THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 December 2013

Giật mình với nhập siêu từ Trung Quốc: Nhanh, nhiều, rẻ

10/12/2013 03:35 (GMT + 7)
TT - Ở lĩnh vực nông nghiệp, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã xâm lấn ồ ạt đến mức nền nông nghiệp vốn là thế mạnh ở VN nhưng hiện nay không chỉ nhập khẩu các loại trái cây, rau củ mà cả nguyên vật liệu, tư liệu đầu vào như máy gặt, lúa giống... cũng lệ thuộc vào Trung Quốc.

Trái cây Trung Quốc bày bán ê hề tại chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: D.Tuấn

Mặc cho chất lượng phập phù, có độc hại, rau củ quả và trái cây Trung Quốc vẫn ồ ạt về chợ đầu mối và tràn lan chợ lẻ.
Hàng về phục vụ tết
Hơn 1g sáng một ngày đầu tháng 12-2013, chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) chưa nhộn nhịp người mua nhưng bên trong các sạp, những thùng xốp quýt, hồng giòn, táo, lê bắt đầu được bưng ra. Bên ngoài những thùng loại này dán chi chít các nhãn bằng tiếng Trung Quốc rất dễ nhận biết.
“Mỗi container đổ ít nhất mỗi sạp 100-300 thùng, có sạp tới 1.000 thùng, cứ thế mà bán, đến sáng là hết” - chị Ngọc, chủ một sạp, khẳng định. Mỗi thùng trái cây loại này có trọng lượng khoảng 8kg. Với mặt hàng này, theo các tiểu thương, có thể đã trữ lạnh khoảng vài tháng vẫn đưa về VN.
Rảo một vòng quanh chợ đầu mối Thủ Đức (tp.hcm), không khí hối hả vận chuyển, dỡ hàng diễn ra tại rất nhiều sạp. Hiện quýt Trung Quốc về các chợ đầu mối giá dao động từ 115.000-150.000 đồng/thùng, hồng giòn từ 200.000-260.000 đồng/thùng, cam chỉ dao động từ 160.000-170.000 đồng/thùng. Với mức giá này, bình quân mỗi ký quýt chỉ ở mức 13.000 đồng/kg, mức giá rất rẻ so với hàng trong nước khoảng 18.000-20.000 đồng/kg.
Cũng theo các tiểu thương, thời điểm này trái cây Trung Quốc đã tràn về nhiều tỉnh miền Tây. “Trước đây, các vựa ở tỉnh vẫn lên chợ đầu mối lấy hàng, nhưng giờ thì xe container chở xuống tận nơi, giá rẻ lại không tốn công vận chuyển. Hàng đã tập kết về chợ đầu mối chủ yếu tiêu thụ ở TP” - chị Ngọc cho biết.
Các vựa cho biết thời điểm này bắt đầu rộ thu hoạch các mặt hàng này từ Trung Quốc, đồng thời từ giờ đến tết lượng hàng rau, củ trữ lạnh về chợ sẽ tăng dần như mọi năm.
Giá nhập khẩu giảm 50%
Sau khi lượng nhập rau quả từ Trung Quốc đã chựng lại, thậm chí giảm trong một số thời điểm ở quý 2-2013, thời gian gần đây nhập khẩu các loại rau củ quả từ Trung Quốc có xu hướng tăng liên tục. Ông Cường, một đầu mối nhập khẩu và kinh doanh nông sản ở chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết thời gian gần đây cà rốt, bí đỏ, bắp cải Trung Quốc được nhập về nhiều hơn vì giá giảm. Nếu như khoảng tháng 5-2013, giá cà rốt nhập khẩu
khoảng 3.800 đồng/kg thì tháng 10-2013 giá nhập chỉ còn 2.500 đồng/kg. Tương tự, các thương lái Trung Quốc chào giá bí đỏ chỉ khoảng 1.200 đồng/kg, trong khi vài tháng trước giá khoảng 1.400-1.500 đồng/kg. Giá bắp cải nhập khẩu hiện cũng giảm tới 48,5% so với hồi đầu năm, chỉ còn 1.700 đồng/kg. “Giá nhập khẩu giảm nhiều trong khi thị trường lại không giảm, thậm chí còn tăng theo xu hướng chung của giá rau củ quả trong nước khiến người kinh doanh cũng kiếm thêm được chút lời” - ông Cường cho hay.
Thực tế, trong khi giá rau củ quả trong nước và nhập khẩu từ một số thị trường như Thái Lan, Mỹ, New Zealand tăng mạnh trong khoảng quý 3-2013 thì giá nông sản Trung Quốc chỉ giảm hoặc đứng yên. Đây là lợi thế khiến hàng Trung Quốc tái chiếm thị trường. Bà Thanh Huyền, ngụ Q.12, cho biết tháng 6-2013 nhiều lần đi siêu thị, cửa hàng nông sản mua một loại táo đỏ của Mỹ giá khoảng 49.000 đồng/kg. Nay loại này đã tăng đến 59.000 đồng/kg. Giá tăng quá nhiều khiến bà Huyền không dám mua loại táo này thường xuyên mà phải thay bằng những loại trái cây khác.
Không chỉ nhập nông sản tươi sống từ Trung Quốc, doanh nghiệp VN còn nhập nông sản đông lạnh, rau khô.
Diễn biến kim ngạch nhập khẩu rau củ quả
Thời điểm
Kim ngạch (triệu USD)
Tháng 8-2013
15,8
Tháng 9-2013
17,5
Tháng 10-2013
18,33
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Chi hàng trăm triệu nhập phân bón

