(Tinmoi.vn) Trước siêu bão Haiyan có sức tàn phá lịch sử chuẩn bị tiến vào nước ta, từ sáng nay chính quyền địa phương các tỉnh Miền Tung đã tiến hành sơ tán hàng vạn người dân đến những nơi an toàn. Theo kế hoạch đã triển khai, sẽ sơ tán người già, trẻ em, phụ nữ trước 19h ngày 9/11, thanh niên phải sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm trước nửa đêm.
Cụ thể, tỉnh Đà Nẵng sẽ di dời khoảng 20.000 hộ dân với trên 70.000 người tại các khu vực dân cư ven biển, trong các nhà không kiên cố, vùng nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất...đến nơi an toàn. Từ sáng nay Sở GD & ĐT Đà Nẵng đã ra thông báo cho tất cả các trường học từ mầm non đến đại học nghỉ học để tránh bão.
Tỉnh Quảng Ngãi sẵn sàng triển khai phương án di dời, sơ tán 54.050 hộ/216.000 khẩu theo kế hoạch khi bão ảnh hưởng trực tiếp hoặc gây mưa, lũ lớn. Trong đó, đặc biệt chú trọng sơ tán 5.189 hộ/ 21.370 khẩu có mức rủi ro cao trước ảnh hưởng của gió bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, vùng hạ du công trình thủy điện.
UBND tỉnh yêu cầu ngay từ ngày 9/11, các địa phương phải triển khai ngay công tác di dời dân đến nơi an toàn, nhất là những hộ dân ở vùng ven biển, những hộ dân ở vùng sạt lợ núi, những hộ dân vùng hạ lưu các hồ đập, những hộ dân ở những ngôi nhà cấp 4 không an toàn, phải di dời đến những nơi an toàn… trước 17h ngày 9/11. Theo kế hoạch, dự kiến tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 54.050 hộ/216.000 khẩu cần di dời, sơ tán. Trong đó, đặc biệt có 5.189 hộ, với 21.370 khẩu có mức rủi ro cao trước ảnh hưởng của gió bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, hạ du công trình thủy điện cần phải di dời khẩn cấp.
Tỉnh Hà Tĩnh, trước diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện hỏa tốc yêu cầu 6 huyện, thành phố ven biển gồm Lộc Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, huy động phương tiện, tổ chức lực lượng di dời 14.280 hộ (50.240 người dân) khỏi vùng nguy hiểm trước 17 giờ cùng ngày.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên phương án sơ tán, di dời hơn 29.000 hộ dân với hơn 113.000 nhân khẩu ở các vùng xung yếu, vùng sạt lở, ngập lũ nơi an toàn trước khi bão đổ bộ
Trong các địa phương, Kỳ Anh là huyện có lượng dân di dời nhiều nhất với gần 4.500 hộ, Lộc Hà 3.650 hộ, Nghi Xuân hơn 2.000 hộ…
Tỉnh Bình Định theo dự báo không phải là vùng tâm bão, nhưng cũng sẽ chịu sự càn quét của siêu bão Haiyan. Cơ quan chức năng đã lên phương án di dời 22.000 hộ dân. Lực lượng Công an, quân đội, dân quân tự vệ được huy động 100% quân số để chống bão.
Người dân Quảng Nam lên Trường Đại Học Quảng Nam tránh siêu bão Haiyan
Ánh mắt lo lắng của người dân xứ Quảng trước siêu bão Haiyan
Đà Nẵng tiến hành di dời dân khỏi vùng nguy hiểm
Người dân khẩn trương chằng chống nhà cửa
Từ sáng sớm người dân ở các tỉnh Miền Trung đã chuẩn bị những vật dụng cần thiết để kiên cố nhà cửa
Các bao cát sẽ đước bỏ lên mái nhà, chằng vào gốc cây
Hầm trú bão của người dân Quảng Nam
Người dân mua dây thép để kiên cố nhà cửa, tài sản
Hồi 13 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 240km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km.
Đến 13 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi – Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30km.
Đến 01 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 13 giờ ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 15, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội. Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ chiều tối nay (09/11) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày mai (10/11) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.
Từ đêm nay (09/11) các tỉnh từ Bình Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15. Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10/11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 – 8.
Từ chiều tối nay (09/11) ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 2.5 – 5m. Sóng biển 3 – 6m, vùng gần tâm bão 8 - 10m.
|