SỐNG MỚI - 05/11/2013
Để hưởng ứng phong trào tiết kiệm, chống lãng phí nên Bộ VH-TT&DL đã vừa mới họp báo công bố một nghị định không giống ai, khiến dư luận lại được dịp bàn tán và mổ xẻ. Theo người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL thì “cực chẳng đã mới phải ban hành chế tài như vậy” bởi nghị định còn muốn “tiết kiệm” cả thời gian ”kính thưa” trong các cuộc hội họp thì đúng là một nghị định rất “văn minh” và sát thực tế “cực chẳng đã”.
Nghị định mới nhằm quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài. Nghị định này sẽ thay thế nghị định số 82 (ban hành năm 2001) và nghị định số 154 (ban hành năm 2004) nhằm điều chỉnh việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm được “thống nhất, khoa học, tránh rườm rà, tốn kém từ trung ương đến địa phương, phù hợp với truyền thống dân tộc, pháp luật và thông lệ quốc tế”.
Mặc dù ngày 16/12 nghị định mới có hiệu lực thi hành, nhưng ngay từ khi công bố, văn bản này đã vấp phải sự phản ứng từ dư luận. Ngoài việc quy định khá tỉ mỉ về trang phục, thưa gửi thì điều ngạc nhiên của nghị định này ở chỗ: trong khoản 2, điều 24, chương 6 về hình thức tổ chức các buổi lễ, nghị định quy định rõ: “Không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo). Không tổ chức chiêu đãi, trừ trường hợp quy định tại điều 11 của nghị định này”. Điều này đã vấp phải phản ứng khi áp dụng cho tất cả các ban, ngành trên cả nước, không loại trừ tổ chức xã hội nào, kể cả đơn vị kinh tế tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài đi nữa.
“Nếu áp dụng cho tất cả các đối tượng thì quy định này sai hoàn toàn. Nó chỉ có ý nghĩa xã hội đối với các tổ chức nhà nước là những đơn vị không cần quảng bá hoặc dùng ngân sách. Còn đối với doanh nghiệp tư nhân, việc tặng quà cho khách hàng hay tặng các biểu tượng, logo của doanh nghiệp là quyền của họ. Theo tôi, quy định này chỉ nên áp dụng với cơ quan nhà nước là những đơn vị cần tiết giảm chi phí công, còn với đơn vị kinh tế tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài thì nên để họ tự điều chỉnh. Nếu việc tặng quà hay biểu tượng không mang lại hiệu quả quảng bá hay kinh doanh, họ sẽ tự động ngừng chứ chẳng cần đến sự can thiệp của nghị định.” - luật sư Phạm Hữu Khánh Toàn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bình luận.
Ngoài ra, Bộ VH-TT&DL cũng cho biết nghị định sẽ không đi kèm thông tư hướng dẫn. Nghị định cũng không quy định hình thức chế tài đối với những đơn vị vi phạm. “Ai làm sai, cấp nào sai thì cấp đó phải chịu trách nhiệm xử lý ở cấp đó” - ông Phan Đình Tân (người phát ngôn Bộ VH-TT&DL) trả lời báo chí chiều 1-11.
Mặt khác, ông Tân cũng thừa nhận quy định việc tặng quà, biểu tượng, logo trong buổi lễ chỉ phù hợp với đơn vị nhà nước chứ chưa phù hợp với doanh nghiệp tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. “Đối với phía tư nhân, nghị định có tác dụng là cảnh báo họ đừng làm gì quá. Do đó, nghị định không có chế tài là vì thế. Cực chẳng đã mới phải đặt ra chế tài” - ông Tân nói.
Có thể nói, sau khi ra những quy định về tổ chức đám cưới, đám tang, không lắp kính trên quan tài, không quàn quan tài quá 24h… Bộ VH-TT&DL quả là biết lo xa cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhưng đáng tiếc, những quy định này dường như chưa phù hợp. Ngay cả các công chức là đối tượng sẽ bị phạt nếu không chấp hành theo quy định cũng tìm đủ mọi cửa để lách quy định. Bởi đơn giản những quy định này không theo những xuất phát điểm tự nhiên mà chỉ duy ý chí, thấy khó quản, khó bảo là cấm tiệt cho khỏi nặng đầu.
Trong khi, theo thông tin trên báo Lao động, mỗi phút họp Quốc hội, Nhà nước mất hơn 2 triệu đồng, tính trung bình một ngày đã chi ra cả tỷ đồng cho các đại biểu tại nghị trường, đó là chưa kể chi phí đi lại bằng máy bay, xe đưa đón, chỗ ăn nghỉ… mà như đại biểu Trần Quốc Tuấn là nếu bàn thảo ra được những quyết định có ích cho đất nước thì mới đáng tính. Chưa biết, nếu các kỳ họp Quốc hội mà không giải quyết được vấn đề gì thì có bị coi là… lãng phí hay không?. Nhưng với việc ra quy định tỷ mỉ chi tiết về lễ lạt, hội họp, thậm chí kiểm soát cả thời gian “kính thưa” giữa lúc Quốc hội còn đang xem xét ý định rút bớt thời gian các kỳ họp, có thể nói, Bộ VH-TT&DL dù ra quy định “nói xa xôi” nhưng như thế cũng đã là “dũng cảm lắm rồi!”.
Chỉ kính thưa người có chức vụ cao nhất
Nghị đinh 145 gồm 14 chương, 62 điều quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài. Trong đó, về mặt trang phục, nghị định quy định không dùng phù hiệu, nơ, hoa cài ngực. Khuyến khích khách mời, đại biểu và quần chúng dự lễ đeo huân chương, huy chương. Chương trình biểu diễn nghệ thuật không được quá 30 phút và phải được ghi rõ trong giấy mời... Ngoài ra, trong diễn văn hoặc báo cáo tại lễ kỷ niệm, “chỉ “kính thưa họ tên và chức danh” lãnh đạo có chức vụ cao nhất ở trung ương và ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị”. Bộ VH-TT&DL giải thích quy định này hạn chế số lần kính thưa và chỉ kính thưa một người có chức vụ cao nhất.
|
V.H