THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

08 December 2013

Dân dàn trận chiến đấu “cát tặc”



08/12/2013 16:23 (GMT + 7)
TTO - Hàng chục tàu “cát tặc” ngày đêm nổ máy ầm ầm hút cát trái phép trên sông Luộc, đoạn qua xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương đã khiến cuộc sống người dân ở đây đảo lộn.
Vì kiến nghị nhiều lần không được giải quyết nên người dân đã tự tập hợp nhau lại, lên kế hoạch “bài binh bố trận” xua đuổi "cát tặc".
Trong "cuộc chiến" này, người dân tự chống lại "cát tặc" có những lúc xảy ra xung đột khiến một số tàu cát bị đốt, đánh chìm trên sông và có trường hợp người dân phải bỏ mạng khi gặp sự chống trả của “cát tặc”.
Bài binh bố trận
Trưa một ngày đầu đông cuối tháng 11, trên bờ đê sông Luộc có một nhóm 5 người đàn ông đứng ngồi lố nhố. Thoáng thấy bóng chiếc tàu thả vòi xuống lòng sông, nổ máy chuẩn bị hút cát, một thanh niên đứng phắt dậy vác trống lên vai gõ từng hồi liên tục.
Những người còn lại lấy còi thổi vang một khúc sông ra hiệu báo động: có tàu "cát tặc" xâm nhập. Chưa đầy 10 phút sau, từ các ngả trong thôn Tri Lễ, hàng trăm người dân, già trẻ lớn bé bỏ hết công việc ùn ùn kéo ra bờ đê. Phụ nữ cầm theo cuốc, gậy gộc, thanh niên thì mang theo gạch đá.
Ông Vũ Văn Tháu (82 tuổi), vừa lập cập chống gậy men theo bờ ruộng lên đê, vừa giải thích: “Người dân chúng tôi đi chống cát tặc mà như đi đánh giặc thời chiến. Bao nhiêu năm nay nhìn dòng sông bị hút cát, bờ đê sạt lở, xót xa quá nên chúng tôi phải đứng ra chiến đấu với cát tặc”.
Trong lúc dòng người tiếp tục ùn ùn kéo ra bờ đê, một người đàn ông trong thôn cầm loa hô to: “Yêu cầu tàu cát thu vòi rời khỏi khu vực, yêu cầu tàu cát rút vòi rời khỏi khu vực”. Sau mỗi tiếng hô người dân lại gõ trống, thổi còi ầm ĩ.
Thế nhưng chiếc tàu vẫn đứng im, máy vẫn nổ, vòi hút cát vẫn vươn ra thọc xuống lòng sông Luộc như thách thức. Người dân tiếp tục châm lửa đốt đống rơm chất cao quá đầu người trên bờ đê để xua đuổi tàu cát.
Chiếc tàu vẫn không chịu rời đi. Bất ngờ những thuyền viên trên tàu lấy vỏ chai bia ném liên tục vào đám đông trên bờ. Quá bức xúc, khoảng hơn chục thanh niên trong làng nhặt gạch, đá ném về phía tàu cát. Lúc này chiếc tàu mới thu vòi tháo chạy.
Khi thấy bóng con tàu đi khuất, người dân mới lục tục kéo nhau về tiếp tục những công việc đang dở dang. Một số cụ già và đàn ông được phân công ở lại, dựng lều tiếp tục làm nhiệm vụ canh chừng trên bờ đê.
Ông Tháu cho biết thêm: “Khổ lắm, mấy tuần nay ngày nào cũng vài ba lượt chiến đấu với cát tặc. Có đêm ba lần nghe thấy tiếng trống báo hiệu, người dân lại lục tục kéo ra bờ đê. Giờ cứ phải để sẵn áo với gậy gộc ở đầu giường, nghe thấy tiếng trống, bật dậy là đi luôn”.
Mất mạng, mất nghiệp vì cát tặc
Ông Trần Văn Điền - phó chủ tịch UBND xã Hà Thanh - cho biết sở dĩ người dân thôn Tri Lễ phải dàn trận chiến đấu với “cát tặc” như vậy là do người dân quá xót xa khi thấy những chiếc sà lan ngày đêm hút cát ầm ầm làm xói lở bờ đê từ bao năm qua. “Bờ đê này là do người dân tự đóng góp, đổ mồ hôi đắp lên. Giờ đê sạt lở dữ lắm. Có nhà dân tối hôm trước đến sáng hôm sau mà mất nửa ruộng ớt lở xuống lòng sông”, ông Điền bức xúc.
Nói về việc người dân tự đứng ra chiến đấu với “cát tặc” dễ xảy ra rủi ro, ông Điền buồn rầu: “Thấy người dân khổ như vậy, những người làm lãnh đạo địa phương như chúng tôi cũng sốt ruột, lo lắng không ngủ được. Cách đây hai năm, người dân cũng tự đứng ra xua đuổi cát tặc nhưng sau lần một người trong làng bỏ mạng dưới lòng sông thì người dân thôi, giờ cuộc chiến lại bắt đầu vì họ quá bức xúc”.
