THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

02 November 2013

Thủy điện là thảm họa mới ở Việt Nam

HÀ NỘI (NV) .- Dù nhà cầm quyền loan báo loại bỏ 424 dự án thủy điện nhưng tại Việt Nam vẫn còn 815 dự án, công trình thủy điện, trong đó 205 dự án đang xây dựng hoặc dự trù sẽ khai thác cho đến 2017.


Đập thủy điện Dak Rong 3 vỡ ngày 13/10/2012 sau khi tích nước và phát điện được có 2 ngày đầu tiên. (Hình: Nông Nghiệp Việt Nam)


Các con số vừa dẫn được trình Quốc hội CSVN sau khi cơ quan này yêu cầu nhà cầm quyền trung ương báo cáo về “Quy hoạch tổng thể cho thủy điện”.

Việc cho phép thực hiện ồ ạt hàng ngàn dự án thủy điện đã tạo ra một thảm họa mới cả về kinh tế, môi trường lẫn dân sinh. Chẳng hạn tại khu vực Tây Nguyên, ngoài chuyện nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng rất cẩu thả nên đã xảy ra hàng loạt tai nạn nghiêm trọng như vỡ đập, nứt đập,… khiến người chết, nhà cửa, ruộng vườn bị hư hại.

Xây dựng các công trình, dự án thủy điện đã làm Tây Nguyên mất 80,000 héc ta đất, gây xáo trộn sinh hoạt, sinh kế của 26,000 gia đình, phần lớn là người thiểu số.
Những dự án thủy điện được cấp giấy phép để thực hiện tại Tây Nguyên hiện là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự bần cùng. Chưa kể, chuyện xả lũ vô tội vạ của các công trình thủy điện sau hai trận bão thứ 10 và thứ 11 còn làm chết thêm hàng chục người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.

Sau khi thẩm tra, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội CSVN cho biết, việc quản lý chất lượng, an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa tuân thủ quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Khoảng 30% đập chắn nước của các công trình thủy điện nhỏ chưa được kiểm định. Khoảng 66% đập chắn nước chưa được duyệt phương án bảo vệ. Khoảng 55% chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.

Ủy ban này cho biết thêm rằng, từ 2006 đến 2012, Việt Nam có 160 dự án thủy điện đã chuyển 19,792 héc ta rừng thành đất xây dựng công trình thủy điện. Đến nay, diện tích rừng được trồng thay thế chỉ chừng 3.7%.
Nhiều đại biểu Quốc hội đại diện cho dân chúng Sài Gòn chỉ trích kịch liệt việc phát triển thủy điện theo phong trào. Phong trào này khiến Việt Nam mất thêm hàng chục ngàn héc ta rừng và khiến dân chúng sống ở khu vực hạ lưu của các công trình thủy điện thường xuyên lo âu vì những rủi ro không thể dự báo.

Một viên đại biểu Quốc hội tên là Nguyễn Văn Minh cho rằng phải có người chịu trách nhiệm khi xảy ra tình trạng “thích đưa vào thì đưa vào, không thích thì đưa ra”. Nhiều đại biểu khác đòi chế độ Hà Nội phải truy cứu trách nhiệm cá nhân trong chuyện cho phép thực hiện tràn lan các công trình thủy điện.
Vào lúc này, Hoàng Anh Gia Lai và Nam Trung, hai tập đoàn tư nhân đi đầu trong đầu tư vào các dự án thủy điện tại Việt Nam đã tuyên bố rút lui khỏi lĩnh vực này.

Hoàng Anh Gia Lai giải thích lý do tập đoàn này bán cả 6 dự án thủy điện là vì đầu tư vào thủy điện không mang lại tỉ suất lợi nhuận cao. Tập đoàn này cần tiền để cơ cấu lại nguồn vốn và tiếp tục đầu tư vào các dự án thủy điện tại Lào vì giá bán điện tại Lào cao hơn (giá bán điện tại Lào là 1,278 đồng/KWh, tại Việt Nam là 800 đồng/KWh).

Nam Trung – một tập đoàn tư nhân khác - cũng đang xúc tiến việc bán cổ phần trong dự án thủy điện Đồng Nai 2. Tập đoàn Nam Trung nắm 90% cổ phần của dự án thủy điện Đồng Nai 2 mà theo dự kiến sẽ phát điện vào cuối năm nay.

Theo báo chí Việt Nam, tập đoàn Nam Trung cũng đang tìm nơi để nhượng lại một phần vốn trong 2 dự án thủy điện Krong Nô 2 và Krong Nô 3.

Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và kinh tế cho rằng, việc hai tập đoàn tư nhân: Hoàng Anh Gia Lai và Nam Trung rút ra khỏi lĩnh vực thủy điện là dấu hiệu khơi mào cho một cuộc tháo chạy khỏi lĩnh vực thủy điện của nhiều tập đoàn, công ty khác.

Lý do dẫn tới cuộc tháo chạy này được nhận định chủ yếu là vì, giới đầu tư đã đạt được mục đích chính: Dùng các giấy phép đầu tư vào thủy điện để phá rừng, tận thu gỗ.


Theo giới chuyên gia về năng lượng và kinh tế, các dự án thủy điện nhỏ không mang mục đích sản xuất điện. Số lượng dự án thủy điện nhỏ được quy hoạch và cấp giấy phép thực hiện rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên diện tích chiếm đất rừng lại không hề nhỏ (trung bình mỗi MW điện ngốn khoảng 14 héc ta rừng, một dự án 10 MW điện làm Việt Nam mất khoảng 150 héc ta rừng).

Không chỉ giới chuyên gia mà hồi tháng 9, chính Bộ Công thương cũng thú nhận, đang có rất nhiều dự án thủy điện dở dang, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về tiến độ, gây nhiều hậu quả tai hại về kinh tế - xã hội, chuyện trồng rừng để bù lại diện tích được phép phá để thực hiện “dự án thủy điện” bị làm ngơ. (G.Đ)