1. Chính trị là để phục vụ kinh tế:
Khi bàn luận về khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhiều người ủng hộ đảng, ủng hộ chính quyền thường hay biện luận “ở đâu mà không có khủng hoảng, Mỹ đang suy thoái, châu u ngập đầu nợ công, Hy lạp , Tây Ban Nha,…bạo loạn,….Nước giàu mạnh còn vậy huống chi Việt Nam. Việt Nam hiện nay khủng hoảng là cũng do ảnh hưởng của tình hình chung trên thế giới. Đảng, nhà nước chèo chống được như vậy là giỏi rồi. Kinh tế như hình sin, lên rồi xuống, xuống rồi lên, lo gì. Hãy tin vào lãnh đạo của Đảng. Rồi kinh tế sẽ khởi sắc.
Lối biện luận như vậy nhằm mục đích duy nhất là lấp liếm những sai lầm to lớn của lãnh đạo, muốn giữ vững thể chế chính trị và cũng là giữ nồi cơm cho họ. Rõ ràng, họ không hiểu hết mối quan hệ giữu chính trị và kinh tế. Suy cho cùng chính trị sinh ra là để phục vụ cho hoạt động kinh tế. Chính trị như hệ điều hành trong máy tính. Một khi kinh tế bị khủng hoảng tức là hệ điều hành tồi, bị lỗi. Nếu chịu khó quan sát ta sẽ thấy, tất cả các nước khi có khủng hoảng kinh tế là chính phủ sụp đổ. Một chính phủ mới được dân cử lên. Sụp càng sớm thì kinh tế càng phục hồi nhanh, càng lâu càng trầm trọng vấn đề, có khi còn bạo động. Tại sao như vậy?
Khi kinh tế khủng hoảng hoặc là do nguyên nhân sai lầm hoặc bị lũng đoạn. Con người thường tự ái, hoặc ngu dốt nên khó mà tự nhận mình sai lầm, do vậy người sai lầm cần ra đi để người mới lên khắc phục. Nếu kinh tế bị lũng đoạn thì chính phủ càng nên bị thay thế. Một chính phủ mà một nhóm nhỏ lũng đoạn làm kinh tế suy sụp thì tự nó không thể khắc phục được. Nhóm đó sẽ cố bu bám để giữ quyền lợi mình đến cùng, như vậy sẽ ngăn cản cải cách hoặc cải cách đủ để mình không bị thiệt. Việc này giống như bệnh nhân không thể tự cầm dao mổ chính mình.
Hy vọng những ai còn muốn bảo vệ sự “ổn định” chính trị để khắc phục khủng hoảng sẽ thấy được đằng sau sự ổn định là cái gì?
2. Hệ thống đúng của xã hội loài người:
Trong khuôn khổ một bài viết ngắn không đủ để lập luận nhằm chỉ ra hệ thống đúng của xã hội là gì. Và đồng thời bác bỏ những lối ngụy biện để bảo vệ một hệ thống sai. Phần lớn ngụy biện đến từ những người ủng hộ hệ thống sai để hưởng lợi.
Chúng ta đồng ý với nhau một điều là trong xã hội loài người cần có sự cạnh tranh mới có sự đổi mới, sáng tạo và phát triển.
Nền kinh tế tư nhân hay nhà nước bảo đảm yếu tố này? Rõ ràng chỉ có nền kinh tế tư nhân mới bảo đảm các yếu tố trên. Các siêu phẩm như Iphone, Boeing, Lexus, facebook,….đều được sáng tạo bỡi nền kinh tế tư nhân. Không một doanh nghiệp nhà nước nào có sáng tạo ra hồn, nếu có thì cũng là sự lên gân thành tích và vô cùng tốn kém, không bền vững.
Nền chính trị nào bảo đảm tính cạnh tranh? Rõ ràng từ đông sang tây, không một nền chính trị độc tôn nào bảo đảm được tính cạnh tranh. Đến thượng đế cũng phải bó tay trước công việc là làm thế nào một cửa hàng duy nhất tại thị trấn có tính cạnh tranh. Do vậy cố đi làm cho một đối tượng duy nhất cạnh tranh hoặc là ngây thơ hoặc là lừa bịp.
Nhiều ý kiến sẽ cho rằng cạnh tranh có hai mặt: tốt là giúp phát triển, xấu là phá hoại nhau. Đồng ý. Do vậy để cạnh tranh hướng đến tốt cần có một nền luật pháp nghiêm, minh bạch. Cạnh tranh trong tối là đâm nhau, cạnh tranh ngoài sáng là đua nhau.
Nhiều người cho rằng con người khác con vật, nơi mạnh được yếu thua. Đồng ý. Do vậy xã hội cần có các chính sách nhân đạo. Làm sao vừa nhân đạo, vừa bảo đảm cạnh tranh? Xã hội qui định một mức sống tối thiểu, ai không may mắn rơi xuống mức đó thì nhà nước phát chi phiếu trợ cấp. Tất cả những ai được hưởng chi phiếu hỗ trợ đều phải minh bạch tránh lạm dụng, ỷ lại. Cách này vừa bảo đảm tính nhân văn trong xã hội loài người, vừa tránh dùng giải pháp doanh nghiệp nhà nước phá hủy cạnh tranh, nuôi dưỡng tham nhũng, mảnh đất tốt cho hoa hồng nở rộ.
