SỐNG MỚI - 01/11/2013
Nhiều hồ chứa thủy lợi tại Bình Thuận đã đưa vào khai thác sử dụng trong thời gian dài nhưng không được nâng cấp, sửa chữa nên bị hư hỏng, đặc biệt nhiều công trình bị sụt lún, xói lở, trong khi bão lại đang rập rình tấn công.
Vỡ đập thủy lợi sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho người dân vùng hạ lưu và ngân sách. (Ảnh: Lao Động)
Nhiều hồ đập hư hỏng
Toàn tỉnh Bình Thuận đang có 16 hồ chứa đã đưa vào khai thác, sử dụng. Trong đó 5 hồ gồm Sông Quao, Tà Mon, Tân Lập, Đu Đủ, Trà Tân có tuổi thọ trên 10 năm nhưng chưa được nâng cấp sửa chữa, các hạng mục công trình đầu mối. Tràn xả lũ, cống lấy nước hư hỏng cục bộ, mặt đập bị lún sụt, xói lở…
Cả 5 hồ này đều đang hư hỏng, có nguy cơ vỡ đập và de dọa đến nhiều người dân vùng hạ lưu. Nghiêm trọng nhất là hồ Tân Lập đang xảy ra hiện tượng nước thấm qua thân đập tại vị trí tiếp giáp với tường cánh bên phía tả cống lấy nước đầu mối, mái hạ lưu xói lở. Tương tự Hồ Trà Tân mặt đập bị lún sụt, nước thấm qua thân, mái thượng - hạ lưu bị xói lở; tràn xả lũ mái thượng và hạ lưu bị lún sụt.
Tại hồ Sông Quao, Tà Mon và Đu Đủ mặt đập đều đang bị lún sụt và xuất hiện nhiều vị trí nứt dọc thân.
Những hồ đập hư hỏng này luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra vỡ đập đe dọa đến người dân sống tại vùng hạ lưu.
Tình trạng chung của các địa phương
Không riêng Bình Thuận, khá nhiều địa phương trong cả nước cũng đang có những hồ thủy lợi sử dụng đã vài chục năm nay nhưng chẳng hề được bảo trì và bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Ví như tại Lâm Đồng cũng đang có 16 công trình hồ chứa nước bị xuống cấp, hư hỏng, mất an toàn.
Tuy nhiên, kinh phí để tu sửa những hồ đập này khá lớn. Tại Bình Thuận, kinh phí đào thông tuyến kênh nối mạng hồ Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập (25 tỷ đồng/tổng mức đầu tư 68 tỷ đồng); kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa còn lại thuộc chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa đã phê duyệt 219,82 tỷ đồng... Hay tại Lâm Đồng việc tu sửa 8/16 công trình hồ đập mất an toàn cũng tốn hơn 100 tỷ đồng.
“Hiện tại, nước ta có gần 500 hồ có trữ lượng nước nhỏ được xây dựng sau ngày giải phóng đã xuống cấp. Để sửa chữa các hồ này cần nguồn kinh phí lớn. Các địa phương đã báo cáo Bộ NN&PTNT và Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ”- Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi cho biết.
Không có ngân sách để tu sửa nhưng nếu các hồ, đập thủy lợi này xảy ra sự cố thì người dân địa phương và ngân sách nhà nước cũng chịu thiệt hại không nhỏ. Đây dường như là cái vòng luẩn quẩn chưa có lối thoát với việc quản lý hồ đập tại các địa phương của nước ta.
Ngân Hà
Theo nongnghiep.vn