Không chỉ nhập rau củ quả, lĩnh vực nông nghiệp còn ngày càng phụ thuộc nhiều vào nguồn tư liệu nhập từ Trung Quốc, từ các loại nguyên liệu vật tư đầu vào như giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc...
Theo Cục Trồng trọt, VN có khoảng 700.000ha trồng lúa lai (chủ yếu ở miền Bắc và Bắc Trung bộ) nhưng nguồn giống lúa lai lại chủ yếu nhập của Trung Quốc (chiếm khoảng 60-70% diện tích). Mỗi năm VN chi khoảng 40 triệu USD để nhập khẩu 13.000-15.000 tấn lúa giống từ Trung Quốc, tương đương với xuất khẩu 100.000 tấn gạo cao cấp (5% tấm). VN có hơn 100 công ty, đơn vị đăng ký sản xuất lúa lai nhưng phần lớn các đơn vị này lại làm chức năng thương mại, tức là mua giống lúa từ Trung Quốc về bán cho nông dân.
Dù Bộ Công thương khẳng định năm 2013 VN chủ động được nguồn phân urê và giảm nhập khẩu các loại phân bón khác nhưng thực tế đang chứng minh ngược lại. Mỗi năm, VN lại nhập khẩu nhiều hơn các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, trong đó phần lớn từ Trung Quốc.
Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc mười tháng đầu năm nay đạt trên 2 triệu tấn với kim ngạch 703,4 triệu USD. Như vậy, nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc tăng khoảng 300.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái và nước này vẫn chiếm khoảng 50% tổng lượng phân bón nhập khẩu của VN. Tương tự, thuốc bảo vệ thực vật nhập từ Trung Quốc cũng chiếm tới 50% tổng lượng nhập của VN hằng năm.
TS Lê Văn Bảnh - viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL - cho biết hiện trên thị trường máy gặt đập liên hợp ngoài máy của Nhật Bản có chất lượng vượt trội và giá đắt thì sản phẩm của VN và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, máy của VN cũng chủ yếu là lắp ráp, trong đó có nhiều bộ phận phải nhập khẩu từ Trung Quốc do ngành cơ khí của VN chưa sản xuất được.
T.MẠNH - B.HOÀN - D.TUẤN
Hàng lậu bán qua truyền hình
Những sản phẩm nhập lậu thay vì buôn bán lén lút nay được một số công ty công khai kinh doanh qua các kênh truyền hình. Bằng phương thức quảng cáo hấp dẫn, sản phẩm sau khi tạo được lòng tin từ các kênh truyền thông đã đẩy giá lên cao gấp chục lần giá thực. Cụ thể, mới đây Đội quản lý thị trường 4A kiểm tra Công ty TNHH một thành viên thương mại dịch vụ Vạn Gia Hảo (Q.8, TP.HCM) và điểm chứa hàng của công ty này, phát hiện gần 400 sản phẩm máy matxa, điện thoại không hóa đơn chứng từ. Công ty Vạn Gia Hảo thực hiện quảng bá sản phẩm, bán hàng qua hàng loạt kênh truyền hình.
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, hàng hóa nhập lậu có xuất xứ từ Trung Quốc không thiếu bất cứ mặt hàng nào. Sản phẩm nhập lậu từ đũa tre, bột ngọt, đồ gia dụng đến các loại mỹ phẩm, vải vóc, vật liệu xây dựng, hóa chất, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em...
Chỉ trong quý 3-2013, hơn 300.000 sản phẩm đủ loại chủ yếu nhập lậu từ Trung Quốc tuồn vào TP tiêu thụ bị thu giữ. Những mặt hàng nhập lậu phổ biến, bị kiểm tra thu giữ với số lượng lớn bao gồm các loại đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm. Hai mặt hàng này không những chiếm số lượng lớn mà luôn tiềm ẩn những nguy hại cho sức khỏe. Tính đến thời điểm này, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra gần 50 vụ buôn bán đồ chơi trẻ em và thu giữ trên 20.000 sản phẩm nhập lậu, không hóa đơn chứng từ, không kiểm định chất lượng, xuất xứ Trung Quốc.
LÊ SƠN