THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

29 April 2013

Hệ thống chính trị Việt Nam ‘sẽ tự sụp đổ nếu không chỉnh đốn’



dcsvndoimau2

Trong một căn hộ ở thành phố Hồ Chí Minh, giá sách của ông đầy những tác phẩm của Marx, Engels và Hồ Chí Minh, một minh chứng cho sự trung thành với Đảng Cộng sản, nhưng cựu viên chức chính phủ từng là cố vấn cho hai đời thủ tướng – ông Nguyễn Phước Tương [tức giáo sư Tương Lai], năm nay 77 tuổi – cho biết ông chẳng còn tin tưởng gì vào Đảng nữa.
Như nhiều người Việt Nam khác hiện nay, ông Tương đã nói lên tiếng nói của mình một cách mạnh mẽ.

"Nếu hệ thống này không được chỉnh đốn lại thì tự nó sẽ sụp đổ mà thôi", Nguyễn Phương Tương, nhà nghiên cứu chủ nghĩa Marx và cố vấn cho hai đời thủ tướng tại Việt Nam cho biết. Ảnh: Justin Mott/International Herald Tribune
“Nếu hệ thống này không được chỉnh đốn lại thì tự nó sẽ sụp đổ mà thôi”, Nguyễn Phương Tương, nhà nghiên cứu chủ nghĩa Marx và cố vấn cho hai đời thủ tướng tại Việt Nam cho biết. Ảnh: Justin Mott/International Herald Tribune

“Hệ thống chính trị của chúng tôi hiện nay là một chế độ chuyên chế độc đảng”, ông Tương cho biết trong một bài phỏng vấn tại căn hộ của ông ở vùng ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. “Tôi đã ở trong hệ thống, tôi hiểu tất cả các thói xâu, các nhược điểm, và cả sự thoái hóa biến chất của nó”, ông cho biết. “Nếu hệ thống này không được chỉnh đốn lại thì tự nó sẽ sụp đổ mà thôi”.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng dành chiến thắng trước lực lượng Miền Nam Việt Nam với sự hỗ trợ của Mỹ vào năm 1975. Tuy nhiên, hiện nay họ đang phải đối phó với sự tức giận của người dân ngày càng gia tăng vì bất ổn kinh tế và nội bộ bị chia rẽ thành hai phe phái – phe thủ cựu muốn giữ nguyên những lý thuyết cộng sản lãnh đạo đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, giữ nguyên sự chuyên chế của Đảng Cộng sản, và phe còn lại thì muốn có một hệ thống đa đảng và đi theo các tư tưởng chủ nghĩa tư bản một cách triệt để.
Có lẽ điều quan trọng nhất là Đảng Cộng sản đang phải đấu tranh vất vả để đối phó với một xã hội ngày càng có những nhận thức rõ và sắc sảo hơn nhờ tin tức cũng như các luồng ý kiến được phát tán mạnh mẽ trên mạng Internet, mặc cho sự quản lý gắt gao của nhà nước.
Kể từ khi thống nhất đất nước tới nay đã 38 năm, Đảng Cộng sản đã trải qua những thử thách từ các mâu thuẫn với Trung Quốc và Campuchia, các cuộc khủng hoảng tài chính và cả những xung đột nội bộ. Điểm khác biệt vào thời điểm hiện tại, theo ông Carlyle A.Thayer – một trong những học giả hàng đầu về Việt Nam, là việc chỉ trích bộ máy lãnh đạo “đã bùng nổ khắp xã hội”.
Trong một môi trường chuyên chế, sự khác biệt trong Đảng thực ra có thể là một khích lệ cho sự tự do ngôn luận bởi các bè phái thường muốn làm xấu mặt nhau, tiến sĩ Thayer cho biết.
“Nhưng có một sự mâu thuẫn ở Việt Nam”, ông nói thêm. “Sự chống đối ngày càng mạnh mẽ nhưng đồng thời đàn áp cũng ác liệt hơn”.

