát địa phương nhờ thông dịch ngay từ đầu, bà Đa, báo cho biết sáng nay ngày 17 tháng Chín:
Hiện giờ em ở tòa, em đang đi ra. Bây giờ người ta tạm giam trước là 12 ngày tại vì điều tra hồ sơ chưa xong, em lên tòa sáng giờ mà chưa xử, điều tra chưa xong, người ta chưa kêu án. Đông giữ lắm. một trăm lẻ mấy người, họ ở Cà Mau . Tại hiện bây giờ bên Việt Nam mực thấp giữ lắm, bên Thái này mức rất là nhiều, đang trúng mà.
Các tàu cá và 26 ngư dân Việt Nam bị Thái Lan bắt kéo về cảnh Narathiwat ngày 19 tháng 1, 2012
Các tàu cá và 26 ngư dân Việt Nam bị Thái Lan bắt kéo về cảnh Narathiwat ngày 19 tháng 1, 2012. AFP
Thanh Trúc: Chị có hỏi người ta là lúc bị bắt thì trên tàu có mực không?
Bà Đa: Có, có mực cũng nhiều lắm, một chiếc vừa mực khô mực tươi khoảng một trăm triệu tiền Việt Nam mình, 150 nghìn Baht Thái.
Vì việc bắt giữ xảy ra trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Thái Lan, ông nói, vì thế vị chưởng lý chính phủ sẽ là một trong những viên chức thực hiện cuộc thẩm vấn các nhóm ngư dân bị bắt này. Về phía cảnh sát thì những người này bị khởi tố tội đánh bắt cá trái phép trong hải phận Thái Lan
Cảnh sát tỉnh Rayong
Thanh Trúc:Không có ai bị thương tích hay đau ốm gì hả chị?
Bà Đa: Không, cảm, sổ mũi, nhức đầu thì có nhưng mà không bị đánh đập đâu. Công an bộ đội của Thái cho ăn uống rất đáng hoàng. Hôm nay em có đến nói chuyện với bộ đội của Thái, người ta cần biết chi tiết thì em cũng giải thích cho người ta nghe là như vậy. Nói chung ra người ta chỉ điều tra người ta hỏi tại sao qua bên đây làm mực, từ vùng nào qua này nọ vậy thôi.
Một viên chức cảnh sát, không nêu danh tính, từ đồn Bann Pe thuộc tỉnh Rayong, xác nhận với Đài Á Châu Tự Do là:
Cơ quan điều tra cảnh sát địa phương xin lệnh tòa án chuyển các ngư dân Việt đến trại giam tỉnh Rayong trong lúc tiến trình thẩm vấn vẫn tiếp tục .
Vì việc bắt giữ xảy ra trong vùng biển  đặc quyền kinh tế của Thái Lan, ông nói, vì thế vị chưởng lý chính phủ sẽ là một trong những viên chức thực hiện cuộc thẩm vấn các nhóm ngư dân bị bắt này. Về phía cảnh sát thì những người này bị khởi tố tội đánh bắt cá trái phép trong hải phận Thái Lan.
Tiến trình  thẩm vấn và lập hồ sơ  xét xử có thể kéo dài cả tháng trước khi đưa vụ việc ra tòa. Tiếp đó, Cơ Quan Di Trú Thái Lan sẽ đảm trách việc  trục xuất các ngư dân Việt về nguyên quán.
Vẫn theo lời viên chức cảnh sát này, thuyền trưởng tàu cá phải chịu mức phạt nặng hơn thuyền viên. Trường hợp không trả nỗi tiền phạt thì phải bị giam một thời gian tương xứng. Ông nói chưa thể biết trước mức tiền phạt tòa quyết định nhưng theo chỗ ông đoán thì có thể chừng 200 Baht Thái một ngày.

