07/12/2013 14:10
Bước ra đường là chúng ta nhìn thấy những hình ảnh chướng tai gai mắt: chạy xe không mũ bảo hiểm, rú ga, đánh võng, lạng lách, giành đường, lấn tuyến, chạy lên vỉa hè, vượt quá tốc độ, bấm còi inh ỏi…, chen chúc cạnh nhau khi chờ tín hiệu giao thông và không tắt máy để cùng hít khói độc.
20 năm trở lại đây, lượng xe máy lưu hành ở các thành phố lớn tăng vọt - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Trên một tờ báo phía trời Tây, The Guardian, ký giả Abigail Haworth nhìn qua cửa kính xe hơi hạng sang và mô tả về dòng xe máy tại Sài Gòn như sau: “ … motorcycles buzz past like flies outside the tinted windows.” (Tạm dịch: “ … hàng đoàn xe máy phía ngoài vù vù lướt qua như bầy ruồi nhặng…”).
So sánh thật đau lòng và chắc chắn đã khiến không ít người Việt suy tư. Xe máy ở Sài Gòn và Hà Nội đã phát triển thiếu tổ chức như lũ côn trùng vô tri vô giác và bẩn thỉu, không còn hy vọng cải thiện ư?
Hai mươi năm trở lại đây, lượng xe máy lưu hành ở các thành phố lớn tăng vọt, cái hay cái dở của “văn minh xe máy” đã được đề cặp nhiều, xin phép không dẫn lại. Bài viết này chỉ đóng khung vài nét nhỏ trong muôn hình vạn trạng các hành vi vi phạm luật giao thông và bế tắc trong chế tài của pháp luật giữa rừng xe máy ở một số đô thị lớn Việt Nam.
Thật vậy, luật pháp bị vô hiệu hóa vì quy mô xe máy đã vượt tầm kiểm soát của các công chức hành pháp. Cứ bước ra đường là chúng ta nhìn thấy hằng hà sa số những hình ảnh chướng tai gai mắt: Chạy xe không mũ bảo hiểm, rú ga, đánh võng, lạng lách, giành đường, lấn tuyến, chạy lên vỉa hè, vượt quá tốc độ cho phép, bấm còi inh ỏi loạn xạ, vừa chạy xe vừa dùng điện thoại cầm tay, bán rong trên xe máy, chở quá tải, cồng kềnh, quá người, chạy xe khi cộ cồn trong máu cao, dừng đậu quá vạch giới hạn nơi giao lộ, vượt đèn đỏ, chen chúc cạnh nhau khi chờ tín hiệu giao thông và không tắt máy để cùng hít khói độc (!?)…
Cảnh sát giao thông không đủ người, không đủ phương tiện và cả không gian để chế tài những vi phạm này. Nó khiến những người sử dụng xe máy càng ngày càng không tuân thủ pháp luật nặng hơn, đại trà hơn, thường xuyên hơn. Nó đặt những người luôn có ý thức pháp luật vào cảnh “không giống ai”, thậm chí bị nguyền rủa giữa đường, giữa chợ.
Luật pháp bị vô hiệu hóa vì quy mô xe máy đã vượt tầm kiểm soát của các công chức hành pháp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Một thế hệ chớm trưởng thành ở Việt Nam gắn liền với văn minh xe máy, cuối cùng chỉ sinh ra đám đông cư dân khinh nhờn pháp luật từ thơ bé, từ khi được cha mẹ long nhong chở đi khắp phố phường không nón bảo hiểm, từ khi được cô chú dạy bấm còi inh ỏi như một cách giải khuây, từ khi ông bà khuyên bảo chạy nhanh an toàn hơn chạy chậm và đừng làm gì khác người để bị gây chuyện đôi co…
Nếu tình cờ ai đó bị dừng xe, bị phạt do vi phạm luật giao thông thì đó chỉ là rủi ro, vận xui, nó có tỷ lệ cực nhỏ, xác xuất cực nhỏ. Và thế là người ta cứ ngang nhiên vi phạm luật giao thông không chút đắn đo, bất kể xuất thân, giới tính, tuổi tác và trình độ văn hóa.
