ĐV-05/11/2013 -- Sau khi ăn nửa củ khoai mì cao sản do mẹ đào được ngoài vườn, bé trai 2 tuổi đột ngột trợn mắt, ưỡn cổ, ói,...phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho trường hợp ngộ độc khoai mì cao sản. Bệnh nhân là bé N.V.H.E (nam, 2 tuổi, quê quán Kiên Giang).
Trước đó, mẹ bé E. đi làm cỏ ở Tây Ninh, thấy có bụi khoai mì cao sản nên nhổ lấy củ đem về.
Gia đình cho biết, do không hề biết là khoai mì cao sản là loại khoai có độc nên đã luộc để ăn. Tuy nhiên, khi ăn thấy khoai có vị đăng, nên không ai ăn nữa. Riêng bé E. được cho ăn khoảng nửa củ.
Khoảng 4 giờ sau khi ăn, bé E. đột ngột trợn mắt, ưỡn cổ, ói,…được chuyển cấp cứu đến bệnh viện Củ Chi TP.HCM trong tình trạng lừ đừ, khó thở, tăng tiết đàm nhớt, co giật, được đặt nội khí quản, sau đó chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1.
Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1 đã nhanh chóng rửa dạ dày cho bé. Trong lúc rửa dạ dày, phát hiện còn nhiều mẩu khoai mì trong dạ dày. Sau đó bé được cho uống than hoạt và truyền thuốc giải độc để giúp nhanh chóng lọai bỏ độc chất.
Tình trạng bé cải thiện nhanh chóng sau 12 giờ điều trị, tỉnh, thở oxy, hết co giật.
Theo bác sĩ Cao Xuân Phụng, khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1, khoai mì là loại nông sản phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, khoai mì có 2 loại: Khoai mì lương thực (là khoai mì thường, vị ngọt, ít độc tố) và loại khoai mì cao sản (thường trồng ở khu vực miền Đông Nam bộ, dùng làm nguyên liệu sản xuất bột ngọt). Khoai mì cao sản chứa nhiều độc tố, vị đắng, dễ ngộ độc.
Độc tố trong khoai mì là Glucoside, khi bị thủy phân ở dạ dày sẽ cho acid cyanhydric gây độc, ngạt tế bào. Khoai mì cao sản cây thấp, đốt dày, ngọn non màu xanh nhạt, lá màu xanh lục nhạt, cuống lá đỏ nhạt. Củ có vỏ ngoài nâu thẫm, vỏ lụa trắng chứa nhiều nước.
Hoài Thương