Trưa nay, 44.600 người dân các huyện ven biển Thanh Hóa phải khẩn cấp di dời khi bão Haiyan chuyển hướng.
Dự báo sáng 10/11 của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương cho hay, bão Haiyan di chuyển chếch dần lên phía Bắc, hướng thẳng vào vùng biển Thanh Hóa đến Nam Định.
Trước sự thay đổi hướng đi của bão, cuối giờ sáng 10/11, ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh văn phòng ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thanh Hóa cho biết, tỉnh đã phát lệnh sơ tán 44.600 người sống ở các huyện ven biển như Tĩnh Gia, Quảng Xương, Sầm Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa. Việc di dân phải hoàn tất trước 17h chiều nay. Chính quyền địa phương đang tích cực vận động người dân tự giác di chuyển. Đầu giờ chiều, lực lượng chức năng sẽ tiến hành di dân ồ ạt.
Ông Hải cho biết thêm, 13 tổ công tác đặc biệt của tỉnh đang cắm chốt tại các điểm xung yếu để hỗ trợ người dân. Lực lượng công an và quân đội trong tình trạng sẵn sàng ứng trực đối phó bão.
Bản tin dự báo lúc 9h30 sáng cho thấy hướng đi của bão đang tiến về khu vực Thanh Hóa - Nam Định.
|
Trong khi đó, thời tiết tại Thanh Hóa tương đối đẹp, gió nhẹ, trời không mưa. Dù các địa phương ven biển liên tục phát tin về đường đi của bão, nguy cơ do bão gây ra qua hệ thống loa truyền thanh, nhưng người dân thể hiện tâm lý chủ quan. Các sinh hoạt vẫn diễn ra như thường ngày.
Nghệ An có mưa nhỏ, gió nhẹ. Ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tỉnh đã di dời hơn 13.000 hộ dân với trên 46.600 nhân khẩu. "Chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến của bão để ứng phó. Nếu bão đổ bộ trực tiếp vào Nghệ An, chúng tôi sẽ di dời tiếp", ông Hồng cho biết.
Biển Cửa Lò trời không mưa, gió nhẹ. Nhiều người dân và trẻ em kéo nhau ra xem sóng biển. Xe buýt và người tham gia giao thông đi lại bình thường. Một đám cưới diễn ra sát bãi tắm vẫn căng rạp.
Sáng nay người dân Cửa Lò (Nghệ An) vẫn rủ nhau ra biển xem bão về. Ảnh: Nguyễn Hải.
|
Hà Tĩnh: Phần lớn dân các xã ven biển Lộc Hà, Nghi Xuân vẫn bám trụ ở nhà. Một số gia đình sống trong những ngôi nhà lợp mái tranh, mái tôn di chuyển đồ đạc sang các ngôi nhà xây kiên cố ở trong làng. Cây xanh được chặt tỉa, chống đỡ.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Tĩnh, Phó ban phòng chống lụt bão tỉnh cho hay, cơn mưa nhẹ và gió vào tối qua không gây ảnh hưởng nhiều. Các hồ đập đang ở mức an toàn. Theo ông Sơn, sáng nay còn nhiều hộ dân không chịu di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chủ tịch UBND tỉnh đã phê bình các địa phương và tiếp tục hỗ trợ, tuyên truyền các hộ dân này di dời đến nơi an toàn.
Khu vực miền núi các đồn trạm biên phòng đang triển khai phương án đối phó khi bão vào hoặc lũ quét, giúp người dân chằng néo nhà cửa, đưa tài sản đến nơi an toàn. Trên 1.000 cán bộ, chiến sĩ cùng 5 tàu cao tốc cứu nạn luôn sẵn sàng cơ động.
Quảng Bình: Biển Nhật Lệ lúc 7h sáng có gió giật mạnh, tuy nhiên mưa đã tạnh, mức nước biển dâng không đáng kể. Người dân vẫn đi xe máy bình thường dọc tuyến đường ven biển. Theo đồn trưởng đồn biên phòng Nhật Lệ, tỉnh chưa cần phải di dân. Lượng mưa đo được lúc 7h sáng tại các trạm từ 10 - 20 mm , mực nước các sông còn thấp, các hồ chứa đã nâng cửa van để xả lũ.
Tại huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), theo ông Trương Khắc Trưởng, Phó Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện, 118 người gồm nhân dân, cán bộ và công nhân ở huyện đảo đã được đưa vào địa đạo quân sự, nhà cao tầng kiên cố. 9h sáng, Cồn Cỏ có gió cấp 7, trời âm u và không mưa. Âu tàu đảo Cồn Cỏ do không có khả năng tiếp nhận tàu thuyền trú tránh bão nên rất vắng vẻ.