Vậy một hệ thống đúng để loài người hưởng hạnh phúc là: kinh tế tư nhân; chính trị cạnh tranh; luật lệ minh bạch, nghiêm và một chế độ phúc lợi bằng chi phiếu cho nhóm nghèo.
3. Bài học từ nước Nga:
Một quan chức nước Nga đã đau xót khi thốt lên: “đầu thế kỷ 20, nước Nga và thế giới đi trên một đoàn tàu, tuy không là toa đầu nhưng cũng là những khoang hạng nhất. Nước Nga đã tự tin tách khỏi đoàn tàu để mở lối đi riêng. Ngày nay nước Nga buộc phải quay lại đoàn tàu và đứng hàng những toa áp chót”. Nước Nga của Lenin và Maxim Gorki đã vận hành một hệ thống sai: chính trị không cạnh tranh; kinh tế nhà nước; luật lệ tù mù; phúc lợi mị dân, lũng đoạn.
Không một chiếc máy bay nào bay tốt, không rơi khi không hoạt động đúng qui luật. Nước Nga năm 1990 của Gorbachov và Boris Yeltsin bị rơi là tất yếu.
Máy bay rơi thì hậu quả rất thảm khốc, nền kinh tế sụp đổ bi thảm không kém. Hàng đoàn người rồng rắn xếp hàng mua bánh mì mốc mà không có là thảm cảnh dân Nga phải gánh chịu. Nước Nga bao la, tài nguyên phong phú, con người thông minh quả cảm nhưng đã cùng nhau xây nên một chiếc máy bay tồi thì phải chịu hậu quả.
Nước Nga dưới sự lãnh đạo của tổng thống quả cảm Yeltsin lao vào khắc phục vấn đề. Và người ta đã làm gì? Xây dựng thiết chế chính trị dân chủ, tự do kèm theo bán đổ tài sản quốc doanh.
Tình hình hiện nay, ở nước Nga, nền kinh tế tư nhân, có. Có cạnh tranh không? Rất ít. Vì sao vậy? Vì một nhóm nhỏ đã thao túng phần lớn nguồn lực kinh tế từ dầu mỏ, hàng không, khai khoáng, báo chí,….Những trùm tài phiệt này bắt tay với chính quyền để lũng đoạn hơn là cạnh tranh. Tình hình kinh tế còn bi thảm hơn thời Xô Viết. Dưới thời tổng thống Yeltsin, vì quá khó khăn nên nhiều người đã hoài cổ về thời vàng son Xô Viết, cho ông là tội đồ phá hoại đất nước.
Putin lên có sửa lại bằng cách đánh các nhóm tài phiệu không theo phe cánh, quốc hữu hóa các công ty và ủng hộ một số tên trùm mới. Putin có khắc phục một số lỗi nhưng lại tạo ra lỗi hệ thống nghiêm trọng hơn.
Lỗi kinh tế sẽ tất yếu tác động đến chính trị, do vậy dù được bầu cử tự do nhưng cặp đôi Putin, Medvedev như hai diễn viên duy nhất trên sân khấu chính trị. Bản hiến pháp dân chủ như tên hề câm lặng, không có một chút sức mạnh chính trị.
Bi kịch của dân Nga là không thấy hoặc không đủ sức đưa đất nước vào hệ thống đúng dứt khoát. Quá trình sửa chữa là chắp vá với chằng chịt lợi ích phe nhóm.
4. Bài học từ Ba Lan:
Tình hình Ba lan hoàn toàn giống nước Nga vào những năm 1990. Nhân dân Ba lan dưới sự lãnh đạo của công đoàn đoàn kết, đứng đầu là Lech Walesa đã sửa lỗi hệ thống dứt điểm. Thay vì tư nhân hóa bán rẻ, bị đầu sỏ thâu tóm, người Ba lan đã tư nhân hóa một cách khôn ngoan là cấp phát chi phiếu (chủ sở hữu trả nợ cho nhà nước dần dần) sở hữu doanh nghiệp nhà nước cho công chúng. Quá trình tư nhân hóa được tiến hành minh bạch. Dù không có vốn để mua tài sản nhà nước nhưng mọi người vẫn có phần, suy cho cùng tài sản nhà nước là công sức của toàn dân. Đi đôi quá trình này là việc xử lý hàng trăm mối lợi ích chằng chịt nhau giữa người dân cũng như giới hưởng lợi cũ.
Ba lan đã thành công trong việc chuyển đổi hệ thống, đã xây dựng được nền kinh tế tư nhân năng động, nền chính trị cạnh tranh, nền luật pháp ổn định, nghiêm minh. Hiện nay Ba lan là một nước giàu có với nền phúc lợi rất tốt.
5. Việt Nam giữa ngã ba đường:
Hiện nay, Việt Nam đang đứng giữa nga ba đường, đó là sự thay thế một hệ thống bị lỗi nghiêm trọng để chuyển sang một hệ thống mới tốt hơn. Có rất nhiều phiên bản cho Việt Nam lựa chọn. Chi phí và giá trị phiên bản luôn đi đôi với nhau. Liệu người Việt Nam có đủ khôn ngoan để cùng nhau lựa chọn một phiên bản tốt nhất với giá thấp nhất?
Suy cho cùng, phiên bản tốt nhất sẽ mang lại lợi ích cho tất cả nhưng động lực quyền lợi và trí tuệ lại là thế lực cuối cùng quyết định.
Bài viết thể hiện chính kiến của tác giả trước thời cuộc, mong nhận được sự quan tâm bàn luận.