Động đất Sông Tranh: Cần giải tỏa những lo lắng của người dân



2012-09-16
Tình hình động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 gây quan ngại không chỉ cho cư dân và chính quyền địa phương mà còn nhiều giới khác tại Việt Nam.
Photo courtesy of docbao24h
San lấp các hố sụt lún bên dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2 chiều 6/9/2012.
Tiến sĩ địa vật lý Nguyễn Thanh Giang trong thời gian qua theo dõi tình hình và có cuộc trao đổi với phóng viên Gia Minh của Đài Á Châu về vấn đề đó.
Trước hết ông cho biết những quan sát được về diễn biến động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 như sau:
TS Nguyễn Thanh Giang: Từ đầu 2011 đến trước đợt địa chấn này Viện Vật lý Địa cầu của Việt Nam cho biết đã ghi nhận 52 trận động đất lớn nhỏ trên địa bàn huyện Bắc Trà My, Nam Trà My và một số địa phương lân cận khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2.
Đầu tháng 9 đến nay động đất xẩy ra càng dồn dập, khoảng trên mười trận. Có những trận khá mạnh. Trận xảy ra lúc 9g rưỡi sáng ngày 7 tháng 9 mạnh 4,2 độ Richter. Tâm chấn của trận này cách đập thủy điện khoảng 5 km.
Trận xẩy ra đêm 3 tháng 9 cũng mạnh tới 4,2 độ Richter với độ chấn tiêu sâu 7,3 km ở ngay bên phải đập chính của hồ chứa thủy điện tại xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My.
Tuy chưa xẩy ra nứt toác phần vỏ địa cầu tại đây, chưa sụp đổ các công trình xây dựng nhưng nhiều căn nhà và một số trường học đã nứt tường, vênh cửa. Càng gần đập thủy điện Sông Tranh 2 tình trạng càng nặng hơn, làm cho nhân dân và các cấp chính quyền thực sự lo lắng.

Nguyên nhân

dap-250.jpg
Đập thủy điện Sông Tranh 2. File photo.
Gia Minh: Vậy theo ông nguyên nhân dẫn đến những chấn động tại khu vực đó là do đâu?
TS Nguyễn Thanh Giang: Các trận động đất xẩy ra sau khi tích nước vào những hồ nhân tạo dung lượng lớn thường được quy vào dạng động đất kích thích. Nguyên nhân chủ yếu của dạng động đất kích thích là do các đứt gãy nhỏ nguyên thủy của bề mặt vỏ địa cầu, nằm ở phía dưới lòng hồ thủy điện từ lâu bị đất đá lấp kín, nay xây hồ chứa nước, lớp đất đá bị nước ngâm bở tơi ra, cộng với áp lực nước do tích nước lớn khiến các vết đứt gãy tiếp tục bị kích thích nứt sâu hơn, gây ra những xô đẩy của các mảng vỏ trái đất.
Nguyên nhân chủ yếu của dạng động đất kích thích là do các đứt gãy nhỏ nguyên thủy của bề mặt vỏ địa cầu, nằm ở phía dưới lòng hồ thủy điện từ lâu bị đất đá lấp kín, nay xây hồ chứa nước, lớp đất đá bị nước ngâm bở tơi ra, cộng với áp lực nước do tích nước lớn khiến các vết đứt gãy tiếp tục bị kích thích nứt sâu hơn, gây ra những xô đẩy của các mảng vỏ trái đất.
TS Nguyễn Thanh Giang
Sông Tranh hay sông Hồng, sông Đà đều là những vết đứt gãy lớn của vỏ trái đất hình thành trong lịch sử kiến tạo địa cầu. Vì vậy, xung quanh lưu vực sông đều có những đứt gãy nhỏ bị đất đá vùi lấp. Bình thường nó ổn định nhưng khi xây hồ thủy điện và bắt đầu chứa nước, nó sẽ bị tác nhân mới tác động, phá vỡ thế cân bằng cũ.
Tuy nhiên những khảo sát gần đây của Viện Vật lý Địa cầu Việt Nam lại cho thấy đã xuất hiện một số trận động đất có chấn tiêu ở xa hồ thủy điện Sông Tranh nhưng rất gần với một đứt gãy địa chất mang tên Hưng Nhượng-Tà Vi ở mạn nam đập thủy điện Sông Tranh. Đứt gãy này chạy theo hướng đông-tây.
Hồ chứa thủy điện Sông Tranh có dung tích 730 triệu m3nước, không lớn lắm, nên người ta nghĩ rằng nó không đủ để có thể gây động đất kích thích ở các vị trí xa.
Vả lại động đất kích thích thường xẩy ra sau khi hồ chứa đầy nước trong mùa mưa trong khi thời điểm xảy ra ba trận động đất lớn nhất nói trên, hồ chứa thủy điện Sông Tranh lại đang ở mức tích nước tối thiểu, Cho nên có ý kiến cho rằng đứt gãy Hưng Nhượng-Tà Vi đang hoạt động trở lại.
Ngoài đứt gãy Hưng Nhượng-Tà Vi ở phía nam, ở phía bắc hồ chứa thủy điện Sông Tranh còn có đứt gãy Tam Kỳ-Phước Sơn cũng lớn như đứt gãy Hưng Nhượng – Tà Vy và cũng chạy theo hướng đông – tây. Hai đứt gãy này bị chắn bởi một đứt gãy khác nữa là đứt gãy Trà Bồng.

