THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 November 2013

Có quyết bắt thủy điện đền bù cho dân không?!

ĐV- 02/11/2013 --  Phải có giải pháp để bù thiệt hại của người dân và môi trường khi phá rừng làm thủy điện. Tôi hỏi liệu ta có quyết liệt làm tới mức đó không? - Đại biểu của TP.HCM Nguyễn Phước Lộc đặt câu hỏi.


Phải bắt thủy điện đền bù  cho dân

Tham gia thảo luận tại phiên họp tổ  chiều 1/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Quốc hội cần ban hành nghị quyết làm rõ  trách nhiệm của tình trạng cấp phép tràn lan dẫn  đến phải loại bỏ 424 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch.

Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) nhận xét: Báo cáo rà soát quy hoạch thủy điện của Chính phủ vẫn chưa đi đến cùng vấn đề vì chưa có địa chỉ trách nhiệm. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phước Lộc  cũng của TP.HCM cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi về giải pháp an toàn thủy điện chứ chưa đề cập đến giải pháp trồng rừng, đền bù môi trường thế nào.

"Phải có giải pháp để bù  thiệt hại của người dân và môi trường chứ! Ví  dụ thủy điện bán được điện thì  người dân được thụ hưởng bao nhiêu phần trăm lợi nhuận? Bao nhiêu phần trăm lợi nhuận dành để trồng lại rừng, bù đắp cho môi trường? Tôi muốn hỏi ta có quyết liệt làm tới mức đó không?”..., đại biểu Lộc nói.

Nghi ngờ về diện tích rừng bị  mất, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) lên tiếng: “Bộ  Công thương cho con số diện tích rừng bị lấy cho thủy điện đến khoảng 50.000ha. Trong khi Bộ  Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chỉ có  gần 20.000ha. Con số nào đáng tin khi chúng chênh lệch đến hơn 30.000ha?”.


Nhiều công trình thủy điện đã là ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân.
Nhiều công trình thủy điện đã là ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2006 đến nay, có hơn 50.000 ha đất rừng các loại  được chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng thủy điện nhưng chủ đầu tư trồng bù lại chỉ ngót nghét 1.000 ha.

Cụ thể, từ cuối năm 2012, Bộ  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) từng báo cáo Thủ tướng về việc chuyển đổi rừng để thực hiện các dự án thủy điện giai đoạn 2006-2012.

Theo đó, trong 6 năm, có hơn 20.000 rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng 160 dự án thủy điện. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng bù lại chỉ được 735 ha, bằng 3,7% diện tích rừng đã bị mất.

Thực tế, theo rà soát mới đây của Bộ Công Thương, tỉ lệ diện tích rừng trồng bù còn thấp hơn rất nhiều. Từ khi thực hiện Nghị định 23/2006/NĐ-CP khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế  nhưng, đến nay có đến 50.930 ha rừng các loại  đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện.

Trong khi đó, rất ít chủ đầu tư  thủy điện có phương án trồng rừng thay thế. Hậu quả, diện tích rừng trồng thay thế chỉ  được hơn 1.000 ha, bằng 2% diện tích rừng đã chuyển  đổi. Hầu hết đều muốn nộp tiền vào Quỹ  bảo vệ phát triển rừng thay cho việc trồng lại rừng.

Tuy nhiên, trả lời báo Đất Việt, đại diện lãnh đạo Tổng Cục Lâm nghiệp khẳng định: "Cho tới nay chưa có một đồng tiền nào của chủ dự án làm thủy điện được gửi về quỹ". Theo vị này, chính vì chưa có  một cơ chế, chế tài nào quy định việc xử  lý, ép buộc doanh nghiệp, chủ đầu tư phải nộp tiền, số tiền cụ thể là bao nhiêu nên mới có hiện tượng có quỹ phát triển rừng mà rừng  vẫn mất.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) bày tỏ: “Thủy điện nhỏ chủ yếu do tư nhân làm, mà tư nhân làm thường chỉ tính đến hiệu quả kinh tế, bỏ qua tác hại môi trường. Dự án kiểu này do chủ tịch UBND tỉnh ký duyệt, nhiều ông cứ mong thu được nhiều ngân sách cho địa phương chứ không quan tâm hậu quả. Tôi đọc tài liệu, báo cáo thấy các địa bàn làm dự án thủy điện nhỏ kiểu này đều là những cánh rừng già, nhiều gỗ quý. Chúng ta đã tính toán được rồi: để có  được 1MW điện thì phải mất 2ha rừng. Quy hoạch thủy điện phải đặt trong mối quan hệ quy hoạch tổng thể về năng lượng. 815 dự án thủy điện còn lại phải tiếp tục rà soát để loại tiếp”.

Xuân Tùng