(Thời sự) - “Siêu bão” Haiyan lớn nhất trong lịch sử sẽ đổ bộ vào Việt Nam rạng sáng ngày 10.11. Chiều 8.11, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến bàn biện pháp ứng phó, các địa phương đã lập tức triển khai.
Ngày 9.11, Cty thoát nước Hà Nội cho biết, theo thông báo của Đài Khí tượng thuỷ văn Trung ương, bão số 14 được đánh giá mạnh nhất năm 2013 đang tiến vào Việt Nam. Do ảnh hưởng của bão, khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả khu vực Hà Nội) sẽ có mưa to và rất to.
Để chủ động phòng, chống úng ngập khi có mưa lớn do ảnh hưởng của bão trên địa bàn thành phố Hà Nội, Cty yêu cầu các đơn vị bố trí 100% lực lượng công nhân thực hiện ứng trực.
Đối với cụm trạm bơm đầu mối Yên Sở, sẽ sẵn sàng hạ mực nước hồ điều hoà Yên Sở về mức 1,50m.
Các xí nghiệp duy trì 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 chủ động hạ mực nước tại các hồ điều hoà do đơn vị quản lý đến mức thấp nhất, đồng thời rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn quản lý, thanh thải dòng chảy, tháo dỡ các trường hợp làm thu hẹp dòng chảy, bố trí đầy đủ lực lượng ứng trực có đầy đủ phương tiện, công cụ dụng cụ, thiết bị cơ giới để giải quyết thoát nước, xử lý các sự cố bất cập của ga thu trên các tuyến phố, đảm bảo khả năng thu nước.
Các đơn vị cũng phải chuẩn bị vật tư đóng cọc căng dây cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống sông mương 9 (Q.Hiệu)
TP.Hồ Chí Minh: Chuẩn bị ứng phó với bão Haiyan
Ngày 8.11, tin từ Văn phòng UBND TPHCM cho biết, thành phố đã yêu cầu các sở – ngành, UBND các quận – huyện, phường – xã, thị trấn chủ động ứng phó với siêu bão HaiYan đang di chuyển vào biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến TPHCM.
UBND thành phố yêu cầu quận, huyện… triển khai phương án phòng, chống, ứng phó với tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn.
Thành phố yêu cầu UBND các quận – huyện, phường – xã, thị trấn có trách nhiệm giúp nhân dân chằng chống nhà cửa trước cơn bão và khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp; chuẩn bị phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn…
Riêng huyện Cần Giờ cần chuẩn bị phương án di dời dân xã đảo Thạnh An vào đất liền và các hộ dân có nhà ở ven sông, ven biển (Ngọc Huân)
Đà Nẵng: Đã lên phương án sơ tán gần 74.000 nhân khẩu đến nơi an toàn
BCH PCLB thành phố Đà Nẵng cho biết đã lên phương án sơ tán gần 20.000 hộ dân với gần 74.000 nhân khẩu đến nơi an toàn, bắt đầu từ 12 giờ đến trước 17 giờ chiều 9.11.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết, hiện 1.830 tàu thuyền của địa phương này đã vào bờ, neo đậu an toàn. Các địa phương, quân đội sẽ kiên quyết sơ tán, thậm chí cưỡng chế đối với ngư dân, tuyệt đối không cho người ở lại trên các phương tiện tàu thuyền trên sông, biển, bè lồng nuôi cá. Người dân tại các chung cư, ký túc xá, nhà cấp 4… nhà cách biển 500 mét phải sơ tán triệt để.
Đây là cơn bão cực lớn, diễn biến phức tạp và dự báo gần như không thể tránh khỏi sự tàn phá khốc liệt, vì vậy việc sơ tán và chủ động phòng tránh là hết sức kiên quyết, khẩn trương. Cũng tại Đà Nẵng, ngay trong sáng 8.11, các địa phương đã chủ động thông báo bão liên tục với tầng suất 30 phút 1 lần trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng… (Thanh Hải)
Quảng Ngãi: Di dời hơn 216.000 người đến nơi an toàn
Ngày 8.11, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng đã chỉ đạo BCH PCLB và TKCN tỉnh, các đơn vị, sở ngành và các địa phương tổ chức triển khai ngay các phương án đối phó với bão.
Theo đó, các cơ quan, ban ngành từ xã đến tỉnh phải làm việc bình thường trong ngày 9.11 để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão. Các trường học phải thông báo cho học sinh nghỉ học từ hôm nay (9.11).
Ban chỉ huy PCLB và TKCN phải phân công thành viên kiểm tra phương án phòng, chống bão tại các địa phương trong sáng ngày 9.11. Đối với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, các địa phương, cần nắm chắc thông tin cụ thể từng tàu thuyền trên biển…
Hiện các địa phương đã chủ động di dời 54.050 hộ, với hơn 216.000 nhân khẩu đến nơi an toàn. Sở NNPTNT tỉnh, các đơn vị quản lý, vận hành các công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn cũng đã cáo công tác triển khai phương án phòng chống lụt bão cho từng công trình, cũng như xây dựng phương án di dời dân ở vùng hạ du. Từ chiều 8.11, cấm tàu thuyền ra khơi…
Tỉnh Quảng Ngãi có 117 hồ chứa nước lớn nhỏ, trong đó,có 98 hồ được xây dựng trước năm 1989 nên nguy cơ mất an toàn rất cao (Phạm Khang)
Lý Sơn: Khẩn cấp ứng phó bão Haiyan
Chiều ngày 8.11, UBND huyện Lý Sơn – Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Lý Sơn đã họp khẩn triển khai các biện pháp ứng phó với bão Haiyan.