Mức độ nguy hiểm

Động đất gây nứt tường nhà dân - Ảnh: Hoàng Sơn/Thanh Niên
Động đất gây nứt tường nhà dân - Ảnh: Hoàng Sơn/Thanh Niên
Gia Minh: Như thế có thể đánh giá mức độ nguy hiểm của tình hình động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 ra sao?
TS Nguyễn Thanh Giang:Động đất xẩy ra tại các hồ tích nước thủy điện ở nhiều nước trên thế giới đã thường xẩy ra trong thời gian đầu. Nếu động đất ở Sông Tranh chỉ là động đất kích thích thì không đáng ngại. Phép thống kê cho thấy hầu hết các trận động đất kích thích thường nhỏ, chỉ khoảng 4-5 độ Richter và thường không vượt quá cường độ một trận động đất tự nhiên có thể xảy ra ở khu vực đó.
Những năm 1989 - 1991 tại vùng hồ chứa nước thủy điện Hòa Bình, sau khi công trình đi vào hoạt động cũng xảy ra động đất kích thích với cường độ mạnh hơn ở sông Tranh vì áp lực nước hồ chứa Hòa Bình lớn hơn sông Tranh. Chuỗi động đất kích thích ở đây đã xảy ra với cường độ 3,5 - 4 độ Richter vào tháng 4/1989 và tăng đến 5,1 độ Richter vào năm 1991. Song từ năm 1992, vùng hồ thủy điện Hòa Bình đã trở về trạng thái yên tĩnh.
Hy vọng động đất ở Sông Tranh dù sẽ tăng cũng không vượt quá 5,5 độ Richter rồi giảm dần.
Tuy nhiên nếu các đứt gãy Tam Kỳ - Phước Sơn, Hưng Nhượng – Tà Vy tái hoạt động thì lại là chuyện khác.
Vỏ Trái Đất nói chung luôn ở trong trạng thái tích lũy ứng suất, để rồi khi đạt đến một ngưỡng nhất định vượt quá sức bền của đất đá thì sẽ xảy ra đứt gãy, dịch động hoặc rung chấn.
Thế kỷ trước, Việt Nam từng ghi nhận 2 trận động đất lớn là động đất Điện Biên (năm 1935) với cường độ 6,75 độ Richter xảy ra trên đới đứt gẫy sông Mã. Trận lớn thứ hai là động đất Tuần Giáo (năm 1983), với cường độ 6,8 độ Richter, xảy ra trên đới đứt gẫy Sơn La.
Ngoài ra, vùng ngoài khơi Nam Trung Bộ, năm 1923 cũng có 1 trận động đất 6,1 độ Richter (thuộc ở vùng biển Vũng Tàu, Phan Thiết). Trận động đất này kéo theo hiện tượng phun trào núi lửa Hòn Choi, trên đới đứt gãy kinh tuyến 109-110.

