THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 November 2013

Đập thủy điện ngàn tỉ bị nứt dài, dân phập phồng lo!

ĐV- 9/11/2013  --   Đập thủy điện của công trình đầu mối hồ chứa nước Nước Trong bị nứt một đoạn dài hơn 80m vết nứt 2,5 cm, khiến hàng ngàn hộ dân huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đang sống trong lo sợ.




Nếu không may xảy ra sự cố, cả thị trấn Di Lăng cùng nhiều xã lân cận nằm gọn phía dưới vùng trũng, thuộc hạ lưu của con đập.

Ban quản lý: Không có vấn đề gì

Theo báo cáo của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 6 (gọi tắt là Ban 6) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vết nứt được phát hiện từ ngày 10/8/2013 khi kiểm tra mặt bằng bê-tông đập tràn ở cao trình 108,8 m.

Vết nứt có chiều dài 80,5 m kéo dài từ khoang đập số 7 đến khoang đập số 10. Chiều rộng lớn nhất của khe nứt 2,5 cm tại khoang số 8 và 9, chiều rộng nhỏ nhất là 1 cm ở vị trí khoang số 7 và khoang số 10; chiều sâu vết nứt theo báo cáo là 8,4 m.

Một số vết nứt có nước từ trong rỉ ra ngoài. Vết nứt có hướng đi xiên từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong khối bê-tông, có khả năng liên thông đến khe tách bên trong. Ban 6 kết luận đây là hiện tượng tách khe thi công giữa khối bê-tông tường thượng lưu và khối bê-tông đầm lăn ở hạ lưu.
Về biện pháp xử lý, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Ban 6, cho biết chủ yếu được thực hiện bằng giải pháp khoan neo thép theo phương thẳng đứng, bảo đảm liên kết khối bê-tông cốt thép với khối bê-tông thượng lưu tràn; dùng rót vữa (vật liệu kết dính) lấp đầy vết nứt…

 “Mọi công tác khắc phục sự cố đến nay đã cơ bản hoàn thành. Chúng tôi đang làm báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét. Đây chỉ là hiện tượng “khuyết tật” trong bê-tông, con đập vẫn an toàn, không có vấn đề gì”, ông Nghĩa nói.

Toàn bộ đập công trình đầu mối hồ chứa nước Nước Trong có chiều dài 571 m, tràn xả lũ dài khoảng 80 m, cao trình 133 m, có 1 cửa xả đáy và được làm bằng công nghệ đầm lăn.

Ông Huỳnh Văn Triêm, Phó Giám đốc Ban 6, cho biết mực nước trong đập tại thời điểm xảy ra sự cố tách khe thi công giữa 2 khối bê-tông ở cao trình 100,8 m. Hiện tại, mực nước trong hồ khoảng 40 m, dung tích khoảng 100 triệu khối. Theo thiết kế, đập có thể chứa tối đa 290 triệu khối nước... Với thiết kế này, không thể xảy ra hiện tượng vỡ đập do hiện tượng tách khe.

Đập Nước Trong nơi phát hiện vết nứt dài hơn 80cm rộng 2,5cm
Đập Nước Trong nơi phát hiện vết nứt dài hơn 80cm rộng 2,5cm
Dân thấy không an toàn

Tuy nhiên, đối với người dân, việc xuất hiện vết nứt rộng, sâu và dài như thế thì không thể an toàn. Theo một lãnh đạo huyện Sơn Hà, với lượng nước hiện tại nêu trên, nếu có sự cố xảy ra với đập, không những thị trấn Di Lăng mà nhiều xã khác, huyện khác nằm trên dòng chảy của sông với hàng chục ngàn hộ dân sẽ bị chìm trong biển nước.

“Sự cố nghiêm trọng như vậy nhưng chủ đầu tư không thông báo để chúng tôi biết tình hình. Chúng tôi chỉ mới nhận được văn bản thông qua UBND tỉnh”, vị lãnh đạo này nói.

Chính quyền huyện Sơn Hà yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm xử lý, chủ động báo cáo và phối hợp với chính quyền địa phương đưa ra các phương án đề phòng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân.
Cũng liên quan đến hiện tượng nứt đập, Thủy điện Sông Tranh 2 trước đây từng khiến chính quyền và nhân dân địa phương sống trong lo âu, sợ hãi suốt thời gian dài. Với lượng nước thấm qua hạ lưu  chảy ra ngoài qua thân đập là 75 lít/giây, được đánh giá là cao. Trong khi đó, một số thiết bị quan trắc đặt trên thân đập không có tác dụng.

Đoàn công tác yêu cầu chủ đầu tư cần phải rõ ràng và minh bạch trong lộ trình và thời gian khắc phục sự cố để người dân được yên tâm.
Chủ đầu tư cần phối hợp với địa phương lắp ráp các máy quan trắc trong thời gian sớm nhất để đo đạc thu thập số liệu về động đất, có phương án di dời dân ứng phó với sự cố vỡ đập nếu có.
Sau đó Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Động đất một mặt không lường hết được, mặt khác gây thiệt hại kinh tế, gây tâm lý hoang mang lo lắng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Vì vậy, Bộ Xây dựng coi nhiệm vụ an toàn cho người dân là số 1. Sau khi kiểm tra, có thể cho tích nước nếu an toàn, hoặc ngừng tích nước vĩnh viễn nếu không an toàn, vì an toàn cho người dân là trên hết”.

Công trình đầu mối hồ chứa nước Nước Trong có tổng vốn đầu tư được phê duyệt 1.250 tỉ đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Đây là công trình thủy lợi kết hợp thủy điện có nhiệm vụ cung cấp điện, nước cho các vùng hạ du... Công trình được triển khai từ năm 2005, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013 nhưng đến nay chỉ hoàn thành khoảng 70% khối lượng.
Dự kiến công trình hoàn thành vào năm 2015… Cuối tháng 9/2012, 3 tổ máy phát điện với tổng công suất 16,5 MW đã được đưa vào hoạt động.
Phương Nguyên (Tổng hợp)