Một trung cư kế bên đường rail xe lửa tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Justin Mott/International Herald Tribune
Một trung cư kế bên đường rail xe lửa tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Justin Mott/International Herald Tribune

Vì những tiếng nói bất đồng đã và đang nhân lên nhanh chóng trong số 92 triệu dân tại Việt Nam, chính phủ nước này đang ra sức để cố gắng dập tắt chúng. Tòa án đã tống giam nhiều blogger, nhà báo, và các nhà hoạt động xã hội, thế nhưng những sự bất bình, đặc biệt trên các trang mạng thì dường như vẫn không hề thuyên giảm. Chính phủ đã đóng cửa một số trang web, nhưng nhiều người dân đã dùng các phần mềm hoặc các thủ thuật khác để thoát ra khỏi vòng kiểm duyệt.
“Nhiều người đang cố gắng nói lên tiếng nói của mình hoặc lên tiếng chỉ trích chính phủ”, ông Trương Huy San (tức Huy Đức) – một nhà báo, tác giả của cuốn “Bên thắng cuộc” và cũng là một blogger có tiếng, cho biết. “Và những điều họ nói thì ngày càng có vẻ nghiêm trọng hơn”.
Ông San hiện nay đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Harvard, và cuốn “Bên thắng cuộc” của ông có lẽ chính là một bài lịch sử đầy đủ và có tính phê bình đầu tiên kể từ năm 1975 đến từ một người ở bên trong đất nước. Được nhiều người dân trong nước đón đọc, bộ sách hai tập này được viết dưới bút danh Huy Đức, đã được in mà không có sự cho phép của chính phủ, tái hiện những hành động thanh trừng giữa các đảng viên Đảng Cộng sản không trung thành, và các vụ chiếm đoạt đất đai của các chủ sở hữu đất tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.
Đối với những khách du lịch vãng lai, những gì họ nhận thấy khó có thể giúp họ hiểu được sự bi quan sâu sắc mà nhiều người dân Việt Nam đang phải gánh chịu. Hàng triệu người mười năm trước đây chỉ có mỗi chiếc xe đạp để đi những giờ đây nhiều trong số họ ngồi phóng vèo vèo trên những chiếc xe máy đắt tiền đi qua các nhà máy hoặc các tòa cao ốc chọc trời.
Nền kinh tế Việt Nam bắt đầu nổi lên từ năm 1990 sau vụ cải cách, và từ đó đã trở thành một nền kinh tế pha trộn giữa kinh tế thị trường nhưng lại được định hướng nghiêm ngặt bởi Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay cả bây giờ, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 4-5% mỗi năm, một phần là nhờ xuất khẩu tăng mạnh đối với mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, và hạt điều.
Nhưng thị trường nhà đất thì lại bị đóng băng vì cung quá nhiều, ngân hàng thì liêu xiêu với các khoản nợ xấu, báo chí đưa tin nhiều về nạn thất nghiệp đang gia tăng, và Việt Nam được xếp vào một trong những nước tham nhũng nhất thế giới bởi Transparency International.
Các doanh nhân Việt phàn nàn vì phải gánh quá nhiều luật lệ do chính phủ áp đặt vì Đảng tin rằng họ là đội ngũ tiên phong của các doanh nghiệp theo chủ nghĩa tư bản.
Và nhiều người nhận định rằng Việt Nam đang mất phương hướng, dù cho nước này có đông dân số trẻ và làm việc chăm chỉ.
“Trong 21 năm tôi ở đây, tôi chưa bao giờ thấy nhiều trí thức và doanh nhân tỏ vẻ không hài lòng đối với hệ thống như hiện nay”, ông Peter R.Ryder, giám đốc điều hành Indochina Capital, một công ty đầu tư tại Việt Nam, cho hay. “Có những cuộc đàm luận rất có ý nghĩa trong cộng đồng doanh nghiệp và cả trong nội bộ Đảng – những người rất quan tâm về hướng đi cho đất nước hiện nay”.
