- Một loạt đê ở miền Bắc bị vỡ do mưa to, lũ lớn lên nhanh. Tính đến thời điểm này đã có 3 người chết, 2 người mất tích do mưa lũ trong những ngày qua.
Tại Hà Nội, đê La Thạch (ở vị trí K 5+000) bị xói lở hàm ếch dài khoảng 30m. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP đã chỉ đạo cắm biển cảnh báo, hạn chế không cho nước chảy vào khu vực xói và tiếp tục theo dõi.
Mưa lớn gây ngập úng nặng tại Hà Nội (Ảnh: VietNamNet) |
Tại huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), khu vực K29+100 xảy ra sạt mái cơ đê phía đồng với chiều dài 40m, lún từ 3-10cm; khu vực K31+500-K32+200; K33+300-K33+700; K33+945-K34+200; K37+800; K67+200-K67+300 và K37+800 xảy ra thẩm lậu nước trong ra mái đê. Còn tại huyện Quế Võ, vị trí K69+900-K70+100 cũng xảy ra thẩm lậu nước trong ra mái đê.
Tình trạng thẩm thấu nước qua thân đê, mái đê, vỡ đê cũng xảy ra ở Bắc Giang, Hưng Yên.
Tại Bắc Giang, khu vực K14+070-K14+640 đê hữu Thương huyện Tân Yên bị sạt lở nghiêm trọng, một số cung sạt lấn sâu vào mái đê từ 2-3m.
Ngày 9/8, tại K14+485 cung sạt tiếp tục phát triển về thượng và hạ lưu, K14+500, K14+530 xuất hiện cung sạt mới. Tổng cục Thủy lợi đã phê duyệt phương án xử lý cấp bách. Địa phương đang triển khai thực hiện.
Khu vực bờ bao sông Cổ Mân huyện Lục Nam xảy ra tràn bờ với mực nước từ 30 – 100 cm, trên chiều dài khoảng 1.400m. UBND huyện đã huy động 500 người để xử lý. Khu vực bờ sông Thương, xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang xảy ra sạt lở; địa phương đã chỉ đạo xử lý cơ bản khống chế được sự cố.
Tại Hưng Yên, ngày 04/8/2013 khu vực cuối kè Nghi xuyên tương ứng K105+900 đê Tả Hồng xuất hiện cung sạt dài 30m, mái thẳng đứng, sâu 10m. Ngày 9/8/2013, cung sạt tiếp tục diễn biến, lấn sâu vào phía đê khoảng 5m, cách nhà dân và di tích lịch sử khoảng 10m.
Hiện nay, lũ trên các sông Bắc Bộ tiếp tục lên, có nơi đã đạt đỉnh và bắt đầu xuống. Tình hình lũ được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.
Tiếp tục xả nước sông Nhuệ vào nội đô
Về việc xả nước sông Nhuệ vào nội đô để cứu khu vực ngoại thành không bị ngập úng nặng trên diện rộng, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết tính đến thời điểm cuối ngày 8/8, tình trạng ngập úng khu vực đường Phạm Hùng đã được kiểm soát.
Sau khi mở cống Thanh Liệt để nước sông Nhuệ tràn vào sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, đến khoảng 5 giờ chiều ngày 8/8, mực nước sông Nhuệ đã giảm 40cm.
Công ty cho biết mới chỉ mở 20% cống Thanh Liệt bởi nếu mở rộng hơn, lượng nước về quá lớn, trạm bơm Yên Sở không tải đủ sẽ khiến nước tràn vào khu vực nội thành gây tái ngập.
Trong tình hình hiện nay, khi mưa đã chấm dứt, nắng đã hửng, khu vực nội đô không còn điểm úng ngập, cống Thanh Liệt sẽ được mở rộng hơn để lượng nước sông Nhuệ tràn vào mạnh hơn giúp tình trạng ngập nhanh chóng được giải quyết.
Công ty thoát nước cho biết sẽ điều hòa chủ động, linh hoạt để mực nước giữa các khu vực được cân đối, đồng đều, tránh ngập úng cục bộ.
|
C.Quyên