Ông Điền kể khoảng tháng 8-2011, người dân ở thôn Tri Lễ đi sà lan ra sông ngăn cản tàu hút cát. Hai bên xảy ra xô xát, các thuyền viên trên tàu đã đánh người dân khiến anh Vũ Văn Trường rơi xuống sông. Sau đó chiếc tàu bỏ chạy, chân vịt quẹt vào người làm anh Trường tử vong dưới lòng sông.
Theo những người dân ở thôn Tri Lễ, nạn "cát tặc" xuất hiện ở đây được gần chục năm nay. Ban đầu mấy tay khai thác cát lậu phát hiện trên sông Luộc, đoạn qua xã Hà Thanh có mỏ cát khổng lồ liền đưa thuyền tới hút cát. Dần dần các trùm cát lậu ở khắp nơi kéo về, đưa tàu tới hút cát ầm ầm tối ngày sáng đêm. Đất đai, bãi bồi cứ sạt xuống. Những ruộng ngô, ruộng khoai của người dân trên các bãi bồi cũng dần bị xóa sổ.
Bà Nguyễn Thị Chuyên (42 tuổi, thôn Tri Lễ) kể: “Làng chúng tôi bao năm sống bằng nghề nông, giờ các bãi bồi cứ mất dần, bờ đê thì sạt lở nên chúng tôi cũng sắp mất nghiệp. Dọc các bãi bồi giờ hàm ếch nham nhở, cứ vài hôm ngô lại bị đổ dạt trôi xuống sông”.
Thời gian gần đây, tốc độ sạt lở tăng nhanh khiến người dân trong thôn đối diện với nhiều hiểm nguy mỗi khi đi làm đồng. Mới đây, ông Vũ Văn Chỉ đi ra bãi tưới ruộng lạc, bất ngờ bãi bị lở cuốn theo những luống lạc, cuốn cả ông Chỉ xuống sông. Cuối tháng 6-2013, người dân phát hiện một xác chết trôi trên sông đã vớt lên chôn ở bãi bồi. Sau những lần bãi bị xói lở, giờ không ai còn thấy dấu tích của nấm mồ chôn người dân xấu số này đâu…
Khó dẹp
Ông Trần Văn Điền cho biết tính từ năm 2007-2012, thống kê lại xã đã mất khoảng 3,1ha bãi bồi do tình trạng khai thác cát làm xói lở. Chính quyền xã đã lập tờ trình gửi lên huyện. Huyện đã lập đoàn liên ngành, tổ chức những đợt cao điểm ra quân bắt “cát tặc”.
Thế nhưng sau mỗi lần ra quân, mỗi lần bắt tàu cát, xử phạt, đoàn liên ngành trở về thì tình trạng khai thác cát trái phép lại tái diễn và rầm rộ hơn trước.
“Trong đợt cao điểm có ngày bắt đến hơn chục tàu cát. Thế nhưng chỉ im im được vài ngày thì các trùm cát lậu lại đưa tàu đến đông hơn hút cát rầm rộ hơn. Chính quyền xã không có phương tiện hỗ trợ, xã ở xa huyện nên công tác chống cát tặc gặp nhiều khó khăn”, ông Điền nói.
Ông Điền kể thêm, các nhóm khai thác cát lậu hoạt động ngang nhiên và liều lĩnh, hung tợn, chống trả quyết liệt mỗi khi cơ quan chức năng triển khai truy bắt.
Có lần ông Điền cùng lực lượng công an xã đi sà lan của dân ra sông đuổi tàu cát. “Khi vừa lên tàu thì các nhóm cát tặc dùng hung khí chống trả quyết liệt. Trưởng công an xã và các công an viên phải nhảy xuống sông để thoát thân”, ông Điền kể.
Thượng tá Vũ Đăng Hưng, phó trưởng Công an huyện Tứ Kỳ, cho biết xã Hà Thanh là một trong những điểm khai thác cát lậu nóng nhất của tỉnh Hải Dương. Lực lượng chức năng đã nhiều lần triển khai truy bắt, nhưng sau đấy nạn "cát tặc" lại tái diễn.
Ông Hưng cho biết trước mắt tập trung ổn định tình hình an ninh trật tự, cử lực lượng công an xuống túc trực xua đuổi "cát tặc" để người dân yên tâm làm ăn. Thời gian tới Công an huyện Tứ Kỳ sẽ phối hợp lực lương chức năng huyện Ninh Giang (Hải Dương), trạm Quý Cao (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) thường xuyên truy bắt, ngăn chặn "cát tặc".
Tàu "cát tặc" liên tục bị đốt, đánh chìm trong đêm
Đêm 11-11, tàu hút cát HP-2523 do ông Trần Tăng Du (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đang chạy cùng ba thuyền viên khác trên tàu thì bất ngờ bị một số người đi hai thuyền nan áp sát dùng súng bắn đạn hoa cải bắn vào tàu và ép các thuyền viên lên bờ. Những người này đã châm lửa đốt cabin của tàu. Hai thuyền viên trên tàu trúng đạn bị thương nặng được đưa vào viện cấp cứu.
Đêm 27-11, một chiếc tàu đang hút cát trên sông Luộc thì bất ngờ có một số người đi trên hai sà lan áp sát khống chế các thuyền viên trên tàu. Sau đó chiếc tàu này đã bị đốt và bị chìm trong đêm.
THÂN HOÀNG