‘Chính sách, chủ trương do Nhà nước đưa ra, nhưng tình hình kinh tế khó khăn kéo dài nhiều năm là do đâu, vì ai? Sự lắng nghe của Chính phủ ra sao đối với hội đồng tư vấn, chuyên gia? Tôi thấy băn khoăn về giải pháp. Tình hình cứ lặp đi, lặp lại, rõ ràng không ổn’.
Đại biểu QH Đinh Thị Quyết Tâm bày tỏ sự bức xúc tại buổi họp tổ Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; Việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013, ngày 22/5.
Có lẽ được đánh giá cao hơn cả về sự nhiệt tình, sôi nổi trong các buổi thảo luận vẫn là đoàn TP Hồ Chí Minh. Gương mặt quen thuộc vẫn là ĐB Trần Du Lịch.
Trách nhiệm của Quốc hội và cả hệ thống chính trị
‘Trách nhiệm của Quốc hội và cả hệ thống chính trị là không để kinh tế tiếp tục trì trệ, để hệ lụy dài trong tương lai’ – ĐB Trần Du Lịch |
ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn: ‘Trách nhiệm của Quốc hội và cả hệ thống chính trị là không để kinh tế tiếp tục trì trệ, để hệ lụy kéo dài trong tương lai’.
Ông Lịch mở đầu cho ý kiến của mình bằng những nỗi lo về nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn trì trệ nghiêm trọng.
‘Trước đây, kinh tế tăng trưởng dựa trên 4 trụ cột, nhưng sang năm 2012-2013, kinh tế duy trì tăng trưởng, xuất khẩu lại chỉ dựa chủ yếu vào doanh nghiệp FDI là rất đáng ngại. Sự suy giảm sức cạnh tranh của DNNN, DNTN là rất đáng sợ’, ông Lịch nói.
Ông Lịch khẳng khái: ‘Để nền kinh tế rơi vào trì trệ thì phải tính toán kỹ. Không nên để kinh tế trong nước tiếp tục trì trệ, suy giảm như hiện nay. Để làm được phải có chính sách tiền tệ tốt. Với việc kéo giảm lãi suất cho vay nhưng DN vẫn thờ ơ, như vậy dư địa trong chính sách tiền tệ không còn nhiều. Do vậy phải tính lại và phải hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tháo gỡ tín dụng để đạt được dư nợ 12% bằng các chính sách linh hoạt’.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm nói thẳng: ‘Báo cáo của Chính phủ về hạn chế vẫn vậy, nhưng tình hình khó khăn hơn rất nhiều, nhất là thu ngân sách. Ngay cả TPHCM cũng vậy nhưng báo cáo của Chính phủ không nêu rõ nguyên nhân của hạn chế và trách nhiệm cụ thể cũng không chỉ rõ địa chỉ.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm khen: ‘Báo cáo câu chữ không thiếu chỗ nào nhưng lại không đưa ra được giải pháp |
Báo cáo của Chính phủ không khắc họa rõ vai trò, chính sách không ổn định, nhất quán, dẫn đến được mùa, mất giá và năm nào cũng lặp đi lặp lại trong báo cáo. Câu hỏi là giải pháp, chính sách có hợp lý chưa? Quốc hội phải có áp lực với Chính phủ để tạo chuyển biến.
Mọi lĩnh vực của Nhà nước từ chăn nuôi, thủy sản, lúa, cứ loay hoay trong khó khăn và cuối cùng dồn vào người nông dân. Báo cáo như vậy là không ổn, cần phải đưa ra được vì sao và có giải pháp cho nó. Báo cáo câu chữ không thiếu chỗ nào nhưng lại không đưa ra được giải pháp’.
‘Chính sách, chủ trương do Nhà nước đưa ra nhưng tình hình kéo dài nhiều năm là do đâu, vì ai? Sự lắng nghe của Chính phủ ra sao đối với hội đồng tư vấn, chuyên gia? Tôi thấy băn khoăn về giải pháp, thật sự chưa yên tâm. Tình hình cứ lặp đi, lặp lại, rõ ràng là không ổn’, bà Tâm bộc bạch.