Công tác trước mắt

Ngày 8.9, đoàn chuyên gia của Bộ KH-CN đã vào vùng tâm chấn để nghiên cứu, khảo sát - Photo: Hoàng Sơn/thanhnien-online
Ngày 8.9, đoàn chuyên gia của Bộ KH-CN đã vào vùng tâm chấn để nghiên cứu, khảo sát - Photo: Hoàng Sơn/thanhnien-online
Gia Minh: Vậy theo ông những công tác cần thực hiện tại khu vực động đất thủy điện Sông Tranh 2 là gì?
TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi cũng là nhà địa vật lý nhưng chuyên sâu của tôi là nghiên cứu về địa từ trường, đặc biệt là Cổ từ học. Cùng thế hệ tôi có giáo sư- tiến sỹ Nguyễn Đình Xuyên, cựu Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Việt Nam mới là chuyên gia giỏi về Địa chấn. Nay chúng tôi đều đã nghỉ hưu nhưng một loạt anh em lứa sau như GSTS Nguyễn Huy Minh, GSTS Nguyễn Hồng Phương … mới là những người đang đảm lãnh trách nhiệm và có nhiệm vụ giải tỏa một phần những băn khoăn lo lắng của nhân dân và của chính quyền.
Ngoài nỗi lo đổ nhà sập cửa, mối lo kinh hoàng hơn là nếu xẩy ra vỡ đập thủy điện Sông Tranh.
Trước mắt cần công khai minh bạch tất cả những tư liệu và giải thích rõ để nhân dân hiểu bản chất sự việc đồng thời đưa vào các trường học ở địa phương Sông Tranh một số tiết giảng về kiến thức địa chấn cũng như cách phòng tránh động đất.
TS Nguyễn Thanh Giang
Nếu động đất Sông Tranh chỉ là động đất kích thích và nếu công trình xây dựng được thiết kế đúng là có độ kháng chấn 7-8 độ Richter thì có thể coi như chắc chắn sẽ không có thảm họa xẩy ra.
Tuy nhiên, tình trạng rò rỉ nước khá nặng nề ở đập Sông Tranh làm cho người ta không thể không đặt vấn đề nghi vấn chất lượng đập!
Trước mắt cần công khai minh bạch tất cả những tư liệu và giải thích rõ để nhân dân hiểu bản chất sự việc đồng thời đưa vào các trường học ở địa phương Sông Tranh một số tiết giảng về kiến thức địa chấn cũng như cách phòng tránh động đất. Những kiến thức tối thiểu phải biết để đối phó khi động đất xẩy ra như phải chui ngay xuống gầm bàn, gầm giường để tránh bị gạch vữa rơi vào đầu hay nép vào góc tường và chụp lên đầu bất cứ vật gì vớ được để giảm khả năng bị tường đổ vào người … phải được phổ biến rộng rãi, thấu triệt đến mọi người dân.
Dẫu sao, hãy cầu mong cho tất cả đều được bình an và thủy điện Sông Tranh vẫn góp phần thắp sáng lâu dài trong mạng lưới điện quốc gia của ta.
Gia Minh: Cám ơn tiến sĩ về những trình bày vừa rồi.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Tương ớt giá rẻ: Chỉ là... độc chất!


Chủ Nhật, 16/09/2012 22:46

Để sản xuất tương ớt giá rẻ, người ta thường sử dụng các loại hóa chất công nghiệp như chất tạo độ sệt, phẩm màu, chất bảo quản và đường hóa học…

