ĐẤT VIỆT - 30/09/2013 (Quan hệ quốc tế) – Vấn đề Biển Đông được chính quyền Philippines khẳng định nước này và Mỹ sẽ không né tránh với Trung Quốc, Việt Nam cũng kêu gọi nhìn nhận thẳng thắn về vấn đề Biển Đông. Còn Trung Quốc, họ đang nghĩ gì?
Mỹ - Philippines: nhìn thẳng vào sự thật
Tờ Inquirer (Philippines) đưa tin trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền thanh, Ricky Carandang, Trưởng nhóm phát triển thông tin liên lạc và lập kế hoạch chiến lược của Tổng thống Philippines, cho biết hai Tổng thống Aquino và Obama sẽ thảo luận sâu về hợp tác quốc phòng, đặc biệt về vấn đề cho phép quân đội Mỹ “hiện diện luân phiên” tại nước này.
Dự kiến cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Philippines sẽ diễn ra vào ngày 11/10 hoặc 12/10.
Ông Carandang cũng nhấn mạnh hai nước sẽ tiếp tục đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền và những hành động bành trướng của Trung Quốc ra để bàn luận.
“Tôi nghĩ chúng tôi không thể không đề cập tới vấn đề này (tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc) bởi lẽ đây là một phần lí do khiến chúng ta phải tăng cường an ninh hàng hải. Đây là một trong những vấn đề lớn nhất không chỉ Philippines mà cả Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Nhật Bản đều quan ngại”.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị ASEAN tại Bali, Indonesia năm 2011. |
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp với những người đồng cấp ASEAN tại New York hôm 27/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhắc lại quan điểm không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông.
Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ đã hối thúc Trung Quốc và các quốc gia láng giềng châu Á cần giải quyết những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nhanh nhất có thể. Đặc biệt, Ông Kerry cũng yêu cầu Trung Quốc khẩn trương đàm phán COC với ASEAN vì an ninh khu vực.
Người Mỹ đã chứng tỏ họ nhìn nhận được sự quan trọng của vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông, và họ sẵn sàng tham gia một cách công khai, không né tránh tiến trình mang lại sự ổn định cho vùng biển này. Có thể, nước Mỹ có những lợi ích quan trọng về chiến lược “chuyển trục” khi tham gia vào vấn đề Biển Đông, nhưng trên hết, họ khách quan và minh bạch quan điểm của mình.
Việt Nam nhìn nhận thẳng thắn vấn đề
Từ trước đến nay, Việt Nam luôn tỏ ra là một quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng các bên và giữ vững lập trường giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa bình, đàm phán.
Từ việc nhất quán tư tưởng và phương châm hành động, Việt Nam ngày càng khẳng định được uy tín và trách nhiệm của mình trên trường quốc tế. Tiếng nói của Việt Nam có tiếng vang, đặc biệt về vấn đề Biển Đông.
Ngày 27/9, phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn đưa ra quan điểm: "Việt Nam trước sau như một nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình đồng thời vì lợi ích chung, phù hợp với luật pháp quốc tế".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam muốn giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình |
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhịn nhận thẳng thắn vấn đề: “Biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn chưa lặng sóng vì những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Chỉ cần một hành vi thiếu trách nhiệm sẽ có thể dẫn tới xung đột, thậm chí dẫn tới chiến tranh".
"Tôi xin nhấn mạnh lại rằng, là một quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982.
Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi ASEAN và Trung Quốc cùng nhau thực tâm, chân thành thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực xây dựng COC. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau chung tay xây dựng lòng tin chiến lược, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung". Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi.
Có thể thấy Việt Nam, cũng như tất cả các nước thành viên khối ASEAN đều có chung một mong ước. Không chỉ dừng lại ở khu vực, mong ước của Việt Nam đã được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có tiếng nói đồng tình của rất nhiều nước lớn.
Trung Quốc có dám nhìn thẳng vào sự thật?
Đáp lại những lời kêu gọi hòa bình và đàm phán của ASEAN, của Mỹ, của Nhật Bản, Trung Quốc đã có những hành động gì?
Tại cuộc họp báo hằng tháng, ngày 27/9, đề cập đến cuộc tập trận chung gần đây giữa Mỹ và Philippines trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh khuyến cáo các các quốc gia trong khu vực không nên hành động tùy tiện, thiếu thận trọng dựa vào sự hỗ trợ của các thế lực bên ngoài khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp gỡ các ngoại trưởng ASEAN tại New York |
“Hòa bình, ổn định và thịnh vượng là nguyện vọng của nhân dân trong khu vực và cần phải được tất cả các bên liên quan gìn giữ, duy trì”, ông Cảnh cho hay.
Bên cạnh đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng nhấn mạnh: “Các nước bên ngoài khu vực nên có nhiều hành động ủng hộ hòa bình và ổn định hơn, chứ không nên gieo rắc bất đồng”.
Như vậy, Trung Quốc đã dùng cách “đánh tráo khái niệm” để né tránh vấn đề Biển Đông. Nước này chụp mũ những động thái kêu gọi đàm phán của Philippines hay bất cứ quốc gia nào có tranh chấp là gây rối và làm phức tạp vấn đề. Mọi hợp tác song phương giữa các nước đều bị Trung Quốc áp đặt là “thiết lập liên minh, chống lại Trung Quốc”.
Và từ đó khẳng định mọi hành động tăng cường sức mạnh quân sự của nước này là cần thiết để đối phó với những nguy cơ từ bên ngoài.
Thậm chí, không ít học giả đeo hàm tướng tá như Đỗ Văn Long của Trung Quốc khẳng định quân đội Trung Quốc sẵn sàng cho những cuộc tấn công phủ đầu để bảo đảm quyền lợi.
Trung Quốc đã thẳng thắn vấn đề Biển Đông nhưng thẳng thắn theo cách nghĩ của họ, và cách nghĩ này không đồng nhất với cộng đồng quốc tế và luật pháp thế giới, lương tri nhân loại.
Minh Tú