Bình yên quá, trong khi tiếp xúc cử tri thấy náo động
ĐB Võ Thị Dung bày tỏ ý kiến đầy cảm xúc: Báo cáo của Chính phủ thấy bình yên quá, trong khi tiếp xúc cử tri thấy náo động. Cử tri chia sẻ với tình hình khó khăn, nhưng nhân dân không đồng tình với cách điều hành của Chính phủ, nhất là các thiếu sót, chưa nhận rõ trách nhiệm, gây bức xúc trong nhân dân.
Qua hành xử, bộ ngành không chỉ ban hành văn bản không khả thi mà đây còn là vấn đề trách nhiệm đối với dân – ĐBQH Võ Thị Dung |
‘Qua hành xử, bộ ngành không chỉ ban hành văn bản không khả thi mà đây còn là vấn đề trách nhiệm đối với dân. Rất ngẫu hứng, bất cập rồi loay hoay bổ sung, làm mềm đi chứ không nhận thấy rõ sự thiếu trách nhiệm khi làm dân chán nản, hoang mang’, bà Dung nói.
ĐB Dung cũng chỉ rõ một số lĩnh vực người dân đặc biệt quan tâm là việc làm, người lao động, giáo dục, y tế, an toàn, tệ nạn xã hội, nhất là tham nhũng… lúc nào trong báo cáo cũng nêu có hạn chế, chưa được đẩy lùi. ‘Tiếp xúc cử tri thấy xấu hổ vì lúc nào cũng lặp đi lặp lại một câu. Chính phủ phải thay đổi” – bà Dung bày tỏ.
ĐB Dung cũng nói thẳng hiện trạng rất đau lòng từ đạo đức xã hội, tội phạm nhưng chưa thấy nơi nào đề cập giải pháp cụ thể, thậm chí báo cáo của Chính phủ còn không đề cập đến chuyện này.
‘Phải làm để đội ngũ công chức thực sự là công bộc của dân, tuân thủ đạo đức công vụ. Nên công bố minh bạch cho người dân cả nước biết nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc Nhà nước đến mức độ nào và lộ trình giảm dần. Rồi khuyết điểm đầu tư dàn trải, Chính phủ phải có lộ trình và báo cáo rõ ràng’, bà Dung nói.
Đề nghị có chất vấn về vàngĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh nhận định, báo cáo của Chính phủ nói thị trường vàng được quản lý tốt hơn, nhưng báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách lại khác, là chưa rõ nghĩa. Vậy cơ chế mới là cơ chế gì, phải chăng là cơ chế độc quyền. Vấn đề ổn định tỷ giá là do cơ chế mới hay do tình hình kinh tế đất nước quyết định vì tiền đâu mà mua vàng. Hay cơ chế mới tạo ra sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới làm nhân dân rất phản ứng. Tại kỳ họp thứ 4, giải trình của Thống đốc có vẻ hợp lý nhưng kết quả đến nay thì không phải như vậy. Và người dân chịu thiệt nhiều hơn. Bất bình của người dân về quản lý vàng chưa thấy được giải đáp. Cần xem xét lại chính sách tạm xuất tái nhập vàng thì DN nào được cấp quota và dân thắc mắc. Tạm xuất tái nhập vì để nước ngoài kiểm định vàng, vậy trong thời gian ngắn huy động được lượng vàng hơn 10 tấn có khả năng không, đặt ra nghi ngờ không tạm xuất mà có nhập. Rất tiếc trong kỳ họp này chưa có kết luận của TTCP về thanh tra vàng. Đề nghị có chất vấn về vàng. ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy: Nghị định 24/CP không quy định thương hiệu vàng quốc gia nhưng NHNN lại thực hiện việc này là sao? Đúng là NHNN như là đi buôn vàng chứ không phải là quản lý vàng và bất lợi về người dân và Nhà nước là rất lớn. NHNN phải công khai việc nhập vàng từ thời điểm, số lượng. Sẽ gửi chất vấn Thống đốc về ngoại hối, vàng. |
Theo Đất Việt