Luật Giao thông gắn bó với con người từ phút đầu đến phút chót cuộc đời, một khi con người đã xem thường nó từ nhỏ, thì thử hỏi còn luật gì nữa trong một xã hội pháp quyền mà chúng ta đang hướng tới, không bị xem thường như vậy trong đời sống? Điều này sẽ dẫn đến đâu, nếu không phải là tình trạng vô pháp toàn diện, một khi xe gắn máy được để tự do tăng số lượng từng ngày.
Các bạn có nản lòng khi xem clip cướp giật hôi của trên đường mới đây không? Sự khinh nhờn pháp luật và cả nhân quả, có giống sự coi thường Luật Giao thông nhan nhản ngoài đường không? Và nó có bắt nguồn từ đó không? Tôi tin những mối liên hệ này ít nhiều tồn tại. Nó là một ví dụ cụ thể, giản dị và dễ hiểu của “hiệu ứng cánh bướm”.
|
Chúng tôi đã thấy phản ứng trái chiều của nhiều người khi báo chí gần đây đề cặp đến việc “cấm xe máy”. Thật ra nhà nước không cần cấm. Tư duy cấm cản e không còn hợp lý trong xã hội văn minh. Chỉ cần áp dụng một số chính sách điều chỉnh thích hợp để tỉ lệ xe máy dần trở về ngưỡng “an toàn” với giao thông và hạ tầng cũng như tương thích với mật độ dân cư hiện tại, giống Bangkok hay Kuala Lumpur, đã là một thành tựu đáng tự hào.
Xe máy chưa bao giờ là lựa chọn duy nhất của hệ thống giao thông, tại bất cứ quốc gia nào. Trong tương lai gần, chúng tôi hy vọng nhà chức trách sẽ sớm có những giải pháp hợp lý nhằm hạn chế xe máy. Đề mục này hoàn toàn có thể nằm trong định hướng xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền.
Có ai đã tìm hiểu xem bao nhiêu người Việt Nam đang ước mơ được đi làm bằng xe đạp, xe đạp điện? Tất nhiên là trên những cung đường ngắn khoảng chín mười cây số một ngày. Đó sẽ là thể dục, là vận động có ích, nếu môi trường xung quanh quay trở về trong sạch bằng nhiều năm về trước. Đỉnh cao nhân loại hiện nay chính là “văn minh xe đạp”. Loại trừ xe máy, phát triển xe đạp trên nền tảng giao thông công cộng được đầu tư hợp lý, chính là lộ trình đồng hành cùng loài người tiến bộ.
Một anh bạn đồng nghiệp người Nam Á, trong tập đoàn đa quốc gia nơi tôi đang làm việc, từng mô tả về thành phố quê hương anh như sau: “Đường phố như xác thối, người nhung nhúc như chuột, xe máy như ruồi, xe hơi như nhặng. Tất cả bâu vào rỉa rói, giành giật nhau từng gang tay không gian và khí trời”.
Càng thông cảm với anh, tôi - và biết đâu cả bạn nữa - càng tin tưởng rằng hình ảnh đó nhất định không phải là tương lai của Sài Gòn, Hà Nội hay bất cứ thành phố lớn nào của Việt Nam.
Nếu không tuyệt diệt được xe máy như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu thì cũng phải giới hạn ở mức độ có thể chấp nhận kiểu Bangkok hoặc Kuala Lumpur.
Trương Thái Du
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, một nhà văn tự do
sống và làm việc trái nghề tại TP.HCM>> Kẹt xe kéo dài trên quốc lộ 1
>> Kẹt xe ở nhiều trường do... áp thấp
>> Tai nạn trên cầu Phú Mỹ, kẹt xe hơn 3 giờ
>> Khu vực phà Cát Lái kẹt xe nghiêm trọng
>> Cấm xe máy ở các đô thị lớn sẽ giảm tai nạn giao thông