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm nay, một cuộc hội thảo do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức hồi tháng Tư, những người tham dự đã “đánh nhau nảy lửa để giành quyền cầm micro”, theo như lời của ông Lê Đăng Doanh, một nhà kinh tế hàng đầu và cũng có mặt ở cuộc hội thảo cho biết.
Ông còn cho hay, sự chỉ trích đang lan rộng mặc dù nên kinh tế cần sự cải cách mạnh mẽ và sâu sắc, nhưng “gần như chẳng có gì được thực hiện tính cho tới thời điểm này”.
“Đây là một cuộc khủng hoảng niềm tin”, ông Doanh cho biết thêm. “Năm nào chính phủ cũng hứa hẹn mọi việc sẽ khởi sắc, nhưng người dân vẫn chưa thấy được điều đó”.
Trung tâm của cuộc tranh cãi chính trị này chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã ngồi vào chiếc ghế này từ năm 2006. Phong cách táo bạo cùng với chương trình đầy tham vọng dành cho nền kinh tế của ông đã giúp ông có được sự ủng hộ lúc đầu bởi vì ông đã phá vỡ khuôn mặt trì trệ nặng nề của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng ông đã gây mất lòng của rất nhiều thành viên trong Đảng vì ông giải tán một ban cố vấn đã từng là lực lượng lãnh đạo đứng sau cuộc đại cải cách (và ban này bao gồm ông Tương – học giả lý luận Marx, cũng như nhiều đảng viên kỳ cựu khác).
Quan trọng hơn nữa, chính sách thương hiệu của ông Dũng, bước đi đầy mạnh mẽ và quyết đoán của ông nhằm xây dựng những tập đoàn kinh tế nhà nước cùng với các tập đoàn tư nhân theo kiểu nhân Hàn Quốc đã phản tác dụng.
Được điều hành bởi những người có quan hệ chặt chẽ trong hệ thống Đảng Cộng sản, các tập đoàn này phát triển mạnh ra nhiều lĩnh vực kinh doanh khác mà họ không hề có đủ khả năng quản lý – theo lời của các nhà kinh tế học, và nhiều trong các doanh nghiệp đó còn đầu cơ sang thị trường cổ phiếu và nhà đất. Hai trong số những tập đoàn nhà nước lớn nhất này đã gần như sụp đổ hoàn toàn và giờ đây đứng trước nguy cơ phá sản.
Ông Tương cho biết căng thẳng trong nội bộ Đảng đã được đẩy lên cao từ khi nền kinh tế gặp vấn đề.
Vào tháng Hai vừa qua, ông đã giúp viết một lá thư mở gửi tới Tổng Bí thư [Đảng Cộng sản Việt Nam] Nguyễn Phú Trọng, kêu gọi thay đổi Hiến pháp nhằm “đảm bảo quyền lực thật sự thuộc về nhân dân”. Nhưng cho đến nay ông vẫn chưa nhận được hồi âm.
Ông Tương còn cho biết ông đã rất hào hứng thúc đẩy việc thay đổi từ ngày đầu tiên ông làm cố vấn cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã làm thành công cải cách nền kinh tế vào thập niên 1990.
Nhưng ngày nay, ông cảm thấy có một gánh nặng về thời gian. Hiện ông đang lâm bệnh ung thư và tình hình có vẻ đang thuyên giảm, và ông cho hay căn bệnh này đã giúp ông nói lên những gì ông chất chứa trong lòng bấy lâu nay, những sự thật mà người dân chưa được biết.
“Về cơ bản, Marx là một nhà tư tưởng lớn,” ông cho biết. “Nhưng nếu chúng ta chưa hề có Marx trên đời này thì mọi thứ có thể đã tốt hơn rất nhiều”.
Nguồn: Thomas FullerThe New York Times
* Bài dịch do CTV Phía Trước chuyển đổi tựa đề từ bài ‘Những lúc khó khăn cũng là lúc bất đồng và trấn áp công khai nở rộ ở Việt Nam’.
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC