Mới đây, UBND TPHCM đã chính thức giao Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) triển khai dự án sản xuất 300 xe buýt sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên (CNG) trong giai đoạn 2013 – 2015, với tổng số vốn hơn 163 tỉ đồng.
Bình luận về quyết định này nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe buýt cho rằng, dự án trên chỉ thành công khi Nhà nước “dính” vào, còn không thì không ai dám mua!
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Không phải ai muốn mua cũng được…
Thông tin này thực sự đã “giải vây” cho Samco khi mà ngay từ giữa tháng 4 vừa qua, Samco đã cho ra mắt chiếc xe buýt chạy nhiên liệu sạch (CNG). Đây là chiếc xe buýt có tên city H75 với 38 chỗ ngồi và 37 chỗ đứng, được Samco đóng lần đầu tiên tại Việt Nam với công nghệ hoàn toàn mới của Hàn Quốc – nhưng đến nay vẫn chưa thể đóng thêm chiếc nào, một phần vì chưa có vốn. “Đề án được duyệt đồng nghĩa với việc có vốn để triển khai, nên chuyện sản xuất 300 xe buýt nhiên liệu sạch hoàn toàn nằm trong tầm tay của Samco bởi xe mẫu đã có”, ông Trần Quốc Toản, phó tổng giám đốc Samco chia sẻ.
Cũng theo ông Toản, một lợi thế khác của đề án chính là Bộ Tài chính đã chính thức thông qua việc xin miễn giảm thuế nhập khẩu linh kiện của TPHCM. Chính từ cơ sở này UBND TPHCM mới phê duyệt dự án. Samco đang rốt ráo xây dựng chương trình thực hiện.
Trước mắt, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch với sở Giao thông vận tải để xác định tuyến nào, đường nào sẽ sử dụng xe buýt nhiên liệu sạch. Đây cũng là cơ sở để làm việc với các đơn vị có nhu cầu đặt hàng khai thác những đoạn tuyến đường trên. “Chúng tôi dự kiến sẽ triển khai việc này trong tuần tới để sớm gút lại số lượng xe đặt hàng và tiến hành sản xuất”, ông Toản nói.
Hệ thống phân phối khí để phục vụ xe buýt nhiên liệu sạch đóng vai trò quyết định trong việc sản xuất xe buýt nhiên liệu sạch, vậy Samco đã có kế hoạch làm việc với đơn vị cung cấp khí để khi xe sản xuất ra có đủ nhiên liệu để chạy? Ông Toản nói: “Việc này nằm ngoài tầm của công ty Samco nhưng theo tôi nghĩ, khi thành phố đã quyết định sản xuất xe buýt nhiên liệu sạch thì cũng đã có kế hoạch cung cấp khí”.
Liên quan đến giá cả của xe buýt nhiên liệu sạch do Samco đóng, trước đó, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phạm Quốc Tài, phó tổng giám đốc Samco cho hay, hiện Samco chỉ đóng thùng xe, còn tất cả máy móc thiết bị phải nhập từ Hàn Quốc. Vì thế, nếu được giảm thuế thì một chiếc xe buýt CNG do Samco đóng sẽ rẻ hơn xe nhập khẩu từ 5 – 7%, dự kiến vào khoảng 2,4 – 2,5 tỉ đồng (trước đây chiếc xe buýt nhiên liệu sạch do Samco đóng mẫu đã được bán cho một doanh nghiệp với giá 2,7 tỉ đồng – tức chưa được miễn giảm thuế nhập khẩu linh kiện, máy móc – PV).
… Nhưng không có Nhà nước, đố ai dám mua!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai đơn vị có nhiều khả năng sẽ đăng ký mua xe buýt nhiên liệu sạch chính là Sài Gòn bus và liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM. Hai đơn vị này đang chiếm số đông về lượng xe, số tuyến vận chuyển hành khách bằng xe buýt.
Theo ông Phùng Đăng Hải, tổng giám đốc liên hiệp HTX Vận tải TPHCM – đơn vị hiện có gần 50 xe buýt nhiên liệu sạch đang hoạt động – chia sẻ: “Hiện tại, các xã viên của đơn vị tôi đều muốn chuyển sang sử dụng xe buýt nhiên liệu sạch. Đã có 50% xã viên đăng ký chuyển đổi. Vấn đề là giá xe thế nào. Theo tôi được biết, thành phố vẫn chưa tính toán được giá xe, nhưng nếu giá khoảng 2,4 tỉ đồng thì có thể chấp nhận được. Chính vì chưa có giá nên Nhà nước vẫn còn chưa quyết sẽ hỗ trợ cho doanh nghệp ra sao”.
Vì giá tiền mua xe buýt nhiên liệu sạch khá lớn, 2,4 tỉ đồng như tạm tính, nên để khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhất thiết không thể thiếu các chính sách hỗ trợ, ưu đãi trong vấn đề vốn và lãi vay. “Chúng tôi đề nghị Nhà nước chỉ cần cho vay từ 30% hoặc 40%, số còn lại, các doanh nghiệp, các xã viên phải tự bỏ tiền ra mua xe. Có Nhà nước “dính” vô thì người mua mới yên tâm. Bởi vì lúc đó Nhà nước phải bảo vệ phần vốn của mình, còn nếu để mạnh ai lấy làm thì có nước... lãnh đủ. Trong trường hợp này, Nhà nước phải đảm bảo cho người mua thời gian trả nợ, ít nhất cũng đến thời gian thu hồi vốn”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, sở dĩ bản thân ông cũng như các xã viên trong đơn vị ông kiến nghị Nhà nước phải nhúng tay vào còn vì một lý do quan trọng khác, đó là việc cung cấp nguyên liệu. Nếu Nhà nước không đảm bảo được hoạt động của xe buýt nhiên liệu sạch cho xã viên đến lúc có thể hoàn vốn thì không ai dám mua.
Theo Đào Lê
SGTT
SGTT