TP Huế trưa nay có mưa và gió nhẹ. Trừ một số quán bán đồ ăn sáng, đa số người dân đóng kín cửa, không ra ngoài. Các khu vực ven biển như Phú Vang, Phú Lộc… có gió giật cấp 7, tại trạm sân bay Phú Bài có gió giật cấp 6.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 1 người chết do ngã khi chống bão ở xã Phong Hải và 2 người bị thương.
Sở Chỉ huy tiền phương số 1 tại Đà Nẵng xác định các tỉnh từ Phú Yên đến Đà Nẵng không ảnh hưởng hoàn lưu bão. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, các lực lượng chức năng đưa người dân về lại nơi cư trú sau 12h trưa nay (trừ đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm). Tuy nhiên, các địa phương cần giữ vững tinh thần phòng chống bão ở mức cao nhất, nhất là lũ quét sau bão.
Mặc dù mưa gió còn mạnh nhưng người dân ở các làng chài ven biển Quảng Ngãi đi tránh bão đã trở về nhà. Ảnh: Trí Tín
|
Đảo Lý Sơn Quảng Ngãi rạng sáng nay có gió giật mạnh trên 70 km mỗi giờ (cấp 8).
Sau đợt mưa lớn tới 100mm đêm qua, Quảng Ngãi vẫn có gió mạnh nhưng mưa đã ngớt. Tỉnh này phải di 128.000 dân, có nơi như huyện Bình Sơn phải di dời tới 35.000 người.
Quảng Ngãi đã có hai người thiệt mạng là anh Phùng Thanh Lâm (xã Đức Long, huyện Mộ Đức) và phóng viên Hồng Sen (đài phát thanh huyện Đức Phổ). Nữ phóng viên này bị tai nạn giao thông trên đường tác nghiệp. Như vậy, hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi trong 2 ngày qua đã có 4 người thiệt mạng, 38 người bị thương.
Tính chung cả 11 tỉnh, thành phố từ Ninh Bình đến Phú Yên, hơn 330.000 hộ với trên 880.000 người nằm trong kế hoạch sơ tán, di dời .
Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho gần 86.000 phương tiện với 390.000 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển.
Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa có công hàm gửi các nước Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và Philippines đề nghị hỗ trợ các tàu, thuyền và ngư dân Việt Nam vào tránh trú bão. Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, phối hợp với cơ quan chức năng sở tại để có biện pháp hỗ trợ kịp thời tàu, thuyền và ngư dân Việt Nam.
Lúc 9h30 sáng 10/11, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Quảng Trị khoảng 200km về phía đông, sức gió trên 130km một giờ. Ngày và đêm nay, bão di chuyển nhanh theo hướng chếch dần lên phía Bắc, dọc các tỉnh miền Trung, hướng thẳng vào vùng biển Thanh Hóa đến Nam Định.
Trong hôm nay, cơn bão được dự báo sẽ giảm từ 2-3 cấp. Đến đêm 10, rạng sáng 11/11, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm còn khoảng 75-100km/h. Như vậy, so với các dự báo trước đó, cường độ bão đang giảm nhanh. Vùng ven biển miền Trung vẫn hứng chịu cấp gió nguy hiểm song mức độ cũng giảm đi. Các đài dự báo quốc tế đã hạ mức cảnh báo đối với Haiyan.
Theo cơ quan khí tượng, lượng mưa trút xuống miền Trung sẽ ít hơn dự báo trước đó. Tâm mưa sẽ dồn vào đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc Bộ.
Ven biển và các đảo từ Quảng Trị đến Quảng Bình nhiều khả năng có nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5-3,5 m; sóng biển vùng ven Hà Tĩnh - Hải Phòng dự báo có thể cao 5m.
Từ trưa và chiều nay Bắc Vịnh Bắc Bộ bắt đầu có gió mạnh. Gió bão đe dọa vùng ven biển Bắc Bộ và Thanh Hóa. Chiều tối 10 đến 12/11 đồng Bằng Bắc Bộ, bao gồm thành phố Hà Nội, có mưa lớn diện rộng, lượng mưa phổ biến khoảng 200-300mm.
Song song với việc sơ tán nhân dân đến nơi an toàn, các nhu yếu phẩm, lương thực gồm mì tôm, lương khô, y tá của quân đội và thuốc men đã được chuẩn bị đầy đủ.
|
Nhóm phóng viên