15 giờ chiều ngày 8.11 đã có trên 400 phương tiện tàu cá ngư dân Lý Sơn tìm nơi tránh trú an toàn, 15 phương tiện hành nghề ở ngư trường Trường Sa và 3 phương tiện hành nghề ở vùng biển phía Bắc cũng đã tìm nơi trú ẩn.
Ông Trần Ngọc Nguyên – Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn – cho biết: “Ngoài các phương tiện tàu cá tìm nơi trú tránh an toàn thì 3 phương tiện tàu cá chạy từ ngư trường Trường Sa để về đảo Lý Sơn tránh trú thì cũng được UBND huyện yêu cầu vào vùng biển Nha Trang tìm nơi tránh trú bão khi vừa chạy đến vùng biển Nha Trang, bên cạnh đó công tác di dời dân cũng được UBND huyện Lý Sơn chỉ đạo địa phương các xã chủ động triển khai, dự kiến muộn nhất đến đến 17 giờ chiều ngày 9.11 các hộ dân sống ở vùng sạt lở như Mon Tàu (An Bình), Cồn Mom (An Vĩnh), thôn Đồng Hộ (An Hải) sẽ được di dời đến nơi an toàn” (Danh Nguyễn).
Bình Định: 224 tàu cá còn trong vùng nguy hiểm
Ngày 8.11, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai phương án đối phó siêu bão Hải Yến. Theo báo cáo từ các địa phương, toàn tỉnh có 7.345 tàu thuyền/42.268 lao động đang hoạt động đánh bắt thủy sản trên nhiều ngư trường.
Đến đầu giờ chiều 8.11, Bình Định vẫn còn 224 tàu/1.615 lao động nằm trong khu vực nguy hiểm. Số tàu trên vẫn giữ liên lạc thường xuyên với đất liền và được cơ quan đơn vị biên phòng, Chi cục Bảo vệ – khai thác nguồn lợi thủy sản liên tục hướng dẫn tìm đường tránh bão. Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện chỉ đạo các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể trong hai ngày thứ 7, chủ nhật phải túc trực 100% để sẵn sàng chống bão…
Cũng trong ngày 8.11, do các đợt mưa lớn khiến trường học đóng cửa, 18.000 học sinh phải nghỉ học. Ngoài ra, gần 20.000 công nhân các doanh nghiệp ở TP.Quy Nhơn và các khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ cũng buộc phải nghỉ làm (X.N).
Thừa Thiên – Huế: Khẩn trương ứng phó bão số 13
Chiều ngày 8.11, tại cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hiện mực nước tại hồ thủy điện Bình Điền là 84,83m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 0,17m; hồ Hương Điền là 58,16 m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 0,16m.
Để đối phó với cơn bão số 13 sắp tới, UBND tỉnh đang chỉ đạo các hồ thủy điện xả nước để có dung tích phòng lũ trước khi bão vào… Tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo tập trung hạn chế thiệt hại về người và tài sản tại các vùng bị sạt lở ở ven biển, sông suối trong trường hợp bão số 13 đổ bộ vào.
Tỉnh đã lên phương án di dời 29.507 hộ dân với trên 113.000 nhân khẩu, trong đó theo kế hoạch phải sơ tán khẩn cấp 11.274 hộ dân với trên 50.000 nhân khẩu ở ven biển trước 13 giờ ngày 10.11. Các hộ dân này tập trung ở các huyện Phú Vang (25.463 nhân khẩu), huyện Phú Lộc (10.699 nhân khẩu)… đến nơi an toàn (Đăng Khoa).
Hà Tĩnh: Đồng loạt xả lũ các hồ và triển khai phương án phòng chống bão
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Haiyan, Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Nam Hà Tĩnh tiến hành xả lũ để bảo đảm an toàn hồ chứa, đồng thời thông báo cho nhân dân vùng hạ lưu huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Thành phố Hà Tĩnh và huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình biết có phương án phòng chống ngập lụt.
Theo đó, các hồ Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn, Tàu Voi tiến hành xả lũ với mức cho phép để đảm bảo an toàn hồ chứa. Hồ Kẻ Gỗ có mực nước 30,8m và xả lũ 50m3/s đến 150m3/s, Sông Rác có mực nước 31,38m, lưu lượng xả lũ từ 50m3/s đến 100m3/s, hồ Tàu Voi có mực nước 14,65m, lưu lượng xả từ 5m3/s đến 10m3/s và hồ Kim Sơn có mực nước 95,15m lưu lượng xả tràn từ 10m3 đến 30m3/s.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị triển khai các phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các công trình phòng chống lụt bão trên địa bàn. Các đơn vị bố trị lực lượng thường trực 24/24 giờ trong ngày đối với các hồ chứa Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn, Thượng Sông Trí; tổ chức vận hành, điều tiết xả lũ hồ chứa theo đúng quy trình đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế ngập lụt vùng hạ du.
Các huyện có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt lưu vực sông, hạ lưu hồ chứa Hố Hô, Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, Kim Sơn là Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ và Cẩm Xuyên và Thạch Hà phải chuẩn bị phương án “4 tại chỗ” sẵn sàng phương tiện và lực lượng chủ động ứng cứu và sơ tán dân đến nơi an toàn, đề phòng chia cắt, cô lập, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn (Trần Hưng).
(Lao Động)