THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 November 2013

Sửa Hiến Pháp, lấy hậu thế cảnh báo đồng liêu!

HÀ NỘI (NV) - Sửa Hiến Pháp là công việc trọng đại. Hậu thế sẽ đánh giá Quốc Hội khóa 13 đã làm gì để thúc đẩy sự phát triển của dân tộc chứ không phải là cản trở tiến bộ.
Ðó là ý kiến của ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu cho dân chúng Sài Gòn tại Quốc Hội Việt Nam, trong buổi thảo luận về Dự thảo Hiến Pháp mới hôm 5 tháng 11.



Ông Trương Trọng Nghĩa - người vừa nhắc các đại biểu Quốc Hội phải có trách nhiệm với hậu thế. (Hình: Internet)

Hồi đầu năm nay, chính quyền Việt Nam tổ chức trưng cầu dân ý để sửa Hiến Pháp. Ðây là lần đầu tiên mà nhiều người, nhiều giới, công khai đưa ra hàng loạt đề nghị nằm ngoài dự kiến của chính quyền Việt Nam khiến họ lúng túng. Ðó là loại bỏ vai trò lãnh đạo toàn diện của Ðảng CSVN ra khỏi hiến pháp, là công nhận quyền tư hữu đất đai, là minh định việc thực thi nhân quyền, bảo vệ tự do, dân chủ.

Qua Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN, diễn ra hồi thượng tuần tháng 10, giới lãnh đạo Ðảng CSVN muốn kết thúc việc sửa Hiến Pháp ngay trong kỳ họp thứ sáu của Quốc Hội Việt Nam, đã khai mạc hôm 21 tháng 10 và sẽ kéo dài sáu tuần.

Dự thảo Hiến Pháp được trình cho các đại biểu của Quốc Hội Việt Nam đã gạt bỏ tất cả những đề nghị của nhiều giới, nhiều người, kể cả của những đại biểu Quốc Hội đã từng được nêu ra suốt từ tháng giêng đến nay. Ðó là không hiến định vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Ðảng CSVN. Loại bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Công nhận quyền tư hữu đất đai.

Hồi hạ tuần tháng 10, báo giới Việt Nam đồng loạt loan tin, đa số đại biểu Quốc Hội Việt Nam tán thành dự thảo Hiến Pháp và công chúng tỏ ra hết sức thất vọng. Họ gọi kế hoạch sửa Hiến Pháp cũng như việc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến Pháp là “màn kịch chính trị.”

Tuy nhiên diễn biến mới nhất cho thấy, một số đại biểu Quốc Hội Việt Nam đang cố gắng lội ngược dòng và chưa rõ họ có thuyết phục được các đồng liêu chống lại việc đồng loạt gật đầu theo chỉ đạo của giới lãnh đạo Ðảng CSVN hay không.

Trong buổi thảo luận về nội dung dự thảo Hiến Pháp, ngoài việc cảnh báo các đồng lieu về việc phải có trách nhiệm với hậu thế và việc họ làm (xem xét, thông qua dự thảo hiến pháp) tại kỳ họp này sẽ được hoặc bị hậu thế đánh giá là tiêu cực hay tích cực, ông Trương Trọng Nghĩa nói thêm, Quốc Hội đã từng bàn nhiều về giải pháp cho tình hình chung của quốc gia. Không ít ý kiến cho rằng, nếu không có những giải pháp toàn diện và đột phá thì tình hình quốc gia không thể chuyển biến tích cực một cách căn bản. Tuy có nhiều nguyên nhân nhưng ông Nghĩa tin là các đồng liêu cũng đã thấy là rằng, nguyên nhân chính nằm ở chỗ “đổi mới thể chế và luật pháp chậm bước so với nhu cầu của quốc gia.”

Ông Nghĩa, một luật sư, thành viên Ban Chủ Nhiệm Ðoàn Luật Sư Sài Gòn, đồng thời là thành viên bộ phận điều hành Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam, nhận định: “Việc đổi mới chính trị đã không đồng bộ và không theo kịp với đổi mới kinh tế như nghị quyết Ðại hội Ðảng XI từng nêu.” Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Nhân dân góp ý và chờ đợi sự thay đổi, trong đó có ba nội dung lớn cần được đổi mới, đó là đổi mới phương thức lãnh đạo trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, đổi mới thành phần kinh tế nhà nước và đổi mới về pháp luật đất đai.”

Theo ông Nghĩa: “Không ít ý kiến cử tri cho rằng Hiến Pháp sửa đổi là giải pháp cho mọi giải pháp. Trên tinh thần đó, vừa qua các tầng lớp nhân dân đã phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức dân chủ, tầm trí tuệ và văn hóa để đóng góp xây dựng Hiến Pháp sửa đổi.” Cũng do vậy, “Nếu việc sửa đổi Hiến Pháp lần này không đạt được yêu cầu đó thì chúng ta sẽ không tiếp thu được những tinh hoa trí tuệ nhân dân đã đóng góp mà còn bỏ lỡ cơ hội đưa công cuộc đổi mới lên một tầm cao mới, tạo động lực cho đất nước vượt qua nguy cơ tụt hậu, tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.”

Không xoáy vào yếu tố phải đổi mới chính trị như một yêu cầu không thể thoái thác như ông Nghĩa nhưng ông Bùi Mạnh Hùng, đại biểu cho dân chúng tỉnh Bình Phước tại Quốc Hội Việt Nam, công khai bày tỏ sự bất bình khi dự thảo Hiến Pháp xác định quản lý đất đai sẽ theo “pháp luật và quy hoạch.” Ông Hùng không tán thành đặt “quy hoạch ngang hàng với pháp luật,” khi thực tế cho thấy nhiều quy hoạch thiếu khoa học, thiếu thực tế, phải điều chỉnh nhiều lần, gây lãng phí đất đai.

Ông Hùng nhấn mạnh, về thực chất, quyền sử dụng đất là quyền tài sản. Luật pháp không công khai thừa nhận như thế nhưng thực tế là như thế và Hiến Pháp mới cần minh định như vậy. Hiến định như vậy mới có cơ sở cho quy hoạch, thu hồi, giải tỏa, đền bù theo đúng bản chất, mới đảm bảo sự công bằng, dân chủ và khách quan. (G.Ð)