Hình vẽ trên hòn đá lạ. |
Hình vẽ trên tờ lịch Trung Quốc. |
Trương Lăng trong lịch Trung Quốc. |
Hòn đá lạ đặt tại đền Thượng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ. |
Hòn đá lạ tại Đền Hùng gây xôn xao dư luận thời gian qua có hình vẽ, ký tự giống lịch Trung Quốc.
Thời gian gần đây trên các báo điện tử và diễn đàn mạng đang bàn tán xôn xao về sự xuất hiện của ‘hòn đá lạ’ ở Đền Hùng. Theo tìm hiểu của phóng viên, một số hình vẽ trên hòn đá lạ tại Đền Hùng giống hình vẽ, ký tự một cuốn lịch Trung Quốc (lịch Tàu).
Theo thông tin từ một số học giả và cách giải thích của những người có liên quan, hòn đá là loại đạo bùa chú tổng hợp pha tạp rất nhiều đạo bùa của các giáo và phái khác nhau.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, hầu như các đạo bùa có trên hòn đá là bùa cát (tốt lành), nhưng chưa có ai chứng minh rằng pha trộn các loại bùa chú trong một hòn đá đem đặt ngay đền thờ Quốc Tổ sẽ đem lại những điềm lành quốc thái dân an, hoặc là sự đối kỵ “không tương thích” giữa các loại bùa này gây phản tác dụng.
Tập trung phân tích thêm một số yếu tố trên “đạo bùa đá” đó có thể thấy:.
Ngoại trừ một số yếu tố và chi tiết trên đạo bùa như câu chữ Phạn, là câu thần chú của Phật giáo Mật tông thì hầu hết những chi tiết và ký tự cấu thành đạo bùa là từ các đạo giáo, phù thuỷ, thuật sĩ bắt nguồn từ Trung Quốc. Ở ngay mặt sau của “đạo bùa đá” này có hình một ký tự ở giữa rất to chạm vẽ loằng ngoằng mà mọi người chưa rõ là cái gì và có ý nghĩa gì đó lại chính là linh phù (tờ bùa) của một đạo sĩ nổi tiếng đời nhà Hán – Trung Quốc. Đó là linh phù “Bách giải tiêu tai” của Trương Lăng – Trương Thiên Sư, người sáng lập ra Ngũ Đấu Mễ Đạo, một đạo giáo của Trung Quốc.
Nếu độc giả nào tìm hiểu về các loại linh phù (bùa chú) của Trương Thiên Sư, rất dễ tìm thấy ở các diễn đàn mạng.
Riêng linh phù “Bách giải tiêu tai” của Trương Thiên Sư thì xuất hiện ở nhiều nơi. Hay gặp nhất là được in trong các quyển Lịch vạn niên bằng chữ Hán (lịch Tàu) hàng năm được in lậu và bán nhiều ở các hiệu sách và những người bán sách phong thuỷ bói toán dạo.
Trong các cuốn lịch Tàu này còn có rất nhiều linh phù sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Những người làm lịch Tàu còn in và hướng dẫn cách thức làm linh phù (đạo bùa) và có hẳn cả câu thần chú của Trương Thiên Sư.
Điều đáng nói là tác giả hoặc chủ nhân của hòn đá lạ còn sử dụng ấn của Vua Hùng chạm khắc ngay phía trên của đạo bùa này.
Như vậy, việc sử dụng ấn của Vua Hùng trên một đạo bùa lai tạp từ rất nhiều nguồn gốc ngoại lai là một việc làm thiếu hiểu biết và tuỳ tiện.
Yêu cầu chuyển hòn đá lạ khỏi Đền Hùng
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có công văn yêu cầu tỉnh Phú Thọ chuyển hòn đá lạ ra khỏi Đền Hùng, vì nó không có trong danh mục hiện vật của đền.
Trước đó cuối tháng 4, tỉnh Phú Thọ có công văn gửi lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, xin ý kiến về hòn đá lạ tại khu di tích đền Hùng.
Ngày 14/5, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên có công văn trả lời, nêu rõ, viên đá không có trong danh mục hiện vật và nội dung tu bổ đền Thượng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt.
Căn cứ vào Luật di sản văn hóa, Bộ Văn hóa đề nghị tỉnh Phú Thọ chỉ đạo cơ quan chức năng đưa hòn đá ra khỏi đền Hùng.
Về thông tin Phú Thọ sẽ tổ chức hội thảo, mời các nhà khoa học tham gia thảo luận về hòn đá, Cục Di sản đã yêu cầu phía địa phương báo cáo cụ thể về trường hợp hòn đá này.
Việc hòn đá lạ có ký tự cổ cùng dấu ấn vuông và họa tiết phức tạp khó hiểu được đặt ở đền Thượng (nằm trong khu di tích đến Hùng), khiến dư luận băn khoăn.
Một số chuyên gia cho rằng, hình thức bên ngoài cho thấy hòn đá là đạo bùa cát, cầu giải tai ương, thỉnh cầu phúc đức.
Theo Tiền Phong