ĐĂNG BỞI  - 
Khi nhân viên công quyền thực thi bạo lực với người dân thì càng thể hiện nỗi bất lực trong quản lý và sự bất an về một nền pháp lý chân chính. Đáng tiếc phải nói lên sự thật, rằng ngày càng có nhiều lực lượng cấp xã, phường không khác những tay võ biền.
Không quá khó để thấy những hình ảnh thương tâm của người dân bị cán bộ “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” đến ngất xỉu, thậm chí đến chết. Nhất là trong thời đại mọi người dân đều trở thành nhà báo với rất nhiều loại phương tiện ghi âm, ghi hình.
Chiều ngày 6.12, anh Trịnh Xuân Tình, sinh năm 1979, quê Thanh Hóa bị lực lượng trật tự phường 25, quận Bình Thạnh (TP.HCM) đánh đến ngất xỉu. Đánh xong, các nhân viên này còng tay anh áp giải về trụ sở.
Nguyên nhân dẫn đến chuyện đáng thương cho thân phận tha phương của anh Tình là anh bán hàng rong trên địa bàn phường. Hành vi này luật pháp quy định mức chế tài cao nhất là xử lý hành chính.
Hồi cuối tháng 11.2013, một thanh niên khác cũng bị chết bất thường ở công xã trên tỉnh Dăk Lăk. Như nhiều cái chết khác ở trụ sở công an, người ta đều trả lời báo chí rằng cần phải khám nghiệm tử thi, tìm hiểu nguyên nhân chết rồi xử lý những người liên quan.
Đó là một cách nói rất đúng quy trình.
Mỗi đợt phường ra quân, dân nghèo dáo dát bỏ chạy. Thoát được là mừng. Nhưng quá nhiều nhà hàng, quán ăn sang trọng, shop thời trang để xe máy tràn ra vỉa hè vẫn bình yên.
Người dân bị đánh, bị chết có nhiều hoàn cảnh, nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tựu trung là thân phận nhỏ mọn, cam chịu trong thái độ dữ tợn của những người khoác lên vai chiếc áo quyền lực. Chỉ cần một thái độ tự vệ, phản kháng là “dính” ngay án chống người thi hành công vụ.
Đắng cay chấp nhận là chịu đòn, trân mình với từng vết thương.
Từ góc độ pháp luật, có thể thấy rằng nhân viên công quyền đánh dân là hành vi vi phạm pháp luật. Mà đã phạm pháp thì không thể gọi là đang thực thi công vụ. Rất tiếc không phải ai cũng biết điều đó. Càng tiếc hơn, dù có biết người dân cũng không thể, không dám phản ứng lại số đông lực lượng trật tự, công an với đầy đủ công cụ hỗ trợ và khi mà họ lại tự cho phép bản thân họ làm càn.
Sài Gòn hơn 10 triệu dân. Mỗi người đến với thành phố này với một nghề nghiệp, một cơ hội khác nhau. Địa vị xã hội được định nghĩa là chỗ đứng của mỗi người trong xã hội đó. Chỗ đứng của những thân phận từ miền Bắc, miền Trung, miền Tây đến với Sài Gòn lại có quá nhiều lam lũ, lầm than.
Cơ hội cho họ không gì khác ngoài vỉa hè và chiếc xe hàng rong cun cút mưu sinh. Những đồng bạc kém mọn đong bằng nước mắt tủi hờn của rất nhiều lần bị hốt xe, bị truy quét.
Trật tự xã hội là những nghiêm minh trong quản lý và đảm bảo tất cả mọi người đều công bằng. Điều băn khoăn cũng chính từ chỗ ấy. Sẽ không có người dân nào xa lạ với hình ảnh chiếc xe công an phường chạy qua, gom từng xoong đậu hũ của bà già gốc Quảng Ngãi, bắt xe trái cây của chị gốc Bình Định, thu bảng hiệu của chị hủ tíu gốc miền Tây Nam bộ… Nhưng chỉ sau khi chiếc xe có đèn chớp ấy chạy qua, mọi chuyện lại về như cũ.
Mỗi đợt phường ra quân, dân nghèo dáo dát bỏ chạy. Thoát được là mừng. Nhưng quá nhiều nhà hàng, quán ăn sang trọng, shop thời trang để xe máy tràn ra vỉa hè vẫn bình yên.
Có lẽ cần phải nói đi nói lại rằng nếu những người thực thi pháp luật nghiêm minh thì không bao giờ tạo nên nhiều ức chế cho xã hội. Nếu lực lượng khoác áo công quyền được học hành đàng hoàng, có bề dày văn hóa thì sẽ không có những tay võ biền, hung hãn, kém học thức, thích động tay chân với dân.
Những thân phận dân nhỏ mọn đang đóng thuế nuôi chính quyền. Họ có quyền đòi hỏi được đối xử một cách đạo đức và nhân bản.
Thanh Nhã
(Ảnh: Thời buổi người dân có thể giám sát quyền lực bằng rất nhiều thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng những hình ảnh đau đớn này vẫn diễn ra)