Trong vai người cần mua tương ớt sỉ để bỏ mối lẻ cho khách hàng, chúng tôi đến một số khu vực chợ đầu mối và một số cơ sở sản xuất tương ớt tại TPHCM để lấy hàng. Qua tìm hiểu mới biết nhiều loại tương ớt giá rẻ rất nguy hại vì được pha chế từ những loại độc chất.
Tương ớt 4.000 đồng/lít
Chợ Bình Tây (quận 6) nổi tiếng là khu chợ sỉ của các loại gia vị. Ghé một sạp nằm khuất gần cuối chợ để tìm nguồn hàng, chúng tôi được chị chủ sạp giới thiệu ngay một số loại tương ớt “đang bán chạy”.
Chị ta khẳng định: Nếu hàng ngon và có thương hiệu thì giá bán 285.000 đồng/thùng 6 chai (mỗi chai 1,5 lít, tính ra khoảng 30.000 đồng/lít - PV). Rẻ hơn một chút là loại 55.000 đồng/thùng 5 lít, còn loại rẻ hơn nữa chỉ khoảng 30.000 đồng/thùng 5 lít. “Loại càng rẻ càng pha nhiều nên sẽ không ngon. Tốt nhất nên chọn loại 55.000 đồng/thùng (thương hiệu N.) vừa cay vừa ít pha sẽ dễ bán hơn” - chị bán hàng tư vấn.
Tôi thắc mắc không biết tương được pha thêm những gì thì người bán giải thích: “Chỉ đơn giản là bột năng”. Tuy vậy, khi chúng tôi đề nghị mua ngay một thùng loại rẻ nhất để làm mẫu thì chị ta cho biết phải đợi gọi chỗ khác mang tới và cho số điện thoại để tôi tiện liên lạc. Quan sát tiếp một vài cửa hàng gia vị, tương ớt khác trong khu chợ, thấy hầu hết đều có bán các loại tương ớt giá rẻ.
Ra ngoài khu vực chợ, chúng tôi gặp một người đàn ông đang chất lên xe máy nhiều thùng tương ớt, đựng trong thùng nhựa màu trắng đục trông rất dơ. Ông ta nhiệt tình cho biết đến chợ lấy sỉ để về bỏ mối lẻ lại cho các quán ăn, tiệm phở trong TP. Biết chúng tôi cũng có ý định lấy sỉ tương ớt về bán lẻ, ông đã nhiệt tình giới thiệu chỗ mua.
Những chai tương ớt giá rẻ, không nhãn mác có rất nhiều trên thị trường
Bất ngờ là cơ sở này có giá bán còn rẻ hơn nhiều so với các sạp hàng chúng tôi tham khảo trước đó. Qua điện thoại, người của cơ sở cho biết loại cao giá nhất chỉ 30.000 đồng/thùng 5 lít, còn loại rẻ nhất chỉ 21.000 đồng/thùng 5 lít. Như vậy, 1 lít tương ớt chỉ hơn 4.000 đồng. “Nếu các chị mang hàng về tỉnh, chúng tôi sẽ giao đến nơi với điều kiện phải mua 30 thùng trở lên” - người này quả quyết.
Vì sao người ta có thể sản xuất được các loại tương ớt giá “bèo” như vậy trong khi nếu theo đúng thành phần mà cơ sở này ghi trên nhãn mác (ớt 30%) thì riêng tiền ớt cũng đã hơn 50% giá vốn, chưa kể nhiều chất khác và chi phí vận chuyển, sản xuất…?
Toàn hóa chất độc hại
Theo địa chỉ được giới thiệu, chúng tôi tìm đến một cơ sở sản xuất tương ớt nằm trong hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Triệu Luật (quận Bình Tân). Đó là một ngôi nhà bình thường, không có vẻ gì là nơi sản xuất tương ớt với quy mô lớn, có thể bỏ sỉ ở các khu vực chợ đầu mối cũng như đưa hàng về tận các tỉnh...
Anh Tuấn (một người từng làm tương ớt bỏ mối lâu năm ở nhiều nơi, nay đã phải chuyển sang kinh doanh sản phẩm khác) cho biết: Mặc dù trên bao bì, các cơ sở sản xuất đều ghi thành phần gồm ớt, tỏi, đường, muối, tinh bột, chất điều vị, màu thực phẩm cho phép... nhưng trên thực tế, thành phần chủ yếu là các loại hóa chất, phẩm màu công nghiệp giá rẻ và đường hóa học.
Tìm đến một người quen từng bán hóa chất ở đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), chúng tôi được biết tương ớt rẻ tiền chủ yếu làm từ nhiều loại hóa chất và phụ gia khác nhau, trong đó có các loại có nguy cơ độc hại rất cao như chất tạo độ sệt, phẩm màu công nghiệp, chất bảo quản và đường hóa học. Chất tạo độ sệt thường được gọi tắt là CMC, cũng là chất mà nhiều người thường dùng để pha chế nước tẩy rửa sàn nhà. Nếu là CMC dùng trong thực phẩm thì rất đắt tiền, còn CMC dùng trong công nghiệp thì giá chỉ vài chục ngàn đồng/kg nhưng chỉ cần 100 g là có thể tạo sệt cho cả trăm lít nước…
Theo BS Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam (Vinafosa), CMC dùng trong thực phẩm có độ tinh khiết rất cao trong khi CMC dùng trong công nghiệp thì chứa rất nhiều tạp chất, trong đó có cả kim loại như kẽm, chì và nhiều chất khác rất độc hại. Tuy nhiên, khi đã cho CMC công nghiệp vào pha trộn thành tương ớt thì không thể phân biệt đó là CMC gì.
Mới đây, cơ quan chức năng TP Hà Nội đã phát hiện trong tương ớt của một cơ sở sản xuất có chứa hàm lượng Rhodamine B rất cao. Đây là loại màu công nghiệp dùng để nhuộm vải, có giá bán rất rẻ và rất độc hại.
Có thể gây ung thư
Theo các nhà chuyên môn, tương ớt làm tự nhiên sẽ khó bảo quản lâu và có màu sậm, mùi vị thơm ngon chứ không có màu sặc sỡ, tươi rói nhưng có vị không đậm đà như tương ớt được pha nhiều bột và hóa chất. BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, người có cơ thể nhạy cảm, khi ăn những loại tương ớt chứa nhiều hóa chất độc hại thì sẽ cảm thấy khó chịu, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng; nếu ăn thường xuyên và nhiều sẽ ảnh hưởng đến thần kinh; khi tích trữ lâu dài trong cơ thể sẽ có nguy cơ bị ung thư hay mắc các bệnh lý khác, tùy theo chất sinh ra trong cơ thể.
Bài và ảnh: PHẠM ĐÌNH