“Chơi trội“, Hà Nội bóc đường nhựa mới thay bằng bê tông?
Cập nhật 27/06/2013 07:17 (GMT+7)
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội quyết định “bóc” hết lớp nhựa mới tinh suốt quãng đường từ bến xe Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa để thay bằng bê tông, với lý do để phục vụ xe bus.
Đây là hạng mục thuộc hợp phần xây dựng xe buýt vận chuyển nhanh khối lượng lớn (thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội). Dự án bắt đầu chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã.
Một số hạng mục đường của xe buýt nhanh tại Ba La, Lê Văn Lương đã được thi công, Trung tâm điều hành giao thông tại Bến xe Kim Mã đã được khởi công.
Mặt đường nhựa còn nguyên vẹn trên đường Lê Văn Lương bị bóc gỡ để lót bằng bê tông phục vụ xe buýt nhanh |
Xe buýt nhanh sẽ đi trên 2 làn đường riêng sát dải phân cách giữa của trục đường. Làn đường này được phân cách bằng gờ cao 20cm. Nhà chờ được đặt trên dải phân cách giữa, ở gần ngã tư nên hành khách đi theo vạnh sơn kẻ đường tại các nút giao thông để tiếp cận xe buýt.
Với hệ thống giao thông mới này, xe sẽ chạy với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h. Những chiếc xe thuộc hạng mục dự án sẽ được gắn hệ thống GPS, kết nối với Trung tâm điều hành để giải quyết các sự cố có thể phát sinh. Dự kiến tuyến này hoạt động từ đầu năm 2015.
Theo quan sát của phóng viên chiều 26/6, nhiều đoạn trên đường Lê Văn Lương đã được đơn vị thi công hoàn tất. Suốt con đường này, nhiều hạng mục vẫn đang được đơn vị thi công hoàn thành. Gần với ngã tư Hoàng Đạo Thuý – Lê Văn Lương, phần mặt đường đang được chủ đầu tư quây tôn lại, lớp nhựa vừa được hoàn thiện cách đó một thời gian cũng đã bị bóc tách, thay mới.
Theo người dân gần khu vực này, đường Lê Văn Lương mới được đưa vào sử dụng mấy năm nay, mặt đường còn bằng phẳng và chưa bị xuống cấp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các công nhân đã rào từng khúc và đào xới lên và làm mới lại, thay mặt đường nhựa bằng chất liệu bê tông. Người dân tỏ ra rất băn khoăn khó hiểu trước việc làm này của “nhà nước”, vì “đường nhựa êm ái sao phải phá đi để thay bằng đường bê tông đi rất ồn và xóc, rất hại lốp xe”?.
Về thắc mắc này, đại diện chủ đầu tư cho rằng, vì đây là dự án phục vụ xe buýt chạy trên đường riêng nên có thể dẫn đến tình trạng mặt đường bị… “mỏi”. Do lo ngại lộ trình tuyến buýt nhanh này nếu sử dụng đường nhựa như đã có sẽ không chịu được nên phải thay bằng bằng mặt đường bê tông cứng.
Bình luận về sự việc này, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, việc bóc đường cũ vẫn còn sử dụng tốt để thay thế đường mới chứng tỏ “quy hoạch có vấn đề”. Theo ông Liêm, nhược điểm của mặt đường bê tông là co giãn nên phải có nhiều điểm nối, điều đó khiến cho mặt đường không được êm trong quá trình phương tiện lưu thông. Cũng theo ông Liêm, việc quy hoạch không có quy củ dẫn đến dự án chồng dự án đã gây ra sự lãng phí lớn cho xã hội.
Theo phê duyệt ban đầu, dự án phát triển giao thông đô thị của Hà Nội có tổng mức đầu tư 304,72 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 165,3 triệu USD. Trong đó, hợp phần xây dựng xe buýt vận chuyển nhanh khối lượng lớn là tuyến xe buýt nhanh đầu tiên tại Hà Nội được Sở GTVT khởi công vào tháng 3/2013 với chiều dài 14 km.
Đặc biệt, vào đầu năm 2013, sau khi khởi động thực hiện dự án tuyến xe buýt nhanh số 1, Sở GTVT TP Hà Nội đã có văn bản gửi WB đề nghị tài trợ số tiền 500.000 USD nhằm phục vụ việc sửa chữa, gia cường cầu vượt thép Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng cho xe buýt trọng tải lớn, tốc độ cao (BRT) chạy qua. Khi đó, nhiều ý kiến, kể cả trong ngành cũng đã bức xúc cho rằng, việc cầu vượt này đi vào sử dụng mới hơn 1 năm mà đã phải sửa chữa là khó chấp nhận được.
Rõ ràng, việc nghiên cứu, quy hoạch phát triển xe buýt BRT đã được tiến hành từ năm 2004, thế nhưng chủ đầu tư vẫn làm cầu vượt không đạt tiêu chuẩn cho xe buýt BRT chạy qua là điều khó hiểu.
Đề xuất “xin” thêm số tiền này của Sở GTVT Hà Nội tại thời điểm đó đã bị WB khước từ, bởi tổ chức tín dụng này cho rằng Sở GTVT TP.Hà Nội chỉ là đơn vị tiếp nhận số tiền hỗ trợ và triển khai xây dựng. Khi nào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến và đề xuất với WB về việc này thì mới được xem xét, điều chỉnh.
Việt Hưng